Friday, November 30, 2018

THƠ HOÀNG XUÂN SƠN


Cao Vị Khanh. Hoàng Xuân Sơn. Hồ Đình Nghiêm

hợp âm 3

ngã ba
là ngã ba nào
hàng xanh đã luỵ
hàng rào đã thưa
chừ thì
xấp xỉ ngày xưa
bọn mình 3 đứa
già nua thiệt rồi
thôi
cứ nghĩ lung                  một hồi
biết đâu hàng họ
còn rơi rụng
về

như

chai đỏ.  chai trắng
đung
đưa
mà mình thì cứ cợt đùa như lai
bằng hữu vang như tiếng cười
như giọt mắt.  chực
khóc người xưa sau
như tiếp liên một nhịp cầu
vì sông đã quỵ
vì mầu đã hư
bây giờ kể chuyện phù du
rồi ôm thực tế
vào mù sương
dâng

25 nov. 2018
[một ngày mưa tuyết.  quán Hồ Gươm. 
với Cao Vị Khanh, Hồ Đình Nghiêm.  thiếu Vũ Hoàng Thư]

chập chộ

đêm đông
chập chộ đêm hè
đương không lạnh cóng
bỗng nghe nực nòi
chừ thì xuân ẳm giêng hai
từ chân bó rọ
tới quai guốc hồng
mà mình vẫn cứ lông bông
quanh bờ mộng nhỏ chờ trông mộng đầy
giựt mình
mộng trắng hai tay
một phen chập chộ
nhìn ngày
hóa
đêm
HOÀNG XUÂN SƠN
cuối nov. 18
[lâu hung nghe chữ “chập chộ” của Nghiêm]



Thursday, November 29, 2018

ĐỌC LẠI ‘KHI LOÀI SÂU BIẾT KHÓC’ CỦA HOÀNG THỊ BÍCH TI


Lương Thư Trung

Bìa Khi Loài Sâu Biết Khóc

Bạn ơi, nhớ hồi ấy, năm 2004, nhóm văn Nghệ Boston, tổ chức giới thiệu sách của bốn tác giả nữ gồm có Nguyễn Thị Thanh Bình (Virginia), Thu Thuyền (Dallas, Texas), Hạ Uyên (Boston) và Hoàng Thị Bích Ti (Virginia). Tôi có mua tập truyện dài “Khi Loài Sâu Biết Khóc” của Hoàng Thị Bích Ti. Vậy mà rồi, mới đó mà cũng đã lâu rồi, có tới mười bốn năm!

Từ trái: Nhà thơ Triều Hoa Đại (Florida), nhà văn Song Thao (Montréal, Canada),
nhà văn Hoàng Thị Bích Ti (Virginia), nhà thơ Phan Xuân Sinh (Boston) và nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp (Dallas, Texas).(Hình nơi trang nhà của nhà văn Song Thao, năm 2004).

Nhớ lần đó, mới nghe cái tựa sách thôi, tôi đã nghĩ làm gì có loài sâu nào biết khóc? Có lẽ vì phụ nữ có thêm giác quan thứ sáu, nên mới nghe ra được tiếng khóc của một loài sâu! Bởi lẽ giản dị là, nếu một người con trai viết văn, chắc gì họ đã khóc dù khóc cho một cuộc tình không trọn của chính họ, nói gì nghe được tiếng khóc của một loài sâu? Cái giới tính, nam và nữ, trong nghề viết văn nó lộ ra từ cái tựa rất ư sướt mướt và buồn thảm ấy! Và rồi, một truyện dài không có lời màu mè gì ở ngay trang đầu tiên của Chương Một, bắt đầu bằng một màu vàng của màu lá tháng mười:

“Tháng mười, lá vàng ơi là vàng…”

Bạn thấy chưa? Bạn đọc được ở đâu đó một nhà văn con trai nào nhập đề bằng một màu vàng đầy hấp dẫn như vậy lần nào không? Rồi, xin mời bạn theo bàn tay chỉ của tác giả lướt qua một chút không gian của mùa lá tháng Mười:

