Tuesday, July 31, 2018

MẠNG ẢO


Hồ Đình Nghiêm

Poetry. She was full of hope
Source: Internet

Anh viết một bức điện thư. Ngắn, không tới một trăm chữ, sắc huyền hỏi ngã nặng ơ á ớ đội mũ thêm râu hẳn hoi, dấu chấm than ngoặc đơn ngoặc kép đâu ra đó cho phải phép, rồi nhờ người chăm sóc trang báo văn học treo lung linh trên mạng lưới chuyển giúp.

Anh không có lắm bạn bè, vụng giao tiếp, lười tâm sự, ngại mang lại sự ngộ nhận cho ai đó. Nhưng hôm tình cờ xem được bài thơ vừa hiển thị, đọc tới lọc lui, anh nghĩ mình nên tỏ bày chút gì với tác giả, tựa một phản hồi đến từ phía người đọc thầm lặng.

Danh xưng thật khác lạ, anh đoán là bút hiệu. Thơ vẽ ra nhiều cảnh tượng nửa mông muội nửa hiện thực, góp lại chúng dẫn anh tới điều gì gần với một xao động, bất an. Anh vẫn quan niệm, rằng cái đẹp vẫn luôn chứa trong đó chút tật nguyền. Sự toàn bích là điều bất khả, có vậy nghệ sĩ mới luôn chối bỏ những gì họ từng nhào nặn ra. Không phải sao? Chúng ta vẫn sống thở trong vô vàn những mâu thuẫn đó thôi. Người ta ước ao được trở về thuở hồn nhiên mặc dù kinh nghiệm từng trải họ thủ đắc là điều cần thiết. Picasso từng cho hay: Tất cả những đứa bé đều là nghệ sĩ, vấn đề là khi lớn lên chúng còn giữ được chút gì không?

Theo sự cảm nhận chủ quan, anh ngờ số tuổi của tác giả hẵng phải lớn hơn mình. Và thư anh mở đầu bằng chữ “Kính thưa Anh”. Nếu là thời trước, bạn viết thư tay trên một tờ giấy mỏng, đợi mực khô bằng cách dò lại nội dung rồi gấp vén khéo cho vào một phong thư màu xanh có in sẵn chữ Tây u nằm dưới góc “Par Avion”. Mang nó tới bưu điện mua con tem đúng với giá quy định, lè lưỡi ra liếm cái vị ngọt của chất keo, đủ ướt để “chim cò” khỏi rơi rụng lệ phí đường dài. Xong xuôi, bạn chỉ còn duy một hậu vận: Đợi chờ sự hồi âm. Và thông thường “con nhạn la đà” bay ngon ơ những hai tuần. Tuỳ đối tượng, tuỳ nội dung khẩn thiết chất chứa trong phong bì, cái sự thư đi tin lại kia có làm cổ bạn dài bao phân thì cũng tuỳ vào “nhân duyên đức độ”, vào cái tâm cảm khi bạn trải lòng. Văn hay chữ tốt chẳng nói làm gì, có khi “thằng cha này cục mịch vụng về đến đáng thương”.

Nhưng hổm rày đã đổi khác, (có người dùng chữ đương đại cơ đấy!), đã tiến bộ, đã mang đôi hia bảy dặm, đã lỡ giết đi hình ảnh “con rùa bưu điện” mà có lắm kẻ hoài cổ vẫn xem đó là thứ hình ảnh lãng mạn đáng yêu. “Hôm nay trời đổ mưa, anh che dù ra nhà bưu điện. Mưa chẳng lớn, nhỏ hạt, nhưng anh vẫn ngại chúng làm hoen mờ dòng chữ anh viết cho em. Có thi nhân bảo: Nếu chữ nào em đọc không rõ, hãy nghĩ đó là chữ anh yêu em”.

Có cần cảm ơn sự tiến bộ của loài người không? Những kẻ tự nhận được sống trong thời đại a còng. Vì sao gọi @ là a còng? Bạn vẫn còn ám ảnh những ngày cùng khổ bị nhốt trong lao tù? Con chim thương tích thấy ná giàn thun giương lên liền hoảng vía? So đo, ví von, tức cảnh sinh tình, tựu trung trông gà hoá cuốc? Nhưng có hồ đồ tới mức nào đi chăng nữa, a được bảo bọc bao che trong vòng tròn nên lá thư lỏng lẻo của anh đã lọt vào mắt người nhận chỉ ba mươi giây, nhanh hơn một chợp mắt. Ngủ không êm một giấc thì “người ấy” đã có “biên” thư đáp trả tấm thạnh tình. Nhân viên bưu điện từng kêu trời không thấu. Nhanh chi nhanh lạ, đã không tốn tiền tem mà nhăng cuội suốt ngày chat chít bỏ mâm cơm nguội lạnh có người kêu vào ăn khô hơi rát cổ như thể gọi đò. Gượm tí, để giao lưu tình cảm đã nào. Ba vạn cũng bỏ bởi mấy khi…

“Cảm ơn anh đã quan hoài, chia sẻ. Không riêng anh, cái bút hiệu tôi dùng khiến đôi người vẫn ngỡ tôi là phái nam. Đàn bà không ưa nói về tuổi tác và tôi nghĩ chuyện ấy nào có gì phải bận tâm, già trẻ nhớn bé thảy đều anh em một nhà cả, huynh đệ thôi, đừng có lôi cổ chú bác dượng dì cậu mợ o thím gì vào thêm bát nháo, bởi đơn giản chỉ là huynh đệ mà có lắm khi đã kháu ó bất hoà chẳng thèm nhìn mặt nhau, hằn học hơn cả giận lẫy cuộc đời. Nếu như anh bảo thơ tôi y như của một con mụ già sáng tác thì lúc đó mới thực sự soi gương. Về điều anh hỏi chừng nào in ra một tập thơ? Tôi đã “đập gương xưa tìm lấy bóng”, đưa tay ra sờ lui sau ót, tự dưng mất đi hai ngàn đồng thì có phí phạm không anh? Chúc anh an vui. T.”

