Wednesday, February 21, 2018

NỤ CƯỜI AN NHIÊN CỦA BẠN

Lữ Kiều

Tĩnh vật. Thân Trọng Minh

            Tôi đến thăm chị Bùi Ấu Lăng vào buổi sáng. Chị bệnh, đang nằm thiêm thiếp, cố gắng nhỏm dậy khi tôi bước vào. Chúng tôi là đôi bạn nửa thế kỷ, đủ thân tình để ngồi lại với nhau trong những phút khó khăn này.
            Tôi nói với chị rằng, chịu đựng thân xác mình cũng mỏi mệt lắm, nhưng thôi, phải thương lấy nó vì thân xác chung thủy với ta cho đến phút cuối đời.
            Chị cười, nụ cười An Nhiên Tự Tại của một người đã chiêm nghiệm giới hạn của sống – chết.Bởi chị đã qua đau khổ nên hiểu hạnh phúc. Đã thấm thía tình đời nên hiểu giá trị sự sống. Trong đó có những ràng buộc với người thân, mà vì họ, đôi khi ta phải quên đi thân mình, nhưng cùng vì họ, phải giữ lấy xác phàm hư hoại, đứng dậy sau mỗi lần ngã xuống, với một nụ cười. Nụ cười cho mọi người, nhưng nước mắt cho riêng mình.
            Chị đã chiến đấu với căn bệnh trầm kha trên mười năm, 10 năm với người bệnh dài vô tận so với người không bệnh. Là thầy thuốc, là con bệnh, là người bạn, tôi chia xẻ với chị điều ấy, về cuộc sống triển hạn, cho dù tôi biết rằng chúng ta không thể gánh dùm nhau nỗi đau, nhưng làm nhẹ đi một ít, một chút thôi, thì biết đâu, có thể …
            Trong ánh sáng mờ đục của căn phòng chị đang nằm, tôi thấy mọi chuyện mù mờ hư ảo như quá khứ…như trí nhớ…
            Tôi nhắc đến một thời tuổi trẻ, ngôi trường cũ, những người bạn còn, mất, ở gần hoặc ở xa. Đôi mắt chị sáng lên, như thể sống lại những ngày vui cũ.
            Đó là những năm tháng đầu thập niên 60, chị là chị Cả trường Đồng Khánh bước chân vào lớp đệ nhất văn chương trường Quốc Học. Chị Cả có nghĩa là người nhận phần thưởng danh dự toàn trường (điều chị đã ghi trong tiểu sử của mình, để thấy chị trân quý phần thưởng năm đệ nhị C 1959-1960 của trường Đồng Khánh). Chị nhớ đến những ngày học tập và văn nghệ, những buổi thuyết trình hằng tháng cho toàn trường tham dự mà chị là người khởi đầu với bài nói chuyện “Du xuân qua các miền Đất Nước”. Chị kể về ban Thi Ca Học Sinh của đài phát thanh Huế mà anh bạn Trần Ngọc Thao làm trưởng ban, chị làm phó ban, có Huỳnh Văn Uyên thổi sáo. Trần Ngọc Thao sau này là nhà văn Cung Tích Biền.
            Tôi nói về cuốn biên khảo “Hoa Tiên: một tình yêu đích thực” vừa in xong, thơm mùi giấy mới vừa đem từ nhà xuất bản về, chị trân trọng kí tặng bản đầu tiên cho tôi. Đó là cuốn luận văn cao học văn chương của chị, trình bày năm 1974 tại viện đại học Đà Lạt trước ban giám khảo gồm có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, học giả Giản Chi và giáo sư Lê Hữu Mục, là những tác giả hàng đầu của văn học miền Nam, mà tên tuổi của họ bảo đảm cho chất lượng  luận văn của chị.
            Không phải chỉ là một luận văn, mà là một công trình nghiên cứ nghiêm túc của thầy và trò, là tình yêu với áng cổ văn xuất chúng bị quên lãng vì người, vì đời, vì thời gian…
            Đã 35 năm, bản thảo cuốn sách nằm đáy tủ. Hình như cả thời thanh xuân Bùi Ấu Lăng gắn liền với chữ nghĩa tác phẩm Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, lúc còn đi học, lúc làm sinh viên sư phạm Việt văn, lúc đi dạy ở trường Bùi Thị Xuân Đà lạt và cuối cùng là luận văn cao học cũng về tác phẩm ấy. Chị cười. Chị kể về những ngày mưa gió Đà lạt, tìm vô Chi Lăng để gặp cụ Giản Chi, để phiên âm từng dòng thơ Hoa Tiên, bàn bạc từng cách đọc các dị bản…
            Tôi nói với chị rằng giờ đây số người biết đến Hoa Tiên không nhiều, nhất là về người nhuận sắc Hoa Tiên là Nguyễn Thiện, một tác giả cùng quê và có bà con với Nguyễn Du, đối tượng nghiên cứu của luận văn. Tôi nói về công phu phiên âm và tổng kết những dị bản của tác phẩm. Và nhất là chị đã chỉ ra hơi thơ Truyện Kiều trong bản Hoa Tiêu nhuận sắc…Chị nói, ừ, thì theo Thầy khó lắm nhưng mình học được rất nhiều, từ kiến thức đến nhân cách. Những ngày ấy, chị mới 32 tuổi.
            Giờ đây sau 35 năm, chị cho in lại, giới thiệu lại một tác phẩm bị quên lãng, như trả nợ cho tiền nhân. Sách giữ nguyên chữ nghĩa 35 năm trước, không đổi một chữ. Chị cười, nụ cười an lạc, càng an lạc khi hơn trong chữ nghĩa, vì chữ nghĩa không có tuổi, còn chúng tôi thì mang nặng gánh thời gian…
            Buổi sáng trong căn phòng mờ ảo, chúng tôi nhắc đến những mối tình học trò tan vỡ và bền chặt. Tôi ngồi, nghe chị nói lòng nhẹ nhàng nghĩ về những điều không nói được giữa hai người, nhưng vẫn chia xẻ được bằng im lặng. Tôi nghĩ đến những tế bào ung thư đâu đó trong chúng ta. Có Hoại mới có Diệt. Đơn giản thôi, cớ sao lòng ta sắt se làm vậy!
            Tôi nói với chị, nỗi đau như ly rượu đắng, đôi khi ta thử nghiêng ly chia bớt cho người. Mắt chị long lanh. Có thể vì hàng nước mắt sắp rơi, nhưng cũng có thể vì một nụ cười sắp hé lộ.
            Tôi gỡ miếng thuốc dán trên bụng chị. Đó là miếng dán có tên DUROGESIC, loại thuốc giảm đau cực mạnh của nền y học hiện đại.
            Tôi nói: Bạn hãy cố gắng ngủ đi, quên đi, quên cơn đau, quên mình, quên người. Thực ra, quên cũng là một đức tính.
LỮ KIỀU
1.2010

1 comment: