Monday, March 20, 2023

BÉ SEN VÀ THỎ PHỤC SINH

nguyễnxuânthiệp


Thỏ và trứng Phục Sinh
 
Bé Sen ơi
rồi một ngày
ông sẽ đưa bé
đi gặp thỏ phục sinh
bé sẽ cùng với thỏ
mang lửa đến cho nhà nhà
và mang những quả trứng đủ màu. sặc sỡ
cho những trẻ em nghèo
cháu nhớ đem theo cái trống
đánh lên cho thỏ nhảy múa
đón chào. mùa xuân trở về
trong nắng mai. bàn tay ấm
NXT 

MÙA ĐÔNG QUA PHỐ

nguyễnxuânthiệp
 
Phố mùa đông. Tranh Đinh Cường
 
Em lên ngày mai
đường gió trăng cài
mong em từng giây
rộn ràng như ngây
ô hay mùa Đông
mà Xuân đã lâng lâng…
 
Câu hát Lê Uyên mở đầu ca khúc Một Ngày Vui Mùa Đông trong một chương trình ở Sài Gòn vừa nghe lại, giúp mình làm một cuộc phiếm du qua những con phố mùa đông với biết bao cảm xúc. Nay xin ghi ra đây vài đoạn ngắn gởi đến bạn bè dưới trời này.
 
Mùa Đông đã đến trong thành phố. Đêm, những ngôi nhà sáng đèn. Mọi người quây quần quanh bàn ăn hoặc bên lò sưởi. Vậy mà có gã làm thơ điên điên khùng khùng đi tìm một vầng trăng (điều này có thiệt, chứ không phải người viết phịa ra cho có vẻ cảm động và thêm phần lãng mạn).
 
Vâng. Đêm mùa Đông, có gã làm thơ đi tìm vầng trăng. Và gã đã gặp. Ngày xưa ở Vương phủ, gã thường thấy trăng trên ngọn sầu đông. Và rồi đạp xe qua nhà một người con gái để được nhìn mái tóc nàng thấp thoáng dưới ánh đèn. Chỉ có chừng nớ thôi mà về cảm động muốn chết.
 
Những năm còn là sinh viên trường Luật ở Sài Gòn, lòng chưa yêu ai, chỉ mơ màng theo một cô gặp trên chuyến xe buýt từ nhà thờ Tân Định về tới ngã tư Phú Nhuận. Hồi đó Nguyễn tôi nghèo lắm, ở nhờ nhà chú thím Lữ trong xóm Nguyễn Ngọc Sương, đâu có xe cộ gì, đi học bằng xe buýt. Do đó mà gặp được người đẹp. Nàng lớn hơn tui cỡ một hai tuổi. Đẹp ơi là đẹp. Tóc dài, mắt nâu lóng lánh, miệng như hoa hồng. Còn Nguyễn tui, trời ơi, chỉ là một thư sinh, mặt mày xanh lướt. Mỗi chiều, khoảng 5 rưỡi 6 giờ ở trường ra đón xe buýt về Phú Nhuận là gặp nàng trên xe. Hôm nào không gặp được là ngẩn ngơ buồn. Rồi đi lang thang qua những con phố không đèn để tìm một vầng trăng (?). Hạnh phúc đó rồi buồn khổ đó. Những hôm xe buýt chật, hai người được đứng sát nhau. Ôi, phê ơi là phê. Mùi tóc, mùi hương phấn da người đủ ngây ngất cho đêm về làm thơ. Ui, những chuyến xe buýt của thời xa xưa ấy sao mà êm đềm thơ mộng thế. Qua nhiều lần gặp nhau trên xe, nàng bắt đầu chú ý tới mình, mắt chớp chớp mỗi khi nhìn nhau. Thiệt đó, đúng như nàng Lâm Phi Anh (Lê Uyên) và ông Lộc trong bài hát: Vì trót yêu anh áo vai gầy không nỡ để quên mùa xuân, mùa xuân ái ân!...Và rồi cũng biết tên nàng là Hiền, làm ở bưu điện Sài Gòn. Có hôm len lén xuống xe theo Hiền vào trong ngõ xóm. Nàng đi tui theo sau/ tui không dám đi mau (thơ Nguyễn Nhược Pháp?) Thiệt là thơ mộng, phải đi qua cây cầu bắc ngang ao rau muống mới tới nhà nàng. Nhà thường thôi nhưng bởi có Hiền trong đó nên mình xem là thiên đường để đêm đêm học bài chưa xong cũng đi ngang qua tìm vầng trăng. Kết quả của những cơn mơ mộng và biếng nhác tụng cours là mình rớt ở năm thứ hai Luật, phải theo bạn về Mỹ Tho dạy học kiếm cơm. Một cuối tuần từ Mỹ Tho theo xe đò Minh Trung về vội vã tới nhà Hiền thì thấy nhà giăng đèn kết hoa đề hai chữ Vu Quy và Hiền thì mặc áo cô dâu đầu đội vương miện rực rỡ như Dương Quý Phi (nhưng không béo mập bằng). Thôi, thế là thôi, đêm đêm mình lại đi lang thang qua phố mùa Đông và hát một mình: Thuở đó có em anh chưa từng buồn / chưa đi lang thang ngoài đường phố đêm khuya… (Thuở Đó Có Em. Huỳnh Anh). Chuyện tình mùa Đông thật lãng xẹt vậy mà khi bị động viên vào quân trường mình viết thành truyện ngắn, giặm thêm mắm muối và phịa thêm là sau khi thất tình Nguyễn đã tình nguyện vào lính để tìm quên trong khói lửa. Truyện được đăng trên Nguyệt San Thủ Đức chớ bộ! Một bạn còn rất trẻ dáng bặm trợn cùng khóa tên Đức đọc xong khen nức nở sao giống chuyện tình và chuyện đời em thế!
 
Các bạn ơi, còn nhiều còn nhiều nữa những chiều những đêm qua phố mùa Đông tìm một vầng trăng và hơi ấm. Ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt. Như một con bệnh, gã làm thơ lưu lãng này đúng là kẻ mộng du. Bây giờ, ở xứ người, nơi vùng đồng cỏ Texas, đêm mùa Đông như đêm nay trăng hiện ra trên hàng cây maple rụng lá. Trời thật trong, và giá rét căm căm. Gã quấn chặt chiếc khăn quàng cổ, đội chiếc nón dạ đi ra phố. Vừa đi vừa  thầm đọc một câu thơ của mình để tìm hơi ấm: Hỡi ôi. đốm lửa từ sinh diệt / cháy. tàn đông. mùa tuyết sắp qua… Và quả nhiên, gã đã tìm thấy hơi ấm ấy, không chỉ trong thơ của mình, mà cả trong âm nhạc của Lê Uyên Phương và tiếng hát Lê Uyên.
 
Ở đây, xin được nói một chút về ca khúc Một Ngày Vui Mùa Đông của Lộc. Ca khúc mà Lê Uyên nhắc lại khi nói về chàng. Câu chuyện xảy ra ở một nhà ga. Ga Đà Lạt. “Nhưng trên thềm ga / Chờ đến trăng tà…”  Đây là cuộc hội ngộ của hai người yêu nhau. “Ai như người yêu / Màu áo mây chiều…” Một cuộc tình vui, một khúc hát vui, cho dẫu sau này hai người chia tay nhau. Như âm vang của nhạc Joseph Kosma và thơ Jacques Prévert trong Les Feuilles Mortes.
 
C’est une chanson qui nous ressemble.
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble,
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit
 
Một khúc hát vui, như hình ảnh của chúng ta, ôi những ngày xa xưa ấy, em yêu anh và anh yêu em. Hai chúng ta cùng vui sống. Nhưng rồi cuộc đời chia cách những kẻ yêu nhau, thật nhẹ nhàng, không gây tiếng động nào.
 
