Nhà
Văn Nhật Tuấn *
Sông Mekong cạn nước. Hình Internet
Tuần báo Việt Tide số
tháng 4-2007 có bài Tạp Ghi về các vấn đề thời sự trong tháng của Hà Đa Sự, là
một bút hiệu khác của nhà văn Nhật Tuấn dùng cho các bài viết ở hải ngoại, khi ấy
ông vẫn còn sống ở trong nước. Sau đây là trích đoạn phần có liên quan tới Sông
Mekong và Biển Đông, trong mối tương quan lịch sử “môi hở răng lạnh” giữa Việt
Nam và Trung Quốc. Cuốn Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng của Ngô Thế Vinh
và bộ phim Mekong Ký Sự của đạo diễn Phạm Khắc cũng được nhắc tới trong bài viết…
Nay nhân hai sự kiện: (1) Trận “hạn hán thế kỷ” đang diễn ra trong lưu vực Sông
Mekong do chuỗi các con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam của Trung Quốc, và rồi
(2) Bắc Kinh mới đây lại ngang nhiên đưa tàu Hải Dương 8 đến Bãi Tư Chính của
Việt Nam đầu tháng 07-2019 để thăm dò dầu khí, cùng đi với hai chiến hạm có cả
trực thăng và pháo để hộ tống; Trung Quốc một lần nữa đã lại trắng trợn vi phạm
vùng lãnh hải trên thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi cho
đăng lại bài viết của nhà văn Nhật Tuấn tuy cách đây cũng đã 12 năm nhưng vẫn
còn nguyên vẹn tính thời sự, như một “ôn cố tri tân” để thấy rằng chính sách
bành trướng của Bắc Kinh xâm lấn Việt Nam trước sau vẫn không hề thay đổi. Bài
viết với tiêu đề và lời dẫn do nhà văn Ngô Thế Vinh gửi.
Ngày 11 tháng Tư năm 2007, tường thuật
chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn Quốc hội Việt Nam, báo chí trong nước vui
mừng chạy tít lớn: "Chưa bao giờ quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung tốt
như hiện nay." Nào là góp phần tích cực, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước
lên một tầm cao mới... tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai
nước theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định
lâu dài, hướng tới tương lai" và 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng
chí tốt, đối tác tốt".
Ngoài mặt hân hoan vậy, nhưng mỉa mai
thay, đúng vào ngày này, Trung Quốc phản đối Việt Nam phân lô, gọi thầu và hợp
tác với Tập đoàn dầu khí BP của Anh xây dựng đường ống khí đốt ở Trường Sa, người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cảnh cáo "Việt Nam áp dụng
hàng loạt hành động mới trên quần đảo Nam Sa đã đi ngược với nhận thức chung
quan trọng về các vấn đề trên biển mà hai bên đã đạt được và đây là hành động xâm
phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền và quyền cai quản của Trung Quốc.
Trung Quốc bày tỏ hết sức quan tâm việc này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt
Nam".
Hòn đá ném đi, hòn chì ném lại, lập tức
người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đáp lời: "Việt Nam có đầy đủ bằng
chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của
mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của Việt Nam tiến
hành trên các quần đảo và vùng biển của Việt Nam, kể cả việc phân lô, thăm dò
và khai thác dầu khí là hoàn toàn bình thường, phù hợp với luật pháp Việt Nam,
luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật
biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông năm
2002. " Phải thừa nhận từ
sau Hội nghị APEC tại Hà Nội, được Hoa Kỳ chuyển hướng chiến lược trong quan hệ
ngoại giao, "tiểu bá" Việt Nam bắt đầu lộ máu “anh hùng”, dám xấc xược
với "thiên triều". Chỉ hơn một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng
thống Bush, tạp chí Quân Sự Hoàn Cầu của Trung Quốc ra số tháng 12-2006 cho biết
từ ngày 1-11-2005 Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền tại một số điểm
cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa, lập tức ngày 28 tháng 12 năm 2006, người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: "Việt Nam một lần nữa khẳng định hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có đầy
đủ những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt
Nam đối với hai quần đảo này... Việc Trung Quốc dựng bia chủ quyền tại một số
điểm cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt
Nam, do vậy hoàn toàn không có giá trị..."
Nếu mới chỉ một năm trước đây, cho dù tàu
Trung Quốc ngang ngược bắn giết ngư dân Thanh Hóa trong vịnh Bắc Bộ, các nhà
lãnh đạo Việt Nam vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt, vẫn phải vào đại sứ quán Trung Quốc
ở Hà Nội nâng ly mừng quốc khánh của bọn sát nhân thì nay họ đã "mạnh miệng"
lên nhiều.
