Thursday, March 25, 2021

ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN - TUYỂN TẬP TIỂU LUẬN CỦA TRƯƠNG VŨ

 
Sách của Trương Vũ
 
Hôm cuối tháng Giêng vừa rồi tôi nhận được tuyển tập tiểu luận – ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN – xuất bản năm 2019, do chính tác giả Trương Vũ gửi tặng.
 
Thoạt tiên, tên Trương Vũ thật lạ lẫm với tôi. Nhưng khi đọc vào trang trong tôi mới biết Trương Vũ là bút hiệu của Trương Hồng Sơn, người bạn đồng môn của tôi vào những năm 1953-1955, thuở chúng tôi học chung với nhau từ lớp đệ Lục đến đệ Tứ tại trường trung học tư thục Kim Yến, Nha Trang. Nhìn ảnh của Sơn với hai màu tóc, khiến tôi bồi hồi cảm động. Chúng tôi xa nhau đã hơn 65 năm, biết bao nước chảy qua cầu. Sáu mươi lăm năm của khói lửa, chiến tranh, của ý thức hệ, phân ly, chia cắt, chúng tôi trôi giạt thành người lưu vong bất đắc chí.
 
Trong suốt hơn 65 năm qua, thời gian dài đăng đẳng, tôi theo nghiệp Y, hành nghề bác sĩ phẫu thuật của thời chiến. Sau khi về hưu tôi ngả ra viết lách. Trong khi đó Trương Vũ, tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Toán Đại học Sàigòn; Thạc sĩ (MS) Vật Lý Hạt Nhân, University of Pennsylvania; Thạc Sĩ Kỹ Sư Điện (MSEE) và Tiến sĩ Khoa Học (D.Sc.) về Điện trong Kỹ thuật Không Gian, The George Washington University. Trước 1975, anh dạy Toán và đặc trách Sinh Viên Vụ tại Đại học Duyên Hải – Nha Trang. Vượt biển và định cư tại Hoa Kỳ từ 1976. Chuyên Viên nghiên cứu cho NASA tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ năm 1980 cho đến khi nghỉ hưu, 2005. Đóng góp quan trọng nhất thuộc lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft  Navigation). Đăng tải nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và kỹ thuật không gian (1996-1998).
 
Ngoài công tác chính ở NASA, Trương Vũ còn đóng góp vào một số sinh hoạt văn học nghệ thuật ở hải ngoại. Đồng Chủ biên tuyển tập văn chương chiến tranh – The Other Side Of Heaven (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Nguyên đồng Chủ biên Tập san Việt Học – The Vietnam Review của Đại học Yale (1996-1998). Nguyên Chủ bút tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Hợp tác đóng góp bài vở cho các tạp chí giấy và mạng như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Tiền Vệ, Da Màu, Tương Tri, hay các diễn đàn internet như Talawas, Trang VHNT Phạm Cao Hoàng, Phố Văn, Trần Thị Nguyệt Mai… Về hội họa, ngoài các lớp học rải rác tại các Đại học và tư nhân, phần chính là tự học. Trương Vũ đã từng tham dự một số triển lãm tranh tại Hoa Kỳ.
Cùng với gia đình, Trương Vũ hiện cư ngụ tại tiểu bang Maryland, chú tâm vào chuyện vẽ và viết.
 
ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, Trương Vũ cho biết lấy từ nguồn cảm hứng hai câu cổ thi Trung Quốc: Hoàng Hạc Lâu -của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu// Quê Hương khuất bóng hoàng hôn/Trên Sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Ý chừng hai mươi bài trong tập tiểu luận này đều mang không ít thì nhiều hoài vọng tư cố hương của tác giả.
 
