Monday, September 28, 2020

Sunday, September 27, 2020

CHIA BIỆT NHÀ VĂN NHẬT TIẾN [1936-2020]

 Trịnh Y Thư

 
Nhà văn Nhật Tiến
Mùa xuân 2019
 
Đối với những người viết thuộc thế hệ tôi, gần như ai cũng ít nhiều đọc văn Nhật Tiến ở tuổi đang trưởng thành. Những trang viết trong sáng và nhân ái của ông đã là hành trang cho tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Và như chính ông nhiều lần khẳng định, ông là một nhà giáo trước khi là nhà văn, chữ “Nhà Giáo” được ông trân trọng viết hoa trong suốt cuộc đời ông, và có lẽ đó là lý do chính khiến ông bất chấp hiểm nguy liều mình bỏ nước ra đi. Ông viết như sau trong cuốn Nhà giáo một thời nhếch nhác: “… trải gần 4 năm trầy trợt dưới một mái trường XHCN, tôi phát giác ra rằng ở đấy người ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho nhận thức của nhà giáo, mà tệ hơn, lại còn không cho phép các thầy các cô được làm tròn vai trò của một nhà giáo đúng nghĩa.”
 
Tôi nhìn thấy ông trong tư cách một nhà giáo hôm tôi ghé tòa soạn báo Học Đường Mới đâu năm 66 hay 67 gì đó. Lúc đó tôi là cậu học sinh Trung học tập tành thơ văn và ông phụ trách trang văn nghệ cho tờ Học Đường Mới, một tờ báo dành riêng cho thanh thiếu niên. Tôi đến để đưa bài đăng báo, và ông đã tiếp tôi như một người lớn, dành cho tôi nhiều cảm tình tốt đẹp. Chỉ một lần mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ dù hơn nửa thế kỷ đời người đã trôi qua. Nhớ vì cái nhân cách của ông. Nhân cách đó còn mãi sau này, khi tôi gặp lại ông ở hải ngoại.
 
Năm 1970 tôi lên đường đi du học, và trong va li của tôi hôm ra phi trường, tôi nhét vào ba cuốn sách, một trong ba cuốn ấy là tiểu thuyết Chuyện Bé Phượng của ông. Cuốn sách tôi vẫn giữ kỹ cho đến ngày hôm nay.
 
Nhật Tiến là nhà văn của thời đại, một thời đại cực kỳ nhiễu nhương và tang tóc của dân tộc, và ông đã hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn của nhà văn là nói được tiếng nói của thời đại mình. Ông viết không phải để cho mình. Ông viết thay những kẻ bất bất hạnh trong xã hội, những kẻ thấp cổ bé miệng không có tiếng nói, và ông không bao giờ chịu bẻ cong ngòi bút. Nhà văn Mai Thảo khi còn tại thế, gọi Nhật Tiến là “người đứng ngoài nắng.” Vâng, ông đứng ngoài nắng để tìm bóng mát cho chúng ta, và chỉ chừng đó thôi, chúng ta đã chịu ơn ông nhiều biết dường nào.
 
Nếu Võ Phiến định nghĩa nhà văn là kẻ “phải lòng” với cuộc sống, thì Nhật Tiến là người “mắc nợ” cuộc sống. Ông không lấy sự cảm nhận mọi diễn biến của cuộc sống xung quanh làm cái sinh thú của mình. Ông nhìn bề trái của sự vật – những điều chúng ta vô tình hoặc cố ý lảng quên – rồi ông lật phải lật trái nó, cho chúng ta mục kiến thực tại, một thực tại tuy đau đớn nhưng cần thiết được nói lên.
 
Nhà văn Nga Dostoevsky bảo “cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới,” nhưng đối với Nhật Tiến thì “tình người sẽ cứu vãn thế giới.” Ông tin tưởng sâu sắc vào tình người và chính vì thế ông không tuyệt vọng, ngược lại, ông luôn luôn gieo niềm hy vọng nơi chúng ta và đặt tin tưởng tràn trề vào tương lai, vào thế hệ của tuổi trẻ.

“Thưa anh Nhật Tiến, anh đã đi đến cuối con đường của anh. Chúng em những kẻ còn ở lại chẳng biết nói gì hơn một lời tạ ơn, tạ ơn lòng yêu quê hương và những đóng góp của anh đối với đất nước, tạ ơn con đường anh mở rộng cho kẻ đi sau chúng em kế thừa, tạ ơn mối thịnh tình anh dành cho tất cả mọi người thân sơ, tạ ơn một tâm hồn cao quý, một nhân cách hiền hoà luôn luôn làm tấm gương cho chúng em noi theo. Xin từ biệt anh.”
 
TRỊNH Y THƯ
 

TÔI VÀ NHỮNG GIẤC MƠ...

 Nguyễn Quang Chơn

 
                                                                              Tranh Chagall


                         “Đố ai nằm ngủ không mơ...” (PD)
 
Người ta nói ngủ không mơ là giấc ngủ yên. Ngủ mà mơ là giấc ngủ “bận rộn”, không sâu. Tôi thì hình như từ thuở hồn nhiên con nít, đến tuổi già thậm thụt nơi “tử môn quan”, đêm nào cũng mơ!...
 
Hồi nhỏ, ban ngày, nhìn lên bầu trời mây bay, nghĩ ra đủ hình hài, câu chuyện, từ con gấu đang rình chú thỏ, đến cô tiên đang thả tóc, giang tay múa điệu nghê thường, đến con cọp đang há mồm doạ Võ Tòng, đến Phật Quan Âm đang khắc trì con sư tử của Văn Thù!...
Và đêm về ngủ, rồi mơ. Những giấc mơ thật dịu ngọt của tuổi thơ. Đôi khi là những cơn ác mộng, những cuộc đánh nhau, hét lên, cuống quýt, giật mình, mồ hôi vả như tắm, tim đập thình thịch, sợ hãi...., nhưng rồi lại trở về với giấc ngủ bình yên, hôm sau không nhớ điều gì...
 
