Saturday, December 31, 2022

TIỆC ĐÃ TÀN. NHỮNG NGỌN NẾN ĐÃ TẮT

Châu Liêm
 
Happy New Year
 
Tiệc đã tàn
những ngọn nến đã tắt
giờ đây. chỉ còn anh với em
trên đường khuya
những bước chân lang thang
kìa. rạng đông màu xám
đang ở phía chân trời
   Những lời trên là thơ của tôi viết, từ lời ca của ban Abba, với chút tưởng tượng riêng, theo bài Happy New Year. A, ban nhạc Abba! Giờ họ không còn chung đường chung mộng với nhau nữa, nhưng những hình ảnh và âm thanh họ cống hiến cho đời thì mãi còn trong trí nhớ mọi người. Mới đêm hôm qua, 25 tháng 12, trong bữa tiệc họp mặt ở nhà Nhật Hoàng, CL lại được nghe ban Abba hát, trong một clip video, quay ở DC hay Boston gì đó (trí óc CL lúc ấy bềnh bồng hơi men, nên không nhớ rõ).
   Vâng, tiệc đã tàn. Bình minh màu xám đục bắt đầu. Cả anh và em đều cảm thấy chút gì hoang vắng. Nhưng không giống ngày hôm qua đâu -hiện tại lúc này chính là thời khắc để chúng ta cùng chúc nhau Happy New Year! Happy New Year! Và có lẽ chúng ta có trong trí tưởng một viễn ảnh nào đó về một thế giới mà mọi người đều là bạn của nhau. Và có lẽ chúng ta có cả những hy vọng, ước nguyền để thực hiện. Nếu không như thế, ta sẽ ngã xuống và chết thôi, cả anh và em!
   CL nhân dịp này cũng muốn mượn những lời trên của ban nhạc Abba để gởi đến bạn bè, bên này và bên kia biển rộng, lời cầu chúc Happy New Year -một năm mới thật tốt lành. Phải chăng, hỡi bạn hiền, chúng ta trong đời viết lách, đã có lúc mơ ước rằng mỗi ông hàng xóm đều là bạn của mình (every neighbor is our friend). Lúc bấy giờ sẽ không còn ngăn cách, hận thù, không còn chiến tranh và những trại tập trung. Vậy đó, nhưng một thế giới như thế bao giờ sẽ đến, và liệu nó có trên đất này không. Dẫu sao thì ta vẫn có quyền ước mơ, phải không các bạn?
CL
 
*Mguồn: Phố Văn số 71

TRƯA NẰM NHÌN LÊN KỆ SÁCH

Đinh Cường
 
NXT. Đinh Cường vẽ theo trí nhớ
 
*gởi Nguyễn Xuân Thiệp
 
Tôi nằm đối diện Modigliani
Sách dày cộm.
những dessins Paul Alexander sưu tầm
qua bảy mươi năm. tưởng chừng
không còn ai thấy, lấm lem bụi mờ.
cà phê đổ. ố. loang lổ. nhưng sao quá đẹp
một hồn xanh xao. khiến lòng
tôi thấy nôn nao. xin cho tôi vẽ
dâng trào. nhựa xưa.
 
Thiệp ơi, nhớ bạn. về chưa
nằm nhà thương. nhìn mưa tuyết
trắng. nhớ Dung vợ hiền
dáng gầy Jeanne. dáng gầy buồn
xám tro ánh mắt. xám luồn cổ cao
 
Tôi nằm. nhẹ thở. âm hao
Modigliani như nhìn tôi nói
thầm thì. Thiệp ơi
chúng ta hãy dậy
Bếp lửa xưa. mẹ hiền ...
 