Qua gần hai mươi bài ký trong tập tiểu luận ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN, Trương Vũ đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau. Từ Giáo dục đào tạo của Việt Nam hôm nay, cho đến Chiến tranh Hòa Bình, các vấn đề chính trị, các phong trào Văn Học Nghệ Thuật ở Việt Nam, con người và quê hương, Chiến Tranh Việt Nam và Văn Học Việt Nam Ở Hải Ngoại – The Other Side of Heaven...  Vốn dĩ là nhà toán học, khoa học kỹ thuật, Trương Vũ thường dùng ánh sáng của khoa học để soi sáng những trang viết của anh.
 
Khi Trương Vũ viết về tình người và quê hương bạn bè, đó là lúc trái tim trở nên chủ động ngòi bút của anh. Thể hiện đậm nét về xu thế này của Trương Vũ là bài viết “VỀ LẠI SORRENTO”, – bài viết dựa trên niềm cảm xúc khi tác giả Trương Vũ nghe lại ca khúc Trở Về Mái Nhà Xưa – Torna a Surriento của Ernesto De Curtis nhạc sĩ Ý, cuối thế kỷ XIX. Bản nhạc này đã làm mê hoặc anh. Anh nhớ Nha Trang, giống như Surriento, nơi có biển xanh cát trắng, tình người. Nơi đó Nhạc sĩ Phạm Duy đã hơn một lần dừng chân lại: “Nha Trang Ngày Về mình tôi trên biển khuya/ Đêm nay còn cát trắng – Đêm nay còn tiếng sóng – Đêm nay còn trăng soi… nhưng rồi chỉ còn mình tôi/ Trên bãi đêm khóc người tình”. Trương Vũ trong suốt hơn 65 năm qua đôi lần cũng nhớ về Nha Trang, quê hương của tuổi thơ, của những ngày học trò. Nơi đó, khi về già ta thường nhớ lại như nhớ một thiên đường đã mất. Ôi có gi đáng yêu hơn khi nhớ lại quê hương qua hình ảnh những người bạn gái cùng lớp cùng trường ta chưa hề cầm được tay nhau để nói rằng ta yêu người… Hoàng Thị Ngọc Táo, Trương Thúy Trúc, Trần Thị Hảo… mãi mãi  là những mối tình câm nín đầu đời trong sân trường Võ Tánh Nha Trang…
 
Trương Vũ có cái nhìn tinh vi và sâu sắc khi ông NHÌN LẠI PHONG TRÀO VĂN NGHỆ PHẢN KHÁNG TẠI VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 1989. Sau khi lược qua một vòng về nguyên nhân đưa đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956-58 và phong trào Văn học Phản Kháng 1986-89, Trương Vũ nhìn nhận mọi phong trào văn học hầu hết đều là sự phản kháng của Ngòi Bút chống Bạo Lực. Theo Trương Vũ “Ngòi Bút và Bạo Lực là hai thứ không thể cùng sống chung với nhau mà không làm biến thái hoặc triệt tiêu nhau… chỉ riêng một sự kiện: Trong số mười người cầm bút bị sát hại trên nước Mỹ, thì đã có năm người thuộc cộng đồng người Việt ở hải ngoại. (Dương Trọng Lâm – 1981, Nguyễn Đạm Phong – 1982, Phạm Văn Tập – 1987, Đỗ Trọng Nhân – 1989, Lê Triết – 1990). Cũng phải khiến cho chúng ta suy nghĩ về cái tương quan giữa Ngòi Bút và Bạo Lực ở chính nơi đây… chúng ta giết lẫn nhau, chúng ta hành hạ lẫn nhau  chúng ta chụp nón cối cho nhau…” Và tác giả đặt ngay những câu hỏi: “Sức mạnh của ngòi bút chúng ta ở hải ngoại như thế nào? Về lượng chắc nhiều lắm. Về phẩm, văn chương của chúng ta có mới không? Nội dung của nó có chứa đựng được những bức xúc, những trăn trở, những khúc mắc, những suy tư thời đại của chúng ta, có khai mở cái thẩm mỹ, cái tầm nhìn về tương lai của chính chúng ta và những thế hệ sau này… Nghĩ đến Văn học nghệ thuật chúng ta buộc phải nghĩ đến những giá trị lớn… Trước khi dứt lời, tôi xin nói đôi điều liên quan đến người đọc: Ở hải ngoại sống hết lòng với văn chương khó lắm.”… Theo tôi nghĩ (lời người viết) chẳng những khó lắm mà còn nguy hiểm lắm, nguy hiểm cho chính mình mà còn cho gia đình vợ con… Văn chương Việt Nam ở hải ngoại thật đa diện: Văn chương đặc công, Văn Chương Việt cộng, Văn Chương Việt gian, Văn chương biệt kích, Văn chương Nha kỹ thuật, văn chương tình báo. Văn chương phe nhóm, công thần ngoại bang chia nhau độc quyền chiếm đoạt các báo Việt ngữ ở hải ngoại; điều quan trọng là chia nhau phần quảng cáo một lợi nhuận kếch xù. Văn chương phục vụ quảng cáo cho các mặt hàng, mới là điều quan trọng. Tranh nhau quảng cáo, chụp nón cối cho nhau. Nhưng nghĩ cho cùng, câu nói để đời của nguyên Đại sứ Mỹ tại miền Nam Viêt Nam, Maxwell Taylor, từng tuyên bố: “Who disburses, dictates”. Kẻ cầm súng giết hại các nhà báo Việt Nam không thật sự quan trọng bằng kẻ đã ra lệnh cho họ giết chết những nhà báo yêu nước của ta, họ thủ tiêu sức mạnh của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại từ đó họ và bọn tay sai chi phối và thao túng cộng đồng người Việt ở hải ngoại một cách dễ dàng.
 
