Phan
Đi hay ở?
Bạn hiền!
Nhận được thơ bạn
báo tin sắp được đi Mỹ. Lời đầu tiên của tôi là chúc bạn sớm lên thiên đàng hay
đến thiên đàng cũng thế! Tôi từng mang tâm trạng của bạn lúc tôi cũng tính từng
ngày còn ở Sài gòn. Tôi hiểu rõ tâm trạng người đi giữa phố thân quen nhưng chỉ
thấy cái vòi nước cứu hỏa ở góc đài truyền hình xưa, góc đường Cường Để với
Hồng Thập Tự. Tôi tưởng tượng ra bạn dừng chân lặng lẽ, nói lời “Tạm biệt, tạm
biệt
cái vòi nước cứu hoả.” Có phải trong bạn nhớ như in về cái xe đạp đầu đời
có được, nhưng đã tông vô cái vòi nước đó. Nhìn chiếc xe đạp cưng với cái bánh
trước hình số 8 nên bạn nhớ hoài con đường tuổi nhỏ, nhớ cái vói nước cứu hỏa
cho ai chứ bốc hỏa trong bạn. Không chừng bạn đã từng đá cho cái vòi nước một
đá vì cái tội làm què con chiến mã của bạn. Nếu bạn quên thì tôi nhắc là cái
giò của bạn bong gân, 3 ngày ngồi chong ngóc trong sân Hoa Lư, không đá banh
được cũng vì cú sút cực kỳ tuổi nhỏ vô cái vòi nước.
Bạn không thể đá vỡ
tuổi nhỏ nghèo khổ; nhưng cũng không giữ được thơ ngây theo tháng ngày. Có phải
hạnh phúc ngày đó của chúng ta là có tiền mua một ổ bánh mì thịt với chai xá xị
hiệu con nai. Hai dư vị đó tẩm bổ sau buổi đá banh thì còn gì bằng. Nhất là khi
ùm xuống hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, nước hồ làm cho hơi xá xị trong bụng hự lên
một cái, hơi xá xị xông lên mũi, hãy còn thèm vì thơm
Nói làm sao hết
những con đường tuổi nhỏ, chiếc xe đạp, góc hẹn hò
những buổi chiều không nắng
cũng không mưa/ chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhau, rời quán cóc ở đường Nguyễn
Bỉnh Khiêm mà nhớ biết bao nhiêu bạn bè. Hàng sao già còn thả cánh chuồn xoay
xuống đầu ông cụ Võ Trường Toản nhưng mấy thằngbạn nhỏ hái me keo đã biệt tích
giang hồ, đâu rồi Trưng Vương với khung cửa nhỏ, nhớ ai nghiêng nón thẹn thùng.
nhưng gặp lại bảo đảm bạn quăng cục lơ với bà cụ trong văn phòng bác sĩ, cầm tờ
báo đưa ra thật xa mới đọc được hai chữ Sài gòn; cái dáng cụ nghiêng nón ngày
xưa làm chúng ta chết mê chết mệt thì dáng cụ đọc báo bây giờ làm chết hết
chúng sanh hoài cổ. Nhưng dù sao cũng không quên được thành phố mà bạn đã chào
đời, thành phố yêu thương bạn từng ngày; nhưng ruồng bỏ bạn cũng từng ngày, nơi
thân phận của những đứa con mà người mẹ Sài gòn đã trao thân nhằm tướng cướp.
Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nào của Sài gòn thì nơi đó cũng
là quê hương. Tuy đã có những Sài gòn rải rác trên hành tinh theo dấu chân tỵ
nạn, dù văn minh và sạch đẹp cách mấy cũng chỉ mang hơi hướm của hoài niệm,
linh hồn dị thảo của Sài gòn đã huyễn mộng trùng dương
Bạn ơi! Nói về sự gắn bó với Sài gòn thì tôi không mất ngủ hàng đêm như nhà văn nhà thơ giàu tưởng tượng. Tôi thật sự chỉ nghe gió heo may đã về nơi sân sau nhà; con đường đi bộ thể dục buổi chiều… tôi cúi mặt lặng thinh, lầm lũi bước để kéo dài tuổi thọ! Nhưng đừng hỏi tôi để làm chi, vì tôi cũng không biết để làm chi. Ham sống bản năng đã được nâng khỏi tầm động vật để trở thành thước đo đạo đức trong xã hội văn minh. Nên tôi vẫn lê thê tuổi trời trên những con đường lá vàng, không bụi, không ăn mày, móc túi, bò vàng gì hết -không khí trong lành đến sợ mình thở sẽ làm ô nhiễm không khí nên tôi nín thở đi. Tôi vẫn đi bên cạnh một người, hai người bốn cẳng tuổi đôi mươi, sang thu sáu cẳng vì thêm hai cây gậy. Làm tôi nhớ câu đố hồi nhỏ: Con gì hồi nhỏ đi bốn chân, lớn lên đi hai chân, tới già đi ba chân? Tôi vẫn đi trên thiên đường của người đang sống trong địa ngục nhưng là con đường về lại âm ti trên cõi thiên đường, vì người đi bên bạn trên những con đường bụi mù của Sài gòn đã khác xưa nhiều lắm trên những con đường không bụi này. Bạn cũng nên dẫn một nửa của bạn sang đây, để có người cùng bạn thực hiện cuộc hành trần mỗi chiều cho tan nước béo. Còn nhớ tiếng Tàu ở Chợ lớn không, người Tàu gọi là súng thầu, mà bạn đã từng cãi tôi chí tử: Tôi nói súng là hành; thầu là dầu-mỡ. Hành trần nước béo gọi là súng thầu. Con nhỏ Tàu bán hủ tíu mì là Mã Thầu Dầu-Con Ngựa Mập. Chả hiểu sao nó lại cho tụi mình ăn hủ tíu chùa mà không đánh cho một trận với tiếng Tàu vô tự điển của bọn mình.
Đi đi, sang đây cho
biết đá biết vàng. Gần đây, tôi mới lái xe đi nghe nhạc đến 5 tiếng đồng hồ. Đi
nghe, “Cùng nhau hai tuổi năm mươi, có nhau ta có chung nụ cười” là Nụ Cười Trăm Năm của ông nhà thơ “ mà
chúng ta từng chép vào lưu bút ngày xanh của mấy bà cụ đang đọc báo tầm xa
ngoài văn phòng bác sĩ. Nhà thơ của chúng ta còn phơi phới yêu đời, yêu bà Nhã
thiết tha... Bạn đừng nghe lời tôi xuyên tạc mà nản nhé!
Về việc bạn hỏi tôi
nên định cư ở đâu? Câu trả lời thật nhất cho bạn bè là, “ngoài nước Mỹ”! Nghe
mâu thuẫn với những người giàu có tới dư ăn ba đời nhưng vẫn tìm cách đến Mỹ.
Huống chi người nghèo như chúng ta! Phải, nhưng phải một nửa thôi vì người giàu
đến Mỹ sẽ dễ giàu hơn, nhờ cơ hội làm giàu luôn dễ dãi với người sẵn vốn; tài sản được bảo đảm hơn với bọn cướp đêm là
giặc cướp ngày là quan ở những nước AK 47 là chính quyền. Nhưng người nghèo đến
Mỹ chỉ thêm nợ. Nghèo ở quê mình là nhà nhỏ, xe cũ, không trương mục, thì nghèo
ở đây được mang thêm số nợ ngân hàng lớn-nhỏ tùy hảo ngọt khi nghe rót mật vào
tai. Chung quanh tôi rất nhiều những người nô lệ da vàng, làm quản gia không
công cho căn nhà lớn của mình nhưng kỳ thực là quản gia không công cho ngân
hàng Mỹ. Người nô lệ da vàng chỉ ở ngoài garage đậu xe từ mặt trời mọc tới mặt
trời lặn. Nấu ăn ngoài patio vì sợ nhà có mùi, ăn cơm trên bộ bàn ghế cũ vì bàn
ghế mới còn trùm ny-lon. Vợ chồng tôi mới mua xe, xui ơi là xui vì mới lái ra
ngõ đã gặp nhà bên tưới cỏ, làm ướt hết một quãng đường. Nếu khiêng nổi thì
