Wednesday, July 27, 2022

CHIỀU BÊN SÔNG GIĂNG

nguyễnxuânthiệp

Sông Giăng. Nghệ Tĩnh
 
     Bên bờ sông Babylon        
     Ta ngồi ta khóc
                          (Psalm 137)
 
1.
buổi chiều bên sông giăng
ta ngồi ta hát
khúc hát buồn chia đôi
một nửa. theo dòng sông
một nửa. vương bãi bờ
dòng sông thì mãi trôi đi
riêng mình ta dừng lại 
 
buổi chiều chở cát bên bờ sông giăng
ta ngồi ta khóc
trông về phương nam
ngọn gió hoan châu. rào rào cát chạy
nghìn dặm. bóng chim bay. nước sóng sánh bờ
những tấm lưới giăng qua ngày rộng
chiều lên
chiếc thuyền ai đỏ lửa
và vệt khói mờ trong mắt ta
dưới trời xưa. cuộc động quan. có phai
                                                  vàng. nát đá
giọt lệ nào rơi. chiều nay
ta xót ta. thân dã tràng. xe cát
biển đông. sóng dội. xô bờ
nỗi oan khiên một thời không bóng vang
 
buổi chiều. vớt sỏi. dưới lòng sông giăng
ta cười trong tiếng sóng
ai kia. đưa ta lên rừng
ai kia. đưa ta ra đầu ngọn suối
tượng đài ngươi đọ được với thời gian
tiếng cười ta
đánh thức. lớp cuội mòn. chiều nay
bia đá nghìn năm. bồi hồi. xao động
nói gì với mai sau
nói gì với các thị trấn bên bờ nước biếc
một tiếng cười dài. vang vọng. hư không
 
buổi chiều. kéo gỗ. bên bờ sông giăng
ta đọc bài cổ thi
câu nhớ. câu quên. lời tan trong gió
lòng ta ơi. mãi không yên
nghìn năm. cơn đau. sóng vỗ
chiều bên sông giăng. và ta
chiều động giấc mơ ngàn
hồn ta theo trăm cây gỗ lớn
gập ghềnh lối voi đi. trâu kéo. mưa nguồn
giăng giăng bến cát
những ngày qua. nằm dưới cơn mưa cố lũy
trắng trời lau thưa
mắt gỗ vàng. và mắt ta. qua thế kỷ
đã thấy vết chàm in sậm mặt người
buổi chiều bên sông giăng
chờ một vầng trăng mọc
chưa kịp nhìn trăng. trở gót ta về
hẹn với khoang thuyền khuya nay
hẹn cùng dòng sông. và bè gỗ
đón cho ta vầng trăng
một thời ngủ mê trong cơn sốt đỏ
giấc mơ ta ơi còn lại chiều nay
 
2.
chiều tháng ba. sấm động
ta kẻ cuối cùng rời bãi sông giăng
bước mỏi. trèo lên quán dốc
nhìn nước. nhìn trời. trời nước mang mang
hồn xưa chợt hiện
voi thiêng nghìn cỗ. bằng ngàn
rú gầm
ngả rạp. rừng trâm hương
quan san
quan san
rùng rùng vó ngựa
chớp ánh lửa nguồn
ta gọi ai
ai gọi ta
những cõi người thất lạc
này tiền kiếp của ta ơi
thức dậy
thức dậy. cuộc diễu hành qua cõi đá vàng
ta thấy ta đi trên dặm trường sa mạc
ta thấy ta đi tận cuối rừng lau
theo ta đám dân du mục đói nghèo
đã khuất dưới trời đại nạn
ta thấy ta đi giữa rừng tuyết ủng
áo rũ bạc màu trăm mảnh xác xơ
mặt mũi gầy nhom
đâu cô bé chăn dê cho ta bầu sữa
hồi sinh. giữa giấc. càng đau
lá bối chép kinh đã tàn ánh lửa
riêng một góc đời chưa rạng chiêm bao
 
chiều sông giăng
tháng ba ù ù sấm động
những tấm lưới phơi giờ xếp lại
thuyền về bến xa
ai thổi lên cho ta chiếc còi vỏ ốc
âm thanh khuất cuối bãi ngàn
năm năm đời ta ngọt bùi chẳng biết
đường đi. mỗi bước. một dài
lán cỏ. giường tre. cơn mơ đã mỏi
đợi một tiếng gà mòn giấc canh khuya
năm năm. những chíếc roi. quất ngược
cửa hiện thời búa bổ. ngày rơi
 
chiều bên sông giăng
tháng ba bồi hồi sấm động
màu ráng trời rớt xuống hồn ta
cháy đỏ
những vệt sầu cổ thi
này hiền sĩ xưa ơi. cuộc lãng du ai
        quên nỗi đói nghèo. ngày lại ngày
        dắt lũ chó vàng đi săn chồn cáo. bước
        chân qua chín mươi chín ngọn non
        hồng
chiều đang gọi qua truông
về chưa. về chưa
tháng ba. quanh trời. sấm động
chiều nghi xuân. u uất. màu mây
ai xưa. múa con dao dài. chặt giang đốn
           củi. ngày ngày theo ông vượn vào
           hang sâu. nhặt trái gấm ăn xót dạ.
           hồn xanh đắm giạt mây ngàn
ngày về chết bãi sông tương
tràng an ơi. san sát bờ lau sậy xa
thơ ai. chảy máu bầu trời
 
ôi nguyễn du. đỗ phủ
tôi nay cùng đường
dừng lại bên sông
hái ngọn rau lang. chiều reo. mệt lả
gọi cùng mây nước trôi đi
 
chiều bên sông giăng
tháng ba đi trong tiếng sấm
lòng ta. trái khô rơi. mấy mùa
nắng đã phai vàng trên mái rạ
tháng ba ơi
đâu tiếng gà đầu thôn cỏ đưa hơi ấm nồng
gió lên rồi. gió lên
gió trên những đường dây giăng qua
                                trời rộng
mùa này khua rộn sắc âm
giục giã
chiều. theo cánh chim quen. bay vòng
                              qua biển bắc
tìm một cành biếc trong mưa
biển cũng bồn chồn như lòng ta mở
                          ra khi chiều tối
chiều sông giăng
ai trên đường về. nón lá tả tơi
hứng những giọt mưa đầu mùa rơi qua
                           đồng nội
mang trong nếp áo
dư vang sấm động
thôi hãy về. khêu cao ngọn đèn che gió.
                                     qua khuya
bởi trời tháng ba nơi đây chẳng còn  chút lửa
người đi. dấu cỏ. mịt mờ cầu sương
 
tháng ba ơi
bông nhãn đã tàn
bông muối rụng dày trên mặt đất
lòng ta. chùm bông giẻ. chiều nay
phai rũ
quê nhà có còn áo phơi
hay đã bay lên trời.tắt nắng
thoảng mùi nhựa thông trong ký ức
mùi hương ấu thời
hương những đồng cỏ cháy ban trưa
tuổi nhỏ ta về dưới mái tranh gió thổi
nụ cười trong mơ
thôi đã tắt hết. sắc màu. mùi hương. ánh sáng
đêm nay áo mỏng thân gầy
nằm nghe. chớp bể mưa nguồn. về tự
                              sông giăng
dưa muối quê người lòng ta càng xót
em dưới trời cố quận
có cùng nghe. sấm dội. chiều đi qua
 
3.
hẹn mùa sau hái bông giẻ vàng
thả trôi theo dòng nước sông giăng
mùi hương ngái tự trong lòng đất
bao năm rồi không tan
của ta. một chút tình hoang dại
của thể kỷ này. một nỗi sầu vang
gửi tặng em. tặng đời u uất
một chiều nào chết bến sông giăng
 
NXT
Nghệ Tĩnh, 1980
 
 
Mời nghe Chiều Bên Sông Giăng. Từ Công Phụng phổ nhạc và hát
 

Tuesday, July 26, 2022

CÁI CHẾT. CỦA MÙI DẠ LÝ HƯƠNG

nguyễnxuânthiệp
 
Hẻm Sài Gòn xưa
 
mùi dạ lý hương
khuya nào
trong con hẻm
chiêu anh nguyễn
đã chết
theo mùa hè. xa

cùng chết. rực tim
mùi hương cà phê
chiếc bàn gỗ
bức tường. tranh graffiti
bông sứ. rụng
vang hưởng. tiếng đàn thùng năm xưa. guitar ballad
con hẻm. khúc h. dạ lan. không về lại
chia tay. người nghệ sĩ. chia tay
với chiếc kính
đôi mắt
tượng đá. xưa*
 
chỉ còn
cánh bướm. khô. trên căn gác. rơm rạ. mùa đông
NXT
 
*hình tượng TCS 



Monday, July 25, 2022

NÓI GÌ ĐI, DÃ QUỲ!

nguyễnxuânthiệp  
  

Dã quỳ. Đà Lạt 

Trên mặt đất này chen chúc muôn hoa
Mỗi loài hoa có riêng một ngôn ngữ
Nói với riêng tôi là đoá dã quỳ
Bấy nhiêu năm ở núi rừng Đa Thọ.
 