Hồi nhỏ tôi còn bị những giấc mộng “mộc đè”. Cái giường tôi ngủ nằm dưới một cầu thang gỗ. Nhớ một đêm tôi ngủ sớm, bị một khối lớn vô hình, mỗi lúc một lớn lên, đè lên người, thở không được, kinh khiếp lắm. Mở mắt rành rành, thấy rõ ràng mẹ cha, anh chị đang ngồi chuyện trò, muốn kêu to cầu cứu mà mồm ú ớ không phát ra tiếng được, rồi một lúc “mộc” đi thì vùng tỉnh, trong một tư thế đang quay người ngồi dậy, rất mệt, rất kinh!...
 
Có những giấc mơ không thể nào quên được là giấc mơ...đái dầm. Mơ thấy đứng tiểu đàng hoàng, mà rồi, ướt đẫm chiếu giường....Giấc mơ đặc biệt thấy mình “bắn máy bay”, giật mình lo lắm, sau thủ thỉ tâm sự với bạn bè, té ra đứa nào cũng vậy!...
...
Quay cuồng với cuộc sống nổi trôi, với bao biến cố cuộc đời. Những giấc mơ cũng hằng đêm xoay vần trong giấc ngủ tôi. Cuộc mưu sinh vất vả không cho tôi những khoảng bình yên mơ mộng. Có một thời gian dài tôi thường mơ thấy một con đường đất, có mương nước chảy qua, có một nhà thờ tin lành nhỏ..., nghĩ mãi mới biết đó là con đường đến trường tiểu học mà tôi hằng đi bộ ngày xưa, thì ra trong tận cùng ký ức giữa giòng đời bận rộn, vẫn đắm chìm một cuộc sống êm đềm hồn nhiên thuở nhỏ...
 
Rồi sau đó thường thấy những giấc mơ đi học trễ, không có chỗ ngồi, thiếu tài liệu, lo lắng, thì ra là khung trời đại học khoa học Sài Gòn. Phải chăng khung trời êm đềm thơ mộng đó đã đột ngột bị cắt đứt bởi một sáng 30/4, để trong tôi luôn đọng sâu nỗi tiếc nuối, niềm hoài vọng?...
 
Những giấc mơ mất xe, hồi hộp kinh khủng. Những giấc mơ lạc đường, những khung cảnh hoang vu, những đường đi trắc trở, tim đập thình thịch, lo lắng...
 
Thi thoảng, có những giấc mơ thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thức dậy, nhắm mắt, muốn níu thêm nữa cuộc mơ, thì nó đã bay tuốt luốt, đã là mơ thì bao giờ mới thật???...
 
Tôi thường hay mơ gặp bạn bè xa gần, đôi khi đã quên bẵng họ từ thuở nào. Kỳ lạ là chưa bao giờ tôi mơ thấy bạn hại tôi. Giấc mơ nào có bạn cũng vui, cũng có ý nghĩa, dẫu người bạn đó ngoài đời thật sự đã rất xấu, đã gây nhiễu tôi nhiều...
 
Gần đây, tôi hay mơ thấy người hiền (những bậc tu hành, những trí giả tôi yêu quí). Mơ thấy ba mẹ, anh em, bạn bè đã mất. Những giấc mơ đó thường vui. Dậy rồi, thấy nhớ nhớ thương thương, lòng lâng lâng khoan khoái...
 
Tôi cũng thích giải mã những giấc mơ. Đôi khi hợp lý, có lúc đúng, có lúc sai, bởi những nghĩ suy, dằn vặt, tranh đấu hằng ngày trong cuộc sống, đêm về, hằn trên vỏ não, tạo những giấc mơ. Và, bệnh tim sùi sụt của tôi cũng dễ tạo ra những giấc mơ. Rồi nhớ nhung, mong ước cũng tạo ra những giấc mơ...
 
Người ta bảo ngủ mà mơ là không ngủ sâu. Nhiều người sợ ngủ mơ. Nhưng tôi lại thích. Dẫu đó là ác mộng, hay tình mộng, hay ảo mộng, hay...vu vơ mộng....
 
Mơ, rồi thức, rồi nghĩ, rồi ngủ, rồi quên... Những giấc mơ như nhiều câu chuyện, nhiều bè bạn, nhiều anh em, nhiều kỷ niệm, đêm đêm lặng lẽ đến bên tôi rủ rỉ, bù đắp cho những ban ngày, khi tuổi về chiều đã khuất bóng nhiều người thương, đã lợt lạt nhiều tình thân, đã nhoà nhạt bao nỗi nhớ và phủ đầy những bội bạc đời người!...
 
NGUYỄN QUANG CHƠN
20.9.20
 

Friday, September 25, 2020

TRANH CỦA DUYÊN


Fire in Oregon
Acrylic on canvas.

GIỚI THIỆU SÁCH


 

404 trang, sách in mầu, giấy trắng
Thiết kế bìa @ Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp
Văn Học Press xuất bản, 9/2020
Ấn phí: $28.00
 
Tìm mua trên:
BARNES & NOBLE
 
https://www.barnesandnoble.com/w/books/1137666051?ean=9781663562456
 
Với Phạm Xuân Đài, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu của quận Cam trong gần ba thập niên qua, viết không phải là một sản phẩm thuần túy tưởng tượng mà là một hành trình khám phá mình qua hiện thực và khám phá hiện thực qua chính tâm hồn mình.
 
Đặc sắc nhất của bút pháp này được thể hiện qua phần du ký. Những chuyến viễn du của Phạm Xuân Đài đến Tây, qua Nga, thăm Tàu, tới Hòa Lan không chỉ là thăm thú đủ thứ danh lam thắng cảnh mà còn là cuộc du hành ngược về kỷ niệm, vừa rất riêng nhưng cũng lại rất chung. Mỗi một chút hiện tại kéo theo một mớ ngày xưa giăng mắc; mỗi một khung cảnh trước mắt gợi dậy những hình ảnh thân quen thời tuổi trẻ. Hiện tại ăm ắp quá khứ. Hiện thực chan chứa nỗi lòng. Trong du hành, anh như sống một thế giới kép: cảnh quan xứ người quyện vào hình ảnh quê hương.
 
