Wednesday, February 28, 2018

CON ĐƯỜNG KỲ LẠ

Huyền Chiêu

Đường sách Sài Gòn

Phố sách Hà Nội

               Đường ta ta cứ đi
               Nhà ta ta cứ xây
                                 Phạm Duy

Hai năm nay, ở đất nước khốn khổ của tôi, con đường được nhắc tới nhiều nhất  không phải là những  xa lộ thênh thang, không phải là những cao tốc đắt tiền và tốn tiền vì muốn đi phải đóng phí mà là một con đường cực kỳ nhỏ bé, chỉ dài 144 mét, rộng 8 mét. Đó là đường sách Nguyễn Văn Bình ở quận 1  Sài Gòn.
Thông tin mới nhất từ báo Thể Thao và Văn Hóa cho biết Đường Sách Nguyễn Văn Bình sau 2 năm thành lập đã bán được  1,2 triệu quyển sách , doanh thu 67 tỷ đồng, thu hút hơn 4 triệu lượt khách.
Thật là những con số trong mơ trong tình hình văn hóa đọc sách in đang lụi tàn dưới cơn bão nghe nhìn qua màn hình TV qua internet.
Thành công của đường sách Nguyễn Văn Bình khiến cho người làm trong ngành văn hóa ở Việt Nam lên cơn sốt.
Người ta  cho rằng sự thất bại của ngành xuất bản, sự thờ ơ của độc giả là do bởi không có đường sách.

Hà nội là nơi đầu tiên hào hứng thực hiện một đường sách  theo mô hình đường Sách Nguyễn Văn Bình của Sài Gòn.
Và ngày  1 tháng 5. 2017, một đường sách dài 200 mét thật lộng lẫy sang trọng  được khai trương với thành công vang dội như tít các bài trên báo Kenh14.vn:
Bãi Đổ Xe Ồn à Một Thời “Lột Xác” Thành Phố Sách Đầu Tiên Tuyệt Đẹp Gia Hà Nội.
Cũng  đọc được trênh kenh14.vn, trong bài:
Có Gì Ở Phố Sách Mới Mở Siêu Đẹp Đang Khiến Giới Trẻ “Sốt Xình Xịch” ?
“Phố sách Hà Nội chính thức khai trương vào ngày 1/5 vừa qua đã trở thành một điểm đến check in mới của giới trẻ và là không gian giao lưu giữa những người yêu sách. Tuy chỉ dài gần 200m nhưng con phố vô cùng thoáng đãng, rộng rãi với 16 "căn nhà" riêng của 16 nhà xuất bản được thiết kế, xây dựng hài hoà với cảnh quan trong khu vực.
Tông màu nâu chủ đạo khiến người đến tham quan cảm nhận được sự dễ chịu và gần gũi. Con đường lát đá sạch sẽ, thoáng rộng, và có lẽ sẽ chỉ hơi ùn tắc một chút vào cuối tuần hoặc dịp giảm giá sách khi lượng người đổ về đây quá đông.”

Nhưng ngày vui chẳng bằng gang tay. Chỉ một thời gian ngắn  mọi người đọc được  trên báo  Tuổi Trẻ:
“Phố Sách Hà Nội: Thưa vắng Khách, Các Gian Hàng Kêu Cứu”
Trước tình hình kinh doanh của các gian hàng đang đi xuống, các đơn vị xuất bản cùng kiến nghị đến ban quản lý phố sách Hà Nội, đề nghị thành phố hỗ trợ chi phí chăm sóc cây xanh, thảm cỏ vì đây là cảnh quan chung của thành phố; cắt giảm các lực lượng như vệ sĩ, vệ sinh... để đảm bảo mức thu phí mặt bằng không quá 200.000 đồng/m2. 
Thành phố cần hỗ trợ phố sách hệ thống âm thanh, loa đài và sân khấu tại quảng trường trung tâm để làm tốt hơn công tác truyền thông và tổ chức sự kiện của phố sách. Mùi hôi thối từ cống thoát nước và các hộ dân xả thải sang phố sách cần được khắc phục...
Vậy là Phố Sách Hà Nội lại đang van xin nhà nước bao cấp!!!
Theo tôi,  sự thất bại của Phố sách Hà Nội do bởi Hà Nội chưa hiểu gì về người Sài Gòn. Họ cứ tưởng Đường Sách là…hội chợ sách. Cứ lập ra một dãy tiệm sách , bày biện cho sang trọng, có quán cà phê, giải khát, có cảnh đẹp cho nam thanh nữ tú đến chụp hình tức thì mọi người sẽ ào ào kéo nhau đến mua sách và bao nhiêu sách ế của các nhà xuất bản sẽ nhờ đó tiêu thụ hết giống như thành công của đường sách Nguyễn Văn Bình.
Sau thất bại của đường sách Hà Nội, người ta lý giải rằng Đường Sách nằm ở vị trí không thuận tiện, rằng tại gần Hồ Gươm có nhiều tiệm sách tư nhân bán sách rẻ hơn, rằng ban quản lý ít hiểu biết về văn chương…
Còn với trực giác của tôi đường sách Nguyễn Văn Bình được mọi người tìm đến không phải vì người ta …yêu sách, khao khát đọc sách, dư tiền để mua sách.
Người Sài Gòn thích tìm đến đường sách, hẹn gặp nhau ở Đường Sách vì họ yêu Sài Gòn ngày tháng cũ. Sài Gòn ấy có Nhà Thờ Đức Bà, có Bưu Điện, có vòm lá me bay bay trong nắng sớm,  có tên Nguyễn Văn Bình rất gần gũi, thân quen.
Tác Giả Ngô Thế Vinh có một nhận xét rất tinh tế :
“Đường Sách Nguyễn Văn Bình ngày nay là hình ảnh một mini-đường sách Lê Lợi của hơn 40 năm trước”
 Vậy,  người Sài Gòn vì yêu đường Nguyễn Văn Bình mà đến với Đường Sách chứ không phải vì yêu sách mà đến với đường Nguyễn Văn Bình.
Nếu Đường Sách chiếm một khúc trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hay  đường 2 Tháng Tư thì không chắc  người Sai Gòn tìm đến.
Ngồi ở đường sách Nguyễn Văn Bình nhìn nhà thờ Đức Bà, nhìn Bưu Điện , dưới vòm lá me xanh , chúng ta có thể trong thoáng chốc quên đi những tháng ngày mất mát.

Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã reo bên thềm nhà
Người ngồi im bóng
Lắng nghe tháng ngày qua (*)

HUYN CHIÊU
Tháng 2 2018

(*) Come Back To Sorriento lời Việt Phạm Duy.




TIẾNG HÓT CHIM HỌA MI

nguyễnxuânthiệp

The song of the nightingale

đêm mùa đông
một cơn ác mộng. đánh thức tôi
lúc 2 giờ rưỡi sáng
em. em có chờ tôi. trên ngọn đồi sương tím
sao mãi hoài tôi đợi
mong. gặp lại nhau. một ngày nào
tôi nằm. nghiêng tai. lắng nghe
dường như trong vòm lá. tối. ngoài khung cửa
có mảnh trăng thượng huyền. và tiếng chim họa mi
hót
tiếng chim họa mi
từ thơ. tomas transtromer
trong đêm khuya
cất lên. lảnh lót
không hề run ry hay sợ sệt
tiếng chim họa mi hót
như lời trẻ reo. ngoài nội
ôi. tiếng chim họa mi. đến thăm tôi
ý chừng thấy tôi cô đơn. tuyệt vọng

họa mi ơi

NXT

Monday, February 26, 2018

GIỌNG CA THU VÀNG SÂU LẮNG. TRONG ĐÊM NHẠC ĐẦU XUÂN

Phan Tấn Hải

Ca sĩ Thu Vàng hát

Từ trái: Trúc Chi, Cung Tích Biền, Lê Văn

Từ trái: ca sĩ Thu Vàng (áo dài xanh), họa sĩ Nguyễn Đình Thuần (đứng) và phu nhân (ngồi),
Thân Trọng Mẫn, thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh và phu quân.