chúng tôi đã xuống xe, khiêng xe qua vũng lầy trọng của. Tôi tiếc đứt ruột mới
nghĩ ra những chuyện vô lý trong hữu lý của tâm lý làm chủ giả, vì xe cũng của
nhà băng. Tâm lý mà người nghèo dễ bị lừa trong xã hội Mỹ là tâm lý làm chủ,
nhưng làm chủ những thứ không phải của mình. Người nô lệ da vàng cùng lắm cũng
chỉ nắm vai trò quản gia không công trong ngôn từ văn minh, còn từ cổ gọi là
lão bộc. Tôi sẽ phân tích kỹ hơn khi bạn đến đây. Để trở lại với những câu hỏi
đời thường của bạn. Tôi kể sơ những chuyện trong nhà để bạn hình dung về đời
sống bên Mỹ:
Nói tới Bắc Mỹ, tôi
có người quen ở Pennsylvania từ 1975. Tôi sang chơi nhà anh chị trong lo âu dữ
lắm, vì thấy cửa sổ, cửa lớn nào cũng có dựng một cây súng, (có nạp đạn hẳn
hoi). Tôi e ngại chuyện cướp bóc nhưng không dám hỏi. Tới sau bữa cơm chiều, “nhìn
ra cửa sổ tuyết sương/ kéo cao cổ áo lên đường kiếm cơm” là câu thơ đúng y đời
sống của người miền bắc. Anh bạn phải đi làm ca đêm, chị bạn kể: Tuần nào anh
ấy đi làm ca đêm là dựng súng đầy nhà. Chị thì chỉ biết bóp cò! Hôm năm ngoái,
anh B cũng đi làm ca tối. Nửa đêm, chị nghe động ngoài cửa sổ phòng ngủ của
chị. Chị vén màn nhìn ra. Trời ơi! Tuyết thì tới thềm cửa sổ (cao hơn đầu gối
tôi chút đỉnh), chị thấy thằng Mỹ đen cứ dí mũi vô kính cửa kính. Con cái thì
không có đứa nào ở nhà. Chị không dám giết người nhưng nó cứ húc vô cửa sổ, tới
gần vỡ tung cửa kính… chị bóp cò! Rồi kêu cảnh sát, kêu anh B đang trong hãng;
kêu con, kêu hàng xóm
rồi ngồi khóc. Nhưng khi mọi người tới đây thì chỉ có
con nai bự như thằng Mỹ đen, chết bên ngoài cửa sổ.
Tới chuyện con
cháu, là con gái lớn của anh chị. Nó đi học bên Ohio. Chiều cuối tuần thường về
nhà nên chị bạn coi dự báo thời tiết để báo cho con nhỏ coi trời bằng vung đó!
Nó trả lời chị là 2 tiếng nữa bão tuyết mới tới. Con chạy về nhà kịp mà. Chị
bạn không cho nó lái về nhà nhưng thương con thèm thức ăn Việt nam, thèm không
khí gia đình, thèm được giặt quần áo không phải trả tiền. Chị không cho nó về
nhà vì lý do thời tiết, nhưng không cứng rắn đủ để ngăn chận một chuyện mạo
hiểm. Thế là con nhỏ phóng lên xe, vọt lẹ để về nhà trước bão. Ai dè bão nhanh
hơn nó. Con nhỏ kẹt ngoài xa lộ, còn cách nhà 30 phút lái. Nó vốn lì nhưng được
cái sáng dạ. Nhắm lái không nổi nữa thì nó bỏ xe, (nhiều người không dám bỏ cái
xe mới toanh như nó nên đã chết lạnh ngoài xa lộ vì đội cứu hộ cứu không kịp,
cứu không hết người mắc kẹt ngoài xa lộ trong bão tuyết). Con cháu gái lanh trí
và có phần may mắn nữa nên nó đã quá giang được xe vận tải lớn. Nó nhờ xe vận
tải đưa nó tới trạm đổ xăng trên đường xe tải đi, chỉ còn cách nhà 15 phút lái.
Vậy mà anh bạn tôi đi đón con ở cây xăng, mất 3 tiếng đồng hồ. Thay vì chỉ 30
phút lái. (Cái xe của con cháu ngoài xa lộ, sau bão thì tới hơn 10 chiếc húc
vào sau xe nó, tạo thành hàng xe móp méo kéo dài).Còn ông bạn tôi thì làm hãng thép. Hãng có 3 ca để hoạt động 24/24. Khi thời tiết xấu vào ca làm nào thì ca đó phải ở lại hãng vì những lò luyện thép không thể ngưng hoạt động, trong khi công nhân ca kế đâu vô được hãng vì lý do thời tiết. Ông bạn tôi từng ở lại hãng liên tiếp 10 ngày đêm vì bão tuyết. Hãng có máy bay trực thăng để đi mua thức ăn, cà phê, thuốc lá cho công nhân mỗi ngày nhưng tuyệt đối không ai được ra về khi chưa có người thay ca.
