Hồ
Đình Nghiêm
Thiếu nữ
bên cầu ao. Tranh Lê Văn Đệ
Không
rõ trường Quốc Gia Âm Nhạc có được bao nhiêu học viên? Láng giềng nó, trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật vào thời điểm 1973-1974 đếm chẳng quá 50 chuẩn hoạ sĩ, chuẩn
điêu khắc gia. Cứ cho là vậy, cứ tính đổ đồng bù qua xớt lại từ đệ nhất niên
cho chí đệ ngũ niên, mỗi niên thu giữ mười nhân mạng… Và như vậy có nên dùng chữ
“lèo tèo" để gọi tên về những kẻ ưa dẫm chân vào sạn đạo của nghệ thuật tạo
hình? Ngôi trường rất đẹp quét vôi vàng ẩn mình sát cổng Hiển Nhơn, đối diện một
bức tường đầy rêu bám và cô quạnh đằng kia mọc lên cây Ngô Đồng được những chùm
hoa sứ vây bọc quanh thân. Đại Nội vẫn luôn thu giữ riêng một hương mùi, một
màu sắc. Nó khiến những bước chân buộc phải trì hoãn lại trong vô thức, lòng bạn
chao đi khi dầm thân trong không gian đầy rẫy bóng dáng người xưa lưu dấu đó
đây. Nó chẳng khác Thăng Long nếu nhớ lại cổ thi: “Nền cũ lâu đài bóng tịch
dương”.
Có
thể bên Quốc Gia Âm Nhạc chịu cảnh âm thịnh dương suy, nhưng cách một con đường
nhỏ đầy cỏ dại mọc lan, lãnh địa phía này trầm mặc với dương thịnh âm suy. Đếm
lui đếm tới vỏn vẹn “mọc” chừng năm bông hoa (đẹp xấu tuỳ người đối diện) từ
búp non cho tới đã ngậm sương già nắng khai nụ bung cành. Nhưng cả năm dường
như vẫn sáng chiều lẻ loi dáng lụa. Gái Huế, dù ước ao sẽ là nghệ sĩ mai này
nhưng họ vẫn khép nép đi dưới bao lề luật bất thành văn, đầy kỹ cương nghiêm khắc.
Là sinh viên nhưng họ chẳng khác biệt với các em học sinh, không thể vượt thoát
thứ rào cản vô hình qua bao đời giáo huấn nam nữ thọ thọ bất tương thân. Họ đến
trường với gương mặt tinh khôi qua giấc ngủ đầy và về nhà chẳng gợn nhăn một tì
vết phiền muộn. Đường đi có nắng gió, có mưa giăng, có bao điều khác tác động bủa
vây nhưng đôi chân chưa một lần nghi ngại hụt bước lần khân xao xuyến lỗi nhịp.
Đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi, một đứa vừa thi đậu vào năm thứ nhất, tập hoà
mình vào thế giới nhiều huyễn mộng. Có thể sai quấy, hàm oan trong lượng định
vô căn cứ. Chân ướt chân ráo thôi mà, đâu đã ăn dầm ở dề để lộng ngôn.
Như
bất kỳ một thằng con trai bình thường nào khác, tôi cũng biết “nghễ” các bông
hoa. Tôi muốn chứng nghiệm thế nào là nỗi sầu khổ dịu dàng, tôi sẵn lòng đi
trên con lộ một chiều, dại khờ ra sân ga để đợi một con đò cập bến. Nhà không
xa nhưng tôi vẫn nguỵ tạo ra cớ để ở lại trường giấc trưa, bởi có người cô độc
bày thức ăn gặm nhấm trong đơn lẻ. Chị ấy học năm thứ ba, có nghĩa là phải qua
những năm căn bản mới trao cho bạn quyền quyết định chọn ban. Chị ấy học lụa.