Những bài tiểu luận khác cũng được Trương Vũ đề cập đến với một văn phong đầy nhân bản như Mưa Ướt Vị Thành, Người Đọc Sách Với Cái Thật cái giả trong Văn, Nói Với Chàng Siêu, Vài Suy Nghĩ Tuyển Tập Mây Chó của Võ Đình, Lời Bạt Cho Chủ Đề Yêu Của Hợp Lưu, Lá Mùa Thu, Phùng, Huy… Nhưng có một tiểu luận Chính Trị MÙA ĐÔNG PRAGUE đã nắm bắt sự chú ý của tôi mãnh liệt. Qua bài viết này tác giả Trương Vũ nghiên cứu và phân tích về sự thành lập Tân Cộng Hòa Czechoslovakia – Tiệp Khắc ở Đông Âu, nhờ sự đấu tranh kiên cường của các nhà lãnh đạo và nhân dân Tiệp. Đó là sự thật không chối cãi được.
 
Tuy nhiên sự thành lập Tân Cộng hòa Czechoslovakia – Tiệp Khắc – có chung một lịch sử với sự thành lập các Tân Cộng Hòa ở Đông Âu. Năm 1988 trong một buổi họp tại Điện Kremlin, Mạc Tư Khoa, với các lãnh đạo các nước Đông Âu, Chủ Tịch – Tổng Bí Thư cuối cùng của Liên Bang Xô Viết (LBXV), Mikhail S. Gorbachev đã long trọng tuyên bố: LBXV sẽ không bao giờ can thiệp vào nội tình của các quốc gia Đông Âu. Quyết định này của Gorbachev được coi như là khai mào cho sự thành lập các Tân Cộng Hòa Đông Âu, độc lập với Moscow, và chấm dứt Chiến Tranh Lạnh trên toàn cầu…
 
Thật cảm động khi tôi đọc những trang ký ức của Sơn: “ĐÊM ĐẠI DƯƠNG”, “NHỮNG CƠN MƯA NGÀY CŨ”, và nhất là bài ký ức của Sơn về Thầy “CUNG GIŨ NGUYÊN-TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM”. Cả khung trời kỷ niệm trở về trong trí tưởng tôi, trường Trung học tư thục Kim Yến, đường Độc Lập và thành phố Nha Trang, vịnh Nha Trang, cầu Hà Ra, và Xóm Bóng, quê hương thần thoại của “Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải”- Le Fils De La Baleine – tác phẩm thời danh của GS Cung Giũ Nguyên.
 