Ca sĩ Thu Vàng có tất cả những yếu tố để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, đất nước sụp đổ năm 1975, chưa kịp thời gian để chị bước vào thế giới ánh đèn màu để nổi tiếng. Trong Đêm Nhạc Thu Vàng hôm Thứ Bảy 24/2/2018, giọng ca của chị đã chứng tỏ một sức quyến rũ độc đáo, đã thể hiện tuyệt vời những ca khúc rất khó… Giọng ca của ca sĩ Thu Vàng là một sức mạnh rất riêng.
Trong chương trình đêm nhạc khoảng hai giờ đồng hồ, tôi ngồi nghe, như quên hết tháng ngày đang trôi. Có phải đây là đêm, sao giọng ca chị Thu Vàng như dường chói ngời ánh sáng của một chiều xuân? Có phải đây là ca khúc Bến Xuân của Văn Cao, sao nghe như nửa đêm có tiếng chim hót lảnh lót trong giọng ca của chị Thu Vàng? Có phải đây là sân khấu đài truyền hình 57.3 với ánh đèn màu, sao thấy như chen cánh bay vào có một đàn chim trắng vỗ cánh giữa màu nắng của ngõ vàng quỳ.
Và tuyệt vời là khi nghe giọng ca Thu Vàng trong ca khúc Bông Hồng Cho Mẹ, thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc Võ Tá Hân --  tôi ước mơ rằng phải chi tôi lùi được trở lại thời rất thơ ấu, còn nép bên chiếc bóng của mẹ… Tôi nhìn quanh mình, tự nhủ, lẽ ra phải có người nhớ mẹ mà khóc chứ… Sao lại có trên cõi này thơ nào hay như thế, nhạc nào hay như thế, và giọng ca nào hay như thế nhỉ.
Trong Đêm Nhạc Thu Vàng, nhà văn Cung Tích Biền đã phát biểu suy nghĩ của ông, rằng ông đã nghe Thu Vàng hát hai thập niên trước, trong sinh hoạt của giới nghệ sĩ Sài Gòn, lúc đó giọng ca của chị có yếu tố ngọt ngào, được bạn bè yêu mến, và thời gian trôi qua làm giọng ca Thu Vàng giảm yếu tố thiên phú – hai mươi năm trước là hát để nghe, bây giờ hát để cảm, từ ca sĩ tới người nghe đều cảm…
Nhà văn Trúc Chi được mời lên góp ý, nói rằng ông tới đây là vì cảm mến giọng ca Thu Vàng, vì thích không khí nhạc thính phòng. Nhà văn Trúc Chi nói, ông nghe Thu Vàng lần đầu là ở nhà em của ca sĩ Hà Thanh, nghe là cảm, và rằng  ông đã từng nghe ca khúc Thiên Thai của Văn Cao từ thập niên 1940s và bây giờ nghe lại qua giọng ca Thu Vàng như thấy một suối trần gian trôi chảy.
Đêm Nhạc Thu Vàng đã tổ chức hôm Chủ Nhật 24/2/2018 tại đài Vietnam America Television 57.3, địa chỉ ở 13871 Newhope St., Garden Grove, CA 92843, với sự góp mặt của nghệ sĩ Dương Cầm Mỹ Linh, nghệ sĩ Tây Ban Cầm Phương Thảo, MC Ngọc Diệp…
Tham dự có nhà thơ Trịnh Y Thư, anh chị thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh, anh chị nhà văn Cung Tích Biền, nhà văn Trúc Chi, anh chị họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, thi sĩ Thành Tôn, Quốc Khiêm, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Trí…
 Trong chương trình, ca sĩ Thu Vàng đã trình diễn một số ca khúc  như Xuân và Tuổi Trẻ  (Lời:  Thế Lữ; Nhạc: La Hối), Thiên Thai  (Văn Cao), Mũi Né (Thơ: Đỗ Hồng Ngọc; Nhạc: Hoàng Quốc Bảo), Kỷ Niệm Phạm Duy), Nhớ Một Chiều Xuân (Nguyễn Văn Đông), Ngõ Vàng Quỳ (Đỗ Thất Kinh), Bến Xuân (Lời:  Phạm Duy; Nhạc: Văn Cao), Tâm Sự Gửi Về Đâu (Thơ: Lê Minh Ngọc, Nhạc: Phạm Duy)…

Ca sĩ Thu Vàng hát Bông Hồng Cho Mẹ
(thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc Võ Tá Hân),với đích thân Võ Tá Hân đệm đàn.
Một ca khúc cuối chương trình, cũng là bất ngờ, ca sĩ Thu Vàng hát bản Bông Hồng Cho Mẹ. Ca khúc này do Võ Tá Hân phổ từ thơ của Đỗ Hồng Ngọc, chỉ có 4 câu ngắn, nguyên khởi được nhà thơ họ Đỗ giải thích là:
“Bài thơ nhỏ của mình viết ngày Giỗ Mẹ đầu tiên năm 2012, cũng là ngày Vu Lan, chỉ có 4 câu ngắn ngủn:
Con cài bông hoa trắng
Dành cho Mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…”
Ca sĩ Thu Vàng hôm Thứ Bảy 24/2/2018 đã mời đích thân nhạc sĩ Võ Tá Hân lên ngồi đàn đệm cho chị hát.
Tôi đã ngồi nghe sửng sờ. Như dường trong không gian phòng thu hình của đài 57.3 có ánh nắng bên kia sông. Phải chi, mẹ mình còn sống… Có biết bao nhiêu điều “phải chi” trong đời này. Giọng ca của ca sĩ Thu Vàng như dường mang theo tiếng khóc thương mẹ của biết bao nhiêu người trần gian.
Độc giả có thể nghe ca khúc này qua YouTube:
Tôi đã nghe, đã xúc động, và nơi đây xin trân trọng cảm ơn tất cả các nghệ sĩ trên đời này, những người đã chạm sâu vào tận đáy cảm xúc của cõi người.
Và đặc biệt, nhạc sĩ Võ Tá Hân đã mời ca sĩ Thu Vàng hát trong  buổi Hát Với Cây Đàn Guitar vào Thứ sáu ​2 tháng ​3/201​8​​ lúc 8 giờ tối tại
Viện Việt Học
15355 Brookhurst St #222,
Westminster, CA 92683.