“Khoảng giữa tháng, lá đổi màu thật nhanh. Mới vài ngày trước đây cây còn xanh lá. Qua vài trận mưa, trời trở lạnh, cỏ cây bắt đầu nhợt nhạt như người đang kiệt sức. Lá vàng võ, ủ ê. Thoắt đi vài hôm, lá ngã sang một màu đỏ bầm, vàng ráng. Rừng phong rực rỡ như nàng vương phi trong tà áo ngũ sắc, từ tạ quân vương lần cuối cùng trước khi lui vào chốn lãnh cung. Bầy chim phản trắc, bỏ rừng đi gần hết. Những chú nai con thấp thoáng bên ven rừng. Thỉnh thoảng có con nằm chết một mình bên lề xa lộ. Cái chết đến bất chợt ở chỗ không ngờ. Trong sân nhà ai, chiếc kén sâu tiêu điều treo lơ lửng trên cành đào khô. Những con sâu bỏ cành, tìm chỗ trú hay đã hóa thân thành đàn bướm nhỏ từ Xuân trước.” (KLSBK, trang 7)

Thê rồi qua đó, bạn sẽ theo dõi suốt 247 trang sách qua 26 chương với các nhân vật cả đàn ông lẫn đàn bà, mỗi người mỗi nét! Nào là Huệ với ông chồng người Mỹ có cái tên là Wayne, và cái cách quen-quen ưa gọi chồng bằng “thằng” hoặc bằng “nó” với một cách nói chuyện rất ư bình dân, nghĩ sao nói vậy mà tác giả gọi cách nói như vậy là một thứ “ngôn ngữ trống không” mà rất thương người khốn khó:

“Cô thường bắt đầu bằng những câu như: “Biết hôn? Hôm qua, … biết hôn? Hồi đó nhà mình nghèo lắm. Cơm hổng có mà ăn. Bà già nuôi hổng nổi mới giao cho người bà con nuôi giùm. Nuôi giùm cái búa! Ở đợ không công thì có! Vậy mà tối ngày cứ bị thằng con của bà chủ hăm he đánh hoài! Hôm nào nó khảo không ra tiền của mẹ nó là nó kiếm chuyện! Biết hôn? Có bữa nó đánh chảy máu đầu, máu ra lênh láng. Bà già sợ có ngày ông quí tử đi tù nên đưa mình đi ở cho người khác. Mấy người này giàu ghê lắm Ngâu ơi! Họ có phòng cho Mỹ thuê. Tưởng được yên thân rồi, vậy mà … Biết hôn? Bữa đó đang đi làm bị thằng Mỹ già nó hãm. Hãm xong nó cho mấy đồng bạc rồi đuổi về. Hồi đó sao mà ngu ghê Ngâu ơi! Hổng biết gì hết trơn hết trọi. Đâu biết mất trinh là cái gì đâu, cứ tưởng là có tháng! Rồi cũng xong! Sống lây lất một thời gian thì gặp thằng Wayne, nó đem về Mỹ luôn. Đẻ cho nó hai đứa con… Vậy mà cũng sống với nó cũng cả chục năm trời! (KLSBK, trang 17)

Rồi một nhân vật nữa là Ngâu, một người con gái có cha là ông Thanh nhưng không gọi cha bằng Ba mà lại gọi bằng “bác”, sau này yêu thương Đính, một người đàn ông có vợ là bà Mai còn bên quê nhà để rồi cuộc tình ngang trái ấy làm cho Ngâu bao phen phải lụy vì tình. Còn ông Thanh, ba của Ngâu, trong vai người chồng hờ của bà Ánh trong một chuyến vượt biển khi bị bọn hải tặc hãm hiếp, nhiều lần ông van lạy bọn đàn ông cướp biển buông tha cho người đàn bà đẹp ấy nhưng rồi ông cũng bất lực nhìn cảnh bọn quỷ dữ hãm hại người!