Mùa Đông qua phố. Tới đây, sẽ nhờ một ca sĩ của thành phố Dallas này, HChu nhe, hát lại cho nghe ‘Một Ngày Vui Mùa Đông’ để mình được sống lại một thời tuổi trẻ ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt. Ôi, mùa đông qua phố, đi tìm vầng trăng. Nhưng còn không vầng trăng ngày ấy. Có ai cho tôi xin lại vầng trăng.
NXT 

Friday, March 17, 2023

TUYẾT XUỐNG. NGHE DƯƠNG CẦM LẠNH. ĐI VỀ PHÍA BÌNH MINH TRONG CHIÊM BAO

nguyễnxuânthiệp
 
Một ngọn nến cháy trên bàn.
Ngọn nến cháy (BP)
 
Tuyết xuống
nghe cầm dương. lạnh
hồn siêu thực
trăng
mái phố
như chim
ca nhân
và nến cháy. bập bùng
lặng nghe
 
chờ em
đường dương cầm. mưa
những giọt lá. sầu
dạ khúc*
 
tìm đời nhau. đâu
tuyết xuống đầy trời
những cây sage. và bụi hồng. cây lựu trong vườn
đầu đội những chiếc mũ tuyết
đóa quỳnh điên. đêm nào
giờ đã tàn phai. rũ rượi
anh không trở về những năm tháng đã xa
để gặp lại cơn mưa
và bùn lầy
trong trăng
thôi. hãy lãng quên
lãng quên
bản dạ khúc
và teresa
teresa. của cầm dương. và những đám lá vàng. khuya
trong thơ joseph huỳnh văn
ngày ấy
còn gì đâu. em
vâng. giờ đây. anh đi về phía chân trời. nơi bình minh
                             còn ẩn. trong chiêm bao
để gặp người
ngôi nhà. bên đồi quạ
và bình trà. của sói
 
tuyết rơi
tuyết đang rơi
nơi anh ở. và đâu xa
tuyết rơi như trong dr. zhivago
vâng. anh đi về phía đồi twelve oaks
để nghe
một tấu khúc khác
của cầm dương. trong cây
đóa hồng. lệ biếc xanh. và ngọn lửa
 
này em. này em
đứng lên
như trong mơ. cầm cây cọ. và bảng màu
vẽ một khoảng trời
cho thơ anh
để anh an trú
ôi. cầm dương
cầm dương. của anh. tím
màu hoa lilac
 
NGUYỄN XUÂN THIỆP
Dallas, ngày của tuyết tháng 2. 2010
 
*thơ Dương Tường

SERENADE 3

Dương Tường
 

Dương Tưng (1932- 2023)


Chờ em đường dương cầm xanh
dậy thì nõn dương cầm phố
 
Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc
 
Chờ em đường dương cầm xiêm
vằng vặc ngực dương cầm trinh
 
Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mọng
 
Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhuỵ lạch dương cầm xuân
 
Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc
xào xạc lòng tay khuya
 
anh về lối dương cầm lạnh
1973
 
*Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Dương cầm lạnh.
         https://www.youtube.com/watch?v=6t2BGn2wRMs
 
 

P ARIS.KHÔNG TH I VŨ

Vũ Hoàng Thư
 

Nhà thơ Thi Vũ
và tác phẩm
 
người về nơi ấy
hai tay xuôi
môi mỉm cười thinh không
tóc bạc luồn mây trắng
như sông seine êm trôi
nước đổ dài ra nghìn dặm
bóng là vạt nắng
vờn bay thành hoa
hoa nắng” (1)
mông lung trắng ngát hát tiếng vô thường giữa đêm
tiếng xe khuya bật dậy tôi
đầu óc rỗng trong cơn jet lag
đêm limeil trờ chân vào sáng
mồn một đêm đóa quỳnh mở muộn
thư viện cao kệ sách dài nhấp nhô tờ quyển
máy in đêm rầm rập đều đặn giấy gennevilliers
quê mẹ thức trắng
lao động tháo mồ hôi
lời trầm thống gào thét biển đông
lựa chọn nào
xã hội chủ nghĩa vinh quang hay đại dương đen ngòm chờ đợi
tức tưởi oan khiên vật vờ muôn sinh linh
sóng sánh cửa nguyệt rue jaffeux
trầm đêm lời “gọi thầm giữa paris” (2)
hãy lên tiếng
un bateau pour le viêt-nam”
một con tàu cho người vượt biển
đại dương ơi cuối chân trời sáng hừng “đảo ánh sáng” (3)
paris. không thi vũ
ký ức trở về giàn bầu quê mẹ
đêm hát ca quán trúc giữa kinh thành ánh sáng trời âu
con dường dốc thắp tranh montmartre
những quán vỉa hè
ly cà phê đặc quánh phố saint-germain-des-prés
một việt kiều thức trắng hằng đêm paris
thi vũ
thơ và suy tưởng
hương nhụy bay phối cõi quê hương
tôi bước dọc paris trong nắng chiều u
mây xám trôi mù thế kỷ
tôi gọi tên
người như quanh đây chưa mất
chưa mất
rảo dốc xuống rue de la bûcherie shakespeare quán sách
người là mùi giấy thơm lựng trời bộ lạc thơ
hương lavande thoảng về kỳ dị
như mây trắng trong trời nắng
gợi lòng tôi yêu thương”  (4)
có thực chăng?
paris. không thi vũ
khi những dòng thơ chấp đôi cánh lộng
múa điệu trường sinh
hay cơn mưa thấm đất nở đóa triêu nhan?
thi vũ
mong manh bông hoa nhỏ
chưa một lần ngưng nở đã thiên thu” (4)
ôi mênh mông nhớ!
VŨ HOÀNG THƯ
Limeil-Brévannes, Tháng 2, 2023
[khi cát bụi trở về cát bụi]
----------------------------------------
(1) Hoa Nắng, thơ, Thi Vũ, nxb An Tiêm, Saigon, 1970
(2) Gọi Thầm Giữa Paris, tản mạn, Thi Vũ, nxb Quê Mẹ, Paris, 1985
(3) Chiến dịch “Một con tàu cho Việt Nam” do Thi Vũ – Võ Văn Ái và tạp chí Quê Mẹ khởi xướng cuối năm 1978 đã quyên góp để mua tàu Ile de Lumière (Đảo Ánh Sáng) đi cứu người tỵ nạn ở biển Đông.
(4) Thơ Thi Vũ
 
 

Wednesday, March 15, 2023

MỘT CHÚT CỦA CHÍNH MÌNH

kc Nguyễn
 
Thiếu nữ. Tranh Hồ Hữu Thủ
 
có thể, hôm nay
mặc áo mỏng và mang dép nhẹ
em sẽ theo dòng người ồ ạt về phố xá, mùa xuân
đám lục bình ngút mắt trên sông
đánh dấu sự hiện diện với bồng bềnh và luân lưu của nước
cội rễ không vương
niềm vui trôi xa, lan rộng
thứ hạnh phúc đong với tiếng cười
sẽ qua vùng ngoại ô
nghe chiếc cầu kể chuyện những con mắt trong đêm
đoàn xe không dứt và mặt trăng sửng sốt
rẻ vào những con đường chưa có tên
hàng loạt ngôi nhà giống nhau, mới cất
những bụi hoa, mới trồng
chim cổ đỏ tò mò
đứng yên nhìn em thảy ước mơ của một đời vào thùng rỗng
bước nhanh
có thể, mùa thu
mệt, đôi chân
đầy vết xước và những cái chạm cố tình của nắng
phố xá. bàn cờ, xe pháo mã
chốt chạy loanh quanh, quân vương hoàng hậu không di động
đèn pha, mặt trăng. bụi hoa, chim cổ đỏ
cái nhìn anh
dài, tĩnh lặng
nhặt những ước mơ lên, săm soi
có thể, em nói cứng
em chỉ đánh rơi một chút của chính mình
kc Nguyễn
 

Tuesday, March 14, 2023

UKRAINE. KHI NGHỆ SĨ TOÀN LỰC RA TRẬN

Phan Tấn Hải
 
Sunflowers for Ukraine.
Photo by Diane Green Lent
 
Sức mạnh nào đã thúc đẩy toàn dân Ukraine cùng ra trận chống quân Nga? Hẳn phải là hồn nước, một cái gì không thấy được, nhưng nối kết được toàn dân cùng nhau một lòng ra trận. Có thể định nghĩa rằng hồn nước là cái gì làm cho dân tộc Ukraine khác biệt với Nga, để toàn dân Ukraine thấy rằng hễ trận này mà thua, là những bản sắc truyền thống sẽ bị xóa sổ. Cũng y hệt như trong những ngày cuối năm 1788, trước khi đưa binh lực Tây Sơn ra Bắc để đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và viết hịch triệu mời toàn dân, toàn quân cùng ra trận để gìn giữ những gì rất là Việt Nam: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…” Phải có một cái gì rất là trân quý Việt Nam, mới đưa toàn dân ra trận được. Tương tự, Ukraine cũng như thế, cũng có một hồn nước Ukraine để kết chặt toàn dân thành một tuyến phòng thủ, nơi những người bình thường sẵn sàng bước ra giữa mưa đạn.
 
Đứng về chính trị, chúng ta thấy Ukraine cũng gần gần như Nga. Kiểu như chính trị Việt Nam cũng gần gần như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn về văn hóa, về ngôn ngữ, về nghệ thuật... Ukraine rất khác biệt với Nga. Kiểu như Việt Nam rất khác biệt với các nước khác về văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật... Chính những cái lãng đãng, rất mơ hồ, rất khó thấy đó... mới dựng lập thành một hồn nước, hồn dân tộc. Hồn nước Việt Nam là mối tình Mẹ Tiên và Vua Rồng, là Vua Hùng, là ca dao, là Trần Nhân Tông, là Nguyễn Du, là Bùi Giáng, là dân ca quan họ phía Bắc, là vọng cổ cải lương phía Nam...
 
