Wednesday, August 31, 2022

BIẾT RỒI CÒN HỎI!

Đỗ Hồng Ngọc
 
Tranh thiền Lê Ký Thương
 
Tôi ngồi trước tượng Phật
Viết lăng nhăng mỗi ngày
Để khi nào bí thì hỏi
Phật tủm tỉm cười
“Biết rồi còn hỏi!”
 
Sáng ra đường phố
Từng bước như đi dạo
Không thấy nở hoa sen (*)
Ngước mắt nhìn lên
Một tấm biển to chữ đỏ
“Đồ ngu cao cấp”
Cửa hàng Fashion
Rơi dấu hỏi…
 
Đâu cần trốn ra khỏi cổng thành
Xóm nghèo nơi tôi ở
Bên phải là nhà bảo sanh
Bên trái là bệnh viện
Đằng kia lớp dưỡng sinh
Đằng nọ nhà quàn vô lượng thọ…
 
Hằng ngày nghe tiếng khóc trẻ con
Nghe tiếng rên người lớn
Tôi nhắc Phật đừng buồn
Không được quạu quọ, không được cau có
Không được nhăn nhó…
Phật cười
“Phải! Nó vậy đó”
 
ĐỖ HỒNG NGỌC
(4.12.2020)
 
……………………………….
(*) Từng bước nở hoa sen, Nhất Hạnh
 

THƯ CAO HUY THUẦN GỞI ĐỖ HỒNG NGỌC

 
Tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc
 
Anh Đỗ,
Thư anh đến trong lúc tôi đang đọc quyển sách của Mark Epstein, nhan đề là “Advice not given”. Đây là quyển sách thứ ba của cùng tác giả mà tôi đọc, toàn là xếp vào hạng best-sellers ở Mỹ. Epstein là bác sĩ tâm thần nổi tiếng. Nổi tiếng vì là thầy thuốc giỏi. Và nổi tiếng là nhà Phật học uyên thâm. Có gì lạ đâu, phải không anh Đỗ? Đức Phật của chúng ta đã chẳng là thầy thuốc đó sao! Lặn lội trong chuyên môn phân tâm học với Freud, với Jung, ông chợt thấy đức Phật, ông lặn lội qua Tây Tạng “học Phật”, học cả với các danh sư ở Mỹ, và ông đem đạo Phật áp dụng vào chuyên môn của ông, rốt cuộc ông nổi tiếng cả hai, cả cách trị liệu tâm thần, cả tư tưởng Phật giáo. Ông sống với đạo Phật trong chuyên môn, ông sống với đạo Phật trong đời thường, càng sống ông càng hiểu thêm đạo Phật, ông đem hiểu biết đó vun trồng trên đất Mỹ cho hợp với thủy thổ xa lạ, và đạo Phật bây giờ sáng trên thủy thổ ấy, anh Đỗ à, tôi cho rằng đích thị hai chữ “học Phật” là như vậy.
 
Hay thật, anh đâu có biết ông ấy, ông ấy đâu có biết anh, vậy mà tay trong tay, anh đi cùng đường và cùng “học Phật” như thế. Lý tưởng, hành động, cuộc đời, cao đẹp thay là ông thầy thuốc tương chao!
Anh Đỗ, bây giờ tôi hỏi anh câu này nhé, vì anh với tôi đều đã đọc “Tổng Quan về Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ: Anh “học Phật” trước hay học Y trước? Chắc anh sẽ trả lời: hiển nhiên là học Y. Nhưng mà, nghĩ thêm chút nữa, cái gì xúi anh học Y? Cái gì xúi anh thích Y? Cái gì xúi anh thành ông bác sĩ như thế, lúi húi hành nghề rồi lúi húi dùi mài kinh kệ? “Cái đó”, tôi chắc là anh có trước khi học Y. “Cái đó”, tôi cũng chắc là ông Epstein có trước khi thành danh với bác sĩ tâm thần. “Cái đó”, chính là cái xúi anh đến với Phật mà anh không biết đó thôi, anh đến với Phật trước khi học Y. Anh “học Phật” từ lâu rồi, từ kiếp nảo kiếp nao, để bây giờ thành danh với… Đỗ Hồng Ngọc. Cho nên tôi nói: “Tiên học Phật, hậu học…”. Hậu học cái gì cũng được, cái gì cũng thành danh, ít nhất là thành danh con người.
Nhưng tôi chưa nói hết: anh đâu phải chỉ là ông thầy thuốc, cái danh của Đỗ Hồng Ngọc còn là con người thơ. Cũng vậy, tôi cũng lấy từ “Tổng Quan…” mà ra: thơ đến với anh từ trước khi anh làm thơ. Thơ là tiếng nói trong tận cùng thâm cung bí sử của tư tưởng. Cái gì mà tư tưởng không nói nên lời được thì phải diễn tả bằng thơ. Thơ đời Lý đời Trần là như vậy. Và thơ đó, chắc anh đã đọc không phải chỉ ở trong kiếp này. Cho nên bây giờ hồn anh nhập vào thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Cho nên bây giờ anh thấy Phật trong thơ. Cho nên bây giờ một tay anh bốc thuốc, một tay anh viết thơ, thuốc thơm mùi thơ, thơ thơm mùi thuốc.
Còn có chuyện này nữa, hơi khó nói. Tôi thấy thấp thoáng có một người thứ ba nữa nấp sau hai con người kia. Thấp thoáng thôi, đây đó, kín đáo, chỉ nghe tiếng cười cười, tinh tế lắm mới nghe. Chẳng hạn khi anh nói chuyện ngồi thiền. Tất cả đều nghiêm trang, tôi chỉ trích mấy câu cuối:
                             Hơi thở xẹp xì
                             Thân tâm an tịnh
                             Không còn ý tưởng
                             Chẳng có thời gian
                             Hạt bụi lang thang
                             Dính vào hơi thở
                             Duyên sinh vô ngã
                             Ngủ uẩn giai không
                             Từ đó thong dong
                             Thõng tay vào chợ.
Rất nghiêm chỉnh, kể cả lúc anh vô chợ mà chẳng để mua gì, vì hai tay thõng thế kia thì làm thế nào móc túi lấy tiền? Thế rồi anh cắt nghĩa: “Mặt hồ tĩnh lặng thì không cần ghi bóng con hạc bay qua, không cần biết hạc vàng hay hạc đỏ, hạc trống hay hạc mái…” Ối giời, hạc vàng thì chỉ bay trên lầu Hoàng Hạc trong thơ Đường, đâu có bay trên mặt hồ Sài Gòn hay Phan Thiết? Bạn tôi nhầm với con vạc “như cánh vạc bay” rồi chăng? Không phải đâu. Nhà thơ nghĩ ra hai chữ “trống mái” rồi nhà thơ khoái chí vừa hạ bút vừa cười cười, hạc hay vạc thì có gì đáng quan tâm?. Ấy là bụng để ngoài da, con người thứ ba “anh linh phát tiết ra ngoài” đấy nhé. Có ai đa tài mà chẳng đa… tình?
Tôi “học Phật”, ngồi thiền với anh, thỉnh thoảng thấy tâm có hơi lộn xộn như thế, chắc anh cũng cười cười mà thông cảm nhau. Nhưng, nói nghiêm chỉnh nhé, con người thứ ba là cái duyên của anh. Chữ nghĩa mà không có duyên thì buồn lắm. Cho nên thỉnh thoảng anh cứ cho anh chàng thứ ba ấy cười cười một chút như thế, và mọi người sẽ cùng vui mà “học Phật” với anh.
Thân mến,
 
