Nghe
Lưu Na
Biết tôi buông sách tiếng Việt, ông bạn gầm gừ nho nhỏ đọc đi.
Tôi chỉ cười cười. Sợ tôi ngu quá
không hiểu, ông dẫn giải, phải đọc_mà có biết đọc mới có thể viết. Tôi bướng bỉnh cái điều mình không phải nhà
văn nhà “viết”. Ông dỗ dành, thì cũng phải đọc để biết, để làm giầu tâm
hồn. Cho chắc ăn, ông lại dúi vào
tay tôi, lần này là 3 dĩa thu thanh, nhẹ nhàng rằng cứ nghe mà không nên nhớ
mới viết được. Tôi ra xe cười thầm:
-Chú mày không đọc thì
ông bắt phải nghe
-Nhưng thưa bác, xe cháu
hư loa, nhà nghèo không máy
Không nghe. Nhưng cái
ân cần bắt mình phải nghe. Mà lạ, mình
cứ đi xem ca nhạc, xem văn nghệ và nghe đọc truyện, sách, bài viết. Vậy là sao?
Tôi vẫn là đứa nhà quê, lên YouTube hay xem video ca nhạc tôi vẫn nhắm
mắt để lắng nghe. Ngồi trước máy
computer tôi chỉ liếc sơ qua những bài dài, và chỉ tháu đọc những bài
ngắn. Cái tôi cần đọc muốn đọc, tôi đọc
bản in ra giấy, lúc nằm trên giường. Tôi
vẫn muốn nghe âm thanh và đọc con chữ, nên vẫn lạc hậu. Nhưng khi túng cùng thì tôi cũng nghe đọc
truyện, như truyện Hồ biểu Chánh, biết tìm đâu ra để cầm đọc trên tay. Hay Thư Sài gòn, có ai gửi cho đâu mà
đọc. Thôi, cũng liều nghe mấy cái dĩa
ông bạn dúi vào tay.
Giọng nam trầm ấm, bình thản tự in. Giọng nữ thanh, trong, đúng âm sắc và đầy
hơi. Bài đọc là những bài điểm sách, giới thiệu sách, những
bài viết về sự kiện, nhân vật… Ở cái
tương xứng của 2 giọng đọc tôi nghe ra được một điều tế nhị: đọc có hồn cũng chưa bằng đọc bằng tâm hồn. Giọng hay, biết cách đọc, có trình độ hiểu
biết để ngắt đúng câu dặm đúng chữ thì bài đọc có hồn, nhưng chưa đủ. Ở đây, giọng nam tỏ ra một người đọc bằng tâm
hồn. Những đoạn trích dịch thơ, văn,
thường là ông đọc. Có episode nghe được
cái mệt mỏi chán chường. Có episode nghe
được giọng yếu ớt như muốn nằm xuống bên đường.
Ông đọc, chầm chậm và tự tại.
Nghe ẩn ức chỗ đau, sâu lắng chỗ buồn, và ngập ngừng ngưng một khoảnh
khắc những chỗ suy tư. Không có giọng
kịch. Chỉ có giọng chậm rãi vững vàng và
thật như đang nói to một mình, nói với chính mình. Ở cái thật và tự tại đó, ông đã đọc một bài
viết có lời cám cảnh cho bạn mà cũng là cảnh của mình, có một lời chào giã biệt
bạn nhẹ như gửi một làn hơi vào gió thoảng.
Thêm một lần nữa tôi nghe được lời ai điếu tự đọc, trong cái nhẹ nhàng
như nói chuyện nắng mưa mà thấm vào lòng một nỗi ngậm ngùi.
Đọc truyền thanh (thực tôi không biết dùng chữ gì để chỉ
điều này) không chỉ có những đòi hỏi mà còn mang lại những ảnh hưởng khó
lường. Giọng đọc dở thì kể như
bài/truyện vất đi. Giọng đọc hay, người
nghe nghe ra một nội dung có phảng phất cá tính hay một cái gì đó của xướng
ngôn viên. Nghĩa là dù sao, bài viết
cũng đã thêm một chút mầu, thêm một lớp áo, không còn là nguyên thủy. Có tác giả sẽ cám ơn người đọc mang sinh khí
cho bài mình viết, e đó là những bài viết còn hơi thiếu… Có tác giả gẫm buồn bài bị phá mất cái quan
yếu, đó là những bài đòi hỏi suy tư mà lời đọc khi thoát ra âm thanh là tan
theo gió. Còn những tác giả viết như đưa
một bức hình dầy đặc chi tiết, dù ẩn hay hiện cũng đều cùng một chiều sâu thì
sao? Mỗi người đọc sẽ tùy chọn một chủ
điểm một khía cạnh mình chú ý để hiểu.
Vậy thì đọc bằng giọng nào cũng ổn, phải vậy không? Mà không phải. Đến loại bài/truyện có một giọng văn riêng đó
thì cứ giọng đọc càng kịch tính càng giết tác phẩm, e là giọng đọc càng hay
càng “có hồn” càng phủ nhận hồn của bài.
Có thể nào giọng đọc bằng cả tâm hồn như giọng nam tôi nghe làm lệch đi
cái điều người viết muốn gửi gấm? Tôi
nghĩ nên thỏa hiệp với chính mình. Cũng
tạm như đọc sách, hễ có chữ hay thì cứ hưởng, sao phải băn khoăn. Đời sống bận rộn, không thể mãi nằm trên
giường mà ôm quyển sách hay trang giấy được thì sao không cứ nghe cho đã, lúc ở
chỗ làm, lúc lái xe (hay cả những lúc muốn lờ bà mẹ vợ.) Nhất là bài được đọc lên bằng một tâm
hồn? Tựa như khi đọc bài điểm sách là
đọc cả người viết lẫn người điểm, khi nghe là nghe được cả tâm hồn người viết
lẫn người xướng.
Nhưng đôi chút ngập ngừng, tôi nghĩ mình gàn. Vẫn buồn lòng chỗ không cầm được chữ trên
tay. Tôi vẫn muốn dừng lại những khi đọc
một con chữ hay, lui lại một câu thấm thía, tôi vẫn muốn ngẫm nghĩ bằng đầu óc
của mình. Tôi không dám hơn người, nhưng
vẫn muốn tự tìm ra một ý nghĩa hơn là được người khác tìm dùm. Và vẫn tự hỏi, nếu đọc bài điểm sách của ai
khác, không phải của chính ông viết ra, như của Võ Phiến chả hạn, tôi nghe có
ra Võ Phiến không hay sẽ nghe ra người cất giọng? Rách việc.
L.N.
No comments:
Post a Comment