PHAN TẤN HẢI:

K I Ế M G I Ó. I C H I

Hoàng Xuân Sơn

Kiếm gió

Hoàng Ngọc-Tuấn ngồi đàn
       “ hoa mận đã nở
       đào chưa đơm bông ”

gởi tặng hoàng ngọc-tuấn

tiếng đàn khô.  trầm
nói nhát gừng như thịnh nộ vào hư không
hấp háy mắt nếm
hương trà
và hơi kiếm.  rợn

điđi.  gió lùa thân đi
vông mộc lộp cộp trên đường
chéo quai hàn thủy
gõ gõ gõ
trống.  phách
khi xưa còn bé trái tim non
bài ca học thuộc lòng mẹ bảo
giang hồ như một bãi phân trâu
coi chừng dẫm phải
hoa thài lài

[ lá rơi không hận gió ]
chuột rút chân vòng kiền
xâm một ngọn ứa rịn
màu đỏ
đừng mang huyết thống trở lại
tai ương nơi bọn người lĩnh xướng
màu đỏ
xin cung cách núi rừng hương sắc cây trái chín ửng
bụi gai vẫn nằm mêmê một góc
như ký tự
thời gian.  trôi

lũ ăn mày niệm kinh râm ran
tiếng ống tre nghe nước chảy
vẫn đàn khô.  róc.  chình chùng
tóc mai chải dài xuống hom bát
quấn phục thân cổ
phà nóng thở mờ ngân kính
nhắm tịt mắt
thiên lôi trên đầu
chỏm.  mai sau
14 dec. 2012


Ichi

Poster phim Ichi

xem zatoichi

ngọn gió săn đuổi
kẻ lang thang tới giờ tận tử
trên đồi mưa

rỏ xuống
máu
rơi xuống rơi xuống
rơi
vực kiếm mù
miền đất liên thủ
lá cỏ mực bầm ngộ sát
vết thương tươi
bàn tay thầm huyết nhục
chống đỡ hoàng hôn thép
không có ai
một mình
không có ai khóc mình
gió sát thủ
không oán cành rơi
bông súng dẫn đường
về miền cô đơn cố cựu

HOÀNG XUÂN SƠN
17.8.17

Sunday, February 25, 2018

TẾT TỚI, TỚI TẾT

Hồ Đình Nghiêm

Quân bài tới

Ba ngày Tết cổ tích, mình ưa bu theo Mạ đi chơi bài tới, bài chòi. Quyến rũ hơn ngồi xích lô níu tay Mạ nghe hô: Đạp xe ra ngã giữa để bói tuồng hát bội ở rạp Đồng Xuân Lâu. Mình chẳng thích mấy ôn mụ bôi mặt kẽ mày xiêm y rối rắm, đầu năm nhỡ gặp một nhân vật diện mạo đen như lọ nồi vừa bước ra khỏi cánh gà thì coi như cả năm coi bộ không ra chi, chẳng có ánh sáng cuối đường hầm. Giải trí mà lòng canh cánh nỗi hồi hộp, tim đập như đánh trống chầu chi bằng ở nhà run tay châm lửa vào dãy pháo hồng chờ nghe râm ran tiếng nổ dòn còn đã hơn.

Mình nhớ không lầm bộ bài tới gồm ba mươi (30) lá, hay con. Mỗi con mang một tên gọi lạ lùng đi cùng mộc bản khắc hoạ đầy ấn tượng, in lem nhem. Vừa thủ công, vừa dân gian, vừa đơn sơ, vừa nhỏ nhắn. Những thứ “vừa” ấy lại bao trùm được chất nghệ thuật đầy tính sáng tạo, con bài đẹp một cách sững sờ. Chưa kể là được leo vào ngồi trong cái chòi ấm cúng, nghe người nào đó xướng tên. Rõ là thi phú rất có ích cho buổi đó. Ngẩn ngơ, sướng cái lỗ tai:

Mình vàng bận áo mã tiên
Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một mình (đó là con Gà).

Trên tay ai nắm giữ con gà thì vất ra. Thưa dần, lỏng lẻo cho đến con cuối thì… tới. Cờ bạc môn tứ sắc kêu bằng: Hết rác!