CAO HUY THUẦN
Paris, Oct 29, 2021
 
 

Sunday, August 28, 2022

MAYA ANGELOU. BÔNG LOA KÈN RỰC RỠ

Nguyễn Xuân Thiệp
 

 

Một tin trên lưới gần đây đã khiến những người yêu văn học trên thế giới xúc động: Nhà thơ của nước Mỹ Maya Angelou đã ra đi sau những cống hiến đẹp đẽ cho đời.
 
   Maya Angelou, nhà thơ và là tác giả của những cuốn hồi ký nổi tiếng, đã qua đời hôm 28.5. 2014 tại nhà riêng ở Winston-Salem, Bắc Carolina, hưởng thọ 86 tuổi, sau khi trải qua một cuộc đời đầy biến động, với khát vọng không ngừng vươn lên.  Sự nghiệp của bà rất đa dạng. Bà là một nhà thơ, nhà viết kịch, giáo sư, diễn viên, đạo diễn, ca sĩ, vũ công và nhà hoạt động dân quyền. Bà đã được mời đọc thơ trong lễ nhậm chức của Tổng Thống Bill Clinton năm 1993, với những vần thơ như sau:
“Nơi đây vào nhịp đập khởi đầu một ngày mới,
Ta có thể ngửng lên và nhìn ra ngoài,
Nhìn vào đôi mắt của người chị em gái,
Nhìn vào gương mặt của người anh em trai
Nhìn vào đất nước và nói một lời thật đơn giản
Với niềm hy vọng
Chào buổi sang mai”
   Ông Nelson Mandela đã đọc bài thơ của Maya Angelou “And Still I Rise – Tôi vẫn sẽ vươn lên”, tại lễ nhậm chức Tổng thống Nam Phi của ông vào năm 1994.
   Mặc dù chưa bao giờ vào đại học, bà Maya Angelou đã được trao hơn 30 văn bằng danh dự, cũng như huân chương Nghệ thuật và huân chương Tự do của Tổng thống. Khi xác nhận cái chết của bà, ở tuổi 86, Đại học Wake Forest, nơi bà dạy học ba thập niên nay, ca ngợi bà là “một kho tàng quốc gia mà đời sống và những lời chỉ dạy khích lệ hàng triệu người khắp thế giới.”
   Sự ra đi của Maya Angelou để lại nhiều tiếc thương cho mọi người. Tổng thống Obama vinh danh bà là “một nhà thơ tuyệt vời, một người bạn mạnh mẽ và một người phụ nữ thực sự phi thường”. Ông Obama cũng cho biết tên chị gái của ông vốn được đặt theo tên bà Maya. "Nữ hoàng truyền thông" Oprah Winfrey chia sẻ, bà luôn xem Maya Angelou là người cố vấn của mình. Oprah nói: “Bằng sự bình tĩnh, tự tin vốn có, bà ấy đã sang một thế giới khác”.
 
    Với Nguyễn, trong một ngày cuối tháng Năm nhiều nắng và mây, đọc lại Maya Angelou và những bài thơ của bà, do một liên tưởng ngoài văn bản nghĩ đến những bông loa kèn màu đỏ mang vẻ đẹp rực rỡ của bầu trời nắng gió và nói lên lòng tưởng nhớ tiếc thương. Thơ của Maya Angelou. đúng là những khổ đau kết tinh cùng với những hạt bụi của trần gian -như trong bài “Tears. Những Giọt Lệ”: Những giọt lệ như những mảnh thủy tinh rách rưới của một tâm hồn khổ đau / Hay tiếng khóc than của khúc hát thiên nga giã từ giấc mộng hư...
   Và sau đây là một bài thơ ngắn của Maya Angelou nói lên nỗi tuyệt vọng trong thời thanh xuân của bà đồng thời thể hiện vẻ đẹp của thơ Maya Angelou. Bài thơ tựa đề: “Cuộc Đời Tôi Bỗng Hóa Xanh Xao - My Life Has Turned Blue”:
Mùa hè của tôi đã đi qua
Những ngày vàng nắng đã tắt
Những bình minh màu hồng
khi thức giấc bên anh
giờ đây cũng chuyển qua màu xám
Và cuộc đời tôi bỗng hóa xanh xao
 
