Trịnh
Y Thư
Có
người bạn văn, chủ biên một trang mạng văn chương, một hôm kêu gọi tôi đóng góp
vào số chủ đề anh đang thực hiện. Chủ đề tình yêu. Anh nói tôi có toàn quyền
làm chủ ngòi bút mình, viết gì cũng được – “bạo liệt” càng tốt – miễn sao có
nghệ thuật và tương đối mới mẻ một chút. Tôi ậm ừ trả lời anh, chẳng nhận lời
mà cũng không từ chối. Tôi hiểu ý anh nhưng đột nhiên tôi cắc cớ tự đặt ra câu
hỏi trong đầu với chính mình: Có gì mới lạ nơi tình yêu không?
Thật
ra, làm gì có cái mới lạ dưới ánh mặt trời này. Thánh Kinh phán vậy. Và, quả tình, tôi chẳng biết có cách nào dùng
văn chương để “làm mới” tình yêu. Đừng bảo tôi cực đoan nếu – nhìn từ góc độ
nào đó – tôi bảo tất cả những bài thơ
tình đông tây kim cổ chẳng qua chỉ là biến tấu từ mẫu đề
Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
do
một thi nhân nào đó sống cách đây hai ba nghìn năm ở lưu vực sông Hoàng Hà,
trong giây phút ngẩn ngơ nhìn người con gái đẹp giặt lụa ven sông, lòng bỗng
tràn ngập nỗi cảm xúc yêu thương, viết xuống. Tình yêu, chính nó, chắc không có
gì mới lạ. Cảm xúc con người hai ba nghìn năm qua chẳng đổi khác bao nhiêu. Hai
ba nghìn năm còn phù du, ngắn ngủi hơn một sát na trong biến trình tiến hóa của
con người; bởi thế, chắc chắn hai ba nghìn năm sau con người vẫn thế, vẫn chừng
đấy thương yêu, thù ghét, chừng đấy những quan hệ giữa người và người.
Mười
sáu từ trong bài thơ mở đầu Kinh Thi Quốc
Phong trên còn gây rung động và cảm hứng cho một người phương Tây và ông
dịch sang tiếng Anh như sau:
Guan, guan cries the
osprey
On the river’s isle.
Delicate is the young
girl:
A fine match for the
lord.
“Young
girl” trong bài thơ trên là cô gái họ Tự dung nhan u nhàn trinh tĩnh (delicate)
được tiến cung làm vợ vua Văn Vương. Người sáng tác cũng như người dịch, dù
sống cách nhau cả ba nghìn năm, mỗi người một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt, nhưng
cả hai đều xem yếu tố tình yêu là cái gì định đoạt mối lương duyên, và bởi thế
chuyện xảy ra tại đất Phong bên Trung quốc năm 1134 TCN (tôi bịa ra không gian
và thời gian vua Văn Vương lấy vợ, bạn đừng thắc mắc nhé) rất có thể xảy ra y
như thế tại bất cứ miền đất nào khác trên mặt hành tinh này với một con người thế
kỷ XXI.
Có
lẽ bởi thế văn hào Isaac Bashevis Singer khuyên người viết đừng nên “sáng tạo”
những điều mới lạ trong quan hệ nam nữ. Nhân vật trong truyện của ông, hầu như
tất cả đều là người Do Thái, những người Do Thái lưu vong từ hai nghìn năm qua,
sống vất vưởng trong những ghét-tô ở Đông Âu thời tiền chiến hoặc New York thời
hậu chiến. Họ sống, ăn, ngủ, làm tình, mỗi thứ bảy cung kính dâng lễ Sa-Bát,
đọc kinh Torah. Thi thoảng, họ lạng quạng bước chệch ra ngoài lề những gì cuốn
kinh cho phép (dù là người Do Thái, họ cũng như tôi và bạn thôi), hoặc những
khi chịu đựng không nổi nỗi thống khổ của đời sống họ thắc mắc bao giờ Đấng
Messiah mới tái hiện để cứu chuộc họ, nhưng rồi họ tiếp tục sống, như thể chẳng
hề có chuyện gì kinh khiếp xảy ra. (Lò
Thiêu là tai hoạ từ trên trời giáng xuống, giống như căn nhà sống lâu năm một
hôm sơ sẩy để cháy rụi.) Singer chẳng “sáng tạo” gì trong tình yêu, nhưng ngòi
bút ông lột tả được tâm lý và cảnh huống sống của con người và nó cực hay, hay
đến độ một hôm người ta phải trao giải Nobel văn chương cho ông.
