Tagore & Tagore Festval
Thi hao Tagore
Thi pham Tagore
Một đêm trời trở lạnh nhớ người, kẻ viết mấy dòng này vào website của Du Tử Lê gặp trang viết của Trần Dạ Từ về thi hào Rabindranath Tagore nhân trả lời thư của một độc giả. Cũng là người ngưỡng mộ Tagore, tôi vô cùng thích thú về những thông tin đọc được và xin chia sẻ cùng thân hữu bên trời. Cảm ơn, cảm ơn Trần Dạ Từ và Du Tử Lê. Nhân đây, xin được gởi một lời nhắn riêng tới Trần Dạ Từ: Tuyển tập ca khúc Nụ Cười Trăm Năm của anh và CD tiếng hát Khánh Ly là rất quý đối với tôi. Nhất là trong đó có ghi lời đề tặng thật đặc biệt của anh. Tôi xin giữ mãi và sẽ trao lại cho người thân yêu sau này.
NXT
Khanh Ly & Tran Da Tu. Photo Phan
Nga B. Nguyễn, Chicago viết:
Thưa thi sĩ, Hai năm trước đây, trong bài
tựa của Trần Dạ Từ giới thiệu tập thơ Trần Nguyên Đán*, ông có nhắc tới thơ,
nhạc của Rabindranath Tagore và những “Tagore Festival” được tổ chức hàng năm
tại Mỹ, kèm theo lời hẹn là ông sẽ đến Illinois vào tháng Năm 2011 để dự
Festival kỷ niệm 150 năm sinh Tagore.
Thời điểm ấy nay đã qua, lời hẹn chắc đã được thực hiện.
Là người hâm mộ thơ R. Tagore, lại đang sống ngay tại Illinois, nhưng xin
thưa thật là tôi không biết gì về những Tagore Festival tổ chức tại vùng này.
Tôi cũng không biết gì về âm nhạc
Tagore, ngoài việc nhớ từng đọc đâu đó rằng Tagore là tác giả hai bài quốc ca
của Ấn Độ và Bangladesh. Xin ông vui lòng cho biết thêm về âm nhạc Tagore và về
chương trình kỷ niệm 150 năm sinh Tagore mà ông đã tham dự.
Hy vọng nhờ sự chỉ dẫn của ông, tôi có thể
tìm đến festival này vào... năm
tới.
Xin cám ơn ông.
Trần Dạ Từ trả lời:
Thưa Ông/Bà Nga B. Nguyễn,
Xin thưa ngay để yên tâm: Không cần phải đi xa, Ông/Bà có
thể ngồi nhà nghe ca khúc Tagore. Cũng không phải chờ đến năm tới, Ông/Bà có
thể trực tiếp dự Tagore Festival ngay tại Chicago, và ngay trong tuần này –
ngày 27 và 28 tháng 10, 2011.
Xin chú ý 2 đường dẫn trong từng phần trả lời.
Trước hết, là chuyện âm nhạc. Không chỉ hai, mà có tới ba
nước đã chọn ca khúc Tagore làm quốc ca.
Sau Ấn Độ, Bangladesh – từng được gọi là Đông Hồi -- nước thứ ba là Sri Lanka, tức Tích Lan, một quốc gia Phật
giáo. Năm 1938, theo yêu cầu của một môn sinh người Sri Lanka tên là Anand
Samarkun, R. Tagore đã soạn bài hát “Sri Lanka Mata / Mẹ Sri Lanka”. Bài hát
được Anand mang về nước, chuyển dịch lời ca ra ngôn ngữ riêng của Sri Lanka, và
trở thành quốc ca từ 1953.
Trong lịch sử nhân loại đầy tranh chấp tôn giáo, việc ba
nước tiêu biểu cho Ấn giáo, Hồi giáo và Phật Giáo cùng chấp nhận một tác giả
quốc ca duy nhất là chuyện khó tin nhưng có thật. Điều này đã được cả ba nước chủ nhà chính
thức xác nhận trong lễ chào cờ khai mạc
World Cup 2011 hồi Tháng Hai vừa qua ở Mumbai. Từ giáo đường, hè đường tới phim
ảnh Ấn Độ ngày nay, đâu đâu cũng có nhạc
Tagore. Trong số 2230 ca khúc của ông, có hàng trăm bài đã trở thành thánh ca,
dân ca.