Qua tùy bút và tạp bút, Phạm Xuân Đài làm một cuộc hành trình khác, hành trình đi tìm tương quan giữa anh với hiện thực đời sống chung quanh, từ tô mì Quảng mộc mạc cho đến tiếng sáo diều hư tưởng, từ những thiếu nhi thi vẽ tranh ở quận Cam cho đến cái đầu gối bị vỡ trong một tai nạn ở trại tù cải tạo. Đâu đâu, anh cũng tìm thấy trong mỗi một sự kiện, mỗi một sự vật những nét riêng, khiến cho một cái gì rất quen bỗng dưng lạ, một cái gì rất thường chợt thấy có chút khác thường. Phạm Xuân Đài vén lên tấm màn che bên ngoài mọi sự để chỉ cho ta thấy diện mạo hồn nhiên mà chúng thường e ấp giấu kín…
TRẦN DOÃN NHO
 
 

Thursday, September 24, 2020

TĨNH VẬT. LÁ CUỘI

Hoàng Xuân Sơn

Autumn Walk (1896) by Antonín Slavícek

T Ĩ N H  V T
 
                         [ lẻ loi hồn cũ
                          cương cường điệu tân ]*
 
chiếc xe đạp đạp một mình
trên lối cỏ
 
tôi đi bộ theo chiếc bóng
bên ngoài rìa cây
 
lá buông bỏ
một đoạn tình
 
22.9.20
*( Lục Bát HXS)
 
 
L Á  C U I
 
Tôi vẫn đi tìm chút hạnh phúc người đánh rơi dọc đường
hôm nhặt được viên sỏi
ngỡ là hồng ngọc ban mai
hóa ra khuôn ngực trời
đã chớm cùng thu muộn
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
[7:03 am]
7.8.20
 
 

Sunday, September 20, 2020

HÌNH ẢNH BUỔI GIỚI THIỆU QUÁN VĂN 75. NGÀY 20 THÁNG 9. 2020

 

 Khai mạc. Nguyên Minh. Lữ Kiều


Đỗ Hồng Ngọc



Văn hữu. Từ trái: Nguyên Minh. Lữ Kiều. Đỗ Hồng Ngọc
Góc phải: Hoàng Kim Oanh. Vân Châu


Lữ Kiều. Đỗ Hồng Ngọc. Hoàng Kim Oanh. Vân Châu


Vân Châu hát

 

Toàn ban Quán Văn đang hát Bên Bờ Sông Giăng

Saturday, September 19, 2020

BỤI TRẦN

Lưu Na
 
Hồng trần. Tranh Lê Thị Quế Hương
 
Giữa tang tóc của đại dịch, giữa hỗn loạn xã hội vì chuyện kỳ thị sắc tộc, và nỗi buồn mất
mẹ, bài thơ COMMON DUST như một lời nhắc nhở cái đồng đẳng của thân phận con
người: tất cả chúng ta đều là cát bụi, rồi sẽ về cát bụi. Bài thơ như nhắn nhủ chúng ta hãy
làm hòa với nhau và làm hòa với chính mình.
 
Common Dust
BY GEORGIA DOUGLAS JOHNSON
 
And who shall separate the dust
What later we shall be:
Whose keen discerning eye will scan
And solve the mystery?
 
The high, the low, the rich, the poor, 
The black, the white, the red, 
And all the chromatique between, 
Of whom shall it be said:
 
Here lies the dust of Africa; 
Here are the sons of Rome; 
Here lies the one unlabelled, 
The world at large his home!
 
Can one then separate the dust? 
Will mankind lie apart, 
When life has settled back again 
The same as from the start?
 
Bi Trn
 
Ai người phân cát bụi
Khi tất cả sẽ là
Mắt nào rọi mê muội
Bí mật cõi ta bà
 
Đâu giàu nghèo quí tiện
Đâu đen trắng đỏ vàng
Hay thân phận làng nhàng
Vẫn một lời sẽ phán:
 
Tro Phi châu áp bức
Cốt La Mã kiêu hùng
Xương vô danh tiểu tốt
Đều mộ đất khôn cùng
 
Ai rồi phân cái bụi
Nhân loại có chia mầu
Khi rã tàn hơi thở
Về lại thuở ban đầu
 
LƯU NA
09152020

 

Friday, September 18, 2020

TÂY TẠNG LƯU VONG VÀ PHIM ẢNH

Phan Tấn Hải


Đó là nơi quyền lực Trung Quốc bị lu mờ trước sức mạnh chính nghĩa của những người tỵ nạn Tây Tạng tay không tấc sắt: các đại hội phim ảnh quốc tế. Dù vậy, dòng phim của người Tây Tạng lưu vong hoàn toàn không phải là những lời sách động trần gian – đây chính là các thước phim xuất thế gian từ những người bị rượt đuổi ra khỏi quê nhà đang đưa lên thật cao những lý tưởng của từ bi, thương yêu, tha thứ và hòa bình.

Ngay cả trong mùa đại dịch, một phim hoạt họa ngắn của một nữ đạo diễn gốc Tây Tạng đã được chọn vào phần chiếu chính yếu trong một đại hội phim quốc tế tại Canada. Phim hoạt họa dài 5 phút nhan đề ‘Yarlung’ của nữ đạo diễn Kunsang Kyirong được chọn vào chiếu ở Ottawa International Film Festival 2020, nơi được xem là đại hội phim về hoạt họa lớn nhất Bắc Mỹ.