Thêm nữa, nhân vật có tên Lâm, còn trẻ mà dường như bị bịnh trầm cảm nặng, mà nguyên do là có lần ông chứng kiến cảnh cha mình bị người ta kéo lê trên boong tàu, trên đường tị nạn, tác giả viết:

“Chị biết không? Chúng nó hô hoán lên là bố tôi ăn cắp vàng của nó. Thế là mấy thằng quân cảnh Mỹ ào đến bắt bố tôi. Chúng trói quặp ông lại, tròng vô cổ ông tấm bảng lớn với hàng chữ đỏ: “Kẻ cắp!” (…) Bố tôi là một người vô tội! Vậy mà tôi không giúp được ông. Không thể giải oan cho ông. Tôi là một thằng con trai bất tài! Còn bố tôi? Thanh liêm một đời, trong sạch một đời rồi rốt cuộc cũng bị chiến tranh làm cho hoen ố!” (KLSBK, trang 47)

Ngoài ra, còn có thêm vài nhân vật phụ như ông Mục sư nhà thờ, như Helen, Jack, David, Paul, vợ chồng Hoành &Thu, ông Phong ba của Hoành và cũng là ba chồng của Thu, rồi còn có Tuấn, Đạt, Khuê trong nhóm được gọi là tạp chí “Thân Hữu” vân … vân…

Tất cả những nhân vật trong truyện như tôi vừa lướt qua một chút được tác giả cho chảy tràn lên biển đời đầy bão dông, dâu bể của mỗi người… Tất thảy, qua những chương sách, họ nhập vào dòng sống tha hương của những người bất chợt gặp nhau như những định mệnh của cuộc đời mà họ không có quyền chọn lựa! Dường như muốn diễn tả cho hết từng ấy những nhân vật nhiều như vừa kể có lẽ tác giả phải sống với từng nhân vật của mình rất lâu để có thể diễn tả hết những bất trắc, những nghịch cảnh, những tâm lý giữa người này với người khác đã là một điều mà, với cảm tưởng của một người đọc nhà quê già như tôi, tôi nghĩ đã là một điều rất đáng nể ở tác giả rồi!

Từ trái: Nhà thơ Tô Thùy Yên (Houston), nhà văn Thu Thuyền (Dallas),
nhà văn Hoàng Thị Bích Ti (Virginia), nhà thơ Đức Phổ (Atlanta). [Houston,
dịp giới thiệu tác phẩm Tát Cạn Đời Sông của Phan Xuân Sinh, ngày 20 tháng 7 năm 2013]

Dĩ nhiên rồi, tôi không muốn kể cho bạn nghe về cuộc sống của đôi vợ chồng Huệ & Wayne, vợ chồng mới của ông Thanh & Ánh, tình cha con giữa ông Thanh và Ngâu, cuộc tình của Ngâu & Đính, đời sống của ông Tâm, công việc mà Helen & Ngâu cùng các người khác như Jack, David làm trong nhà thơ Tin Lành của một vị Mục sư chuyên nhận các thư từ của hằng ngàn tín hữu gởi tới nhà thờ mỗi ngày mà ít người bên ngoài biết được… Và còn nhiều nhân vật phụ khác xoay quanh chủ đề mà tác giả muốn gởi gắm… Ở đây tôi chỉ muốn gợi cho bạn một vài nét khái quát về cách dựng truyện như vừa kể của tác giả, nó vừa có lớp lang, thứ tự, mà cũng vừa có những cảnh rất hợp với số phận của mỗi người mà tôi nghĩ cách bố cục như vậy là khá chặt chẽ!

