Monday, October 3, 2011


Phan

Thuyền lá


 
   Cứ lo trốn nóng trong nhà, một hôm khung cửa mở ra thu về. Những giọt mưa trong veo trên lá úa, mùa thu đã về tự đêm qua, không gian còn dư hương mùa hạ trên đoá hồng ướt lạnh sương khuya. Mùa thu đáp xuống thảm cỏ làm màu xanh héo hon; vương trên cành lá thâm kim muộn phiền. Mùa của hoài niệm nhiều hơn nghĩ tới tương lai nên mây thấp trời gần; nắng cũng chóng phai bên hiên thu vàng võ con sóc ngẩn ngơ đi tìm dĩ vãng…… Thầy nhạc ngồi đếm tuổi thơ đi của cô học trò năm xưa, người gọi ông vô tình như những bước chân bước vào đời ông năm xưa. Cô bé có mái tóc thắt bím, gương mặt thiên thần. Đôi mắt đen láy, cứ lom lom nhìn vào trong cái thùng đàn ghita. Ông hỏi: “Trò định tìm cái gì trong thùng đàn mà không lơi mắt?...” Cô bé trả lời: “Em sợ con gián trong đó chui ra.”…
   Tiếng cười ngây thơ như nắng lụa Sài gòn của cô bé đậu trên áo mẹ, ông thầy nhớ thiết tha đôi mắt thật buồn của người mẹ dẫn cô đi phố hôm xưa, họ là vợ con của người bạn ông; người bạn hào sảng nhất đời ông; người bạn không may đã thành thiên cổ trên đường vượt biển; để lại vợ con như bản cáo trạng một chế độ áp bức người dân đi tìm con đường sống trong cõi chết. Thực ra thuở ấy, ông bất tài, không tiền, cũng là cái dở trong cái may; không tiền nên không mất mạng trong những cuộc vượt biển như bạn bè giỏi giang. Đương nhiên cũng có người vượt qua được biển cả để thành công; cũng có người thất bại khi định cư trên nước thứ ba.

   Thời gian coi vậy đã mấy chục năm dài, lần gặp mẹ con cô bé trên phố bất chợt, nhưng đã như một định mệnh dài lâu. Những gì còn lại của tình bạn hôm ấy đã gian lận tình yêu thầm kín trong thầy nhạc, ông bảo vợ người bạn đưa con gái đếp lớp dạy đàn của ông, ông sẽ dạy nó miễn phí, còn bé quá thì cho học mandolin trước. Việc nó có học được gì không, xin đừng trách ông… Ông thầy nói rồi hối hận mãi về lời lẽ ích kỷ nhưng mặc áo bao dung của mình khi nghe người thiếu phụ kia ta thán: thời thế đã đổi thay nhưng anh vẫn như ngày nào! Ông không phủ nhận cũng không công nhận vì chính sự khiêm tốn, nhường nhịn mà ông cho là cần thiết trong quan hệ bạn bè đã trở thành lỡ dở hôm xưa. Nếu ngày ấy ông không nhường nhịn thì đã mất một người bạn, hạnh phúc mở ra không trọn vẹn với những gì có được từ giành giật với bạn bè, không thể là điều có thật trong tâm tư ông thầy mê mẩn tiếng hát với lời ca... Lần gặp tình cờ rồi chia tay trên phố như bao chuyện thì thầm của Sài gòn huyên náo trong sâu thẳm tĩnh lặng của thành phố đặc biệt với riêng mang từng người. Hôm ấy, ông thầy trở lại nơi từng uống cà phê với mẹ cô bé thời còn đi học. Góc quán bơ vơ sợi nắng chiều như chính ông từ ngày cô ấy lập gia đình. Hơi hướm bàn tay con gái còn đọng trong tay ông những ngọt mềm xưa cũ như cổ tích. Ông cũng không biết mình có tật ưa đưa bàn tay lên ngửi khi đến quán này; khi nhớ thoáng qua mau rồi tự trách sao cứ mang nặng hình bóng cũ.
   Những đôi lần ông trở lại quán quen, ngồi nhìn những cuộc tình dẫn bước vào khuôn viên đại học; những hai người sóng bước vào khổ đau của lớp lớp đàn em đang đi bên nhau như không có gì có thể ngăn cách nên chính họ ngăn cách nhau như ông và cuộc tình đã chết trong đáy cốc từ hôm cô ấy ra về một mình; còn ông ngồi tới quán đóng cửa. Hôm ấy như hôm qua, hôm ấy như mai sau, mãi mãi… sẽ không có người về tìm lại cuộc tình học trò để siêu độ cho một lần yêu nhau, tình yêu ấy trọn vẹn vì chưa kịp tráo trở như Sài gòn đổi chủ; chưa kịp khổ đau với đời thường, những đau khổ diệu dàng của tình yêu đầu tiên không làm cho người ta oán hận mà thương thầm một dĩ vãng đêm đêm……

   Nghĩ đến người bạn, ông không có lỗi gì với việc anh ta mất đi sinh mạng do sự đánh đổi với biển cả, là tự nguyện của mỗi người. Nhưng trước mắt ông giờ đây là ý thức trách nhiệm với một phần đời; hậu quả của sự khiêm tốn, nhường nhịn bạn bè. Ánh mắt cô đơn như vì sao lạc của thiếu phụ tròn xoe trong ly cà phê đen quánh một trưa hè mang tin người chết biển đến cho ông hay. Con bé vô tội -có cái tang cha trên ngực áo, nó ý thức hết đời cũng không rõ nguyên do… Thầy nhạc không nói đến sự thiếu tin tưởng vào hai bàn tay thô ráp của cô bé xinh đẹp. Sao con bé lại giống được mẹ sự xinh đẹp mà không giống luôn đôi bàn tay cho hoàn hảo một giai nhân. Sao con bé lại giống cha hai bàn tay hộ pháp, hai bàn tay của thằng đánh bóng chuyền có tiếng ngày xưa……
   Những suy nghĩ chắp vá như sóng chiều gọi sao, biển đêm thinh lặng khúc tự tình, sóng rồi tan khi xô vào bờ cát; sao rồi phai khi ánh dương quang… cuộc hội ngộ chỉ thêm buồn giữa không gian còn đó của Sài gòn thiên thu. Ông thầy biết mình vẫn không thay đổi gì so với xa xưa; đúng như nhận xét của người thiếu phụ chiều xưa trên phố, anh vẫn thế! Đúng. Anh vẫn vô duyên với những bảo thủ miễn bàn nên đã làm cho cuộc gặp bất ngờ mất hứng. Người thiếu phụ cáo từ, bảo con chào thày nhạc đi con, bác là bạn của ba mẹ đó. Cô bé ngoan vâng lời làm thầy nhạc xác quyết ý định đã nói dù tin là gian lận, “Em cứ đưa nó đến lớp nhạc của anh. Anh đích thân dạy nó. Không được gì thì cũng được việc là trông nom nó cho em yên tâm làm ăn…”
   Có lẽ chân tình của thầy nhạc làm người thiếu phụ kia xúc động. Đó là lý do thầy có cô học trò dốt nhạc nhưng giỏi leo trèo, phá phách như con trai… Thầy nhạc vốn cô đơn, ít nói nên không nhiều bạn. Ngày tháng với lớp nhạc để quên đi hơn là kiếm sống. Rồi thời gian cô bé đến với thầy nhiều hơn về nhà với mẹ. Sáng học trường, trưa, bác xích lô chạy mối đưa cô bé đến lớp nhạc. Bữa trưa của cô bé thường là ổ bánh mì thịt. Kể ra đã sang lắm thời đó vì chính thầy có khi cả tuần không nghe mùi thịt. Tới bữa chiều, nói là về nhà ăn với mẹ. Nhưng mẹ còn bươn trải đâu đâu! Thầy nhạc đưa con bé về ăn cơm với mẹ con thầy nhạc. Bé con thì chóng thân, nó gọi tiếng bà làm mẹ thầy xúc động. Mẹ thầy cũng ít nói nhưng biết hết, một hôm mẹ bé đến đón quá trễ, mẹ thầy bảo: “Cơ khổ cho đời, dạo này làm ăn khó quá hả cháu, sáng nay đi chợ, bác thấy họ bắt bớ, gây rối cả một đoạn đường bán thuốc tây của cháu… Hay cháu đưa vài bộ quần áo của con bé sang đây. Chiều tối, bác cho nó cơm nước, tắm rửa rồi học bài… Hôm nào cháu phải đi giao hàng, nhận hàng, khuya quá thì đừng đến đón, thân cháu một mình trên phố khuya làm bác cũng chẳng yên tâm, lại phá giấc con bé. Cứ để nó ngủ đây, sáng ra, bác đưa nó đi học cũng được…”…”