Virginia, 28.12.2015
ĐINH CƯỜNG
  

Friday, December 30, 2022

SLAVA UKRAINI! ÁNH SÁNG CỦA NIỀM TIN VÀ HY VỌNG

Đinh Yên Thảo
 
Hình sách. ĐQAT
 
Có lẽ sách đã đến từ hôm qua nhưng sáng nay làm việc ở nhà ra lấy thư, tôi mới thấy cuốn sách của nhà báo Đinh Quang Anh Thái gởi tặng. Đó là tập bút ký "Vinh Quang cho Ukraine", kể về chuyến sang Ba Lan và Ukraine của anh cùng Giám Đốc Đinh Xuân Thái thuộc đài Little Saigon TV bên California vào hồi nửa đầu tháng 10 năm nay.
Bìa sách cũng do một người bạn của tôi là họa sĩ Dạ Thảo thiết kế và trình bày, lấy màu cờ Ukraine nửa xanh vàng làm nền và cái tựa là lời chào biểu tượng lẫn niềm tin chiến thắng "Slava Ukraini" - vinh quang cho Ukraine, của người dân Ukraine trong cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 11.
Nhưng có hơn một lý do để tôi đọc nó, không vì gặp dăm người bạn quen biết như vậy. Tôi muốn biết thêm điều gì đang thật sự xảy ra trên đất nước này. Vậy là tôi vừa đọc xong cuốn sách ngay trong hôm nay và nghĩ rằng mình nên chia sẻ điều gì đó về cuốn sách này.
Tập sách hơn 200 trang kể cả một số hình ảnh phụ lục, bao gồm 10 bài viết, trong đó sáu bài về Ukraine và bốn bài về Ba Lan cùng ba bài phỏng vấn. Bài phỏng vấn nữ phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam là bà Nataliya Zhynkina, dù ngắn nhưng đáng chú ý vì cách trả lời sắc sảo và tinh tế, đầy tính ngoại giao nhưng thẳng thắn của bà.
Trong cái se lạnh của mùa Thu chuẩn bị vào Đông tại Đông Âu và không khí chiến tranh đầy nguy hiểm, bất chấp cả lệnh kêu gọi công dân Mỹ phải lập tức rời khỏi Ukraine từ Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, Đinh Quang Anh Thái vẫn đi và lần lượt ghi và kể lại hành trình khá mạo hiểm của anh cùng những cuộc gặp gỡ với những người gốc Việt hay Ukraine tại Kyiv và Warsaw, gặp gỡ một số thành viên của tờ báo mạng Đàn Chim Việt tại Ba Lan.
Không phải đọc anh lần đầu nhưng cách viết của Đinh Quang Anh Thái trong cuốn sách này khá là lạ. Anh viết về không khí chiến tranh khốc liệt mà phảng phất chút thi vị khi xen vào đó đây dăm đoạn hay câu thơ của vài nhà thơ Việt Nam quen thuộc. Nên đi giữa chiến tranh mà chỉ nghe những hồi còi báo động liên tục, những bữa ăn gián đoạn, vội vàng cùng hầm trú ẩn chứ không thật sự đối diện tiếng súng nổ, bom rơi và chết chóc. Dù anh có ghi và chụp lại những tội ác của chiến tranh.
Mà tôi nghĩ cũng chẳng cần phải hơn vậy. Tự thân chiến tranh đã là bóng ma, là sự bạo tàn và lòng thù hận, cần gì phải tô vẽ chân dung nó thêm kịch tính và dữ dội hơn.
Có lẽ anh đã cảm nhận được sự bình thản, tự tại với niềm tin sắt đá về chiến thắng, về lẽ thường của cuộc đời khi điều thiện phải thắng cái ác, về sự hy vọng cho một ngày hòa bình tái lập của những người Việt lẫn Ukraine mà anh đã gặp và kể lại khi họ đương đầu với cuộc chiến bạo tàn này. Nên đọc lại đoạn thơ như Chiều trên phá Tam Giang của Tô Thùy Yên anh dẫn trong bút ký, lại cảm thấy man mác, thích hợp.
Dăm người Việt tại Ukraine hay Ba Lan mà nhà báo Đinh Quang Anh Thái gặp gỡ không đại diện hết cho những người Việt tại Ukraine nhưng ít nhiều cho thấy những người Việt trên đất nước này gắn bó với quê hương thứ hai của mình vô cùng. Chắc chắn là vậy và phải vậy. Không phải bạn hay tôi cũng yêu quý đất nước thứ hai của mình chẳng khác gì?
Những người Việt này lên án chiến tranh và tin vào một ngày chiến thắng của người dân Ukraine can đảm mà chính họ cũng là một phần. Hay đáng quý hơn là sự miệt mài giúp đỡ người tị nạn Ukraine từ những người Việt tại Ba Lan với những chuyến xe chở thực phẩm, vật dụng đến biên giới hay vào tận các làng của Ukraine.
Gấp cuốn sách, tôi thử mường tượng về khuôn mặt ngây thơ của một cô bé tị nạn người Ukraine bỗng dưng đã hỏi nhà báo Đinh Xuân Thái tại biên giới Ba Lan rằng "Ông có tin vào Thiên Chúa hay không?". Đó là câu chuyện xúc động. Nó tựa như câu chuyện một người Việt Nam mà nhà báo ĐQAT đã gặp tại Kyiv. Anh ta tin rằng nhờ tượng Phật mà cha anh đã mang từ chùa Từ Hiếu tại Huế sang nên đã giúp cho ngôi nhà của anh tránh khỏi bom đạn rơi quanh đó.
Tôi tin là đức tin và niềm tin như vậy sẽ giúp cho người dân Ukraine hay những cô cậu bé bên trên cùng hàng triệu người tị nạn Ukraine sẽ vượt qua nỗi mất mát, đau khổ cùng cái buốt lạnh của mùa Đông năm nay hay trong những ngày lưu xứ sắp tới. Cho đến khi chiến tranh chấm dứt.
Mà bao giờ chiến tranh sẽ chấm dứt? Không ai có câu trả lời rõ ràng. Ngoại trừ lời cầu nguyện và lòng hy vọng.
Đầu tháng Một tới sẽ là lễ Giáng Sinh của những người Chính Thống Giáo Ukraine. Họ không đón lễ Giáng Sinh trong tháng 12 như giáo hội Công giáo La Mã mà vào ngày 7 tháng Một hàng năm theo lịch Julian. Họ sẽ cầu nguyện điều gì và những trẻ em Ukraine sẽ mong có được món quà Giáng Sinh gì? Tôi đoán là có gì hơn với ước nguyện bom đạn sẽ thôi rơi, chiến tranh sẽ chấm dứt và họ được trở về mái nhà xưa khi bước vào năm mới.
Còn gì nữa, tôi chẳng chắc lắm. Nhưng tập bút ký của nhà báo Đinh Quang Anh Thái chắc chắn sẽ góp thêm phần quà nhỏ nhoi của anh cùng những độc giả như bạn, như tôi đến người dân và trẻ em Ukraine. Khi chia sẻ thông tin về cuộc chiến bảo vệ tự do cùng nền độc lập của người dân Ukraine theo như lời phó Đại sứ Zhynkina kêu gọi. Và ý nghĩa hơn nữa là, số tiền thu được từ cuốn sách này mang mục đích giúp tu sửa cho ngôi trường học tại một làng nghèo của Ukraine mang tên "Ánh sáng" đã bị bom đạn quân Nga tàn phá.
Đó là ánh sáng của niềm tin và hy vọng vào sự cảm thông và lòng bác ái của đồng loại và vào thế giới tự do sẽ không bỏ rơi dân tộc kiêu hùng này.
Slava Ukraini!
 
Texas, những ngày cuối năm 2022
ĐINH YÊN THẢO

Tuesday, December 27, 2022

THƠ TÌNH SAU NGÀY LỄ

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Merry Christmas & Happy New Year
 
anh bỏ những đồng tiền lẻ
vừa được thối lại từ tay cô mỹ trắng
vào hộp Donations để cứu trợ
những trẻ em Phi châu nghèo đói
khi ghé McDonald's mua ly cà phê đen
lúc 7 giờ rưỡi sáng
 
trời miền nam cali lạnh & ẩm thấp
chừng 53- 54°F
đã qua ngày lễ Thanksgiving
nửa đêm Black Friday
hạ giá nhiều mặt hàng
anh chẳng mua được cái gì
ngoài xấp giấy trắng on sale 50% off
một két bia Heineken
về uống và viết thơ tình
để nhìn tóc em bay giữa đêm tối hoang đường
 
rồi ghé thùng bán báo tự động
bỏ 25 cents lấy một tờ
world cup nước Nhật thắng Đức 2-1
xong trận đấu họ đi nhặt rác quanh sân
 
khi đèn xanh bật lên thì trời bắt đầu đổ mưa
mưa ở đâu cũng buồn
nhất là khi đi ngang sunset boulevard
nhìn mưa bay trên hàng sao ngái ngủ
như mắt em chiều thứ bảy
đành châm thêm điếu thuốc
 
mưa làm cây gạt nước đưa lên đưa xuống
chỉ nhìn rõ khoảng cách từ HN đến LA
nên phải bật đèn pha để ra xa lộ
cùng lúc nhớ tên một loài hoa
khi kim đồng hồ xe chỉ 45 miles/1 giờ
 
tối nay anh sẽ viết xong bài thơ
kịp đăng lên face cho em đọc
để túi xách trên vai em không còn nặng
lúc băng qua ngã rẽ khác của con đường
khi cơn mưa vừa dứt.
29.11.2022
HLN
 