Tương tự, hồn nước Ukraine là những gì rất độc đáo không tìm được nơi khác, như đàn dây bandura là riêng của Ukraine. Hay như ngôn ngữ Ukraine đã bị cấm dạy ở trường từ thời Đế quốc Nga rồi cả thời Liên Xô, chỉ chính thức được dạy ở Ukraine từ năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã. Về đại học, Ukraine đi trước Nga tới 2 thế kỷ. Đại học đầu tiên ở Ukraine là Ostrog Academy, cũng là đại học đầu tiên ở Đông Âu, do Hoàng tử Konstantin-Vasily của Ostrog thành lập năm 1576 (trong khi đó, Đại học đầu tiên ở Nga là Saint Petersburg Academy of Sciences do Đại đế Peter thành lập năm 1724).
 
Tương tự Thiên chúa giáo đã vào Ukraine từ nhiều thế kỷ trước khi vào Nga. Thánh Saint Clement I, cũng là Giáo hoàng các năm 88-97, là người bị lưu đày tới Crimea (vùng đất Ukraine bị quân Nga chiếm năm 2014) trong thế kỷ thứ nhất. Người ta tin rằng Thánh Clement I đã tử vì đạo ở Chersonese Taurica ở Crimea. Thánh tích nổi tiếng của ông đã được đưa đến Rome vào năm 867–8 bởi Saint Cyril và Saint Methodius và được gửi vào Vương cung thánh đường Saint Clement. Trong khi đó, Thiên chúa giáo vào Nga từ thế kỷ thứ 10 sau khi Đại đế Nga Vladimir rửa tội từ năm 988.
 
Văn hóa có truyền thống xưa cổ như thế, do vậy đã hình thành một bản sắc rất Ukraine ăn sâu vào máu huyết của người dân Ukraine. Tất cả những độc đáo về văn hóa đó đã nối kết người Ukraine, đã phân biệt xa lìa văn hóa Nga, và trở thành một trường thành để chống lại cuộc chiến xâm lược của Putin. Sức chiến đấu của Ukraine đối với cuộc xâm lược của Nga trong năm 2022 đã truyền cảm hứng cho nhiều ngành nghệ thuật Ukraine. Khi chiến tranh bùng nổ, Tổng Thống Volodymyr Zelensky ký lệnh tổng động viên và cấm xuất ngoại tất cả nam giới từ 18 tới 60 tuổi. Và cuộc kháng chiến đã mở ra trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, như thơ, truyện, âm nhạc, hội họa... nêu bật những cách mà người Ukraine học và khám phá ý thức về độc lập quốc gia, và những bản sắc văn hóa độc đáo.
 
Như trường hợp nữ họa sĩ Marta Koshulinska. Sinh tại Lviv, miền Tây Ukraine, nữ họa sĩ này trước giờ chuyên về trình bày sách thiếu nhi, trong đó có nhiều truyện cổ tích bằng tranh cho thiếu nhi. Chị không biết phải làm gì cho cuộc chiến vì tâm hồn chị tràn ngập những nét vẽ cho thiếu nhi. Do vậy, tranh mới của Marta Koshulinska sau khi cuộc chiến bùng nổ là những hình ảnh về trẻ em. Trong một tranh, Koshulinska cho thấy một bà mẹ dẫn đứa con trai di tản trên xe lửa, cùng với con mèo nằm trong lồng, và hai mẹ con đưa tay chào từ biệt người cha, người sẽ ở lại trong tuyến phòng thủ Ukraine. Trong một tranh khác, Koshulinska vẽ một bé gái nét mặt rất buồn, đang ngồi bên các va-li chờ ở trạm xe lửa, vai mang ba lô trong khi một búp bê để rơi trên đất. Nét vẽ của Koshulinska là những dòng nước mắt lặng lẽ của dân tộc Ukraine.
 
Đề tài tranh vẽ của nữ họa sĩ Marta Koshulinska là trẻ em
và phụ nữ trong cuộc chiến, là nước mắt tan tác.
 
Trường hợp của họa sĩ LBWS lại khác hẳn, vì mang hình thức tranh cổ động vẽ trên tường, đầy tính chiến đấu.  Đề tài được họa sĩ LBWS ưa chuộng là hình ảnh con mèo chiến đấu: Những con mèo yêu nước xuất hiện trên các bức tường ở nhiều khu vực khác nhau của thành phố Odesa. Họa sĩ LBWS khi vẽ mèo lên vách các tòa nhà ở Odesa đã vẽ thêm những dòng chữ khẩu hiệu, như “Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng,” hay “Vinh quang cho các anh hùng” và vân vân. Tổng cộng, họa sĩ LBWS đã vẽ khoảng 60 con mèo trên khắp các tường phố Odesa. Mục tiêu chính của loạt tranh tường về mèo là nâng cao tinh thần của toàn dân. LBWS chọn vẽ mèo vì mèo là biểu tượng linh vật không chính thức của thành phố Odesa.
 
Đề tài tranh vẽ lên tường thành phố Odesa
của họa sĩ LBWS là mèo tác chiến đứng bên các khẩu hiệu.
 
Trường hợp họa sĩ Kinder Album chọn đề tài nhiều đau đớn hơn: thân phận đàn bà Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Kinder Album không phải tên thật, và chị cũng không xuất hiện trước đám đông. Tiểu sử đơn giản của chị cho biết Kinder Album là họa sĩ đến từ Lviv. Cô sinh năm 1982. Hoạt động trong các thể loại hội họa, đồ họa, nhiếp ảnh, sắp đặt, nghệ thuật đường phố và nghệ thuật video. Một số tác phẩm của chị đã được trưng bày tại London, Praha, Paris, Lublin, Copenhagen, v.v. Hiện tại, họa sĩ sống và làm việc tại Lviv, miền Tây Ukraine. Một bức điển hình là vẽ màu nước, cho thấy nhiều phụ nữ Ukraine không vũ khí, đang trần truồng, cùng đưa tay trần đẩy lùi một xe thiết giáp của quân lực Nga, bất kể mũi súng liên thanh trên mui xe thiết giáp đang chĩa về hướng các chị. Đã có ai trên đời này hình dung ra cuộc chiến như thế chưa?
 
Đề tài tranh vẽ của họa sĩ Kinder Album là phụ nữ Ukraine
trong cuộc chiến chống Nga, chỉ có tay không ra trận.
 
Cuộc chiến chống quân xâm lược Nga của Ukraine đã làm xúc động lương tâm thế giới. Một khuôn mặt lớn trong hội họa tranh tường là họa sĩ Banksy, một họa sĩ kỳ bí người Anh. Banksy đã bí mật từ Anh tới vẽ trên các bức tường đổ nát của Ukraine để bày tỏ ủng hộ cuộc chiến chống Nga. Tranh của Banksy trước giờ nổi tiếng thế giới từ nhiều năm qua, và thường có giá bạc triệu đôla. Do vậy, chuyện bọn gian đục tường để trộm tranh của Banksy là thường. Đó là lý do, chính quyền khu vực thủ đô Kiev đã dựng kính che bốn tác phẩm của nghệ sĩ đường phố người Anh Banksy bằng kính bảo vệ và thiết lập các đơn vị lính canh để ngăn chặn nạn đục tường để trộm tranh Banksy, sau khi xảy ra vụ bọn gian tìm cách đánh cắp một tác phẩm Banksy hồi tháng 12/2022.
 
Oleh Torkunov, Chỉ huy phó quân sự khu vực Kiev, nói với phóng viên AFP: “Chúng tôi tin rằng đây là một di sản văn hóa và lịch sử mới được phát hiện. Tất cả các họa phẩm của Banksy sẽ vẫn còn trên vách như ở dạng ban đầu." Thực vậy, tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Banksy sẽ vẫn ở vị trí hiện tại của chúng và chính quyền địa phương đang lên kế hoạch tái thiết các tòa nhà xung quanh chúng. Lo ngại cho sự an toàn của các bức tranh tường, chính phủ cũng đang thực hiện các biện pháp điện tử an toàn. Valentyn Hrytsenko, đại diện của công ty bảo mật giải thích: “Ở những nơi dễ tiếp cận hơn nhiều, có một cảm biến (sensor) bổ sung dưới kính sẽ phản ứng nếu ai đó cố gắng đập, phá vỡ nó. Và ở phía đối diện, có một cảm biến khác chụp ảnh. Khi các nhân viên liên hệ nhận được báo động, họ lập tức nhận ra rằng có người ở gần bức tranh [của Banksy].”
 
Bức tranh tường của Banksy tại thủ đô Ukraine,
hình ảnh em bé Ukraine quật ngã Putin. Bức tường có gắn các sensor cảnh báo
được dựng trong các vách kính kiên cố chung quanh để ngừa trộm cắp, ngừa phá hoại.
 
