Hạc Vàng Khuất Bóng
Tô Thẩm Huy
Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Tôi học với Giáo Sư Nguyễn Đức Hiển cách nay đã mấy mươi năm. Không học dưới mái trường mà học trên sân nhà ông. Không học ở Sài Gòn mà học ở Houston. Không học văn chương mà học võ thuật. Trong hơn hai mươi năm quen ông tôi cũng không biết là ông đã từng dậy Việt văn tại ngôi trường mà mình đã chạy nhẩy suốt bẩy năm trung học. Cho đến ngày ông mất.
Tôi quen ông qua người anh cả trong gia đình. Dạo mới sang Mỹ, ông và người anh tôi định cư tại Pine Bluff, một tỉnh nhỏ kế cận thủ đô Little Rock của Arkansas, rồi rủ nhau dọn về Houston đầu thập niên 80. Tôi bắt đầu quen ông từ đấy. Ông dáng người quắc thước, không vạm vỡ nhưng rắn rỏi. Cái rắn rỏi của một võ sĩ Đại Hàn. Cằm vuông, vầng trán cao, đôi mắt sáng, nửa như khiêu khích, soi mói, nửa như ân cần, thăm hỏi. Ở ông toát ra cái vẻ vừa nhanh nhẹn, lại vừa ung dung, cái ung dung từ tốn của một con cọp đang nằm phơi nắng, lẫn cái vẻ vừa rêu phong, cổ kính như những nhân vật của Vũ Khắc Khoan, của Nguyễn Tuân, lại vừa quen thuộc, thân tình như người hàng xóm kế bên. Những nét trái ngược ấy đã tìm được cách hài hoà chung sống nơi con người ông. Và nơi tranh vẽ của ông. Tranh ông đầy những mầu sắc thuỷ mặc, mềm mại của hội hoạ Trung Hoa, pha trộn với những đường nét mạnh mẽ, góc cạnh của hội hoạ Nhật Bản. Dạo ấy, hai mươi mấy năm trước, tôi nhìn ông như một người tài hoa, đởm lược, đã từng lang bạt kỳ hồ sang Lào, sang Tân Gia Ba, làm việc cho Sứ quán Viêt Nam, thu nhặt những nét đẹp tinh hoa của Đông Á. Yêu cây kiểng, say mê đồ cổ, tinh thông chữ Hán, giỏi thập bát ban võ nghệ. Nhưng tôi đã không nhìn thấy ở ông một tâm hồn thi sĩ. Người ta quả có thể đối diện mà không tương phùng. Tôi vốn say mê Đường thi từ những ngày còn trẻ. Ông lại là người yêu mến cổ văn, từng học Văn Khoa ở Hà Nội. Thế mà trong những lần gặp gỡ, chẳng bao giờ ông và tôi nói chuyện văn chương với nhau. Gặp nhau, chúng tôi nói chuyện về cách thức nấu phở, ông nấu phở cho tôi ăn, phở ông ngon lắm, đậm đà mà thanh tao, nói chuyện về nghệ thuật ăn uống, về hội hoạ, về võ thuật, nhưng không một lần đả động đến văn chương. Nhưng không phải vì thế mà không có chuyện.
Số là bẵng đi một thời gian khá lâu không liên lạc, thì cách đây vài năm tôi được một người bạn tặng một tập sách do ông biên soạn, tập Vang Bóng Hạc Vàng, viết về bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu và những giai thoại, những bản dịch khác nhau, của ông và của nhiều người khác. Riêng của ông thì đến những mười mấy bản. Bài thơ này thì không ai đọc Đường thi mà không biết. Và cũng không biết bao nhiêu người đã say mê dịch nó sang tiếng Việt. Trong số những người ấy có Vũ Hoàng Chương. Đầu năm 1970, trên tờ Văn Học ở Sài Gòn ngày trước, nhân dịp giỗ thi sĩ Tản Đà lần thứ 31, Vũ Hoàng Chương đã nhắc đến và lên tiếng ca ngợi bản dịch của hai người (1). Một của nhà nho Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, một của Tản Đà. Mỗi người một vẻ. Bản dịch của Tùng Vân thì ít được phổ biến, dù đã đăng trên Nam Phong tạp chí từ những năm 20, có lẽ vì đọc lên nghe trúc trắc, không xuôi tai. Nhưng, như Vũ Hoàng Chương đã chỉ ra, bản dịch ấy rất công phu, rất già tay. Ở chỗ nó đã theo sát nhạc điệu của nguyên tác. Sát cả ở những chỗ sai niêm thất luật. Bản dịch của Tản Đà thì trái lại, nhẹ nhàng, bay bướm. Nó du dương trầm bổng trong cung điệu lục bát. Bản dịch ấy ắt phải hay lắm, vì đến nay đã hơn 70 năm, mà vẫn còn được nhiều người nhắc đến một cách ưa thích. Nó đã vượt qua được sự thử thách của thời gian. Nhưng theo tôi, cái hay ấy nó ’Tản Đà’ quá, nó ngọt ngào, hiền lành quá. Cái không khí mang mang hiu hắt, nỗi cô đơn day dứt của thân phận con người đang bơ vơ lạc lõng giữa trần gian trong một chiều nắng tắt, mà thiên đường thì đã mù mịt lối về, cái không khí ấy đã bị dịch giả thuần hoá, trở nên nhu mì mềm mại, nhẹ nhàng trôi chẩy trong giòng ca dao. Cái hay của Tản Đà là ở chỗ ấy. Nó dễ đến với người Việt vì lẽ ấy. Nhưng đó, theo cái thiên kiến lệch lạc của riêng tôi, cũng là chỗ hụt hẫng của ông khi dịch Hoàng Hạc Lâu.