Khác bút hiệu “gân guốc” dương thịnh âm suy dễ gây hiểu lầm, nữ thi sĩ chỉ ký tên, dùng một đơn vị nằm lê thê trong bảng chữ cái: T. Thì tôi tưởng tượng thật thà, Trúc, Thương thường thấy tiệc trà từ tâm. Anh đắn đo, không biết mình có nên gửi thêm chút bợn lòng. Cõi ta bà này mêng mông chi xứ, hỏi cho ra là T đương ở đâu thì rõ là dễ rách việc. Và điều nên ghi nhớ, tất cả chỉ là không thực, dễ tan biến, chỉ lộ hình trên màn ảnh computer thôi, là mạng ảo. Dài lâu hơn mây qua trời rộng? Mây xám, bạc trắng hay xanh hồng? Dồn cục nặng nề, nõn nà hay lơ thơ mịn mỏng tựa một nhát cọ thuỷ mặc phủ phất? Tránh đường đột vồ vập, hãy nán chờ đọc tiếp một bài thơ khác xem sao, nhịn như kiểu “báo Hong Kong qua chậm một kỳ” hoặc trang chót của cuốn Thượng in hàng chữ “Xem qua hồi sau (ở cuốn Hạ) sẽ rõ”. Chẳng biết là cuối cuốn hạ có bày ra chữ Chung? Việc gì cũng vậy, có khởi đầu thì phải có chấm dứt, có sinh e nên tìm tới chữ diệt. Trong các loài hoa, hoa bất tử là loài xấu nhất hạng, xấu vô hậu, cứ trơ trơ mắt thị mà thách đố luật tuần hoàn. Không có điều gì là sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta cả, nhớ? Có chăng hoài huỷ một hoài nghi đến thắt lòng. Hòn vọng phu thi gan cùng tuế nguyệt mà trời mưa hoài mưa huỷ cũng khiến nước chảy đá mòn, hết trông rõ hình dạng mẹ bồng con: Sao cha mày học tập cải tạo gì lâu quá mạng, tính mút mùa lệ thuỷ hay sao đây? Sự tích thuật lại có nhẫn tâm? Nên chen cài hình ảnh có đứa ăn nói hậu đậu dừng chân bên chỗ “nàng” ngồi, chút thơm thảo xúi giục:

Chờ chờ đợi đợi mần chi
Nơi mô bưa nút bưa khuy cứ gài.

Hoặc có kẻ thật thà, vụng về tỏ tình:

Thương em nỏ biết nói chi
Cho em thước lụa để khi lau buồn.

Thấy người ta làm thinh, lại được trớn:

Đêm nằm nghe vạc kêu canh
Nghe chuông dộng sáng nghe anh dỗ nàng.

Chao ôi trần gian này nếu thiếu mặt “thi nhơn”, thì ta đành hoá đá cũng là sự ắt có và đủ vậy!  Hay chính những người mãi làm đẹp cuộc đời ấy đã hoán đổi việc ngồi đợi chồng trong dãi dầu gió mưa của ta thành ra hình ảnh một hòn đá thách đố thương đau? Đá có biết buồn để dùng lụa mà lau? Đá có thính giác để nghe tiếng chuông dộng sáng? Không ai đơm đặt những dấu hỏi quàng xiên kiểu đó và rồi một ngày đẹp trời đọc báo mạng ở trong nước loan tin: Bọn người mưu sinh vào việc đập đá đã vừa chính thức khai tử Hòn Vọng Phu. Chúng vô tình “tối tác” ra câu ca dao mới, rất đỗi thần sầu quỉ khóc:

Trăm năm bia đá cũng mòn

Bia chai cũng bể chỉ còn bia ôm.

Bia ôm là gì? Đó là thứ mà anh chưa thể một lần kiểm chứng, dù mường tượng được một hậu vận là “ba say chưa chai”. Chai bia hay chai lỳ? Rõ là nỏ biết điều phân giãi. Anh thích thơ của người ký tên T. dưới email hồi âm. Thích mà không nói ra cảm nhận rằng đọc thơ “chị” khiến đôi lần tôi mơ hồ nhớ về người tài ba Tô Thuỳ Yên:

“đau khổ riêng gì nơi gió cát
thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm”.

Chữ nghĩa anh kém cỏi, “chưa bưa”, thành khó mà gài xong những khuy những nút. Lại lợn cợn một hoài nghi, đôi lúc người vận xiêm y chớ gài kín bưng làm che mất một vùng thịt da nõn nường? John Lennon từng nói: “Hãy mở lòng ra và đóng miệng lại”. Anh đã nghe lời, đóng hòm thư chẳng viết thêm lời tán tỉnh khi biết thân phận kẻ ấy từ đờn ông thanh minh ra đờn bà.

Nam nhi lưu lạc sang biển ngoài một hôm tỉnh thức về phận lẻ loi, muốn lấp đầy, đa phần vẫn thực thi cách giải quyết: Về Việt Nam tìm bạn đời. Có đứa “buồn nhiều hơn vui" tìm ai đó trên facebook, có kẻ “yêu màu tím thích nhạc Trịnh” thì cuối tuần siêng giỏi chân vào chùa hòng nhặt được cánh hoa rơi. Có tay chẳng tin vào thần linh Chúa Phật, chỉ vin vào số mạng kiểu “một hôm trận gió tình yêu lại”, tới đâu hay đó, liệu cơm gắp mắm hay nước đến chân mới nhảy, rồi ung dung đưa ra triết lý lo bò trắng răng. Triết lý? Ừ, như thể bị phê bình ăn ở mất vệ sinh thì nghe được phản hồi “trâu bò mấy sạch”. Thấy ông nọ quen được cô gái trẻ liền chơi chữ trâu già khoái gặm cỏ non. Rồi phân bua là đừng giận, tính tui thẳng như ruột ngựa. Đi làm trong hãng xưởng nghe chủ tớ cãi nhau bèn gãi đầu: Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết! Mất việc thì sinh đổ bệnh, run như thằn lằn đứt đuôi, ho như gà, da xanh như đít nhái, nằm co quắp như tôm… Đến khi gượng dậy vác mạng đi khám thì bác sĩ dong tay chỉ về phòng mạch của bác sĩ thú y. Bài học rút ra, bạn nên bỏ tật ví von, rằng con người vốn quý nhất, sao cứ xem mình như con này con nọ mãi thế? Buồn như con chuồn chuồn. Chán như con gián. Nhỏ như con thỏ. Chảnh như con cá cảnh. Ăn trái me nghe ve hát… là thế nào? Thà mà bảo đời buồn như râu mọc thì nghe chẳng đến nỗi nào, nhỉ?

