Monday, October 23, 2017

HUỆ XANH


Hồ Đình Nghiêm

                                                               Lê Thị Huệ. Hình Gio-o

Hoa huệ đâu có mầu xanh, nhỉ? Xanh nầy tựa như Khúc Cầm Xanh, hoặc Lệ Đá Xanh. Hoa huệ phải là màu trắng. Và Huệ Trắng, là tên một bài thơ:

“Sống mãi trong lòng giấy già qua bao cửa phù trầm
Những nhánh chữ toả muôn nghìn chân phiếm
Bám lấy khoảng hư không của bầu trời ái ngại
Một cõi mênh mông sáng rực rỡ xưa sau
Ở phía bên kia của trí tưởng hoảng hoát
Cả miền thịt da thơm nẩy rú rừng em huệ trắng
Bài thơ em gửi anh mãi mãi là bài thơ tình thứ nhất”.

Người làm ra bài thơ trên mang tên Lê Thị Huệ.

Người Việt, từ bé gái mới chào đời cho tới các em, những chị, quý cô quý bà có bao nhiêu tên gọi trùng lẫn với loài hoa sang cả ấy? (Giống hoa mà tỉnh bang Québec nơi tôi cư ngụ đã mượn đỡ để in vào lá cờ. Bông trắng nền xanh chẳng chêm nhuỵ vàng). Không có được cắc cớ một thống kê, bởi “chuyên gia” chỉ chú trọng tới họ. Họ Nguyễn thường đứng đầu về sĩ số, đồ vậy.

Lê Thị Huệ, ở hải ngoại này e chỉ có một mà thôi, riêng mình tôi biết. Lê Thị Lan, Lê Thị Hồng, Lê Thị Cúc, Lê Thị Mai… thì đếm không xuể, cũng theo trí tưởng của riêng tôi. Thì phụ nữ mà, xưa nay bố mẹ vẫn mặn các loài hoa để chẳng toan tính dùng áp đặt vào phận nữ lưu, con mình. Hồ Đình Tường Vi, cái ấy mới thậm nguy nan!

Sao chủ quan chỉ riêng mình ên Lê Thị Huệ? Dạ thưa, làm ơn chỉ cho tôi biết có một nhơn vật thứ hai vừa viết văn vừa làm thơ vừa đứng mũi chịu sào khai mở ra trang Gio-o. com? Làm răng có chuyện đụng hàng, hở? Nếu có, ấy là hàng nhái đấy thôi. Tin tớ đi, nhớ?

Lê Thị Huệ ở Bắc Cali. có lần xuôi Nam đi thăm mộ nhà văn Mai Thảo, buồn tình nhớ lại tạp chí Văn ngày xưa là nơi các bạn văn nữ đồng trang lứa vẫn ký gửi những sáng tác, bèn tức cảnh sinh tình:”… Trần Diệu Hằng, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Vũ Quỳnh Hương, Trân Sa… bây giờ nơi đâu mà không gửi bài cho gio-o.com? Mới đây tôi có liên lạc với Vũ Quỳnh Hương và Trần Diệu Hằng, nhưng họ giữ một khoảng cách xa xa… Tôi có buồn không? Tôi tự hỏi. Khi thấy mình làm văn chương nghệ thuật đình đám thế này mà không được một bạn văn đồng thời nào tích cực ghé thăm. Lại mình ên để mà tự tìm hiểu và tự trả lời. Đương đại với đại dương nơi đây tối thui lòng người. Làm sao em hiểu thấu?”

Thở dài: “Sự một mình của tôi rất dễ bị ném đá”. Ai ném? Một phụ nữ, chớ uýnh họ dù với một nhành huệ ốm! Tôi hổng tin đâu. Ném Lan ném Cúc ném Hồng ném Mai thì có thể, nhưng cái lẻ bóng của một đá tảng dựng trồng đã 16 năm núp bóng dưới tên Huệ thì vẫn một mình một cõi mãi đơm bông. Vững chãi. Vàng không sợ lửa. Mình ên nhưng vẫn êm re. Có suy suyễn, có hư hao chăng thì Huệ chỉ ngứa do tóc bạc đấy thôi. Tôi yêu bài “Bốn Mươi” viết vào năm 1995, khi tôi chưa lén phén lại gần làm quen chủ nhân Lê Thị Huệ:

chín mùi, thơm nốt nhạc mưa
trên những sợi tóc bạc
rất gần, rất già, rất ngứa một chỗ.
chiều thứ ba, nghỉ, ngủ nhà giữa những cơn bão
thổi suốt thiên hạ bật tất trên đường phố
riêng mình tôi đại dương thân thể
trôi lềnh phềnh không dây phanh tế bào.
Ngủ. Ngủ. Ngủ. Ôi những giấc ngủ
của chiều thứ ba giữa những năm bốn mươi.
Nụ cười đực ngựa của người đàn ông
về giữa những giấc mơ
ướt những giấc ngủ
bắt tay với thân xác không chối từ
lẳng lơ những giấc mơ
của đàn bà những năm bốn mươi.

Tôi lắng nghe bài thơ qua cung bậc hiện thực khác:

Nhạc mưa. Tóc
bạc thân thể.
Ngứa một chỗ
Giấc ngủ ướt.
Ông ngựa đực
Không chối từ.
Lẳng lơ. Bốn
mươi. Rất (trẻ).

Hãy sang trang, thời gian vốn chạy vội, đến:

50

em vẫn khóc như chưa bao giờ biết khóc
người đàn bà năm mươi khóc không một bờ vai
nước mắt chảy ướt xanh ươn ngực rũ
em không còn là một người mẹ nhỏ
em khóc không chồng ngồi bên
em khóc không một bầu trời hiền thắp hoa trăng
lẻ loi
em khóc không một tiếng chim kêu
em khóc không tình yêu
giọt nước mắt tặng không người đàn ông biết bú
sự dịu dàng
em
ở chốn trần gian nào em là giọt lệ hoá băng đời
người đàn bà năm mươi không, hơn cả những con số không
anh thì ở xa em thì không biết đến
em vẫn khóc như chưa bao giờ biết khóc
sự trấn lột của người đàn ông khác hung hãn và thô tục
họ làm em sợ
em khóc nửa đêm
ướt chữ.

(2006)

“Năm mươi không, không hơn cả những con số không". Khổng Tử rõ là sai lạc, xưa rồi Khổng, khi bảo ngũ thập tri thiên mệnh. Mệnh trời đã xúi một người đàn bà khóc không một bờ vai. 50, lẻ loi vẫn quàng buốt ngực, cô đơn vẫn bá cổ. Bài thơ của Lê Thị Huệ làm thằng đàn ông tôi năm chục tuổi đầu đánh mất thô tục và sự hung hãn. Hồ Đình Tường Vi có thể khóc theo (tuổi tác nổi trôi). Thơ, đôi lúc dắt người ta đi về miền cải lão hoàn đồng. Thấy trẻ dại, thấy thèm bú sữa mẹ, thấy trang giấy trắng, đại khái thế. Vì vậy, ngay cả Bùi Giáng, già cỗi đến hơn cả cỗi già vẫn hồn nhiên gãi đầu: “Thơ là điều mà ta không tài nào hiểu được”.

Khi môn bài Gió O treo lên, hùng cứ một phương, chưởng môn nhân Lê Thị Huệ gửi chút tấc lòng cùng các huynh muội. Vẫn phong cách riêng biệt, vẫn chữ dùng độc cô. Tháng 5 năm 2009, bài “Chữ Ở” vẫn nhốt khu biệt thứ hấp lực làm quần hùng phải lắng nghe:

với áo quan
của những xác chữ
đã biến tính ở gió o
gửi các tác giả…

Nhẹ nhàng tôi bay bay
Nhẹ nhàng đến bên tôi
Chờ bàn tay tôi vỗ về
Ngậm xác thân tôi lềnh đênh
Liếm hồn tôi ngập nỗi râm ran
Những sợi tơ tròn mơn man
Nhẹ nhàng trườn rưới
Rừng loé sáng rã rượi
Gió vá trời hoang mang
Phút vơi sầu day
Nứt thành trì
Chữ đổ
Thơ oà
Văn xiêu

Đến đây hãy đến đây
Ôm lấy tôi
Và hút nhẹ nhàng vào ngực tôi.