  Những câu thơ trên là của Nguyễn Đạt viết về hoa dã quỳ ở đồi núi vùng Dran, Bào Lộc Lâm Đồng.
  Riêng với Nguyễn này, những buổi sáng đầu hè đi bộ chuyện trò với người, Nguyễn vẫn thường gặp cây hoa quỳ ở gần thùng thư của một nhà trong xóm. Ở đây, xin phép nói rõ thêm một tí vì sợ bạn bè trong nước hay bên châu Âu không hình dung được. Trong xóm Nguyễn ở, ven đường trước mỗi nhà có một cái thùng thư bằng gạch xây. Bên cạnh thùng thư là một bồn nhỏ để trồng hoa. Tùy thích, mỗi nhà trồng bất cứ thứ hoa gì. Iris, day-lily hay thủy tiên, tulip... Riêng nhà nọ trồng một cây hoa quỳ mùa này đang nở hoa. Mỗi sáng Nguyễn thường đi qua cây dã quỳ này. Và nó bắt mình dừng lại nghĩ ngợi, mơ tưởng. Những đóa quỳ vàng của tôi ơi, các bạn nói với tôi nhiều lắm.
   Này hoa quỳ! Trước hết, các bạn nhắc tôi nhớ tới bông hoa quỳ trong thơ Ý Nhi. Nó nở trong vườn nhà ai ở Đà Lạt. Có lúc nó là ánh mắt nhìn chờ đợi một ánh mắt hoặc một lời nhắn gởi chờ ai đón nhận. Có lúc nó như ngọn đèn ai thắp trong chiều mong bước chân về. Ôi chiều nay, ta cũng như đóa quỳ vàng kia, chờ một ánh mắt nhìn, một tiếng nói, một tiếng chân trên thềm nhà. Và, như đáp lại, tiếng hát -hình như của Mỹ Linh- từ chiếc radio văng vẳng, cũng trong chiều nay, những bước chân ai trên hè phố trở về trong ánh đèn đường. Này hoa quỳ! Hoa quỳ cũng nhắc ta nhớ đến câu chuyện tình ở tận bên vùng Provence miền Nam nước Pháp. Ở đó, trong một chung cư, có hai người trẻ tuổi yêu nhau rồi chia xa. Khi người con trai lên đường nhập ngũ, chàng hái tặng cô gái đóa quỳ vàng, hẹn rằng khi mùa hoa quỳ nở chàng sẽ trở về. Thế rồi bao mùa hoa quỳ đã qua, chàng trai vẫn không trở về cho đến một hôm người con gái nhận được tin người yêu tử trận. Từ đó, cứ mỗi mùa hoa quỳ nở, cô gái lại hái những bông quỳ vàng rắc đầy lối đi, để tưởng nhớ... Nói tới vùng Provence miền Nam nước Pháp, mình  lại nhớ những bông hoa quỳ trong tranh của Van Gogh. Hình như có tất cả là 12 bông, vàng rực rỡ và đau đớn. Ấy là những năm cuối cùng trong cuộc đời nhà danh họa.
  Này hoa quỳ! Hoa quỳ thân yêu. Mi còn đưa ta trở về với con đường Hàm Nghi ở Đà Lạt -con đường từ khu Hòa Bình lên chùa Linh Sơn rồi nối liền với đường Võ Tánh nơi có Quán Nhạc nổi tiếng. Ở đó, một thời cũng đã có một mối tình thật đẹp. Hoa quỳ nở suốt dọc đường đã làm chứng cho hai người. Và tiếng hát của những bông hoa quỳ, vừa rực rỡ vừa đau đớn, sẽ còn mãi mãi ngân vang. Cho dù về sau tình tan vỡ thì cũng đã có một thời nơi đây tình đẹp với hoa quỳ. Từ những bông hoa quỳ ở Đà Lạt, tôi đi. Qua những thành phố, thị trấn, thôn làng. Trong mưa, nắng cháy và dưới trời hoa tuyết bay. Đi để rồi gặp lại. Gặp lại người, gặp lại mình, gặp lại hoa quỳ. Trong một truyện ngắn viết cách đây nhiều năm, lấy khung cảnh những ruộng dã quỳ trên đường từ Oklahoma đi Kansas, cũng do định mệnh, nhân vật chính của tôi đi tìm người yêu xưa đã lạc vào không gian màu vàng của dã quỳ và không về nữa.     
   A, trí óc của Nguyễn tôi lại như vượn chuyền cành, nhảy từ nơi này sang nơi khác. Xin bạn đọc hiểu giùm và tha thứ cho. Chỉ còn một thắc mắc cuối cùng xin gởi đến hoa quỳ. Này dã quỳ ơi, tôi đã đi từ ngày xưa những con đường của Đà Lạt để tới thành phố Garland này, trải qua bao biến dịch có tiếng cười tiếng khóc, cả cái sống và cái chết, để gặp lại hoa quỳ nơi đây. Vậy phải chăng hoa quỳ bây giờ cũng là hoa quỳ ngày xưa, và tôi bây giờ cũng là tôi bao năm trước. Hoa quỳ ơi, xin nói giùm tôi!
NXT
 

Sunday, July 24, 2022

M Ù A H È T H Ậ T N G Ắ N

Hoàng Xuân Sơn
 
Gayle Kabaker
 

điểm tâm cây
có lá mừng
chút hây hây gió
của chưng cất nồm
mùa hè rỗn rãng vòng ôm
nắng thì kêu mệt
người lồm cồm đi
thẫm xanh hái vội nhu mì
tặng vườn nhà đẹp
hoa thi đóa mùa
rồi người thầm đếm giấc mơ
mệt chân ngồi nghỉ
cùng thơ thẩn này
giản dị như cầm ngón tay
vẽ thêm một nét chơn mày
của mưa
 

)(
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
hai mươi mốt tháng bảy,
năm 2020
 

 