Đời có buồn không? Buồn vào hồn không tên thức giấc nửa đêm nhón dậy đi tìm nàng… Công án nọ đưa ra thật chẳng phải phép. Buồn, vui… vạn sự thảy do mình. Cũng do mình buồn chân, đi ngang cửa chợ luôn ồn ào thấy có dán tấm poster quảng cáo cuối tuần này có buổi sinh hoạt ra mắt sách của một văn hữu từ Mỹ sang với phần phụ diễn hát hò ngâm vịnh của lắm khuôn mặt khả ái địa phương. Và quan trọng nhất: Vào cửa tự do. Vậy thì cũng nên tự do mua lấy một niềm vui nhỏ. Có người nói “hoa là linh hồn của khu vườn, sách là linh hồn của căn phòng” vậy thì những ai ít mó tay tới cuốn sách, tâm hồn họ có tựa một góc vườn âm u đầy cỏ dại?

Theo lời quảng cáo in ở tấm bích chương, anh đến hội trường đúng giờ, vì anh đã vào quốc tịch xứ lá phong. “Không ăn đậu không phải dân Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam”. Vắng, bỏ qua đi nhen bị người Việt Nam thường đi trễ. Và khi có hơi đông, người nói tiếng Việt kháo nhau: Mình tới nghe chúng nó hát là chính, sách vở thì… em hổng dám đâu! Thật là “ca ra mà không ô kê” gì hết chơn hết chọi dị đó! Tự dưng anh nghĩ quàng xiên, có người Mễ nào suốt đời chẳng ăn một hạt đậu? Bởi anh biết chắc người Việt thì có khối đứa suốt đời không cầm lên một cuốn sách trong đôi bàn tay chật vật nức nẻ với ruộng vườn, chai sạn với cuốc cày, gặt lúa đãi trấu, sàng cát nhặt hến ở khúc sông đầy xác cá nổi trôi. Người nhiều chất xám vạch trần sự thật: Cá chết do bởi bị sặc nước! Than ôi sao cá ở xứ Việt lại chẳng chịu đi học bơi, nhẽ? Cơ mà lại vạch rốn cho chuồn chuồn cắn nhột một phát, chắc khứu.

Chừng hơn tiếng mới rục rịch có người nghịch tay thử giọng vào cái micro. A lô một hai ba. A lô on đơ troa. Âm thanh xem chừng ù ù cạc cạc, ví von kiểu của “bác sĩ thú y” thì là: Ông nói gà bà nói vịt. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Hắng giọng trên bục mà người ngồi dưới cuối hội trường đực mặt như ngỗng ỉa, không vọng động cứ tỉnh như ruồi, sắp riu riu đi vào giấc ngủ trưa hạ nồng. Lại phải a bê xê dắt dê đi ỉa, a á ớ kíp gọi chiên da. Chuyên viên kỹ thuật sửa ampli, rờ nút nọ vặn nút kia, phải mà nó đừng hỏng hóc thì giờ này ca sĩ tự nguyện lên hát bài “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” chắc sẽ hớp hồn người nghe. Đứt đoạn, phân lìa, dầm vài xuống sông đầy hương tang thương. Nó còn mấy vài mấy nhịp, suốt đời còn ai qua kịp mà mong?

qua cầu cầu yếu phải nương
điệu này biết bạn không thương ta rồi
cực lòng ta lắm bạn ơi
bỏ thề trôi nổi lệ rơi hai hàng.
……..

muốn gần duyên chẳng hợp cho
những nơi duyên nghiệp cách đò trở giang.

Tất cả chừng như luôn gặp phải trắc trở, khó bề xuôi chèo mát mái. Rất lâu sau mới diễn ra cảnh lần lượt giải quyết từng bước một, khởi thuỷ là có người đứng lên giới thiệu về tác giả cuốn sách. Từ hàng ghế đầu, một tà áo dài yểu điệu thướt tha bước lên đứng vào chỗ chỉ định trước. Nếu đàn ông mà mặc áo dài the thì đầu buộc phải đội khăn đóng chân mang guốc mộc (chớ xách ô cầm dù), đằng này rõ là phái yếu áo lụa may “kiểu của bà Nhu” không cổ, màu xanh thiên thanh (viết tắc là hai chữ T). Cô khá trẻ, không đẹp nhưng dễ nhìn, đi tay không, tự tin với nhiệm vụ được uỷ thác, chẳng hà cớ gì phải cầm theo tờ giấy viết sẵn những chi cần chuyển đạt. Cô tự giới thiệu là chỉ quen làm thơ thành ra e sẽ vấp váp khi bàn tới lãnh vực văn xuôi của bạn mình, tác giả tập truyện “Sau Tà Áo Bay”, tựa đề có vay mượn chữ từ thơ của Bùi Giáng:

“Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay”

Anh đổi thế ngồi trên ghế, vòng tay ngồi ngó lên diễn giả. Người mà anh từng “Kính thưa Anh” xong đến “Chào chị T.” Ô hay, ai đã viết ra câu “lộng giả thành chân”? Chèn đét ơi, Bồ Tùng Linh nằm mộng cũng chẳng ngờ là đời bày ra mạng ảo, cứ y như người từ trang sách, từ tấm tranh tự dưng hiển lộng bước ra khỏi cảnh liêu trai chí dị. Nếu biển dâu biết sực tỉnh giang hà thì kẻ hèn này phải sực tỉnh về chuyện hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. T. ở Mỹ và T. tháp tùng một “băng đảng” lạ mặt vừa vượt biên sang tới xứ đìu hiu này, địa phận có nick name rất sến “xứ lạnh tình nồng” nghe riệu mùi boléro. Con đường xưa em đi giờ đây sang xứ người ngõ hồn dâng tái tê, tôi nhìn em không nói lòng dạ rất hoang mang người thơ biết cho chăng?

