Monday, July 29, 2019

NGÀY GIÓ LÊN


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh


1
Bác sĩ bảo cứ để cho Mẹ ăn uống thứ gì Mẹ thích. Thế nhưng Mẹ không thích nữa. Đúng hơn là Mẹ không thể thích. Mẹ hầu như đã mất khẩu vị. Lúc trước, cảm thấy thèm ăn, mỗi ngày Mẹ ra một “menu” cho tôi mua hoặc nấu, khi thì bún bò, khi thì bún riêu, rồi nào là phở, mì, bánh xèo, cơm tấm… Món gì Mẹ ăn cũng thích thú. Tôi không thấy bận rộn gì thêm, bởi vì phần lớn là tôi mua, chứ không thể bày ra nấu nướng, trừ những ngày nghỉ. Tôi quá bận rộn với việc sở. Có khi không kịp ăn sáng, tôi cứ vừa lái xe vừa gặm chút bánh mì, cũng xong. Nhưng tôi cảm thấy thích thú với những món ăn Mẹ yêu cầu. Nếu Mẹ cứ ăn được như vậy hoài thì quá tốt.
Chỉ mới đầu tháng trước, Mẹ trở nên biếng ăn. Chuyện này trùng hợp với kết quả xét nghiệm đột ngột xấu hẳn đi. Mẹ không còn đáp ứng với thuốc nữa. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định ngừng trị liệu. Cả nhà đều biết phải làm gì.
“Mẹ ơi! Ly sữa nguội quá rồi!”
“Mẹ biết. Cứ để đó, khi nào Mẹ uống thì Mẹ hâm lại.”
“Mẹ cứ nói, con hâm.”
“Ừ. Con cho Mẹ vào máy một chút.”
Tôi kéo cái bàn lưu động bên trên có đặt cái laptop đến gần cho Mẹ, giúp Mẹ ngồi thẳng lên. Mẹ vẫn thích vào máy để viết email, dù không ngồi được lâu. Mẹ lẩm bẩm:
“Bây giờ người ta không có dùng lịch giấy, lịch bóc hàng ngày… thì mình vào máy, coi ngày giờ trong máy vậy.”
Tôi mỉm cười:
“Mẹ thích coi lịch giấy, con đi mua cho Mẹ, thiếu gì ngoài tiệm.”
Mẹ lắc đầu:
“Không cần đâu con! Mẹ xem trong này. Không cần bóc lịch, họ đã ghi sẵn mỗi ngày. Đây rồi! Mình… còn một tháng nữa.”
Tôi rùng mình.
“Một tháng… sao hở Mẹ?”
“Mẹ đau lưng quá! Mẹ muốn nằm.”
Tôi đỡ Mẹ nằm xuống. Mẹ nhắm mắt lại. Mẹ có vẻ vui vì được có tôi bên cạnh. Tôi đã báo bệnh để nghỉ ở nhà một ngày. Tôi đã ở bên Mẹ quá ít chăng? Cả những gì Mẹ suy nghĩ trong đầu, tôi cũng không biết. Thôi thì cứ giúp Mẹ đi tới đi lui khi còn có thể đi được, rồi thì ngồi lên, nằm xuống. Biết đâu có lúc Mẹ khỏe, Mẹ lại kể chuyện đời xưa cho nghe.
Thế nhưng Mẹ hiếm khi kể chuyện đời xưa. Mẹ chỉ nói về hiện tại. Hiện tại là Mẹ đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Bệnh khởi phát sau khi Mẹ sinh ra tôi. Mẹ chiến đấu rất quyết liệt. Có lúc tưởng chừng bệnh đã khỏi, thế nhưng gần đây lại tái phát. Và nay đã đến lúc Mẹ phải dừng lại. Mẹ đã chấp nhận.
Tự nhiên tôi có một cảm giác lạ kỳ bùng lên trong lòng. Từ trước đến giờ, tôi và cả nhà đều biết Mẹ sống chung với căn bệnh là hết sức khó khăn, điều đó đã quá rõ. Nhưng ngay lúc này đây, tôi thấy tôi sắp để vuột mất một cái gì. Ý nghĩ đó làm tôi chới với. Mẹ đang ngủ, hoặc chỉ là nhắm mắt. Tôi thấy tôi đang ngồi gần Mẹ, và cũng đang dần xa Mẹ.
“An nè!”
Tôi giật mình, chợt nhận ra mình vui mừng vì Mẹ còn đang sống.
“Dạ?”
Mẹ mở mắt, nói nhẹ như gió:
“Hồi nãy Mẹ xem ngày trong máy, Mẹ muốn nói với con điều này.”
“Sao hở Mẹ?”
“Mẹ… muốn nói đến cái ngày Mẹ chết.”
Tôi hoảng hồn:
“Mẹ ơi! Đừng, Mẹ…”
“Cho Mẹ nói đi! Ít ra, Mẹ muốn An biết cái điều Mẹ mong muốn. Từ trước đến nay, Mẹ luôn nghĩ đến một ngày. Cái ngày đó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư của Mẹ. Mẹ tưởng Mẹ đã chôn được nó rồi, chôn thật sâu rồi… Nhưng không, Mẹ vẫn sống với nó hằng ngày. Các con không thể biết đâu!”
“Tại sao tụi con không thể biết hở Mẹ?”
“Bởi vì Mẹ không muốn. Mẹ thì không dứt bỏ được cái ngày đó. Cho nên, ước nguyện cuối cùng của Mẹ là được ra đi vào đúng ngày đó con ạ!”
“Con chưa hiểu…”
Mẹ cười nhẹ:
“Ông bà mình ngày xưa, có người hay lắm, biết trước ngày giờ mình chết. Mẹ thì không giỏi như vậy. Mẹ chỉ cầu mong được như vậy. Mẹ chỉ còn một tháng. Mẹ sẽ gắng… sẽ kéo được đến ngày đó.”
“Không, Mẹ ơi! Bác sĩ đâu có nói Mẹ còn một tháng. Mẹ sẽ khỏe. Mẹ sẽ lành bệnh mà!”
“Mình không tự lừa dối mình được đâu, An! Hãy cảm thông với ước nguyện của Mẹ. Mẹ muốn ra đi vào đúng ngày đó, ngày ba mươi tháng Tư.”
Mẹ không nói tiếp được nữa. Mẹ khóc nức nở. Tôi không dám hỏi thêm. Ôi, tôi có thể làm gì cho Mẹ bây giờ đây? Tôi vỗ về Mẹ như dỗ một em bé, mong Mẹ sẽ ngủ cho sâu.