Friday, July 22, 2022

CÁI NHÌN NHÀN NHÃ VỀ THƠ VĂN TRẦN YÊN HÒA

Cung Tích Biền

Trần Yên Hòa. tác phẩm

  Tôi đọc khá nhiều, thượng vàng hạ cám. Suy ra một điều, viết văn giản dị, gọn nhẹ rất khó. Những tài năng lớn, người ta viết như đùa. Như một hơi thở. Ở họ, sự giản dị, dung dị đến dị thường. Và, sự tầm thường đến lạ thường.
   Trần Yên Hòa không tới chỗ đó. Chỗ khác, anh thật thà, nồng nàn một cuộc Rong Chơi, với đời, chỉ là thông qua chữ nghĩa.Trần Yên Hòa đến với văn chương thi ca, như chiều lên, ta thả một con diều trong gió vàng. Con diều bay. Lây lất rung chuyển thế nào? Tùy tâm thái nơi mỗi người nhìn. Có cái nhìn nhục / tục nhãn đến cái suy tưởng của nhìn tâm nhãn, trí/ tuệ/ huệ nhãn.
   Cái tên người nó cũng vận vào mệnh đời người. Nó nói khá rõ cái thế đời của người đó. Trần Yên Hòa, 3 âm Bình, không có Trắc nào. Một dòng lãng đãng êm trôi.
   Theo tôi hiểu, một cái hiểu mạo muội. Trong Hán tự, phát âm theo thuần âm Việt, có nhiều từ Yên đồng âm, khác nghĩa. Trong đó có 2 [hai] từ Yên, nên bàn qua sẽ rõ đôi điều.
   Trần Yên Hòa. Yên này không phải Yên là khói []. Yên ba là khói sóng. // Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu // Chiều hôm chẳng thấy cổng làng, trên sông khói sóng gợi lòng sầu ai. [Hoàng Hạc Lâu - thơ Thôi Hiệu, tôi tạm dịch]
Yên Hòa. Yên đây chính là An [] ; an lành, an vui, thái an, an cư lạc nghiệp. Theo cấu trúc hội ý của Hán tự, chữ An gồm phần trên là bộ Miên [mái nhà], nửa dưới là chữ Nữ. Con gái ở trong nhà, dưới mái nhà cùng cha mẹ anh em, là an toàn, phúc hạnh.
Yên là một thông vận với An. Tục lệ xưa, có tế  lễ Kỳ yên, chính là lễ Cầu an. Phép nước có Trị yên, nghĩa là trị an.
   Hán tự có nhiều thông vận tùy thời mà đọc khác nhau, nhưng cùng nghĩa. Chính/chánh; nghênh/nghinh; yên/an;  mệnh/mạng; thì/thời… Xa xưa, là chánh trị, hành chính, tài chính, hoan nghinh, bình yên, cách mệnh…nay là chính trị, hành chánh, tài chánh, hoan nghênh, bình an, cách mạng, lâm thời…
Nói dài dòng văn tự vậy, để thấy Yên Hòa đây không phải nóng bừng, bốc khói. “Nổi lửa lên em”. Sớm mai chiều tà, xuân lan thu cúc, chỉ là một Trần Yên Hòa một khuôn mặt phúc hậu, luôn tươi vui, giọng nói nhỏ nhẹ, hành tung hiền hòa ổn định, cư xử với anh em có cái chí tình, chân thiện. Ngồi nhậu với Hòa là bổ đổm an lành, chung rượu nghĩa tình, thầm lắng trong mỗi niềm riêng, vắng biệt những lời giận hờn, mắng mỏ đặt điều bôi nhọ sau lưng.
   Hiền hòa, nhưng rất mực chịu chơi. Nhậu tới bến. Tận tụy với văn chương. Nhiều chục năm, thiết trang mạng riêng để giới thiệu văn chương cổ kim, đó đây, bạn bè. Trân trọng, lễ phép, nhiều giao tình với anh em.
*
   Khi đọc tác phẩm Mẫu Hệ của Hòa, Nguyễn Lương Vỵ đã viết :
 "Mẫu Hệ", với nghệ thuật dẫn truyện lôi cuốn người đọc, tái hiện được hiện thực sinh động bằng bút pháp tỉnh táo nhưng nhạy cảm, nhất là những mẫu đối thoại dung dị nhưng lột tả được tính cách từng nhân vật. Cốt truyện được thu nhỏ trong gia đình của Nại Hiên và Soại, nhưng bối cảnh không gian, thời gian và những nhân vật phụ khác trong truyện, đã cho người đọc hình dung một cách khá rõ nét về những bi kịch của miền Nam trong thời điểm lịch sử đó.
"Mẫu Hệ", tuy chưa đạt tới tầm cao văn chương như nhà văn đã khiêm tốn tỏ bày trong "Lời Mở" ở đầu sách, chỉ là do ngó nhìn bốn phương tám hướng vào thời điểm lịch sử đó mà nhà văn "động lòng viết chơi", nhưng khi đọc xong truyện, gấp sách lại, người đọc vẫn còn rung động tâm can. Nỗi đau vẫn còn đó! Như vậy, nhà văn đâu phải "động lòng viết chơi", mà viết bằng tất cả tâm lực, rung cảm của mình, không phải là "hư cấu" mà trung thực bằng những điều mắt thấy tai nghe của một người vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đầy bi thương ấy. Đây cũng chính là giá trị nhân văn của "Mẫu Hệ" vậy.
[Đọc Lại Mẫu Hệ, Nỗi Đau Còn Đó]

   Vào Cõi thơ của Trần Yên Hòa, Phan Tấn Hải đã nhìn với cái nhìn khá tinh tế:
“Đó là một tập thơ, khi bạn mở ra đọc vài trang, sẽ thấy như bị lôi cuốn đi mãi theo dòng ngôn ngữ. Bởi vì, thơ Trần Yên Hòa có nơi không còn là chữ, mà đã là cái gì rất gần gũi với chính bạn. Tuyển tập thơ của anh không chỉ là dấu mốc sáng tạo thi ca Trần Yên Hòa, mà cũng là một tấm gương soi mặt hồn thơ cho một một thế hệ, những người sinh ra và trưởng thành trong một cuộc nội chiến, và đã đào tỵ vào thơ như một thế giới hòa bình bay bổng riêng.
    Khi mở ra các trang sách Trần Yên Hòa, tôi tự thấy chính hồn mình hiện ra lơ lửng giữa những dòng thơ của anh. Sức mạnh thi ca của Trần Yên Hòa là, qua thơ, anh hòa nhập với tình tự của hồn nước, với dòng chảy ngôn ngữ của dân tộc. Hãy hình dung thơ như một dòng sông đón nhận trăm suối trôi vào. Thơ Trần Yên Hòa là một dòng sông, nơi đó tôi đứng nhìn thấy cả chân dung dân tộc, có hình tôi, hình anh, hình ảnh cả một dòng chảy dân tộc. Của những năm khốn khó, gian nan, và thơ mộng.
[Đọc Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ của Trần Yên Hòa]
   Trần Yên Hòa làm thơ viết văn khá dễ dàng như một thú vui thường nhật. Nhàn nhã bình thản. Tưởng như là không cho thơ văn của mình quảy trên lưng vác trên vai, đội đầu những sứ mệnh, những liên lụy sử lịch, những bụi hồng trần. Nhưng khi tôi tình cờ đọc bốn câu thơ dưới đây, tôi hiểu Trần Yên Hòa không xa cách với cáí tình dân tộc, nỗi cảm hoài với vận mệnh chung của lịch sử và riêng mỗi phận người. Quả là cái rùng mình lạnh toát đêm thâu.
Đêm thức trắng dòng dòng câu cổ lục
Rớt xuống hồn thành giọt lệ ứa khô
Quả đã quá sáu trăm năm Nguyễn Trãi
Trái tim người còn để lại ngàn sau
[Đêm thức trắng nhớ Côn Sơn]
*
   Trần Yên Hòa là người bạn vong niên của tôi. Trong cùng một vận mệnh chung, kẻ trước người sau, cùng áo lính, hát vang lừng “Ngày bao hùng binh tiến lên”, quân trường Thủ Đức; cùng bầm dập trước con mảnh thú thời cuộc, chinh chiến, bạn thù, tư tưởng, những hy vọng khôn cùng và bao thất vọng cháy lòng. Cùng một quê hương xa hút tâm trạng Thôi Hiệu, cùng một tha hương trên đất Mỹ. Cùng một nhớ nhung cuống rốn chưa lìa nơi Đất tổ. Chính thế, chúng tôi có rất mực tương phùng trong chữ nghĩa. Có tâm giao rõ thực, tận lòng cuộc đời thường.  Cùng trong đêm đất Mỹ nhớ “Trăng Sài Gòn” / Du Tử Lê”. Cùng một nòi tình, đêm bỗng dài dặt những mộng đời. Nói theo cách khuynh loát ngôn ngữ Phạm Công Thiện, “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”.
Có thể, để chấm dứt bài viết, nên ghi lại một nhận xét của Du Tử Lê, một nhà thơ nhìn về nhà thơ, như một kết luận:
   “Ở mặt nào của quá khứ hay hiện tại, thơ, văn Trần Yên Hòa cũng cho thấy tính nồng nàn, tha thiết, chân thực với từng cảnh đời. Có người cho rằng, Trần Yên Hòa không chủ tâm làm văn chương, hiểu theo nghĩa không hề tô vẽ thêm cho mọi trạng huống đời sống ông kinh qua - Luôn cả những phân cảnh hư cấu, cho thấy, ông giống như một người ngoài cuộc… Bởi vì căn bản, văn chương của ông, là những trang nhật ký, viết riêng cho mình, trước nhất. Luôn cả”.
(Du Tử Lê, nhật ký đời sống trong thơ, văn Trần Yên Hòa)

