Thursday, July 21, 2022

KHÁNH MINH ‘CÒN CHÚT ĐỂ DÀNH’

Đỗ Hồng Ngọc

Khánh Minh và Phạm Thiên Thư. 2009
 
  Nguyễn thị Khánh Minh làm thơ rất sớm. 11 tuổi đã có thơ đăng báo nhi đồng, 15-16 tuổi làm thơ tình và 20 tuổi đã có những tập thơ đầu tay là Tặng Phẩm và Trăm Năm… và theo Khánh Minh nói, “nếu không có sự thúc đẩy của Nữ sĩ Tuệ Mai và nhà thơ Phạm Thiên Thư, thì chắc KM không mạnh dạn với thơ như thế”.                      
  Sanh ở Hà Nội, vài tháng tuổi đã về Nha Trang quê Nội và sau đó, về Saigòn với trường Luật, rồi bây giờ Los Angeles.
  Thơ đã xuất bản: Tặng Phẩm, 1991 Trăm Năm, 1991, Tơ Tóc Cũng Buồn, 1997, Đêm Hoa, 1999, Những Buổi Sáng, 2002, Bùa Hương, 2009, Hoa Mùa Cổ Tích, 2012, Ký Ức Của Bóng, 2013, Tản Văn Thi, 2018, Ngôn Ngữ Xanh, 2019, Đêm, 2021.
  Văn đã xuất bản: Bóng Bay Gió Ơi, Tản Văn, 2015, Lang Thang Nghìn Dặm, Tản văn, 2017, Còn Chút Để Dành, (“đọc” Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê) 2022, in tại Sài Gòn, lưu hành trong vòng thân hữu.
 
  Khánh Minh nói về thơ của mình:
  “Không theo một công thức nào khi viết, chỉ viết theo cảm xúc. Cảm xúc là điều đầu tiên quyết định nó phải được biểu lộ như thế nào. Nếu những cảm xúc đã tạo cho thơ tôi một dáng vẻ nào đó thì nó cũng nằm ngoài ý thức của tôi”. (Saigonline.com).
  Trên gio.o.com, trong bài phòng vấn của Lê Thị Huệ, Khánh Minh cho biết: Tôi vẫn luôn luôn viết từ cảm xúc tức thời của mình, về những điều tôi chợt thấy, hay về những điều ám ảnh và trở đi trở lại trong ý nghĩ mình, và tôi thường diễn đạt theo một thi pháp trong sáng nhất, trong sáng với nghĩa dễ hiểu, không nhiều ẩn dụ. Tôi mong là người đọc thơ tôi cảm được cái Thơ của nó không qua suy nghĩ. Một cái hiểu và cảm tức thì.
 Một ý thơ bật trong một khoảnh khắc cảm hứng nào đó, lập tức, nhạc lấp lánh trên chữ. Ý, Nhạc, Chữ, cả ba hầu như cùng lúc, theo cảm xúc mà hòa quyện một cách rất tự nhiên, đó là điều kỳ diệu của phút giây làm Thơ như tôi đã nói ở trên, đó là lúc tôi thấy mình rất là hiện hữu. Phải chăng, âm trong mỗi con chữ chính là hồn cốt của chữ? Và khi các chữ được gắn bó với nhau một cách như là “hòa âm” thì tạo nên Thơ hay, dù theo thi pháp nào đi nữa. Đầu óc hàn lâm sẽ giết chết thơ, nhưng cái “lý sự” của nhà thơ thì khác, nó là một thứ trực-giác-hồn-nhiên (tôi mượn chữ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ) -“thấy” ngay lập tức- đó là cái gạch nối giữa Nhà Thơ và người đọc, có được điều ấy từ người đọc thì sẽ có nhiều thiện duyên cảm ứng với nhà thơ.
 Ngoài những việc làm để duy trì cuộc sống, tôi chỉ miệt mài với Thơ, chỉ Thơ, đối với tôi đó là sinh hoạt tâm linh và tôi chỉ thật sự tồn tại để được là mình trong những giây phút ấy, đến lúc nào thời lượng đó càng nhiều thì tôi càng nhận ra ý nghĩa của sự tồn tại.
 Còn với văn thì sao?
 Hãy nghe Nguyễn Xuân Thiệp:
Đọc tản văn của Nguyễn Thị Khánh Minh – Bóng Bay, Gió Ơi chẳng hạn – nhiều người bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của tác phẩm. Tầng tầng những vẻ đẹp hiển lộng trước mắt: vẻ đẹp của tu từ, vẻ đẹp của hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc. Nói chung là nghệ thuật trứ tác và tâm hồn của Nguyễn Thị Khánh Minh.
Đọc Lang Thang Nghìn Dặm của tác giả, ta lại thấy mình một lần nữa bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của văn chương Nguyễn Thị Khánh Minh. Chiều ấy rất nhiều gió / đàn chim nhớ phố bay về. Và ta thấy Đinh Cường như một linh hồn trong suốt đang bay. Và trái tim ai kia mãi lang thang ngoài nghìn dặm khi ngoại chờ bên kia sông để nhận một đóa hồng. Và ai, ai về như hài cỏ trong lặng im của lá. Tôi bắt gặp hồn chữ phiêu du trong âm âm tiếng gió va vào ô cửa kính, trong ảo hóa mây trời trong dòng mưa vũng nắng. Đọc thơ người thấy mình nhỏ bé đi dưới cái huyễn lộng, hay chỗ nào, vì sao hay, hỏi như hỏi mây xanh, theo như đuối dòng nước trôi hoài kia. Chuyện trăng tàn là chuyện gì, chưa nghe thấu nỗi đã thấy rúng động. Trăng tàn giật mình thấy sững sờ cái núi lạnh biển im, tấm lòng kiên định băng khiết.  Vân vân… Những con chữ của Khánh Minh như những cái lá, những tia nắng đưa ta vào cõi thơ, cõi đẹp.
Có ai đó lại nói, con đường từ trái tim này đến trái tim nọ là con đường thăm thẳm của cảm thông, lại có khi chỉ cần nghe một nhịp đập của cảm ứng là khoảng cách trở nên vô nghĩa. Trên hành trình nghìn dặm này, tôi đã cảm được điều vô nghĩa ấy của không gian tâm linh. Một hành trình mà theo Tim Cahill thực sự không phải được tính bằng dặm mà bằng những người bạn…  
 Trần Thị Nguyệt Mai thì bảo “bằng trái tim mẫn cảm và ngòi bút thơ mộng, chị đã như một gạch nối đưa thơ văn vào trong tim người đọc với những bài giới thiệu thật đặc sắc. Và, hẳn nhiên, tác giả rất cảm động vì được chia sẻ. Như là: “Nguyễn Lương Vỵ, người thơ hát âm”, “Bất chợt thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Và gió…”, “Du Tử Lê, dòng sông hẹn hò biển cả”, “Lữ Quỳnh, Thơ. Và con mắt của giấc mơ”, “Lữ Kiều, chàng lãng tử của thời gian”, “Khuất Đẩu. Và cõi đẹp”, “Phan Tấn Hải. Người Tới Như Mộng”, “Lê Giang Trần. Chiếc vòng kim cô nhớ”, “Vũ Hoàng Thư. Hạt Nắng Phiêu Du”, “Hoàng Xuân Sơn. Quỳnh ơi, hồn nhiên một đóa…”, “Đỗ Hồng Ngọc. Ngoại chờ bên kia sông”, “Trịnh Y Thư, lắng nghe hài cỏ”, “Nguyên Minh, chân kiến dặm trường”…
 Còn nhớ, khi đọc Tản Văn Thi của Khánh Minh, tôi viết:
 Nhiều người bảo Tản Văn Thi của Khánh Minh là giấc mơ, là huyền thoại, là chiêm bao. Tôi không tin. Trái lại, nó rất hiện thực. Nó rất ở đây và bây giờ. “Đó là bức tranh sắc mầu cuộc sống”: bức tranh của một gia đình hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ như ‘Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo… Tôi nghe tiếng còi tàu… ’(Kỷ Niệm, Phạm Duy).
Tiếng chim ríu rít mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy.
Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa.
Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong sáng.
Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người.
Bóng mây tan nhắc tôi mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu.
Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời tâm kinh bát nhã.
(Khánh Minh, Khoảnh khắc giấc mơ) 
Và chỉ ở đó: Và một khi đã thấy biết (tri kiến) như thế, khi đã reo vui như thế, thì người ta sống với yêu thương, sống trong yêu thương, sống vì yêu thương:
“Yêu thương nhé” “nói cùng lá cứ sống hết mình xanh”,
“yêu thương ơi xin thức dậy cùng người…”
“yêu thương ơi khoảnh khắc sum vầy đơn sơ thế xin một lần được cất cánh bay”.
“yêu thương ơi chút lòng riêng xin chắt chiu nghe…”
 “Cho dẫu chiều rồi phai nắng...”
(Khánh Minh, Yêu thương ơi) 
 Những ngày triền miên đau yếu, Khánh Minh tìm thấy một niềm tin: “Sẽ đem theo trái tim đầy tin cậy”. Trái tim đầy tin cậy, ấy chính là ‘Tín tâm”. Hãy giữ lấy. Dù “Ngày xám đục những mây/ đứng dưới một cây phong bay những chiếc lá khô/ Không có loài chim nào đến hót/ Cơn bão rớt đem mưa làm nước mắt…”.
Thì cũng vịn câu thơ mà đứng dậy!
 “Tôi đi tìm những trang bản thảo, mảnh đất tị nạn bình yên của tôi. Nơi có trò chơi trốn tìm dưới ánh chớp những chùm sao đang va vào nhau vang dội. Âm thanh ẩn mật là chiếc chìa khóa cuối cùng tôi phải mở, cõi thách thức cảm xúc phục sinh. Tôi nhặt được một trang bản thảo lem luốc đầy vết xóa và tôi nghe tiếng tim mình còn hồi hộp đập…”. (Khánh Minh. Trong cơn bệnh).
 “…còn hồi hộp đập” nghĩa là còn sẽ nhặt nhạnh thêm nhé Khánh Minh.
 Khi đọc Đêm, tập thơ mới nhất của Khánh Minh, tôi chợt nhớ Đêm thơm như một dòng sữa của Phạm Duy (Dạ lai hương)
Hiu hiu hương tự ngàn xa
Bỗng quay về dạt dào trên hè ngoài trời khuya…
(Phạm Duy)
 