    Nhớ ngày mới làm báo Phố Văn, cách đây cũng đã trên mười lăm năm, mình được đọc bà trong một tập thơ nhỏ. Hôm nay, khi người nữ thi sĩ lớn của nước Mỹ vừa ra đi, Nguyễn lại xin được nói về tập thơ mình đã có lần đọc trong đời.
   And Still I rise là tên cuốn sách tranh tuyệt đẹp, nhà Random House ở New York ấn hành năm 2001, gồm những câu thơ nổi tiếng của Maya Angelou trong bài thơ cùng tên -Tôi Vẫn Sẽ Đứng Lên- kèm với những bức minh họa màu của Diego Rivera, họa sĩ xứ Mễ Tây Cơ.
   “Tôi vẫn sẽ đứng lên” -là bài ngợi ca chiến thắng của con người trước nghịch cảnh. Nó là tiếng hát cất lên từ bóng tối, từ bụi đất, từ lầm than khổ cực và những bất hạnh, nó nói lên sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta để nhờ đó chúng ta bước qua luyện ngục của cuộc đời và vươn mình đứng dậy “rũ sạch bùn trong trăng”, mở cánh như đóa hoa loa kèn diễm lệ. Từ bao năm nay, 'And Still I Rise' là nguồn cảm hứng bất tận, là niềm tin nuôi dưỡng hồn người trong cơn tuyệt vọng.
   Chúng ta hãy nghe:
“Các người có thể viết đời tôi trong truyện sử bằng những lời cay đắng và những dối trá điêu ngoa,
Các người có thể giẫm tôi xuống đất đen, nhưng tôi vẫn sẽ bay lên như những hạt bụi...
Như mặt trăng mặt trời và thủy triều miên viễn,
Như hy vọng vút cao, tôi bay lên ...
Các người có thể giết tôi bằng sự thù ghét,
Nhưng tôi -như khí trời-vẫn sẽ vươn lên
Từ những túp lều của sự tủi hổ trong lịch sử -tôi đứng lên
Từ một quá khứ bắt rễ trong khổ đau - tôi đứng lên
Tôi là một mặt biển đen, dậy sóng và trải rộng mênh mông, tôi là thủy triều trào dâng
Mang cho đời những tặng phẩm do tổ tiên chúng tôi trao lại, tôi chính là giấc mơ là hy vọng của những người nô lệ...”
   Mà cuộc đời của Maya Angelou chính là một cuộc chiến đấu không ngừng, để vượt ra khỏi bóng tối của sự ô nhục và bụi đất lầm than, rạng rỡ vươn cao như mặt trăng đầu núi, mặt trời trên biển. Năm Angelou ba tuổi thì song thân bà ly dị. Cha bà gởi bà và người anh lên bốn Bailey về ở với bà nội tại Arkansas. Maya Angelou kể lại như sau trong cuốn tự truyện Tôi Biết Tại Sao Chim Trong Lồng Hót - I Know Why the Caged Bird Sings: “Năm tôi lên ba và anh Bailey bốn tuổi, chúng tôi phải đến cái thành phố nhỏ ẩm mốc ấy, tay đeo tấm thẻ ghi dòng chữ “Đây là Marguerite và Bailey Johnson Jr., đi từ Long Beach, California, đến Stamps ở Arkansas, tại nhà bà Annie Henderson.”
   “Thế là cha mẹ tôi đã chấm dứt cuộc hôn nhân tai tiếng của họ, và cha tôi đã gởi chúng tôi về nhà mẹ ông. Một công nhân đi cùng chuyến xe lửa đã giúp đỡ chúng tôi, nhưng rồi ông ta đã xuống xe trong ngày hôm sau -để chúng tôi một mình với những tấm vé đính vào bên trong túi áo anh tôi.
   “Tôi không còn nhớ gì nhiều về cuộc hành trình, nhưng sau khi đến khu biệt lập ở miền Nam thì mọi chuyện khác đi. Những hành khách da đen, đi luôn luôn mang theo hộp thức ăn trưa, tỏ vẻ xót thương “hai đứa trẻ không mẹ” và họ chất đầy người chúng tôi nào là gà chiên nào là khoai tây trộn.
   “Những năm sau này, tôi nhận thấy rằng ở nước Mỹ người ta từng gặp hàng ngàn lần những trẻ da đen nét mặt đầy sợ hãi đi một mình lên miền Bắc tìm tới những bà con giàu, hoặc xuôi về những thành phố miền Nam ở với bà nội hoặc bà ngoại...”
 
   Những năm tháng êm đềm ở Stamps, cô bé Angelou đã đọc rất nhiều -Kipling, Poe, Butler, Thackeray, Henley, Paul Lawrence Dunbar, Langston Huges... Cô yêu vùng đất này và đặc biệt cái quán mang tên The Store của bà nội. Thế nhưng, năm lên tám, Angelou về với mẹ ở Saint Louis. Lúc bấy giờ, mẹ Angelou ở với người tình tại đây. Và chính ông này đã cưỡng hiếp cô bé Angelou. Cuộc đời của Angelou từ đó là một màu xám buồn bã. Một thời gian, cô bé trở nên im lặng, ít nói. Thế rồi Angelou cùng anh trở lại với bà ở Stamps. Tại đây, với sự giúp đỡ của một phụ nữ tên Mrs. Flowers, Angelou dần dần lấy lại niềm tự tin của một thiếu nữ.
   Angelou học những năm đầu tiên ở Stamps, Arkansas. Sau đó bà được học bổng học môn vũ và diễn xuất tại trường California Labor School ở San Francisco, California. Từ nhỏ, ở Stamps, Angelou đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về văn học. Tài năng của bà ngày càng phát triển. Bà là thi sĩ, nhà văn viết tự truyện xuất sắc, diễn viên, giáo sư và đạo diễn sân khấu. Bà là tác giả của nhiều tự truyện - nổi tiếng nhất là cuốn Why I Know the Caged Bird Sings- và năm thi phẩm. Bài thơ On the Pulse of the Morning của Angelou được đọc trong buổi lễ nhậm chức của Tổng Thống Bill Clinton năm 1993. Bà là người phụ nữ da đen đầu tiên được cái vinh dự hiện diện trong một buổi lễ long trọng như vậy. Cabaret for Freedom là vở kịch do Maya Angelou đạo diễn và bà có diễn xuất một vai trong đó. Bà cũng viết kịch bản cho cuốn phim Georgia, Georgia, và biên kịch cũng như đạo diễn bộ phim truyền hình mười tập mang tên Black, Blues, Black, nói về truyền thống của người da đen ở Mỹ. Các đại học theo nhau trao tặng bà những cấp bằng danh dự. Từ 1981, bà là giáo sư vĩnh viễn ở Wake Forest University, Winton-Salem, North Carolina.
 
   Giờ đây thi sĩ của nước Mỹ Maya Angeloo đã ra đi. Nhưng vẻ đẹp của đóa loa kèn màu đỏ vẫn còn đó, thơ văn của bà còn đó. Những nỗi khổ đau đã kết tinh rực rỡ trong nghệ thuật, và thông điệp của bà về tình yêu thương và nghị lực vươn lên đang được tiếp tiếp truyền đi.
NXT
May 2014
 

PHỐ ÔN NHƯ HẦU

nguyễnxuânthiệp
 
Phố cổ. Tranh Bùi Xuân Phái
 
hồn trà mi
phố khuya
tôi đi từ cổ độ
về qua lối phù dung
thấy ngọn lửa vô thường. cháy
gầy yểu
mảnh trăng treo nóc nhà
lặng nghe
mùa trong cây
ngọn gió thu thổi rộn, rạp mái đường thi
gạch trong gạch. đá rổ. tường so le
khúc khủy. lối xe bon
cành khô gãy
dội âm u
phố người
mấy thuở chưa phai vệt máu ngày đi
thời gian
thời gian
mở mắt
những ngọn đèn cửa ô xưa
xanh cây. xanh khuya
phần thư xanh
về phố ôn như
 
hỡi ôi
một lần qua cầu thệ thủy
thấy người
và mây
trôi
trôi hết những tà huy
 
1986
NXT
 
 
 

THI SĨ THÀNH TROY


Le poète troyen est mort
La parole est au poète grec
JEAN GIRAUDOUX
 
thi sĩ thành troy không chết
thơ y vẫn còn vang lên. trên các quảng trường thờ đại
NXT

 

Saturday, August 27, 2022

NHỮNG CÂY SAGE MÙA HÈ & KHÚC H.

nguyễnxuânthiệp

Cây sage
 
NHNG CÂY SAGE MÙA HÈ
 

the sage in bloom is like perfume

những cây sage mùa hè
đã nở
đầy. hoa tím
dưới bầu trời của mây
và. này em
lắng nghe. lắng nghe. tiếng sấm lăn qua đồng cỏ
kể một chuyện tình. rất điên. và lãng mạn
nhưng không hề có thực
như mùi. hoa sage
trong ảo giác
như khúc ca
the sage in bloom
is like perfume*
và em đã tới xứ này
hực nắng dại
đã cười. đã nói
và đã ra đi
mang theo thành phố. mùa hè. của những cây sage
 
nhưng. dẫu thế nào
khi em tới
mùa hè. đã cho tôi. những sợi tóc nắng                   
                                          bàn tay của gió
                                                 đôi mắt lá cây. màu ánh bạc
như em. này í ơi. mùa hè đã cho tôi
                       áo
                       và giày cỏ
                        chiếc túi xách màu da bò
                          chuyến xe greyhound
                             đi về thành phố biển
mùa hè cũng cho tôi
mùi hương. tuyệt vọng. của hoa sage
 
trong sọ đầu tôi. nghe có tiếng gõ
và ca
mãi. mãi
một điệp khúc
những cây sage
như câu hát
the sage in bloom
của một chuyện tình. không có thực
và rất điên
và rất xa
rất xa
 
buổi chiều
cơn giông và sấm dội
bất chợt
về trên đồng cỏ
và những cây sage của tôi. dưới mưa. ướt xối
ướt xối. và gãy dập
em ơi
 
Tháng 8. 2003
 
*ca từ bài hát country music xứ Texas. Deep in the heart of Texas
 
 
KHÚC H.
 
uống cạn chén rượu này
xa kia. đồi cỏ tía
chiều
màu của cơn giông. tàn úa. trong cây
lời cuối. lúc chia xa
bay từ hốc lửa
thư viện. giờ này đã vắng. tiếng đàn im. người đi
                                                      qua cầu. một mình
 
