Saturday, December 16, 2017

VÀ RỒI ... NHỮNG CUỘC CHIA TAY VĨNH VIỄN


Cao Vị Khanh

Hoa và bình cổ

Có lần tin đến muộn, rất muộn, nhưng dẫu sớm hơn cũng chẳng níu giữ được ai, họa sĩ Chóe tức Nguyễn Hải Chí vừa từ giã cõi đời. Những nét minh họa bén như dao khắc trên tuần báo Khởi Hành những năm 60-70 đã từng làm sửng sốt hơn một người xem.
Trước đó tin ca sĩ Duy Khánh qua đời. Tiếng hát trúc trắc của miền Trung trục trặc dẫu thích hay không vẫn rất thân quen trong cái sinh hoạt văn nghệ rất mực trăm-hoa-đua-nở của miền Nam ngay từ lúc bom đạn còn đương mù mịt.
Chừng đâu tháng trước nữa, ở Úc, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn cũng bỏ đồng bỏ đá bỏ dao cọ mà đi...
Dẫu trước hay sau rồi cũng lần lượt bỏ đi, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ... lâu hơn nữa những Việt Hùng kép đẹp của Đầu xanh vương khổ hận, Hùng Cường kép mùi của Tướng cướp Bạch Hải Đường, nhà văn kịch tác gia Vũ Khắc Khoan của Thần tháp rùa, nhạc sĩ Phạm Đình Chương của Mộng dưới hoa, nhạc sĩ Trúc Phương mà ai đã có lần qua cổng một trung tâm nhập ngũ nào đó lại không nhớ thứ ngôn ngữ đặc biệt làm bằng dấu đôi tay, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với cái phát giác rụng rời ta nghiêng vai nghe lại cuộc đời thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới, rồi Nguyên Sa của nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát, rồi còn Lê Uyên Phương và Vũng lầy của chúng ta, rồi ở tận bên nhà Út Trà Ôn ông-cò-quận-chín, lâu lâu hơn nữa nhà thơ nhà báo Thanh Nam của Bài hành bốn mươi... Bao nhiêu tên tuổi của một thời đã lần lượt bỏ cuộc chơi mà đi mất... Và còn ai nữa... còn ai nữa...

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu

Cái mặt đất này rồi đến lúc trơ trụi như cái lầu hoàng hạc và ánh chiều tà của một ngày xa xứ sẽ đìu hiu biết bao nhiêu...
Có những tên tuổi rất quen và còn bao nhiêu tên tuổi không quen biết, đã đến rồi đi, giữa cơn trường hận này...
Hơn ba mươi mấy năm trước, giựt mình bỏ chạy, có mấy người liệu được ngày gởi thây đất khách. Vậy mà ngày về rồi xa lắc xa lơ... Rồi tuổi tác, rồi bệnh hoạn, rồi gói mộng mà đi...
Cái chuyện người nhắm mắt xuôi tay cũng thường như cái chuyện người mở mắt chào đời, hằng hà sa số, ai hơi đâu mà kể lể. Có họa chăng mấy kẻ thân thích hoặc khóc hoặc cười... Mà điều, trong cái hoàn cảnh dở khóc dở cười của tôi, của anh của chị, của những người nửa đời nửa đoạn sao nghe ra cứ thấy ... ngậm ngùi. Có một cái gì đó đã qua đi, đang qua đi và sẽ qua đi mất... Cái gì đó là cái thời của chúng ta liền với một khoảnh đất, dù vinh quang hay tủi nhục, vẫn là suốt một thời chúng ta đã góp mặt, cùng khóc cười theo vận nước nổi trôi.