 

Sunday, December 25, 2022

CHIA LY CHIỀU TUYẾT PHỦ

Ngôi nhà tuyết phủ. Hình minh họa từ Internet

Một cuộc chia ly thật cảm động. “Nhân vật” chính là ông già và con chó thương yêu. Cả hai đã sống với nhau bao nhiêu năm nhưng giờ đây không được nữa rồi. Trong chiều tuyết phủ, người và chó buông nhau ra, bỗng nghe tiếng “Chúc Mừng Giáng Sinh Vui Vẻ”, lệ chực trào ra trên khóe mắt ta nhưng đồng thời lòng cảm thấy ấm áp bao nhiêu. PV
 
   "Ta sẽ chẳng bao giờ quên chú mày được đâu", ông già lẩm bẩm. Một giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của ông. "Ôi, ta đã già rồi. Ta không thể nào lo cho chú mày được nữa."
   Con chó nghiêng đầu qua một bên, nhìn ông chủ của mình. "Gâu gâu! Gâu gâu!" Nó vẫy đuôi lien hồi, như thể muốn biết ông chủ đang định làm gì.
   "Bây giờ, ta lo cho ta còn không nổi nữa là…Đừng nói gì đến phải lo cho chú mày." Ông già vừa húng hắng ho, vừa lấy một chiếc khăn tay ra xì mũi thật mạnh.
   "Ta sắp vô nhà dưỡng lão rồi, không thể đem chú mày theo được. Ở đó người ta không cho nuôi chó và các con vẫt yêu đâu, chú mày biết đó."
   Ông già cúi tấm lưng còn xuống vuốt ve đầu con chó.
   "Chú mày đừng có lo. Chúng ta sẽ tìm cho con một căn nhà thật đẹp." Ngẫm nghĩ một lúc ông nói thêm, "Mà với vẻ bề ngoài đẹp trai của con, sẽ chẳng có gì khó khăn lắm đâu. Ai cũng thích có một con chó đẹp."
   Con chó đập đuôi thật mạnh. "Gâu, gâu, gâu, gâu." Mùi quen thuộc của ông già trộn lẫn với mùi thức ăn thơm phức tạo cho con chó cảm giác ấm cúng. Nhưng sau đó một nỗi sợ hãi lại xuất hiện. Con chó cụp đuôi đứng lặng.
   "Lại đây nào." Ông già quỳ xuống trong khó nhọc và âu yếm kéo con chó lại gần. Đọan ông buộc một sợi dây màu đỏ thành một cái nơ lớn quanh cổ con chó. Rồi ông buộc một mảnh giấy vào sợi dây. Con chó đâm lo không biết trong mảnh giấy đó có gì.
   "Trong giấy ghi là," ông già đọc lớn, "Giáng Sinh Vui Vẻ! Tên tôi là Monsieur DuPree. Tôi khoái ăn sáng với thịt hun khói và trứng - cả pop corn nữa. Tôi khoái ăn chiều thịt với khoai tây nghiền. Chỉ vậy thôi. Tôi chỉ ăn hai bữa mỗi ngày. Đổi lại, tôi sẽ là người bạn trung thành nhất."
"Gâu gâu! Gâu gâu!" Con chó bối rối và đôi mắt buồn bã của nó như muốn hỏi điều gì đang xảy ra vậy?
   Ông già lại xì mũi vào khăn tay một lần nữa. Bám vào thành ghế, ông từ từ đứng dậy. Mặc áo khoác vào, ông với tay lấy sợi xích chó, nói nhẹ nhàng, "Lại đây nào, con ta." Ông mở cửa bước ra ngoài, kéo theo con chó. Trời lạnh lẽo và gió rít trong cây. Bóng chiều chập choạng. Con chó kéo ghì lại, không muốn đi!
   "Đừng làm ta khó xử mà. Ta hứa với con, sống với người khác con sẽ sung sướng hơn ở với ta."
   Đường phố vắng hoe. Tuyết bắt đầu rơi những bông nhỏ. Ông già và con chó cất bược đi trong gió rét mùa đông. Chẳng bao lâu, tuyết bắt đầu phủ lên lề đường, cây cối và những tòa nhà xung quanh.
   Một lúc sau, ông già và con chó đến trước một tòa nhà lớn chung quanh có những hàng cây cao vật vã trong gió. Ông già dừng lại. Con chó cũng dừng lại. Cả hai run lên vì lạnh, bước tối gần tòa nhà. Ánh sáng lung linh chiếu ra từ những khung cửa sổ, vang vang trong chiều tiếng ca mừng Chúa Giáng Sinh.
   "Đây sẽ là tòa nhà cho con đó nhé." Ông già nói trong, nghẹn ngào. Cúi xuống cởi xích ra khỏi cổ con chó, ôngi mở cửa rào thật nhẹ để nó không kêu. "Tới đi. Tới cào cánh cửa kia kìa."
   Con chó nhìn tòa nhà và nhìn lại ông chủ rồi lại nhìn tòa nhà. Nó chẳng hiểu gì cả. "Gâu gâu! Gâu gâu!"
   "Tới đi." Ông già đẩy con chó. "Ta không còn giúp gì cho con được nữa," ông già gắt "Tới ngay đi!"
   Con chó tỏ vẻ buồn bã. Nó nghĩ ông chủ nó không còn thương yêu nó nữa. Nó không thể hiểu nổi rằng, mặc dù ông già thương yêu nó hết mực, ông không thể lo cho nó được nữa. Từ từ, nó rụt rè bước tới, leo lên bậc thềm. Nó cào lên cánh cửa. "Gâu gâu! Gâu gâu!"
   Ngoái lại, nó thấy ông chủ nó nấp sau một cái cây khi cánh cửa mở ra. Một cậu bé xuất hiện dưới ánh đèn hắt ra từ đằng sau. Khi thấy con chó, cậu bé giơ hai tay lên và la lớn "Trời ơi, Bố Mẹ ơi, xem ông già Noel đem lại cho con cái gì nè!"
   Ông già nước mắt lưng tròng, nhìn cảnh đó từ phía sau cái cây. Ông thấy người mẹ đọc mảnh giấy rồi nhẹ nhàng âu yếm kéo con chó vào bên trong. Mỉm cười, ông dùng tay áo khoác đã lạnh cứng chùi nước mắt rồi biến vào đêm tối, bên tai chỉ thoảng nghe "Chúc Giáng Sinh Vui Vẻ, anh bạn thân yêu."
PV
(theo Christa Holder Ockerl)

Saturday, December 24, 2022

KHÚC H. XƯA

nguyễnxuânthiệp
 


Ngọn nến cháy trên bàn
một ngọn nến cháy*
trong đêm tuyết đầy trời
đâu rồi. lara
còn đây khúc hát
và bầu trời thuở xưa
khi tóc còn xanh
trong ngôi nhà. số 3 đường nguyễn trường tộ
ngọn thông. và mặt trăng. đong đưa. đong đưa. trên mái ngói
ôi. đôi mắt
và bạn bè. không bao giờ gặp lại
NXT
 
*Thơ Boris Pasternak
 

ĐÊM ĐÔNG. THƠ BORIS PASTERNAK

Bản dịch của NGUYỄN THANH CHÂU

 
Candle. By Sheena Kohlmeyer
 
Thổi qua, thổi tràn qua mặt đất,
Ngọn gió tuyết quay cuồng,
Một cây nến trên bàn chiếu sáng,
Một cây nến, cháy.
 
