Ban Mai
Những buổi trưa hè nắng cháy, không gì vui bằng chạy ra bờ biển sau nhà nhảy sóng. Từng con sóng tung bọt trắng xóa, lũ trẻ cười vang chạy theo từng lượn thủy triều.
Tôi sống trong một thành phố nhỏ ven biển miền Trung yên bình. Cho đến một ngày cuộc sống tôi dường như đảo ngược, khi bạn bè lần lượt ra đi. Những chuyến đi âm thầm không dấu vết. Khi nhìn lại không còn bóng người.
Tuổi học trò 15, 16 với tôi là một vết cắt.
Lớp 10, giáng sinh năm 1978.
Hòa bình đã 3 năm, đói khổ ở đâu chúng tôi không biết, đó là việc của ba mẹ, chúng tôi vẫn hồn nhiên. Cả lớp nhộn nhịp tổ chức tiệc giáng sinh trên sân thượng nhà tôi, thức ăn tụi con gái chuẩn bị sẵn, tụi con trai chỉ việc lo khiêng bàn ghế, trang trí. Ánh sáng đã có ngọn đèn đường, tụi con trai cẩn thận câu thêm một bóng đèn nhỏ. Chỉ là nồi cà ri gà mẹ nấu, bánh mì và bánh ngọt tụi tôi chung nhau đem tới, thêm mấy cây đàn ghita, kèn acmonica... đêm giáng sinh lớp tôi rộn rã tiếng cười.
Tết năm 1979, ly cà phê đầu tiên tập uống không quen, đến nhà Hoa Chi Lăng tôi choáng, Hoa phải đưa tôi về phòng nằm cả tiếng mới dậy nổi. Nhà Hoa sản xuất nem chả, bò khô cho thành phố nên tụi tôi tha hồ nhâm nhi.
Giờ công dân giáo dục thay bằng giờ chính trị, cô giáo dạy người Bắc giọng Quảng Bình như chim hót, tụi tôi không đứa nào nghe được chữ nào. Cô mặc quần lĩnh đen nhàu nát, có hôm sứt chỉ ở sau như sợi lông khỉ, cả lớp không dám cười. “Trí thức là thành phần tiểu tư sản, nông dân và công nhân là nòng cốt của đất nước”. Trọng Hùng, Thế Hùng, Bảo Đại Chúng chuyên môn đầu tàu cúp cua rủ tụi tôi trốn tiết học chính trị đi xem phim “Ba hạt dẻ dành cho lọ lem”, tụi nó chiêu dụ phim hay lắm, buổi tối xếp hàng lấn không nổi, tranh thủ đi, buổi sáng vắng. Lũ chúng tôi chui rào, báo hại hôm sau thầy Thành bắt cả lớp làm kiểm điểm.
Chủ nhật là thời gian thích nhất. Thường cả bọn rủ đi Chợ Dinh đến nhà Ánh, Dung có khi là nhà Tấn ở Cầu sông Ngang. Đường làng hai bên ruộng lúa thơm ngát, quốc lộ vắng tanh toàn xe đạp là xe đạp, giống cuộc sống Bắc Hàn ngày nay. Nhưng có lẽ tụi tôi thích nhà Dung nhất, vì bà nội Dung cho ăn bánh thả giàn. Bánh của bà làm chúng tôi ghiền chợ Dinh.
Còn một món hấp dẫn nữa là chè chuối Cầu Đôi, những chiếc đèn hột vịt le lói trong bóng đêm, mùi nếp chín thơm lừng cuốn bánh chuối nóng bên trong, chan một chút nước dừa, rắc đậu phộng giòn tan. Cả lũ con gái mê vô cùng, vừa ăn vừa thổi nghe gió từ lòng sông thổi về mát lạnh.
Tháng 2 năm 1979.
Giờ chào cờ, thầy hiệu trưởng đọc bức huyết thư của một bạn thiếu sinh quân học lớp 10, xung phong đi bộ đội để bảo vệ biên cương, quân Trung Quốc đang tấn công phía Bắc. Đặng Tiểu Bình đang giương oai với thế giới “quyết dạy cho Việt Nam một bài học”?
Tuần này, học sinh trường tôi được biệt phái đào công sự bên bờ biển Quy Hòa. Thầy nói “Phải có chiến tuyến phòng thủ đề phòng giặc pháo kích”.
Đào công sự đâu không biết nhưng học sinh lớp nào cũng phấn khởi vì được đi dã ngoại bên bờ biển cát vàng rợp nắng.
Không tuổi nào ngây thơ như tuổi học trò, đi đào công sự mà các bạn nam đem theo đàn ghita và cả trống rung. Tụi con gái thì chuẩn bị thức ăn, xôi vò, bánh mì kẹp thịt, nước uống và cả trái cây nữa. Dân thành phố chưa bao giờ cầm cuốc, xẻng nên mấy thiếu niên đâm mấy nhát trên đất đồi là phồng dộp tay, mặt mày đỏ gấc phải chui vào các hang đá bên ghềnh nằm nghỉ. Tụi con gái thì khỏi nói, đi cho có chuyện, góp vui hát ca cho tụi con trai làm việc khỏi mệt.
Chiến sự bùng nổ. Rồi một ngày, bạn bè tôi hoảng hốt khi nghe tuyên bố Người Việt gốc Hoa ra khỏi nước, họ nộp vàng đóng thuyền vượt đại dương trên những chiếc thuyền mong manh. Lớp tôi gốc người Hoa rất nhiều, dòng họ bạn tôi đã bao nhiêu đời sống ở đất này, nên tụi nó là người Việt 100%, sinh ra trên đất Việt, nói tiếng Việt, ăn món Việt, phong tục tập quán là Việt. Chợt một ngày ngỡ ngàng, bị xem là người gốc Hoa. Một làn sóng ra đi rầm rộ, nhất là những thành phố ven biển Miền Trung. Bắt đầu từ đó kéo theo từng đợt sóng ngầm người dân Miền Nam vì nhiều lý do cũng tìm cách vượt thoát.
Nhóm bạn tôi phút chốc biến tan.
Chỉ trong vòng một năm, nhìn quanh bàn ghế trống vắng, tụi nó biến trong hư vô. Lũ chúng tôi ở lại, ngơ ngác.
Chiều nào, con nhỏ bạn cũng rủ tôi đạp xe vòng vòng quanh biển, hai đứa đều câm lặng. Thành phố tôi buồn đắm. Tất cả như vỡ tan. Từ đó tôi sống trong im lặng.
Rồi một ngày thế giới biến động... Liên xô, Đông Âu sụp đỗ, đất nước tôi cũng chuyển mình. Thời đổi mới, là cái tên chúng tôi được biết sau 1989.
Ngày tôi tốt nghiệp đại học, cả đất nước vẫn còn đói khổ. Bạn bè tôi với trái tim nhiệt huyết hăm hở xung phong về dạy trên vùng Cao, hay đi đảo xa. Người ta nói 3 năm sau sẽ luân chuyển. Nhưng 20 năm rồi, tụi nó vẫn biền biệt nơi núi rừng hoang vắng. Đó là thời kỳ thế hệ con trai lớp chúng tôi đi chiến trường Cambodia trở về với đôi nạng gỗ. Những thằng con trai mới lớn tuổi còn măng sữa bất ngờ trở thành phế nhân. Lớp thương phế bình non choẹt này, đêm đêm ngất ngưởng trên đường phố quậy phá cho tan nỗi thống khổ của kiếp người. Tôi vẫn nhớ năm lớp 10, trong buổi chào cờ thầy hiệu trưởng đọc bảng huyết thư của một bạn nam tình nguyện đi lính cầm súng chống Trung Quốc, đó là những năm 1979. 10 năm sau đất nước bình thường hóa những anh hùng thời đó bổng chốc bị bỏ rơi như giọt nước bốc hơi trong sa mạc.
Dấu mốc cho sự thay đổi là năm mà một người bạn học, được nhắc đến hàng kỳ trong từng số báo, tiêu biểu cho sự đổi mới của đất nước khi người chiến thắng bắt đầu từng bước xóa bỏ cách nhìn con người qua lý lịch. Bạn đậu đại học 3 lần nhưng lần nào cũng bị khước từ vì con liệt sĩ Ngụy. Hệ lụy của chiến tranh vẫn còn đè nặng lên cuộc sống con cháu những người chiến bại trên đất nước tôi mãi đến bây giờ.
Cuộc đời tôi cũng không thoát khỏi cái nền chung của đất nước.
Rồi thời gian trôi qua, tôi tưởng mình đã quên mọi ký ức.
Cuộc sống quay cuồng với trăm nỗi lo toan đã vét sạch mọi thời gian và làm trí óc tôi rả rời.
Từ một thiếu nữ chớm dậy thì giờ đây tôi đã là một thiếu phụ.
Đất nước tôi bắt đầu hội nhập, những người bạn cũ quay về…
Đứa còn, đứa mất, những mái đầu điểm sương, và một tuổi trẻ bị đánh cắp.
Mùa hè, và từng cơn gió lại thổi qua.
Quy Nhơn
8.2014
Tôi sống trong một thành phố nhỏ ven biển miền Trung yên bình. Cho đến một ngày cuộc sống tôi dường như đảo ngược, khi bạn bè lần lượt ra đi. Những chuyến đi âm thầm không dấu vết. Khi nhìn lại không còn bóng người.
Tuổi học trò 15, 16 với tôi là một vết cắt.
Lớp 10, giáng sinh năm 1978.
Hòa bình đã 3 năm, đói khổ ở đâu chúng tôi không biết, đó là việc của ba mẹ, chúng tôi vẫn hồn nhiên. Cả lớp nhộn nhịp tổ chức tiệc giáng sinh trên sân thượng nhà tôi, thức ăn tụi con gái chuẩn bị sẵn, tụi con trai chỉ việc lo khiêng bàn ghế, trang trí. Ánh sáng đã có ngọn đèn đường, tụi con trai cẩn thận câu thêm một bóng đèn nhỏ. Chỉ là nồi cà ri gà mẹ nấu, bánh mì và bánh ngọt tụi tôi chung nhau đem tới, thêm mấy cây đàn ghita, kèn acmonica... đêm giáng sinh lớp tôi rộn rã tiếng cười.
Tết năm 1979, ly cà phê đầu tiên tập uống không quen, đến nhà Hoa Chi Lăng tôi choáng, Hoa phải đưa tôi về phòng nằm cả tiếng mới dậy nổi. Nhà Hoa sản xuất nem chả, bò khô cho thành phố nên tụi tôi tha hồ nhâm nhi.
Giờ công dân giáo dục thay bằng giờ chính trị, cô giáo dạy người Bắc giọng Quảng Bình như chim hót, tụi tôi không đứa nào nghe được chữ nào. Cô mặc quần lĩnh đen nhàu nát, có hôm sứt chỉ ở sau như sợi lông khỉ, cả lớp không dám cười. “Trí thức là thành phần tiểu tư sản, nông dân và công nhân là nòng cốt của đất nước”. Trọng Hùng, Thế Hùng, Bảo Đại Chúng chuyên môn đầu tàu cúp cua rủ tụi tôi trốn tiết học chính trị đi xem phim “Ba hạt dẻ dành cho lọ lem”, tụi nó chiêu dụ phim hay lắm, buổi tối xếp hàng lấn không nổi, tranh thủ đi, buổi sáng vắng. Lũ chúng tôi chui rào, báo hại hôm sau thầy Thành bắt cả lớp làm kiểm điểm.
Chủ nhật là thời gian thích nhất. Thường cả bọn rủ đi Chợ Dinh đến nhà Ánh, Dung có khi là nhà Tấn ở Cầu sông Ngang. Đường làng hai bên ruộng lúa thơm ngát, quốc lộ vắng tanh toàn xe đạp là xe đạp, giống cuộc sống Bắc Hàn ngày nay. Nhưng có lẽ tụi tôi thích nhà Dung nhất, vì bà nội Dung cho ăn bánh thả giàn. Bánh của bà làm chúng tôi ghiền chợ Dinh.
Còn một món hấp dẫn nữa là chè chuối Cầu Đôi, những chiếc đèn hột vịt le lói trong bóng đêm, mùi nếp chín thơm lừng cuốn bánh chuối nóng bên trong, chan một chút nước dừa, rắc đậu phộng giòn tan. Cả lũ con gái mê vô cùng, vừa ăn vừa thổi nghe gió từ lòng sông thổi về mát lạnh.
Tháng 2 năm 1979.
Giờ chào cờ, thầy hiệu trưởng đọc bức huyết thư của một bạn thiếu sinh quân học lớp 10, xung phong đi bộ đội để bảo vệ biên cương, quân Trung Quốc đang tấn công phía Bắc. Đặng Tiểu Bình đang giương oai với thế giới “quyết dạy cho Việt Nam một bài học”?
Tuần này, học sinh trường tôi được biệt phái đào công sự bên bờ biển Quy Hòa. Thầy nói “Phải có chiến tuyến phòng thủ đề phòng giặc pháo kích”.
Đào công sự đâu không biết nhưng học sinh lớp nào cũng phấn khởi vì được đi dã ngoại bên bờ biển cát vàng rợp nắng.