Tôi đã đến, hơi chậm chân, hơi trễ tràng. Ngay cả khi đùa với chữ, người nữ Lê Thị Huệ vẫn sớm vọc trước tôi cả chặng đường dài. Rám nắng, nẻ vỏ trong khi tôi làm nụ mầm vừa nhú đang chịu thử thách với gió sương. Huệ là một vụ mùa thắng lớn trong lúc cánh đồng Nghiêm vẫn chưa định hình xong những luống cày nhiều hoa dại. Bài thơ “triệu hồi” của chủ biên làm tôi mơ mòng tới bản nhạc dịu dàng “Dance Me To The End Of Love” của thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ Leonard Cohen (1934-2016) người Mỹ gốc Canada. Tôi yêu thơ ông, ngay cả lá thư ngắn ngủi viết cho người tình (nàng thơ): Marianne ơi, chúng ta nay đã về chiều. Em đau yếu và rồi tôi theo chân em sát sao.
But I know what is wrong
and I know what is right
And I die for the truth
In My Secret Life.

Mới đây lại đọc phải bài thơ “Mùa Rét Sờ Mó” làm vào tháng 11 năm 2013. Đó có phải là một mảnh gương vỡ soi rọi chút secret life của Lê Thị Huệ:

Những người tình nhân cũ
Tôi nhớ những ký trò chuyện với họ
Mỗi khi họ nói tôi đếm bao nhiêu răng trắng họ vừa chải kem xong
Câu chuyện chỉ còn lại tiếng cười reo
Như những chú bé lên ba được mẹ cho gặm bầu vú
Giờ tôi còn nhớ da họ nóng dòn và tôi chỉ nhớ thế
Họ thường nói cho tôi nghe những mơ mòng xa vời vĩ đại
Sau khi da thịt cận kề dâm thú
Tại sao đàn ông ưa nói nhiều sau khi no nê tình ái
Ồ đó chỉ là những người đàn ông đã ngủ với tôi thôi
Họ thường nói họ sẽ nhớ tiếng nói tôi trọ trẹ
Những câu chuyện vui tôi thọt vào lỗ tai ai
Và tôi ưa làm giáo sư cố vấn họ phải làm cái gì và làm cái gì
Tôi là một mẹ già dù họ đến với tôi vì tôi ngây thơ
Thánh thiện như tiểu nữ mù thuở học tiểu học
Thích chơi đấu kiếm với con trai và bao giờ cũng thua
Và thua đậm vì con gái bản năng lành tôi thì lấy gì làm kiếm đấu
Những người tình nhân cũ của tôi
Ôi mùa rét năm nay làm tôi nhớ đến họ
Và giờ tất cả bọn họ đã ở những nơi rất xa xôi…

Bạn thấy gì ngoài một sự thành thật? Chừng như giả tạo luôn là thứ mà Lê Thị Huệ gây chiến, ít ra trong những câu thơ hầu như tải đủ chất tâm sự. Lê Thị Huệ cũng đả đảo sự làm dáng, chị luôn thích bóc trần sự thật, không khoan nhượng. Và tôi, tôi chẳng thích “đọc giữa hai hàng chữ”, nơi có thể chị biết giấu che một trầm tích kỷ niệm khác. Bài thơ trên khiến tôi nhớ sang chữ nghĩa say đắm của Erica Jong trong bài “Breasts”:

I always thought
they were small, my breasts.
But they filled my baby’s mouth
and my lover’s tongue
loves them,
and my memory is
filled with all
the pleasure they gave
over the years.

Một người biết “tôi rất dễ bị ném đá” mà vẫn can trường nuôi dưỡng cái ý đồ thách thức. Tôi tin người đó sẽ đi tới cuối đường, nếm trải những buồn lòng để có một tựu thành viên mãn. Đường đi mãi bằng phẳng ắt sẽ không lộ mặt anh hùng. Tiền nhân dạy thế. Mà đã trót mang tên Lê Thị Huệ thì một ngày kia ta sẽ đọc được bài thơ “Hu Ke?” Bất cần đời chừng như ngang bướng ở máu thịt tuổi đôi mươi, tôi đồ vậy. Thời trọ học ở Đà Lạt chị từng làm xiêu đổ lắm con tim, cho nên 40 thấy ngứa tóc, ướt một chỗ nằm. 50 thấy khóc ngon khóc ngọt, khóc chẳng cần bờ vai cũng nên xem là thứ hệ luỵ buộc phải xẩy ra. Mâu thuẫn là điều cần thiết, như nắng mưa có trong biến đổi tâm sinh lý của từng chặng đời người con gái, chẳng khác mức nông cạn của một con sông gây hỉ nộ. Nếu không cứng rắn, thơ chị sẽ bị chết đắm một huyễn tượng mà thi sĩ nào cũng muốn thu cất khi băng qua dòng nước cuộn chảy. Thơ văn chị khác người ở điểm nổi bật mà có người ngợi ca, khoác bên ngoài tấm áo phao mang tên “Nữ Quyền”.