Đoạn
tôi nghĩ đến Leonard Bernstein. Ông là nhà soạn nhạc lừng danh của nước Mỹ thế
kỷ XX vừa qua. Suốt thời gian tại thế ông đã để lại cho chúng ta nhiều tuyệt
tác âm nhạc, trong đó vở đại nhạc kịch West
Side Story là một. Vở kịch cố nhiên là hoành tráng, âm nhạc phong phú đến
độ bất tử, và đã đưa tên tuổi Bernstein lên thành một trong những nhà soạn nhạc
lớn nhất của thế kỷ XX. Nhưng cốt truyện của vở nhạc kịch đó chỉ là sự mô phỏng
theo chuyện tình trong vở Romeo and
Juliet do Shakespeare viết trước đó ngót nghét bốn thế kỷ – Bernstein không
hề “làm mới” tình yêu.
Hai
nhân vật lẫy lừng của văn học nghệ thuật nhân loại thế kỷ XX, hai bậc thầy của
nghệ thuật và tình yêu, đã không chủ trương “làm mới” tình yêu thì tôi có thể
ngủ yên, không sợ mình tụt hậu, không sợ ông hay bà Kim Thánh [Ta] Thán nào đó
phê là giẵm vào gót chân Hồ Biểu Chánh khi cầm bút (hoặc gõ máy vi tính) thuật
một chuyện tình.
Nhưng
tôi có nên nghe lời khuyên của người bạn văn viết cho thật “bạo liệt” – bất
chấp tính vô luân của câu chuyện, bất chấp những gì người đời và Hội Thánh lên
án – hầu theo kịp trào lưu mới, như thể hễ cứ viết cho thật “bạo liệt” là văn
chương tôi sẽ “mới”? Tôi đồ muốn viết cho “bạo liệt” có lẽ chỉ còn cách khai
thác cái phần tâm lý đen tối, sâu thẳm của con người, cái phần người đời hay
gọi là sa-đích, và thú thật, tôi muốn lắm, nhưng mỗi lần định viết cho thật
“bạo”, thật “liệt” thì những chi tiết khiếp hãi miêu tả chuyện hai (hoặc nhiều
hơn) thân xác con người nhập vào nhau trong hoan lạc trong văn chương của ông
tổ sư sa-đích Marquis de Sade sống cách đây trên hai thế kỷ lại quay về lởn vởn
tâm trí tôi. Và tôi tịt ngòi. Tôi hiểu sa-đích theo ý nghĩa nó là một phần tâm
lý con người, dù là phần đen tối, và tôi thấy nó không gớm ghiếc, xấu xa chút
nào. Con người có gì là tốt lành tuyệt đối đâu và đừng biến văn chương thành
bài học giáo lý. Nhưng giữa sa-đích trong văn chương và một cuốn truyện khiêu
dâm hạng tồi, lằn ranh biên cương có lẽ không rõ ràng lắm và ngòi bút rất dễ sa
đà, rất dễ bị hiểu sai, trừ phi tôi là William Faulkner hoặc Mary Gaitskill.
Thuật
một câu chuyện vô luân nhưng tác phẩm được đánh giá là tuyệt tác, ngoài
Vladimir Nabokov ra tôi nghĩ ít ai làm nổi. Chính cái phong cách văn học trong
tác phẩm tiểu thuyết Lolita, hiển thị
bởi tài năng tuyệt luân sử dụng ngôn ngữ – phải nói là linh diệu – đã đưa cuốn
sách của Nabokov lên đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết. Đi vào văn chương
sa-đích có lẽ giống như lái xe đua, chẳng mấy ai có khả năng bình tĩnh điều
khiển nổi chiếc xe phóng với tốc độ bốn trăm kilô-mét một giờ. Còn tôi, kim tốc
độ mới nhích lên con số một trăm tôi đã run bắn lên rồi.