Hiển nhiên, tranh tường là một thể loại nghệ thuật được người dân Ukraine ưa chuộng. Như trường hợp họa sĩ Gamlet Zinkivsky – người đàn ông Ukraine 35 tuổi này vẫn ở lại quê hương Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, để vẽ tranh lên những bức tường thành phố trong khi cuộc chiến xâm lược của Nga đang tàn phá và gây thương vong khắp nơi ở Ukraine. Hình ảnh chàng họa sĩ này là mặc áo giáp màu đen, có huy hiệu của quân đội Ukraine, mang đồ nghề họa sĩ ra đứng vẽ nơi các bức tường Kharkiv. Anh trước đó đã là họa sĩ nổi tiếng, từng triển lãm các tranh nghệ thuật từ Lima đến London, bây giờ Gamlet đã gác lại thành công vang dội khắp thế giới của mình và hiện sử dụng tài năng của mình để hỗ trợ cuộc chiến tự vệ của dân tộc Ukraine.
 
Gamlet nói với phóng viên AFP: "Nếu tôi đã ra đi, hẳn là tôi có thể phát triển sự nghiệp của mình ở đâu đó ở nước ngoài. Nhưng đó sẽ chỉ là sự thoải mái. Ở Ukraine, tôi có cảm giác rằng mình đang xây dựng đất nước. Cả thành phố là nhà của tôi, cả thành phố là phòng triển lãm của tôi.” Thành phố Kharkiv ở miền đông Ukraine, nên hứng chịu nhiều áp lực chiến trường. Khi cuộc chiến mới bùng nổ, Gamlet đã có một đêm nằm tránh bom trong ga tàu điện ngầm Kharkiv và 10 ngày tại nhà của cha mẹ mình trước khi cùng người thân chuyển đến Ivano-Frankivsk ở miền tây Ukraine, nơi tương đối bình yên. Gamlet đã dành hai tháng ở miền Tây Ukraine để gây quỹ cho viện trợ nhân đạo và quân đội Ukraine, kể rằng anh ấy đã bán được một bức tranh để lấy hai ống kính nhìn đêm.
 
Sau đó là một cú điện thoại từ chỉ huy của Tiểu đoàn Khartia, đơn vị mà bây giờ họa sĩ Gamlet tự hào đeo huy hiệu trên áo của anh. Người tiểu đoàn trường nói qua điện thoại: “Anh ở lại Ivano-Frankivsk quá lâu. Chúng tôi cần anh ở đây (ở Kharkiv) - anh phải vẽ.”  Thế là họa sĩ Gamlet rời miền Tây, để trở lại miền Đông Ukraine, và vẽ tranh tường cho thành phố Kharkiv.
 
Gamlet cũng coi công việc của mình là tăng khả năng tiếp cận nghệ thuật, điều mà anh ấy ưu tiên hơn cả là kiếm tiền từ việc bán tranh. Gamlet tin rằng làm việc trên đường phố, nơi anh có thể vẽ bất cứ lúc nào và ở đâu anh muốn, quan trọng đối với tinh thần của công chúng hơn là được xuất hiện trong các phòng triển lãm. Anh nói: "Tôi thấy mọi người mỉm cười và hạnh phúc khi nhìn thấy nơi vách tường một tòa nhà bị phá hủy mà họ yêu thích có một bức tranh mời gọi kiên tâm trong cuộc chiến chống Nga. Nghệ thuật đường phố, đó là câu chuyện dành cho những người chưa bao giờ đến xem một cuộc triển lãm hoặc những người không đến thăm các viện bảo tàng, nhưng họ bây giờ biết các tác phẩm của tôi trên đường phố."
 
Họa sĩ Gamlet nổi tiếng quốc tế, bây giờ mặc áo giáp đen,
mang huy hiệu Tiểu đoàn Khartia trước ngực, vẽ tranh tường cho thành phố Kharkiv.
 
Đối với Mykola Synelnykov --- một nhà báo và là phóng viên nhiếp ảnh chuyên về thể thao – vũ khí của anh bây giờ là ống kính camera. Synelnykov không săn ảnh chiến trường, bởi vì tất cả những gì liên hệ tới các đơn vị tác chiến đều bị cấm quay phim, cấm chụp ảnh, cấm viết lên mạng… vì sợ gián điệp Nga sẽ dò ra các vị trí đóng quân để dội bom. Synelnykov tới những nơi đổ nát vì bom, chụp các hình ảnh thể thao trong đổ vỡ. Một sân bóng rổ bị bom tàn phá, một phòng đấu kiếm bị bom nổ sập mái và tung hết 3 bức tường. Hay như hình ảnh các em học sinh học nơi lớp học dã chiến. Hay như đôi tình nhân, nàng mặc trang phục màu cờ Ukraine, đang tập bóng rổ với phía sau là những chiếc xe hơi thường dân trúng bom dựng thành bờ tường mới.
 
Bức ảnh của phóng viên Synelnykov: đôi tình nhân,
nàng mặc trang phục màu cờ Ukraine, đang tập bóng rổ với phía sau
là những chiếc xe hơi thường dân trúng bom dựng thành bờ tường mới.
 
Trường hợp họa sĩ và là điêu khắc gia Mykhailo Reva cũng độc đáo. Ông chọn một nét vẽ y hệt như trẻ em, để cho thấy chiến tranh hiện ra dưới mắt trẻ thơ thế nào. Reva sinh ngày 13/3/1960, là điêu khắc gia, là họa sĩ trong ngành vẽ kiến trúc và thiêt kế nhựa, cũng là sáng lập viên hội bất vụ lợi RevaFoundation, và là đồng sáng lập quỹ từ thiện “The Future” (“Tương lai”). Reva với nét vẽ trẻ thơ đã vẽ hình một cậu bé cầm thanh kiếm nhựa nhảy múa trên chiếc xe tăng đã bứt xích và gãy nòng súng. Cậu bé mặc trang phục màu cờ Ukraine, có nụ cười như dường không sợ nguy hiểm nào. Và các tranh tương tự như thế.
 
Tranh của Reva: Cậu bé cầm thanh kiếm nhựa nhảy múa
trên chiếc xe tăng đã bứt xích và gãy nòng súng.
 
Trường hợp nghệ sĩ người Pháp Fanny Levelval cũng có độc đáo riêng. Nghệ sĩ Pháp này chuyên về cắt dán, lắp ráp, tạo ảnh nghệ thuật về cuộc chiến ở Ukraine. Cô dựa trên các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ tiền nhân như Edouard Manet, Salvador Dali, Jan van Eyck, Vincent Van Gogh, Eugène Delacroix, Edward Hopper, Edvard Munch, Bartolome Murillo và nhiều người khác. Cô kết hợp một cách thành thạo những tác phẩm cổ điển này với những bức ảnh thực về các địa điểm chiến đấu, về những người lính Ukraine và về hậu quả của cuộc xâm lược của Nga. Có một tác phẩm được Fanny Levelval đặt tên là “Vladimir Putin: Tsar of the New Russia” (Putin: Sa hoàng của nước Nga mới) trong đó Putin có chút ria mép kiểu Hitler, và ảnh chân dung này nhìn kỹ thì vừa y hệt Putin, vừa y hệt Hitler. Một bức ảnh khác:

 
Các tác phẩm cắt dán của Fanny Levelval.
 
Chính phủ Ukraine biết sức mạnh của nghệ thuật. Vào ngày 7 tháng 3/2023, Ukraine công bố những người thắng giải thưởng Women in Arts 2023 (Phụ nữ trong Nghệ thuật 2023). Chủ đề năm nay là “The Resistance” (Cuộc kháng chiến). Do vậy, cuộc thi giải năm nay có tên là “Women in Arts: The Resistance” (Phụ nữ trong Nghệ thuật: Cuộc kháng chiến). Giải thưởng nghệ thuật này khởi đầu từ năm 2019, trên nguyên tắc là thường niên, nên đã trao giải cho các năm 2020, 2021 và hủy bỏ giải năm 2022 vì quân Nga tràn vào tấn công Ukraine từ ngày 24/2/2022. Năm nay, 2023 sẽ là trao giải lần thứ tư. Khẩu hiệu của buổi lễ năm nay là “Ngọn lửa không đốt cháy nổi những kẻ đã được trui rèn.”
 
Hồi năm 2022, buổi lễ đã bị hủy bỏ do quân lực Nga trà vào xâm lược toàn diện Ukraine, do vậy Giải Women in Arts 2023 đã mang một ý nghĩa mới, thể hiện qua việc mở rộng tên của nó bằng chữ “The Resistance” và dưới hình thức của chính giải thưởng, dự kiến sẽ có các yếu tố tượng trưng cho cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược. Những người được đề cử cho giải thưởng năm nay sẽ trong tám lĩnh vực: phụ nữ trong nghệ thuật thị giác, phụ nữ trong âm nhạc, phụ nữ trong sân khấu, phụ nữ trong điện ảnh, phụ nữ trong quản lý văn hóa, phụ nữ trong báo chí văn hóa, phê bình và nghiên cứu… Các ứng cử viên cho giải thưởng Women in Arts được đánh giá bởi các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Thành tích nghề nghiệp, danh tiếng, sự đổi mới và sự công nhận của quốc gia hoặc quốc tế là những yêu cầu chính đối với các thí sinh. Một hội đồng chuyên gia và ban giám khảo, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá của họ, đại diện của khu vực công và các tổ chức độc lập, được mời tham gia chấm điểm. Năm nay, sẽ có một tiêu chí lựa chọn bổ sung là “đóng góp vào chiến thắng”, có tính đến các hoạt động trong quân đội, tình nguyện, văn hóa hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác trực tiếp đưa chiến thắng của Ukraine đến gần hơn.
 
Và, bên cạnh các họa sĩ, các nhiếp ảnh gia… cũng có nhà thơ. Một bài thơ của chị Mariana Dziatko đã nói lên cảm xúc những ngày tháng 3/2022, tức là một tuần lễ sau ngày 24/2/2022 khi Putin đưa quân tràn vào tấn công Ukraine. Nhà thơ nữ Dziatko đã nói giùm cho cả nước Ukraine về các cảm xúc ban đầu, khi nhìn thấy tàu chiến Nga vào đổ bộ lên các hải cảng Ukraine trong cuộc chiến liên kết cả hải, lục, không quân. Bài thơ của Mariana Dziatko như sau.
 
THÁNG 3/2022
 
tàu chiến Nga,
Mẹ kiếp!
Ta sẽ không cho mi chiếm Ukraine.
Mi đã mang tới rất nhiều đau đớn và hủy diệt.
Ta vẫn nhớ tháng Hai. Giờ buổi sáng.
 
tàu chiến Nga,
Mẹ kiếp!
Không có ai đợi mi ở đây.
Đất nước này sẽ không đi chệch hướng -
Đất nước này sẽ đưa cả địa cầu ra san bằng mi.
 
tàu chiến Nga,
Mẹ kiếp!
Chúng ta không còn là những người anh em.
Ta không sợ mi nữa.
Ta đang ở nhà, ta đến từ đây.
 
tàu chiến Nga,
Mẹ kiếp!
Mi sẽ không bao giờ bình yên nơi đây.
Mi đang thối rữa từ bên trong, mi không thể nhìn thấy nó
Mi phải làm gì với những người khác chớ
 
tàu chiến Nga,
Mẹ kiếp!
Ukraine của ta hạnh phúc khi không có mi
Bay trên bầu trời như một con chim tự do.
Muốn chộp ta ư? Mi thua rồi đó.
 
Thâm cảm được số phần của Ukraine rõ ràng cũng là dân tộc Estonia, một nước rất nhỏ, chỉ có 1.33 triệu dân nằm giáp biên nước Nga. May mắn, Estonia đã gia nhập khối NATO từ năm 2004. Nhưng giới nghệ sĩ Estonia hiểu rất rõ bàn tay máu của nước Đại Nga. Năm 1940, Estonia bị Stalin sáp nhập vào Liên bang Xô viết, những cuộc đàn áp, bắt lính, lưu đày, xử tử kéo dài trọn năm 1941 và nhiều năm sau. Chỉ tới năm 1991, Estonia mới độc lập, và phải tới năm 1994 đơn vị chiến binh Nga cuối cùng ở Estonia mới rời nước này. Cuộc chiến của người Ukraine đã làm xúc động hầu hết giới nghệ sĩ toàn cầu. Đặc biệt là với các quốc gia cựu Liên xô. Đó là trường hợp của chị Mari Kalkun – một nhạc sĩ dân ca, ca sĩ và nhà soạn nhạc người Estonia. Một ca khúc mới của Mari Kalkun, nhan đề “Somewhere There’s War” (Có chiến tranh nơi nào đó) cho thấy những cảm xúc rất đau đớn cho phận người.
 
Nhạc sĩ Kalkun giải thích trên báo Estonian World về những cảm xúc của chị rằng: “Tôi cảm thấy rằng vào lúc này, chúng ta đang cùng nhau thương tiếc và đau buồn cho những người đang đau khổ; chúng tôi đồng cảm với họ, chúng tôi quan tâm và chúng tôi khóc như nhau. Âm nhạc và nghệ thuật giúp chúng ta vượt qua quá trình khó khăn này – nó mang đến sự chiêm nghiệm và cho phép chúng ta để những cảm xúc này tuôn trào ra bên ngoài. Nghệ thuật là một nơi hiển lộ cho cảm xúc, sự phản ánh và diễn đạt thành lời những trải nghiệm của chúng ta trong thời kỳ chiến tranh và khủng bố chưa từng có. Như trong văn hóa truyền thống, khi ai đó qua đời, những người phụ nữ than khóc sẽ hát cho người đã khuất và giúp cộng đồng khóc thương. Hy vọng rằng, bất chấp tất cả sự kinh hoàng, cuối cùng thì chúng ta sẽ thoát khỏi trải nghiệm tập thể này với tư cách là một xã hội tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn. Tất nhiên, âm nhạc và nghệ thuật cũng mang lại hy vọng, nâng cao tinh thần nhân loại và thể hiện các buổi biểu diễn và đấu giá từ thiện. Là một nghệ sĩ, tôi muốn đóng góp bằng sức mạnh của phương tiện mà tôi biết rõ nhất - bài hát. Nói một cách đơn giản, chúng ta phải tiếp tục hát! Chúng ta phải giữ cho tâm trí mình không sợ hãi và đón nhận những gì thế giới điên rồ này đang mang lại cho chúng ta trong khi vượt qua những cách mà nó đang thử thách chúng ta. Tôi tin rằng lời nói, âm nhạc và tình yêu mạnh hơn bất kỳ chiếc xe tăng nào. Hơn nữa, nghệ thuật vượt qua lời nói và chúng tôi hiện đang xử lý các quá trình vượt ra ngoài lời nói. Gần đây có người đã nói về bài hát mới của tôi, “Somewhere There’s War”, rằng, ‘Cảm ơn chị đã hát lên những gì là gánh nặng trong lòng chúng tôi.’”

Nhạc sĩ Mari Kalkun, từ Estonia,
hát ca khúc mới của chị về cuộc chiến Ukraine.
 
Lời ca khúc lược dịch như sau: “Nơi đâu đó có chiến tranh nhưng xa tôi, ai đó tan xác trên chiến trường, một em bé khóc nhưng không phải con tôi. Ai đó chết nhưng đó không phải là tôi. Nhân loại, nhân loại. Bạn còn cảm xúc không, bạn còn cảm xúc không? Nơi đâu đó có chiến tranh. Nó ngay ở nhà tôi. Anh tôi tan xác trên chiến trường và em bé khóc. Bé là con tôi. Ai đó chết, oh, hãy nhìn, chính đó là tôi. Tôi có thể còn cảm thấy, tôi có thể còn cảm thấy? Nhân loại. Liệu tôi có còn cảm xúc được không, tôi còn cảm thấy mình là con người không, là một người. Có nghĩa là phải chiến đấu để đóng cửa trái tim của bạn, để không sợ hãi một con người, một con người, một con người. Khi tôi còn thơ trẻ, tôi đã nhìn lên bầu trời, tôi từng cảm thấy trái tim mình tự do, tâm hồn mình tự do, tâm hồn mình tự do. Tâm của bạn là tự do. Tâm của bạn tự do, tự do, tự do, tự do, tự do.”
 
Bây giờ xin mời bạn nghe ca khúc “Somewhere There's War” của Mari Kalkun, qua video dài 3:39 phút.
 