Tôi chẳng thích bất kỳ một định nghĩa nào. Tôi nghĩ chị vén mở cho tôi ngó niềm cô đơn có vẻ trường cửu. Một thứ “niềm đau nhức của khoảng trống” nói kiểu Dương Nghiễm Mậu. Chừng như đã không còn ai hiểu chị, và các người nữ kia đã chọn lấy một lối đi khác, bình yên hơn. Bỏ mặc. Thây kệ. Bùn wá! Thỉnh thoảng chị đùa cợt, cách dụng văn cố tình trắc trở bằng những sắp chữ hiếm người dùng. Thánh Thán bên nước lạ có sống dậy hẵng sẽ ngôn: Nếu không vậy thì còn gì là Lê Thị Huệ nữa!

Tôi có cảm tình với sự phá phách ấy. Và yêu Lê Thị Huệ ở cách dõng dạc phát tiếng về điều căn bản: Đã gửi bài cho chúng tôi, yêu cầu đừng gửi cho những nơi khác. (Đã có lắm tác giả giờ này giả lơ về thứ luật bất thành văn luôn áp đặt và tôn trọng vào thời kỳ báo giấy). Chị đánh giá về phẩm hơn về lượng, cả tuần chỉ đăng một hai bài thì nào có sao đâu, dù lòng mang hoài nghi “giờ này tất cả bọn họ đã ở nơi xa xôi”.

Lê Thị Huệ một mình năng động, đình đám và hoành tráng và đương đại và lắm lần tôi đã bức xúc. (Ôi, chữ nghĩa nghe kinh!). Chủ nhân của không dưới 7 tác phẩm viết đủ mọi thể loại, người khóc người cười chuyện ngắn truyện vừa, ký sự tuỳ bút chuyện dài. Tên đặt cho tác phẩm cũng rất mực Lê Thị Huệ: “Tiếng Dỗi Hờn Của Thân Xác”.

Trong toan tính, tôi sẽ đi sang Cali ngàn trùng để gặp mặt Huệ lẫy lừng cùng những Mai Lan Cúc Trúc khác. Giờ cuối, hoạn nạn xẩy tới, một thứ dỗi hờn của xác thân. Cơn đau nhức làm reo ở triền hạn để cuối cùng một đứa nhà quê (chữ của anh Mai Thảo) vẫn quê mùa chốt lại ở địa phương sầu tủi. Nơi có những bông huệ trắng nằm trên lá cờ mãi căng ngực đầy reo ngợp đòi gió bú.

Bài viết này khởi đi từ sự tiếc nuối về “lời hẹn thề là những cơn mưa” (chữ của Trịnh Công Sơn). Mùa thu vẫn có mưa trôi qua những tầng cao. Mưa mù nhưng nó không tài nào che khuất bông huệ trắng. Tôi đi dưới bóng cờ, tự hỏi thầm về những sắp đặt tình cờ. Tôi từng ngồi bên chị Lê Thị Quế Hương hôm ở nhà anh Hoàng Xuân Giang nghe Trinh Công Sơn hát những nhạc phẩm mới. Ở Virginia cũng ngồi giữa, một bên vẫn là Lê Thị Quế Hương và bên kia là Lê Thị Thấm Vân. Lê Thị Huệ, tôi gọi thầm, điều gì đã cản ngăn giữa hai đứa một kề gần? Chỉ được phép  sờ mó chữ nghĩa trong mùa rét thôi? Tôi đang ngứa đầu, nghe tiếng dỗi hờn của tóc bạc, thành ra chút cảm nhận này nhỡ có bị ném đá cũng lấy đó vỗ về yên vui. “Mãi mãi là bài viết thứ nhất”.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

No comments:

Post a Comment