   Người mẹ trẻ biết ơn những chân tình của mẹ con thầy nhạc, biết ai sẽ là người đưa con mình đến trường, thương bà mẹ già không nói ra điều muốn nói của bà nên càng thương. Cũng có lúc nghĩ về thầy nhạc như một giấc mơ hoang về thời đi học, rồi thôi. Cũng có lúc người mẹ trẻ ngồi hàng giờ ngoài bờ hồ để trông lén thầy nhạc dạo chơi với con gái mình như hai cha con… Người mẹ trẻ chờ trong vô vọng nên quyết định ra đi. Sự quyết định làm đau lòng người đi bao nhiêu thì kẻ ở cũng dau ngần. Hôm tiễn chân không có nước mắt người lớn, nhưng con bé sướt mướt, những giọt nước mắt chảy ra ngoài sẽ mau khô theo xa xôi, thương cho nước mắt đôi bờ chảy vô mãi mãi……
   Thầy nhạc tắc dòng hoài niệm vì cái điện thoại làm phiền, cơn giận lặng lờ như nước tim sôi, cái điện thoại lại reo thêm lần nữa, lần nữa… thời buổi thật nhiều người rảnh rỗi và lắm chuyện tào lao… thời buổi lạm dụng điện thoại đến vô ý thức vì các hãng điện thoại chỉ biết cạnh tranh với nhau, bất chấp đạo đức xã hội suy đồi vì free phút; free longdistance… Thầy nhạc khoác áo ra Starbucks với cái laptop. Ngồi kể chuyện mình bằng giai điệu đã nhiều, hôm nay kể đôi lời đoạn cuối bằng những con chữ, nên không… tay thầy gõ đều như lá rơi ngoài cửa kính; những chiết lá của mùa thu xa bay trở lại, chiếc quấn kèn cho cô bé thổi inh tai, thổi thi với xác ve rơi đầy; chiếc lá thắt hình con cào cào, châu chấu, rồi thầy trò ngồi đá cào cào với nhau trên cỏ biếc; màu cỏ quê nhà như màu cappuccino hớp ngọt mùi hương. Nhớ thầy thua muôn năm, con cào cào trước sau cũng chết rục xuống thảm cỏ; nhưng phải chết anh dũng để tôn vinh ý nghĩa của chiến thắng, không được chết xoàng xĩnh như một con cào cào. Cô bé mấy tuổi đầu nhưng sâu xa…… báo hiệu một đời người không bình an như ý.