Tôi chẳng ngạc nhiên vì con người chị là tổng thể những đường nét dịu mềm, mong
manh, dễ thẩm thấu, dễ hoen ướt. Tà áo dài, mái tóc đổ xuống ngang lưng, da trắng,
năm ngón búp măng và mãi mãi rụt rè khi nhác trông ra tôi. Khép nép, mắc cở như
thể suốt đời chưa lần nào phải ngồi ăn trưa trước kẻ lạ mặt. Học ban lụa có
nhiêu khê không? Tôi gạ chuyện. Ừ, rất nhiều thứ phải gia công khi bồi tranh, rất
dễ bút sa gà chết. Giọng nói chị như gió thoảng. Chị ăn xôi bắp, đậu xanh cùng
mè rang. Hương vị đó không thể dồn lên thứ mùi dịu ngọt mà mũi tôi đang hít lấy
để phân chất. Nó phát ra từ chân tóc chị? Từ cổ chị? Từ ngực chị? Từ thể hình
chị? Tự thân, chị là một bức tranh lụa mà dù là danh hoạ, bạn chẳng thể thêm thắt
một nét dư thừa nào cả. Một tác phẩm hoàn chỉnh biết dâng mùi. Hình như sau sơn
dầu thì là ban lụa, không mấy ai chọn sơn mài cũng như điêu khắc? Cũng chẳng
rõ, lụa có vẻ thích hợp cho nữ phái.
Chị
ăn không hết gói xôi, chị hỏi: Nhịn đói à? Rồi chị hy sinh trao thức ăn thừa
cho tôi. Xôi chị tự nấu hay do mạ nấu mà ngon quá, thơm dẻo, bùi và ngọt lừ. Lá
chuối sạch trơn, tôi chẳng thể phung phí một hạt bắp một hột nếp một hột mè.
Tôi mọc ra một ao ước, giá mà mình nhuyễn tay đôi phần để lúc này ký hoạ lại
chân dung chị bằng bút chì lên giấy croquis. Ngày mai chị nên đi tay không, kiểu
thõng tay vào chợ… Khuôn mặt chị đã vơi bớt vẻ căng thẳng, chị nhìn tôi, đôi mắt
to, hàng mi dài, có vẻ chờ đợi. Chị ăn bánh mì thịt, nghe. Đến phiên tôi lo thức
ăn trưa. Không, ngày mai mình ăn chay và cũng có thể cả lớp kéo nhau đi vẽ
phong cảnh ngoài trời. Sắp tới giờ rồi, về lại lớp học đi.
Chị
mang cái tên rất Huế, tôi nghĩ vậy: Phạm Thị Sầu Đông. Chừng như lại vấp sai lạc,
ở đây họ kêu bằng Sầu Đâu, nghe không hay, thô thiển tựa Mù U. Cây mù u và cây
sầu đông có mọc trên đường về nhà tôi, những sáng sương mù có khi tôi ngỡ là sầu
đông vừa đánh rơi nước mắt xuống vai áo tôi, ngấm lạnh một nỗi thổn thức không
đâu. Mạ tôi do trực giác hay sao đó đã chép miệng: Dạo ni mi như hoá thân làm đứa
khác, cứ lạc hồn lộn vía ba láp ba xàm. Cứ cà phê thuốc lá vô cho nhiều. Đổ hư!