Nhờ tài ăn nói của người mở lời phi lộ hay sao ấy mà có đôi ba kẻ lục tục đến mua sách tác giả có ghi tên ký tặng dưới “tựa đề ở bên trong” (Ngu Yên). Anh khác, vườn anh không có hoa, phòng anh chẳng có sách, nên anh bỏ mặc ông mặc com-lê-cà-vạt cứng đờ ngồi đó, để lạc thần hồn lân la sát bên vạt áo dài màu da trời, xanh như tự thân niềm hy vọng bị người ta áp đặt vào. Họ đã áp đặt đỏ: tự tin; vàng: phản bội. Trắng: đơn giản; đen: cô đơn. Hồng: yếu đuối. Nâu: lòng thành; tím: sâu sắc. Gộp tất cả những màu lại: Vô sắc? Luôn luôn, anh là đứa quáng gà, nói rõ ra anh chẳng hề biết giải thích về một điều gì cả, bởi lượng định và so sánh là thứ mang đủ sự khiên cưỡng. Xét trong mọi trường hợp, sẽ an toàn cho đứa chỉ biết dựa cột mà nghe, nhà Phật có rao giảng gần xa: Không nói thì chẳng sợ gây lầm lỗi, hoặc na ná như vậy. Chúng đi lùng sục bên ngoài, ở trong hầm mình nên nằm im re, ắt tai qua nạn khỏi. Tam đoạn luận kia đã “lạc hậu” trước mặt người con gái (đàn bà?) áng chừng tuổi hơn bốn chục (là cao tay?) nghi bất hoặc? Bày ra to nhỏ tấc lòng:

Chừng nào thì chị in ra một tập thơ? Bóng hồng diện áo màu xanh phóng mắt ngó tới anh với sóng thu ba đọng nhiều mắc câu của váng vất những dấu hỏi. Người thơ câm lặng. Anh thưa thêm: Tôi biết có nơi hoàn tất mọi thứ cho một thi tập dày chừng 150 trang giá không mất tới hai ngàn đô đâu. Ngang đây thì người ấy có hơi ngờ ngợ bán tín bán nghi như kiểu bước tới đèo Ngang bóng hết xế tà, trong cỏ cây chen lá lòi ra một tiếng chuông dộng sáng. Xưa kia nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn có viết truyện ngắn “Hình Như Là Tình Yêu”, bây chừ nhà thơ chưa chịu in sách có thể mọc lên một ý: Hình như thằng cha này từng viết email ca ngợi thơ mình, thư đầu nhờ toà soạn chuyển giúp. Còn ai trồng khoai đất này! Hắn ở tận phía Bắc heo hút mà chẳng ngại cà kê dê ngỗng tới đứa ở phương Nam. Nói thế cũng hàm oan, trên internet mần chi có rạch ròi định phận vùng miền, quốc gia này nọ thảy phù vân treo tình trên lưới cả, đẹp xấu tuỳ người đối diện cả và sáng khen chiều chê vốn là chuyện thường tình. Y như có vị bác sĩ (không phải thú y) lên truyền hình sửa giọng: Cà phê tốt lắm ngen, chất nước đó giúp điều hoà kinh mạch, kích hoạt những bộ phận trước đây từng yếu đuối, giúp sáng dạ sáng lòng. Bản tin chiều hôm sau cho hay rằng thương hiệu Starbucks nên ghi chú ở ngoài bao bì là cà phê dễ mang lại mầm bệnh ung thư, blah blah blah.

Người ở Mỹ nên người hổng hay, bên Paris nói chung là dân Pháp (vừa vô địch toàn cầu môn đá banh, món này Mỹ rất tệ) chúng xơi cà phê trung bình ngày ba tô (bằng size tô phở nhỏ) mà có chết thằng Tây nào đâu. Uống gì nhiều dữ thần vậy cha? Ừa, uống để ngang miệng khỏi mất công nhá Big Mac đó mờ!

Tui biết vẽ nè. Tui biết trình bày bìa sách nè. Mà nhỡ như in được cuốn sách hổng chừng tui dụ khị bà con đứng ra tổ chức cho đằng ấy sang đây mần buổi ra mắt thật xôm tụ. Nghĩ trong bụng là thế mà chuyển thành lời ở cửa miệng thì thậm khó. Dù sao thì sau rốt song phương đã biết tên thật của nhau, đã thật thà khai báo cho số phone cũng như địa chỉ thường trú của nhau. Anh thêm: Tôi là người sẵn lòng và quyết tâm góp phần nuôi sống nhân viên bưu điện. Tôi yêu hình ảnh chong đèn, bơm mực vào cây viết Pilot hoặc Parker hoặc Mont Blanc, giấy xanh màu da trời chừng ba bốn tờ, phong bì có in chữ Par Avion hay By Air Mail rồi dán con tem tính thuế có đồng tám chín chứ bi nhiêu. Trời, khi nhận lấy, nó nằm co quắp, bị chèn ép giữa bao tờ rơi quảng cáo, bao bức thư đòi nợ tiền điện tiền nước thật ghẻ lạnh. Xé nó ra đọc, ôi có thứ hạnh phúc nào có thể mang ra để so sánh? Ừa, cảm giác chẳng khác mấy khi mình cầm một cuốn sách trong tay, sướng gấp vạn lần chong mắt trước màn hình điện toán. Một bên thấy mát con mắt trong khi bên kia thì rất đỗi xót xa. Đọc những gì hiển thị trên lưới sao thấy khổ sở như kiểu có người đang dí súng bên lưng! Nôm na là vạn bất đắc dĩ! Cực chẳng đã!

