Saturday, December 16, 2017

UỐNG VUI VIẾT CHƠI


Hồ Đình Nghiêm

 Tim Horton

Trong truyện Kiều, phần mở đầu nhằm giới thiệu gia đình họ Vương, thi hào Nguyễn Du có hai câu:

“Đầu lòng hai ả tố nga
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân” 

Mình thuộc loại hán hẹp nên chẳng rõ nghĩa hai chữ tố nga. Đồ rằng ấy là mỹ ý, như kiểu ngày nay chồng nở mũi khoe: Ừa, vợ chồng tao có được hai o công chúa, cưng lắm lận! Hán hẹp có cái bất tiện dzậy đó, cứ đoán mò!

Bù trất tố nga nhưng lạ gì Tố Nghi (cũng không hiểu mô tê về mỹ danh này). Ở cùng một phố thị người đầu sông Saint-Laurent kẻ cuối sông, cách trở một vài cái cầu ba cẳng, chưa hữu duyên để ngó ra “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” nhưng vẫn vô duyên vụng trộm nhìn thấy mỗi khi đi bát phố. Phố hiện ra nhưng dường vẫn khói sương? Ảo mộng ấy mang tên Phố Văn.

Lu bu công chiện, có lẽ dzậy nên chế Tố Nghi hổng mấy khi ghé lợi Phố Văn. Rứa mà hôm qua trở trời, ba chừng bảy đỗi mình chộ Tố Nghi rậm rật đi kéo ghế cùng một cô em bạn dâu người Huế (bún bò) cọng thêm một cô em bạn dâu Bắc kỳ 9 nút (phở). Lạ, đâu mà có lắm cô em bạn dâu thế nhỉ? Mà cô em bạn dâu là răng? Cái ni mình cũng dốt đặc cán mai!

Lần này chị Tố Nghi không giới thiệu phim ảnh cho mình xem, chị nói tới chuyện chí tử: Ăn. Ăn chơi, ăn thiệt. Mình cũng thuộc loại “thực bất tri kỳ vị”, mỗi khi đi nhậu cùng anh em đều bị huynh đệ rầy rà chuyện kiêng cử. Thằng nầy nhà quê bỏ mẹ, chim cút mà chê ư? Thử đi, ngon nhức nách. Cho em nhờ tí, thử mang lại nem chả tré xem, tớ phá mồi cho bỏ ghét.

Trong cõi ta bà của internet, có người lập trình một công thức gọi là sống lâu trăm tuổi. Mình xin ghi lại để có cớ mà hầu chuyện cùng chị Tố Nghi. Bản đúc kết ấy như sau:

Hãy ăn sáng y như vua chúa
Hãy ăn trưa tựa một đại gia
Hãy ăn tối như một đứa ăn mày.

Người ta từng có 3 không, nay chúng ta có 3 hãy. Mình thì có một chút xíu thắc mắc, thời giờ đâu mà trong ngày anh xơi những ba bận? Sơn hào hải vị kiếm đâu ra khi gà vừa gáy sáng? Giấc trưa anh có muốn làm đại gia thì mặc xác anh, dễ như trở bàn tay; nhưng bắt anh làm thằng ăn mày đói khổ khi hoàng hôn rút đi thì rõ là bóc lột anh quá. Chèn ép một cách không khoan nhượng. Cứ nhìn vào số đông mà luận, ai cũng đợi cuối ngày về chung bữa cơm gia đình, sự ấm cúng là dược pháp làm hạnh phúc được bôi keo khắn khít. Ấm cúng của hạnh phúc tiên quyết phải hội đủ “chồng chan vợ húp cả nhà khen ngon”. Có nghĩa là bữa cơm chiều nếu chẳng được là cơm cung đình thì chí ít nó phải vượt trội thức ăn của mấy kẻ homeless. Giời ơi, anh đi cày suốt ngày mệt chết cha mệ nội mà chiều về em hổng tẩm bổ cho anh chút gì ráo trọi. Rứa thì nửa khuya đừng hối thúc anh trả bài, nhớ? Hạnh phúc lung lay thấy rõ. Hai cô công chúa hỏi phụ thân: Papa có ưa ngốn Mc Donald’s không? Đưa tiền con chạy ù đi mua. “Đầu tôm đem nấu canh bầu, dọn ra cả buổi mặt rầu nhác ăn”. Được bao nhiêu chất đạm? Trong khi hamburger thì chứa tới 325 calories. Ai cũng quở lóng rày sao mặt anh choắt lại chỉ bằng trái cam! Hú hồn, may mà nó còn vị tình, chứ vui miệng nó ví bằng trái chanh thì chết một cửa tử! Hổng đùa đâu nghen.