Ít lâu sau biến cố 1975, giới yêu thơ ở hải ngoại bỗng nhận được từ trong nước bản dịch Hoàng Hạc Lâu của Vũ Hoàng Chương. Nghe nói là những dòng chữ cuối cùng của một đời đắm đuối với chữ nghĩa, gọt dũa nhiều năm đến lúc lìa trần mới hoàn tất. Tôi đã đọc bản dịch của Vũ Hoàng Chương một cách say đắm. Nó còn hay hơn cả nguyên tác. Mà nguyên tác thì đã hay tót vời. Cái mà Thôi Hiệu phải vận dụng hết mười thành công lực, phá vỡ luật thơ thất ngôn, sử dụng 6 thanh trắc liên tiếp mới nói được:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
đến độ hùng tâm dũng khí như Lý Bạch, đọc xong, tay vung quyền, chân tung cước, vẫn phải gác bút chịu thua, cúi đầu ra đi (2), thì Vũ Hoàng Chương vẫn ung dung rút kiếm giữa trời thơ, phóng con mắt nghìn đời dõi theo đôi cánh hạc đã mù khơi mà thong thả dẫn nó quay về trong cung bậc thất ngôn niêm luật. Hai câu thực trong bản dịch của Vũ Quân bay bổng giữa trời thơ ảo diệu:
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng một mầu mây vạn vạn đời
Bạn thấy gì không? Một mầu vàng loé lên giữa trời rồi vụt tắt, một mầu vàng tung lên rồi vĩnh viễn không trở lại, nhưng cứ mãi mãi lấp lánh trong tâm tưởng và trên thân phận con người. Còn lại gì chăng, ngoài một cõi thiên thu vàng ngợp đến bất tận! Đọc đến câu cuối: Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi, cả một trời Đường thi bỗng lay động. Thôi Hiệu giá có đọc được câu ấy, nội chỉ một câu ấy thôi, cũng phải ngả nón cúi đầu khâm phục. Nó nói được điều Thôi Hiệu muốn nói, bằng một cách khác hẳn, một cách rất tài hoa riêng biệt, như một lời ngậm ngùi năn nỉ với hư không: Sóng ơi, sầu đã chín, xin thôi giục. Sóng gì ? Sóng nước ? Hay những lớp sóng của bể dâu hưng phế ? Ai muốn thấy sự khác biệt tinh tế giữa hai dòng ngôn ngữ Hán, Việt xin cứ thư thả đọc lại hai câu: Yên ba giang thượng sử nhân sầu ... Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi, ắt sẽ rõ. Hoặc muốn biết nội công thượng thừa của Vũ Quân thâm hậu đến đâu, xin nhẩn nha ngoảnh lại, thử bầy một cuộc đổi dời di dịch, đọc lại một lần nữa câu vàng tung cánh hạc đi đi mất, nhưng lần này hoán đổi chữ hạc lên đầu câu, hạc vàng tung cánh đi đi mất. Bạn thấy gì không? Cũng bẩy chữ ấy, nhưng lần này, khi chỉ đổi chữ hạc lên đầu câu, thì cả một trời thơ đang lung linh sáng bỗng tối sầm lại. Tô mì Hải Ký đang bốc hương ngào ngạt bỗng lặng lẽ trở thành tô mì gói. Mì gói một tô cũng thú vị lắm, nhưng chao ôi, tô mì Hải Ký ... Và tôi đã tự nhủ: không ai sau Vũ Hoàng Chương nên ‘dại dột’ dịch Hoàng Hạc Lâu nữa. Đến Vũ Hoàng Chương thì Hoàng Hạc Lâu đã dịch xong rồi. Tôi vẫn nghĩ thế. Nên lúc đọc Vang Bóng Hạc Vàng của GS Nguyễn Đức Hiển với mười mấy bản dịch tôi đã thầm có ý ‘chống đối’. Tôi đã đọc mười tám bản dịch của ông bằng con mắt không ‘hạnh phúc’. Và tôi đã thầm ‘trách’: Sao lại đi dịch Hoàng Hạc Lâu!