Trời chiều chóng ngã về Tây, nói trắng ra là hoàng hôn khiến nhọ mặt người. Điều kiện ắt có và đủ: Chia tay. Nguyễn Tất Nhiên bảo là “nói năng chi cũng thừa”, Hoài Khanh thì “mây của trời rồi gió cũng mang đi” mà Thâm Tâm kết luận “người đi? ừ nhỉ, người đi thật”. Người đi, người nhắn lại đôi câu của Bùi Giáng:

Xa nhau chừng đó cũng vừa
Gió trần gian lạnh có chừa ai đâu!

Rất thần sầu, những gì thi nhân bảo ban. Ngậm mà nghe. Tuần sau anh đi lùng sục trong các mạng lưới để đọc được bản tin ra mắt sách thành công dù bọn Mễ vẫn siêng ăn đậu khiến người mình phải chăm đi trễ. Có đứa đã chụp lén ảnh người thơ đang trò chuyện lăng nhăng cùng anh, post lên không áy náy dưới tiểu tựa “quan khách tham dự hăng say bàn về tác phẩm”. Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu. Đi mà mỏi tay mỏi mắt, cái mới lạ! Đành đóng màn hình lại, ngồi không những ưa làm thơ mới gớm. Thơ rác gửi nhà thơ tên T. Cách đây không lâu, báo điện tử Vietnam net giật tít “Ham làm thơ khiến bị vợ bỏ” với nội dung: Từ ngày nghỉ hưu chẳng có việc chi mần nên tui sanh ra thích làm thơ. Lơ là công vụ nhặt rau rửa chén chăm con đổ rác nên bả chửi một hồi rồi dứt khoát đoạn tình. Bài báo kết luận bằng hai câu: “Đãi nhau chén rượu dĩa mồi, đừng mang thơ tặng thôi rồi, chết cha”.

Nhân vật phụ nữ trong câu chuyện buồn nọ thật đáng khiển trách. Hại cả bạc vạn! Ai cũng chơi theo kiểu bả thì thật thiệt hại cho nền thi ca đương đại nước nhà. Tổn thất trầm trọng, thất thoát thơ thẩn. Ông Mao Trạch Đông khi còn tại thế làm tới chức chủ tịch đã phán: “Các đồng chí sinh hoạt ở mặt trận văn hoá cứ mạnh dạn sáng tác cho nhiều vào, bởi đội ngũ của ta đông vô số kể, trong một triệu bài dở thế nào cũng nhặt ra được một bài hay”.

Thưa thớt tin tức, tâm thần tịnh thể tương tư, thì ngày nọ “nàng” gửi bưu điện hẳn hòi một tấm thiệp hồng. Người thơ bảo, riêng cái việc này thì chớ nên lợi dụng quen tay đụng vào internet làm mất linh, và xem ra có đôi phần coi thường người đón nhận niềm vui của mình. Chú rể nào ai xa lạ gì, chính là ông văn sĩ bữa nọ sang đây ra mắt sách. Tháng tới, chắc đã lựa ngày lành tháng tốt, ổng ra mắt quan viên hai họ người đóng vai vợ, là thi nhân môn đăng hộ đối nồi nào úp vung nấy. Than ôi, chắc đôi uyên ương nọ chưa từng đọc qua bản tin sứt mẻ ở trên? Nếu chồng ham viết văn, vợ chăm làm thơ thì ai nhặt rau ai rửa chén ai chăm con ai đổ rác? Cuộc đời đó có thiếu khối chi việc mà hững hờ! Bởi lao động mục văn thơ chưa chắc là đã vinh quang. Chết chắc, chắc chết! Tan đàn sẩy nghé, như chim thôi liền cánh như cá hổng cắn câu (nói theo kiểu thú y). Rồi vạc sẽ kêu sương bởi đời sinh voi mà không sinh cỏ. Con sâu làm rầu nồi canh, cẩu tặc mãi săn lùng làm chó hết đường sống. Dồn nó vào chân tường nó hổng cắn đâu, nó chỉ biết khóc thét!

Và email: Đã nhận thiệp cưới của tôi chưa? Có dàn xếp qua chung vui được không? Mướn Holiday Inc cho tiện, vì nó nằm sát nhà hàng bọn này nhắm tổ chức. Lo việc đại sự xong, tôi sẽ xúc tiến việc in tập thơ. Ông trình bày giúp cái bìa như đã hứa? Bằng không thì nặn óc viết giúp tôi cái tựa, hay bạt cũng được. Rồi khi mưa thuận gió hoà, chúng tôi sẽ mang sách qua bển ra mắt một lần nữa xem sao. Nếu OK thì đó chính là món quà cưới đặc biệt, rất giá trị mà chúng tôi có. Cảm ơn mạng ảo đã tác thành ra tình bạn giữa chúng ta.

Anh đóng máy, đi pha cái nồi ngồi trên cái cốc, cà phê đen đậm đặc rặn từng giọt khoan thai tới độ ngao ngán, chưa nhấm nháp đã nghe mệt con tim. Hơi đâu ngồi chờ đợi, anh bước ra bao lơn thắp lửa một điếu thuốc, cho khói huyền bay lên cây. Trong mọi trường hợp, câm lặng là cách mà thiền giả vẫn thực thi. Anh làm thinh làm tịnh, chẳng nói chẳng rằng, i meo i miếc làm chi khiến thân tâm chẳng an lạc. Hình như trong Kiều có câu “người đâu gặp gỡ làm chi”. Anh liều đánh bài chuồn. Xập xám chướng chia duy một cù lũ, không dương mà chẳng thủ, đành xoá bỏ một cuộc chơi. Đơn thân, không có đồng minh để cùng tháo chạy. Cho em nhờ tí, để em nói lời hấp hối: “Sức mọn đừng vác nặng, lời nhẹ chớ khuyên người”.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