Xét
theo đơn khai, tôi hưởng được học bổng toàn phần. Hằng tháng lên văn phòng ký
nhận một số tiền chỉ đủ mua hộp màu nước, đôi ba cây bút lông viết chì và trăm
ly cà phê chục bao thuốc lá, năm cái vé xi-nê, ăn tiêu lặt vặt. Nguồn trợ cấp
không mỏi mệt là cứ réo mạ mình để “hư” thêm. Tôi nghe chị Sầu Đông nói: Họ cho
hay, thời gian đào tạo dài bằng nhau, nhưng một người tốt nghiệp Mỹ Thuật thì tốn
kém gấp ba lần một kẻ ra trường Y. Tôi hỏi chị: Nghệ thuật có thực sự cứu nhân
độ thế không? Sầu Đông nhìn ra màu mây tím đang giăng qua bầu trời: Chắc là
không, thời nào hạng nghệ sĩ cũng đớn đau bởi sự phụ rẫy của lòng người, khốn
cùng trong những ngộ nhận. Lần đó, tôi nhớ tôi đã nắm lấy những ngón mềm mại của
chị và lần đó tôi cũng ước ao, giá mà mình học được thuật xem chỉ tay. Không
lâu, chị rút tay về thu trong một vạt áo dài. Vạt áo vẽ những cánh hoa không
tên do chính chị thử nghiệm bản vẽ đầu đời. Chị có thấy bức tượng Venus de Milo
bằng thạch cao đặt sau trường mình không. Nó tật nguyền cụt cả hai tay nhưng kỳ
lạ là nó hoàn chỉnh trong dáng đứng vượt ngoài khuôn mẫu. Không hẳn những thiếu
sót đã khiến chúng ta phải chịu cam phận trong bất hạnh. Chị Sầu Đông làm thầy
bói bất ngờ: Mai sau bạn sẽ thôi vẽ để viết văn.
Gần
cuối niên khoá, chẳng rõ do ý tưởng của ai khởi xướng, trường quyết định in ra
một tập san “Mỹ Thuật” bài vở chọn lọc, mẫu bìa màu tím than chữ đen do thầy
Đinh Cường trình bày. Dày 200 trang, những trang sau cùng có tôi đóng góp với
bài nặng phần nghiên cứu mang tên “Bích Chương (Poster) Và Thế Đứng Của Nó Ngày
Nay”. Dĩ nhiên tôi ký tặng chị Sầu Đông, không
khô nét mực khi nhận được cuốn đầu tiên. Trường có tổ chức ra buổi liên
hoan văn nghệ trước đêm Giáng Sinh. Theo trào lưu, sinh viên chơi nhạc của
Lobo, Bread, Carpenters và không thể thiếu mặt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ôm đàn
lên giúp vui. Mưa rơi ngoài trời làm bóng tối co lại, màu đêm mềm ra, đầy sũng
lạnh. Với sự rụt rè của kẻ qua sông luỵ đò, chị Sầu Đông không dấu mừng vui khi
nhờ tôi đưa về nhà trên chiếc Honda 50 phân khối vừa mượn được của đứa đang say
sưa gửi hồn vào tiếng hát. “Gọi người yêu dấu bao lần, ngẩn ngơ không nói thành
lời…” Ngoài hương hoa sứ rộ trắng lốm đốm bên tường rêu, tôi lại hít thở lấy
mùi thơm dịu ngọt từ cây Sầu Đông biết di động. Tôi lại đơm ước ao, giá như được
ăn phải bùa mê thuốc lú, khi ấy cả hai sẽ nhắm mắt hôn nhau dưới một vũ lượng dịu
dàng vây quanh thân, chúng sẽ dìu hai đứa nhập vào bản luân vũ của mưa đêm,
châm chích vào da thịt bao mũi kim hân hoan vô bờ, chết điếng, tắc thở, lìa xa
hiện thực. Ếch nhái bên hồ réo gọi. Chạy đi, cứ thoát ra khỏi cổng thành rồi
mình sẽ cho hay địa chỉ. Ra cổng Hiển Nhơn, chị Sầu Đông quàng một tay ra ôm thằng
tài xế chạy xe lảo đảo. Mưa không lớn, đủ để đưa tay vuốt mặt. Mưa chẳng to,
nhưng đủ để nhận chìm tiếng nói Sầu Đông trôi vuột ngoài vành tai. Hai đứa đều
mặc áo đi mưa và đã là mưa Huế thì chẳng có vật thể gì có thể can ngăn sự xâm
thực thật lì lợm của nó. Mưa ngoài trời và mưa cả trong lòng. Ướt gì thì ướt
nhưng phải giữ cho cuốn sách Mỹ Thuật thật khô ráo, đúng không? Sầu Đông nói.