Thứ đến là về phép tả cảnh và tả người. Dường như là tác giả Hoàng Thị Bích Ti có cái diễm phúc là được trời ưu ái ban cho tác giả cái chất phụ nữ với nhiều giác quan mẫn cảm cùng với cái vốn lãng mạn của tâm hồn, chẳng những tác giả đã nhìn ra được những khía cạnh tâm lý qua những cảnh đời bất trắc khác nhau ấy, mà còn quan sát được sự biến đổi của thiên nhiên trời đất qua từng mùa màng nắng sớm mưa chiều với cái man mác buồn của mùa Thu, cái lạnh cắt da của mùa Đông, cái tươi mát của mùa Xuân và cái ấm áp của mùa Hè để rồi tác giả ngồi xuống với một chút chú tâm làm cho những dòng chữ cứ thoăn thoắt chảy tràn lên từng trang sách một cách thật trôi chảy, không ngừng… Tôi không nghĩ tất cả những chương sách trong truyện dài Khi Loài Sâu Biết Khóc là hoàn toàn có thật nhưng nếu vậy thì qua tài viết truyện của Hoàng Thị Bích Ti, tôi nghĩ tác giả đã khắc họa lên được những chi tiết gần như thật vậy!

Ngoài ra, cũng xin ghi nhận thêm ở đây cái nét đặc biệt ở những câu văn đối thoại của tác giả thì hết sức tự nhiên, không gò ép… Chẳng hạn, tôi không chọn lựa trước, bất chợt tôi đang đọc mẩu đối thoại dưới đây, ở chương 25, xin ghi lại cùng bạn:

“Đặt ly cà phê xuống bàn, Helen quay xuống cười tủm tỉm, tay đặt úp một tấm ảnh xuống trước mặt Ngâu, mặt đầy vẻ bí mật. Ngâu cầm lên, lơ đãng hỏi:
“Gì thế này?”
Helen hớn hở, thúc giục:
“Xem đi.”
Ngâu lật tấm ảnh lên, tròn mắt:
“Con ai đây?”
Helen cười, mắt rạng ngời kiêu hãnh:
“Con tớ đấy!”
Ngâu ngỡ ngàng:
“Dễ thương quá! Tàu hay Thái Lan?
“Tàu. Con bé xinh quá phải không Ngâu? Con mắt sao mà nhỏ và dài như hai lá trúc. Vừa thấy hình nó là tớ thương liền.”
Ngâu cười:
“Helen muốn xin nó về nuôi à?”
Helen gật đầu, mau mắn:
“Ừ, tớ và Jack đang lo giấy tờ.”
Ngâu không tin ở tai mình:
“Jack à ? Jack cũng bằng lòng rồi sao?”
Helen cười rất tươi:
“Thế mới hay! Anh chàng còn sốt sắng hơn cả tớ nữa kia.”
Lòng khấp khởi mừng cho bạn, Ngâu cười:
“Vậy sao?”
Helen hạ giọng:
“Thật ra con bé này có một hoàn cảnh rất đáng thương. Không ai đành lòng để nó sống trong cô nhi viện, nhất là Jack. Bề ngoài anh chàng hùng hổ như con gấu nhưng tâm hồn thì lúc nào cũng bao dung và hiền như trẻ thơ. Ngâu xem, chưa đầy một tuổi mà gương mặt của nó thông minh sáng sũa làm sao…”
Ngâu vui vẻ:
“Ừ!”
(KLSBK, chương 25, trang 220)

Có lẽ bạn thấy không cần thêm bớt hoặc chấm phết lại ra sao, cho gọn hơn, và tự nhiên hơn như cách tác giả diễn tả trong mẩu đối thoại vừa rồi phải không? Riêng tôi thì tôi đành chịu, không dám sửa đổi hoặc thêm bớt một chút gì! Còn nhiều lắm những đoạn văn tiêu biểu như vừa dẫn…

Và ở chương cuối, tác giả kể:“Trên chiếc băng ghế của hai chú nhỏ ngồi với mẹ khi nãy có cặp tình nhân đang ngồi đan tay trong nhau, thì thầm những ngôn ngữ của tình yêu. Đâu ai biết rằng, khoảng nửa giờ trước đây có con sâu nhỏ đã sống trong những khoảnh khắc cực kỳ sợ hãi.” (KLSBK, trang 246). Tôi chợt nhớ có lần Helen tâm sự với Ngâu về tiếng khóc của một loài sâu:

“Khi loài sâu biết khóc là khi nỗi đau khổ của con người đã trở thành vô biên, vô vị. Thượng đế ở trên cao làm sao nghe được tiếng kêu của chúng nó phải không Ngâu? Tiếng kêu thấp lắm…, nhỏ nhoi lắm Ngâu ơi! Cúi xuống. Cúi xuống đi! Cúi xuống! Ngâu sẽ nghe được tiếng khóc của nó! Cúi xuống, Ngâu sẽ nghe được cả tiếng khóc căm lặng của chính mình!” (KLSBK, trang 146).

Có thể nói, sau khi đọc lại truyện dài “Khi Loài Sâu Biết Khóc” của Hoàng Thị Bich Ti, tôi có cảm tưởng như đây là một thể văn“tả chân tâm lý”, một loại vừa tả chân vừa chuyên chú vô phần tâm linh của con người, xem đó là động cơ quan trọng nhất, cần thiết nhất để vẽ lại những cảnh đời chìm nổi của con người cứ bị hoàn cảnh đẩy đưa, trôi giạt mãi hoài … Gắp sách lại rồi mà sao lòng tôi dường như nghe ra có chút gì nao nao về “tiếng khóc của một loài sâu”, đâu đó, quanh đây!

HAI TRẦU LƯƠNG THƯ TRUNG,
Houston, ngày 22 tháng 11-2018
(Ngày lễ Tạ Ơn)

Monday, November 26, 2018

CƠN BÃO TUYẾT MÙA ĐÔNG


Duyên

Tuyết. cành dogwood. Photo by duyên

chợt cơn bão tuyết. đêm qua...
sáng ra. trắng xóa
bao la đất, trời
đường sá. vắng. mịt mù...khơi
người thưa qua lại
tiết đông đã về
chiều qua. ngỡ cánh chim xưa
ngờ đâu bóng lá
chao. đưa. cuối mùa.

tin tức chiều nay
không phi cơ. cất cánh
phi trường buồn
tê liệt cả đường bay.

người vất vả. chờ
mong. đêm qua...trời sáng
lời cám ơn. quá nhiều
khánh tận. mấy ngày qua...

cám ơn gì
khi thất thủ. đã về ta
ngoài sân bay
những cánh sắt xếp hàng...
chiều đã mỏi
cho người chờ...

mong quá. chuyến bay xa.
xin
đưa người về
nơi
yên ấm cũ.
nơi
gọi là nhà
nơi
hạnh phúc
ban sơ...

DUYÊN
11.25.2018

CHÙA ĐÀN & MÊ THẢO. THẾ GIỚI CỦA HỒN OAN


nguyễnxuânthiệp

Đốn cây hoa gạo

Trong bài Từ Chùa Đàn Đến Mê Thảo, Nguyễn tôi có nói lên ước mong: Bao giờ mới được xem Mê Thảo. Lời ước đó được viết ra từ năm 2003. Nhiều năm đã trôi qua, không ngờ giờ đây ước mơ đó trở thành sự thật.

Đúng như vậy đó. Nhờ một cơ duyên đẹp đẽ, Nguyễn chẳng những đã được xem Mê Thảo mà còn được đọc lại Chùa Đàn. Cả một thế giới nơi âm dương chập choạng hiện lên trước mắt: ánh lửa mê hoang và tiếng đàn u uất cùng hòa quyện với bi kịch n người trong tiếng mưa đêm… đem đến cho người đọc và người xem nhiều cảm xúc. Đó là nói theo chủ quan của người viết. Có thể bạn trẻ bây giờ không ưa lắm đâu vì văn của Nguyễn Tuân khó đọc và diễn biến trong phim có phần chậm chạp trong một không gian nhiều bóng tối của hồn oan.