Sunday, July 29, 2018

ĐỌC ‘GIỮA HOÀNG HÔN XƯA’ CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC


Hồ Hoàng Thanh

Tác phẩm Giữa Hoàng Hôn Xưa

Li m ca Đ Hng Ngc

Gn đây trong lúc lc son đng sách v cũ, tôi bt gp cun V Cái Chân Tht Ngh Thut ca H Hoàng Thanh, NXB Đà Nng 2002, trong đó có Thư Gi Đ Hng Ngc, tr 352-360, là nhng cm nhn ca tác gi v tp thơ Gia Hoàng Hôn Xưa ca tôi, NXB Tr Tp HCM 1993 n hành, vi hình bìa Trnh Công Sơn, ta Đ Trung Quân và L Quỳnh trình bày. May sao, tôi gp Đèn Bin và Trn Ngc Hưởng tình c Đường Sách Saigon ngày hôm kia (26.7.2018), Đèn Bin đã chu khó gõ li giùm bc thư sang word, và nh vy mà hôm nay tôi có dp chia s bài viết này cùng bè bn thân quen, như mt k nim. Bc thư đã viết t hơn 20 năm trước ri ch ít gì!

Đa t Đèn Bin.
ĐHN

Đà Nẵng, 20/8/1997

Anh Đỗ Hồng Ngọc quý mến,

Hôm nhận được thư và sách anh Châu Anh gửi cho, tôi rất ngạc nhiên nhận được tập thơ Giữa hoàng hôn xưa do chính tay tác giả đề tặng. Chỉ có điều xin thưa lại ngay để anh rõ: tôi chẳng phải là nhà văn mà chỉ là một “lều văn”, có biết chút ít gì chỉ là theo kiểu không chuyên mà thôi. Đến hôm nay, nhẩn nha đọc vừa xong lần đầu tập thơ, tôi cầm bút viết cho anh nhằm bày tỏ lời cảm ơn chân thành của một bạn đọc chưa từng quen biết và cũng xin gửi đến anh mấy cảm nhận bước đầu về tập thơ như một món quà đền ơn tri ngộ.

Đọc từng bài, cứ đọc dần, tôi càng cảm thấy ngạc nhiên, một thứ ngạc nhiên đầy thú vị, có phần giống với ý kiến Nguyễn Hiến Lê. Ngạc nhiên về những tứ thơ khá mới lạ từ những sự kiện đời thường, về những mạch thơ, lời thơ dung dị gần như lời nói thường, về những bài thơ hay, về điều gì như một sắc thái riêng của tác giả.

Hình như không phải bất cứ một bác sĩ – thi sĩ nào cũng viết nên được một bức “Thư cho bé sơ sinh” ngộ nghĩnh, ngược đời mà ngậm ngùi, chua xót đến thế. Tứ thơ mới lạ, đầy nghịch lý giữa đời thường. Hầu hết các đoạn thơ đều rất thực mà cũng rất trớ trêu. “Thư cho bé sơ sinh” là một giả tưởng rất phi lý nhằm làm nổi bật lên những điều ngang trái, rất thực trong cái xã hội đảo điên này. Tôi thiết nghĩ, đây là một bài thơ hay.

Cũng được viết từ 1965, bài “Lời ru” cũng mang tứ thơ mới vì khá phi lý. Phải chăng những lời ru, lời thủ thỉ ấy chỉ dám ghi vào trang giấy giấu kín (cũng đã “gan góc” lắm rồi) để tự giải thoát cho “hả” bớt phần nào tâm trạng dồn nén, bức bối, câm lặng mà ngay việc thổ lộ ra với vợ con cũng là mạo hiểm. Bởi cái tâm lý không quê hương ấy, cái nỗi lo “gà nhà bôi mặt” giết nhau ấy, nó ngược đời quá quắt lắm, nhưng tiếc thay nó lại là rất thực. Thật mỉa mai, chua xót.

Mấy bài liền viết về nỗi đau quay quắt mất con, nhất là hai bài “Con đã lớn” và “Tình yêu” chân thực bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. “Con đã lớn” hay vì tứ thơ đã xoáy vào một nghịch huống: đến khi mất con rồi. mới nhận ra được rằng thật sự con đã lớn khôn (không mãi “trẻ nít” như cha mẹ vẫn tưởng). Điều “Ý ngôn tại ngoại” là vì thế, nỗi tiếc nuối con càng cháy lòng! Các kỷ niệm về con sao bình dị mà sống động, mà thiêng liêng! Bài “Tình yêu” lại hay một cách khác. Phải chăng ở đây đã có sự vượt lên trên những kỷ niệm cụ thể, tình cảm ở đây trở thành một hoài bão về một tình yêu bộc lộ tràn đầy, một tình yêu “không bao giờ cũ” và “chẳng sợ dư thừa” bù đắp cho sai lầm về một tình yêu quá kín đáo. Ở đây không chỉ là tình yêu con mà là cái tình yêu (nói chung) đã được khái quát hóa và trừu tượng hóa. Tôi nghĩ đây là bài thơ hay nhất trong cả tập thơ, nếu còn thận trọng, chưa dám gọi là tuyệt tác. Thực ra, đó chính là nỗi lòng đích thực, là sự suy tư về một tình yêu đích đáng nảy ra từ một sai lầm cụ thể về một tình yêu quá kín đáo. Điều đó diễn ra trong tâm tư một nhà thơ nên đã trở thành một bài thơ hay, một bài thơ đích thực.

Viết đến đây, gặp lúc bà xã nhà tôi (vốn là một giáo viên) mang nước sôi lên đổ vào phích xong, tôi thử đưa hai bài thơ này cho đọc và hỏi ngay cảm tưởng. Đọc xong, nhà tôi thốt lên ngắn gọn mà súc tích cảm tưởng của mình: “Hay, hay thật. Rất thật và rất hay!” (nói thêm: vợ chồng tôi đều trải qua nỗi đau mất con).

Bài “Đạo diễn” lại góp thêm một tứ thơ mới lạ. Phải chăng từng chứng kiến nhiều cảnh đóng phim dưới bàn tay đạo diễn, mà sẵn nỗi đau mất con, tác giả lại nảy ra được thứ ao ước đầy giả tưởng mà lại thật lòng, cháy bỏng như vậy.