Đã
cầm bút chẳng ai không muốn làm mới ngòi bút mình. Thật ra, trong quá trình
sáng tạo nghệ thuật, truyền thống và cách tân bao giờ cũng là hai phạm trù
tương hợp. Cái mới của ngày hôm qua là cái cũ của ngày nay, và cứ thế, cái mới
của ngày nay sẽ là cái cũ của ngày mai. Mỗi thế hệ sáng tạo là những kẻ kế thừa
di sản văn hóa và nghệ thuật của những thế hệ đi trước, họ khổ công tìm tòi,
chắt lọc muôn vàn vốn liếng cũ cũng như chất liệu mới nhằm đáp ứng yêu cầu nghệ
thuật của thời đại họ đang sống. Nắm bắt được nhịp đập trong văn chương nghệ
thuật của thời đại mình – chưa kể đến những phong cách tân kỳ; những ý niệm mới
mẻ; những phê phán gay gắt quyết tâm bác bỏ các quan niệm cũ; dung nạp những
giá trị hoàn toàn mới, chưa từng có bao giờ – đã là một hành động cách tân tích
cực rồi. Bởi thế, sự tiếp nối truyền thống, sự tiếp nối sao sát giữa thời quá
khứ với thời hiện tại, là ý thức cách tân hiển lộ, rõ ràng nhất.
Bởi
thế, làm mới ngòi bút luôn luôn là nỗi ám ảnh lớn cho người chọn nghiệp văn.
Nhưng có lẽ nỗi ám ảnh này đè nặng lên vai người làm thơ nhiều hơn người viết
văn xuôi. Nói vậy bởi tôi nhớ đến câu nói của thi hào Joseph Brodsky trong tập
văn luận Less Than One của ông, như
sau:
Không
ai thẩm thấu quá khứ kỹ càng bằng nhà thơ. Nguyên do chỉ vì nỗi sợ hãi điều
mình cho là sáng tạo thực ra đã được sáng tạo trước đó lâu lắm rồi. Đây chính
là lý do vì sao thi sĩ thường đi trước
thời đại.
Nỗi
ám ảnh thường xuyên của người làm thơ là ngôi nhà thi ca hoành tráng của những
người đi trước. Nó được xây dựng từ nhiều nghìn năm bởi không biết bao nhiêu
tâm hồn thơ trác tuyệt. Làm sao tôi tìm ra kẽ hở, thấy được khiếm khuyết của
tiền nhân, làm sao tôi tìm ra khoảng đất chưa ai khai phá hòng len vào “làm
mới” thi ca? Đến như thi tiên Lý Bạch mà còn bị Kim Thánh Thán phê là giẵm vào
bước chân Thôi Hiệu!
Nhưng
sự thật là thế hệ nào cũng có người đòi làm mới thi ca và chỉ riêng công trình
của họ – chưa nói đến chuyện họ thành công hay thất bại – đã là điều đáng cho
chúng ta khâm phục. Họ luôn luôn can đảm lên tiếng đòi thổi vào thi ca luồng
gió mới. Họ cảm thấy vô cùng bức bối khi phải sống trong cùng một căn phòng
chật hẹp, tù túng, với những món đồ cũ kỹ, mốc meo. Họ cất Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du và thơ của nhiều cụ ông cụ bà khác lên
án thờ, lâu lâu đem ra khấn vái, nhưng họ nghẹt thở với cái cũ bên dưới xung
quanh họ. Họ thường to miệng, quá trớn trong thái độ, ngôn ngữ, hành vi, và
chúng ta hiểu tại sao. Họ là những tâm hồn nổi loạn. Họ thách đố các thế lực
bảo thủ, cho dù các thế lực này là một nhà nước độc đảng, độc quyền hay một tập
thể người đọc đầu óc trĩu nặng quán tính, khư khư bám giữ các giá trị hủ lậu,
cũ mèm. Cuộc tranh luận gay gắt giữa họ và các thế lực bảo thủ hay xảy ra, và
thường dẫn đến những diễn ngôn phi-thơ, chẳng dính dáng gì đến thơ mà chỉ là
những luận điệu hết sức vớ vẩn, cãi lấy được, từ cả hai phía. Tuy vậy, con
đường họ đi chông gai lắm, và cái giá họ phải trả thường là rất đắt. (Nguyễn Vỹ
dưới trận mưa gậy tàn độc tới tấp của Hoài Thanh. Còn Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt,
Phùng Quán, Đặng Đình Hưng và nhiều người khác thì bị giam hãm trong bóng tối
oan khiên cả gần đời người.) Chúng ta chịu ơn họ, bởi nhờ họ chúng ta không bị
chết ngạt giữa một vườn hoa toàn cúc vạn thọ. (Xin cám ơn cụ Phan Khôi).