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Giọt nước mắt ngày nào. Tấm lòng vườn cũ. Chữ của Đỗ-Phủ-lưu-lạc đôi khi mới thoáng nhớ đã nghe như nước mắt chực chờ! Tội tình chi đeo đẳng khi đã cuối một đoạn trường ...
Xứ người gần bốn mươi năm vẫn thấy lạ trời lạ đất. Làm sao không lạ lẫm những tấm lòng. Còn lại chút quen-hơi-bén-tiếng dẫu không thân thích vẫn nghe ra rất ruột rà. Chút tơ-lòng-đã-cũ cứ làm nhớ triệu điều tha thiết cũ. Ở đây đôi khi nghe lại một tiếng hát một đoạn nhạc đã nghe từ khi còn ở quê lòng bỗng bồi hồi như thấy lại mình một ngày nào ở đó, đọc một câu thơ một bài văn của một người mình đã mến mộ từ khi chưa đi xa lòng bỗng thấy như thâu ngắn lại được chút nào cái khoảng cách trời cách biển. Làm như có một cái gì đó lẫn lộn giữa quê hương và người nghệ sĩ, kẻ thừa tự đầu tiên và cuối cùng mọi ân phước cũng như oan khiên của đất nước. Trong một liên hệ nhân quả nào đó, có phải nghệ sĩ là kẻ đã thừa hưởng cái tài hoa của dân tộc, ân huệ của đất đai thổ trạch, của sông ngòi kinh rạch, của mùa màng thời tiết nơi họ đã được sanh ra, lớn lên và un đúc nên vóc nên tài. Có phải chỉ chút gió lạnh đổi chiều đã làm lòng họ sang thu. Có phải hoa mới ngập ngừng đơm nụ mà hồn họ đã vô vàn cánh bướm. Họ hưởng trước ai hết và trả sau ai hết cả vốn lẫn lời từ hạnh phúc đến khổ đau của một dân tộc. Họ đã và đang làm cái kiếp con tằm cố trả hết nợ cho dâu. Có phải trọn hết cái hồn hậu của phù sa mấy miệt lục tỉnh đã trộn lộn lại cho mình ên ông Út ở Trà Ôn cái hơi vọng cỗ nghe mùi đến tận mạng. Có phải thi sĩ là kẻ đã thở cùng hơi với hương đồng cỏ nội hai bên bờ Cữu Long bát ngát, đã nhịp cùng mạch với nhấp nhô núi cả đèo cao suốt dọc dãi Trường Sơn ... Từ đó, tiếng họ ru hời có lẫn tiếng à ơi của mẹ già bỏ lại. Tiếng họ thở than có tiếng rên siết của quê hương tù đày, nghe họ hát hò, viết văn làm thơ, vẽ khắc ... làm sao không thấy lại cả một trời quê hương được dựng lại. Dẫu có mông lung.
Ờ, họ dính liền với quê hương như một. Nghe họ là nghe quê hương lên tiếng. Đọc họ như thấy chính quê hương tâm sự. Trong một lúc. Vào một thời. Có ta ở đó.
Mấy chục năm nay cứ bám víu vào họ mà sống, mà buồn vui... mà tự nhủ còn đó, còn đó... cái thời của chúng ta.
Có nhớ không chính những nét vẻ của Chóe đã làm nôn nao người thầy trẻ mỗi tuần chờ báo Khởi Hành trong một tiệm sách nhỏ dưới gốc cây me già ở một tỉnh miền tây. Những năm 70. Không khí tỉnh lẻ. Cái gì cũng chừng chừng phải phải. Ông thầy trẻ hai mươi mấy tuổi lại cứ thích để tóc dài, quần jean bạc thếch áo phạch banh nút ngực... thả lang ngoài phố như một tên du đảng.. Ờ nét vẻ của Choé ngang tàng trái cựa y hệt như một tuổi thanh niên cứ muốn thách đố với đời.
Vài năm trước nữa, những ngày thứ bảy lượn dài trên hè phố Lê Lợi, đợi nắng xuống chiều lên khi mấy cây me già vừa thả lá, kéo nhau vào quán Cái Chùa, gọi tách cà phê hay cốc rượu ngọt, đốt điếu Gitane thả khói loanh quanh rồi nghe Joe Marcel hát Phạm Đình Chương bằng cái giọng rất lừng khừng chưa gặp em tôi đã biết rằng có người thiếu nữ đẹp như trăng...
... Ờ sao mà quên được, quên làm sao được, Sài gòn thuở đó thở nồng hơi nhiệt đới, má ửng hồng mà chẳng chút phấn son, tóc mai quến mấy giọt mồ hôi thoang thoáng, lưng áo vải tetoron vô ý mà hữu tình, ai mà không thích Lê Uyên Phương, khi có lần từ một căn gác trọ bước theo em xuống phố trưa nay mà đang còn nhức mỏi đôi vai...
Vâng những người nghệ sĩ đó họ đã nói giùm ta điều ta nghĩ -mà nói rất điệu, vào một lúc nào đó, ở một chỗ nào đó... Và như vậy, họ chính là ta vào lúc ấy, ở chỗ ấy... Cái lúc cái chỗ ở riết thành quen mà xa rồi là nhớ ơi là nhớ. Cái chỗ người ta nói tiếng Việt Nam, hát tiếng Việt Nam, làm thơ
viết văn bằng tiếng Việt Nam, yêu nhau bằng tiếng Việt Nam và gây gổ chửi rủa bằng tiếng Việt Nam ... Họ là tiếng nói của một thời, là nhân dáng của một thuở. Nghe họ thấy họ làm như còn thấy lại một mảnh giang sơn đã rách bươm, từ lúc bỏ đi ... Đọc họ nhìn họ như còn thấy lại cái góc vườn-cũ, của lần gặp đầu, của buổi chia tay, đường quen phố thuộc, chòm xóm thân quen, những giòng sông hẹn, những bến đò đưa... Những ca nhạc sĩ của một thời, những văn thi sĩ, những họa sĩ đã rung lòng theo nhịp rung của thời đại, những năm giặc giã, những năm chia lìa, bây giờ đang lần lượt ra đi, mang theo với họ sợi dây chằng giữ con thuyền lưu lạc với cái bến cũ đìu hiu.
Họ bỏ đi, chúng ta mất thêm lần nữa, quê hương.
Và nhất là nhìn từ một góc nào đó, họ còn là hình ảnh của sự tái tạo từ tro than, của sự phục sinh từ cơn bức tử. Hay nói cách khác, của một giấc mơ vĩnh cữu về một cảnh đời tạm bợ.
Họ đi rồi, bỏ lại dở dang ta, những hồi mơ xuân hiếm muộn.
Jorge Luis Borges. Tâm hồn thi sĩ có bao giờ thôi ước hẹn với thanh xuân.
Khi những ngôi sao bắt đầu tắt lửa, vòm trời giống y như một cõi lòng trống trơn.
CAO VỊ KHANH