Như đám phù du lao mình vào lửa
Trong thời tiết mùa hè,
Những bông tuyết từng chùm bay phấp phới
Bám vào khung cửa kính.
 
Tuyết vụn vãi thành mũi tên, vòng nhẫn và những vì sao
Trang điểm khung cửa kính.
Một cây nến trên bàn toả rực,
Một cây nến, cháy.
 
Những chiếc bóng giao nhau trải rộng
Trên trần nhà lung linh,
Những cánh tay, những đôi chân quyện chặt vào nhau,
Và số phận, rồi niềm cảm nhận.
 
Những tiếng động vang trên thềm nhà
Tiếng đôi giày trượt ngã,
Và những giọt sáp nến chảy xuống
Như lệ vết lăn trầm.
 
Rồi tất cả chìm lẫn trong đêm tuyết,
Vùng hư ảnh mờ xám.
Một cây nến trên bàn đứng sững,
Một cây nến, cháy.
 
Bỗng ngọn lửa rung nhòa trang bản thảo;
Đầu óc đầy cám dỗ,
Nâng lên cao đôi cánh chéo vào nhau
Như bóng dáng thiên thần.
 
Cả tháng hai thổi mù cơn bão tuyết.
Từng lúc càng quay cuồng
Một cây nến trên bàn nhỏ máu,
Một cây nến, cháy.
NTC
 

Bản tiếng Anh của LYDIA PASTERNAK SLATER

 
WINTER NIGHT
 
It swept, it swept on all the earth,
At every turning,
A candle on the table flared,
A candle, burning.
 
Like swarms of midges to a flame
In summer weather,
Snowflakes flew up towards the pane
In flocks together.
 
Snows molded arrows, rings and stars
The pane adorning.
A candle on the table shone
A candle, burning.
 
Entangled shadows spread across
The flickering ceiling,
Entangled arms, entangled legs,
And doom, and feeling.
 
And with a thud against the floor
Two shoes came falling,
And drops of molten candle wax
Like tears were rolling.
 
And all was lost in snowy mist,
Gray-white and blurring.
A candle on the table stood,
A candle, burning.
 
The flame was trembling in the draft;
Heat of temptation,
It lifted up two crossing wings
As of an angel.
 
All February the snow-storm swept.
Each time returning
A candle on the table wept,
A candle, burning.
LPS
 
*Nguồn: Damau.org

Friday, December 23, 2022

THANH CHƯƠNG

Hoàng Xuân Sơn
 
Tranh Saatchi Art
 
Cái gối cái gối bao la
Trên giấc muộn ngủ
dưới tà tà mây
Tôi bay lượn
chữ
hao gầy
Con sông dẫn thủy
trùng vây bến nào
Lên bờ
bợt một ánh nâu
Cánh buồm
mụn vá
mày chau tuổi vàng
Bóng chiều lạ chỗ lang thang
Chỉ riêng điều biết
Hạnh
Tràn
Phúc âm
Đời cho ta nâng thụ cầm
Búng đi một nốt muộn thầm chương xanh.
4.dec.2022
HXS
 
 

Thursday, December 22, 2022

ĐỔI GIỐNG.

Tố Nghi
 
Tranh siêu thực. Nguồn: Internet
 
Thinh không chuyện đổi giống bỗng thành đề tài sốt dẻo trong gia đình.
Số là... có tên đực rựa kia, vợ con đàng hoàng, tới tuổi 65 (tức đất gần hơn trời rồi) bỗng quyết định biến thành mệnh phụ - phu nhơn thì tới nay báo chí chưa đá động gì tới - Tướng công phàn nàn: Sáng nào vào nét check email cũng thấy nó đứng ngồi chình ình trong trỏng !
Tui cũng vào nét chớ sao, nhưng cứ hụt hoài, mải cho tới tuần trước mới "chụp" được nó trên TV, đang thao thao ngôn ngữ với đám cử toạ đông đảo bên dưới. Chời hỡi chời... Tóc dài buông thả bờ lưng, mặt mũi phấn son coi cũng được. Vòng 1 vòng 2 vòng 3 dợn sóng gồ ghề.;. Đại khái nó là đờn bà thứ thiệt. Nhưng... chừng há miệng thỏ thẻ thì ồm ồm tiếng ễnh ương. Nản quá xá nản!
 
Ngó nó một hồi tui sanh lòng thắc mắc : Để có được núi đồi và thung lũng thiên nhiên ngần ấy, hẳn nó phải được cung cấp đủ hormones. Và khi đủ hormones thì giọng nớ phải oanh vàng líu lo mới phải. Vậy là sao ? Tướng công nói "trăng sao gì nữa, đồng bằng thành gồ ghề khúc khuỷu là do đắp đất đá nhơn tạo. Hormones tẩm vào người chưa đủ lâu đủ dài để hai dây thanh quản căng ra chớ chi. Người thông minh coi vậy chớ thỉnh thoảng vẫn... ngu đột xuất".
Đực rựa trở thành thị mẹt nọ đừng trước đám đông (và truyền thanh truyền hình báo chí) tâm sự vắn dài, rằng hồi đó giờ nó vẫn nghĩ mình là đờn bà bị nhốt trong cơ thể đờn ông, nên ao ước ngày xổ lồng thoát cũi. Và ngày ấy đã đến sau khi kỷ niệm sinh nhựt 65 xong - nghĩa là nó đã khắc khoải chờ mong trong thơi gian tối thiểu cũng cỡ 23,725 bữa -
 
Chuyện đổi giống của nó đã thành đề tái nóng hổi trong những show TV thuộc loại xe cán chó, chó sống nhăn còn xe chết máy. Và nó đã xông thẳng vào nhà tui gọn lẹ tới độ hổng kịp rung chuông cửa. Trước tiên, tướng công tủm tỉm cười: Để dành tiền cho má nó... trọn một giấc mơ. Kế đó đám anh em bên chồng cũng tủm tỉm y chang và nhao nhao hỏi tới: Chừng mô bà chị nhớ báo trước, cho tụi em chuẩn bị làm shower đánh dấu ngày trọng đại. Khổ cái... chuyện của tui, tui nói xong quên, hổng dè đám thính giả nghe rồi download chớ hổng delete. Thế là nhắng lên!
 