Phim ‘Yarlung’ là các bản vẽ bằng chì than (charcoal), nối kết thành dòng chảy thi ca ghi lại thời thơ ấu của cô Kyirong bên bờ sông Yarlung Tsangpo, còn gọi là sông Brahmaputra, chảy từ rặng Hy Mã Lạp Sơn xuyên Tây Tạng qua Ấn Độ. Nội dung phim là hình ảnh nhìn từ một trẻ em Tây Tạng tỵ nạn trong một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Tezu của Arunachal Pradesh, một tỉnh biên giới của Ấn Độ giáp biên Bhutan. Phim kể về 3 đứa trẻ chỉ sống dựa vào dòng sông và niềm vui, trong đó ghi các hình ảnh hạnh phúc đời thường như uống trà, bắt cá bên sông và những việc trẻ nhỏ khác.

Đại hội phim Ottawa International Animation Festival (OIAF) dự kiến kéo dài từ ngày 23/9/2020 tới ngày 27/9/2020, dĩ nhiên sẽ thực hiện trực tuyến vì rơi vào ngay thời đại dịch COVID-10. Cứ mỗi tháng 9 hàng năm, đại hội OIAF diễn ra và biến thành phố Ottawa của Canada thành trung tâm vũ trụ phim hoạt họa; năm nay sẽ thực hiện nhiều phần chính trên mạng, theo địa chỉ OIAF năm nay: https://oiaf2020.ca/ 

 

Đạo diễn Kyirong kể với các phóng viên rằng ban đầu cô dự định làm một phim tài liệu để nói về sông Yarlung và các cộng đồng sống dựa vào dòng sông chảy từ Tây Tạng vào Ấn Độ và sẽ hòa vào sông Hằng (Ganges), vì nỗi lo của cô khi thấy dự án xây đập nước của nhà nước Trung Quốc tương lai sẽ làm hại tới sinh kế của các cư dân bên sông. Nhưng rồi, cô chuyển sang phim hoạt họa vì yêu thích chất thơ của dòng sông thơ ấu, và biến thành một tác phẩm nghệ thuật để hòa các ký ức thơ ấu vào chuyện kể, hình thức y hệt như kể chuyện qua lời nói, khi bạn nhớ một chi tiết này rồi từ đó lại nhớ sang chi tiết khác, Và do vậy cứ mỗi lần bạn kể, dù là cùng một câu chuyện thì nó cũng chuyển biến vì nó xuất phát từ giấc mơ thời thơ ấu và nét vẽ tự nhiên như trẻ nhỏ, cũng như hình ảnh dòng sông chảy vào tách trà nóng đang rót ra – hình ảnh này có thể xem trong trích đoạn phim ở https://kunsangkyirong.com/ nơi truyện kể rất mực không chủ ý.

Điều làm cho thế giới nhìn về những người Tây Tạng lưu vong là tấm lòng từ bi, yêu người và thương đời, sống hòa hài với thiên nhiên và thế giới, bất kể họ phải bỏ chạy một quê hương bị người Trung Quốc chiếm đóng. Đức Đạt Lai Lạt Ma sau cuộc nổi dậy thất bại năm 1959 đã chạy sang Ấn Độ, xây dựng một cộng đồng lưu vong trong các năm đầu khoảng 100,000 người Tây Tạng tỵ nạn. Bây giờ, sau 70 năm người Hoa thống trị, đã có khoảng 1 triệu người Tây Tạng bị giết ở quê nhà, 6,000 tu viện bị phá hủy, tiếng Hoa trở thành ngôn ngữ chính cho các trẻ em trong khi Phật Giáo Tây Tạng bị biến thể theo ý nhà nước muốn kiểm soát.

Cần thấy, dòng phim của người Tây Tạng lưu vong không hề có một chút căm thù. Phim ‘Yarlung’ của đạo diễn Kunsang Kyirong kể chuyện về 3 đứa trẻ tương tác với dòng sông Yarlung Tsangpo theo những cách khác nhau khi gặp một cái chết trong gia đình. Mỗi đứa trẻ có cảm xúc riêng với dòng sông. Trà là chủ đề xuyên suốt. Nghi thức uống trà tượng trưng sự gắn liền của đời sống gia đình vào dòng sông. Các bản vẽ đen trắng từ chì than là dòng chảy của sông, cũng là dòng chảy của trà và mồ hôi làm việc cực nhọc, cũng là dòng chảy nước mắt của bà nội/ngoại trong phim và là dòng chảy từ xúc động tới vui mừng của trẻ em khi bọn nhóc phóng mình vào dòng sông bơi lội, đùa giỡn.

Đạo diễn Kunsang Kyirong kể rằng trong suốt thời trẻ của cô, trong tất cả những mùa hè cô đều trở về thị trấn Tezu, nơi cư dân Tây Tạng lưu vong sống dựa chủ yếu vào sông, và thời thơ ấu có thể là 3 hay 4 lần mỗi ngày ra sông để tắm, rửa chén nồi và múc nước về nhà sử dụng. Dòng sông là nguồn vui chính của bọn trẻ, với kỷ niệm nhảy cầu xuống sông, nằm lơ lửng thả trôi xuôi dòng. Cô nói hiện nay cô đang làm việc cho các dự án kế tiếp, trong đó sẽ làm các búp bê cho thể loại phim hoạt họa stop-motion, ghi lại môt cách vui nhộn về chuyện thường nhật của người Tây Tạng như vắt sữa Yaks (một loại bò miền núi Hy Mã Lạp Sơn) và thiền tập.

Kunsang Kyirong có văn bằng cử nhân về phim thử nghiệm và hoạt họa tại đại học Emily Carr University of Art and Design. Cô là thế hệ đầu tiên của người Canada gốc Tây Tạng, hiện đang học các văn bằng cao hơn về điện ảnh cũng ở Emily Carr University. Trước đó, cô từng học về hội họa vẽ tranh Tibetan Thangka Art tại Dharamsala, Ấn Độ.