2
Ngày ba mươi tháng Tư! Chắc chắn không phải là ngày sinh hay ngày mất của một ai trong gia đình, họ hàng. Và phải là một ngày rất đặc biệt để Mẹ ước mong ra đi vào đúng ngày đó. Trực giác bảo tôi phải tìm hiểu. Tôi vào máy, gõ “April 30 Vietnam” và tôi đã thấy. Ôi, tôi nhớ mình nghe đã lâu rồi, rằng Ba Mẹ chạy khỏi Việt Nam, nhưng tôi không hề biết ngày ba mươi tháng Tư là ngày gì. Hay là Ba Mẹ đã có nhắc đến mà tôi không ghi nhớ?
Hai anh em tôi sinh ra trên đất Mỹ. Những gì gọi là “chất Việt Nam” chúng tôi có được là từ cha mẹ, và từ tiếng Việt mà cha mẹ và chúng tôi nói với nhau trong nhà. Lớn dần, đi học, đi làm, chúng tôi cũng đã pha trộn rất nhiều trong tiếng Việt đó. Chúng tôi đi học ở những trường không có người gốc Việt. Nơi chúng tôi sống cũng không có người gốc Việt. Thế đó! Tôi tự trách mình không hiểu nhiều. Và cũng băn khoăn vì sao Ba Mẹ không nói nhiều cho chúng tôi nghe về những điều đó.
Ngày ba mươi tháng Tư, Fall Of Saigon, theo như internet đã nói. Vài năm sau cái ngày đó, cha mẹ tôi đã ra đi. Họ là những người còn rất trẻ, tuổi đôi mươi, vượt biển không gia đình không họ hàng. Họ gặp nhau ở đảo. Hai người cô đơn. Họ cần nhau, yêu nhau. Khi đã qua định cư yên ổn ở Mỹ, họ cưới nhau. Chuyện gia đình tôi là như thế, chúng tôi được cha mẹ kể cho nghe rất gọn gàng. Còn những gì mà chuyện gia đình tôi trải qua dưới mắt chúng tôi thì không gọn gàng chút nào. Anh em chúng tôi lớn lên trong bầu không khí “chiến tranh lạnh” giữa cha và mẹ. Họ cư xử với nhau rất lịch sự, nhưng tình yêu không còn. Ba quá khác Mẹ. Ba năng động, thích làm ra nhiều tiền, thích giao thiệp rộng, thích đi du lịch, thích hưởng thụ. Mẹ trầm lặng, kín đáo, thích dành dụm, thích làm việc thiện. Thời gian bị bệnh trở tới trở lui, Mẹ vẫn đi làm. Những ngày phải “chemo” thì Mẹ nghỉ ở nhà, sau đó lại làm việc. Có khi cả tháng trời Ba và Mẹ không nói với nhau một câu. Anh em chúng tôi bị khủng hoảng tinh thần như đang sống với một trái bom nổ chậm. Cho đến một ngày, bom nổ. Rất gọn gàng, Ba Mẹ mời anh em tôi ngồi lại, “xin” cho Ba Mẹ được ly dị. Hai anh em khóc, khóc rất nhiều. Nhưng chúng tôi đã đồng ý. Thôi thà như vậy mà tốt cho mọi người hơn. Chúng tôi cũng đã lớn. Anh tôi học xong, ra trường, đi làm xa. Tôi ở với Mẹ. Rồi tôi cũng sẽ đi. Chuyện đơn giản như những gia đình bình thường ở Mỹ.
Sau khi ly dị, có vẻ như Ba và Mẹ được bình yên hơn. Ba có công việc kinh doanh với thân nhân ở Việt Nam. Ba thường về Việt Nam. Và Ba cưới một người vợ ở đó, cùng Ba lo việc làm ăn. Ba hoàn toàn thích nghi với những gì mới mẻ. Mỗi khi về Mỹ, Ba và vợ cùng nhau ghé thăm Mẹ và anh em tôi. Còn Mẹ, Mẹ giữ nhịp sống bình thường, thanh thản. Nhưng có nhiều lúc, tôi thấy Mẹ như chìm hẳn vào một không gian khác.