Viết thêm:
... từ bài viết tới nay, đã thêm bao nhiêu cuộc chia tay, ồn ào hay thầm lặng, thì cũng là những cuộc chia tay ... vĩnh viễn !
Ờ, vĩnh viễn ... vì có bao giờ còn thấy nữa những trang chữ nghĩa tinh tế kiểu chẻ-sợi-tóc-làm-tư của Võ Phiến, những thao thức cội nguồn của Bình Nguyên Lộc, những hào hoa phóng lãng của Nguyễn Xuân Hoàng, những điên đảo phiêu bồng của Bùi Giáng, những nghênh ngang ngất ngưởng của Phạm Công Thiện, những và những ...
Ờ, vĩnh viễn .... vì bên giáo-đường đã im-bóng Quỳnh Giao, vì Hà Thanh đã thôi lướt thướt qua những-chiều-mưa-biên-giới, vì “ sầu nữ ” Út Bạch Lan đã tắt nhịp não nùng, vì Đinh Cường đã bỏ màu buông cọ, vì nhạc sĩ Thanh Bình đã bỏ-ta-trong-mưa-bay thì làm sao còn thấy lại được những mùa-thu-vàng-sau-lưng-ta nữa ...
Rồi Phạm Ngọc Lư với Biên Cương Hành cũng vừa vượt cương tỏa bỏ tới vô biên...
Rồi ....
Rồi ...
Rồi ...
Thì thôi. Đã có đến thì sẽ có đi. Ai đó đã nói cuộc đời như quán trọ và ai nấy cũng chỉ là những người khách qua đường.
Nhưng làm sao quên được ! Những vang bóng của một thời !
...
Cõi người có bao nhiêu
Mà tình su vô lượng
Còn chi trong giả tưởng
Hay một vết chim bay *
...
Một vết chim bay ?
Hay một câu thơ ? Một nét chữ ? Một tiếng hát? ... đã làm ai đó vui tai vui mắt vui lòng một giây một phút một giờ một thoáng trong cõi sầu vô lượng này.
Xin cám ơn. Và xin an nghĩ .
Còn lại đây ... vẫn đăm đăm cái khoảng trống vô chừng !!!!!!
(* Phạm Thiên Thư)
Ca Si Ha Thanh : Nhung Ca Khuc Hay Nhat [HD Videos, ABC listed] - YouTube
Phận làm dâu - Út Bạch Lan - YouTube
Tình lỡ – Thanh Bình
Tình lỡ - Lệ Quyên – YouTube


No comments:

Post a Comment