Ngay từ năm 2000, nhà văn Ngô Thế Vinh
trong cuốn "Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng" đã cảnh báo nguy
cơ có tính thảm họa đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long khi Trung Quốc xây dựng
hàng loạt đập chắn trên thượng nguồn và khu kinh tế Hoa Nam xả chất thải kỹ nghệ
biến Mekong thành dòng sông chết.
Năm 2004, cuốn sách này đã được trao vào
tay ông Phạm Khắc, nguyên Giám đốc Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh khi ông bắt
tay làm bộ phim truyền hình nhiều tập "Mekong Ký Sự". Tiếc thay những
cảnh báo của ông Ngô Thế Vinh không hề được ông Phạm Khắc nhắc tới trong bộ
phim kể cuộc hành trình đi từ thượng nguồn sông Mekong tới 9 dòng Cửu Long đổ
ra biển của ông, bởi lòng e sợ cố hữu đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Thế nhưng sự thể đã khác khi vào ngày 24
tháng Tư mới rồi VietNamNet và báo Bình Dương của Nhà nước dám đăng toàn văn
bài viết của ông Richard P. Cronin, Giám đốc Chương trình Kinh tế Chính trị
châu Á chỉ mặt đích danh Trung Quốc đang tàn phá hạ lưu sông Mekong:
"Trung Quốc đang xây dựng một loạt 8
đập thủy điện ở thượng nguồn của Mekong, chảy qua những hẻm núi cao ở tỉnh Vân
Nam. Dự án này là mối đe dọa lớn nhất đối với Mekong và an ninh của hơn 60 triệu
người sống dưới hạ nguồn, với họ, nước Mekong có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối
với sự sống còn. Sự khai thác ồ ạt tiềm năng thủy điện khổng lồ của Mekong đã
gây ra mối đe dọa lớn đối với chu kỳ lũ lụt và đa dạng sinh học cực kỳ phong
phú của hệ thống sông này. Khi được hoàn thành trong một thập kỷ nữa, hệ thống
các đập thủy điện này sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với vùng Hồ lớn và sông
Tonle Sap dài 100 km của Campuchia cũng như Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt
Nam..."
Bệnh "nhát sợ phương Bắc" của
Việt Nam xem ra phần nào giảm bớt khi vào cuối tháng Tư, ông Thủ Tướng Việt Nam
ký nghị định số 65 thành lập thị trấn Trường Sa trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và
các đảo, đá, bãi phụ cận, xã Song Tử Tây trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo,
đá, bãi phụ cận và xã Sinh Tồn trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ
cận.
Như thế, bất chấp sự hậm hực của Trung Quốc,
huyện Trường Sa đã chính thức thành lập gồm 3 đơn vị hành chính trực thuộc là
xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Các hoạt động của Việt Nam
trên quần đảo đang tranh chấp này cũng được công khai hóa như ngày 20 tháng Tư
báo chí Việt Nam loan tin Trạm tìm kiếm cứu nạn Trường Sa có cơ sở hậu cần đặt
tại đảo Trường Sa Lớn, đã khai trương văn phòng đại diện thường trực tại Thành
Phố Nha Trang.
Liệu người ta có thể hy vọng với sự mở rộng
hợp tác với hải quân Hoa Kỳ, với chiến lược phát triển biển, nhà nước Việt Nam
sẽ ngăn bớt được sự hung hăng của các hạm tàu Trung Quốc ngạo mạn coi Biển Đông
"như là ao nhà của chúng nó" như lời một bài hát thời chiến tranh với
Mỹ?
NHÀ
VĂN NHẬT
TUẤN *
Hà
Đa Sự
Việt
Tide 27-4-2007
* Nhà văn Nhật Tuấn, tên thật Bùi Nhật Tuấn
(em trai nhà văn Nhật Tiến), sinh nặm 1942 tại Hà Nội. Năm 1954 không di cư vào
Nam, tốt nghiệp đại học khoa Văn, nguyên bộ đội Trinh Sát Công Binh. Nhà văn miền
Bắc với nhiều tác phẩm xuất bản,
Đi Về Nơi Hoang Dã
(1988) là một tiểu thuyết rất nổi tiếng của ông. Nhật Tuấn mất tháng 10 năm
2015 tại Sài Gòn. [nguồn: hình do nhà văn Nhật Tiến cung cấp, chụp tháng 8.2015
hai tháng trước ngày Nhật Tuấn mất]
No comments:
Post a Comment