Wednesday, October 26, 2011


Tản mạn bên tách cà phê

Từ mùi dạ lý hương nồng nàn…
đến nắng khét tóc trên quảng trường thời đại


Nguyễn Xuân Thiệp




                                                                Chieu Anh Nguyen

Con phố gầy
Những bóng cây xô nghiêng
Mùi dạ lý xoáy vào giác quan
đòi chết
đòi tẩm liệm một ngày khô hạn
không hình hài

căn phòng lơ lửng tổ chim
treo bấp bênh mùi dạ hương cồn cào
thả dốc
con phố lặng mùa mưa chưa hiện thực
nhớ một người
nằm ốm chênh vênh

                                (thơ Chiêu Anh Nguyễn)

   Chiêu Anh Nguyễn… Tôi không biết cô, không quen cô. Chỉ thấy hình cô trên các trang web với mấy dòng ghi chú sơ sài. Tên thật Nguyễn Chiêu Anh Phượng, sinh năm 1978 tại Sài Gòn. Hiện đang làm việc và sinh sống trong thành phố. Phải nói rằng cô đẹp, giàu cảm xúc, tinh tế. Không làm dáng, thơ cô có những nét bạo, đôi khi thô mộc nhưng  đẹp. Tôi yêu mùi dạ lý hương của căn gác cô và những hàng cây nghiêng bóng. Tôi yêu cả con hẻm hè phố nơi cô nhớ một người về trong tiếng mưa hãy còn rất xa và mơ hồ. Mùi dạ lý có giúp gì cho chuyện này không, có đuổi kịp hơi thở hồi xuân của người nữ ngoài ba mươi tuổi. Còn nữa, mùi khói thuốc trên những ngón tay vàng lùa vào mái tóc khuya, im. Lúc đầu mới đọc…  mùi thuốc lá đượm mười ngón tay / vàng đến tận đêm khuya / ướp luôn vào tóc / ướp tuổi ngoài ba mươi rạo rực… tôi cứ ngỡ là mười ngón tay của chàng lùa mùi khói thuốc vào tóc cô gợi lên những đam mê cháy bỏng. Nhưng không, đó là những ngón tay của cô vàng và nồng khói thuốc. Cô từng qua những buổi sáng ở quán cá phê, nhìn vệt nắng loang trên mặt bàn và lấp lánh trên những chùm bông giấy, và rồi chấm dứt một buổi sáng với điếu thuốc mild seven và ly café đắng. Với cô, tình yêu cũng cuồng nhiệt như mưa nắng Sài Gòn:    

Đặt tay lên ngực
anh
em muốn nghe hơi thở
nóng rực từ tim
áp sát hơn nguồn sống qua em
mùi đàn ông trong anh (có lẽ)
ướp em đến vài ngàn năm trước
nồng nàn mật ngọt
(em liên tưởng những chú ong cần mẫn)




                                                             Biểu tình trong mưa

   Như thế đó, Chiêu Anh Nguyễn với tất cả đam mê và tấm lòng trong trắng, cũng là người yêu nước nồng nàn  như bao người trẻ tuổi khác ở Sài Gòn hiện nay. Và cô làm thơ, những bài ca cho đất nước, chất vấn những tên khốn kiếp lãnh đạo hiện nay. Không phải là loại thơ thời thượng như từng đọc thấy trên các trang web. Đúng như nhận định của Thận Nhiên, “Đây không phải là những bài thơ yêu nước theo kiểu phong trào, để cổ vũ hời hợt, mà là những tâm tình, đau đớn rất thật của những người trẻ trước thực trạng đất nước. Họ đang làm văn chương ư? Không, không chỉ có vậy. Họ đang định nghĩa lại và nhận diện thực trạng của đất nước hôm nay.”  Trong bài “Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước”, Chiêu Anh Nguyễn đã tự vấn “Mi có đủ can đảm để cầm súng khi đất nước lâm nguy / Mi có đủ gan dạ để bước đi không do dự khi lãnh thổ VIỆT NAM bị đe doạ bởi lũ ngoại xâm tham lam hèn hạ”. Và cô tự trả lời:

Tối thấy mình mỉm cười gật đầu thanh thản
Có lẽ đó là lòng yêu nước
Tôi tạm an tâm với mình

   Rồi cô cho biết:

Hôm xuống đường
Những người bạn tôi
Những người quen sơ
Và cả những người chưa hề biết mặt
Tất cả đều chung một khí phách
hừng hực
Tôi gọi đó là lòng yêu nước

   Thế nhưng khi đối diện với rào chắn, dùi cui, bạo lực bẻ tay bẻ cổ, đạp vào mặt người, đe dọa, khủng bố… thực tế lại không hoàn toàn như mộng tưởng khiến cô phải tự hỏi:

Tôi đang thể hiện lòng yêu nước
Trên lãnh thổ mình
Hay tôi là kẻ di dân
Nhận lấy phần của quê hương kẻ khác

   Cô tự hỏi mình mà chính là thống trách lũ cầm quyền cúi đầu khiếp nhược trước kẻ thù mà tàn bạo đối với dân mình. Cuối cùng cô phải bật lên một câu xé lòng:

Bây giờ
Xin đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước
Có lẽ
Tôi sẽ phải cúi đầu bật khóc

   Những ý nghĩ và tình cảm trên là có thật. Chiêu Anh Nguyễn đã tham dự, đã có mặt trên quảng trường nắng cháy da cháy tóc và cô cất lên tiếng nói chân thực của mình, tiếng nói của những người trẻ hôm nay, hướng về đất nước. Đó là tiếng nói nhận diện, tiếng nói tố cáo. Nhận diện bộ mặt của kẻ thù, tố cáo sự vong ân bội tình của chúng. Như trong bài “Điều chúng tôi muốn biết”

ngả giá cho tư tưởng buôn thần bán thánh
thắp nhang bàn thờ một hình nộm
nực cười
dẹp thượng đế vào xó bếp
đặt lên đầu một kẻ ăn tươi nuốt sống sự thật
con dân phải trả giá thay cho những điều ấy?
và tai ương và lầm than và những lời nguyền trút xuống
đất nước này chưa một ngày bình an

   Tới đây, có lẽ phải đổi lại đôi chút ca từ của TCS, “gia tài của mẹ một bọn du côn, gia tài của mẹ một lũ bội tình”.  Và xin hãy cùng nghe tiếp

những linh thiêng ngàn năm
bỗng chốc thành khói bụi
thế kỉ đã sản sinh cho giống nòi một lũ bội vong
phá đền đài
đập bia ca ngợi anh hùng
có nơi nào đắng cay hơn


   Thơ của Chiêu Anh Nguyễn, những bài ca yêu nước, là tiếng nói không thể dập tắt. Làm sao dập tắt được tiếng nói của hàng triệu người tóc xanh long đầy nhiệt huyết. Làm sao dập tắt được cơn giông phẫn nộ kéo qua bầu trời và mặt đất từng thấm đẫm máu cha ông. Thơ của Chiêu Anh Nguyễn, những bài ca đất nước, có thể khiến cô phải mang lụy. Nhưng cô đã chấp nhận từ khi bước xuống quảng trường nắng cháy cùng với bạn bè của cô.

   Cuối cùng, điều khiến chúng ta yêu Chiêu Anh Nguyễn là từ mùi dạ lý hương của một ngõ phố chật hẹp khuya khoắt tới quảng trường nắng cháy tóc cháy da, cô vẫn chỉ là một người, sống tới tận cùng giọt máu trong tim, nồng nàn và mãnh liệt. 

NXT

No comments:

Post a Comment