*
Nghe nói tui sanh vào giờ thứ 26, lúc má yên trí mình đã "sạch sẽ", nào ngờ vẫn "bẩn thỉu" y chang, cái bụng cứ bự từ từ.  Té ra một bông hoa đang đâm chồi nảy lộc trong trỏng. Rồi má sanh lòng ái ngại, cấm cung miết trong nhà hổng ra đường nữa. 
Hồi đang ốm nghén rề rề, thinh không có người quen của tía tới chơi nhà, ông bấm tay gieo quẻ mần màn huề vốn: đứa nhỏ này là con trai thì rất tốt, còn bằng như con gái thì cũng hổng tới nỗi… lắm ! Dĩ nhiên song thân hổng tin ba chuyện vớ vẩn của đám thày bà. Tía nói: Nhà có 2 trai 2 gái rồi, chừ đứa này ra con gì cũng tốt, nó sanh sau đẻ muộn phải thương gấp đôi (hallelu...ui-ya).
Má khai hoa một chặp thì nở nhụy ra con thị mẹt, và đương nhiên nó là qúi nữ trong gia đình. Quí nữ ở đây hổng phải gái quí mà út gái, là cái phản nghĩa của trưởng nữ, tính theo thứ tự - còn bằng như tính tùm lum nữa thì nó ở vị thế đối nghịch của trưởng nam !
 
Trong gia đình tui là đứa lạc lõng, bị vì các anh chị đều lớn hơn tui nhiều chút. Kỷ niệm với chị ba, anh tư, chị năm nay lờ mờ hết còn rõ nét, nhưng với anh hai thì đậm sâu. Tía má, nhứt là má, hổng được đi học nhiều. Chuyện học hành của con mỏ nhọn, tía phó thác hết cho anh. Anh hai quyền huynh thế phụ, thành khẩn dạy dỗ con mỏ nhọn cho nó nên người.
Học chữ con nọ có hơi chậm, nhưng học chơi thì lẹ dzô cùng. Thông minh quá khổ trong chuyện học chơi, chẳng mấy chốc mỏ nhọn dẫn đầu đám lâu la lối xóm sàn sàn tuổi - đám lâu la nọ chỉ toàn đực rựa, bị đám thị mẹt kia đang mắc chơi chuyền, rải ô, ẳm bồng búp bế và đụng chút là tức tưởi khóc, đứng trong hàng ngũ với chúng thiệt là bận tâm - 
Mỏ nhọn dzậy nên thị mẹt chăm chỉ ríu rít tiếng oanh, từ hừng sáng lúc mới mở được một mắt chưa kịp mở con thứ hai, tới chiều tối lúc má cầm roi mây bắt nín nói đặng còn đi ngủ - nói nhiều quá làm phiền lối xóm chung quanh - thì nó buộc phải chịu phép... ngậm mỏ. Nó có tiếp tục nói trong mơ hay không tui quên hỏi, chừ muốn hỏi cũng hết có... giả nhời !
 
Qúi nữ như gió trời, được cho tự do suốt tuổi thơ. Tưởng là hên chớ xui thấy bà.
Đám anh em họ quanh nó hầu như tuyền đực rựa - thì cũng lác đác vài đứa con gái chớ sao không, nhưng bọn nọ rất điệu đàng và mít ướt đúng truyền thống, nên khoảng cách thành diệu vợi ngàn trùng. Thoảng hoặc chúng cần thị nữ quân hầu mới chịu khó nhớ ra con mỏ nhọn, còn thì lờ tít. Chưa kể... vừa ngó thấy MN bên này đường, chúng lẳng lặng băng qua đường bên kia ngay tấp lự!
Chơi với con trai thôi cũng chưa tới nỗi, tui còn được má cho bận đồ khín của chúng luôn, bị bao nhiêu đồ con gái dến vào người, chỉ thoắt cái là tiêu dên, lớp rách, lớp bị chính tui cắt xé ra đậng... cử động cho dễ !
Chơi với con trai cũng tỉ như mang trứng chọi đá, nên rồi qúi nữ được anh tư truyền cho ngón "cẩu chưởng" thuần thục. Má nói: Thằng tư mày chỉ em cắn người ta, trước sau chi cũng có ngày bị chúng dzả rụng răng ! Tía phì cười dạy thêm chiêu "ăn vạ". Địch thủ bị cắn chưa kịp cắn trả lễ thì con nọ đã hét tướng lên mần màn la lối thị uy thảm thiết. Lối xóm thất kinh hồn vía, nhảy dzô binh vực con nữ tặc thế cô ! Hai chiêu cẩu chưởng và ăn vạ được MN xử dụng thường xuyên tới nhuyễn nhừ.
 
Rồi đang thong dong vậy thì một bữa, thinh không tía má ra lịnh giới nghiêm, truyền rằng con gái lớn rồi, từ nay phải vào khuôn vào phép.
Cái khuôn phép của con gái vốn ngặt nghèo hơn con trai gấp bội. Tự do chớ, nhưng là tự do trong... khuôn khổ. Và cái khuôn khổ nớ chật hẹp quá độ, cũng tỉ như nhốt gió trời vào bao... hộp quẹt. Cuộc sống đang vui tươi thinh không xuống sắc thảm sầu. Thế là đầu tui từ từ manh nha giấc mộng con :  "biến thành đực rựa".
Cha nội kia thấy mình là đờn bà bị giam hãm trong cơ thể đờn ông, rồi mần màn thoát cũi sổ lồng ở 65 tuổi. Tui thì trái lợi, chưa bao giờ nghĩ mình là đờn ông trong thân thể đờn bà, thành hổng cũi hổng lồng chi dzáo. Nhưng có giấc mộng con to dần thành cục hột xoàn sáng rỡ : Ngủ một đêm dậy, dzô toa-lét đứng hùng dũng.
Tướng công biểu: Muốn thì cứ đứng cho biết, ai cấm cản chi đâu nà! Dỡn hoài! Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tui cũng có đứng thử chớ sao không, hổng một mà đã rất nhiều bận, nhưng hổng bận nào thành công ráo nạo. Đứng kiểu này là đứng có điều kiện, mà điều kiện nọ tui sẽ không có bao giờ.
Trời sanh sao, phải chịu vậy thôi! Cũng bởi được tiá má thả lỏng quen dzồi, chừng tới tuổi giới nghiêm mới sanh màn đau khổ! Thời ni có lẽ bớt rồi – ít ra là ở bên này, tui thấy vậy và tin vậy - chớ thời trước bị kìm kẹp ngộp thở luôn.
 