Đêm nay chong đèn xem người nớ viết có đặng không.
Nhà
Sầu Đông nằm bên dòng Bến Ngự, khuất lấp, trồng nhiều cây lưu niên và lộng gió.
Mặc dù trời tối đen, tôi vẫn nhìn rõ một mặt sông đang cau có. Cám ơn hí. Sầu
Đông rời khỏi yên xe. Đôi mắt nhoè nước mưa trông như vừa khóc một trận lâu
nín. Đôi cửa sổ tâm hồn nhốt chặt lấy một diện mạo nhiều toan tính. Về đi. Ngủ
ngon. Sầu Đông quay lưng, lối đi có trải sỏi vụn và có thể cắm lên một tấm bảng:
“Coi chừng chó hiền”. Căn nhà đong đầy vũng tối, tôi tự đánh cược xem Sầu Đông
có ngoái đầu nhìn lui? Không. Một chuyển động như bị ma rượt. Tôi cố gắng, khổ
sở để thắp lửa được một điếu thuốc. Tôi loay hoay cố không cho mưa thấm làm
chóng lụn tàn một hơi ấm duy nhất, giờ này. Tôi nhìn số nhà, khắc ghi. Tôi biết
địa chỉ này rồi sẽ đón nhận những lá thư tôi chăm gửi về. Bến Ngự mê thiếp giấc
sâu chẳng vọng động một âm thanh. Chỉ có tiếng máy xe nổ, ngọn đèn đơn độc quét
lia trên hoang lộ dẫn về thành phố.
Rồi
tên bay đạn lạc thế mưa rơi phủ chụp xuống vùng địa đầu giới tuyến. Thuật ngữ ấy
luôn nằm trên trang nhất các tờ nhật báo phát hành tận Sài Gòn. Những chuyến xe
lặt lìa chất đầy các khuôn mặt ám nặng tử khí từ Quảng Trị đổ dồn xuôi Nam bất
kể ngày đêm. Trường học đóng cửa, chẳng buồn ghim vội một tờ giấy loan báo sự
tình. Tôi chạy qua con sông nhỏ “nắng đục mưa trong”, thực sự dẫm chân vào lối
đi rạo rệu những hòn sỏi trở trăn dưới giày. Rõ là coi chừng chó hiền, rõ là chẳng
một rào cản, rõ là muốn làm phường đạo chích cũng dễ như trở bàn tay. Sầu Đông
cùng gia đình đã di tản. Hai chữ này quá mới lạ trong vốn tự điển của chúng
tôi. Vì sao là di tản mà chẳng gọi là chạy giặc? Và rất khôi hài nếu bảo “giặc
đến nhà đàn bà phải đánh”. Vườn hoa vẫn trì chí nở bông, có nụ hồng lay lắc bên
tầm tay với, khoe thầm một đốm màu đỏ lẻ loi. Nó nhắc tôi nhớ về giọt máu loang
đi sai trình tự chu kỳ để thấm hoen vào vạt sau tà áo dài cuống quýt của Sầu
Đông. Tôi đã cởi cái sơ-mi ra cho Sầu Đông cột thắt quanh bụng và cúp cua giờ
anatomie thồ đi cái nhăn nhó vụng tính của người bị kinh nguyệt hành. Với mười
hai ống màu đầy đủ đi từ trắng tới đen, bạn không thể nào hoà được thứ sắc hồng
ngượng chín ửng lên trên gương mặt Sầu Đông lúc đó. Và tôi cũng nhớ là đòi lại
tức thì chiếc áo ấy mà không đợi chờ chính tay Sầu Đông sẽ giặt giũ qua, hôm sau
trả lại như lời đề nghị. Chiếc áo với đốm màu đã khô quắc, đã biến thành nâu
đen để khi nhìn ngắm tôi gọi đó là đoá uất kim hương.