Đọc “Đêm Đại Dương” của Trương Vũ nhắc lại những cảnh hãi hùng vượt biên của hàng triệu người Việt, nạn nhân của Chuyên Chính Vô Sản, sau ngày 30-4-75! Có những người may mắn đến được bến bờ tự do. Một số người phần số hẩm hiu đã bỏ mình ở rừng sâu, hoặc bị chôn vùi ở dưới đáy Biển Đông. “Hồi tưởng lại thảm kịch đó… và cũng là lúc để người Việt Nam tự chiêm nghiệm chính mình, về những gì đã làm, những gì đã không làm, những gì lẽ ra không nên làm… Để xã hội nhân bản hơn, tôn trọng quyền căn bản của con người, và để người dân có tự do, có cơ hội sống một đời sống có phẩm cách, như trong bao nhiêu quốc gia tiến bộ khác. Chỉ có như thế, cái thảm kịch như từng xảy ra trên Biển Đông sau 1975, sẽ không còn xảy ra cho dân tộc Việt Nam trong tương lai nữa…” Đó là ước vọng hòa hợp hòa giải dân tộc của Trương Vũ, đậm chất nhân văn, tình người, vượt lên trên ý thức hệ Chuyên Chính Vô Sản.
 
“NHỮNG CƠN MƯA NGÀY CŨ” của Trương Vũ, nhắc ta nhớ lại những cơn mưa Thu lạnh, ở miền Đông nước Mỹ, những cơn mưa dầm trên thành phố Nha Trang những chiều mùa Đông, những cơn mưa vội vã, chợt đến chợt đi của trời tháng Sáu Sàigòn, đẫm ướt mái tóc người em gái, đủ làm ủ dột lòng người tha hương. Những cơn mưa ngày cũ ở bất cứ đâu cũng là những hoài niệm, những bâng khuâng về một cố nhân, về một quê hương đã khuất, về một nơi mà ta đã dừng chân trong những năm tháng khốn khó. Với Trương Vũ, “rất khó để nói rằng nước Mỹ không là một quê hương mới. Mỗi lần đi xa, sau vài ngày là tôi bắt đầu nhớ đến căn nhà ở đó, nhớ màu sắc của cỏ cây khi trời vào Thu, nhớ những con người, nhớ cả thức ăn …” và chắc chắn Trương Vũ  cũng nhớ đến những cơn mưa ngày cũ và câu thơ cổ thi Trung Quốc của nhà thơ Giả Đảo:
 
“ Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy 
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương”
 
Qua sông Tang Càn, nhớ về Tinh Châu-một quê hương mới…
 
Đọc CUNG GIŨ NGUYÊN-TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM  của Trương Vũ, lòng tôi xao xuyến lạ thường – Không hiểu Sơn sẽ viết gì đây về vị Thầy của chúng tôi. GS Cung Giũ Nguyên sanh tại làng Minh Hương, Huế năm 1909. Cựu học sinh trường Quốc Học, Huế. Năm 1928  được bổ làm Trợ giáo Tập sự tại Trường Nam Tiểu học Nha Trang. Nhưng đến đầu năm 1930 ông bị bãi chức vì lý do chánh trị. Từ năm 1947 ông dạy Pháp văn Trung học, sau đó làm Hiệu Trưởng trường Trung học bán công Lê Quý Đôn, Nha Trang. Từ năm 1972-75, Giáo sư và Chủ nhiệm ban Pháp văn tại Đại học Duyên Hải, Nha Trang. Từ năm 1989 đến năm 1999, ông là Giáo sư Ngôn ngữ Văn chương Pháp tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. GS Cung Giũ Nguyên là thầy của rất nhiều thế hệ học sinh và sinh viên Nha Trang, kể cả thế hệ đầu tiên, bước chân vào trường Trung học Võ Tánh năm 1947 lúc đó còn mang tên Collège de Nha Trang.
 