   Rồi chiết lá thu bay ngoài cửa kính Starbucks, những chiếc lá phong kia có thể ghép lại thành con thuyền; nhưng cho ai chơi. Thầy nhạc nhớ rưng rưng con thuyền lá trôi theo dòng đời, cô bé thả thuyền ngồi nhúng chân xuống nước, quẫy sóng cho thuyền đi… Bên kia bờ có ai thấp thoáng, đợi vớt con thuyền không bến dạt trôi. Hôm thầy lén bỏ mảnh giấy vô thuyền lá trước khi cô bé thả, mảnh giấy xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi… thế là cuộc vượt biển diễn ra trong tuyệt vọng của đôi bờ. Chiếc thuyền lá đã mang đi linh hồn thầy nhạc, trong cung bậc từng ngày có tiếng hư hao, vụn vỡ của loài ăn năn……
   Thầy nhạc bỏ ra ngoài quán để đốt điếu thuốc, ước gì cơn mưa thu thôi làm khó người đi tìm hư không, chút không khí công viên, bờ hồ lăn tăn sóng biếc một thời đã qua… chiều nay là ngày cuối đến nhà dạy nhạc cho con của cô bé học trò năm xưa. Người phụ nữ ở tuổi chín mùi của nhan sắc, mang dáng dấp mẹ yêu của cô ấy, nhưng tính tình như cha; có phần ngổ ngáo, có phần ngang ngược, đánh phá nốt lặng của bản hoà tấu không lời; mẹ cô ấy là bản nhạc không lời hoàn mỹ nhất, đến cháu ngoại của bà thì hy vọng hơn là con gái bà; cô bé con hôm nay khác với mẹ cô thời thơ ấu; không tinh nghịch như con trai, không cắc cớ với những câu hỏi hơn tuổi đời, không nũng nịu bắt thầy bóp chân, rửa cẳng, mang giày sau những cuộc vui ngoài công viên, bờ hồ…
   Không biết bà ngoại của cháu có bình an như mẹ bé nói với thầy, cô học trò bé bỏng năm xưa, đã làm mẹ trẻ con nhưng vẫn không cho thầy cũ tin tưởng được vì tính tình cũng ngổ nghịch như xưa, ngang bướng có phần còn hơn thuở bé. Chính cá tính mạnh mẽ của cô học trò cũ đã làm thầy thôi dạy nhạc cho hai mẹ con cô nữa… Nếu chiều nay thầy đủ can đảm thì sẽ hỏi xin số điện thoại của bà ngoại, người có đôi mắt buồn; đã nhìn thầy như đốt cháy Sài gòn hôm cô ấy vượt biên; mang theo đứa con gái bé bỏng; đứa học trò đặc biệt của thầy giờ đây cũng đã là mẹ của cô học trò hàng cháu… tính ra thầy từng dạy nhạc đến ba đời, dạy bà ngoại với tư cách bạn bè, dạy con của bạn với tư cách cha nuôi hơn là thầy nhạc; dạy đến cháu ngoại của bạn với hết lòng của bậc tôi trung. Mai đời khép lại trên khung nhạc nốt gì chưa biết; nhưng sau buổi chiều nay thầy sẽ vĩnh viễn thôi dạy đàn. Đóng lại tập nhạc viết cả đời không xong bản tình ca cho người yêu dấu.
   Chiều về nghiêng dáng thu màu phong đỏ, quán Starbucks quen thuộc này như vắng ai quen. Chắc cô bé học luật đã thành tài nên từ nay đến văn phòng luật sư, đến toà án, chứ không đến Starbucks làm vài giờ kiếm tiền mua sách nữa. Bà cụ nọ chắc đã hết lái được xe nên cũng không đến ngồi góc kia đọc sách, thêu áo len; ông bạn người Ả Rập, đã vắng mặt từ lâu. Chắc ông không đang ở một trại huấn luyện khủng bố nào đó, chứ. Một người hiền lành như ông ấy, không thể đặt bom dưới gốc cây phong mà ông ấy đã từng yêu quý, không làm nổ tung Starbucks có người bạn Việt Nam này, chứ!
   Ông thầy thấy xa xa ngoài đồng cỏ, bóng chiều dâng ráng đỏ hoàng hôn như cuộc đời đã sắp sang đêm. Hãy rời bỏ cô học trò được thầy yêu thương nhất vì thời gian không mang đi những hệ lụy của nó. Chắc mẹ cô hay được cũng không trách ông vì sao. Cháu bé của hôm nay mang tính nết bà ngoại, sẽ là người hạnh phúc của tương lai; không khổ đau nhiều như bà ngoại; muộn phiền như mẹ quá thông minh… Mai cháu lớn, nhớ ông dạy nhạc này nhé! Cháu chưa gọi ông là thầy bao giờ. Và ông cũng chỉ muốn làm ông của cô bé cháu ngoại của bạn ông…
   Thầy cũng sẽ không trở lại Starbucks này nữa, nơi mất hồn vào ánh mắt giai nhân tội lỗi này. Thầy cũng không muốn trở về chỗ ở của người không quê hương bạn bè, chưa bao giờ có ngày mai mà chỉ toàn những hôm qua dằng dặc … Sau buổi dạy nhạc chiều nay, thầy sẽ cáo từ cô học trò cũ, cáo từ cháu bé mang hình hài tính nết của bà ngoại. Cáo từ cuộc đời đã ân sủng với thầy-bỏ bớt ước mơ gặp bà ngoại cháu, dù chỉ một lần thôi……