đi qua
đi qua
chiều
trước thềm ngôi nhà ấy
những cánh hồng. khô
của tháng tư. ai vừa đốt
cháy lên
màu nắng. còn đau. ký ức tôi
hay đi qua
khu chung cư trên đồi thông. những bậc đá. và cỏ lau
số 3. nguyễn trường tộ
thấy gì trên con dốc
ngọn đèn. ai thắp lên trong chiều
dã quỳ
đã chết
 
này. hành giả phương đông
đứng nhìn vầng trăng. rực cháy
trên nóc tòa nhà gold empire
hư ảo thời gian. mặt trời. và đỉnh núi tuyết
cất lên
khúc h. của những thành phố nắng quái. những cây
                          cầu bắc qua giấc mơ. kêu như chim của thời
                          chưa có sử
 
hoàng hôn
hãy là gã du ca. roger ridley. với cây đàn thùng
trên góc phố
santa monica
hát. gào. khản giọng
stand by me. stand by me. o darling
tiếng đàn thùng. và mái tóc. mắt của mặt trời chiều
hắt bóng. con chó nằm gác mõm
người đi qua
đồng tiền rơi trong nón
và trẻ con reo cười
ôi
chiều
santa monica
 
này em có nghe
em có nghe
khi trời nổi gió
tiếng của một nhà thơ. vang vang
những âm khô. rỗng
trong khu nhà trên đường magnolia
gọi về cơn mưa. em đứng khóc
gọi lại chuyến ô tô ray ngày ấy
ngọn đèn vàng. bến ga
 
hay hãy như
allen ginsberg. đứng trên quảng trường times
                             squares. mơ về times quares
tên da đen thổi điệu kèn. buồn. thổ huyết
lúc bình minh. 5 giờ sáng
người homeless ngủ. nằm mơ những vì sao
 
và khúc h.
 
NXT

  

TRANH ĐINH CƯỜNG


Chanson de Lara. Collection Tung Duyen

  

Friday, August 26, 2022

KẺ TÀ ĐẠO & KẺ CUỒNG TÍN

Trịnh Y Thư
 
Nhà văn Salman Rushdie.
 
Nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie, trong lúc đang chuẩn bị diễn thuyết tại học viện Chautauqua, bang New York, hôm 12/8/2022 vừa qua, đã bị một kẻ lạ xông lên sân khấu đâm nhiều nhát dao chí tử. Ông được trực thăng bốc vào bệnh viện cấp cứu, và hai hôm sau báo chí loan tin là mạng sống của ông không đến nỗi bị đe dọa nhưng chắc chắn ông sẽ mất một con mắt. Bản tin lan đi nhanh chóng khắp nơi trên thế giới như ngọn lửa bốc trên đám rạ khô.
 
K TÀ ĐẠO
   Sự việc trên khiến tôi nhớ lại cách đây dễ thường gần 30 năm nhà văn Salman Rushdie viết cuốn Những vần thơ quỷ và Ayatollah Khomeini của xứ Iran đã làm náo động cả thế giới – nhất là nước Anh bởi ông nhà văn này mang quốc tịch Anh – khi hạ chiếu chỉ fatwa công khai cho người đi tìm ông xử tử, bởi vì, theo họ, cuốn tiểu thuyết chứa đựng những tư tưởng báng bổ đạo Hồi và Thánh Muhammad.
    Để chứng tỏ đấy không phải lời đe dọa suông, họ cho người đánh bom khách sạn nơi ông nhà văn cư ngụ, ngay trung tâm đô thành London. Khá may, chỉ có một người thiệt mạng trong vụ đánh bom, còn ông nhà văn thì chẳng hề hấn gì. Tình hình căng thẳng đến nỗi Anh quốc và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao và Salman Rushdie đã phải lẩn tránh vào bóng tối.
 
    Không, đừng hiểu lầm người Hồi giáo, đấy chỉ là quan điểm cuồng tín và hành động cực đoan của một thiểu số người đạo Hồi, những người diễn giải cuốn thánh kinh Qur’an dưới lăng kính thiển cận, cực đoan và sai lầm. Đa phần người ta đều nghĩ như thế. Xa hơn chút nữa, người ta xem những hành vi ấy có lẽ bắt nguồn từ sự thù ghét sâu sắc đối với thế giới Tây phương bởi quá khứ không mấy tốt đẹp từ những thế kỷ trước do chính sách thực dân áp đặt lên người Hồi giáo. Và đừng quên thời Trung cổ, các dân tộc Hồi đã từng có một nền văn minh rực rỡ và đất nước cường thịnh, lúc đó họ làm bá chủ cả một dải đất mênh mông trải dài từ Âu sang Á. Những  hình ảnh này của quá khứ vẫn  rơi rớt lùa về, thổi bụi bặm nhức nhối vào tâm khảm nhiều người Hồi giáo đến tận ngày nay. Hồi giáo, cũng như tất cả các tôn giáo khác, chủ trương hòa bình, lên án bạo động cũng như bất kỳ hành vi khủng bố nào. Ai cũng biết thế và mọi người ai nấy cảm thấy yên ổn, bình tâm với lời tuyên bố chung chung, vô thưởng vô phạt, đại loại như: “Chúng tôi lên án fatwa của Khomeini, nhưng chúng tôi cũng lên án mọi hình thức tấn công vào tôn giáo bởi điều đó xúc phạm nặng nề đến linh hồn những con người thành kính mộ đạo.”
    Vâng, chẳng gì vô đạo lý hơn tấn công tôn giáo. Đúng. “Tấn công vào tôn giáo” là “xúc phạm nặng nề đến linh hồn những con người thành kính mộ đạo.”
    Nhưng có thật  Salman Rushdie đã tấn công tôn giáo không? Hay, bên dưới những tranh biện có tính phiến diện, thậm chí đạo đức giả ấy, có sự hiểu sai khá nghiêm trọng về bản thể tiểu thuyết?
    Kỳ thực, đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết gia bị săn đuổi, bị treo án tử hình vì những điều mình viết trong tác phẩm, gây khó chịu cho giai cấp thống trị. Chính Giáo hội Công giáo Roma – cách đây bốn, năm trăm năm – đã có chính sách đối xử vô cùng khắc nghiệt đối với những kẻ tà đạo như thế. Văn hào Pháp François Rabelais, nếu không có sự che chở hết lòng của Hoàng đế François I, của Đức Hồng Y Jean du Bellay, thì đã phải chịu chung số phận với không biết bao nhiêu người khác chết uất ức, oan khiên trên giàn hỏa thiêu khốc liệt của tòa án xử dị giáo – Inquisition! Và, ngay trong thế kỷ XX vừa qua, khi cái-gọi-là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chiết tỏa lên các xã hội cộng sản, nào ai biết có bao nhiêu nhà văn, viết theo lương tâm mình, đã chết lần mòn trong các trại tập trung, trại cải tạo? Các chế độ cực hữu cũng không khá hơn chút nào. Lenin của cộng sản Nga giết Gumilev thì Franco của Phát-xít Tây Ban Nha cũng không tha chết cho Lorca. Giáo hội  Công giáo Roma thế kỷ XVI, các chế độ cực tả, cực hữu, các thể chế thần quyền Hồi giáo ngày nay đều có chung một tâm thức như thế. Đối với họ, nhà văn là kẻ tà đạo nếu hắn không chịu uốn cong ngòi bút viết theo chỉ thị hay giáo điều của Trung ương, của Giáo hội. Bên cạnh lý do chính trị cần khai trừ những kẻ đi ngược lại đường lối, lý thuyết, chủ thuyết, giáo lý… của đảng phái, tôn giáo mình, những kẻ cầm quyền độc tài còn có một sai lầm cơ bản và tai hại hơn, đó là, họ hiểu sai tiểu thuyết là gì.
    Trở lại với cuốn Những vần thơ quỷ của Salman Rushdie, những ai đọc kỹ cuốn tiểu thuyết này đều không nhận thấy tính cách báng bổ thánh thần của nó. Ngược lại là đằng khác. Phần lớn cuốn tiểu thuyết (độ bảy phần mười) tinh tế mổ xẻ đời sống những con người bị giằng co giữa hai xã hội: một bên là Tây phương mới mẻ, sinh động, phù phiếm, hướng ngoại và một bên là Đông phương cổ xưa, êm đềm, sâu lắng, hướng nội. Chủ đề ấy tái hiện thường xuyên trong các cuốn tiểu thuyết khác của Rushdie sau này.
    Điều ấy dễ hiểu. Ông sinh ra tại Ấn Độ trong một gia đình Hồi giáo truyền thống, nhưng khi trưởng thành, ông là công dân Anh và sinh sống phần lớn thời gian tại châu Âu. Những đoạn bị xem là có tính cách báng bổ tôn giáo nằm trong phần hai cuốn sách dưới dạng thức một giấc mơ của nhân vật chính diện, Gibreel Farishta, và giấc mơ biến thành hiện thực khi anh chàng đem nó ra dựng thành phim, một cuốn phim thật tồi, do chính anh chàng thủ vai tổng lãnh thiên thần. Có người gọi đấy là văn chương “hiện thực huyền ảo”, một cụm từ có tính kinh viện, “one size fits all.”
 
     Đúng hơn, ta nên xem nó là cái khả lý mà Franz Kafka đã giới thiệu tường tận từ đầu thế kỷ XX. Nếu nhìn được như thế thì tất cả những gì bị xem là “báng bổ thánh thần” của Rushdie trở nên thi vị hết sức. Nhờ Rushdie, Hồi giáo trở nên có tính thơ. Rushdie không hề ca ngợi văn hóa đại chúng Tây phương, chẳng những thế ông còn nghiêm khắc phê phán tính phù phiếm của nó. Rushdie là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học tiếng Anh đương đại. Năm 2007 ông được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ – Sir Salman Rushdie! Ngày nay chúng ta phải gọi ông như thế – vì “những đóng góp to tát của ông vào nền văn học Anh quốc.” Sẽ hiểu sai ông biết bao nếu chỉ dựa vào tầng trên cùng của văn bản, và như thế quả là bất công cho ông.
    Không phải ai cũng nhìn vấn đề như thế. Và trong lúc chờ đợi Godot, các “kẻ tà đạo” đành chấp nhận thái độ thù nghịch đầy bất công của những người không hiểu hay không chịu hiểu mình.
 