Tới đây, chúng ta có thể nhớ rằng, tròn một năm về trước, nhà nước Bắc Kinh không vui gì với một phim trong đó ngài Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật chính: Phim “The Dalai Lama – Scientist” (Đức Đạt Lai Lạt Ma – Nhà Khoa Học), được chiếu lần đầu trong chương trình chính của đại hội phim Venice International Film Festival lần thứ 76 vào ngày 31/8/2019.

Phim tài liệu này có nhiều hình ảnh và thước phim lần đầu phổ biến ra công chúng, với bích chương phim ghi rằng phim này là “kể câu chuyện rất nhân bản về Đức Đạt Lai Lạt Ma mà chưa ai từng biết tới.”

Đạo diễn Dawn Gifford Engle

Dawn Gifford Engle, đạo diễn và là người viết cốt truyện phim “The Dalai Lama - Scientist”, nói rằng phim là câu chuyện kỳ diệu và bất ngờ về Đức Đạt Lai Lạt Ma và khoa học trong một cách chưa ai trước đó từng thấy. Trong phim, ngài Đạt Lai Lạt Ma kể về hành trình trọn đời từ thế giới Phật Giáo vào thế giới khoa học hiện đại, và về cách thế giới đã thay đổi. Phim ghi lại thời gian dài 35 năm, Đức Đạt Lai Lạt Ma liên tục đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, về các chủ đề từ vật lý lượng tử và thiên văn học cho tới thần kinh học và lĩnh vực tâm lý cảm xúc. Phim đưa khán giả vào những cuộc đối thoại thâm sâu, khảo sát về tương tác giữa khoa học và Phật Giáo, và “chia sẻ kinh nghiệm đời sống riêng tư từ Đức Đạt Lai Lạt Ma về những gì đã tác động sâu vào nhận thức cá nhân của ngài trong cương vị một lãnh đạo thế giới – và cũng là, vào chính thế giới.”

Phim được kể qua lời nữ diễn viên Laurel Harris (người nổi tiếng với phim ‘Odd Thomas’ năm 2013), ghi lại đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma với nhiều khuôn mặt lớn, trong đó có: nhà tâm lý học Paul Ekman; toán học và di truyền học Eric Lander; thần kinh học Christof Koch; thiên văn học George Greenstein; triết gia, sinh học, thần kinh học Francisco Varela (1946–2001); tâm lý học Richard J. Davidson; Susan Bauer-Wu, chủ tịch viện nghiên cứu và quảng bá khoa học thiền định Mind & Life Institute; tâm lý học, thần kinh học Michael J. Meaney, professor in biological psychiatry, neurology, and neurosurgery; nhà văn, nhà sư Matthieu Ricard; Thiền sư Joan Halifax; Thiền sư Jon Kabat-Zinn, người lập nhiều trung tâm thiền chánh niệm ở Hoa Kỳ.

Bạn có thể xem phim này, khi vào YouTube và tìm nhóm chữ “The Dalai Lama – Scientist” trong đó bạn sẽ nghe lời Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại: “Trong hơn 30 năm qua, tôi đã để nhiều thì giờ làm việc với các khoa học gia Tây phương. Khi tôi nghĩ về tôi bây giờ, đôi khi tôi nghĩ rằng tôi chỉ nửa phần là nhà sư Phật giáo. Nửa phần kia, là khoa học gia.” 

Đạo diễn Tsering Wangmo

Và chỉ mới xảy ra cách nay 9 tháng là một bước nhảy lớn cho dòng phim Tây Tạng lưu vong: Nữ đạo diễn Tsering Wangmo thắng 3 giải thưởng trong đại hội phim quốc tế My Hero International Film Festival (MHIF) trong tháng 12/2019 tại thành phố Laguna Beach, California.

Phim ngắn nhan đề “Conversations with My Mother” (Nói chuyện với Mẹ tôi) làm theo thể loại phim tài liệu và thử nghiệm (experimental documentary), ghi  nhận về thân mẫu của đạo diễn Wangmo, đã thắng 3 giải thưởng phim: giải 2019 Eva Haller Women Transforming Media Award trong lĩnh vực phim sinh viên của đại hội MHIF, giải nhất trong thể loại phim thử nghiệm Experimental Award, và giải nghệ sĩ mới xuất hiện Emerging Artist Award.

Câu chuyện gì về một bà cụ Tây Tạng lưu vong? Nhà phê bình nghệ thuật Wendy Milette, Giám đốc đại hội phim MHIF, nhận xét rằng giọng kể chuyện độc đáo, dịu dàng của đạo diễn Tsering Wangmo đã gây xúc động cho khán giả tiếp cận với quan hệ yêu thương, thân mật và tôn kính giành cho người mẹ của đạo diễn. “Đạo diễn Tsering có nhiều hứa hẹn lớn trong tương lai vì tài năng và nghệ thuật kể chuyện như thế.”

Đại hội phim My Hero International Film Festival hàng năm tổ chức ở thành phố biển Laguna Beach, California, trong đó trình chiếu các phim ngắn từ khắp thế giới gửi về với nội dung về “những anh hùng trong đời thực.” Đại hội phim nhằm “mang tới chung nhau các đạo diễn chuyên nghiệp và các sinh viên ngành làm phim để vinh danh các anh hùng từ khắp thế giới. Hãy khám phá những người tạo ra cảm hứng và đang làm thay đổi cho thế giới chúng ta.”

Tsering Wangmo nói về phim cô viết cốt truyện, đạo diễn và thực hiện: “Mẹ tôi và tôi sống những cuộc đời khác nhau nhưng chúng tôi nối kết vượt qua những gì ngôn ngữ có thể giải thích. Mẹ là gốc rễ của tôi và tôi có được cảm hứng tuyệt vời từ một thực thể mà mẹ hiệnd iện. Phim tài liệu theo thể loại thử nghiệm này tập trung vào cuộc đời của mẹ, chuyển động song song trong lời kể và hình ảnh, với quá khứ và hiện tại của mẹ. Xuyên qua các hình ảnh trong phim, tôi tìm cách chụp bắt sự đơn giản của cuộc đời mẹ và hơi ấm mà mẹ đưa tới cho cả gia đình mẹ bao bọc.”