   Thầy nhạc khép quyển sách dạy nhạc lại, chào cô học trò bé tí dễ thương. Thầy xuống lầu để chào mẹ cháu, người học trò cũ của thầy nhưng bàn tay đã không còn như xưa. Ngày xưa cô dúi bàn tay vào lòng bàn tay thầy để tìm che chở; bây giờ cô nắm bàn tay để truyền sinh lực của cô. Một người phụ nữ-single mom-mạnh mẽ về cá tính, quyền lực trong nghề nghiệp, hoạt bát trong giao tiếp, xinh đẹp hơn người, thành công, tự tin đến nỗi không cần người đàn ông đã cùng cô tạo ra một hạt ngọc của âm nhạc mai sau…   Thầy cần tránh xa, thật xa, vì tình yêu mẹ cô ấy đã ngự trị trong thầy. Ông thầy xuống hết cầu thang thì cô học trò cũ đã đón ở đó với nụ cười thật tươi… “Thầy. Em định mời thầy đi ăn tối với em một bữa trước khi thầy bỏ mẹ con em. Nhưng em nghĩ lại kịp là mời thầy đi chơi hồ với em bữa nay, gần nhà em có cái hồ cũng đẹp lắm, thầy đồng ý thì chúng ta có thể đi bộ.”
   Ông thầy thoáng gặp những nũng nịu xưa của cô bé học trò trên gương mặt người phụ nữ khó đoán trong ánh nhìn và phong cách hiện đại trong hiện tại từ hôm thầy trò gặp lại nhau. Ông nói: “Từ hôm gặp lại em, hôm nay thầy mới thấy con bé Nhiên ngày nào trong dĩ vãng, nơi có một khung trời nhỏ xíu của chúng ta; sự đói nghèo thanh bạch và tình yêu có thể sánh với Sài gòn muôn thuở…” Cô Nhiên nắm tay thầy, cố dùng tóc che đi xúc động, “Chúng ta đi. Thầy.”