Không tuổi nào ngây thơ như tuổi học trò, đi đào công sự mà các bạn nam đem theo đàn ghita và cả trống rung. Tụi con gái thì chuẩn bị thức ăn, xôi vò, bánh mì kẹp thịt, nước uống và cả trái cây nữa. Dân thành phố chưa bao giờ cầm cuốc, xẻng nên mấy thiếu niên đâm mấy nhát trên đất đồi là phồng dộp tay, mặt mày đỏ gấc phải chui vào các hang đá bên ghềnh nằm nghỉ. Tụi con gái thì khỏi nói, đi cho có chuyện, góp vui hát ca cho tụi con trai làm việc khỏi mệt.
Chiến sự bùng nổ. Rồi một ngày, bạn bè tôi hoảng hốt khi nghe tuyên bố Người Việt gốc Hoa ra khỏi nước, họ nộp vàng đóng thuyền vượt đại dương trên những chiếc thuyền mong manh. Lớp tôi gốc người Hoa rất nhiều, dòng họ bạn tôi đã bao nhiêu đời sống ở đất này, nên tụi nó là người Việt 100%, sinh ra trên đất Việt, nói tiếng Việt, ăn món Việt, phong tục tập quán là Việt. Chợt một ngày ngỡ ngàng, bị xem là người gốc Hoa. Một làn sóng ra đi rầm rộ, nhất là những thành phố ven biển Miền Trung. Bắt đầu từ đó kéo theo từng đợt sóng ngầm người dân Miền Nam vì nhiều lý do cũng tìm cách vượt thoát.
Nhóm bạn tôi phút chốc biến tan.
Chỉ trong vòng một năm, nhìn quanh bàn ghế trống vắng, tụi nó biến trong hư vô. Lũ chúng tôi ở lại, ngơ ngác.
Chiều nào, con nhỏ bạn cũng rủ tôi đạp xe vòng vòng quanh biển, hai đứa đều câm lặng. Thành phố tôi buồn đắm. Tất cả như vỡ tan. Từ đó tôi sống trong im lặng.
Rồi một ngày thế giới biến động... Liên xô, Đông Âu sụp đỗ, đất nước tôi cũng chuyển mình. Thời đổi mới, là cái tên chúng tôi được biết sau 1989.
Ngày tôi tốt nghiệp đại học, cả đất nước vẫn còn đói khổ. Bạn bè tôi với trái tim nhiệt huyết hăm hở xung phong về dạy trên vùng Cao, hay đi đảo xa. Người ta nói 3 năm sau sẽ luân chuyển. Nhưng 20 năm rồi, tụi nó vẫn biền biệt nơi núi rừng hoang vắng. Đó là thời kỳ thế hệ con trai lớp chúng tôi đi chiến trường Cambodia trở về với đôi nạng gỗ. Những thằng con trai mới lớn tuổi còn măng sữa bất ngờ trở thành phế nhân. Lớp thương phế bình non choẹt này, đêm đêm ngất ngưởng trên đường phố quậy phá cho tan nỗi thống khổ của kiếp người. Tôi vẫn nhớ năm lớp 10, trong buổi chào cờ thầy hiệu trưởng đọc bảng huyết thư của một bạn nam tình nguyện đi lính cầm súng chống Trung Quốc, đó là những năm 1979. 10 năm sau đất nước bình thường hóa những anh hùng thời đó bổng chốc bị bỏ rơi như giọt nước bốc hơi trong sa mạc.
Dấu mốc cho sự thay đổi là năm mà một người bạn học, được nhắc đến hàng kỳ trong từng số báo, tiêu biểu cho sự đổi mới của đất nước khi người chiến thắng bắt đầu từng bước xóa bỏ cách nhìn con người qua lý lịch. Bạn đậu đại học 3 lần nhưng lần nào cũng bị khước từ vì con liệt sĩ Ngụy. Hệ lụy của chiến tranh vẫn còn đè nặng lên cuộc sống con cháu những người chiến bại trên đất nước tôi mãi đến bây giờ.
Cuộc đời tôi cũng không thoát khỏi cái nền chung của đất nước.
Rồi thời gian trôi qua, tôi tưởng mình đã quên mọi ký ức.
Cuộc sống quay cuồng với trăm nỗi lo toan đã vét sạch mọi thời gian và làm trí óc tôi rả rời.
Từ một thiếu nữ chớm dậy thì giờ đây tôi đã là một thiếu phụ.
Đất nước tôi bắt đầu hội nhập, những người bạn cũ quay về…
Đứa còn, đứa mất, những mái đầu điểm sương, và một tuổi trẻ bị đánh cắp.
Mùa hè, và từng cơn gió lại thổi qua.
Quy Nhơn
8.2014
No comments:
Post a Comment