Wangmo sinh tại Ấn Độ từ ba mẹ là người Tây Tạng tỵ nạn, học ngành báo chí tại đại học Madras Christian College ở miền Nam Ấn Độ và học ngành truyền thông đại chúng tại Himachal Pradesh University tại Bắc Ấn Độ, trước khi theo học lĩnh vực làm phim tài liệu ở New York. Một khoản tài trợ từ quỹ Rowell Fund for Tibet đã cho Wangmo phương tiện đi quay phim tài liệu về cuộc đời những người du mục Tây Tạng trong phim ‘Tales from the Pasture’ (Chuyện kể từ đồng cỏ) và phim này thắng giải Jury Award & Audience Award trong đại hội phim Tibet Film Festival Short Film Competition 2018 tại Dharamsala, Ấn Độ.

Wangmo kể về mẹ: “Mẹ tôi và tôi gần nhau từ khởi đầu cuộc đời của tôi. Mẹ chưa bao giờ đi học và đã sống đời một người du mục cho tới vài năm sau khi sanh chị cả của tôi. Mặc dù đời thường vất vả khó khăn hàng ngày, cả hai ba mẹ tôi đã có quyết tâm mạnh mẽ cho con đi học. Mẹ tôi luôn luôn chăm sóc cho gia đình trước khi tự chăm sóc cho bản thân mẹ. Mẹ có khiếu khôi hài riêng, và khi chúng tôi ngồi chung nhau, chúng tôi luôn luôn có những cuộc nói chuyện dài và chũng tôi cũng cười rất nhiều. Mẹ và ba tôi là những lý do tôi là người như hôm nay. Mẹ tôi là bạn tôi, là thầy tôi, người dạy tôi sông cuộc đời với yêu thương và từ bi.”

Wangmo viết về mẹ trên trang nhà đại hội phim https://myhero.com/ những cảm nghĩ của chị về mẹ: “Mẹ bị buộc rời nhà ở Tây Tạng khi mới 8 tuổi, vậy mà tôi chưa bao giờ nghe mẹ nói điều gì giận dữ về quân đội Trung Quốc, những người xua đuổi gia đình mẹ ra khỏi quê hương. Mẹ là một phụ nữ vững vàng trong mọi nghĩa, và bất cứ khi nào tôi gặp căng thẳng hay có những cảm xúc bực bội về bất cứ chuyện gì, mẹ là người giúp tôi nhìn vào cuộc đời hay nhìn vào tình hình một cách khác đi. Tôi không ngạc nhiên gì về trí tuệ phi thường mẹ có, bởi vì mẹ đã sống xuyên suốt một cuộc đời phi thường.”

Đạo diễn Wangmo thêm rằng cô bây giờ đang làm việc cho một phim tài liệu kể chuyện những người tỵ nạn Tây Tạng vào Ấn Độ và về các kinh nghiệm và trở ngại họ gặp phải trong những năm đầu lưu vong. Thêm nữa, cô đang khảo sát, nghiên cứu, sắp xếp diễn tiến truyện phim đầu tiên, dựa vào cuộc đời của cha cô, và dự kiến hoàn tất bản thảo đầu tiên trong năm 2020.

Wangmo ghi nhận: “Ba mẹ tôi là những người anh hùng của tôi, vì những sức mạnh, tình yêu thương, lòng tử tế và từ bi mà họ giữ được bất kể những khó khăn họ gặp và phải trải qua. Ba mẹ tôi là những anh hùng bởi vì họ nhìn vượct qua những chướng ngại của hoàn cảnh và đã xây dựng niềm hy vong và giấc mơ cho chúng tôi để đạt tới những gì không thể hình dung nổi và những gì rất phi thường.” 

Phim “Conversations with My Mother” (Nói chuyện với Mẹ tôi) có thể xem ở: https://vimeo.com/364434457

Trong khi phim "Tales from the Pasture" và những cuộc phỏng vấn có thể xem bằng cách vào YouTube và gõ nhóm chữ “Tales from the Pasture.”

Bước chân từ bi của người Tây Tạng lưu vong trong lĩnh vực phim ảnh thế giới là những tiếng nói đậm nét bản chất Phật để đáp trả với đại bác và xe tăng của quân đội Trung Quốc tại quê nhà họ bị chiếm đã từ lâu. Thế giới đang nhìn thấy hình ảnh các nhà sư, các cụ già và giới trẻ Tây Tạng lưu vong bước đi rất mực từ bi trên từng thước phim toàn cầu trong khi các đoàn xe tăng Hoa Lục đang lùi dần vào bóng tối tủi nhục của lịch sử nhân loại.

 

PHAN TẤN HẢI

9/2020.

ĐÂU. MÙA PHƯỢNG CŨ

nguyễnxuânthiệp


Hoa phượng rơi…

từ buổi chia tay
với vầng trăng. bên bức tường. đá. xám
chúng mình
chỉ có thể. gặp nhau
trong giấc mộng
đêm qua
em về
em mặc áo đỏ
em đi hài. tím
trăng trên môi
ai hát
hay trăng. hát
mùa hạ. đã xa
đâu. thuyền. neo bến đợi
cây phượng già. trường em. bên trường anh
đã bị đốn. gục
chỉ còn bầy quạ. bay
kêu. thảng thốt
mùa thu
 
NXT


TÔI VIẾT VỀ THẦY TUỆ SỸ...