Đọc Chùa Đàn cũng như xem phim Mê Thảo, trước tiên người đọc bị lôi cuốn ngay vào cảnh đốn cây hoa gạo. A, đây rồi cây hoa gạo mà Nguyễn thường hình dung trong trí tưởng qua những hồi ức thơ. Chợt nhớ lại những câu thơ Xuân Diệu hồi đầu kháng chiến: Tháng ba hoa gạo nở / Mở cánh ngập đồi xa / Máu đào tung tóe vỡ / Chân mây thở sáng lòa… Và nhớ Quách Thoại, ôi Quách Thoại ngày nào: Mặt trời mọc, mặt trời mọc / Rưng rưng mùa hoa gạo / Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo/ Còn sáng tạo, ta vẫn còn sáng tạo… Riêng Nguyễn tôi, trong một truyện thật ngắn, tựa đề Bến Lú, đã viết mở đầu: Trời sẫm tối. Gió từ mặt sông thổi lạnh buốt. Cây hoa gạo trên đầu dốc, cạnh cái điếm canh xiêu xó, phát ra những tiếng thầm.
Cây gạo là như thế: thân nó đen đủi, nhánh cành cong queo, hoa màu đỏ. Hãy nghe dân ấp Mê Thảo nhận xét: “Cây gạo thì quý gì. Gỗ nó chỉ dùng làm áo quan cho bọn nghèo. Hoa thì chỉ quyến rũ được sáo đá và quạ thôi.” Đó là chưa kể người ta đồn nó có ma. Nó thường đứng trơ vơ trên đầu quán dốc. Cô đơn dưới nắng mưa. Ở Mỹ, ta chưa thấy một cây nào như thế. Nhưng nó là hình ảnh quen thuộc của vùng quê đất Bắc. Nó có một vẻ đẹp riêng nên các nhà thơ thỉnh thoảng mới nhắc đến, như trên ta đã thấy. Và bởi vì nó có vẻ đẹp nào đó nên Nguyễn Tuân mới mở đầu chính truyện Chùa Đàn bằng cảnh đốn cây gạo về trồng trong sân nhà Lãnh Út nhân kỳ hết giỗ Mợ Lãnh. Ta hãy đọc lại ở đây:
“Mặt giời lệch bóng, ba chục dân ấp Tháo lực lưỡng bắt đầu thắt cổ cây gạo sừng sững trên dòng suối Vầu. Nhiều múi thòng lọng dây thừng thít mãi vào những cành to dang ra như cánh tay đầu hàng. Những cật người uốn cong gò bấy nhiêu đầu thừng về một phía. Cây gạo xiêu dần rồi vật mạnh xuống như một kẻ chiến tranh bị trúng độc kế ở mặt trận, làm tung bắn lên những thân hình người đang oằn oại trên những đoạn luồng già dùng làm bẫy cắm chèn vào kẽ gốc. Suối Vầu tung nước. Rừng Vầu vang bật lên một tiếng quật gốc già. Đầu rễ cái gốc gạo nhựa rỉ tuôn tợ máu phun. Bọn người đánh cổ thụ ấp Tháo dúi ngang vào dưới thân cây gạo rồi đẩy dần cây to xuống dốc. Đến những chỗ không thả đà được thì họ lại lồng đầu thừng vào cánh nách mà kéo, vừa kéo vừa hò dô ta. Thân họ vẹo về một chiều trước, như xống ngọn cỏ bị gió lùa mau.”
Nguyễn tôi cũng đặc biệt thích đoạn phim mở đầu chính truyện trong Mê Thảo khi đàn ông trai tráng của ấp, mình trần nhễ nhại mồ hôi, quấn dây thừng, ra sức kéo ngã cây hoa gạo đưa xuống bè chở về. Đây quả là một cảnh đặc sắc trong phim của đạo diễn Việt Linh. Đẹp, hùng tráng và gây ấn tượng.

