Sunday, November 25, 2018

TỪ ‘CHÙA ĐÀN’ ĐẾN ‘MÊ THẢO’


nguyễnxuânthiệp

Nguyễn Tuân & chùa đàn

Hôm nay, một ngày mùa thu trở lạnh, ngồi đọc truyện cũ xem lại phim xưa. Ôi, các bạn, chúng ta cùng đi vào thế giới của Chùa Đàn và Mê Thảo nha, các bạn.

Tháng 8 năm 2003, nhân cuốn phim ‘Mê Thảo, Thời Vang Bóng’ hoàn thành, Nguyễn có viết một bài về Chùa Đàn và Mê Thảo. Bài viết một phần dựa vào ký ức và tài liệu trên Internet, chứ mình chưa được xem phim. Sau đó nhờ một cơ duyên đẹp đẽ, Nguyễn được đọc lại Chùa Đàn của Nguyễn Tuân đồng thời được xem cả cuốn phim của nữ đạo diễn Việt Linh nên có thêm cảm xúc và suy nghĩ để nối tiếp bài viết năm nào. Vậy xin mời bạn đọc yêu văn chương và điện ảnh theo dõi trước hết bài viết năm 2003 và sau đó bài viết tiếp trong tháng 8 năm 2009.     

Tôi đọc Chùa Đàn của Nguyễn Tuân ở những năm trung học. Đã gần nửa thế kỷ qua, trí óc chỉ còn lưu giữ được hình ảnh Bá Nhỡ cùng cô Tơ đàn ca trong đêm, dưới bóng ngọn đèn dầu mờ tỏ, trong khi gió - đâu từ cõi âm- không ngớt lùa qua khe liếp. Ngày ấy, tôi cũng cảm nhận được Chùa Đàn hay, ẩn ngữ lung linh, nhưng thiết nghĩ nên bỏ quách cái mưỡu đầu (dựng) và mưỡu hậu đi thì đẹp biết bao. Quả đúng như nhận định của một số nhà văn thời ấy, những năm 54-55: cái ông Nguyễn Tuân này láu cá, thêm hai cái mưỡu thô kệch vào, luận thuyết om sòm, mục đích làm đẹp lòng người Cộng Sản, nhưng đã di hại đến nhân cách ông ta và tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm. Nhà văn Hàn Thủy ở trong nước cũng nhận định tương tự: “Phần thứ hai, bao bọc cái lõi trên (tức nội dung chính của tác phẩm có tên Tâm Sự Nước Độc… NXT), thì có tính lịch sử hơn, và chỉ có tính lịch sử thôi, là đoạn dựng và đoạn mưỡu, mà giá trị chính là biểu tượng cho cái hồ hởi mà ấu trĩ của văn nghệ đầu cách mạng. Không biết tại sao Nguyễn Tuân viết thêm phần này, có phải cần thiết vì đưa in sau cách mạng? Điều ấy xin để hỏi các nhà làm lịch sử văn học, nhưng độc giả nào muốn đọc Chùa Đàn, dù đã xem hay chưa xem phim, đều có thể bỏ qua hai cái đoạn thủ vĩ gượng ép ấy, đọc không có ích gì mà còn bực mình thêm.” Đúng, nhưng nói như thế còn nhẹ. Có người cho rằng Nguyễn Tuân đã hạ nhân cách, nịnh bợ Cộng Sản. Của đáng tội, không thêm hai cái mưỡu dị hợm này vào thì tác phẩm sẽ không thấy ánh mặt trời, vào thời điểm u tối và u mê ấy.