Nguyễn Quang Chơn

 

Thầy Tuệ Sỹ. Nguyễn Quang Chơn vẽ


Tuệ Sỹ. Đing Cường, Nguyễn Dương Quang. Bửu Ý - Cà phê Tùng 2013 

Tôi biết gì về thầy mà viết. Tôi đã đọc được bao trước tác của thầy mà viết. Tôi hiểu được chừng nào thơ, văn, kinh luận của thầy mà viết? Và tôi có ở được bên thầy bao thời gian chuyện trò để biết chi về thầy đâu mà viết?...

Nhưng tôi vẫn hoài nhớ về thầy, lòng thôi thúc, bức bách muốn viết về thầy, mỗi khi đột nhiên rơi những khoảnh khắc thời gian mà như chợt thấy chung quanh hoang vắng mênh mông, không hiểu được mình, không biết làm gì, tư tưởng đảo chao...

Từ trẻ, biết thầy qua những tác phẩm văn học. Sau 75, biết thầy qua những giòng đời, giòng đạo, chuyện thế nhân... Lòng ngưỡng mộ ngày nao nay càng thêm ngưỡng mộ. Và chẳng biết đến khi nào mới có thể diện kiến được vị đại trí, đại hạnh. Khi, thầy như một áng mây. Trôi. Thiên du. Xa vời...

Rồi một duyên lớn từ một người anh lớn, hoạ sĩ Đinh Cường, đã cho tôi được gặp thầy một tối huyền hoặc trong một không gian nhỏ, ánh sáng ấm dịu ở Đào Nguyên Dạ Thảo. Đêm tháng 11. 2013 Đà lạt. Thầy và anh ĐC ngồi bên nhau trao đổi, chuyện trò, tôi ngồi xa hơn cung kính, dưới ánh đèn vàng, yếu mờ. Thầy cũng thật gầy trong tấm áo nâu, nhưng đôi mắt sáng trong đêm và nụ cười như toả nắng...Tôi ký hoạ thầy từ xa. Ánh đèn nhạt nhoà, nét chì run run, thầy ký tên, rồi tôi lặng lẽ đi về. Đêm đó Đà Lạt trở lạnh, một mình đi, tôi nhớ, mai uống cà phê với thầy ở quán Tùng....

Buổi sáng đó thầy đi bộ từ hướng đường Duy Tân (3 tháng 2) với đệ tử H.V, thầy đi từ dưới dốc lên, một mình, đệ tử tụt xa phía sau. Khuôn mặt thầy tươi sáng, gió thổi tà áo nâu bay bay, thầy đi như lướt trên mặt đường. Duyên của người hay sao, đúng giờ đó, tôi cũng đang sang cà phê Tùng, nhưng lại đứng ngắm trời mây trên dốc, cạnh rạp Hoà Bình, vô tình lại được chứng kiến thầy đang...đi.

Nhìn dáng thầy gần dần, tự nhiên tôi ứa nước mắt, khi nhớ rằng có những lúc thầy phải bộ hành, độc hành từ Bảo Lộc về SG, vì thầy là một “phạm nhân” của chế độ. Thầy không một chỗ ngụ cư, không chùa, không Phật, không tiền, không phương tiện... Đôi mắt sáng ấy, vầng trán mênh mông ấy, nụ cười mở rộng ấy, bước chân thanh thoát ấy, tà áo nâu bay bay ấy, lại đang bên tôi, ấm áp hương cà phê của một quán cà phê sử tích Đà Lạt....

Tôi ngồi bên thầy, cảm thấy mình đang hạnh phúc, thấy cuộc đời ấm áp hơn. Bởi thầy, thầy Tuệ Sỹ, tự thân đã toát ra một hạnh nhân thế, truyền vào người tôi một niềm tin về con người, về cuộc sống, vô ngôn!...

Một tối chờ cơn bão số 5 sắp ập vào thành phố, suy nghĩ miên man, mông lung, và bỗng nhớ thầy. Kính mong đến thầy vạn sự bình an...

A di đà Phật

NGUYỄN QUANG CHƠN

 

GIỚI THIỆU QUÁN VĂN 75


 

Thursday, September 17, 2020

MƠ HOÀI. NHỮNG GIẤC MƠ...

 Lê Ký Thương

 

Thời thơ ấu. Tranh Lê Ký Thương

1.- Tháng mười, tiếng ễnh ương giục người gặt lúa. Cha lót ổ bên bụi chuối sau hè cho mẹ nằm. Con từ nơi đó sinh ra. Hương bưởi trong vườn phảng phất lưỡi dao tre. Bà mụ già run tay cắt rún. Giọt máu đầu đời con thấm sâu lòng đất ẩm. Biến thành những giấc mơ. 

2.- Con lớn lên bằng nước cơm sôi và sữa mẹ thất thường. Ngày thôi nôi con cha mẹ nguyện cầu tám hướng bốn phương. Xin Ơn Trên cho con chọn một nghề nhàn hạ. Chiếc nia bày những mẫu vật tượng trưng. Con toét miệng cười sung sướng, giơ bàn tay nhỏ bé chụp vội nắm xôi.

Nắm xôi tròn ôm trọn những giấc mơ con.

3.- Con thích rong chơi với những bạn chăn bò. Vô núi bẫy chim, ra đồng bắt dế.  Chơi những trò chơi trời cho dân dã. Có lần con được làm vua. Ngồi trên chiếc ngai vàng làm bằng đôi cánh tay của hai “đô lực sĩ”. Nhưng con không mơ mình là thiên tử. Con chỉ mơ luôn là “hoàng tử bé” của người lớn thôi.

4.- Hoàng tử bé thì rất thảnh thơi. Khi chán học i tờ hay đồ tô theo nét chữ (bài học vỡ lòng Cha dạy với hy vọng con mình lớn lên thành thầy thông thầy ký), con chạy ra đường ngồi trên trụ cây số trước nhà. Ngóng chờ cha mẹ cày thuê gặt mướn đồng xa mau về. Thương cha mẹ con mơ mình thành họa sĩ.