Sau đó ít lâu tôi được anh tôi báo tin ông đã mất. Rồi các cựu học sinh Võ Trường Toản liên lạc rủ nhau đi dự đám tang GS Nguyễn Đức Hiển. Lúc ấy tôi mới biết là ông đã từng dậy Việt văn tại trường trung học của mình ngày xưa. Hôm đưa đám ông tôi lại có việc phải đi xa. Lại không được nhìn mặt ông lần cuối. Sau đó, tôi tìm đọc các tác phẩm khác của ông, tập Cổ Thi Nhàn Dịch và tập Trời Sau Nhật Thực. Lúc ấy tôi mới khám phá ra rằng không những ở cái thú ăn uống, nấu nướng, mà còn ở thi ca, ông và tôi có nhiều say mê giống nhau. Nhiều bài trong tập Nhàn Dịch của ông tôi cũng đã dịch. Tôi đã đọc và dịch Đường thi như một niềm hạnh phúc cô độc. Một mình. Một mình với người xưa. Rồi đến một đêm nọ tôi lại bắt gặp chính mình đang ‘dại dột’, đang ngồi dịch Hoàng Hạc Lâu, lịch kịch gõ tới gõ lui vẽ lên hình ảnh một cánh hạc rực vàng đang tung cánh trong nắng chiều chực tắt, đang bay, bay mãi về phương trời vô hạn. Khuôn mặt ông chợt hiện ra từ đằng xa nhìn tôi mỉm cười. Vẫn đôi mắt ấy, nửa như ân cần thăm hỏi, nửa như dịu dàng khiêu khích: Sao, còn thầm trách nữa không ? Tôi tắt đèn, nhắm mắt. Khuôn mặt ông thấp thoáng chập chờn trong giấc ngủ. Đêm hôm đó tôi hiểu hơn bao giờ, rằng người ta đôi khi viết như để trò chuyện với một nỗi ám ảnh, với chính mình, và như để chẳng làm gì hết. Viết để viết ra. Thế thôi. Hay hay dở cũng chẳng để làm gì hết. Cứ chịu chơi hết mình một cuộc rồi thì đâu sẽ ra đấy. Hay hay dở là ở chỗ chịu chơi hết mình hay không hết. Mọi điều còn lại đều vô nghĩa. Giữa những người chung một cuộc chơi có một sự cảm thông kỳ bí không nói ra được bằng lời. Liền cả tháng sau đó, đêm nào tôi cũng dịch tới dịch lui Hoàng Hạc Lâu, như là một cách trò chuyện với ông. Dịch đến mấy mươi bản khác nhau mà vẫn cứ loay hoay dịch. Hoàng hạc Lâu chỉ là một cái cớ. Hoàng hạc Lâu có thể là bài thơ hay nhất Đường thi nhưng điều ấy không quan trọng. Dịch hay không dịch, hay dịch mấy mươi bản, không quan trọng. Điều ly kỳ gay cấn là cái sự vụ dịch. Nó biến khoảnh khắc trở thành vĩnh cửu. Và vì thế, với người dịch, ngay trước và trong lúc cầm bút dịch, nó đã là sáng tạo, là làm hồi sinh trong hồn cái mầu xanh ban sơ bất tuyệt. Những lúc ấy tôi không còn một mình, không còn cô độc. Cũng người một hội một thuyền đâu xa.