Tôi
chưa bao giờ thấy mặt ngang mặt dọc loài hoa mang cái tên kiêu sa đến vậy. Tôi
biết chữ đó khi đọc một cuốn sách dịch từ nguyên bản Pháp văn tả về một cuộc
tình đầy khổ luỵ. Và tôi luôn yêu những thứ liên hệ tới nghiệt ngã, oan khuất.
Uất kim hương, nghe như một lời than van không đi tới cuối đường, mãi dây dưa,
chẳng siêu thoát. Hồn tôi cũng không nơi nương tựa, vật vờ cho đến một hôm,
trên chuyến tàu Thống Nhất chất người như nêm, thoi thóp những con cá trầy vi
tróc vảy, tình cờ tôi ngó ra một hình bóng chừng nhìn thấy ở kiếp trước. Kiếp
này trí nhớ con người đã mòn hao, lao lung bởi mắt quen nhìn một hoá hai hoặc nổ
đom đóm bởi bao ngược ngạo chỉ diễn ra tự thiên cổ. Quen quá, mà cũng xa lạ
quá. Một con chim bồ câu thúc thủ giữa đám lông vũ hỗn tạp nhặng xị quang quác
đè đầu cỡi cổ chuyện sinh tồn. Tôi để trí óc chạy đi hoang, nín thở chờ nghe
cơn gió thoảng vừa reo tên mình. Tàu lắc lư như kiểu vừa ôm một đoạn cong bẳn gắt
dưới chân đèo, tiếng còi vừa hú thoắt cái chìm trôi lui sau. Xao động vừa lắng
thì người ấy nhận diện được tôi. Quang gánh, đồ đoàn, kiện hàng, nồi niêu, gà vịt
là thứ biên giới mà tôi phải vượt qua. Bởi trong hai kẻ bị phân ly, tôi đáng là
đứa biểu tỏ sự gan dạ. Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Có đón nhận buồn tủi
ngỡ ngàng cũng phải hỏi cho ra lẽ. Vì sao và tại sao? Cớ gì và nguyên do? Răng
ri rứa. Nên tin vào duyên kiếp hay hoài nghi tới định mệnh? Tên mang có vận vào
người không? Chẳng phải mùa đông nhưng sầu thì vẫn hoài huỷ sầu, sầu mút mùa
xuân hạ thu.
Trước
mặt tôi là bức tranh lụa nhàu úa. Những gì liên hệ tới mỹ thuật đã chết chìm
sau hồng thuỷ. Người ta đang học lấy vạn điều xấu xa và để cứu chuộc, người ta
phải xiêu thân sống với hoài niệm. Chiếc áo bà ba sờn cũ, mái tóc dài đã cắt,
đoạn lìa trên vai gầy, da thôi trắng, năm ngón thôi búp măng, đôi mắt thôi long
lanh. Đôi mắt nhốt chật một vũng màu vụng pha, ngờ nghệch. Ngay cả hương mùi cũ,
khứu giác chừng như đã phản bội, phôi pha. Con tàu mãi lắc lư, nó muốn xúi giục
tôi phải bổ nhào vào nhân dáng tiều tuỵ ấy. Người ta đang bỏ công hô hào thể hiện
nếp sống văn minh và tôi đang tìm cách để gượng giữ sự thăng bằng. Nếu làm đứa
lạc hậu, tôi đã siết ôm lấy Sầu Đông? Ôm giữ tựa một cái phao luôn bị sóng nhồi
giữa vùng biển động. Có ngờ được không, tôi vừa ăn hết một gói xôi bọc lá chuối
giá năm hào? Tôi là phú ông tìm chẳng thấy thằng Bờm với quạt mo. Phải mà được
làm phú ông với ba bò chín trâu, tôi biết dâng hiến những gì cho Sầu Đông khi
nhớ về nắm xôi ngày nọ? Sầu Đông đã đoạn lìa với lối đi từng chọn, buông bút.