Đó là thời tiết miền bắc, và kinh tế Bắc Mỹ thì bạn có thể đọc trên các website. Nhà ở ở Detroit bây giờ có thể mua 1 dollar một căn nhà. Nếu bạn có thể ăn tuyết thay cơm thì quá khoẻ! Dĩ nhiên người anh vợ ở Detroit của bạn phải có cơ sở vững chắc ít nhất là một năm nên mới dám mời vợ chồng bạn đến định cư ở thành phố xe hơi đó chớ. Nói về Detroil làm tôi nhớ đến ông vừa ra tranh cử dân biểu thành phố Detroit với lời hứa: Nếu ông đắc cử, ông sẽ biến Detroit thành Amsterrdam II. Nghĩ là xì ke, ma túy, đĩ điếm hợp pháp để thu hút giới trẻ đến định cư ở Detroit. Vì từ khi suy thoái, người Detroit bỏ xứ mà đi như những làn sóng di dân kinh tế vậy.
Còn người chị vợ của bạn ở Cali thì tùy bạn hiểu biết về khả năng giúp đỡ gia đình bạn lúc ban đầu. Có thể khả năng tài chánh của chị ấy khá thì không sao, nhưng nếu tính toán là tới Cali để dựa vào chính phủ thì đã muộn màng. Thiên đàng của phúc lợi xã hội bên Cali chỉ còn là cổ tích. Về khí hậu bên đó thì lý tưởng, người Cali chỉ vất vưởng khi động đất. Nhưng kinh khủng hơn cả động đất, sóng thần là bên đó đang bị cắt welfare, food stamps hàng loạt, chắc chắn là người nghèo khó sống. Tiểu bang đó lại khổ sở nhất với những nhà tù vĩ đại vì chi phí cho một người tù ở Cali lên tới 38,000 đô la/ năm. Kinh phí tiểu bang làm sao chịu nổi. Những biện pháp thả bớt tù nhẹ ra ngoài cho chính quyền tiểu bang giảm chi phí, thì lại phải tăng chi phí cảnh sát để họ đừng làm mất trật tự công cộng như giật đồ, ăn cắp vặt Vòng kim cô của Cali không lối thoát trừ phi Phật bà Quan âm cứu độ. Nhưng nếu bà chị vợ của bạn làm chủ tiệm nail thì cũng còn OK; nếu chị ấy là bà chủ báo thì vô phương.
Về phần tôi. Cảm ơn
bạn có nhã ý nối lại tình xưa. Tình bạn và sự nghiệp là hai kẻ thù không đội
trời chung. Người ta thường bỏ tình bạn trong sáng, cao quý, thiêng liêng của
tuổi học trò để mỗi người theo đuổi sự nghiệp riêng. Có chín người không trở
lại vì thất bại về sự nghiệp và một người thành công thì cũng không trở lại
luôn vì giàu đổi bạn sang đổi vợ mà lị. Hãy để ngày ấy lụi tàn trong ký ức đẹp,
hay hơn là trách cứ nhau không giống hồi xưa. Nhất là chúng ta đã sống xa nhau,
khác biệt môi trường tới mấy chục năm. Chúng ta sống trong suy nghĩ về bạn bè
với thời gian chết (lúc chia tay) trong khi thời gian bất tử. Tôi không dám hứa
điều gì vì không lường được sự thay đồi của chính mình và của bạn. Tôi chỉ hứa
tới mức: Nếu bạn chọn nơi đây làm quê hương thì tôi giúp gia đình bạn được 6
tháng ăn ở không tốn tiền, sau đó ra mướn apartment. Tôi giúp bạn tập lái xe,
lấy bằng lái. Tặng bạn chiếc xe cũ của tôi làm chân đi. Tôi sẽ xin được việc
làm cho hai vợ chồng bạn, xin được chỗ học cho con bạn. Xin được chút đỉnh phúc
lợi xã hội - nếu bạn thực sự cần. (Nhưng tốt nhất là đừng nghĩ đến khoản này.
Chúng ta đến đây để làm ăn sinh sống chứ không đến để ăn bám chính phủ Mỹ).