Năng cường, năng nhược
Năng khuất, năng sanh
Nó thiệt cục gân
Ngồi gần con gái
Trân trân chẳng xìu (là con Nọc Đượng).

Đi đâu ôm tráp đi hoài
Cử nhân không thấy tú tài cũng không (là con Học Trò).

Ngang đây thì nghe giọng Mạ rót bên tai: Bữa mô lớn con đừng có ôm tráp đi hoài, nghe chưa?

Bến Than trồng khoai lang to củ
Đất Thừa Phủ trồng thù đủ tốt cây
Mấy lâu nay ơn tượng nghĩa dày
Anh dang tay mở dây lưng rút
Mà em cứ hẹn chày hẹn mai (là con Bạch Tuyết).

Ủa, té ra nàng Bạch Tuyết cũng khó tính dữ hè, trong bộ bài tới không thấy mặt bảy chú lùn. Mà in tuồng cũng khiếm diện thi nhân. Trò chơi này coi bộ tao nhã quá, mỗi con bài được nghệ nhân khắc hoạ bằng nét vẽ tối giản đã đành, lại gia công ngâm nga ca kệ khi xuất quân, lời mộc mạc nhưng chứa lắm hình ảnh đáng yêu. Không biết họ có nhờ vả chi tới Ưng Bình Thúc Giạ?

Mời chị mời anh chén bánh canh Nam Phổ
Xơi vô khoẻ cổ có chút bợ có mùi hương
Lại thêm mát mẻ can trường
Sâm Cao Ly cũng sút rượu Quỳnh Tương không bì.

Tuy bình tài, chẳng ăn chẳng thua nhưng cũng đến lúc Mạ rút. Chừ mình ra cửa Đông Ba kéo ghế, lâu hung rồi hai mạ con mình chưa thưởng thức lại món bánh khoái. Ui chào, sinh ra ta là cha mẹ ta, mà người hiểu ta cũng chính là mẹ hiền vậy!

Bánh khoái Đông Ba bún bò Gia Hội
Cơm Hến bên Cồn quen lối tìm nhau.

Mạ à, tại vì răng người mình hở một chút là vần điệu là thơ thẩn kiểu nớ? Hết cái để thắc mắc rồi hay răng? Tú tài không, cử nhân không, thì tha hồ mà tức cảnh sinh tình. Đừng nói chi xa xôi, mạ cũng thuộc lắm bài hò ru em với ca dao đầy mình.

Mạ già mạ nỏ có chi
Thương con thì lại bù chì cho con.

Lớn tuổi thì rứa chớ còn son trẻ thì ri:

Trái bòn bon trong tròn ngoài méo
Trái thầu đâu trong héo ngoài tươi
Em thương anh ít nói ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng.

Mình quen nghe chữ “cá đớp mồi”, rứa mà ở Huế có khi coi người như cá. Hai mạ con đớp bánh khoái no bụng mới thủng thẳng về nhà. Tết nhất mà, cho mạ mình bớt lu bu đôi ba hôm xa ông Táo thôi bắt tay bà hoả, cứ bạ mô ăn nấy, cơm hàng cháo chợ và cờ bạc mà không bác thằng bần. Chơi cho vui rứa thôi, có thể dùng món giải trí ấy để thử xem vận đầu năm, rộn ràng hơn đốt trầm hương mà giở truyện Kiều ra bói. Vì dịp tết nên ai cũng thảnh thơi, không gò bó lệ thuộc vào giờ giấc. Có đi đò lên chùa xa hái lộc cũng vô chừng vô đỗi, thế mới sinh ra phân bua:

Đò răng đò lại khôn đưa?
Bởi eng đi sớm về trưa khôn chừng.

Đi bộ, dùng xe xích lô, sang sông bằng đò. Phương tiện thay đổi theo tháng ngày, càng lúc càng xa rời tuổi thơ. Lớn hơn, cao ngồng gần bằng Mạ lại cùng nhau đi tàu lửa, leo xe đò rù rì vượt đèo xuôi Nam. Đi như cách làm nháp trong khi chờ đủ lông đủ cánh. Con chim rồi sẽ tự bay, lẻ loi. Bay xa cho đến lúc Mạ phương cũ đã qua đời. Thôi còn nhớ ca dao, quên hò ru em để bần thần với Bùi Giáng:

Đường vui con bước hao mòn
Trăng thân mẫu rộng bóng tròn xuống vai.

Tết. Người ta thường ngó lui ngày cũ, hoài niệm đó có kẻ gọi là ôn cố tri tân. Họ luôn vay mượn hình ảnh hoa mai, rượu nồng, pháo nổ hoặc vọng tưởng về bóng dáng một người tình xưa. Riêng mình chỉ nhớ Mạ, nhớ hình tượng đầy trắc ẩn ám trên những con bài tới. Mình thử ngồi xóc xáo lại bộ bài “kỷ niệm” đó, xem bạn có còn nhớ ra mặt dọc mặt ngang.