CUNG TÍCH BIỀN.
Thị Trần Giữa Đàng. 
6- 2022.

LÁ BAY LAN CÓ ĐỨNG NHÌN

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Hoa đỏ. Hình của tác giả
 
còn lại ngón tay của lan đan kẻ trên bầu trời
tôi về mưa rơi ngoài vùng phủ sóng
có một ngọn đèn ở ngã tư hoa nở
hoa gạo đỏ hồng màu môi lan ngược gió
tôi thả từng sợi tơ hong của phố phường mất ngủ
cho tóc lan ướt sũng xuống ngực
lan nở nụ cười lên từng nhịp bước
từng móng tay sơn đỏ xoắn xít ngõ hồn
 
tôi lách vào mắt lan chờ trăng trôi đúng hẹn
chờ gót chân lan xỏ dép vào khuya
tôi cứ tưởng lan khỏa thân vào vùng bóng tối
đôi mắt mùa thu như tầm tan mấy nụ
nghe tiếng đóng cửa đêm khuya
cho môi tôi khát
qua mấy nhịp cầu tôi thấy áo lan bay
 
tôi nghe tiếng nước xối vào mắt
của xế chiều rạp bóng cánh chim cao
bay về miền hải đảo
chiếc lá vàng rụng xuống cô đơn
trên con đường không có tuổi tên
lan theo cao tốc lên vùng biên giới
tìm dấu vết đầu đời
tìm màu trăng đổi gió
cho tóc lan thơm đầy ngõ sớm đầu hôm
 
mấy bữa rồi nóng rát chân đê
nghe khánh ly hát gia tài của mẹ
mà thế kỷ dài nằm chéo áo lên che
làm trái sấu rụng tròn cườm tay đeo xuyến
mùi long não khuya bên tả ngạn sông chờ
mà môi lan còn vương vấn
của chùa chiền sấm chớp
tiếng kinh cầu vào lòng mở áo tứ thân
 
tôi lại hắt hơi cảm lạnh nhức đầu
sương muối tháng giêng còn trên núm ngực
lá bay lan có đứng nhìn.
 
HUỲNH LIỄU NGẠN
2.7.2022
  

Thursday, July 21, 2022

KHÁNH MINH ‘CÒN CHÚT ĐỂ DÀNH’

Đỗ Hồng Ngọc

Khánh Minh và Phạm Thiên Thư. 2009
 
  Nguyễn thị Khánh Minh làm thơ rất sớm. 11 tuổi đã có thơ đăng báo nhi đồng, 15-16 tuổi làm thơ tình và 20 tuổi đã có những tập thơ đầu tay là Tặng Phẩm và Trăm Năm… và theo Khánh Minh nói, “nếu không có sự thúc đẩy của Nữ sĩ Tuệ Mai và nhà thơ Phạm Thiên Thư, thì chắc KM không mạnh dạn với thơ như thế”.                      
  Sanh ở Hà Nội, vài tháng tuổi đã về Nha Trang quê Nội và sau đó, về Saigòn với trường Luật, rồi bây giờ Los Angeles.
  Thơ đã xuất bản: Tặng Phẩm, 1991 Trăm Năm, 1991, Tơ Tóc Cũng Buồn, 1997, Đêm Hoa, 1999, Những Buổi Sáng, 2002, Bùa Hương, 2009, Hoa Mùa Cổ Tích, 2012, Ký Ức Của Bóng, 2013, Tản Văn Thi, 2018, Ngôn Ngữ Xanh, 2019, Đêm, 2021.
  Văn đã xuất bản: Bóng Bay Gió Ơi, Tản Văn, 2015, Lang Thang Nghìn Dặm, Tản văn, 2017, Còn Chút Để Dành, (“đọc” Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê) 2022, in tại Sài Gòn, lưu hành trong vòng thân hữu.
 