Tôi cũng nói qua về
thời tiết nơi tôi ở để bạn dễ từ chối sự giúp đỡ của tôi. Hồi tôi mới qua, một
ngày nắng đẹp cuối tuần. Khi ấy tôi còn ở apartment nên sáng ra lo đi uống cà
phê với bạn bè để khai man trí trá vì có ai nói thật đâu! Báo chí Việt ngữ khi
ấy còn ít, internet thì chưa. Thường sau đó đi rửa xe, rồi về nhà. Vợ tôi lo
nấu nướng những gì đã đi chợ từ chiều hôm qua để ăn cả tuần tới. Chúng tôi ăn
trưa xong thì đi shopping vào giấc 12 giờ trưa. Hai vợ chồng và một đứa con đều
mặc quần short; áo T shirt vì trời nóng. Nhưng sau 3 tiếng chúng tôi ở trong
shopping ra thì parking mênh mông tuyết! Ở đây được mệnh danh là crazy weather
(thời tiết khùng điên). Nhưng nổi tiếng ở Texas là gió xoáy, lốc, (tornado).
Cũng hồi tôi mới qua, đi theo anh bạn Việt nam trong apartment tôi ở. Hai anh
em đi câu cá ngoài hồ 30, rộng như biển. Tôi thấy vòi rồng ngoài xa nên khoái
chí hoan hô, anh bạn thì chửi thề hết biết, quăng cần câu. Vì theo kinh nghiệm
của anh ấy là không nên tiếc rẻ mấy cây cần câu, có thể mất mạng. Chúng tôi lên
xe chạy trối chết! Cái dòng tornado ở xa thì coi vui mắt lắm, (nhất là trong
phim) nhưng nó tới gần thì té đái trong quần! Anh bạn tôi lái, tôi càng rảnh
nhìn lại đằng sau xe, càng sợ. Vòi rồng ở xa thì thấy nó đi có hướng nhưng lại
gần thì má ơi! Nó đi hình chữ z thì biết đâu mà né! Anh bạn tôi đang lái ngoài
xa lộ, thấy exit là vọt vô liền vì tính núp trong cây xăng. Ai dè, bà Mỹ đang
đổ xăng la làng, chạy tuốt vô trạm xăng với người tính tiền, hai người chui
trốn ở đâu không biết. Ngoài này, tornado bốc nguyên cái xe Ford bốn cửa đời
xưa của bà ta, cái xe ấy nặng như xe tăng mà nó bốc lên không trung, quăng xa
hơn 100 feet
Chúng tôi lái mau ra xa lộ lại vì tornado cứ lẩn quẩn với cây
xăng
Đó là đặc trưng về thời tiết nơi tôi ở. Còn nóng thì nơi đây có phóng sự trên truyền hình: Người Mỹ đen nọ, đem cái trứng gà và chai dầu ăn ra mặt đường nhựa, trước nhà anh ta. Anh ta chế miếng dầu ăn xuống mặt đường, đập trứng chiên trên mặt đường nhựa trước nhà. Nóng Texas chỉ thua Phoenix, bên Arizona, nơi đó là xứ sa mạc. Nhưng cái nóng sa mạc nóng khô. Hôm tôi qua chơi, mướn cái xe mới toanh, tôi lái đi Sonoma city, cách Phoenix chừng 2 tiếng lái. Lên núi Sonoma cao tới 3500 feet nên đỡ nóng, nhưng chiều về lại Phoenix, tôi mở cửa xe để bước xuống, nhưng rút chân lại ngay vì tôi tưởng cái xe bị cháy! Nhìn lên đồng hồ điện tử của nhà bank, nhiệt độ bên ngoài đang là 121 độ F. Còn cái nóng Texas thì nóng như con gà mới đạp mái. Tôi không nói bậy đâu, đó là câu tục ngữ của người địa phuơng nói về cái nóng. Chắc bạn nhớ và thấy người Mỹ cũng so sánh hay đấy chứ. Cái nóng ẩm của con gà sau khi làm nghĩa vụ cồ thì y như khí hậu nơi đây! Là tôi cách biển, cách vịnh Mexico 6 tiếng lái đấy nhé. Bạn mà xuống Houston, Galveston thì đi tắm xong, chưa khô tóc, bạn lại muốn đi tắm nữa
Nhưng tất cả sự chó chết của thời tiết Mỹ được giải quyết gọn bằng cái máy điều hoà không khí. Bạn chỉ việc trả tiền điện và chấp nhận làn da máy lạnh quanh năm, nhìn như da người chết đuối ở quê mình.
Tôi cũng trình bày
bộ mặt thứ hai của đời sống Mỹ để bạn rõ!
Ở xứ Mỹ cái gì cũng xịn nên cái gì cũng xẹp.
Nhà là của nhà bank chứ không còn “cái nhà là nhà của ta, ông cố ông sơ làm ra…”
Nên không gì khủng khiếp bằng mất việc làm, mà chuyện đó bây giờ thì thường hơn
cơm bữa. Mất job là mất tất cả. Không tiền trả apartment, không tiền để trả
tiền nhà hàng tháng (mortgage). Nhà bank câu nhà, câu xe từ dân bấm thẻ tới bác
sĩ, giám đốc. Cái khốn nạn của đời sống không phải là bản chất của tư bản mà
người ta ưa đổ thừa. Sự khốn nạn của đời sống bắt nguồn từ a dua. Bạn không độc
lập trong đất nước tự do -có khốn nạn không? Xã hội văn minh chỉ đòi hỏi thi
hành pháp luật, lịch sự trong giao tiếp, cộng đồng, đại khái là chào buổi sáng
với người láng giềng thì ít ai làm như thế. Trong khi đi bấm thẻ thì đeo chi
cái bóp bạc ngàn? A dua là thế. Vợ bạn đang là niền hạnh phúc của con bạn vì
với bạn thì cô ấy đã bất hạnh từ lâu. Cô ấy sẽ lấy lại những gì đã mất từ khi
đến Mỹ! Nếu bạn nhắm còn đủ sức trả hết cho người thì sang đây cho biết với
người ta. Với người mới nhập cư, bạn cần biết! Trước hết là cần bỏ quan niệm liệu cơm gắp mắm. Chúng ta quen thói chẳng nợ nần ai cho khoẻ là không hoà nhập được xứ Mỹ. Tôi phải bỏ ba trăm đô la tiền mặt vô bank để họ ra cho tôi cái thẻ nhựa trị giá ba trăm. Tôi xài thẻ bằng tiền trả trước để mua cái credit cho mình. Khốn nạn không? Nhưng không còn cách khác để build-up credit lên trên 700 điểm thì làm sao mua nhà, mua xe Khốn nạn là sau khi xài thẻ bằng tiền trả trước của mình thì bây giờ họ cho tôi thẻ nợ đến 50,000 đô la để dụ tôi nợ. Cái uy tín của công dân Mỹ là nhà bank cho mày nợ bao nhiêu? American way là thế đó!
Khi tôi có nhà, có xe xong thì tôi sợ mập! Sau thời gian ráng ăn để lấy sức đi cày thì cái bao tử giãn mẹ nó rồi! Bây giờ bảo bớt ăn cũng là cái khổ. Nhưng không bớt ăn thì tôi đã thấy những người bạn ôm lãnh hậu quả khôn lường. Khi tôi control được trọng lượng cơ thể mình thì tôi đã thành nô lệ mới. Người nô lệ xưa chết vì thiếu ăn và làm việc quá sức; người nô lệ mới chết vì dư ăn và thể dục quá nhiều .
Về mặt tinh thần
bạn chẳng bao giờ yên với đời sống và việc làm, nếu bạn còn dính vô stock (thị
trường chứng khoán) thì tiền lời kiếm được không bao giờ đủ cho bác sĩ tim.
Nhưng bạn không đầu tư chứng khoán thì qua Mỹ làm chi? Những người khôn ngoan
thường nói thế, còn đúng hay sai thì tôi thường đi đám ma họ.
Tôi mạn phép không
nói đến những gì bạn có thể đọc trên mạng như: bất an về khủng bố ở nước Mỹ;
phe đảng trong chính trường Mỹ; nợ trần đụng nóc la-phông (ceiling) của chính
phủ Mỹ; người Mỹ qua đời để lại gia tài cho con chó 12 triện đô la; người đàn
ông Việt nam ném bốc con nhỏ xuống sông Alabama; bà phi hành gia mặc tã để lái
xe xuyên bang không ngừng nghỉ… đi bắt ghen.Điều cuối cùng trong tôi muốn nói với bạn, Chúng ta là những người còn sống sau cộng sản. Lịch sử tuyên dương những anh hùng. Nhưng với tôi, thế giới không có người hèn hơn chúng ta. Hèn thêm chút nữa cũng không sao để giải phóng đời sau là cúi mặt đi đi cho con bạn được làm người. Cái hèn đó cũng đỡ nhục hơn cái hèn quá thương thân là ở yên với những gì đã quen. Việc hỏi thăm chi li của bạn về đời sống, mọi thứ ở Mỹ là tuổi tác đã khống chế bạn rồi đó!
PHAN
No comments:
Post a Comment