Trò. Ngủ trưa. Gối. Hương. Liễu
Thầy. Mỏ. Dọn. Đấu. Ông Ầm
Trường Hai. Xe. Bồng. Bạch Tuyết
Nọc Đượng. Gióng. Giày. Trường Ba
Rún. Thái Tử. Quăng. Sáu Hột
Voi. Gà. Nghèo. Sưa. Tám Giây.

Còn thiếu ba con nhưng xếp chung không thành thơ (hậu hiện đại?).
Bài thơ vụng dại y như lòng mình chẳng được trẻ lại.
Nhớ ngày xưa biết bao điều để lải nhải.
Đành bắt chước cổ nhân: Thư bất tận ngôn.

Mồng Chín Tết Mậu Tuất, tuyết rơi đầy.

Hình lấy từ internet và có vay mượn chút tư liệu của anh Trần Ngọc Bảo.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

Saturday, February 24, 2018

TRỊNH Y THƯ, NỖI HOANG MANG CỦA GÃ ÔM ĐÀN

Nguyễn Đức Tùng 

Tác phẩm Trịnh Y Thư

Trịnh Y Thư quan tâm đến sự chính xác, tiết kiệm chữ, nhưng anh cũng để cho khả năng nhạy cảm với mặt trái của xã hội, sự tra tấn, nỗi đau khổ làm bùng vỡ ngôn ngữ. Anh ý thức về sự hữu hạn của kiếp người, thứ sự thật tương đối, về cái chết, mặt tối đen của số phận, các ảo tưởng. Trịnh Y Thư thuộc những nhà thơ hiện đại, tiến rất xa tới gần các biên giới, trở thành một người lạ, đôi khi.

Gió tây bắc hốt hoảng bữa cơm chiều đạm bạc
như một kẻ dại khờ tìm ánh lửa khoan dung
làn tóc rối che giấu
niềm cảm thông vội vã
rồi vụng trộm khép lại
ước vọng thuở đầu đời
(Phế tích của ảo ảnh [4])

Có những bài thơ của anh như lời độc thoại, như một người đứng trên sân khấu nhưng quay lưng lại với khán giả, tự nói với mình, nhắc đến những kỷ niệm và những ấn tượng mà chỉ mình hiểu được. Khi đó bài thơ của anh đóng kín, sự cảm thông giữa người đọc và tác giả bị tối thiểu hóa. Tuy nhiên, giữa những độc thoại như thế, với cảm giác cô quạnh, giận dữ làm ta ngạc nhiên:

That stupid duplicitous body
I just want to throw away

Cái thân thể trắc nết ngu xuẩn này
Tôi muốn vứt cho xong1

Là sự giải thích dịu dàng của anh:

But listen. I also hear the pipes clanking
Nhưng nghe này. Tôi còn nghe tiếng ống sắt rổn rảng1
(Song of The Night)

Như mở một cánh cửa, bạn tưởng đã hoàn toàn đóng kín.

Sự chuyển hóa tâm linh trong thơ Trịnh Y Thư là sự thay đổi của những tình huống bên ngoài, nội tâm hóa chúng. Cảnh vật trong thơ anh không còn là sông núi, phố phường, hàng xóm nhưng chính là chiều sâu của tâm thức, là tâm cảnh. Giọng điệu trong thơ là một thứ giao hòa giữa thế giới riêng tư, bí ẩn và thế giới công cộng, bên ngoài, xã hội.

Họ là ai tôi tự hỏi
những bản văn tự không ấn dấu
xung quanh một bến nước
có tiếng hát phù trầm
quay quắt một đêm mưa
hàng cau đánh sập sân từ đường
vỡ vụn những viên gạch
khép nép nghìn thu.
(Phế tích của ảo ảnh [3])

Đôi khi không phải anh trở lại căn nhà cũ, mà chính tình yêu cũ trở về với anh, trong giấc mộng, bên kia tường, trên chiếc bàn đầu giường, dưới ngọn đèn. Những hình ảnh phát ra tiếng nói của chúng, mạnh mẽ đến nỗi những bày tỏ của anh chính là tự biểu hiện của sự vật, những dàn xếp hóa ra là ngẫu hứng, hiện thực chẳng qua là phản chiếu của chính nó.

