Lưu Na
Chàng Phí
Tĩnh vật Nguyễn Trọng Khôi
Trương Vấn có lần tri hô, chàng Phí vẫn còn mang theo mình
những lỗi chính tả Bắc kỳ chính hiệu. Mà
thật là như vậy. Chẳng những chàng mang
theo mình lỗi chính tả của một thời, mà mang luôn cả vào chữ viết một làn hơi
một giọng nói, của những ông già Bắc “cực kỳ,” Bắc thuốc lào sang sảng dùng
nhiều chữ trẻ ranh không biết đâu mà lần.
Chữ của chàng có cái giọng lanh lảnh rổn rảng, ngoa ngoắt (xin cụ thứ
lỗi), một chút (có vẻ nhiều hơn một chút rất nhiều) mỉa mai và kiêu kỳ của cái
thuở rất xưa rồi mà mình chỉ tìm thấy trong văn bản.
Chàng là ai? Mình
chịu không biết được. Chỉ là khi Trương
Vấn hân hoan khoe bạn mới, bạn rất ly kỳ, thì cả mình và T.Vấn đồng thanh kêu
“chàng Phí.” Và mới hỡi ơi ra cái sự dốt
của mình những khi đọc chàng. Chàng biết
nhiều và viết nhiều, nhiều lắm, như cái kho biết không cạn nên bồ chữ không
vơi. Chàng đọc suốt từ xưa đến nay, từ
sách cho đến các trang mạng, từ các webs, blogs của bọn trẻ thời nay đến những
“tàng kinh các” của những văn nhân thời một ngàn mấy trăm hồi đó…
Những cái chàng biết và chia sẻ một cách chua ngoa mỉa mai
rất quý, nhưng mình thấy quí nhất là cách chàng viết, cái tài riêng của chàng:
xỏ sâu mọi thứ kiến thức trong những lãnh vực khác nhau vào thành một chuỗi
bằng cái giọng của riêng mình. Có nhiều
khi mình lạc bước, mình bị rối beng thần kinh vì những chữ chàng dùng. Nó xưa và có hẳn một nghĩa riêng biệt mà muốn
hiểu cụm chữ đó, con chữ đó, chẳng những phải hiểu nghĩa từng chữ mà còn phải
hiểu nguyên do từ đâu ra chữ đó, biến thái ra sao… rồi mới hiểu chàng muốn nói
gì ở chữ chàng viết xuống. Tựa như khi
đọc Chinh Phụ Ngâm. Nhưng Chinh Phụ Ngâm
là chữ Hán Việt và điển tích nên mới phải trích ngang, chứ chữ của chàng chỉ là
thuần Việt. Mà nào phải một vài chữ lẻ
tẻ, đôi câu văn lác đác. Nó là chàng, là
cả bài viết của chàng, mọi bài viết của chàng.
Thoạt tiên mình hỏi ông anh T.Vấn, nhưng vài lần rồi thôi, cho qua
phà. Vì nhiều quá hỏi sao cho hết, mà
đang đọc ngon trớn không muốn dừng lại ghi note tô màu gì cả, mất hứng. Cứ ráng hiểu được bao nhiêu thì hiểu, thú
được bao nhiêu thì cứ xem.
Nhiều lúc cái tôi của chàng nó đè cái điều chàng muốn
nói. Như nói chuyện cà phê cóc, hàng
quán xưa đầu đường cuối ngõ… Cái kiêu
bạc bất cần oang oang của chàng nó đè hương cà phê lãng đãng của một thời sinh
viên kính to tóc dài honda dame. Nó đè
hương cà phê dìu dịu buồn tênh mà những người phong sương khói súng về thành
phố để tìm, mong dấu chút hồn lẻ loi vào hương dĩ vãng. Hay khi nói văng mạng (lại phải xin lỗi cụ)
về phở, chàng ngông như Tản Đà và bất cần đời hơn lính, mình thấy được Toan
Ánh, thấy được dĩ vãng xưa, nhưng không nếm được nước béo hành trần. Về cái ăn, có lẽ thịt cầy là món hợp với
giọng chàng nhất, đặc trưng như mắm tôm riềng mẻ. Mình cũng phải tốn 2 đồng rưỡi mua một miếng
riềng về ăn mới thấy riềng nhất định không phải là gừng non như chàng nói. Chắc mình đọc sai, hiểu lầm chàng rồi.
Nhưng chàng nói đúng hay sai, hay hay dở là chuyện để các
bậc văn nhã bàn. Mình chỉ cần biết,
chàng cho mình cái thú đọc, và ngạc nhiên.
Mình chỉ cần biết, những ghi nhận đóng góp của chàng về những gì đã đọc
đã nghe đã biết là những điều rất nghiêm cẩn và thiết tha. Đọc chàng là đọc kiến thức lẫn tồn nghi, chữ
của Nguyễn hiến Lê, là đọc một con người một văn hóa riêng song song với cái
nội dung muốn chuyển tải, phần nhiều cũng là văn hóa, một thứ văn hóa bác học
gói trong cách nói bình dân. Vậy nên bây
giờ mình ưng luôn cả những lỗi chính tả rất Bắc kỳ của chàng, và cảm ơn ông anh
đã để as is, vì mình đọc chàng và “thấy”
được, literally, người xưa. Trước kia
nếu học văn chương văn hóa sử dù là bậc trung học hay bậc đại học mà nếu có ông
thầy như chàng Phí không chừng mình đã đậu 4 bằng tú tài, đôi ba cái cử nhân
rồi, không như bây giờ chỉ có nửa mảnh bằng Việt cộng (rất thân thương à nha). Muốn mượn chữ của Thế Giang Thằng Người Có
Đuôi mà thưa: lạy chén rượu lậu. Những
chữ này thật tình là không chắc hiểu đúng nghĩa, nhưng âm vang thật hay và với
mình dường như chính xác với chàng Phí.
Chợt giật mình, mình có lậm cái giọng của chàng không
vậy? Phải mau lui bước.
Lưu Na
10/24/2011
No comments:
Post a Comment