Làm con gái lỗ lã thấy bà. Chị ba tui hổng được phép có bồ. Chị phải ngồi đó chờ thời, có ai ưng cau trầu tới hỏi rồi gật hay lắc - sau khi tía má đã rà radar coi có hạp sóng không - Giả như chị hổng lọt mắt xanh một người bạn học của anh hai thì dám cũng ế. Cho dù con gái ế thời nớ coi như trọng tội, nhưng để nó ra ngoài la cà tự kiếm chồng thì hổng được, làm vậy còn chi thể thống gia tộc, ảnh hưởng tới anh em. Vậy là sao?
Còn nết ăn nết ở, lời ăn tiếng nói nữa cà. Phải nghiêm trang thùy mị hòa nhã dịu dàng, phải đạo hạnh đoan chính khéo léo hiền thục, rạng rỡ vui tươi …. Chời hỡi chời, cái list đức tánh con gái cần phải có bỗng dài dằng dặc.
 
Sau cùng thì... cho dù cái list nọ được khoanh gần hết, nhưng sự thực vẫn là, và bao giờ cũng là… phải có tiền, càng nhiều càng tốt, để vực cái checklist nọ đứng lên cho vững. Con gái nhà giàu bao giờ cũng đẹp hơn - người đẹp vì lụa, nhà nghèo hổng có tiền mua lụa phải bận đỡ vải thô, cùng lắm là… popeline, đẹp sao đặng - và do đó đã đắt chồng hơn.
Cũng bởi đám đực rựa vốn chất phác thiệt thà, chúng tin tưởng một lòng câu “sang vì vợ”. Giữa hèn và sang thì chọn sang cho khoẻ, bị vì sang luôn luôn song đôi với đẹp, mà đẹp thì chưa chắc đã sang -ai cắt nghĩa được chuyện sang và đẹp lên tiếng dùm cái tui mang ơn –
 
*
Tía má đi đâu cũng dẫn qúi nữ theo, bị bỏ lợi nhà hổng ai trông chừng, lớp sợ tui lêu lỏng rồi hoang đàng chi địa, lớp sợ tui bị trẻ lớn hiếp đáp (hai chiêu “cẩu chưởng” và “ăn vạ” được dạy phòng thân là lúc này heng).
Đi theo tiá má lắm khi con tim rất sầu não, vì rằng… cứ phải ngồi một chỗ nghe người lớn bàn đề những chuyện đẩu đâu - và thong thả đớp kẹo bánh cho bớt buồn cái miệng - Những chuyện người lớn nọ, ở đám đờn ông luôn luôn là chánh trị xã hội hay ăn nhậu đớp hít. Còn ở đờn bà luôn luôn là nhà cửa chồng con và… ghen tương (bao gồm bắt ghen và úynh ghen).
 
Cái đầu non nớt của tui từ từ tỉnh thức: Làm đờn bà khổ hơn làm đờn ông gấp bội!
Hồi lớn dọng dọng, nhơn có đám nói trong gia đình, giữa thanh thiên bạch nhựt, tui tỉnh bơ tuyên bố một câu xanh dờn: Nữa lớn ưng ai con sẽ đi hỏi nó chớ hổng chờ nó hỏi. Tại sao lại cứ phải chờ! Thím tư cười ngất: Lỡ nó lắc thì sao. Tui nói đâu có sao, rồi con lại đi tìm đứa khác hỏi nữa. Nguyên nhà rần rần còn hơn cái chợ. Má ngao ngán thở dài, lo cho tương lai hậu vận con quí nữ. Má nói nó như con trai, trước sau chi sẽ hổng ai dám rớ tới ! Còn chuyện ghen và uýnh ghen thì khỏi, tui loại liền ra khỏi danh sách cần học tập phát huy - vụ ni chừng rảnh báo cáo tiếp, bà con thong thả chờ đó -
 
Như tui vầy gọi là garcon manqué, tức tomboy (keyboard của tui thiếu dấu sê-đil) Garcon hay boy hàm nghĩa thiếu niên. Chữ tây coi vậy tượng ảnh tượng hình hết biết, garcon manqué nôm na là “trai thiếu”, thiếu chút nẹo nên chưa đầy đủ lắm để có thể gọi là con trai. Hình ảnh trái ngược của “trai thiếu” hẳn phải là “gái thừa”. Thì gái chớ, nhưng có chỗ dư ra cũng chút nẹo. Chỉ vì cái chút nẹo đó thôi mà sanh bão tố!
Sau này trong sờ làm, một tên đực rựa đã gọi lén sau lưng một nữ đồng nghiệp của nó là... “đờn ông có vú”, cũng vì mệ ni thiếu nữ tánh do đã hổng xính xái mà reglo với nó quá khổ - hổng phải tui đâu nha, đừng vội tưởng lầm – Giấc mơ đứng của tui nó là như vậy chớ hổng rắc rối tốn kém chi.
 
Chừ thì tui đã quá tuổi để mơ mộng rồi, đành chịu phép phải ngồi. Đứng được lên nó lộn xộn lắm mà chưa chắc đã sướng, vì rằng thời nay đã khác rồi, nhứt là ở quốc ngoại. Ngó bộ ngồi rồi chỉ tay năm ngón vậy mà khoẻ hơn.
Nhưng khổ cái... thính giả của tui tình hình hổng thèm update! Hồi đám con cô ba (đứa nào cũng già đầu hơn tui ráo nạo) lần đầu gặp tướng công, chúng ồn ào: Hỏi gần hỏi xa chẳng qua hỏi thiệt, vậy chớ có phải chị sáu đi hỏi anh sáu không? Tướng công nói: ừa, tui bị bả đi hỏi mà hổng dám lắc, sợ bả uýnh lọi giò!
Chấm hết.
TN

 

  

Tuesday, December 20, 2022

Ở CUỐI ĐỜI.