K CUNG TÍN
    Người cố sát nhà văn Rushdie là một thanh niên 24 tuổi tên Hadi Matar, một cư dân của thành phố Fairview, bang New Jersey. Khi vụ fatwa xảy ra, anh chưa ra đời, nhưng sự việc anh đâm (cho chết) nhà văn Rushdie khiến ai nấy đều nghĩ anh là kẻ cuồng tín, và nghi ngờ anh phải có chỉ thị từ chính quyền Hồi giáo xứ Iran. Tất cả còn trong vòng điều tra, nhưng gọi anh là kẻ cuồng tín thì không ai bào chữa hay bênh vực cho anh.
     Nhưng cuồng tín là gì?
     Bệnh cuồng tín (tiếng Anh có nhiều từ chỉ căn bệnh này: fanatics, ideologues, absolutists) là một trong những thuộc tính ghê sợ nhất của con người. Vì nó mà có chiến tranh hủy diệt, bởi những kẻ như vậy thường tự tin một cách chắc nịch rằng chỉ có họ mới sở hữu con đường độc nhất đi vào chân lý, một chân lý tuyệt hảo đến nỗi họ phải truyền đạt nó lên tất cả mọi người khác. Chân lý tuyệt đối này có thể là ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, cánh hữu hay cánh tả, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, tự do hay cộng sản. Nói cách khác, không phải điều họ tin tưởng, mà là cách họ tin tưởng, rằng phán quyết về chân lý sau cùng là của họ, chẳng cần tìm kiếm đâu xa, chẳng cần minh chứng, chẳng bao giờ phải nghi hoặc.
    Bệnh cuồng tín giống như á phiện hay ma túy. Kẻ có căn bệnh này say sưa với ý tưởng mình có trong đầu, hắn mất hết mọi khả năng phán đoán thông thường, và chỉ đạo cho mọi hành vi của hắn là một xung lực không thể kềm chế, thường dẫn đến những hậu quả tai hại cho chính bản thân hắn và những người xung quanh. Nếu là kẻ nắm quyền lực trong tay (quyền lực khiến người ta dễ biến thành cuồng tín) thì hậu quả sẽ khủng khiếp khôn lường, như kẻ có tên là Vladimir Putin hiện nay, và trong quá khứ, thế giới từng đổ nát không ít vì những kẻ như thế. Lịch sử mấy nghìn năm của loài người, từ thời cổ đại cho đến ngày nay, không thiếu những kẻ cuồng tín nắm quyền lực tuyệt đối trong tay. Nhưng rất may, nhân loại biết cách loại trừ những kẻ như vậy, nếu không trái đất này chắc đã nổ tung.
    Còn lại phần nhiều là những kẻ cuồng tín không có quyền lực. Không có quyền lực nhưng cái miệng thì rất to. Và sớm muộn chúng ta đều bị những kẻ ấy phá quấy ít nhất đôi ba lần trong cuộc sống.
     Kẻ cuồng tín là kẻ không biết Logos là gì. Theo triết học Hy Lạp cổ đại thì Logos là một lý tính toàn nguyên và phổ quát. Nó là nền tảng cho trật tự cùng trí tuệ, trí năng, trí khôn con người để từ đó mọi khả năng lý luận, mọi nhận thức về lẽ phải, lẽ công bình, nghĩa lý, đạo lý, luân lý, lý do, lý lẽ, sự biết điều, sự phải chăng, duyên do, duyên cớ, nguyên nhân, nguyên lý, vân vân, cấu thành con người. Thiếu nó con người biến thành con thú, sống hoàn toàn dựa vào bản năng sinh tồn, vô nhân cách. Ý nghĩa nguyên thủy của từ Logos theo thời gian biến thái dần, nhưng tựu trung nó là món quà độc nhất vô nhị Thượng Đế ban cho con người để con người lần mò tìm tòi ra cách sống chung với nhau trong thế gian này.
    Kẻ cuồng tín cũng có trí năng, nhưng đó là một trí năng chập mạch, bởi họ lý luận rằng “Cái tôi cho là đúng, phải đúng, và đúng tuyệt đối, không ai có quyền ngăn cản tôi nghĩ như thế.” Quả thật, ta chẳng thể nào đối thoại một cách nghiêm chỉnh, ôn hòa, có tính cách xây dựng với một kẻ cuồng tín. Bạn dùng dữ kiện để biện minh cho sự thật ư? Vô ích. Bạn đưa ra quan điểm chung của đa số ư? Vô ích. Bạn vạch ra sự sai trái của hắn ư? Vô ích. Bạn chẳng thể nào lay chuyển, hòa giải những ý tưởng cực đoan bên trong não bộ hắn. Cho hắn cơ hội phát biểu, bạn chỉ “nối giáo cho giặc” phá tan cái etiquette hài hòa của xã hội.
    Đó là quan điểm của giáo sư Benjamin De Motte viết trong một bài nghị luận đăng trên tờ Nation năm 1996.
 
    Nhưng mặt khác, một giáo sư khác, ông Stephen L. Carter, thuộc đại học Luật khoa Yale, trong cuốn sách xuất bản năm 1998 nhan đề Civility, thì cho rằng, phương cách duy nhất để đối đầu với chủ nghĩa cuồng tín là lòng thương yêu. Trong cuốn sách đó, ông khuyên khi đối thoại với kẻ cuồng tín, ta nên lắng nghe họ với tất cả sự chân thành, mặc dù trong lòng ta thấy kinh tởm những điều họ thốt ra khỏi miệng. Nếu ta để tình cảm thông thường chi phối, lấy sự phẫn nộ kình chống lại sự phẫn nộ của kẻ đối thoại, ta chỉ chuốc vào bản thân sự đau khổ vì cảm giác cay đắng sau đó, và nung nấu trong lòng ý đồ trả thù. Như thế, nhìn ở bất cứ khía cạnh nào, bạn cũng sẽ biến thành một con người tồi tệ hơn cái bạn đang là.
    Còn nếu bạn tỏ vẻ tôn trọng và lắng nghe quan điểm của hắn, bạn sẽ tránh được những tình cảm đen tối, và thay thế nó bằng một tình cảm êm đẹp hơn. Bằng cách lắng nghe, bạn sẽ dạy cho thế giới biết đôi điều về bạn. Thậm chí bạn có thể học hỏi thêm, bởi không phải cứ cùng quan điểm với mình mới cho mình hiểu biết thêm về cuộc sống.
    Tiếp cận một kẻ cuồng tín với sự lắng nghe chân thành và bao dung, bạn sẽ giúp hắn nhiều lắm. Thời nay phần nhiều bọn họ đều là những kẻ buồn bã và cô đơn. Họ cuồng tín vì tâm hồn, tự ái họ bị thương tổn, sâu thẳm trong tâm khảm họ là cảm giác bị bỏ rơi, không ai đoái hoài. Nếu bạn vượt qua được ngưỡng cửa cực kỳ khó khăn của sự va chạm quan điểm, khiến người kia có cảm giác như mình đang được lắng nghe, có lẽ ở bình diện nhỏ nhoi đơn giản nào đó, bạn chạm vào đáy sự việc, tại sao từ một con người hiền lành dễ mến, hắn trở nên hung bạo sẵn sàng ăn thua đủ với bất cứ ai suy nghĩ ngược chiều, và quan trọng hơn, bạn tạo cơ hội để chiếc mặt nạ hung tợn rớt xuống, để hắn trở lại con người bình thường trước kia.
     Giáo sư De Motte đúng hay giáo sư Carter đúng, vẫn là một tranh cãi (hy vọng là giữa những người không cuồng tín).
 
*
    Trở lại với nhà văn Salman Rushdie, có lẽ ông sẽ sống sót sau vụ mưu sát ghê rợn này. Sống sót với câu hỏi được đặt ra: Sau khi ra khỏi giường bệnh, ông sẽ là con người khác không? Cận kề với cái chết có làm ông thay đổi cách suy nghĩ? Tôi nghĩ là không. Tôi tin một nhà văn chân chính như ông sẽ vẫn bám chặt một cách không khoan nhượng vào xác tín nhà văn là kẻ dám nói sự thật, bởi sự thật muôn đời vẫn là ngọn đuốc soi sáng cho con người biết lối mà sống như một con người.
TRỊNH Y THƯ 

Thursday, August 25, 2022

CON GÁI NỐI NGHIỆP CỦA BA

Đào Nguyên Dạ Thảo
 

Dạ Thảo & Sách 
 
Năm 1948, 12 tuổi, Ba mình bắt đầu học nghề in ấn với các giáo sỹ người Mỹ ở nhà in Tin Lành trong khu truyền giáo Villa Alliance Đà Lạt, sau một thời gian ba chuyển về làm nhà in Tin Lành Sài Gòn. 
Năm 1960, Ba được tuyển đi sang Lào để dạy nghề in cho thợ in của nhà in Hoàng Gia Lào.
Năm 1961, Ba về lại Đà Lạt, lập gia đình, và tiếp tục làm nghề nhà in tại nhà in Lâm Viên (khu Hòa Bình), nhà in Phương Thành (dưới dốc nhà thờ Tin Lành).  Năm 1970 Ba bị bắt quân dịch, vào lính ba lại tiếp tục làm dịch vụ in ấn trong quân đội nên không bị đi hành quân. Năm 1972 ba được giải ngũ về Ba mở nhà in Nhân Văn (ngay dốc Nhà Làng, sau chuyển về dốc nhà thờ con gà).
Ba đã từng thiết kế và in báo nhật trình, tạp chí, truyện, thơ, sách giáo khoa, tài liệu, giáo trình cho Đại học Đà Lạt, trường Võ Bị, trường Chiến tranh Chính Trị,… Đặc biệt Ba là người đầu tiên đặt mẫu chữ và làm bản kẽm in Kinh Thánh và Thánh Ca chữ K’Ho cho người Thượng.
Sau Tháng 4 Năm 1975, nhà in Nhân Văn bị tịch thu và trở thành nhà in cùa Ty Thông Tin Văn Hóa Đà Lạt.  Năm 1982 Ba từ chức vào khai hoang đất trong rừng Tuyền Lâm, trước khi xây đập để có hồ Tuyền Lâm.  Ba chính là GIÀ LÀNG của làng Đào Nguyên ngày nay.
Ngày 19 tháng 7 năm 2019, Ba đi về Thiên Quốc để lại nỗi thương nhớ cho mẹ, cho các con, các cháu, và cho anh chị em bạn bè.
3 ngày sau khi chôn cất Ba, đi nhà thờ ra, mình vào thăm mộ Ba, bỗng dưng chợt nhớ đến nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đang nằm trong phòng cấp cứu bệnh viện Đà Lạt, mình đi thẳng lên thăm ông.  Khi ra về Ba khiến sao tự nhiên lại nảy ra ý định  in tập thơ cho NĐS mặc dầu không hề biết gì về in sách và phát hành sách như thế nào ở Mỹ .  Và bắt đầu từ quyển THƠ VÀ ĐÁ của NĐS, cho đến hôm nay đúng 3 năm mình đã thiết kế bìa, dàn trang,  và phát hành những quyển sách sau đây:
1. THƠ VÀ ĐÁ – Nguyễn Đức Sơn
2. THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH – Thầy Tuệ Sỹ
3. PHẾ TÍCH MỸ SƠN – Bùi Chí Trung và Trần Kỳ Phương
4. KÝ 3 – Đinh Quang Anh Thái
5. ĐẢNG PHÁI QUỐC GIA VIỆT NAM 1945-1954, LỜI KỂ CỦA NHÂN CHỨNG, gồm 4 tập - Nguyễn Mạnh Hùng
6. Tuyển tập TIÊU DAO BẢO CỰ, gồm 4 tập
Thiết kế bìa:
1. Tập sách CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN – Trịnh Y Thư
2. Hồi Ký ĐOÀN VIẾT HOẠT
Ba ơi! Ba ở trên Trời,  Ba xem mấy quyển sách của con gái Ba làm coi có được không hả Ba?
ĐNDT
 
Nguồn: Facebook Đào Nguyên Dạ Thảo
 
 

Sunday, August 21, 2022

BÓNG

Vũ Hoàng Thư

Tranh Phan Chánh Khánh,
ký họa bằng cà phê và mực đen.
 
một bóng ai
          lạnh vai gầy
bông sứ rụng
lời kinh ngày thưa mưa
như chợp mơ
          người phố xưa
nguồn hương lá
          vàng mùa đưa nội thành
một đốm lửa rủ môi thanh
ly trà ngát
ba cõi xanh má người
đêm còn trẻ
          hoa bưởi lơi
gọi khuya sâu
đậm tình khơi thuận tùy
mưa sẽ ngưng dẫu đôi khi
con bướm vỗ
cánh hoài nghi xuống triền
 
VŨ HOÀNG THƯ
4/3/2021
 
Nguồn:Trang nhà Vũ Hoàng Thư