5.- Con thả giấc mơ lên bất cứ nơi nào có thể được. Với cục than trên tay, con biến mái nhà tranh thành tòa lâu đài, bữa cơm độn bắp khoai thành cao lương mỹ vị, chiếc áo lành cho Cha, chiếc nón mới cho Mẹ, tán đường cho các em, những giọt nước miếng thèm thuồng thành những que kem... Con sung sướng thấy mình là ông Tiên... trong mơ.

6.- Con vẽ hoài, vẽ hoài những giấc mơ. Những giấc mơ không xa đời thực. Đầu đã bạc nhưng những giấc mơ của con chưa hề thành hiện thực. Nên con cứ mơ hoài mơ hoài những giấc mơ...

HẠ SĨ CÓC

 

 

THIỆP MỜI

 




C Ò N Đ Ó

Hoàng Xuân Sơn

 Abstract painting. Source Internet

Núi rừng còn lại hốc khô
những viên đá cuội mơ  hồ tung bay
tôi đi khe suối hao gầy
con sông chết sớm mùa mây tự trầm
đi đi.  tao tác hồ cầm
xốn xang đờn nhị nâu bầm phách lan
đi đi cùng nỗi tan hàng
cùng neo gắng gượng tình tang mỏ người
quặng buồn như tuổi thôi nôi
ô hay đá cũng ngậm ngùi xuân xanh*
đi đi vào một khúc quành 
lọt vô khúc rẽ vàng hanh nỗi đời
 
H O À N G  X U Â N  S Ơ N
tháng 5/2020
*ý, Trịnh Công Sơn

Tuesday, September 15, 2020

MƯA SÀI GÒN. ‘TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ’ CÙNG NGUYỄN XUÂN THIỆP

Hoàng Kim Oanh

Nhà văn Hoàng Kim Oanh

mưa. mưa ở đây.
tôi ngồi đây. căn phòng. ngọn đèn.
laptop vẫn mở. cuốn sổ. lấp dần từng trang trắng.
tôi lấp dần tôi.
Sài Gòn mưa thu đang giăng giăng
bên này và bên kia biển rộng
mưa. mưa ở đây.
tôi ngồi đọc tôi cùng gió mùa
tôi ngồi đọc thơ nguyễn xuân thiệp
tôi ngồi đọc tản mạn bên tách cà phê
anh nguyễn thanh châu chuyển từ mùa đại dịch
mở. đóng. mở.
đêm trôi...
Sài Gòn mưa thu đang giăng giăng
bên này và bên kia biển rộng
Ôi sao quá nhiều điều quen thuộc như tôi từng trong đó
khi nguyễn xuân thiệp ‘nhìn những mùa thu đi’ hơn 60 năm trước
khi nguyễn xuân thiệp làm tôi rưng rưng hát trong trí nhớ
tội nghiệp thằng bé cứ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa mãi ngàn
xa...
và đất trời Atlanta.
tara. tara.
gone with the wind
thức dậy. ngọt ngào.
miền nhớ.
mưa. mưa ở đây
bên này và bên kia biển rộng
tôi chìm đau trong ‘the house of the rising sun’; the animals. não nùng
giọng khê đặc ngươi ca sĩ thét gào trong gió rít ngoài song cửa.
New Orleans.
ngôi nhà của mặt trời mọc
 
ngôi nhà tội ác lưu đầy những đứa trẻ không bao giờ thấy mặt trời của
tương lai số phận
Oh mother, tell your children
Not to do what I have done
Don’t spend your life in sin and misery
In the House of the Rising Sun
New Orleans.
thành phố khai sinh nhạc jazz
chờ tôi.
New Orleans.
mưa. mưa ở đây.
bên này và bên kia biển rộng
tôi thấy các anh nguyễn xuân hoàng, đinh cường, tô thùy yên, thanh tâm
tuyền ngồi ở quán cafe ngon nhất vùng vịnh
(hôm nay Cali cháy rừng bụi mù mịt đêm giữa ban ngày
anh lữ quỳnh vừa chụp từ cửa sổ gửi qua messenger)
những cột khói. cột khói. cột khói.
San Jose. Santa Ana.
cuối tháng bảy rồi trời vẫn không mưa
- em quên luôn rồi cả tiếng mưa rơi...
mưa. mưa ở đây
tôi ngồi ở Sài Gòn
laptop. ngọn đèn, cuốn sổ tay.
ly cafe vừa khuấy.
nghe gió mùa Dallas
nghe sóng vỗ dọc dòng sông Mississippi
tôi ngồi ở Sài Gòn
tản mạn bên tách cà phê cùng nguyễn xuân thiệp
trong đêm
những con phố khuya nồng nàn hoa lý hoa lài. không ai trồng hoa sữa
trăng Pleiku, Dalat, Thanh Chương...
trăng Virginia, trăng Garland...
cồn cào đi về hướng gió
từ một bếp lửa quê nhà thương nhớ
mẹ ơi xa xôi...
còn có bao giờ con trở lại
con dế buồn khóc lạc giữa đêm mưa
mưa. mưa ở đây.
tôi ngồi đọc tản mạn bên tách cà phê nghe gió mùa phủ từng trang pdf
người thi sỹ tài hoa nặng lòng yêu thương một đời phiêu bồng lãng tử
 
chỉ còn nỗi khát khao một ngày nào nhặt bông khuynh diệp vàng khô rụng
đâu đó trên một góc phố gió mùa
đem đốt cho hương quê nhà ấm từng khuôn mặt bạn bè
bên kia
địa cầu thương nhớ
ấm lại trái tim mong manh
mưa. mưa ở đây.
Sài Gòn mưa thu đang giăng giăng
bên này và bên kia biển rộng
laptop. cuốn sổ. lấp dần từng trang trắng.
tôi lấp dần tôi.
đêm nghe quạ kêu
Lenore trở về?
Edgar Poe một trăm bảy mốt năm thức dậy
nevermore
nevermore
...
lang thang những trang mưa đêm
 
HOÀNG KIM OANH
14.8.2020