Mình biết vẽ gì khi giờ này chỉ rặt một thứ tranh cổ động, tuyên truyền và đầy
lọc lừa. Phi nghệ thuật, mình còn vẽ thì đồng nghĩa với thoả hiệp những thứ xấu
xa. Chị ấy nói, mình đã tập tành đóng vai một con buôn lê la mấy năm nay. Nhưng
cái phỉnh gạt của đứa chuyên mua đi bán lại e dễ thứ tha hơn việc vẽ vời đen
thành trắng. Từ hoạ sĩ biến thành con buôn, vách ngăn chỉ mỏng tựa một khung lụa?
Đâu có gì kiên cố? Ngay một guồng máy cũng bị sụp đổ!
Chị
xuống ở một ga xép. Tôi nhảy theo. Nhảy không toan tính. Sầu Đông bối rối, chừng
hoảng hốt. Làm chi rứa? Đi mô đó? Tôi đeo ba lô lên, tôi muốn kiếm một quán nước,
mời chị vào để kể nhau nghe sự nổi trôi của từng cá nhân. Mình đang buôn hàng
quốc cấm, không sợ bị liên luỵ à? Không. Tôi nói. Tôi muốn có một ràng buộc dài
lâu cùng chị, kể cả cùng ngồi bên nhau sau chấn song. Giờ đây thì tôi đã vững
tay, tôi có thể vẽ ra giấy khuôn mặt nếu chị ngồi yên. Để làm gì? Để khiến người
ta ghen tuông à? Tôi phát hiện là bàn tay trái của Sầu Đông có chiếc nhẫn vàng
tròng vào ngón. Đó là thứ chứng minh phiền hà về điều chị vừa thổ lộ? Phải tách
ra, họ bảo vậy, tới chiều anh ấy mới đến, đi bằng xe đò. Bạn có quen ai ở đây
không? Tôi nhìn quanh, trống trải. Trong gió hiếm, nó xô qua chút vị mặn thuỷ
chung của trùng khơi biển rộng. Không nghe tiếng sóng, nhưng hiểu được một bờ
bãi đầy lưu lượng muối xát nằm đâu đó, không xa.
Rất
tiếc là chúng ta gặp nhau không đúng thời điểm cũng như nơi chốn. Mình luôn
thương bạn, tin vào tình bạn, nên mình phải thú nhận, mình sẽ đánh liều vượt biển
đêm nay. Mình sẽ hôn bạn, thế một trao gửi yêu thương lần cuối. Hãy nguyện cầu
cho mình được bình an. Tàu hoả đã rời ga xép, hành khách đã tản mác tứ phương.
Ngoài kia là hai đường sắt luôn song song và Sầu Đông vừa cho tôi nếm được vị mặn
có trên môi nồng. Chị cởi chiếc nhẫn vàng đeo vào tay tôi. Hãy bán nó nếu bạn
túng quẫn, bằng không thì…
Tôi
chôn chân trên nền xi măng nham nhở găm nhiều vết lở. Tôi như một đầu tàu vô dụng,
một khối sắt đen đúa vô tri đơn thân giữa ga lạnh. Sầu Đông bỏ chạy như ảo ảnh,
như một điều không thực vừa ghé qua. Như thế, đời sống đã lấy đi hạnh phúc mong
manh sau cùng của tôi. Và kỳ lạ thay, bạn nhìn kho báu của mình dật dờ trôi xa
để thầm mong thứ vật bất ly thân ấy sẽ sớm gặp một bến đậu an lành, ngoài tầm
tay với. Tôi ngó quanh, thực sự chẳng biết đang toan tính gì? Đang chờ đợi điều
chi? Bóng chiều theo mây vừa trôi qua đỉnh núi, vẽ lên bầu trời những vệt màu bẩn,
nát tan.
HỒ
ĐÌNH NGHIEM
No comments:
Post a Comment