Nơi tôi đứng chiều nay
những mái nhà nâu
những chiếc cầu lung linh bóng nước
sẽ tan biến cả và còn lại
chỉ là phế tích của ảo ảnh – rớt rơi
(Phế tích của ảo ảnh [1])

Trịnh Y Thư nói về ảnh hưởng của quá khứ lên hiện thực hôm nay. Anh hoài niệm nhưng không dừng lại ở đó, như một người vừa ra khỏi căn nhà cũ, ngước nhìn bầu trời, lắng nghe tiếng động của cuộc sống, ghi nhớ với một cảm quan sắc bén bất ngờ của người từ xa tới. Mọi vật trở nên sắc sảo, đường nét đậm hơn, mùi vị trở nên mạnh mẽ hơn đối với một người như thế. Đó là sự chú ý vượt ra ngoài ngôn ngữ. Trịnh Y Thư giống nhiều nhà thơ thuộc thế hệ của anh, một nửa Việt Nam, một nửa đời sống xứ người, đôi khi họ tự gọi mình là kẻ lưu vong.

Thốt nhiên tôi quay về hướng mặt trời
một ngày thoát thân – xác quạ lót đường đi
những đám mây tích vô tích sự
(Phế tích của ảo ảnh [2])

Anh tái hiện năng lượng của các chi tiết đời sống, sự cô đơn, lòng thương tiếc, hối hận, những sai lầm. Thơ tự do của anh có nhạc tính. Có lẽ vì anh là người chơi nhạc. Và mặc dù không hay xuất hiện trước công chúng, Trịnh Y Thư đã dùng một ngôn ngữ có yếu tố giao tiếp, đối thoại.

Cơn gió mùa hè thổi qua thành phố
Vắng bóng những đôi tình nhân
(Cơn gió mùa hè)

hoặc:

Tôi là người về từ đại dương trầm tích
(Phế tích của ảo ảnh [10])

Tính phức tạp và đa giá trị của thơ đương đại muốn người đọc không ngừng thiết lập và thiết lập trở lại mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa hiện tại và quá khứ. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, lịch sử bạo động, những dối trá và giết người, thơ ca có thể làm được điều gì? Không nhiều lắm.

Tập thơ Phế tích của ảo ảnh gồm nhiều bài Trịnh Y Thư viết trong những khoảng thời gian khác nhau, nhan đề là tên của phần đầu tiên của tập thơ gồm ba phần: Phế tích của ảo ảnh; Trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau; Con nước vô danh2. Có những bài thơ dài, những bài lục bát, thể haiku, thơ có vần và thơ tự do, thơ năm chữ và thơ Tân Hình thức, như vậy trong một cuốn sách khoảng một trăm năm mươi trang, người đọc có thể nhìn thấy gần như tất cả những thể thơ Việt phổ biến trong mấy chục năm nay.

Bao nhiêu năm ở nơi đây
tôi yêu bóng tối phủ đầy quanh tôi
(Con nước vô danh [8])

Trịnh Y Thư cũng có những câu thơ cũ, rõ ràng chịu ảnh hưởng của người khác:

hồn ai rụng giữa giang hà
tình xanh quyến niệm trên tà áo mơ
(Con nước vô danh [26])

Tuy nhiên bài thơ của anh thường có khả năng vượt qua sự lẫn lộn giữa một bên là các yếu tố lịch sử, bằng chứng, và một bên là ký ức, trí tưởng tượng. Công chúng đọc thơ ngày càng nhỏ lại nhưng không chịu biến mất. Sự sống sót của họ, công chúng đọc thơ, là sự sống sót của tác giả, của tâm hồn nhân loại. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ an ủi chúng ta.

Tôi trở về đây vòng quay của đất trời tê tái
thăm hỏi những con người bị lãng quên
nằm chen chúc
dưới đám ruộng
chiêm trũng
lúc giao mùa phất phơ.
(Phế tích của ảo ảnh [3])

Herbert Marcuse từng viết rằng, sau thảm kịch Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là có tội. Thảm kịch Auschwitz của dân tộc Việt Nam đã đến từ lâu, không phải ai cũng đều nhận ra.

Tôi vừa chia tay một linh hồn
tôi vừa gieo vào một đôi mắt
tôi vừa ôm ấp một mái đầu
tôi vừa giẫm nát một con sâu
tôi vừa dụi mắt giấc mơ nào
(Những phiến lá từ tâm)

Có những giây phút chuyển hóa siêu việt, khi anh đi tìm sự mới mẻ, tìm một tương lai khác và do đó một hoài niệm kiểu khác. Sự giao cảm, đồng cảm của tác giả với người đọc qua những thời gian khó khăn, đã đồng hóa tác giả với số phận của những nhân vật. Tâm lý học của một cộng đồng hay một dân tộc có lẽ chi phối tâm lý một cá nhân ở mức sâu xa đến nỗi trong một số trường hợp chúng chỉ là một.

