Monday, December 4, 2017

'THỨC GIẤC'. ĐỌC BẢN THẢO THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ


Nguyễn Thánh Ngã

Bông tường vi trong vườn vẫn nở

   Đọc: "Giữa đêm/ thức giấc/ giữa ngày", như cái hang hun hút. Tôi trôi tuột vào đó như cơn mơ huyền mặc. Thơ ngắn ư? Sao ngươi dài quá vậy?
   Người bị cuốn trôi vào đó không có đường ra. Quả thật, cõi Đào Nguyên của thơ không dễ mở cửa cho người.
   Cánh cửa "Vô môn" ấy chính là công án thiền của Đỗ Nghê.
Giữa đêm, cái thức rơi xuống một địa tầng khác. Cõi ấy là giữa ngày. Ta ngô nghê ngỡ là thực, nhưng cảnh giới ấy có khi đã...ngàn năm!
   Hành giả chợt hoát ngộ.
   Và cơn mộng...

Sóng quằn quại/ thét gào/ không nhớ mình là nước...
 
 Ta chính là con sóng trườn qua cơn mộng ấy...quằn quại khổ nhục, thét gào vô vọng chính vì không hiểu mình là gì!
   Đau đớn thay phận sóng. Câu than vãn nào hơn thế, hỡi nước?
Quyền năng của thơ là hãy thức dậy cái phận chữ bèo bọt...
Tôi muốn nói đến thơ ngắn của Đỗ Nghê làm sụp đổ mọi hệ lụy, mọi bến bờ thành quách...
Đừng hỏi, vì ta không nỡ hỏi:

Nước từ đâu đến
Nước trôi về đâu

Và đừng lý giải, vì ta không biết lý giải:

Từ con suối nhỏ
Từ dòng sông sâu
Từ khe núi lở
Từ dưới nhịp cầu
Từ cơn thác lũ
Từ giọt mưa rơi

Bởi tất cả chỉ là trò đùa trong một con chữ đìu hiu:

Con đường xưa đứng đợi
Ta làm chi đời ta...

Con đường xưa tạo nghiệp. Ta đã đi, và ta đã tạo tác. Từ u mê đến các vọng nghiệp. Ngỡ như không mà tràn đầy các pháp. Ta lạc chốn Đào Nguyên mộng, khó bề trở lại, thì đành rằng:

Sông ơi cứ chảy
Chảy khắp châu thân
Chảy tràn ra mắt
Chảy vùi bên tai

Ôi! Xác thân ta là một dòng sông, nước tứ đại chảy ra nhãn nhỉ tỷ thiệt thân ý... Rồi thấy biết:

Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình

Vâng, "thấy biết" là cách nói của Đỗ Nghê thi sĩ, khi con mắt nghệ thuật trộn lẫn với cái nhìn đạo pháp:
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau...

Trong tinh thần vô ngã, thấy biết chẳng phải của mình. Một hơi thở có thể chạm tới cả nghìn năm sau. Đó là cái nhìn giác ngộ:
                     
Tham chẳng còn
Sân cũng hết
Si đã tuyệt

Nhưng cuối cùng rồi:
Niết bàn
Tịch diệt
Để làm chi?
 
Pháp nhãn tạng nào cho chúng ta thấy Niết bàn, thấy tịch diệt? Và câu hỏi lớn đã ra đời: Để làm chi?
  
Chúng ta hỏi Để làm chi suốt cả hai ngàn năm rồi. Và để làm chi không có câu trả lời. Như một công án mở, câu trả lời chỉ để làm cho chúng ta, những con mắt trần gian thức giấc...
                                 
Đà Lạt tháng 11.2017
N.T.N

1 comment: