Sunday, May 29, 2016

KỶ NIỆM 5 NĂM NGÀY GIỖ THI SĨ PHẠM CÔNG THIỆN



Ngân Hà

 Chân dung Phạm Công Thiện. Đinh Trường Chinh vẽ

Kỷ niệm 5 năm ngày giỗ thi sĩ Phạm Công Thiện, Phiên Chợ Sách (*) có nhận được một bài viết của Thầy Thích Phước An, chùa Hải Đức Nha Trang, người đã miệt mài viết trên 17 trang giấy với 6.475 chữ về Phạm Công Thiện khi nghe tin dữ đến vào buổi chiều mồng bốn tháng hai năm Tân Mão 2011.
Và hôm nay là mồng bốn tháng hai năm Bính Thân 2016

Vậy Thầy Thích Phước An có liên can gì đến ông Phạm Công Thiện?
“Ở đây, trên đồi cao vắng vẻ, vào mỗi chiều tôi vẫn thường ra đứng nhìn mặt trời khuất dần nơi các rặng núi phía xa, rồi chạnh lòng nhớ đến những người thân đã đến rồi ra đi không bao giờ về thăm lại ngọn đồi cao này. Tất nhiên, trong đó hình bóng của anh Phạm Công Thiện, một thanh niên tài hoa vừa mới từ giã Sài Gòn về đây suốt ngày tự nhốt mình trong một căn phòng đầy sách cùng những câu thơ mà anh đã từng sáng tác ở đây, vào những đêm dài heo hút hay những chiều buồn lê thê, lúc nào cũng sống lại đậm đà trong kí ức xa xôi của tôi:

Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bạt gió hai đường âm u.

Hay hai câu mà gần như những ai đã từng đọc thơ Phạm Công Thiện thì đều thuộc nằm lòng:

Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
[…]

Phạm Công Thiện rời đồi cao chùa Hải Đức đến nay đã gần nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm, nói theo ngôn ngữ của Phạm Công Thiện thì nửa thế kỷ đầy “tan hoang dâu biển” … Nhưng chỉ có cái duy nhất không thay đổi với anh, theo tôi đó là cái tịch liêu, cái hoang vắng trong đời sống cô độc của anh. Dù anh sống ở đâu, dưới hình thức nào thì cái hoang vắng, tịch liêu của những buổi chiều vàng vọt ấy vẫn cứ bám riết lấy cuộc đời anh như bài thơ có tên là Một buổi chiều nào đó ở California trong tập thơ Trên tất cả đỉnh cao là lặng im vừa được xuất bản tại Việt Nam.

I
Một gian phòng nhỏ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng buồn thiu
Một cô gái nhỏ băng qua phố
Một tiếng chim xa lọt xuống đèo

II
Một gian phòng nhỏ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng đìu hiu
Một người lặng lẽ băng qua phố
Một kẻ xa buồn lén ngó theo

III
Một gian phòng tối một buổi chiều
Không người tựa cửa đứng đìu hiu
Không ai bước nhẹ băng qua phố
Không tiếng bông khô rụng xuống đèo”.

(Trích: Phạm Công Thiện, hiu hắt quê hương bến cỏ hồng. Thích Phước An).

Cô Hồ Đắc Thiếu Anh, người đã đọc sách Phạm Công Thiện từ hồi 16 tuổi với niềm đam mê kỳ lạ: “Từ nhỏ, tôi đọc Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của thầy Phạm Công Thiện, lúc đó tôi đang học đệ nhị, đọc chẳng hiểu gì cả nhưng cứ bị cuốn đi, cuốn đi mãi. Tôi ôm cuốn sách cả ngày, có khi còn leo lên cây khế trong vườn ngồi đọc khiến cả nhà tưởng tôi cũng phát… điên. Rồi sau đó tôi tìm sách của thầy đọc nữa, mê mẩn “Ngày sinh của rắn”, nhất là khổ thứ 8:

Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây
Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông
Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông”

Cô Thiếu Anh tóm gọn rằng: “Sinh ra ông đã tài năng, lớn lên ông trở thành thiên tài”.
Nghe xong cô Thiếu Anh ngâm thơ “Ngày sinh của rắn” bằng giọng Huế ngọt ngào, ngay lập tức nhà sưu tập nhạc xưa Phan Dũng đã mở ngay cho mọi người nghe đoạn thơ này đã được phổ nhạc và nhạc sĩ Lê Uyên Phương hát với giọng liêu trai.

(…)

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đến nghe thơ, trước đó, ông nói với tôi ông sẽ không nói gì về Phạm Công Thiện. Tôi biết điều đó, và tôi mời ông đến ngồi, như một người đã từng sống qua thời kỳ ấy, cũng đủ cho chúng tôi có chút cảm nghiệm. Nhưng không ngờ chúng tôi lại được nghe câu chuyện thú vị từ nhà thơ Đỗ Nghê (bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc), ông kể:
“Năm 1960, một hôm tôi đi cùng ông cậu mình, nhà thơ Nguiễn Ngu Í xuống Mỹ Tho thăm ông Phạm Công Thiện, nhà ông ở chân cầu Quay. Bước vô nhà, ông không mời ngồi tầng khách mà rủ lên tầng trên vì ông đang ở trên đó gọi vói xuống. Khi lên tầng hai, tôi sững sờ khi thấy cả một tầng (nhà ông rộng và dài) chỉ để sách là sách, từ sàn nhà đụng đến trần, còn ông thì đang lơ lửng trên một cái thang tìm sách… Tôi chưa thấy nhà ai có sách nhiều đến vậy, khoảng giữa còn chút chỗ trống có kệ cao đặt sách để đứng đọc… Rồi tôi cho rằng, với một người mà đọc sách nhiều như vậy, thì đáng là một “thiên tài” rồi, quả thật hồi đó, ông được người ta đã gọi là thiên tài PCT”.

Từ trái: Hồ Đắc Thiếu Anh, Bùi Văn Nam Sơn, Đỗ Hồng Ngọc
tại Phiên Chợ Sách, hôm đó có nhiều sách của Phạm Công Thiện.

***
Phạm Công Thiện mất đã 5 năm rồi, nhưng ngay cả khi ông đã rời khỏi trần gian này và biết đâu đã bay lên cùng với các vị Bồ Tát trên trời xanh hay đã tái sinh ở một cõi trần khác, thì lúc này đây, chúng ta vẫn cảm thấy hạnh phúc, lâng lâng với dư vị cõi thi ca mà ông để lại.
Vì tôi tin, tất cả những gì ông viết, dù là kinh sách hay những tác phẩm điên rồ, thì nó cũng tựa vào thế giới thi ca, ở trong ông.

(trích Ngân Hà,  ghi tại Phiên Chợ Sách, 11.03.2016),

Nguồn: Trang nhà BS Đỗ Hồng Ngọc

…………………………………………………………………………………………….

(*) Thứ bảy mỗi 2 tuần, Hội quán các bà mẹ có một Phiên Chợ Sách cũ tại café Đồng Ca Nhỏ. Bạn bè thân quen đến dạo chợ, thích cuốn nào thì… sẽ được photocopy lại.



No comments:

Post a Comment