Nhiều người lý luận rằng bản dịch thì không thể nào hay hơn nguyên tác, nó chỉ diễn lại cái ‘‘ ý ’’ đã có sẵn. Những người ấy thực không hiểu gì về thơ. Họ làm như trong thơ ‘‘ ý ’’ là cái gì quan trọng lắm, làm như thơ là cái gì rõ ràng minh bạch lắm. Họ không hiểu được rằng cái điều được nói ra, và cái điều nói ra được, lại là cái điều không muốn nói, và lại càng là cái điều không đáng nói. Cách nói mới là cái cốt tuỷ của nghệ thuật, cái làm ta ngậm ngùi tái tê hồn phách. Vậy là sao? Xin thưa ngôn ngữ vốn bất lực, cái điều nói ra được chỉ là một cuộc bầy binh bố trận để tìm cách nói ra cái điều không nói ra được. Nhưng nói như vậy cũng không hẳn là nghe được. Nói như vậy cũng chỉ là nói để nghe vậy. Chứ ngôn ngữ, cả chữ lẫn nghĩa, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chỉ là cái ngón tay. Và vầng trăng cổ độ thì mãi mãi chiếu sáng trên thân phận con người. Trước cái bờ vực thẳm mà ngôn ngữ đã phải cúi đầu hàng phục, phải đứng lại, thì thơ đã chắp cánh, đã nhắc một nhịp cầu để đáo bỉ ngạn, để có thể bước sang cảnh giới bên kia. Muốn biết cái cảnh giới ấy thế nào thì phải dấn liều một bước mà bước bước qua, thì mới có thể chết từ sơ ngộ mầu hoa trên ngàn. Còn cứ đứng tại chỗ vỗ tay khen ngợi, hay lên tiếng đổ lỗi cho nhịp cầu, thì làm sao thấy được những đoá hồng dại đang run rẩy đón chờ buổi tương phùng của một ngày đoàn viên xum họp. Làm mới ngón tay, trau chuốt nó, là điều cần thiết. Nhưng chao ôi, cái cách trỏ . . .
Kể ra ông đã thọ, chỉ kém vài năm thì đầy bát tuần. Ông ra đi đột ngột, để lại bao thương tiếc cho người thân, và những bức hoạ, những vần thơ mê ảo. Ông vừa dịch cổ thi, vừa sáng tác, bằng Việt ngữ, và bằng cả Hán ngữ. Thơ ông vừa mới, lại vừa cổ. Cổ như tiếng nói của con người. Mới hơn thơ của những người đang đòi làm mới thơ. Thơ thì bao giờ chẳng mới, thứ thơ tinh khôi đến từ đáy lòng, làm sao mà nó cũ được. Sao người ta cứ thích tô son thoa phấn cho thơ, mà không chịu làm mới lòng mình, không chịu đưa mảnh hồn mình ra mà dấn liều tang thương một cuộc. Thử chép ra đây mấy câu thơ của ông:
...Những vụn vặt ảnh hình
Những đê mê hồi tưởng
Ánh tóc ấy xưa dài như con suối
Dẫn lối Đào Nguyên
Huyễn tượng
Ánh mắt ấy chứa chan thần mật
Sáu nẻo mê đồ
Sắc tướng
Làn môi ấy căng lên cánh buồm phơ phất
Lưu thuỷ hành vân
Ngũ âm
Tuyệt xướng
Chữ nghĩa ông quả là say đắm, mê đồ. Ánh tóc ấy, Ánh mắt ấy...thần mật... sắc tướng. Làn môi ấy căng lên cánh buồm...tuyệt xướng. Hay tuyệt sướng ? Nào ai biết...
Một chữ cũng là thầy, nửa thế võ cũng là thầy. Lúc ông còn ở hồng trần, tôi đã được cái duyên cùng ông đối diện nhiều lần, nhưng lại chẳng được một lần tương phùng. Nay ông như cánh hạc đã vụt bay bất phục phản, tôi lại gần gụi, thân thiết với ông hơn bao giờ. Ngày giỗ nhì cũng sắp đến. Xin thắp nén hương chắp tay lạy ông mấy lạy. Một lạy để tạ lỗi đã thầm trách ông. Một lạy nữa để cảm ơn ông đã dậy tôi đôi điều, dăm thế, lúc ông đương còn ở quán trọ trần gian, cũng như sau lúc đã bay về nơi cõi trời xa tắp.
Như đôi điều tâm sự cùng người đã khuất, xin chép ra đây hai bản dịch của ông và hai bản dịch của tôi, một bản giả vờ tuân theo niêm luật, một bản noi gương cụ Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, đi theo nguyên tác mà bước ra ngoài luật thơ.