Nếu
cuộc tranh luận ấy diễn ra giữa hai nhà thơ (một mới một cũ) thì kết quả thường
chẳng đi đến đâu. Sau khi choảng nhau đến bươu đầu sứt trán, ai nấy về nhà tiếp
tục làm thơ như cũ, sự việc chẳng mảy may thay đổi hòa bình thế giới, và thiên
hạ cũng chẳng ai buồn quan tâm, mọi sự chìm ngay vào quên lãng. Nhưng nếu một
bên là nhà thơ và bên kia là tập đoàn thống trị với quyền lực và súng đạn trong
tay thì nhà thơ bắt buộc phải cởi giáp quy hàng thôi. Đó là cái gì xảy ra tại
cuộc “Tranh luận văn nghệ Việt Bắc” năm 1949, mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi là
người bị đem ra “nấu.” Tại cuộc tranh luận, chẳng những các quan to như Tố Hữu,
Hà Xuân Trường (nhìn từ con mắt Mác-xít) phê phán thơ Nguyễn Đình Thi là “còn
nặng mùi tiểu tư sản, cá nhân chủ nghĩa, xa lạ quần chúng, v.v… mà các nhà thơ,
nhà văn khác như Thanh Tịnh, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu (nhìn từ con mắt nghệ thuật)
cũng gay gắt chỉ trích bảo đấy không phải là thơ. Thơ gì mà hũ nút, khó hiểu,
lan man, chẳng vần điệu gì sất. Thơ thì phải có vần chứ (Nguyễn Đình Thi lúc đó
trình làng những bài thơ không vần), thơ không vần thì không thể gọi là thơ!
Các cụ này lập luận như thế.
Kết
quả, từ đó Nguyễn Đình Thi phải bỏ hẳn lối thơ không vần, thậm chí ông còn trở
ngược lại chữa những bài thơ cũ không vần thành có vần!
Nghệ
thuật không có đường tắt và không có giá khuyến mãi on-sale. Đi vào nghệ thuật
có nghĩa là tự mình chấp nhận cái giá chịu khổ đau. “Phong vận kỳ oan ngã tự cư.” Chính cụ Nguyễn Du cũng đã chua xót
thốt lên như thế.
Đến
đây tôi xin mở dấu ngoặc, đó là, một thế kỷ thi ca của nhân loại vừa qua là một
thế kỷ của cách tân không ngừng. Từ trường thơ Tượng trưng cuối thế kỷ XIX, trường thơ Vị lai, Siêu thực đầu thế kỷ XX cho đến thơ Hậu Hiện đại thời bây giờ, thơ chẳng bao giờ biết mệt mỏi trên con
đường khai phá. Không phải trào lưu nào cũng thành công. Có những trường thơ
xuất hiện ồn ào như thơ Cụ thể, xâm
lĩnh đất đai thơ suốt hai thập kỷ 50 và 60, nhưng rồi đột ngột rút lui vào bóng
tối và ngày nay tồn tại như một cước chú trong các giáo trình văn học sử. Nếu
phải làm một danh mục liệt kê các trường phái thơ suốt thời gian ấy (với những
biệt danh ngồ ngộ như Thơ Nằm Ngang, Thơ Thẳng Đứng), tôi đồ một trang giấy
chắc là chưa đủ. Rất nhiều trường thơ chịu chung số phận thơ Cụ thể, nhưng điều đó không quan hệ đối
với thơ.
Sự
làm mới nói chung có lẽ bắt đầu có nhịp điệu Allegro dồn dập ở những năm đầu
thế kỷ XX. Vào thời điểm này, có sự chuyển biến hệ hình trong tư duy con người
(dĩ nhiên người Tây phương) về thực tại. Trước đó người ta quan niệm thực tại
là thế giới khách quan, độc lập với ý thức con người. Do đó, con người chỉ nên
phản ánh thực tại một cách trung thực, miêu tả y như thật, càng thật càng tốt.