  Khánh Minh nói về thơ của mình:
  “Không theo một công thức nào khi viết, chỉ viết theo cảm xúc. Cảm xúc là điều đầu tiên quyết định nó phải được biểu lộ như thế nào. Nếu những cảm xúc đã tạo cho thơ tôi một dáng vẻ nào đó thì nó cũng nằm ngoài ý thức của tôi”. (Saigonline.com).
  Trên gio.o.com, trong bài phòng vấn của Lê Thị Huệ, Khánh Minh cho biết: Tôi vẫn luôn luôn viết từ cảm xúc tức thời của mình, về những điều tôi chợt thấy, hay về những điều ám ảnh và trở đi trở lại trong ý nghĩ mình, và tôi thường diễn đạt theo một thi pháp trong sáng nhất, trong sáng với nghĩa dễ hiểu, không nhiều ẩn dụ. Tôi mong là người đọc thơ tôi cảm được cái Thơ của nó không qua suy nghĩ. Một cái hiểu và cảm tức thì.
 Một ý thơ bật trong một khoảnh khắc cảm hứng nào đó, lập tức, nhạc lấp lánh trên chữ. Ý, Nhạc, Chữ, cả ba hầu như cùng lúc, theo cảm xúc mà hòa quyện một cách rất tự nhiên, đó là điều kỳ diệu của phút giây làm Thơ như tôi đã nói ở trên, đó là lúc tôi thấy mình rất là hiện hữu. Phải chăng, âm trong mỗi con chữ chính là hồn cốt của chữ? Và khi các chữ được gắn bó với nhau một cách như là “hòa âm” thì tạo nên Thơ hay, dù theo thi pháp nào đi nữa. Đầu óc hàn lâm sẽ giết chết thơ, nhưng cái “lý sự” của nhà thơ thì khác, nó là một thứ trực-giác-hồn-nhiên (tôi mượn chữ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ) -“thấy” ngay lập tức- đó là cái gạch nối giữa Nhà Thơ và người đọc, có được điều ấy từ người đọc thì sẽ có nhiều thiện duyên cảm ứng với nhà thơ.
 Ngoài những việc làm để duy trì cuộc sống, tôi chỉ miệt mài với Thơ, chỉ Thơ, đối với tôi đó là sinh hoạt tâm linh và tôi chỉ thật sự tồn tại để được là mình trong những giây phút ấy, đến lúc nào thời lượng đó càng nhiều thì tôi càng nhận ra ý nghĩa của sự tồn tại.
 Còn với văn thì sao?
 Hãy nghe Nguyễn Xuân Thiệp:
Đọc tản văn của Nguyễn Thị Khánh Minh – Bóng Bay, Gió Ơi chẳng hạn – nhiều người bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của tác phẩm. Tầng tầng những vẻ đẹp hiển lộng trước mắt: vẻ đẹp của tu từ, vẻ đẹp của hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc. Nói chung là nghệ thuật trứ tác và tâm hồn của Nguyễn Thị Khánh Minh.
Đọc Lang Thang Nghìn Dặm của tác giả, ta lại thấy mình một lần nữa bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của văn chương Nguyễn Thị Khánh Minh. Chiều ấy rất nhiều gió / đàn chim nhớ phố bay về. Và ta thấy Đinh Cường như một linh hồn trong suốt đang bay. Và trái tim ai kia mãi lang thang ngoài nghìn dặm khi ngoại chờ bên kia sông để nhận một đóa hồng. Và ai, ai về như hài cỏ trong lặng im của lá. Tôi bắt gặp hồn chữ phiêu du trong âm âm tiếng gió va vào ô cửa kính, trong ảo hóa mây trời trong dòng mưa vũng nắng. Đọc thơ người thấy mình nhỏ bé đi dưới cái huyễn lộng, hay chỗ nào, vì sao hay, hỏi như hỏi mây xanh, theo như đuối dòng nước trôi hoài kia. Chuyện trăng tàn là chuyện gì, chưa nghe thấu nỗi đã thấy rúng động. Trăng tàn giật mình thấy sững sờ cái núi lạnh biển im, tấm lòng kiên định băng khiết.  Vân vân… Những con chữ của Khánh Minh như những cái lá, những tia nắng đưa ta vào cõi thơ, cõi đẹp.
Có ai đó lại nói, con đường từ trái tim này đến trái tim nọ là con đường thăm thẳm của cảm thông, lại có khi chỉ cần nghe một nhịp đập của cảm ứng là khoảng cách trở nên vô nghĩa. Trên hành trình nghìn dặm này, tôi đã cảm được điều vô nghĩa ấy của không gian tâm linh. Một hành trình mà theo Tim Cahill thực sự không phải được tính bằng dặm mà bằng những người bạn…  
 Trần Thị Nguyệt Mai thì bảo “bằng trái tim mẫn cảm và ngòi bút thơ mộng, chị đã như một gạch nối đưa thơ văn vào trong tim người đọc với những bài giới thiệu thật đặc sắc. Và, hẳn nhiên, tác giả rất cảm động vì được chia sẻ. Như là: “Nguyễn Lương Vỵ, người thơ hát âm”, “Bất chợt thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Và gió…”, “Du Tử Lê, dòng sông hẹn hò biển cả”, “Lữ Quỳnh, Thơ. Và con mắt của giấc mơ”, “Lữ Kiều, chàng lãng tử của thời gian”, “Khuất Đẩu. Và cõi đẹp”, “Phan Tấn Hải. Người Tới Như Mộng”, “Lê Giang Trần. Chiếc vòng kim cô nhớ”, “Vũ Hoàng Thư. Hạt Nắng Phiêu Du”, “Hoàng Xuân Sơn. Quỳnh ơi, hồn nhiên một đóa…”, “Đỗ Hồng Ngọc. Ngoại chờ bên kia sông”, “Trịnh Y Thư, lắng nghe hài cỏ”, “Nguyên Minh, chân kiến dặm trường”…
 Còn nhớ, khi đọc Tản Văn Thi của Khánh Minh, tôi viết:
 Nhiều người bảo Tản Văn Thi của Khánh Minh là giấc mơ, là huyền thoại, là chiêm bao. Tôi không tin. Trái lại, nó rất hiện thực. Nó rất ở đây và bây giờ. “Đó là bức tranh sắc mầu cuộc sống”: bức tranh của một gia đình hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ như ‘Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo… Tôi nghe tiếng còi tàu… ’(Kỷ Niệm, Phạm Duy).
Tiếng chim ríu rít mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy.
Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa.
Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong sáng.
Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người.
Bóng mây tan nhắc tôi mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu.
Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời tâm kinh bát nhã.
(Khánh Minh, Khoảnh khắc giấc mơ) 
Và chỉ ở đó: Và một khi đã thấy biết (tri kiến) như thế, khi đã reo vui như thế, thì người ta sống với yêu thương, sống trong yêu thương, sống vì yêu thương:
“Yêu thương nhé” “nói cùng lá cứ sống hết mình xanh”,
“yêu thương ơi xin thức dậy cùng người…”
“yêu thương ơi khoảnh khắc sum vầy đơn sơ thế xin một lần được cất cánh bay”.
“yêu thương ơi chút lòng riêng xin chắt chiu nghe…”
 “Cho dẫu chiều rồi phai nắng...”
(Khánh Minh, Yêu thương ơi) 
 Những ngày triền miên đau yếu, Khánh Minh tìm thấy một niềm tin: “Sẽ đem theo trái tim đầy tin cậy”. Trái tim đầy tin cậy, ấy chính là ‘Tín tâm”. Hãy giữ lấy. Dù “Ngày xám đục những mây/ đứng dưới một cây phong bay những chiếc lá khô/ Không có loài chim nào đến hót/ Cơn bão rớt đem mưa làm nước mắt…”.
Thì cũng vịn câu thơ mà đứng dậy!
 “Tôi đi tìm những trang bản thảo, mảnh đất tị nạn bình yên của tôi. Nơi có trò chơi trốn tìm dưới ánh chớp những chùm sao đang va vào nhau vang dội. Âm thanh ẩn mật là chiếc chìa khóa cuối cùng tôi phải mở, cõi thách thức cảm xúc phục sinh. Tôi nhặt được một trang bản thảo lem luốc đầy vết xóa và tôi nghe tiếng tim mình còn hồi hộp đập…”. (Khánh Minh. Trong cơn bệnh).
 “…còn hồi hộp đập” nghĩa là còn sẽ nhặt nhạnh thêm nhé Khánh Minh.
 Khi đọc Đêm, tập thơ mới nhất của Khánh Minh, tôi chợt nhớ Đêm thơm như một dòng sữa của Phạm Duy (Dạ lai hương)
Hiu hiu hương tự ngàn xa
Bỗng quay về dạt dào trên hè ngoài trời khuya…
(Phạm Duy)
 