Xin mời coi ca khúc
Tagore qua Youtube, bài “Pagla Hawa,” nhạc phim “Bong Connection”, remix
kiểu Pop Dance với phụ đề Anh ngữ, theo đường dẫn sau đây:
http://www.youtube.com/watch?v=5ALO4KexBS0&feature=related
Ông/Bà cũng có thể tìm đọc thêm phần giới thiệu khá đầy đủ
về 5 loại ca khúc Tagore, trong sách “The Essential Tagore”. Với hơn 800 trang,
đây là cuốn sách về Tagore bằng Anh ngữ đồ sộ nhất, vừa được Harvard University
ấn hành năm 2011, để kỷ niệm 150 năm
sinh Tagore.
Sau đây là chuyện Tagore Festival.
Tagore là thi sĩ duy nhất của nhân loại đã tới sinh hoạt tại
hơn 30 quốc gia ở khắp các châu lục, vào thời hàng không chưa phát triển. Ông đáp tầu thuỷ từ Anh sang Mỹ ngày 28 tháng
10 năm 1912 và đến thẳng Urbana,
Illinois, nơi có đại học nông nghiệp nổi
tiếng mà ông từng gửi con trai sang theo học.
Tại đây, ngày 10-11-1912, Tagore là diễn giả tại nhà thờ Unitarian
Church. (Chính nhà thờ này đã lập hội, hàng năm
tổ chức Tagore Festival. Từ 1989, National Historical Building của thành
phố được đặt tên là Tagore Center). Sang
năm 1913, từ Urbana, Tagore lần lượt là diễn giả tại Chicago University, rồi
Harvard University, tham dự hội nghị
quốc tế về tôn giáo, the Congress of Religious Liberals , tại Rochester...
Từ 1912 tới 1930, Tagore đã 5 lần tới Mỹ, đi khắp các tiểu
bang nói chuyện, nhưng chính Chicago là
nơi đầu tiên tại Mỹ in thơ của Tagore.
Năm nay, có hàng trăm buổi hội
họp kỷ niệm 150 năm sinh Tagore tại hầu hết các thành phố lớn trong nước
Mỹ, riêng Chicago University tổ
chức Tagore festival đúng ngày Tagore
đến Illinois đầu tiên, 27-28 tháng 10, 2011. Nhiều loại tác phẩm của Tagore sẽ
được trình diễn tại đây, đặc biệt ngày 28-10, có Dr. Sebastian Klotz, giáo sư
người Đức chuyên systematic musicology nói chuyện về âm nhạc Tagore.
Như vậy, không cần phải bay 460 dăm đi Urbana, ông/bà có thể
coi nội dung chương trình và ghi danh tại link sau đây:
http://lucian.uchicago.edu/blogs/tagoreconference/program/
Nếu vì lý do gì không kịp dự festival này, cũng xin yên
tâm.
UNESCO đã chọn 2011 là Năm của Rabindranat Tagore (1961- 1941). Ông không chỉ là thi sĩ, nhạc
sĩ, mà còn là hoạ sĩ. Một bức tranh Tagore vừa được bán đấu giá 1.6 triệu đô la
tại London. Một cuộc triển lãm hội hoạ Tagore, rồi tuần lễ điện ảnh về Tagore,
đã khởi sự tại châu Á và sẽ tới Mỹ, chắc sẽ phải ghé Chicago, vì 2012 là kỷ
niệm 100 năm Tagore đến Mỹ, và năm tới nữa, 2013 sẽ là kỷ niệm 100 năm giải Nobel
Văn Chương đầu tiên cho châu Á.
Thưa Ông/Bà Nga, Trên đây chỉ là những thông tin cóp nhặt để
chia xẻ, vì cho tới nay tôi vẫn chưa có dịp ghé Illinois, và cũng như Ông/Bà,
đang chờ dịp để dự một Tagore Festival tại miền Tây nước Mỹ. Xin cáo lỗi trả
lời chậm trễ và dài dòng. Kính chúc an lành.
TDT
(Nguon: Dutule.com)
(Nguon: Dutule.com)
***
GHI CHÚ:
* Chữ Nghĩa Của Đán,
gồm 100 Bài Thơ Trần Nguyên Đán, Vietbook USA ấn hành 2009. Trần Dạ Từ viết
tựa. Trích đoạn:
“Lại nhớ R. Tagore.
Phải, từ 1912 -một năm trước khi nhận Nobel văn chương đầu tiên cho châu Á-
Tagore cũng từng mang những thơ, truyện ngắn và lời hát đến với nước Mỹ. Và
cũng nước Mỹ này, từ lâu, có “the annual Tagore Festival” tổ chức hàng năm tại
Urbana, Illinois.
Ông Đán, Ông nghĩ sao
nếu sau Boston, tháng Năm 2011, mình cùng đến Illinois, dự festival mừng sinh
nhật thứ 150 của người thi sĩ ấy?”
No comments:
Post a Comment