Nhưng càng ngày người ta càng thấy thực tại là bất định, nhất là sau khi hai
ông Einstein và Bohr trình làng thuyết Tương đối và thuyết Lượng tử làm đảo lộn
mọi tư duy về thực tại. Bỗng nhiên người ta thấy thực tại trở nên hỗn độn,
không còn dễ dàng nắm bắt bản chất của nó nữa, văn nghệ lâm vào cuộc khủng
hoảng thực tại và từ đó dẫn đến tình trạng khủng hoảng biểu đạt. Nhưng trong
cái rủi có cái may. Chính nhờ sự khủng hoảng biểu đạt này mà thế giới có được
không biết bao nhiêu trường phái văn nghệ mới ra đời, trong đó có thơ, và dòng
chảy đó vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, không hề ngưng trệ.
Thời
gian sắp tới, sẽ có nhiều trường thơ mới, sẽ có nhiều thi sĩ tiếp tục làm mới
thi ca. Tôi có cảm tưởng trong lúc không còn ai quan tâm đến thơ nữa thì nó vẫn
lầm lũi đi. Con đường của nó là con đường xuyên vũ trụ, chẳng bao giờ đến đích,
và nó cũng chẳng cần đến đích làm gì. Thơ không cần mục đích, lại càng không
nói đến sứ mệnh cao cả (người rao giảng sự mệnh của thi ca là kẻ mắc hội chứng
hoang tưởng hết thuốc chữa), càng không quan tâm đến sự thành công hay thất bại
của chính mình.
Tuy
thế, ở mặt khác, tôi nghĩ tất cả những thi sĩ chân chính của nhân loại đều là
những người cách tân nghệ thuật.
Thi
sĩ Đỗ Quý Toàn bảo làm thơ tức là làm mới tiếng nói. Theo ông, khi được chiếc
đũa thần của nhà thơ gõ vào, tạo vật, cảm xúc bình nhật đột nhiên bừng lên như
có linh hồn mới. Tôi thích định nghĩa này của nhà thơ họ Đỗ, cổ điển nhưng
chính xác qua mọi thời đại. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền thì bảo, “Tôi đi tìm tiếng nói / cho cổ họng của tôi.” Chính vua Trần Thánh
Tông cách đây gần nghìn năm cũng có ý niệm tương tự khi ngài bảo “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân.”
Khai
triển thêm, tôi có thể nói, giữa những con chữ, ở tầng thứ nhất, tầng của chữ
nghĩa, thơ phả luồng ánh sáng diệu kỳ vào sự vật khiến linh hồn chúng như trỗi
dậy từ cái tầm thường, vô vị. Sang tầng thứ hai, tầng của cảm xúc, thơ đi vào
lòng chúng ta. Nhưng phải bước lên tầng thứ ba, tầng của cái bất khả tư nghị,
của sự phối ngẫu tuyệt mỹ giữa cảm xúc và nghệ thuật, thơ mới thật sự là con
phượng hoàng bay lên từ cõi hoang tàn, đổ nát.
Nếu
thế thì mỗi bài thơ là một sự cách tân, mỗi thi sĩ là một người làm mới sự vật.
Có những điều chỉ ngôn ngữ thi ca mới nói được, chỉ thi ca mới có cái “thần”
giúp chúng ta thấu thị vào tận đáy sâu của bản ngã. Người làm thơ là người nắm
trong tay quyền năng “soi sáng” sự vật, quyền năng cho sự vật một đời sống mới,
quyền năng “đi vào linh hồn của sự vật[1],” và không ai có thể tước
đoạt quyền năng đó từ tay hắn.
TYT
[1] Trong một lá thư
gửi nữ sĩ George Sand, nhà văn Gustave Flaubert bảo, “Tôi viết, bởi tôi muốn đi
vào linh hồn của sự vật.”
[2] Bài viết này in
trong cuốn tạp bút Chỉ Là Đồ Chơi, xuất bản 2012; hiệu đính 2019; Văn Học Press
sắp tái bản.
No comments:
Post a Comment