Friday, October 14, 2011


TẢN MẠN
bên tách cà phê

Nhớ Hà Thượng Nhân

Nguyễn Xuân Thiệp


Ông đã đi sao
sáng nay trời garland mưa thưa
tôi khóc ông
và nhớ
cây ngọc lan trước sân nhà thơm ngát. chỗ ta ngồi uống rượu. nhậu thịt cầy
với hữu loan thanh tâm tuyền tô thùy yên nguyễn trung dũng
nơi gần nhà thờ ba chuông
tôi tới thăm ông
trên gác thơ
dáng ông ngồi. như thú dữ chờ trăng
khi tiếng sấm từ chân trời vọng lại
màu tím
hà thượng nhân


   Trước 1975, tôi không quen Hà Thượng Nhân, chỉ biết tiếng ông. Dạo ấy, thỉnh thoảng tôi có đọc
những bài thơ trong mục Đàn Ngang Cung của báo Tự Do. Ông làm thơ thật dễ dàng, giọng điệu hóm hỉnh đôi khi cũng khá độc. Nhớ lại chính ông đã viết nhạo Thanh Tâm Tuyền và thơ tự do để rồi sau này đều là bạn. Vâng. Phải đợi đến khi vào tù tôi mới gặp được Hà Thượng Nhân. Đầu tiên ở ga Hạ Lý, Hải Phòng. Sau ba ngày ba đêm trên tàu Sông Hương, nín đái nín ỉa, tới Hạ Lý chúng tôi được lùa vào một cái hangar lớn, ăn ngủ ở đó, chiều ra tắm vũng trâu đầm. Một chiều, tôi ngạc nhiên thấy một người mặc bộ bà ba màu nâu, ngồi giữa đám đông anh em trẻ, nói chuyện say sưa như sư giảng kinh. Hỏi ra mới biết là Hà Thượng Nhân, người nổi tiếng “thơ ngang Tào Thực” lúc còn là cậu học trò ở Huế.  Ông từng là giám đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn, và là chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến. Trong buổi chiều Hạ Lý, ông nổi bật với dáng người cao lớn, thật đẹp. Đúng như Viên Linh tả “Dáng người thẳng băng, lưng dài vai rộng, giọng ông lớn, tiếng ông khỏe, ý kiến ông đưa ra thường là độc lập, dứt khoát, không ở cái khoảng nửa tối nửa sáng bao giờ.” Tôi muốn được nói chuyện với ông, nhưng đông quá, đành thôi. Rồi tôi gặp lại Hà Thượng Nhân ở trại Thanh Chương, Nghệ Tĩnh.
   Nhớ lại những ngày ấy, khoảng năm 1980-1981, lòng còn rộn lên bao ý nghĩ và cảm xúc hỗn độn. Trại có tường cao xây bằng đá núi vây quanh. Buổi chiều tới trại, nghe tiếng chày vang dội khắp nơi, tưởng là tiếng đập lụa trong thơ Đỗ Phủ, hóa ra tiếng chày anh em giã bắp. Nguyên do: bắp nấu trại phát cứng quá, nhai không nổi, phải giã ra cho nát để nuốt. Trước khi tới trại thì ở đây đã có nhà thơ Hà Thượng Nhân và một số văn nghệ, trí thức khác của miền Nam. Dạo ấy, tôi mới tới được bổ sung vào đội thợ xây, ngày ngày đi xây tường, làm nhà. Một buổi chiều chủ nhật, Tô Thùy Yên và Xuân Bích đưa Hà Thượng Nhân sang chơi phòng tôi. Nhân có một gô trà nóng và ít bưởi bòng do đổi chác linh tinh ở ngoài trại mang về, chúng tôi có được những phút giây thư giãn, chuyện trò hào hứng. Dịp này, tôi đọc thơ cho Hà Thượng Nhân nghe, và ông đặc biệt thích bài Thảo Nguyên, đi đâu cũng mang bài thơ theo trong túi. Một hôm, cán bộ trại mở cuộc bố ráp, kiểm tra hành lý của tù. Một tên xét túi ông Hà, bắt được bài thơ Thảo Nguyên, quát hỏi: “Thảo Nguyên là gì?” Ông trả lời không chút sợ hãi: “Thảo Nguyên là thảo nguyên.” Tên này đọc bài thơ nhưng hình như không hiểu gì bèn lớn tiếng hỏi: “Anh làm thơ hả?” Hà Thượng Nhân: “Vâng, tôi làm thơ. Thi sĩ là nghề của tôi.” Thế đấy, con người Hà Thượng Nhân, không tham phú quý, không cúi đầu