Vương Ngọc Minh
 
Tranh Duy Thanh
 
một dúm tóc trắng như sương
dứt ra ném phát cuối đường biệt tăm
em sửa soạn dọn chỗ nằm
tôi bước qua- thoắt trăm năm cũ càng
 
tưởng khuya còn chuyến đò ngang
ra đứng bên này ngó sang mé bờ
thấy độc rễ má dây mơ
quấn con trăng vàng khiến mờ mịt mơ
 
ràng rịt một đầu mối thơ
bưng đặt lên mặt bệ thờ cốt sao
ở đêm với giấc chiêm bao
điệu đàn vọng cổ dạt dào nước mây
 
chờ buổi bình minh làm đầy
kí ức/ vói lên đọt cây cả cười
kể sao cho hết tiếng người
trọn vẹn buổi lễ hội tươi rói tình
 
xuân xanh trổ mã dáng/ hình
cầm tay em theo con kinh đáo về
thôi ngùi ngậm những thốt thề
hết tháng chờ năm (đợi!)kê chỗ nằm
 
niềm sầu khổ giờ xa xăm
quá vãng hóa âm vọng nhằm dỗ cơn
chân chữ "cố hương" đã nhờn
quái quỉ- tôi đứng cứ trơn (tuột!) hoài..
..
VƯƠNG NGỌC MINH. 

Monday, December 19, 2022

THƠ XƯA. BẠN CŨ. QUÊ NHÀ

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Cố hương. Cây bàng cổng cũ
 
Một chút gì gợn lên nơi mùi cà phê sáng, nơi tách trà nhâm nhi buổi xế chiều, nơi ly vang đỏ nồng đêm tối, làm cồn cào nhớ đến câu thơ đã đọc từ lâu lắm, thơ xưa chăng, nhưng sao cái rung động hôm nay về nó vẫn làm ta xao xuyến đến vậy.
 
Thơ cũ như là áo xưa. Chút hương theo gió chút mùa gửi trăng. Chút phân vân duột tơ tằm. Chút mình lẫn chút trăm năm bùi ngùi. Chút thân. da thịt sần sùi. Chút tà dương vợi săm soi tuổi đời. (Hoàng Xuân Sơn).
 
Và phải chi những lúc như thế, được ngồi cạnh người bạn đã một thời cùng nhau chia sẻ, giờ đã phương trời cách biệt… Nhớ về nhau mới thấy rằng bạn được xem là cố cựu không phải ngày một ngày hai mà nên.
 
Và nơi xa xăm kia, là quê nhà, là trời đất cũ, là căn nhà ấu thơ, cảm hoài nhớ về, muốn thì thầm cùng người, dưới tàn mây trắng kia là nhà ta…
 
Thơ xưa. Bạn cũ. Cố hương. Ký ức của máu thịt. Luôn được bảo vệ bằng Nhớ. Nhớ, có phải cho ta được dừng lại để sống chậm đi một chút hưởng thụ thấm thía hơn, cái đằm thắm chín muồi của cảm xúc, của xa vắng thời gian? Biên giới giữa xa xưa và hôm nay chỉ một vách sương, bạn và ta như chưa hề chia biệt. Thốt nhiên trong đêm viễn xứ, hoàng lan ngoài vườn khuya ngát hương quê nhà…
 
*
 
VÕ CHÂN CỬU (1952-2020)
 
ĐƯỜNG VÔ NÚI
 
Theo mây đi một buổi
Trời đất nhẹ phiêu phiêu
Va đầu tưởng đụng núi
Chỉ đụng bóng sương chiều
Một mặt trời lầm lũi
Trên trần gian tiêu điều.
 
 
ÁNH NGỌC NÚI CAO
(Trích đoạn)
 
Mơ màng như một giấc chiêm bao
Người lại hồi sinh từ bao kiếp
Hơi truyền sóng gió lướt qua mau
Hơi truyền trong gió theo cát bụi
Cát bụi thì mờ vạn vạn năm
Cát bụi báo tin ta trở lại
Từ tro tàn của buổi xa xăm
Ta bay ngất ngưởng trong đại mộng
Nào mênh mông mấy nẻo quê nhà
Đợt sóng thiên thu hoài vang vọng
Trong lòng sao vẫn tưởng như xa
Đêm đêm dòm mãi trời cao ngóng
Không một vì sao buổi trăng tà
Âm âm tiếng núi trong sương đọng
Mười năm mà vẫn tưởng hôm qua
 
1972
 
*
 
VŨ HỮU ĐỊNH (1942-1981)
 
TRỜI ĐẤT CŨ
 
Về ngõ cũ, anh gặp trời rất cũ
Con chim cùng về hát lạnh trong sương
Bến sông ấy anh đứng nhìn lại nước
Mấy mươi năm nước cũng bình thường
 
Về ngõ cũ, anh gặp chiều rất cũ
Bầy vượn cùng về đuổi bóng trên nương
Rừng xưa có phai chút màu sắc cũ
Màu cũ đang về trong gió trong sương
 
Về ngõ cũ anh ôm hồn đất cũ
Mảnh đất nghìn năm sao vẫn không già
Con thỏ con chồn chào anh lủi chạy
Anh cũng vừa lủi chạy vô truông
Ô nơi đây anh còn tiếc đoạn trường
 
Về ngõ cũ gặp người bạn cũ
Người bạn bao năm sao cũng chưa già
Anh gặp lại anh vác cần xách giỏ
Sớm lên đường bóng lẫn mưa xa
 
Về ngõ cũ, anh đã về chốn cũ
Mấy mươi năm thấp thoáng trong đời
Trời đất cũ mở lời chào vạn đại
Màu trôi đi, anh đứng lại em ơi
 
1972
*
 
LOUISE GLÜCK
 
CÁNH CỬA TRÓC SƠN
 
Rốt cuộc, ở độ trung niên,
Tôi thèm trở về thời thơ dại.
 
Căn nhà vẫn vậy, nhưng
cánh cửa đã khác.
Không còn màu đỏ nữa – gỗ đã tróc sơn.
Những cái cây vẫn vẹn nguyên như trước: cây sồi, cây ngô đồng.
Nhưng con người – tất cả cư dân của thời quá vãng –
đã ra đi: thất lạc, qua đời, di tản.
Đám trẻ con từ phía bên kia đường
những ông già, bà lão.
 
Mặt trời vẫn thế, bãi cỏ
nâu khô mùa hè.
Nhưng hiện tại chất đầy người xa lạ.
 
Và theo cách nào đó mọi thứ đều hoàn toàn chính xác,
chính xác như tôi từng nhớ: căn nhà, ngõ phố,
ngôi làng phồn thịnh –
 
Không phải để được tái sinh hay để bước vào một lần nữa
mà để biện minh
cho sự thinh lặng và nỗi vời vợi,
nỗi vời vợi của nơi chốn, của thời gian
độ chính xác đến kinh ngạc của trí tưởng và chiêm bao –
 
Tôi nhớ về tuổi thơ của mình như một ước muốn
đau đáu là được sống ở nơi nào đó khác.
Chốn đây là nhà; đây chắc hẳn là
thời thơ ấu tôi mang trong tâm tưởng.
 