Suy ra mình gần như chỉ biết ăn chơi (không sợ tuyết rơi). Ăn chơi, chữ này có tới hai ba nghĩa khác nhau, xin đừng nói mình “Thằng đó thuộc tuýp ăn chơi cầu ba cẳng”. Rất dễ sứt mẻ tình hảo hữu giữa song phương. Ăn chơi này là trái chiều với ăn thiệt. Ăn thiệt là ăn cho có, óc ách khó tiêu, trong khi ăn chơi lại mặn mà (có duyên), thanh cảnh nhưng bắt mồi, ăn sương sương dễ tiêu mà nhỡ quên đánh răng ba ngày mồm vẫn thơm những gì dính kẽ răng. Phàm phu tục tử mới ăn cho bõ những ngày cơ cực trong khi quân tử thực bất cầu no. Và đồ chừng từ hồi nào tới giờ tuổi thọ của hạng tiểu nhân cao gấp đôi đứa chính nhân quân tử. Bởi thế mới đẻ ra câu: “Trong phim ảnh bao giờ chính cũng thắng tà, trong khi ở ngoài đời bọn ác ôn đều thống lĩnh các mặt trận”. (Thặc hăm thệ tin nội!)

Nói tới phim ảnh mới nhớ là mình vừa xem được một cuốn phim hay, mách cùng chị Tố Nghi. Phim mang tên “Frantz” của đạo diễn Francois Ozon. Bối cảnh sau thế chiến lần thứ nhất, sinh hoạt một gia đình ở thành phố Đức có đứa con trai duy nhất tử trận bên Pháp. Họ có cô con dâu, mỗi lần ra thăm mộ vị hôn phu, cô ta đều nhìn thấy một thanh niên đứng gục đầu thành kính… Mình không nên sa đà khi biết là cách thuật chuyện sẽ không được như chị Tố Nghi, làm cụt hứng bà con.

Chỉ biết đây cuốn phim hay, sâu sắc, nói về sự tác hại lây lan của chiến tranh. Chứa trong đó lòng tin yêu, hối hận, sự toan tính bội phản, vị tha, tin tới tình yêu sẽ xoá được hận thù. Muốn tìm thấy an lành buộc lòng bạn phải dối gạt. Dối gạt bản thân và lừa dối những người thương yêu. Cô gái trẻ đẹp đi thú tội, người ngồi trong buồng tối nói vọng ra, giọng già yếu: Cha hiểu lòng con, chỉ duy một cách ấy thôi và cha tin rằng Chúa sẽ vực con đứng lên, giúp con bước đi trên những xấu xa của lọc lừa không thể lựa chọn.

Một tác phẩm hay. Làm nhớ lời của nhà văn Jean D’ormesson: “Si j’étais tout à fait heureux, si tout était parfait, je n’écris pas. J’écris parce que quelque chose ne va pas. Mais quoi? Je n’en sais rien”. Ý tưởng này không khác mấy so với lời của André Gide: “Với những tình cảm tốt đẹp, người ta sẽ làm nên những cuốn tiểu thuyết dở”.

Bên Mỹ người ta chuộng Starbucks, ở Canada đa số khi vào ngồi quán cà phê bánh ngọt họ chọn Tim Hortons. Đơn giản quán ấy chủ trương, cà phê phải luôn tươi mới. Họ đổ hắt bình cà phê thừa chỉ sau 10 phút chẳng tiêu thụ hết. Quán đông, một phần vì giá rẻ so với các thương hiệu khác. Vì các yếu tố trên nên “bao giờ cũng có một đám bô lão Việt” tùng tam tụ tứ. Mình thuộc loại “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” nên không mấy khi xô cửa đi vào Tim Hortons. Cà phê ở đó chẳng hợp tạng mình. Không nên uống chơi, uống là phải uống thiệt. Đậm đặc, đen thui. Một vá cà phê bột đầy vun đưa vào máy lọc, nó “đái” ra dung tích chứa vừa hột mít, hoặc bằng trái chanh. To như cam, bưởi thì còn gì là cà phê nữa giời! Muôn đời cà phê không là thứ dùng để giải khát. Nó là bạn đồng minh, giúp mình vật lộn không mỏi mệt với chữ nghĩa. Giúp mình trắng con mắt để ngồi thu lu xem phim, đờ đẫn theo “Frantz” chẳng hạn.

Cà phê có một ưu điểm khác (giờ này trong cẩm nang sống lâu trăm tuổi cũng khuyên bạn chớ phụ rẫy người tình cà phê), nổi trội là chất kích thích ấy giúp bạn mơ mộng. Mình mơ mộng, cực chẳng đã vào ngồi trong Tim Hortons, vác mặt ra dòm ngoài cửa kính có tuyết rơi nhẹ để bất ngờ thấy dáng ai như chị Tố Nghi vừa lướt qua. Người Nam có phương ngữ rất đắt: “Ngó dzậy mà hổng phải dzậy!”. Hẹn nói chơi nói thiệt dịp khác. Giáng Sinh chẳng hạn, với điều kiện thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp vị tình, mặt thôi nghiêm và buồn.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

No comments:

Post a Comment