Cung Giũ Nguyên viết văn thuần thục 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp. Và cộng tác với nhiều báo chí trong và ngoài nước. Ông đã sáng tác, và dịch hơn 50 tác phẩm. Những tác phẩm đầu tay bằng tiếng Việt: Tinh Ái Mỹ – 1928, Nợ Văn Chương, Một Người Vô Dụng… Ông viết rất nhiều sách bằng tiếng Pháp: Volonté d’Existence (essai), Le Fils De La Baleine – 1956, Le Domaine Maudit – 1961, Le Serpent et la Couronne (roman) và tác phẩm chủ lực của ông Le Boujoum – 1976-1980.
 
Các nhà văn hóa Pháp và Đức, nhất là giới cầm bút của châu Âu, đã vinh danh ông là Tiếng Sấm Phương Đông – La Tonnerre de l’Orient – qua tác phẩm thời danh của ông viết bằng tiếng Pháp “Le Fils De La Baleine”do nhà xuất bản Arthène Fayard – Paris ấn hành năm 1956.  Và sau đó tái bản đến 10 lần. Năm 1957 “Le Fils De La Baleine” được dịch sang tiếng Đức dưới nhan đề “Der Sohn Des Walfischs”. Mãi đến năm 1995 “Le Fils De Baleine” mới quay đầu về cố hương, được nhà ngôn ngữ học Việt Nam, Nguyễn Thành Thống chuyển sang tiếng Việt  dưới tựa đề  “ Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải”. ”Với một bút pháp gọn gàng, thanh thoát, linh động mà uyển chuyển ”Kẻ Thừa Tự Ông Nam Hải” kể về đời sống chất phác, dịu hiền rất đáng mến của một gia đình chài lưới ở một làng duyên hải thuộc Trung Bộ Việt Nam với tất cả đặc điểm phong tục của người dân chài đất Việt sống chết với nghề truyền thống của mình. Tác phẩm không những được độc giả trong nước hoan nghênh, mà nhiều người nước ngoài (trong đó có cộng đồng sử dụng tiếng Pháp-Francophone) qua đó cũng hiểu thêm dân tộc Việt Nam với những đức tính tốt đẹp truyền thống.” (Nguyễn Q, Thắng-Tự Điển Văn Học – Bộ Mới Năm 2003 – Hà Nội-Việt Nam)
 
Năm 1961 GS Cung Giũ Nguyên cho ra đời một tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp Le Domaine Maudit – Đất Dữ  cũng do Arthène Fayard – Paris ấn hành. Le Domaine Maudit kể lại câu chuyện của một gia đình thượng lưu Việt Nam bị đổ vỡ vì sự xâu xé giữa ý thức hệ cũ và mới vào khoảng những năm 40-60 của thế kỷ XX. Le Domaine Maudit cũng đánh dấu một giai đoạn tác giả của nó phản tỉnh về những va chạm ý thức hệ giữa cũ và mới…
Tôi rất băn khoăn khi thấy Trương Vũ vạm vỡ bước vào chủ đề “CUNG GIŨ NGUYÊN-TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM”, một chủ đề chưa từng được ai dám đề cập đến với một chiều sâu như Trương Vũ đang là nhà giải phẫu Le Boujoum, tác phẩm chủ lực của GS Cung Giũ Nguyên, một tác phẩm rất khó đọc. Chính Trương Vũ cũng phải thú nhận: ”Trong bài viết này tôi không nhằm làm công tác của một nhà phê bình văn học (tất nhiên là vậy). Tôi chỉ muốn đóng góp một ít thông tin về con người của tác giả và về bối cảnh để tác giả xây dựng nên tác phẩm (Le Boujoum). Cuốn tiểu thuyết được xây dựng trên một cấu trúc rất kỳ lạ… Mở những trang đầu của sách, người đọc có thể cảm nhận được điều đó ngay, khi đọc những câu rất đặc biệt mà ông trích dẫn từ cuốn The Hunting Of Snark của Lewis Carroll
 