Tô Thẩm Huy
Lầu Hoàng Hạc
Bài một
Hạc vàng người cưỡi biết đâu nơi
Gác hạc vàng đây đứng ngóng trời
Một phới hạc vàng không trở lại
Nghìn trùng mây trắng mãi rong chơi
Ngàn cây bến Hán còn ngơ ngác
Lớp cỏ châu Anh vẫn ngậm ngùi
Chiều xuống có quê mà chẳng ở
Để sầu khói phủ với sông trôi
Bài hai
Chuyện xưa người cưỡi lưng hoàng hạc
Bỏ mặc bên đường gác Hạc không
Một chuyến vàng bay chìm bóng hạc
Nghìn đời trắng xoá gợn mây bông
Hán Dương rờ rỡ hàng cây bến
Anh Vũ lê thê lớp cỏ đồng
Chiều xuống nơi nào quê quán nhỉ
Nhớ thương thương nhớ khói đầy sông
Nguyễn Đức Hiển
Bài một
Cưỡi hạc người xưa đã khuất vời
Trơ lầu Hoàng Hạc đứng chơi vơi
Mù tăm cánh vút, vàng muôn thuở
Lờ lững mây trôi, trắng ngập trời
In bóng Hán Dương, sông loáng nắng
Quạnh bờ Anh Vũ, cỏ im hơi
Chiều nay sương khói dâng trên sóng
Sầu thẫm hoàng hôn lạnh xứ người
Bài hai
Người xưa cưỡi hạc đi đi mất
Đây lầu Hoàng Hạc lạnh tầng không
Một đi bóng hạc vàng hun hút
Muôn thuở mầu mây trắng chập chùng
Cây bến Hán Dương xanh trong nắng
Cỏ bờ Anh Vũ trĩu ven sông
Chiều hoe nắng lịm, đâu quê quán
Khói sóng dâng khơi giục não lòng.
Tô Thẩm Huy
Ghi chú:
(1) Vũ Hoàng Chương, Hoàng Hạc Lâu, in lại trong ‘Tản Đà, Về Tác Giả và Tác Phẩm’, NhiềuTác Giả,
NXB Giáo Dục, 2000, trang 330, 331.
(2) Nhất quyền đả đảo Hoàng hạc lâu, Lưỡng cước thích phiên Anh Vũ châu,
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu. (Lý Bạch)
Một quyền đấm lệch Hoàng Hạc lâu, Hai cước đá phăng Anh Vũ châu.
Cảnh đẹp lọ là xin gác bút, Kìa thơ Thôi Hiệu ngửng ngang đầu. (TTH)
(3) Nguyên tác và một số các bản dịch khác:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tảikhông du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Người xưa đã cưỡi hoàng hạc đi mất
Chốn này luống còn riêng mỗi lầu Hoàng Hạc
Hoàng hạc một đi là đi mãi, không trở lại
Mà mây trắng thì cứ nghìn năm lững lờ bay
Sông trong vắt, hàng cây Hán Dương hiện rõ
Cỏ ngun ngút , bờ bãi Anh Vũ ngậm ngùi
Ngày đang tắt, quê hương biết ở phương nào
Khói sóng trên sông giục lòng ta nỗi muộn phiền
黃 鶴 樓
昔 人 已 乘 黃 鶴 去
此 地 空餘 黃 鶴 樓
黃 鶴 一 去 不 復 返
白 雲 千載 空 悠 悠
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹
芳 草 萋萋 鸚 鵡 洲
日 暮 鄉 關 何 處是
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán ngàn cây hửng
Xanh ngút châu Anh lớp cỏ dầy
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây
Ngô Tất Tố
Người xưa cưỡi hạc đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Tản Đà
Người tiên xưa cưỡi hạc vàng tếch
Ở đây còn có lầu hạc trơ
Hạc vàng một tếch chẳng về nữa
Mây trắng nghìn năm còn phất phơ
Sông tạnh Hán Dương cây sát sát
Cỏ liền Anh Vũ bãi xa xa
Trời chiều quê quán đâu chăng nhỉ
Khói sóng trên sông giục nhớ nhà
Tùng Vân
Người đi cưỡi hạc từ xưa
Đất này Hoàng Hạc còn lưa một lầu
Hạc vàng đi mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một mầu mênh mông
Hán Dương cây bóng lòng sôngBãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì
Chiều hôm lai láng lòng quê
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu
Trần Trọng Kim
No comments:
Post a Comment