Bài “Đâu có phải tự nhiên” ở cuối tập thơ mộc mạc và “tự nhiên” đến “dễ thương”. Thú thật với anh, thường khi đến khám bệnh ở Bệnh viện C Đà Nẵng, nhìn thấy các sân cỏ xanh rờn, tôi từng nghĩ bụng: “sao chẳng ai nghĩ đến việc nuôi ít con dê, con bò ở đây vừa để dọn cỏ cho sạch, vừa để lấy sữa cho bệnh nhân nhỉ”. Chỉ thoáng nghĩ vậy thôi chứ chẳng từ đó nảy ra được tứ thơ như anh. Mạch diễn đạt và lời lẽ bài thơ giản dị, hồn nhiên mà rất thi vị. Qua đó nổi bật lên một tâm hồn đẹp: bình dị, hồn hậu, thanh thản, yêu đời, yêu nghề, yêu bệnh nhân, yêu gia đình bởi khéo biết chấp nhận, tự bằng lòng với vị trí xã hội bình thường mà rất cao đạo (nhân đạo) của mình.

Phải chăng mảng thơ trên đây là mảnh đất thân thuộc, phong phú, đầy hấp dẫn mà tác giả càng đi sâu khám phá càng dễ thu hái được nhiều thơ hay? Và phải chăng từ mảng thơ này và các mảng thơ sau, ta có thể nghĩ rằng hầu như phong cách riêng của tác giả là khéo biết khai thác, trộn lẫn cái thực cái hư, cái chân cái giả, cái hợp lý cái phi lý, cái bình dị cái mới lạ tân kỳ, nhờ khéo biết khai thác các nghịch lý, nghịch cảnh ngay từ trong xã hội?

Đương nhiên còn có các mảng thơ khác. Một mảng thơ gần gũi với mảng thơ trên cho thấy thêm đời sống nội tâm của tác giả, một công dân, một trí thức trước thời cuộc. Có thể xếp vào đây các bài “Buổi tiễn đưa”, “Dỗ em”, “Tôi còn nợ”, “Biển xa”, “Mai sau dù có bao giờ”, “Giờ mới nên quen”, “Giới tuyến”, “Gặp lại người bạn cũ”, “Đi cho đỡ nhớ”…

“Buổi tiễn đưa” như một dạng “Tống biệt hành” (Thâm Tâm) mới, mang tâm trạng u uất mới: “Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời Và khí phách thôi một thời trẻ dại”. Hai đoạn thơ cuối bài hay, nhất là đoạn cuối, câu cuối. “Dỗ em” khá ray rứt. “Đi cho đỡ nhớ” ánh lên một niềm vui, một nguồn hy vọng. Nguồn hy vọng ấy, sau giải phóng ít lâu, lại là một thời điểm đầy thử thách. “Tôi còn nợ là lời hạ quyết tâm “ở lại” bởi những món nợ khó lòng trả xong. Trong “Mai sau dù có bao giờ”, tôi thích hai câu: “Cái nắng Sài Gòn hanh đôi má. Giọt mồ hôi mặn thấy thương ghê”…

Ở mảng thơ “quê nhà”, với những “Mũi Né”, “Trên sông khói sóng”, “Gió bấc”, “Đêm trên biển Lagi”, không hiểu sao tôi thích nhất “Gió bấc”. Ngắn gọn mà súc tích, ý vị. Cũng không hiểu sao tôi lại chú ý bắt gặp thứ gió bấc ấy trong một đoạn thơ “Quê nhà”: “Hái đóa hoa màu biển biếc… Bâng khuâng một mái nhà”, lại thoáng thấy nó trong đoạn đầu “Mũi Né”: “Hình như gió bấc lùa trong tết Những chuyến xe đò giục bước chân”. Ở đoạn 2 bài “Trên sông khói sóng” lại thấy hơi gió đó: “Gió ở đâu về thơm bước khuya”.

Đến mảng thơ tình yêu, gồm hầu hết những bài còn lại, nổi bật lên bài “Có một vì sao”. Tôi thích những câu mặn mòi vị biển Bình Thuận: “Nhưng đêm ở đây… Đêm rất mặn vì đêm xanh bát ngát” và đặc biệt là câu kết “Để anh được làm kẻ chăn cừu khờ dại…”. Bài “Viết tên lên cát” đưa đến “Tên em mênh mông đại dương” mang dáng vẻ khoa trương nhằm nói lên cái rất thực của ý tình. Bài “Giữa hoàng hôn xưa” hay ở đoạn kết “Thiếu em hoàng hậu ngai vàng như không”. Có những bài tứ tuyệt đáng chú ý như “Võ vàng”, “Cố nhân”. “Võ vàng” nhận ra sự tàn phai trong lòng người. Đến “Cố nhân”, sự e ngại đó đã trở thành sự khẳng định một hiện thực đáng buồn. Bài “Lục địa giận hờn” hay ở tứ thơ vũ trụ. “Hành hương” nói lên ước vọng đạt đến một nơi “chỉ có anh và em” lý tưởng…

Cố gắng điểm hết các mảng thơ như vậy cũng chỉ nhằm muốn tìm hiểu được những dáng vẻ đa dạng khác nhau của hồn thơ tác giả và tìm hiểu được phần nào sắc thái riêng của tác giả. Nhưng đương nhiên, chỉ qua lần tiếp xúc buổi đầu, khó mà hiểu được điều gì sâu sắc.