 “Unpainted Door” – Từ tập thơ “The Seven Ages” (2001)
LINH VĂN dịch (vanviet.info)
 
*
 
BÙI BẢO TRÚC (1944-2016)
 
GỬI CĂN NHÀ CŨ
(Trích đoạn)
 
Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui
Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa
Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn
 
Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Đường thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi
 
Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.
 
(ngo-quyen.org)
 
*
 
CAO ĐÔNG KHÁNH (1941-2000)
 
TRÊN NÓC SAIGON
 
để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái như cỏ xanh mướt
mây và hoa trên nóc thành phố
nơi đóng rêu nơi anh hoang vu
chẳng ai ngờ anh hôn ngón tay
nơi anh kể chuyện buồn cổ tích
chẳng ai ngờ anh hôn mái tóc
một ngọn cây còn một gia tài
chẳng ai ngờ anh hôn đôi môi
con đường rong thành phố phế thải
chợt cơn nắng tiếp trận mưa mù
lá me rơi trong tách cà phê
chẳng ai ngờ anh chưa chết đói
bụi cỏ may mọc nửa lưng trời
một cụm mưa làm phong cảnh đẹp
mặt trời xanh mọc trên gò má
nơi mấy năm bụi phủ lặng thinh
chẳng ai ngờ anh hôn mắt khép
người dưới đất cờ bay phất phới
chẳng ai ngờ hai đứa tự tình
cờ trổ hoa trên nóc cao ốc
chẳng ai ngờ anh còn đủ sức
để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái nhỏ như sợi chỉ
chẳng ai ngờ em chết lạnh băng
 
(Gio O.com)
 
*
 
HOÀNG XUÂN SƠN
 
CÕI CHIA
(Nhớ Nguyễn Xuân Hoàng)
 
Vạt nước hắt sương đi xa
trời mưa quyên đỗ
thâm tà áo
bâu
nên thơ
từ vụng hôn
đầu
muối chan môi lệ
đằm câu mặn nồng
bề gì tóc cũng phơi
hong
sợi trăm năm có nao lòng bể dâu?
vắt hương
cạn kiệt đàn sầu
bãi trăng chín lộng
mùa sâu
uẩn quỳnh
xưa còn tản mạn thiên kinh
ơi con bướm đậu tang tình ngũ cung
vàng âm. mai, khổn
tao phùng
trói nhau phương hướng
mịt mùng
cõi
chia
 
Sông về
thiêm thiếp mộ bia
đăm đăm hồ mị
ô kìa!
giấc ai?
lạc trần chuông mõ bi ai
tàn nhang khuya với chuôi dài đẩu tinh
đầy trời
mắt lạ cung nghinh
triêu dương ánh cũ
có bình yên chăng?
rề rà
xếp áo cùng khăn
rớt rơi còn chút bụi hằn tâm si
ở hoa cương
ngạt xuân thì
nhành khô
xác mượn
chờ chi bụi hồng
đá vàng
tủi nợ gai chông
trăm năm gối nhẹ
tang bồng
thốt
thưa
 
*
 
TRỊNH Y THƯ
 
THÁNG BA, HÃY TRÔI ĐI
(Viết đêm Cao Xuân Huy trút hơi thở cuối)
 
Tháng ba đỉnh trời toác máu
lũ kên kên chao chiêng
mùi tử khí trào dâng
tháng ba xác trẻ và người già.
 
Nằm bên nhau thanh thản nghe gió vi vu
bờ lau Cửa Việt sóng bủa lớn
nuốt chửng –
 
Thành phố lạ, biển đen không đâu là nhà
tên tuổi lãng quên như râu tóc
bản nháp cuộc đời viết mãi chưa xong.
 
Đêm trổ mưa, đi về như cơn mộng
rượu đỏ máu bầm cũng thế thôi
ngan ngát hoàng lan chờ bên khung cửa.
 
Chua xót viên đạn cũ còn sưng vết thương
tháng ba trở về bờ cát đỏ
tháng ba trôi đi như ngàn sương.
 
Lạ thổ ngơi lạ cả tình
bên kia núi còn nghe đồng vọng
u uất đêm trăng –
 
Chờ ngày hóa thân
cõi lạ vừa nằm xuống đã thấy biển xưa
cát trắng mái nhà nâu hàng dừa.
 
Hãy trôi đi tháng ba.
 
*
 
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
LỜI HẸN CỦA PHÙNG NGUYỄN
(Tưởng niệm nhà văn Phùng Nguyễn, ra đi ngày 17.11.2015)
 
Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến*
Buổi mai cồn cào lời hẹn
Cà phê mắt đen đợi nhau
 
Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến
Một góc bàn. Hai ly cà phê hẹn
Thị trấn giữa đàng. Thảng thốt. Nhịp trần gian
 
Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến
Starbucks bên đường hay cuối đất xa
Giờ cùng trời ngó nhau thăm thẳm
 
Tôi sẽ đến. Tôi nhất định sẽ đến
Người vừa hẹn. Rồi đi ngay cái một
Then vừa cài. Cổng đã khói sương
 
Nghe trái tim đau trổ mùa hoa tuyết
Thôi tháng ngày là ký ức tìm nhau
Người đã đưa. Người đã chờ.
Và Người đã đến
 
Kia. Tiếng cười vừa tan trong câu chào
Tay bắt mặt mừng trời xanh nghiêng nón
Thị trấn giữa đàng. Chuyện kể chiêm bao…
 
11. 2015
 
* Câu văn của Phùng Nguyễn hẹn với
Nguyễn Xuân Hoàng đến cà phê Starbucks
ở Thị Trấn Giữa Đàng.
 
*
 
LÊ NGUYÊN TỊNH
 
BAY ĐI NHƯ MỘT CÁNH CHIM
(Tiễn biệt Họa sĩ Đinh Cường [1939-2016])
 
Không bút không mực tôi viết một câu thơ
lặng lẽ như con đường
không dấu chân của khách hành hương
yên tịnh và vô ưu
như giọt sương tan trên chiếc lá no đầy lục diệp
vô trú xứ như một cánh chim
tôi lao vào bầu trời xanh vô tận
không màu không sắc
tôi vẽ một bức tranh vô hình
chiều kích vô biên của bình minh
 
tôi chết lịm trong thinh lặng, trong lửa
trong thơ, trong sắc màu
như một sự tận hiến thơ mộng
 
NTKM
*Nguồn: Việt Báo online.