Đêm qua anh cùng em
Dặm đường nghe gió biếc
Đêm nay em nhìn lên
Thấy một vầng trăng khuyết 
 
 Chuyện hình như của Tagore: người chồng có chuyến buôn xa, từ biệt vợ, nàng âu yếm năm lần bảy lượt dặn đừng quên lúc về mua cho nàng một tấm gương tròn sáng như vầng trăng vành vạnh kia. Ngày về, chàng nhìn lên trăng, thấy một vầng trăng lưỡi liềm cong vút, vội vã mua một chiếc lược ngà…
Lại nhớ Trịnh: “Em đi qua chuyến đò, ối a con trăng còn trẻ/ Con sông đâu có ngờ, ngày kia trăng sẽ già” (Biết đâu nguồn cội).
 Ở Khánh Minh, thơ không chỉ là thơ mà còn là tiếng nói, còn là hạt lệ… còn là vòng tay, còn là hơi ấm từ trái tim biết đau xót nỗi đau chung:
Người đem theo nụ cười
Đi vào những biên giới
Những biên giới đôi co
Những biên giới gào thét
Bỗng nhận ra mình
Những phân chia hổ thẹn
 
Để rồi:
… Ngây ngô họ xúm gần tôi
Chỉ trỏ vào nụ tôi cười, ngạc nhiên
Quệt vào tôi những ánh nhìn
Hỏi tôi hạt nước mắt tìm ở đâu
Thưa, tôi nhặt ở tim đau… 
 
 Trong thơ Khánh Minh, ngọn cỏ với Ta là một, cùng uống ánh mặt trời, cùng tỏa ngát hương thơm, cùng rúng động vì tiếng chuông chùa trên núi xa kia để hòa vào vũ trụ mênh mông, không thể không nhớ…
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Phong Kiều Dạ bạc, Trương Kế)
 
 Một hôm, Khánh Minh kêu anh Ngọc ơi, vẽ cho em một bức chân dung nhe, tôi ngẩn người đành làm một bài thơ tạ lỗi vầy:

thục nữ
gởi khánh minh 
 
em bảo vẽ cho em một bức chân dung
chân dung người làm thơ
một người làm thơ nữ
trời đất ơi
làm sao vẽ được chân dung
một người làm thơ nữ
đom đóm hái sao
 
tôi nhắm mắt lại nhìn em
cho rõ
lần đầu gặp ở trương thìn,
đây khánh minh
rồi làm thinh
 
tôi thấy em thục nữ,
tại sao mà làm thơ
rồi nhìn thêm lần nữa
oan oan thư cưu
 
cho đến một hôm nơi ồn ào kia
quanh bè bạn thân quen đâu từ kiếp trước
em tặng mỗi người tập thơ còn ướt
những bài thơ hình hiện muôn đời
như không thôi đi được…
 
tôi nhắm mắt nhìn em cho rõ
thử hình dung ra cái hình dung
rồi vẽ vào không gian trong
một người làm thơ nữ
 
khi mở mắt ra
em tan biến
đành ghi vội mấy dòng
tạ lỗi!
 
Đỗ Hồng Ngọc
(9.2014)
 
 Biết tôi vừa vượt tuổi 80, Khánh Minh tặng cuốn Còn Chút Để Dành, gồm những bài viết của Khánh Minh về Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê bấy nay như một kỷ niệm, tôi đọc mà không khỏi giựt mình, vì Khánh Minh đã viết với một cảm xúc thi ca hiếm có, lại “nhìn ra” một Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê còn hơn mình “thấy biết” chính mình.
 Tô Thẩm Huy bảo “Tuyển tập Còn Chút Để Dành thu góp những bài viết đẹp đẽ đầy tình người của Nguyễn Thị Khánh Minh về Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê một lần nữa cho thấy có lẽ anh là người hạnh phúc và giàu có nhất trên đời.
 Xin được chung vui cùng anh. Và xin chúc anh an lạc trong lòng thương yêu, quý mến của mọi người”.
 
