Friday, December 1, 2017

NGUYỄN ĐỨC SƠN & MỘNG DU TRÊN ĐỈNH MÙA XUÂN*



... Đã nói đến Nguyễn Đức Sơn thì xin nói cho đủ, cho hết - toàn diện Sơn. Số là Sơn là một người mà cá tính có phần là lạ. Các thân hữu, văn hữu đã gặp Sơn đều thấy Sơn là một người có tính chất phản kháng toàn diện - đến đỗi hỗn, đến đỗi khó chịu, đến đỗi kiêu căng...nghĩa là Sơn phủ nhận hết, phủ nhận đến cả cái lớn nhấtnhư cái đại nhất là cá vô cùng lớn không có gì bao, và cái tiểu nhất là cá cực nhỏ không có gì chứa.. của Trang Tử ! Chẳng phải tôi nói vậy là dùng hình ảnh cầu kỳ đâu. Cứ nói vậy là bà con mình hình dung ra hết. Nói một cách khác, Sơn tự phụ đến nổi ai là người thiếu chất - đúng : chất - cảm thông thì không thể chơi với người làm thơ được.
Đối với Sơn cũng như đối với những người như Sơn, người đời không chịu hiểu - vì xa người có chân tài họ quý, họ khoan dung cũng như xưa kia đồng bào đã từng quên cái chướng của Tản Đà - nhưng gần thì họ sợ, phải đón những "tĩnh từ" nặng trình trịch và ngang phè phè... Kẻ viết bài tham luận văn nghệ tên là Tam Ích cũng đã là "nạn nhân" của Sơn một đôi lần,.. Nhưng riêng tôi , tôi hiểu Sơn , thương Sơn hơn vì Sơn là người bị thương - người bị thương, thương người bị thương - còn chuyện hỉ nộ khen chê ấy à... chuyện sắc không trong càn khôn...ấy à...! Hiểu cho nhau: bớt được cho nhau, cho mình và cho người bao nhiêu tan vỡ - đời bớt xót thương vào những ngày mai sau và xa xăm khi tính sổ nhân sinh ở cái tjời da mồi tóc sương của con người.. phải chăng Sơn? Thương Sơn - ngoài ra tôi mến Sơn vì Sơn là chân thi nhân.
Và muốn hiểu Sơn phải viện đến Frued - phân tâm luận. Chỉ có Frued . Chỉ dùng lăng kính phân tâm mới ít nhiều hiểu được Sơn và hiểu nổi Sơn. Sơn trẻ , Sơn đã theo học đại học Văn Khoa rồi, Sơn ý thức tài mình.. Sơn nằm mộng ban ngày - rêve éveillé - mà thành thơ: thơ Sơn là chất liệu nghệ thuật mượn ngõ tiềm thức để thành thi ngữ và thành âm thanh - có thể nói là để " thăng hoa" . Sơn là người văn nghệ hướng nội ( introversion) và xử thế như một trẻ thơ..
TAM ÍCH
(Trích Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn, một thi nhân của thời đại)

Đọc thơ anh tôi tỉnh lại.
HUY TRÂM
Tác giả Những Vầng Châu Ngọc Trong Thi Ca Hiện Đại
( Trích thư, mất trang đầu nên quên ngày tháng)

....Nhưng kinh khiếp nhất đối với tôi là những câu:

Năm mười bốn có lần anh ngó thấy
Em nằm truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong đêm vừa thức dậy
Khắp bầu trời ướt rượt cả lông măng
(Nhất Nguyên)

Cái thế giới ấy của Nguyễn Đức Sơn hình như còn cũ hơn thế giới chúng ta đang sống, nhưng chúng ta bị mê hoặc điên đảo, tưởng chừng như mới khám phá lần thứ nhất trong đời?
ĐÔNG TRÌNH
( Trích Khởi Hành số 103 ra ngày 6-5-1071)

...... Lại vừa nhắc đến Huy Cận nữa ! Chúng ta có vẻ chú ý quá nhiều đến chổ giống nhau giữa Nguyễn Đức Sơn và lớp người trước. Thật ra, không ai có bản sắc riêng rõ rệt và có cá tính mạnh mẽ bằng anh. Bản sắc và cá tính có nhiều dính líu đến thời đại này.
Hầu hết những ai bắt đầu xun xoe vào làng văn đều muốn tỏ ra khác người, nghĩa là ngông nghênh. Để có thể tha thứ những bậy bạ hư hỏng ở một kẻ nào, ta tắc lưởi kêu: hắn trót có " tí máu văn nghệ" trong người. Trong đám văn nghệ với nhau, thì nhố nhăng nhất phải thú thật là những chàng thi sỹ. Một nhà nho như ông Tản Đà mà để cho xứng danh thi sỹ cũng làm trò con nít : gửi thư lên chị hằng, gánh thơ đi bán chợ trời.v.v.. Còn Chế Lan Viên thì thấy trăng sáng vội kêu:
Ta cởi truồng ra, ta cởi truồng ra

Nguyễn Đức Sơn không cần phải làm như thế. Hãy xem cốt cách của anh: điềm nhiên giản dị biết bao:

Đầu tiên tôi thở cái phào
Bao nhiêu phiền não như trào ra theo
Nín hơi tôi thở cái phèo
Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không
Sướng nên tôi thở phập phồng
Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm
Mai kia này chổ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru
( Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển)
Cứ thế anh thở "đủ kiểu" . Rồi qua một bài thơ khác anh lại " khoái trí nằm thở nữa".
Một đàng cố gắng làm ra lạ đời nên phải cởi truồng, phải chọc Trời, ghẹo Trăng cho to chuyện, một đàng vốn có bản lảnh tự nhiên nên chỉ nằm nhà mà thở cũng đủ độc đáo chán. Trong thơ, đã có mấy ai nghe những tiếng thở cái phào, cái phèo ngang tàng như vậy. (Nhất là đọc cho đến hết bài " Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển" đó ta giật mình thấy đó không phải là cái ngông vô cớ, không ngờ những hơi thở ấy lại đưa ta đi xa như thế)...
VÕ PHIẾN
(Trích Bách Khoa số 238 ra ngày 11-2-1966)

*Nguồn: Facebook Nguyễn Thanh Châu

No comments:

Post a Comment