3
Tháng Tư, trời vẫn đang mùa xuân. Với tôi, Mẹ vẫn chưa già. Tôi nghĩ, giá không bị bệnh này, chắc Mẹ còn sống lâu lắm. Tôi chưa có dịp dẫn Mẹ đi chơi đây đó. Bây giờ thì không thể nào. Mẹ không còn ăn uống được. Mẹ đang được chăm sóc theo cách “hospice tại nhà.” Mẹ gầy rộc đi. Một hôm Mẹ bảo tôi ngồi sát lại gần, nói bằng giọng yếu ớt:
“An, Mẹ có một lá thư viết lâu rồi, gửi cho con, nhưng con hãy hứa với Mẹ là chỉ đọc nó khi Mẹ đã đi rồi nghen con!”
Tôi ngạc nhiên:
“Thư gì hở Mẹ?”
“Chỉ là những lời dặn dò thôi. Mẹ sợ đến một ngày Mẹ không còn nói hay viết nổi. Con hứa với Mẹ đi!”
“Dạ con hứa.”
“Mẹ cất lá thư trong hộc tủ kia.”
“Dạ.”
“Cám ơn con. Mẹ yên tâm đợi ngày ba mươi.”
Mẹ nhắm mắt lại, nằm yên. Mẹ mấp máy môi, tôi nghe thoang thoáng:
“Ngày ba mươi… tháng Tư… mười hai giờ trưa… Tôi đã sống đủ hơn bốn mươi năm…”
Mỗi ngày, Mẹ đều muốn vào máy một chút. Mẹ nhìn ở góc dưới bên phải của màn hình, coi ngày tháng và cả giờ phút. Mẹ đếm những tờ lịch tưởng tượng của mình, như cô gái trong truyện của O. Henry đếm từng chiếc lá héo hắt ngoài song. Ngày ba mươi sẽ là chiếc lá cuối cùng. Tôi ao ước có ai đó vẽ giùm tôi chiếc lá cuối cùng để nó sẽ không bao giờ rơi. Tôi ao ước thời gian ngừng lại ở ngày 29 để Mẹ đừng ra đi, đừng xa chúng tôi…
Ngày 29. Mẹ đã không còn hơi sức. Mẹ thở rất yếu. Y tá đến, cho Mẹ thở oxy. Mẹ hầu như không nhìn thấy gì. Nhưng Mẹ vẫn hướng mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, và đưa cánh tay khẳng khiu chỉ về phía hộc tủ. Tôi nói nhỏ vào tai Mẹ:
“Mẹ yên tâm. Con nhớ lời Mẹ dặn.”
12 giờ khuya. Tôi nói nhỏ vào tai Mẹ:
“Mẹ ơi, đã qua ngày 30.”
Mẹ gật đầu nhè nhẹ. Tôi bỗng thấy mình mạnh mẽ lên cùng với Mẹ. Tôi trở thành người đồng hành để Mẹ yên tâm thực hiện điều ước cuối cùng. Mẹ muốn đi lúc 12 giờ trưa. Tôi ngồi sát bên Mẹ, đếm với Mẹ từng giờ. Trời sáng dần. Mẹ thở thoi thóp. Mẹ ơi ráng lên!
9 giờ sáng, Mẹ đi. Mẹ không còn đủ sức chờ.