Về mặt hình thức nghệ thuật, qua tập thơ này, tôi cảm nhận được rằng anh vốn am hiểu các thể loại thơ trước nay. Và có những tứ thơ được thể hiện qua những thể quen thuộc, cũng có không ít bài được thể hiện bằng thơ tự do. Nói thật với anh, tôi cũng vốn am hiểu ít nhiều các thể loại thơ lâu nay, nhất là từ cao trào “thơ mới”, tôi cũng có làm thơ và cũng nhận ra được xu thế tiến tới thơ tự do là điều tất yếu. Tôi đã từng viết bài “Xu thế tự do hóa hình thức thơ” đăng trên tạp chí Văn học năm 1978. Nhưng trong thực tế sáng tác, do ảnh hưởng của thói quen, tuy vẫn thường viết theo thể thơ tự do, tôi vẫn chưa dứt khỏi những âm điệu quen thuộc. Tuy về nhận thức tôi vẫn cho rằng thơ tự do là sự chuyển biến nội tại cả về nội dung lẫn hình thức trong quá trình tiến triển của thơ ca Việt Nam (chứ không phải là sự bắt chước thơ tự do của nước ngoài hoặc là sự du nhập máy móc).

Đọc thơ anh, tôi cảm thấy anh làm thơ tự do một cách hồn nhiên phóng khoáng hơn, hầu như không bị ảnh hưởng nặng nề của thói quen cũ trong diễn đạt như tôi, hoặc anh Châu Anh chẳng hạn. Nói rộng ra một chút. Tôi có theo dõi bước tiến trong diễn đạt của một bạn thơ. Đến tập thơ tôi rất thích bởi nhận ra được một bước tiến mạnh bạo theo thơ tự do ở tác giả, khiến tôi muốn viết bài giới thiệu. Nhưng sau đó, qua những tập thơ kế tiếp, tôi lại thấy xu thế đó không được mạnh bạo tiếp tục. Cho hay, ngay với một nhà thơ tài năng, khuynh hướng tự đổi mới đó vẫn chưa thật nhất quán, chắc cũng do ảnh hưởng của thói quen nghiêng về những âm điệu thông dụng. Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng, còn phải đợi thêm ít lâu nữa, lớp nhà thơ mới ít chịu ảnh hưởng của thói quen sáng tác theo những thể điệu cũ, mới làm cho thơ tự do hồn nhiên, bình dị, phóng khoáng hơn nữa.

Đọc anh qua những bài thơ hay như “Tình yêu”, “Con đã lớn” v.v… tôi càng cảm thấy hầu như anh đã vượt qua được cái ngưỡng cửa khá tai hại của thói quen về âm điệu cũ, viết một cách dễ dàng, tự nhiên, gần như lời nói thường, chẳng ngại dùng đến những từ ngữ “nôm na” mà người  ta thường kiêng kỵ trong thơ: “Trước mộ con còn ướt Ba nói với bè bạn ba rằng…” hoặc không sợ trùng lặp: “Hãy tỏ bày đi Vồ vập đi Âu yếm ồn ào đi” bởi là sự trùng lặp cố ý. Hoặc nói năng chẳng khác gì lời nói thường: “Đút cho con ăn Gạt gẫm cho con há miệng Hù con ông kẹ bà già” (vậy mà rất hay) Hoặc nữa: “Mới ngày nào dẫn con đến trường Bỏ đi không nỡ Những lúc con ốm đau Cả nhà run sợ Con ho mà ba ran lồng ngực Con sốt mà má đắng chát môi”. Ở “Thư cho bé sơ sinh” cũng như vậy, với những đoạn thơ 2, 3, 5 chẳng hạn “Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em” Hoặc nữa ở bài “Tôi còn nợ”: “A! Ông thầy về! Tưởng đi luôn rồi chớ!… Có gì đâu em vì tôi còn nhiều nợ… “. Ở bài “Đạo Diễn” cũng vậy. Tưởng như đó là lời nói thường, viết chữ lại xuống hàng: “Bạn bè ơi sao mà giỏi thế Cứ đóng y như thiệt”.

Người quen với thơ đường luật sẽ khó lòng cho đó là thơ được. Vậy mà “rất thơ” mới lạ chứ. Đương nhiên cũng không nên quá dễ dãi.

Đến đây mới thấy thư viết đã quá dài, mong anh miễn thứ cho, bởi tôi có phần “sa đà” quá. Chẳng qua tôi như người trèo cây, gặp được cây lắm quả, tôi mải mê “khèo” xuống, “khèo” trái chín lẫn trái xanh. Chỉ mong anh thấy dùng được chút ít nào cũng đã thỏa lòng rồi!

Chúc anh và gia quyến mọi sự tốt lành. Mong được trao đổi thư từ với anh những khi anh rảnh rỗi.

Kính thơ,
Thanh

BC: Quên nói thêm với anh rằng tập thơ trình bày rất đẹp, tranh bìa của Trịnh Công Sơn rất thơ vừa rất hoàng hôn đẫm màu tím khế, vừa có bóng dáng nữ nhân, chim chóc, đuôi ngựa v.v… mà như một bào thai để tha hồ tưởng tượng.

Thursday, July 26, 2018

BÔ-LÊ-RÔ BÊN ĐÈN KHUYA


Nguyễn Lương Vỵ

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ

I.
tuổi già ghiền nhạc bô-lê-rô
đèn khuya hiu hắt ngấn lệ khô
tiếng hát liêu trai trong ngất tạnh
cung đàn khổ hạnh giữa đời cô
độc hành một kiếp chưa xong nợ
quạnh vắng đôi bờ chẳng biết mô
chớp mắt thấy bông trời rụng miết
trời chưa hửng sáng tưởng hư vô.

II.
tuổi già ghiền nhớ dăm áng mây
quê thì xa chiêm bao thì gầy
thở nhẹ ngóng ai về đâu đó
hít sâu nghe núi lạnh quanh đây
bóng mẹ lắt lay bên ngách cửa
hồn cha phơ phất ở phương tây
một nhúm thư hương hồn vãng sự
bô-lê-rô xanh quá lá bay.

III.
tuổi già ghiền lẩm bẩm một mình
một câu thơ niệm một câu kinh
soi bóng tháng năm thương nếp gấp
ngắm hình viễn xứ xót tri tình
niệm mãi âm đời lay tuyết đỏ
mong hoài huyết mạch cháy thiên tinh
ngồi im nghe nắng khuya đang vỡ
bô-lê-rô trắng quá lung linh...

Calif., 6.2017
NLV