Có ai đó tan xác nơi chiến trường, có một em bé khóc nhưng không phải con tôi… Hãy nghĩ rằng Châu Á của chúng ta rồi sẽ khó bình yên. Hãy ra sức làm việc cho một thế giới hòa bình, nơi sẽ không quốc gia nào xâm lấn quốc gia nào.
PTH

Sunday, March 12, 2023

ĐẶNG MAI LAN. THỜI GIAN MỘNG ẢO ‘MỘT TUẦN MỘT ĐỜI’

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Sách Một Tuần Một Đời
 
Không gian của Một Tuần Một Đời là một cõi mù sương, không có một con đường nào có tên rõ rệt để dẫn tới một nơi chốn được định vị trên địa lý. Vô phương. Có đến được, hẳn bạn cũng bị ngẩn ngơ, vì tới nơi sẽ chẳng còn ngôi nhà bạn muốn tìm, người bạn muốn gặp. Một không gian không phải là cái được thấy được nhìn. Vì chính người chỉ đường cho bạn cũng cảm thấy như đang chìm trong mê mị, cảnh vật thì chuếnh choáng trong ảo ảnh. Tất cả êm ả. Tất cả chộn rộn. Như thể cuộc sống đang diễn ra, đang như vậy.
Tôi tự hỏi, đây là hiện tại chăng,
Chợ trưa thưa vắng, con đường không một bóng cây. Nắng hừng hực như bốc hơi, nhập nhòe trên con phố xô bồ san sát nhà cửa, quán xá. Những ngôi nhà chuếnh choáng trong một thứ ảo ảnh vật vờ, xiêu đổ. Quán im thinh, âm thanh rù rì mỏi mệt của những cánh quạt quay đều từ chiếc quạt điện máng trên cao như từ một cõi nào xa vắng vọng về. Luồng gió nhân tạo chưa đủ hong khô những giọt mồ hôi rịn trong lưng áo, lại mang đến cho tôi một thứ cảm giác lạnh lẽo rờn rợn thịt da. Thứ cảm giác từ đâu đến vây bủa, mơ hồ, lạ lùng tôi không thể nào hiểu được. Và chừng như tôi cũng đang chìm trong mê mị…
Thời gian của Một Tuần Một Đời là một dòng hư ảo. Như thể có một dòng thời gian đang trôi song song với cái trật tự không đổi của giây phút ngày tháng năm. Muốn sống với nó, -không biết gọi là được hay bị - hẳn phải vì một nhịp sẩy chân bất ngờ khiến bạn nhận ra nhịp thở của nó, cái thụ động này, gọi là Bị? Hoặc giả, trong dòng thời gian vật lý kia, đôi khi có nhịp chập, nhịp lẫy, lôi tuột ta vào để cùng nó nổi trôi, cái thụ động này, lại gọi là Được? Nói vậy để cho chính mình được yên lòng, ít ra nó cũng có nguồn cơn, và dù cách thế nào thì ta cũng cảm thấy và sống thực trong dòng thời gian mộng ảo đầy quyền năng ấy. Mặc kệ cho ngày tháng đang trôi. Đang là như vậy.
Tôi vẫn thường hay nói, thời gian tôi sống tôi viết, là dòng thời gian mộng ảo, nó quen đến nỗi tôi đi tới đi lui, một chút buông lơi, tôi có thể lọt vào, sở hữu những hình ảnh, suy nghĩ, tình huống ở đó. Và tôi được sống lại, hưởng thụ hai lần những cảm xúc vui buồn, có phải vì thế tôi nhìn sự việc đã qua một cách rõ ràng hơn? Vâng, là việc đã qua, là hồi ức, là chập chùng kỷ niệm, được sống và sắp xếp lại. Bây giờ, đọc Một Tuần Một Đời của Đặng Mai Lan, tôi lại thấy in như vậy, làm như trong xô lệch của thời gian tôi và Đặng Mai Lan đang ở đó, đồng hành, và người bạn cùng đường đặc biệt ấy đã dẫn tôi vào một cõi hư hư thực thực với bóng đêm, tiếng thầm của nước mắt chảy trên gò má, tiếng sương rơi, tiếng dế gõ khuya, tiếng cười rúc rích trong lá, tiếng chuông tình yêu lao xao tàng cây. Và tôi theo, không phải dễ dàng gì, như đi vào Đào Hoa trận của Đông Tà Hoàng Dược Sư, cách để Quách Tĩnh tìm được lối đi là những cánh hoa rơi, còn với Đặng Mai Lan, để tránh lạc đường, tôi nắm vào sợi dây cảm xúc của câu văn con chữ. Kẻ dẫn người theo, không còn biết gì là trời đất, nói một cách hóm hỉnh và duyên dáng của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, là “đi nạp mạng cho ký ức”, thật là đúng, hóa ra cả ba chúng ta đều có chung những sẩy chân tình cờ để được sống tận cùng say mê của kẻ đem sinh mạng mình nạp cho ký ức sâu thẳm trong tâm thức. Và khi thoát ra chúng ta bình tĩnh hơn, kinh nghiệm hơn để thấy sâu sắc cái vô thường phận người. Nói như thế không có nghĩa lọt vào cõi ấy là mất mình cho những đau đớn, mà vẫn còn chút Tôi tỉnh táo để có cơ hội nói hay giải thích, như vậy, sự chịu đựng có vẻ “sòng phẳng” hơn, phải vậy không, Đặng Mai Lan?
Tôi lần theo những mảnh không gian mà Đặng Mai Lan vẽ ra theo đường đi của trí nhớ, theo ấm ức không nguôi của một nghi vấn, theo nồng nàn của hương tình yêu chưa từng rời xa. Tôi cứ nương theo cảm xúc mà đi.
Đặng Mai Lan đã rời bỏ cái thân xác tứ đại để bằng thân xác cảm xúc, sống với không gian của riêng mình, ngừng lại với thời gian hư ảo của riêng mình để buông xuống túi hành lý nặng trĩu u sầu. Và phải chăng vì ước nguyện tha thiết đến nỗi nó làm cô nhẹ bẫng -một linh hồn sống- được gặp lại người yêu Minh -một linh hồn chết- cũng trong suốt nhẹ tênh đang chờ đợi. Và họ đã gặp nhau. Một Tuần diễm lệ đắp đủ Một Đời. Tới đây tôi bỗng nhớ đến nhà văn Khuất Đẩu, theo ông, những người sống lương thiện, sẽ có được linh hồn trong suốt* ở cõi khác, và họ có thể đi tới nơi họ muốn, làm những điều họ vẫn còn đau đáu. Nên chắc chắn có một nơi mà những linh hồn sống-chết gặp nhau. Nói theo nhà văn Trịnh Y Thư**, có một trạm chuyển tiếp cuối cùng để các linh hồn gặp nhau trước khi đường ai nấy đi, và cũng có thể hẹn hò gặp lại. Tôi tin như thế khi đọc Khuất Đẩu, khi đọc Đặng Mai Lan, khi đọc Trịnh Y Thư, khi đọc thơ tôi, và cả bạn nữa. Bởi một hẹn thề, một mong mỏi dằng dặc sẽ theo ta mãi, bất cứ ở dạng sống nào. Không biết đó có phải là Nghiệp như nhà Phật nói không.
 
      ... Và tôi hối hả đi tìm tiền kiếp của mình. Sự tìm kiếm này có khác nào một giấc ngủ ngắn với cơn mơ dài cả một đời. Phải chăng mộng-thực đã làm nên đời sống tôi, nhưng đâu là ranh giới?
      … Tôi đi lang thang trên những con đường kiếp trước. Minh ơi, chỗ nào mình từng đi với nhau, đi đâu và làm gì?
 
Có một sinh mệnh tiền kiếp trong dòng thời gian mộng ảo. Mai Lan ơi. Kiếp trước đâu phải trăm năm, ngàn năm. Chỉ một ngày đổi thay đã là kiếp trước.
 
Tôi có cảm giác Đặng Mai Lan đang bằng linh hồn cảm xúc lướt lên bậc tam cấp không phải ở ngôi chùa trong mơ, mà là bậc tam cấp của thời gian -đã qua, bây giờ, ngày mai- để gộp Nắng-Gió-Hoa hồng tiểu muội vào một nơi chốn không khẳng định được, đó là Giấc Mơ. Nơi chốn ấy không xa không gần, cũng dường như không thực không mơ, nó là một thực thể tâm linh mà rúng động được những giác quan, như đoạn văn sau đây, là Mộng hay Thực?
 
… Tôi vòng hai tay ôm lấy bờ vai mình, và như một người vừa tỉnh dậy sau một thời gian dài chìm thiếp hôn mê, cảm nhận thân thể mình đang tiếp nhận một dòng nhiệt hâm hấp lan qua từng phần thịt da rưng rưng cảm xúc. Đôi tay, vai cổ chạm vào nhau như một gặp gỡ thắm thiết dị kỳ. Như nắng óng ả rót từ trời sau những ngày xám lạnh gió mưa.
       … Chỉ là mơ, nhưng âm thanh của gió, giọt sương rơi và tiếng dế nỉ non cơ hồ còn đang văng vẳng bên tai. Tất cả đang hiện hữu phía ngoài và cái lạnh lẽo như từng nhịp câm của những ngón tay ai đó đang gõ trên mu bàn tay tôi một giai điệu mơn man, nghịch ngợm.
 
Vâng, chỉ là mơ, nhưng một dòng nhiệt hâm hấp lan qua từng phần thịt da rưng rưng cảm xúc, nhưng, nhịp câm của những ngón tay ai đó đang gõ trên mu bàn tay tôi, là cảm giác cô đang-cảm-thấy. Nó rờn rợn một thứ cảm-xúc-siêu-hình. Mơ thực xoắn xuýt nhau.
Không khí ấy được Đặng Mai Lan chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ ăm ắp tình, rất tài tình của một bút pháp trữ tình, lồng lộng những cảnh vật hiện ra qua giọng văn buồn của hoài niệm, trầm bình, thu hút ngay lập tức người đọc.
Đặng Mai Lan rất thành công ở tả cảnh qua lăng kính thơ mộng của tâm hồn thơ. Như bản hòa âm mà cảm xúc gảy tới đâu thì cảnh sắc bật lên giai điệu. Cảnh sắc và tâm hồn người quyện vào nhau như đôi nhân quả.
 