    Con đường bộ hành xuyên qua rừng thu ảo diệu, kẽ lá rơi những giọt nắng cuối ngày lả lướt không gian, tí sương chiều lãng đãng bờ hồ xa… hai người đi bên nhau không nói, tiếng bước chân tìm về địa ngục trần gian, nơi có cô bé vòi vĩnh những ly kem hơn sức ông thầy; nơi có tình yêu rộng lớn nhốt trong khung cửa hẹp, tiếng đàn mandolin vọng tới ngàn sao - những đêm hè sang thu trong vắt sao trời… Ông thầy không cưỡng nổi bàn tay kéo cô học trò nép vào lòng mình, nước mắt ông chảy xuống mái đầu người phụ nữ đương xuân, mượt mà… Cô có tất cả những thứ không không cần thiết nhưng luôn thiếu một vòng tay khả kính. Người phụ nữ buông bỏ bộ mặt nạ của quyền uy để sống lại ngày nào đã mất. Nước mắt cô đong đầy, ngước lên ông thầy già đang run rẩy, họ tìm được những mùa thu đi, đã thật xa…
   Bóng họ dài trên lối vắng quanh co, đôi người Mỹ dửng dưng đi thể dục.  “Chúng ta đến hồ, đi tìm chiếc thuyền lá đi Nhiên.” Cô học trò nũng nịu ép đầu vào ngực thầy như ngày xưa còn bé, đôi tay gầy từng nâng đỡ cho cô thuở vào đời đã hết sức chống đỡ buổi chiều nắng mượn quê xa. Thầy hôn lên mái tóc người bạn gái ra về một mình hôm nào; quán quen từ đó vắng tiếng cười trong veo…
   Ông thầy ngồi ở kè đá xem cô học trò ngâm chân xuống nước, thổi kèn lá toe toe, tay ông thắt vụng về hai con cào cào xưa cũ. Trận đấu cuối cùng sẽ không ai thắng nữa, mỗi người thua theo cách riêng của mình. Ông thầy cố tìm chiếc lá dài để kết con thuyền không bến, con thuyền đưa ông về bến vắng chân mây……
  Chiếc xe ai đậu lại gần nơi họ đang vui vầy, một người Mỹ bước xuống xe với rổ thức ăn nóng hổi, có cả chai rượu vang với hai cái ly trong đến vô hồn. Bữa tiệc bên hồ sóng sánh nâng ly, có vầng trăng non làm chứng cho người đi lần cuối; người về không mong… Ông thầy dọn ly rượu xuống cỏ để lấy khăn trải của nhà hàng làm khăn lau, lau khô chân cô học trò như ngày xưa ông thường lau bằng áo ông. Mặc vớ mặc giày cho cô bé đã làm mẹ trẻ con, mặc đời xuôi ngược tháng năm dài… “Nhiên à!...” Rồi lại thôi, tính trời đã định cho ông thầy vẫn thế.
   Cô Nhiên cười chua chát như vang, “Em quyết định không nói nên mấy tháng nay chỉ mời thầy đi chơi; chỉ nói chuyện bây giờ. Chuyện ngày xưa đã xưa…”
    Đôi mắt già nua chìm trong sương thu bên bờ ảo vọng, ông thầy già hơn lúc xuống cầu thang đến mấy mùa thu đi… “Em nói phải. Chuyện ngày xưa đã xưa, còn nói đến làm gì! Nhưng em không phải là người trong cuộc nên em không thấy bên bờ ảo vọng kia, người yêu của thầy vẫn đợi một con thuyền… mang tình yêu đến.” Ông thầy nói xong, gục xuống ôm mặt khóc. Đôi tay gầy từ khi còn trẻ, đôi tay cô Nhiên đã từng ao ước là của mình vì tay cô giống cha, không phải mười ngón thuôn dài để rải đàn. Nhưng đôi tay rải đàn đang được dùng để bưng mặt khóc với bất lực. Đôi tay thô ráp của cô để đập phá cuộc đời; cô đã đập nát những giá trị cổ điển, tống cổ ra khỏi đời cô một gã đàn ông mà cô đã yêu thương, mãi yêu thương, chỉ vì ích kỷ, muốn chia chung với mẹ khổ đau không được gần người đàn ông của mình. Lòng từ bi bất ngờ chợt đến với người đàn bà khổ đau hơn tuổi đời mấy bậc. Cô đỡ tay ông thầy bưng bít những thương tâm… “Thầy nói cho em nghe hết chuyện của thầy với mẹ em ngày xưa đi. Em sẽ tha thứ cho thầy… (và cả chồng em nữa. Những người đáng thương nhất trên đời với cái lỗi duy nhất là đàn ông…) Cô không nói hết ý nghĩ với ông thầy, nhưng đôi mắt ông thầy sáng lên, “có được không?”