Tôi nhìn thấy gì trong đôi mắt lá răm
ở nơi có ánh chiều tháng Chạp
và những quả ổi mơn mởn xanh
rầu rầu liếp mía
con giẻ cùi phụ họa
lời ru mái nhà nâu hiu hắt à ơi.
(Phế tích của ảo ảnh [4])

Liệu các nhà thơ có trách nhiệm gì đối với xã hội hay không? Thật khó trả lời. Tôi nghĩ nhà thơ chỉ có trách nhiệm trong chừng mực mà đề tài của một bài thơ cụ thể hướng về các vấn đề xã hội, chính trị hay luân lý. Ngoài ra, anh ta là một kẻ hát rong, một người đi lang thang trên đường, một người viết không thuộc vào một hệ tư tưởng nào, không phục vụ cho một thể chế nào. Việc nhà thơ bầu cho một chính khách hay chính thể trong đời thực không can hệ gì đến tiếng nói của nhà thơ ấy trong tác phẩm. Chính nhờ thế mà văn chương trở nên nhẹ nhõm, và sự an ủi là cái nhìn trong sáng đối với sự thật.

Bóng ma quá khứ không làm cô sợ hãi
miểng bom cắm trên hương thờ trở thành linh thiêng
(Phế tích của ảo ảnh [4])

Nơi Trịnh Y Thư, thơ ca đến gần sự kết hợp giữa Tây phương và Đông phương. Anh ít nói về mình, thường không tự bày tỏ, dưới một vẻ ngoài xông xáo là một tâm hồn nhạy cảm, có lúc yếu đuối, có khi mặc cảm, bên dưới sự kiềm chế, một hình thức gần như kỷ luật tinh thần là sự sôi nổi phóng khoáng, mặc dù không hoàn toàn hoang dại. Bên cạnh một cố gắng kết nối với dĩ vãng và truyền thống là tâm thức chia lìa, tự tách rời của một người ngày càng đi xa nguồn cội, không hẳn là hạnh phúc nhưng tự bằng lòng với chọn lựa của mình. Tham vọng của thơ trữ tình là chinh phục tâm hồn của người khác và, do đó, lịch sử kiến tạo nên họ. Trịnh Y Thư không viết về chính trị nhưng sự bày tỏ của anh đều có thể đưa đến những diễn dịch, xa hay gần. Hoài niệm chỉ là hình thức khổ đau mới, câu nói của Charles Baudelaire, mà Trịnh Y Thư ghi trong phần dẫn đề, nói đúng tâm trạng của người đọc và người viết hôm nay, xa xứ hay lưu vong trên chính đất nước mình.

Trăm lần như một tôi không có chọn lựa nào
(Phế tích của ảo ảnh [2])

Trịnh Y Thư viết ít, các bài thơ không dài lắm, nhưng anh không phải là người quá gọt giũa câu văn. Sự phát triển hay sự trương nở, tôi thiết nghĩ, trong một số trường hợp mang lại nhiều ích lợi hơn cho văn chương. Ở những người viết có tài năng, sự phóng túng, sự buông lỏng mang lại niềm vui thú khó sánh được.

Người con lịch sử khuôn mặt ngươi ở đâu
sau tấm biển quảng cáo nịt vú đàn bà
hay bên kia rừng trảng thâm u
bên dưới những nấm mồ oan khốc
(Phế tích của ảo ảnh [2])

Đó là một bài thơ xuất sắc: nó có thể thở được. Nó chứa đựng trong đó những số phận, những bi kịch, quang cảnh của một đất nước, của một tâm trạng. Hơn thế nữa nó mang lại nhịp điệu, như một làn sóng nước liên tục có thể đi qua những nhát cắt, trong quá khứ, đổ máu, hay trong hiện tại, hệ ý thức. Tôi tin là người nào có dịp đọc thơ Trịnh Y Thư sẽ yêu mến anh hơn, như một nhà thơ, như một người cùng chia sẻ các số phận; và đằng sau vẻ ngoài lặng lẽ và tiết chế, là một tâm hồn nồng nhiệt và sự phán xét trong sáng.

Nguyễn Đức Tùng
(Viết sau mấy ngày nằm bệnh, 2/2018)


Chú thích:
1 Bắc Phong dịch từ nguyên tác tiếng Anh.
2 Phế tích của ảo ảnh, NXB Văn Học, 2017, 149 trang có đánh số, tranh bìa: Nguyễn Đình Thuần; kí họa chân dung và thiết kế bìa: Ái Lan; phụ bản: Thái Tuấn, Đinh Cường, Nguyên Khai, Hoàng Xuân Sơn.