…Car le Snark bel et bien était un boujoum
figurez vous- Je ne sus pas ce qu’il signifiait
alors: je ne suis pas ce qu’il signifie…        
 
Rằng Snark là đẹp và toàn hảo như một boujoum
Các bạn hãy hình dung đi
Trước đây tôi chẳng hiểu nó là gì
Bây giờ tôi chẳng phải là tôi hiểu nó là gì nữa…
 
Câu văn mở đầu Le Boujoum: “…Một vật lơ lửng trên vực thẳm được những sọi tơ mành giữ lại/… objet retenu au-dessus d’une gouffre par les fils abstraits – cũng là câu kết thúc của truyện Le Boujoum.  Tác giả Cung Giũ Nguyên muốn nói gì qua ẩn dụ này? Phải chăng điểm khởi đầu về điểm kết thúc chỉ là một?
 
Thật lý thú khi khám phá tác giả Cung Giũ Nguyên cho đăng lại vài dòng trên bức hí họa ở bìa sau Le Boujoum, câu nói của một đệ tử thiền học Trung Quốc:
 
“Trước khi theo Thầy lên núi học đạo, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Khi học đạo thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Sau khi học đạo thấy núi cũng chỉ là núi, thấy sông cũng chỉ là sông…”.
 
Lúc sinh thời GS Cung Giũ Nguyên hiển thị hai cực âm (-) và cực dương (+) bằng một vòng tròn khác với đường thẳng của Tây phương. Theo mô hình của Cung Giũ Nguyên (vòng tròn) hai điểm cực dương và cực âm đứng sát vào nhau. Thật khó mà phân biệt đâu là cực dương, đâu là cực âm. Trong cõi vô cùng ấy, khó mà nhận được đâu là sự thật. Trong khi học đạo, người đệ tử Thiền nhìn sông núi qua lăng kính học đạo. Nhưng sau khi đắc đạo người học đạo trở lại chính mình, nhận chân được sự thật: sông trước sau gì cũng chỉ là sông, núi trước sau gì cũng chỉ là núi…
 
Trương Vũ đã tóm lược rất nhiều nội dung của Le Boujoum, phần còn lại độc giả sẽ tự tìm ra một con đường mới đi xuyên qua tác phẩm vĩ đại này, luôn luôn là một khu rừng thiêng còn cần nhiều khai thác và khám phá của nền văn học Việt và thế giới.
 
Sau khi đọc ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN của Trương Vũ, người đọc ghi nhớ mãi vết hằn chiến tranh khắc sâu vào tâm tư của mọi người, nó là nguồn cội chia rẽ dân tộc hôm nay: ”Hồi tưởng lại thảm kịch đó và cũng là lúc để người Việt Nam tự chiêm nghiệm chính mình về những gì đã làm, những gì đã không làm, những gì lẽ ra không nên làm… để xã hội được nhân bản hơn, tôn trọng quyền căn bản của con người và để người dân có tự do, có cơ hội sống một đời sống có phẩm cách… Chỉ có như thế cái thảm kịch như từng xảy ra tại Biển Đông sau năm 1975 sẽ không còn xảy ra cho đất nước Việt Nam trong tương lai nữa…”
 
Với tư cách người cầm bút ở hải ngoại, tôi trân trọng ghi ơn tác giả Trương Vũ khi ông dám lên tiếng tố cáo sự va chạm giữa Ngòi Bút và Bạo Lực trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và ông đã can đảm thú nhận “ở hải ngoại sống hết lòng với văn chương khó lắm”.
 
ĐÀO NHƯ
Bác Sĩ Đào Trọng Thể
Chicago – Friday, March 5, 2021
 

No comments:

Post a Comment