trước bạo lực. Mà có thể nói, kể từ khi về Thanh Chương, chúng tôi đông và đoàn kết nên không sợ chúng nữa. Đặc biệt, một số anh em đâm ra yêu thơ, nhờ đó mấy ông làm thơ chúng tôi bỗng lên giá và được chiều chuộng cực kỳ. Mỗi khi có thơ hay là được thưởng. Không nhiều, một cục đường, vài bi thuốc lào, có khi được điếu pallmall. Một buổi trưa, sau khi đọc bài Ánh Trăng của tôi, Hà Thượng Nhân xách qua cho một lon gô chè đậu xanh, nói là biếu thi sĩ bồi dưỡng. Làm sao tôi quên được những thâm tình ấy. Ông Hà Thượng Nhân ơi!
   Rồi những ngày ở Sài Gòn sau khi ra tù. Chúng tôi thỉnh thoảng lại gặp nhau. Thường là ở nhà ông, hoặc trên gác nhà Nguyễn Trung Dũng có trồng cây bông sứ thật đẹp, đôi khi ở nhà Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên hoặc nhà tôi bên bờ sông Thanh Đa. Chính ở nhà ông, tôi gặp Hữu Loan và viết bài Kẻ Sĩ Nga Sơn. Dạo ấy Hiếu Chân Nguyễn Hoạt còn sống, có khi chúng tôi kéo nhau qua Làng Báo Chí thăm Nguyễn Đình Toàn, nghe Toàn đọc thơ Động Đình Hồ Nguyễn Hữu Nhật, bài Tự Do Tự Do. Có một dạo ông bị gout thật khổ sở vậy mà vẫn ngồi dịch Ly Tao của Khuất Nguyên. Gặp bạn tới chơi, bèn bật dậy đọc thơ sang sảng. Ông ngồi như thú dữ chờ trăng. Lời tôi viết tả ông ngày ấy còn in trong tim óc.
   Sang tới Mỹ, tôi có lái xe lên San Jose hai lần thăm ông và các bạn. Lúc này ông không còn khỏe nữa, tuy nhiên trí óc vẫn minh mẫn. Năm 2010 vừa qua, hai vợ chồng tôi mua vé máy bay đi Cali, định thăm ông anh rồi thăm Nguyễn Mộng Giác và thăm ông. Nhưng rồi công kia việc nọ lại thêm bệnh tật, phải bỏ vé máy bay. Năm nay cũng tính đi nữa, nhưng bây giờ đã giữa tháng 10 rồi và ông đã không còn. Trời đất mang mang, lòng người như có sấm chớp. Ông Hà Thượng Nhân ơi!
   Nhớ lại, cách đây hơn nửa năm, nhân viết Tiếng Dế Và Ánh Trăng, tôi đã mở đầu với hình ảnh Hà Thượng Nhân (ông là người đã viết tựa cho tập truyện Đêm Nằm Nghe Dế Gáy của Nguyễn Trung Dũng):  
   “Hà Thượng Nhân là nhà thơ, cựu giám đốc đài Sài Gòn và nhật báo Tiền Tuyến. Ông được xem là một nhân cách đáng kính đối với kẻ sĩ miền Nam thời trước. Gần đây, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm từ San Jose gọi điện cho biết: dạo này ông Hà -đã ở tuổi 90- lúc nhớ lúc quên. Có hôm vào 6 giờ sáng, ông gọi Vũ Đức Nghiêm rủ đi ăn phở. Nghiêm nói giờ này tiệm phở đâu đã mở cửa, đợi sau 9 giờ rồi rủ thêm vài ông bạn nữa cùng đi. Nghe vậy, Hà Thượng Nhân nói: Nếu sau 9 giờ thì sẽ có thêm nữ sĩ Huệ Thu. Trước khi đi, Vũ Đức Nghiêm gọi cho Huệ Thu thì được biết vụ đi ăn phở là vào sáng mai lận. Một hôm khác, vào lúc nửa đêm, Hà Thượng Nhân gọi bảo sẽ đưa cho Nghiêm bốn ngàn để Nghiêm tìm cách giúp đài phát thanh Tân An. Ông Hà nói đài này hay lắm, nên giúp đỡ. Vũ Đức Nghiêm bèn giải thích: Đài Tân An là cách đây 40 năm lận, bây giờ đâu còn nữa. Nghe câu chuyện Nghiêm kể, tôi hết sức cảm động và thương cho tấm lòng Hà Thượng Nhân.”  
   Ngồi đây trong một chiều phai nắng, nhắc lại những dòng đã viết, lòng không khỏi bồi hồi. Chúng ta sống và nhìn bạn bè ra đi… Hỡi ơi, Hà Thượng Nhân.
Garland, ngày 12 tháng 10. 2011
NXT

No comments:

Post a Comment