Đêm qua anh cùng em
Dặm đường nghe gió biếc
Đêm nay em nhìn lên
Thấy một vầng trăng khuyết 
 
 Chuyện hình như của Tagore: người chồng có chuyến buôn xa, từ biệt vợ, nàng âu yếm năm lần bảy lượt dặn đừng quên lúc về mua cho nàng một tấm gương tròn sáng như vầng trăng vành vạnh kia. Ngày về, chàng nhìn lên trăng, thấy một vầng trăng lưỡi liềm cong vút, vội vã mua một chiếc lược ngà…
Lại nhớ Trịnh: “Em đi qua chuyến đò, ối a con trăng còn trẻ/ Con sông đâu có ngờ, ngày kia trăng sẽ già” (Biết đâu nguồn cội).
 Ở Khánh Minh, thơ không chỉ là thơ mà còn là tiếng nói, còn là hạt lệ… còn là vòng tay, còn là hơi ấm từ trái tim biết đau xót nỗi đau chung:
Người đem theo nụ cười
Đi vào những biên giới
Những biên giới đôi co
Những biên giới gào thét
Bỗng nhận ra mình
Những phân chia hổ thẹn
 
Để rồi:
… Ngây ngô họ xúm gần tôi
Chỉ trỏ vào nụ tôi cười, ngạc nhiên
Quệt vào tôi những ánh nhìn
Hỏi tôi hạt nước mắt tìm ở đâu
Thưa, tôi nhặt ở tim đau… 
 
 Trong thơ Khánh Minh, ngọn cỏ với Ta là một, cùng uống ánh mặt trời, cùng tỏa ngát hương thơm, cùng rúng động vì tiếng chuông chùa trên núi xa kia để hòa vào vũ trụ mênh mông, không thể không nhớ…
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Phong Kiều Dạ bạc, Trương Kế)
 
 Một hôm, Khánh Minh kêu anh Ngọc ơi, vẽ cho em một bức chân dung nhe, tôi ngẩn người đành làm một bài thơ tạ lỗi vầy:

thục nữ
gởi khánh minh 
 
em bảo vẽ cho em một bức chân dung
chân dung người làm thơ
một người làm thơ nữ
trời đất ơi
làm sao vẽ được chân dung
một người làm thơ nữ
đom đóm hái sao
 
tôi nhắm mắt lại nhìn em
cho rõ
lần đầu gặp ở trương thìn,
đây khánh minh
rồi làm thinh
 
tôi thấy em thục nữ,
tại sao mà làm thơ
rồi nhìn thêm lần nữa
oan oan thư cưu
 
cho đến một hôm nơi ồn ào kia
quanh bè bạn thân quen đâu từ kiếp trước
em tặng mỗi người tập thơ còn ướt
những bài thơ hình hiện muôn đời
như không thôi đi được…
 
tôi nhắm mắt nhìn em cho rõ
thử hình dung ra cái hình dung
rồi vẽ vào không gian trong
một người làm thơ nữ
 
khi mở mắt ra
em tan biến
đành ghi vội mấy dòng
tạ lỗi!
 
Đỗ Hồng Ngọc
(9.2014)
 
 Biết tôi vừa vượt tuổi 80, Khánh Minh tặng cuốn Còn Chút Để Dành, gồm những bài viết của Khánh Minh về Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê bấy nay như một kỷ niệm, tôi đọc mà không khỏi giựt mình, vì Khánh Minh đã viết với một cảm xúc thi ca hiếm có, lại “nhìn ra” một Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê còn hơn mình “thấy biết” chính mình.
 Tô Thẩm Huy bảo “Tuyển tập Còn Chút Để Dành thu góp những bài viết đẹp đẽ đầy tình người của Nguyễn Thị Khánh Minh về Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê một lần nữa cho thấy có lẽ anh là người hạnh phúc và giàu có nhất trên đời.
 Xin được chung vui cùng anh. Và xin chúc anh an lạc trong lòng thương yêu, quý mến của mọi người”.
 
Lê Uyển Văn ở tận Trà Vinh thì bảo: Hạnh phúc của người viết là nhận được sự đồng điệu nơi người đọc. Em nghĩ người viết Đỗ Hồng Ngọc hạnh phúc muôn phần khi nghe được khúc hòa âm từ tác giả Nguyễn Thị Khánh Minh.
 Hơn tuần nay, em may mắn được đọc “REO TUỔI”, ngưỡng mộ vô cùng ngòi bút sắc sảo, uyên thâm mà dạt dào khôn tả; lại xuýt xoa với câu từ của chị Khánh Minh, thú vị và đẹp đẽ!
 Đúng lúc hoang mang vì tuổi tác chất chồng, em cảm thấy an lòng đón thêm tuổi mới khi được đọc những dòng này!
 Cảm ơn thật lâu với “Còn chút để dành”!

  Nguyệt Mai cũng kêu lên: Càng đọc càng thấy nữ sĩ Khánh Minh là một tri âm tri kỷ – rất quý của Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê). Đã hiểu anh một cách rất sâu sắc. Hình như chưa có người nào đọc ĐHN mà thấu đáo tận cùng như vậy.
 Vũ Hoàng Thư cũng bảo “Đọc tập Còn Chút Để Dành của Nguyễn Thị Khánh Minh viết về nhà thơ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc không thể không liên tưởng đến Bá Nha – Tử Kỳ, mối tri kỷ chỉ hiện hữu ở tình bạn tuy giữa hai người mà đã là như một. Tưởng là chuyện chỉ xảy ra thời Xuân Thu Chiến Quốc, ngờ đâu truyền kỳ ấy lặp lại giữa thời đại chúng ta. Thật là một tương lân thân tình hiếm có!
 Với một bút pháp sâu sắc, diễm lệ, Khánh Minh bắt đúng mạch và dẫn người đọc đến một thế giới thơ mộng Đỗ Nghê chan hòa giữa đạo và đời, nói đúng ra một nếp sống an lạc trong lục hòa. Từ đó ta bắt gặp một Bồ tát không tuổi bởi “Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là sinh nhật của anh.”  Anh sống trong hiện thị đương là, từng giây phút ngập tràn luân sinh chất ngất, vô thủy vô chung nên vô sinh, không sinh ra nên không chết đi cho lý nhân quả dừng lại. Không những thế ta còn khám phá ra những dòng thơ ngắn, cô đọng, đời thường của Đỗ Nghê vậy mà “vỡ òa ngực biếc” bởi những gì là thân yêu nhất không thể thay thế: tình quê, tình Mẹ. Và rất nhiều nữa.
 Cám ơn nhà văn Khánh Minh, không có những tản văn cô đọng và đúc kết như thế của cô, có lẽ chúng ta sẽ không thấy hết, thấy đầy đủ một viên ngọc quý: Đỗ Hồng Ngọc.
 
 Thanh Lương chỉ nói đơn sơ: “Còn Chút Để Dành”, cuốn sách tuy mỏng mà nặng… Bìa đẹp với mùa thu thơ mộng và lãng mạn, rất thích hợp với văn phong NTKM. Thanh Lương cảm nhận được một mối hòa điệu tri kỷ của người đọc và người được đọc. Thật không gì hạnh phúc hơn khi viết mà nhận được những đáp ứng sâu sắc ân tình như 7 bài viết của Khánh Minh. Tự nhiên Thanh Lương nhớ mấy chữ Hiểu và Thương của thiền sư Nhất Hạnh, Khánh Minh viết cảm nhận về văn Đỗ Hồng Ngọc như thế, không chỉ là Hiểu mà còn Thương.
***
  Lâu nay, ở cuối mỗi điện thư, Khánh Minh thường ký tắt km, chữ nhỏ, không hoa. Là “khánh minh”. Ai cũng hiểu vậy. Tôi bèn gởi mấy dòng cho km:
khánh minh ký tên mình
km khiêm tốn 
thư cho bè bạn
nhiều lúc đọc nhầm 
thành ki-lô-met
nhiều lúc nhủ thầm 
từ đây đến đó
bao nhiêu khánh minh?
(km – đỗ hồng ngọc)
 
ĐỖ HỒNG NGỌC
Saigon 7. 2022