Vậy Chùa Đàn (tức “Tâm Sự Nước Độc”) kể gì với chúng ta? Đặng Tiến, trong một bài viết đăng trên Hợp Lưu, ghi nhận: “Chuyện xảy ra hồi đầu thế kỷ 20, tại ấp Mê Thảo, một địa danh tưởng tượng, chuyên nghề nuôi tằm dệt tơ. Chủ ấp, Lãnh Út, yêu một cô gái và chuẩn bị đám cưới thì cô dâu tử nạn vì xe lửa bị lật. Từ nỗi tuyệt vọng vì tình, Lãnh Út đâm ra căm thù văn minh cơ khí, chìm đắm vào men rượu, tách mình ra khỏi thực tại, sống trong kỷ niệm, tuyệt vọng và hoang tưởng. Việc trang trại hoàn toàn giao phó cho quản gia là Bá Nhỡ, nguyên bị án tử hình, dù chỉ tòng phạm trong một án mạng. Bá Nhỡ được chủ ấp bao che, nên tận tụy lo cho ân nhân và công việc trang trại. Là một tay đàn cự phách, Bá Nhỡ đã từng đệm đàn cho Tơ, một đào hát lừng danh, anh muốn mời cô Tơ lên ấp hát, may ra điệu nhạc lời ca giải khuây và đưa Lãnh Út trở về thực tại. Nhưng từ ngày chồng chết, cô Tơ đã giải nghệ, và phát nguyện chỉ hát theo cung bậc của cây đàn người chồng quá cố để lại. Nhưng đây là cây đàn thiêng: ai đụng vào là có nguy cơ mất mạng. Bá Nhỡ chấp nhận cơ nguy, sử dụng cây đàn thiêng vào đêm hát. Rồi Lãnh Út đánh trống, cô Tơ ca, Bá Nhỡ đàn, cho đến khi  xuất huyết và chết trên cây đàn oan nghiệt. Lãnh Út cùng đoàn tùy tùng đưa xác Bá Nhỡ về ấp. Rồi đốt cháy hết những vò rượu “vô cố nhân” và xây chùa tưởng niệm bạn xưa, gọi là Chùa Đàn. Cô Tơ xuất gia, giữ phần kinh kệ.”
Nội dung chính của Chùa Đàn là như thế. Nguyễn mê Chùa Đàn từ thời mới bước vào cõi văn chương và những ấn tượng đầu tiên đó còn giữ lại cho tới bây giờ. Nhưng nhà văn Hoàng Hải Thủy thì chê ghê lắm. Ông cho rằng Nguyễn Tuân viết sai nhiều chỗ: Trong cõi đời thực này có ai vì vợ chết trong tai nạn xe lửa mà đâm ra thù những sản phẩm cơ khí tạo ra như cái đồng hồ, chiếc xe đạp… và tìm cách ngăn chận, hủy diệt. Nhân vật chính là Lãnh Út còn cai trị ấp Mê Thảo một cách điên rồ, chận đánh những người đi qua ấp, hiếp dâm đàn bà v.v… Thế nhưng với Nguyễn do nghĩ rằng thế giới của Chùa Đàn là thế giới của những hồn oan, và văn Nguyễn Tuân là một thứ “yêu ngôn” tạo ra một thế giới phi thực tế và điên rồ còn hơn Liêu Trai cho nên vẫn thích Chùa Đàn.

Vâng, thế giới Chùa Đàn là thế giới ở giữa cõi âm và cõi dương. Cuốn phim Mê Thảo của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và đạo diễn Việt Linh được dựng lên từ đó. Cả nhà phê bình Đặng Tiến và Hàn Thủy đều xác nhận là phim giữ được không khí của truyện. Từ hình ảnh những nong tằm chín tới, âm thanh của tiếng đàn ấm ức và giọng ca trù vời vợi, ánh lửa đốt tửu phần… đều gợi dậy thế giới Chùa Đàn. Hơn thế nữa, nhà biên kịch và đạo diễn Việt Linh còn sáng tạo thêm người và cảnh để nới rộng không gian u hoặc của Chùa Đàn cũng như khoét sâu thêm vết thương Mê Thảo: nhân vật Cô Cam, có thể xem như người dẫn truyện, lại là một người con gái câm, chỉ xuất hiện ở những chỗ ngoặt của câu chuyện. Cô yêu Nguyễn (tức Lãnh Út) – một tình yêu tuyệt vọng và hoàn toàn dâng hiến. Như Đoàn Dự yêu Vương Ngọc Yến. Như Du Thản Chi yêu A Tử. Một sáng tạo khác, đó là hình tượng cô Út, người yêu trong mộng của Nguyễn, được thể hiện khi thì trong hình nộm bằng rơm, lúc là pho tượng gỗ. Có những cảnh ghê rợn: Nguyễn sống trong nỗi nhớ thương u uất, trở thành điên loạn, qua con mắt của Cam chiếu dọi, làm tình với pho tượng gỗ. Một sáng tạo cực kỳ độc đáo mà Nguyễn Tuân sẽ không dám nghĩ tới, và cũng rất hiện thực, dẫu trong chiều sâu ma quái. Cảnh cô Cam ghen vì yêu Nguyễn đem pho tượng gỗ ném xuống hồ rồi sau đó cô bị cho vào rọ ném xuống theo. Cảnh những bè gỗ trên sông, những chiếc lồng đèn bay lên trời, ngọn lửa tửu phần đốt hồng trời Mê Thảo. Như vậy, theo nhận định của các nhà điểm phim, từ Chùa Đàn đến Mê Thảo, con đường phát triển gập ghềnh, và mỗi lúc một lên cao.
Riêng người viết những dòng này tự hỏi: Bao giờ mới được xem Mê Thảo?
Tháng 8. 2003
NXT


No comments:

Post a Comment