    “Em không biết, chỉ giận thầy không bao giờ nói ra điều gì về mình. Ngày ấy, em còn nhỏ quá! Cứ thấy thầy ngó về bên kia hồ như ngóng trông ai. Nhưng em mê chơi nên quên ngay đi… đến hôm em gặp trong phòng mẹ chiếc thuyền lá có mảnh giấy, trên đó chữ thầy ghi là: tôi xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi… Sao thầy lại đối xử với mẹ em như thế!”
   Ông thầy cột giày xong cho cô học trò, cởi cái áo khoác khoác thêm cho cô bé nghịch nước vì sợ cô cảm lạnh. Đâu đó chỉnh chu như ngày xưa. Ông đưa cô con cào cào, chậm rãi, ngập ngừng, “Trận này thầy sẽ không chết dễ đâu! Em liệu mà giữ giò giữ cẳng…” Tiếng cười khanh khách làm vỡ ánh trăng xưa; ánh trăng nồng ấm đã lạt lẽo theo ngày tháng, hay trăng Mỹ nhỏ nhoi vì trời tự do cao rộng hơn trời cộng sản; Một góc sân tù đày, một bờ hồ rong rêu lại hiện về trong ký ức già nua… ông thầy chết dễ hơn lời hăm doạ chiến đấu tới cùng, con cào cào của ông bung xúc, gãy bể… Ông nghẹn ngào chịu chết, “Thầy có lỗi, lỗi tất cả thuộc về thầy, Nhiên ạ! Ngày xưa, thầy cũng có những người bạn đi lính. Người lính này, sau khi chôn cất người lính bạn kia đã dõng dạc tuyên bố trước bạn bè là anh ta sẽ cưới người vợ của người bạn tử trận, sau khi cô ấy mãn tang chồng. Đứa bé còn đang trong bụng thiếu phụ kia-là con anh.” Mọi người không phản đối, lại còn hoan hô. Thiếu phụ nọ cảm ơn bằng nước mắt, duyên số trên trời……”
   “Rồi sau khi mãn tang chồng, cô ấy có lấy ông lính hứa ấy không?”
   “Em vẫn chưa bỏ được tật háu táu. Cái gì cũng phải được ngay, có liền…”
   “Thì, em hỏi vậy thôi!””
   “Thì, họ như thế đó. Quý mến nhau một đời. Đứa bé sinh ra có cha nuôi…”
   “Như em với thầy…”
   “Khác.”
   “Em không hiểu!”
   “Thầy không phải là lính. Những người lính vào sanh ra tử với nhau nên họ có quyền phi dân sự.”
   “Chẳng lẽ mẹ em đã lén trông thầy trò mình chơi thả thuyền lá, chưa đủ cho thầy bước qua định kiến hẹp hòi của xã hội thời ấy.”
   “Em biết dùng câu: xã hội thời ấy, thì em phải biết mỗi thế hệ có những hay-dở riêng của thế hệ đó. Thầy không muốn trở lại chuyện đau buồn khi đã đi quá xa… chúng ta đi thả thuyền.”
    “Thầy không bỏ lén mảnh giấy nào vào thuyền chứ?””
     “Em, muôn đời là tình yêu đáng sợ của thầy. Thầy mong gặp em như hạn mong mưa suốt tháng năm dài. Nhưng gặp lại em là có ngay ý nghĩ không bao giờ gặp nữa…”
   “Vì em giống mẹ em…”
   “Hơn một chút, là em đoán biết hết ý nghĩ của thầy.”

  

   Họ lặng lẽ thả thuyền lá xuống mặt hồ thu đã sẫm đêm, ông thầy ngước nhìn sang bên bờ hư huyễn. Người vớt thuyền năm xưa đã ở trong viện dưỡng lão từ sau con gái có con, nhưng không chấp nhận chồng. Bà buông bỏ hết các thứ để để lên chiếc thuyền lá định mệnh, trải mảnh giấy: tôi xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi… chiếu thuyền lá trôi theo định mệnh, nhưng người đàn bà vô viện dưỡng lão khi còn quá trẻ vì trầm cảm hết thuốc chữa, không phải người tình xưa của ông thầy dạy nhạc ở Sài gòn. Những nhá nhem chiều tàn lại ra bờ hồ trong khuôn viên viên viện dưỡng lão để hóng vớt hư không vì bà đang trôi trên con thuyền lá năm nào… 

PHAN






No comments:

Post a Comment