Cô Cam

Lãnh Út 

Cảnh mưa trên mái ngói âm dương, với Nguyễn, cũng là những hình ảnh đẹp của cuốn phim. Như mưa ngày nào ở Vương Phủ. Mưa rào qua những ngôi nhà. Những sợi mưa loang loáng ánh đèn. Mưa vỡ trên sân gạch hồng. Và những bước chân trần chạy trong mưa. Bỗng nhiên mưa rộ cười rực rỡ. Hay mưa trong Rashomon, trong Địa Ngục Môn… Và rồi hình ảnh cô Cam -cô gái câm- hiện ra từng lúc trong từng đoạn phim. Nguyễn tôi yêu nhân vật cô Cam này. Như đã nói trong bài trước, đây là một sáng tạo độc đáo của đạo diễn Việt Linh (hay của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân?). Bên cạnh cô Cam, còn có hình tượng cô Út, người yêu trong mộng của Lãnh Út, được thể hiện khi thì trong hình nộm bằng rơm, lúc là pho tượng gỗ. Có thể nói, cô Cam là vai diễn linh động nhất, thật và sống nhất trong toàn bộ cuốn phim. Cô vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân của thiên bi kịch ở ấp Mê Thảo. Hình ảnh cô Cam nổi bật qua từng cảnh phim: cô Cam đẫm đam mê trong đêm mưa gió tìm đến phòng Lãnh Út, núp bên ngoài cánh cửa, chứng kiến cảnh hoang loạn của Lãnh Út và pho tượng… Cô Cam nổi cơn ghen khuân pho tượng gỗ xô xuống hồ và rồi sau đó cô bị Lãnh Út trừng phạt, cho vào rọ đẩy xuống nước chìm theo pho tượng. Những hình ảnh này đã hấp dẫn người xem không ít.
Ở đây, Nguyễn tôi muốn nhấn mạnh thêm về sáng tạo của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và đạo diễn Việt Linh: Có thêm nhân vật cô Cam và những hình nhân thì thiên bi kịch ở ấp Mê Thảo có nhiều tầng lớp hơn và phim tăng thêm độ đậm và chiều sâu, nỗi tuyệt vọng và sự điên loạn của Lãnh Út từ đó bộc phát mạnh mẽ, lôi cuốn người đọc. Mối tình thuở ban đầu của Bá Nhỡ và cô Tơ cũng giúp thêm vào biến chuyển tự nhiên của câu chuyện.

Hồi kết cuộc, của truyện cũng như phim là cảnh cô Tơ hát, Bá Nhỡ đánh đàn. Đây là đoạn tả xuất sắc trong Chùa Đàn, văn Nguyễn Tuân ở đây như một bức phù điêu được khắc với nét sâu và mạnh, làm nổi bật tính chất nghệ thuật của Chùa Đàn:
“Chưa bao giờ Cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm vô danh hiu hiu ngọc vàng so le, Nó là cái oan uổng nghìn đời của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vướng vít nửa vời. Trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất, kêu đánh xoảng. Riêng Cô Tơ nhận thấy tiếng đổ vỡ này và hiểu nó là điềm báo hiệu của một điều linh thiêng gì.”
{…}
Phía sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng. Linh hồn Bá Nhỡ đã xuất thoát ra kia đang díu đôi cánh ốm rồi biến dần vào bóng khuya. Một con châu chấu ma nổ ruột trên tim nến lả lay.”

Cảnh trên đặc sắc và kinh dị. Văn Nguyễn Tuân tới đây lộ rõ sự điêu luyện ít người đạt được, kể cả ngày nay. Phim không được như thế. Cảnh Bá Nhỡ (Đơn Dương) ngồi đánh đàn quá bình thường, không diễn tả được cực hình xen lẫn hoan lạc Bá Nhỡ đang trải qua, tuy tiếng đàn như mưa đổ, lúc nghẹn ngào khi ào ạt. Tuy nhiên, tiếng hát của cô Tơ quá xuất sắc, đớn đau và vời vợi trong ca từ thoát lên từ Tống Biệt của Tản Đà: Lá đào rơi rắc lối thiên thai…
NXT
(Tổng hợp)