Lê Uyển Văn ở tận Trà Vinh thì bảo: Hạnh phúc của người viết là nhận được sự đồng điệu nơi người đọc. Em nghĩ người viết Đỗ Hồng Ngọc hạnh phúc muôn phần khi nghe được khúc hòa âm từ tác giả Nguyễn Thị Khánh Minh.
 Hơn tuần nay, em may mắn được đọc “REO TUỔI”, ngưỡng mộ vô cùng ngòi bút sắc sảo, uyên thâm mà dạt dào khôn tả; lại xuýt xoa với câu từ của chị Khánh Minh, thú vị và đẹp đẽ!
 Đúng lúc hoang mang vì tuổi tác chất chồng, em cảm thấy an lòng đón thêm tuổi mới khi được đọc những dòng này!
 Cảm ơn thật lâu với “Còn chút để dành”!

  Nguyệt Mai cũng kêu lên: Càng đọc càng thấy nữ sĩ Khánh Minh là một tri âm tri kỷ – rất quý của Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê). Đã hiểu anh một cách rất sâu sắc. Hình như chưa có người nào đọc ĐHN mà thấu đáo tận cùng như vậy.
 Vũ Hoàng Thư cũng bảo “Đọc tập Còn Chút Để Dành của Nguyễn Thị Khánh Minh viết về nhà thơ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc không thể không liên tưởng đến Bá Nha – Tử Kỳ, mối tri kỷ chỉ hiện hữu ở tình bạn tuy giữa hai người mà đã là như một. Tưởng là chuyện chỉ xảy ra thời Xuân Thu Chiến Quốc, ngờ đâu truyền kỳ ấy lặp lại giữa thời đại chúng ta. Thật là một tương lân thân tình hiếm có!
 Với một bút pháp sâu sắc, diễm lệ, Khánh Minh bắt đúng mạch và dẫn người đọc đến một thế giới thơ mộng Đỗ Nghê chan hòa giữa đạo và đời, nói đúng ra một nếp sống an lạc trong lục hòa. Từ đó ta bắt gặp một Bồ tát không tuổi bởi “Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là sinh nhật của anh.”  Anh sống trong hiện thị đương là, từng giây phút ngập tràn luân sinh chất ngất, vô thủy vô chung nên vô sinh, không sinh ra nên không chết đi cho lý nhân quả dừng lại. Không những thế ta còn khám phá ra những dòng thơ ngắn, cô đọng, đời thường của Đỗ Nghê vậy mà “vỡ òa ngực biếc” bởi những gì là thân yêu nhất không thể thay thế: tình quê, tình Mẹ. Và rất nhiều nữa.
 Cám ơn nhà văn Khánh Minh, không có những tản văn cô đọng và đúc kết như thế của cô, có lẽ chúng ta sẽ không thấy hết, thấy đầy đủ một viên ngọc quý: Đỗ Hồng Ngọc.
 
 Thanh Lương chỉ nói đơn sơ: “Còn Chút Để Dành”, cuốn sách tuy mỏng mà nặng… Bìa đẹp với mùa thu thơ mộng và lãng mạn, rất thích hợp với văn phong NTKM. Thanh Lương cảm nhận được một mối hòa điệu tri kỷ của người đọc và người được đọc. Thật không gì hạnh phúc hơn khi viết mà nhận được những đáp ứng sâu sắc ân tình như 7 bài viết của Khánh Minh. Tự nhiên Thanh Lương nhớ mấy chữ Hiểu và Thương của thiền sư Nhất Hạnh, Khánh Minh viết cảm nhận về văn Đỗ Hồng Ngọc như thế, không chỉ là Hiểu mà còn Thương.
***
  Lâu nay, ở cuối mỗi điện thư, Khánh Minh thường ký tắt km, chữ nhỏ, không hoa. Là “khánh minh”. Ai cũng hiểu vậy. Tôi bèn gởi mấy dòng cho km:
khánh minh ký tên mình
km khiêm tốn 
thư cho bè bạn
nhiều lúc đọc nhầm 
thành ki-lô-met
nhiều lúc nhủ thầm 
từ đây đến đó
bao nhiêu khánh minh?
(km – đỗ hồng ngọc)
 
ĐỖ HỒNG NGỌC
Saigon 7. 2022 

No comments:

Post a Comment