… Đêm còn đầy, thăm thẳm một màu sương. Nhưng trong cái lãng đãng mờ mịt, tôi vẫn nhìn thấy một đốm lửa cháy đỏ cuối khu vườn. Lúc nào trong túi Minh cũng có gói thuốc. Những điếu thuốc giúp tinh thần Minh sảng khoái yêu đời và có lẽ những vòng khói được anh thở ra như đẩy đi những băn khoăn nào đó trong đầu anh. Trước khi cần nói với tôi một điều gì dù vui hay buồn Minh cũng hút một hơi thuốc. Minh đã ra vườn đứng hút thuốc giữa trời đêm. Có lẽ anh đang buồn lắm.
Đốm lửa chập chờn khi mờ khi tỏ, khi ẩn khi hiện. Điếu thuốc cháy trên môi Minh hay ánh sáng của một con đom đóm lạc loài vừa bay đến?
 
Hư hay thực? Điếu thuốc ẩn hiện cùng với ánh sáng của đom đóm là nối kết hai linh hồn đang chới với gặp nhau, đọc những dòng này, tôi nhắm mắt lại để cảm cho hết ánh sáng gặp gỡ ấy, để thấy thật rõ một ngôi vườn đang mở ra cho hai linh hồn cô đơn. Một thì đang thăm thẳm chờ đợi. Một thì náo nức nôn nao thúc giục quay về. Tôi thương cả Diệp cả Minh. Họ trong sáng, tận tình với nhau quá đỗi qua từng chắt chiu. Cho đến cả lúc vượt cả màn sương khói âm dương, cái u uất của bóng tối chia lìa bao nhiêu năm.
 
        … Em yêu những ngọn cây vô cùng. Hãy tưởng tượng thành phố chúng ta đã ở, những nơi chúng ta đến và đi sẽ khô khan biết ngần nào nếu không có lấy một bóng cây? Tôi nói với Minh như thế, khi hai chúng tôi ngồi dưới bóng mát của những tàng cây vào buổi trưa khi mặt trời lóng lánh trên cao, xuyên qua tán lá thả xuống nền đất những đốm hoa nắng lung linh. Ngồi cho đến khi chiều xuống, mặt trời chỉ còn những tia sáng rưng rưng và không khí trở nên u tịch.
Ở Sài Gòn, tôi nghe được tiếng ve kêu. Nhưng nơi này, tôi nghe lá trên đầu trò chuyện. Những câu chuyện rì rào trong vòm cây, lan man như những chuyện tôi kể lể, thủ thỉ với Minh tràn lan không dứt.
 
Với tâm tư chồng chất cùng những mốc thời gian như dấu ấn, khiến Đặng Mai Lan dùng một thứ vũ khí lợi hại của cấu trúc, là phân mảnh và phi thực. Cấu trúc ấy đem đến hiệu ứng tích cực nơi người đọc đưa họ về với suy nghĩ hiện tiền của họ. Từ nền đó chủ thể Đọc thấy được một bố cục hoàn chỉnh do chính mình sáng tạo. Vâng, tôi gọi là sáng tạo, vì cách viết của Đặng Mai Lan là mời gọi người đọc tham dự. Tôi tự hỏi, tại sao chỗ này là một hình ảnh rời rạc, tại sao chỗ kia là một câu nói gợi ý bỏ lửng. Và tôi phải đi tìm, phải suy nghĩ, thậm chí cả mơ ước, để tìm câu trả lời. Không khí truyện của Đặng Mai Lan là vậy, tôi tin ai đó khi đọc sẽ không tránh khỏi rung động với tâm hồn sầu buồn mơ mộng, mỏng manh này, và hẳn sẽ bị quyến rũ bởi văn phong của Đặng Mai Lan.
       … Khi bước ra khỏi phòng, rờ rẫm tìm được cái công tắc bật đèn thì tôi thấy Minh đã ngồi trầm ngâm nơi phòng khách. Có lẽ âm thanh mưa gió rào rạt bên ngoài khiến anh không nghe được tiếng chân bước của tôi. Tất cả mọi người còn đang ngủ. Dường như Minh đã hút rất nhiều thuốc trong bóng tối. Cái gạt tàn trên bàn nơi anh ngồi vương vãi một lớp bột mịn như nhang, mỏng như bụi.
     … Tôi đứng lặng lẽ ngắm Minh. Đôi chân như cắm sâu dưới nền gạch không thể nào bước tới hoặc quay lui. Những tế bào, mạch máu trong cơ thể tôi đông lạnh, tê cứng.
    … Trong bóng tối mờ ảo dường như có tiếng đập cánh của loài chim đêm, tiếng dế gáy rời rạc và sương rơi trên đất ẩm.
    … Tôi vòng hai tay ôm lấy bờ vai mình, và như một người vừa tỉnh dậy sau một thời gian dài chìm thiếp hôn mê, cảm nhận thân thể mình đang tiếp nhận một dòng nhiệt hâm hấp lan qua từng phần thịt da rưng rưng cảm xúc. Đôi tay, vai cổ chạm vào nhau như một gặp gỡ thắm thiết dị kỳ. Như nắng óng ả rót từ trời sau những ngày xám lạnh gió mưa.
    … Những câu nói đầy thở than hờn trách nhẹ như mơ, như lời giun dế từ một đồng đất hoang vu nào vọng về lại làm tứ chi tôi tê liệt.
     … Tôi vuốt ve ngực anh, nhận ra làn vải áo như có một chất keo đang dán kín vào đôi má mình âm ẩm.
 
Chỉ đến khi ghép những hình ảnh Cái gạt tàn trên bàn nơi anh ngồi vương vãi một lớp bột mịn như nhang, mỏng như bụi, … tiếng dế gáy rời rạc và sương rơi trên đất ẩm, … Điếu thuốc cháy trên môi Minh hay ánh sáng của một con đom đóm lạc loài vừa bay đến?... một gặp gỡ thắm thiết dị kỳ … Đêm còn đầy, thăm thẳm một màu sương. Nhưng trong cái lãng đãng mờ mịt, tôi vẫn nhìn thấy một đốm lửa cháy đỏ cuối khu vườn, cùng bước cô đơn như mộng du của Diệp đi về phía cuối vườn, tôi mới hình dung được nơi họ ngồi trò chuyện với nhau. Thương Diệp quá đỗi. Cảm xúc tôi như đang nấc lên.
Cô yếu đuối nhưng trong sáng với lãng mạn, kiên định bởi thủy chung, cho nên tôi tin tôi hoàn toàn tin, cuộc gặp gỡ của họ, hai linh hồn đang tỉnh-thức.
 
        … Tôi vừa đi qua bao miền quá khứ, những trạm đời lạ lùng, ngẫu nhiên, không tưởng. Tôi đã khóc cười cùng người sống và với cả người chết. Ngoài tôi, sẽ chẳng ai tin rằng tôi vừa đánh thức một thân xác ngủ vùi trong mộ chí đằng đẵng mấy thập niên dài, đã trò chuyện với một linh hồn và được sống lại những ngày xanh ngát tuổi nguyên xuân.
        … Tôi xoa tay lên ngực áo Minh và trên đôi mắt ướt của mình:
  Em không khóc nữa đâu. Nhưng em muốn nghe anh nói, thực sự anh có yêu em không?
 
Lúc hỏi câu này, tôi thấy đôi mắt Diệp long lanh, ánh sáng từ mắt cô làm bóng tối và đom đóm bớt lẻ loi, làm gần lại tiếng dế gáy tiếng sương rơi. Ngây thơ làm sao trong câu hỏi tưởng là không tin ấy của Diệp, lấp lánh một mảnh không gian lắp vào vừa khít với nhịp thời gian rực ánh thanh xuân. Không khí này làm tôi thấy mình rất gần với Đặng Mai Lan, những giống nhau mà tôi nghĩ chỉ có lớn lên cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh lịch sử, xã hội, cùng một nền văn hóa, giáo dục, mới có. Đó là những suy nghĩ thiện lành, niềm cảm thông, niềm hãnh diện, mà chúng ta tức khắc “cảm” được nhau. Một lúc nào đó, tôi đã nói, Lứa thiếu nữ chúng tôi đã hấp thụ được phần tinh hoa trong trẻo của nền văn chương nghệ thuật đầy nhân bản ấy, được giáo dục có được nhân cách tử tế, một thị hiếu thẩm mỹ chừng mực, một quan niệm sống hướng thượng, một trái tim biết cảm xúc vì tình cảm đẹp và lương thiện. Nhất là cảm xúc của tình yêu như vầy,
 
       … Trời bỗng đổ mưa khi hai người rời khỏi quán. Mưa xuân trên những ngón tay vội vàng nắm níu. Minh hối hả kéo Diệp chạy vào hàng hiên của một ngôi nhà có giàn hoa giấy. Những ngón tay tìm nhau như đã hò hẹn từ một kiếp nào.
     … Tôi không yêu lắm những chùm hoa dày đặc, sum suê như hoa giấy. Nhưng màu hoa tím đỏ run run dưới những giọt mưa trưa nay chắc cả đời tôi sẽ không quên. Hôm nay tôi vừa được mười bảy tuổi, một tuần. Minh à, anh có biết là anh vừa bước vào thế giới của em không?
     … Những ngón tay hối hả kéo nhau chạy tránh những giọt mưa bất ngờ đổ xuống, dẫn dụ những vòng ôm ngập ngừng qua bao đường phố và bây giờ chúng đang được Minh nâng niu trên môi anh. Tình yêu là đây, nơi những ngón tay. Tình yêu đâu chỉ là những câu nói được thốt lên…
     … Cho đến khi Minh đẩy xe ra cửa, bóng anh khuất hẳn nơi khúc quành đầu ngõ, Diệp mới bước vào nhà. Diệp ngồi ngắm đôi tay mình, những giọt xuân tươi mát từ buổi chiều như hãy còn đọng lại trên những ngón tay. Hương mưa theo Diệp vào giấc ngủ êm với mộng ban đầu.
Có lẽ tôi chủ quan khi nói rằng, dường như ở tuổi đó, thời đó mới có được cái rung động da thịt ngây thơ như vậy, chỉ cái nắm tay thôi đã thấy anh vừa bước vào thế giới của em. Để rồi hạt mưa trưa cứ tí tách mãi trong kỷ niệm. Tôi nhớ ngày đó, tôi cũng có câu thơ, “trời buổi đó một lần đứng lại/ về xao giấc mộng giữa đôi tay”, và chỉ đến chục năm sau, những dòng thơ ấy mới được lôi từ nhật ký ra ánh sáng của Thơ, và đến lúc ấy thì trời mới trôi đi! Chúng ta cảm được nhau thật dễ dàng, phải không Đặng Mai Lan?
 
      … Không chịu ôm anh té ráng chịu! Tiếng nói như từ một tinh cầu nào xa thẳm vọng về, chợt nhớ một lưng áo, một vai kề. Tiếng nói, giọng cười trên đường chiều thênh thang gió. Âm thanh tràn ứa tình vui cùng gió bay lên những hàng cây trên phố xanh, trời xanh như ngọc biếc. Màu trời như màu áo Minh một ngày quên chiến trận.
 
Làm sao sống lại được y nguyên cái dễ thương tinh quái ấy của nhau nếu Diệp không lọt vào được kẽ hở rộng lượng của thời gian Một Tuần Một Đời?
Ở vào một thời mà nắng mưa phố thị váng vất mùi súng đạn, lứa thiếu nữ mười tám (Diệp ngoại lệ vì cô 17 tuổi) hai mươi đã biết được nỗi đau chia xa, nỗi chông chênh sinh tử trong mối tình với lính. Một lứa vọng phu. Một thế hệ thanh niên khổ nạn. Không biết nói sao, qua Minh, lòng tôi thấy dạt dào nỗi thương cảm xót xa cho cả triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến bất hạnh, và cảm thấy có lỗi, ngày đó không thương kính họ nhiều hơn. Những hy sinh của họ phải được vinh danh dưới ánh sáng của tình yêu thiêng liêng Tổ Quốc. Cảm xúc tôi như đang bị nghẹn bởi nhịp tim đập vội.
Tai ương, bất hạnh, mặt nào đó, cũng tạo nên những đau đớn diễm lệ. Mối tình Diệp Minh mang cái đẹp não nùng ấy. Cái não nùng oan khuất của Minh, cái não nùng ấm ức ngây thơ của Diệp. Một tình yêu trộn lẫn giữa tình nam nữ và tình ruột thịt, Minh mới chọn đoạn trường mà đi, chỉ để bảo vệ một mái tóc, một ánh mắt nắng xuân… Em hiểu chưa Ngọc Diệp?
 
… Mái tóc lồng lộng như mây ấy chỉ để cài hoa, không thể choàng lên một vành vải sô thưa mỏng…. Em hiểu chưa Ngọc Diệp? Em như cánh lá non trong vườn nhà anh mùa lá mới mà anh chỉ đứng ngắm nhìn, không dám đưa tay vuốt ve, sờ chạm. Chiếc lá anh đã giữ gìn nâng niu. Một đụng chạm nhẹ anh cũng sợ nhàu nhăn, cong gãy…
… Tình yêu với một thằng lính biền biệt tháng ngày không gặp mặt, không biết sống chết lúc nào...
 
Nhưng rồi tôi lại tự hỏi, như một -ước muốn ích kỷ- về cái đẹp, nếu họ trọn vẹn thì ta đã có một Diệp khác, không phải là một Diệp với hồn xuân xanh biếc xuyên qua bao tình ý, bao sương khói thời gian để rực rỡ quay về, gỡ một nút thắt u hoài trong tâm, phải không?
 
… Một giấc ngủ quá dài, thức dậy biết mình đang ngồi trên một chuyến xe lỡ làng qua bao sân ga đời hun hút. Tôi đang đi trên con đường độc đạo của thời gian không có lối quay về. Nhưng tôi đi tìm Minh với hồn xuân xanh biếc. Dù thế nào trong quá khứ và hiện tại bây giờ, tôi cũng phải đi tìm…
 
Chuyện lắp ráp không gian thời gian trong Một Tuần Một Đời thi vị ở chỗ tùy theo trực cảm của người đọc. Tùy theo đó mà tự thốt lên, à…
 
Em hiểu chưa Diệp? Câu hỏi đầy trắc ẩn của Minh cứ vang lên làm ray rứt tôi. Nhưng tôi tin, khi thoát ra cơn sóng đồng thiếp mê mị, ngọt ngào này, Diệp đã hiểu, đã nhẹ lòng, như lúc cô đi dưới những tàng cây, vì tôi thấy mắt cô long lanh, tinh nghịch như những lúc bị Minh trêu, những tàng cây bóng lá thân thiết mà cô thấy như là “cố hương”, cô thoắt nhận ra đó là một giấc mơ đẹp, Tại sao tôi lại phải lay tôi dậy, ép mình phải quên đi một giấc mơ?  Sao lại quên được, vì nó là một thứ quê nhà tâm linh, cảm xúc, thì bất cứ lúc nào cũng có thể, một mình với tâm thái rộn ràng, đi về trú ẩn. Không quên nó, tức đang sống, đang thở, tôi dần lóe sáng một định nghĩa, rằng, cố hương ấy, giấc mơ ấy ở nơi Trái Tim khi đập nhịp của cảm xúc. Phải không Đặng Mai Lan?
Không quên, cũng là một hò hẹn…
 
… Ngoài tiếng ve râm ran phát ra từ những lùm cây thấp, em còn nghe cả tiếng guốc của ai đó vừa đi qua, hay của chính mình thời thanh xuân ngút mắt. Chỉ là những rặng cây cao, cơn gió thoảng nhưng em thực sự tìm lại được "cố hương" trong bao mất mát đổi thay…
 
Đặng Mai Lan ơi, tôi tạm biệt đây, tôi gửi lại một nụ cười thương hiểu của người bạn đồng hành vừa cùng được bạn dắt bay qua dòng thời gian Một Tuần Một Đời, nổi trôi sầu buồn chất ngất và bát ngát trữ tình.
Tôi nhẹ tay khép lại cánh cửa đêm của thời gian mộng ảo để họ được riêng tư, nơi cố hương ấy, Diệp và Minh sẽ không còn u buồn hỏi nhau Em hiểu chưa Ngọc Diệp? Anh còn nhớ không Minh? Nơi đó họ đang thực sự sống trong giấc mơ tình yêu gần như là, vĩnh cửu.
Tôi mong ai cũng có cho mình một giấc mơ để quay về nương náu, để hóa giải sự tàn phai của thời gian, để khôi phục lại năng lượng đã mất đi trong nhịp sống hàng ngày.
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Upland, buổi tàn đông***
Feb 18 2023
 
*Chữ của nhà văn Khuất Đẩu
** Truyện Tại Phòng Đợi của nhà văn Trịnh Y Thư
*** Viết sau khi đọc bản thảo Một Tuần Một Đời của nhà văn Đặng Mai Lan, vì dạng bản thảo nên những đoạn, những câu văn trích dẫn không ghi được số trang. Vả lại, tôi đi theo dòng thời gian xô lệch chập chùng ký ức của tác giả, nên thiết nghĩ cần chi một ghi chú rõ ràng.