4
“An yêu thương của Mẹ,
Đây là lời dặn dò mà Mẹ mong đứa con gái cưng của Mẹ làm giúp cho Mẹ một khi Mẹ đã ra đi. Xin làm đám tang cho Mẹ thật đơn giản, không nhận hoa phúng điếu. Hai con hãy đặt một thùng “donation” để xin tiền quyên góp tùy tâm, và nói rõ là quyên góp tặng cho những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang còn ở tại quê nhà. Mẹ còn một số tiền đã rút từ ngân hàng, con hãy gom chung với tiền quyên góp để làm giùm Mẹ chuyện đó. Mẹ rất yên tâm vì hai con đã có thể tự lo liệu cuộc sống của mình. Vậy hai con giúp Mẹ làm tròn ước nguyện của Mẹ nhé! Những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa sống lây lất nghèo khổ trên khắp đất nước, không nhận được một sự cứu giúp nào hết, rất thương tâm. Chúng ta có làm cũng chỉ là làm một phần nhỏ nhoi cho một số vị nào đó thôi. Con có biết rằng những người thương phế binh đó là một phần đời của Mẹ? Phần đời đó đã khắc sâu trong Mẹ. Cho dù có thích nghi với những hoàn cảnh mới, góc rất khuất trong tâm hồn đó vẫn còn nguyên vẹn.
Nếu có thể được, hai anh em đi về Việt Nam một lần, nhờ một ngôi chùa hay nhà thờ giúp mời quý ông bà họp mặt và trao quà tận tay họ. Mẹ hy vọng Ba cũng sẽ cùng đi. Hãy xin họ nhận tấm lòng của một người vô danh, một người đã từng săn sóc họ trong những phút giây họ đau đớn. Vâng, nỗi đau của họ cũng chính là nỗi đau của Mẹ. Mười hai giờ trưa ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, Mẹ lúc đó vẫn còn đang khoác áo “blouse” trắng, bất lực đứng nhìn họ bị đuổi ra khỏi quân y viện, vết thương còn đỏ máu, người mù cõng người què, lê lết không biết đi về đâu…
Mẹ cám ơn con, cám ơn hai anh em đã cho Mẹ những phút giây vui sướng được làm mẹ. Riêng Mẹ, Mẹ chờ đợi được thanh thản ra đi vào ngày giờ đó, cái ngày cái giờ Mẹ không quên. Mẹ chờ đợi đã hết sức. Đã tạm đủ. Hơn bốn mươi năm…”

Tháng 6/2019
CAM LI NGUYN THỊ MỸ THANH

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 85


1 comment:

  1. những tuổi làm nhà đẹp
    Trong việc xây nhà, ngoài những yếu tố quan trọng như kết cấu, công năng, thiết kế, thẩm mỹ, thi công, chi phí,… thì một điều cũng không kém phần quan trọng đó là phong thủy. Đặc biệt, việc xem tuổi làm nhà, lựa chọn năm xây nhà hợp tuổi là một trong những chủ đề được các gia chủ quan tâm nhiều nhất.
    Xem chi tiết tại dangphat: những tuổi làm nhà

    ReplyDelete