Monday, July 14, 2014

THƠ Ý NHI- LỜI NGUYỆN CHO NỖI YÊN HÀN



Chu Văn Sơn



                             Chân dung Ý Nhi. Kevin Bowen vẽ




                                   Ý Nhi tuyển tập

Tôi cứ hình dung nghệ sĩ đích thực là một kẻ khát. Khát như một chứng bệnh, lại như một nhu cầu. Là rủi ro mà cũng là may mắn. Nó khiến anh không thể không đi tìm cho được nguồn nước của riêng mình. Vừa buộc anh thành nghệ sĩ vừa biến anh thành tù nhân trong một cuộc đày ải vô hình và dai dẳng. Biến đời nghệ thuật thành cuộc lưu đày. Nó khác nào như một thứ khổ giá tiền định mà tự nguyện. Nó mà thôi dày vò, anh liền bị cắt cơn sáng tạo. Khỏi phận tù đày, anh hết là nghệ sĩ. Khuôn mặt tinh thần và tầm vóc của anh tùy thuộc vào cơn khát ấy. Cơn khát có tên là Tuyệt đối. Mỗi người khát một thứ khác nhau nhưng đều là cái mình cho là Tuyệt đối. Là Tuyệt đối, nên bao giờ nó cũng có khoảng cách đối với nghệ sĩ. Khoảng cách bằng chính cơn khát.
          Dày vò đeo đẳng Ý Nhi suốt mấy chục năm qua trên mọi chặng đường thơ là một nỗi khát thôi. Nỗi khát Yên bình. Chẳng phải thế sao! Cứ lần theo bước chân mải miết kiếm tìm nguồn nước, có thể thấy kẻ khát đã rắc lại những ngôn từ, khác nào một thứ lông ngỗng riêng đánh dấu đường qua các trang thơ: chỗ này là yên tĩnh, yên hàn, yên lành, trong lành, chỗ kia là lắng yên, yên lặng, bình yên, thanh bình, trầm tĩnh…Những ngôn từ vốn là chị em ruột rà với nhau. Baudelaire gọi những từ ấy ở một thi sĩ là từ chìa khóa. Nó biểu hiện nỗi ám ảnh, biểu hiện mối ưu tư chính của nhà thơ. Nhà thi pháp học gọi đó là hệ thống ngôn từ mang tính quan niệm. Dù gọi bằng tên gì, đó vẫn là những biến thể khác nhau của cùng một cơn khát bình yên thôi. Qua các tập thơ, ta còn nhận ra: từ cơn khát ấy, theo những cách riêng nào đó, đã mọc lên cả một thế giới hình tượng tươi tắn sum suê. Nó là chiếc lá thắm biếc, là bóng cây thâm u, là màu trời xanh nhẫn nại sau mây, là cái lắng mình của dòng sông, là chùm rau me đất giữa độ đường không cây, là bóng mát cây sồi trầm tĩnh bên hồ Thuyền Quang, là sông Trà với doi cát vàng như tơ dưới nắng, là Praha thanh bình như một giấc mơ…Là vườn, là chùa, là cơn mưa, là biển lớn, là mùa thu- Mùa thu ngủ yên dưới tầng lá thắm/ Gió trong xanh như nước chảy qua rừng… Trong mỗi hình tượng kia đều âm vang một tiếng thì thầm: Này hỡi yên bình, người ở đâu? Có lẽ đó là cái tiếng thì thầm như một điệp khúc khắc khoải của cái Tôi ấy. Nó vang vang ngân ngân qua tầng tầng hình tượng của thế giới thi ca Ý Nhi. Có lúc nó rơi vào hư không thăm thẳm chẳng chút hồi âm. Có lúc nó rơi lại chính lòng mình thành một tiếng thở dài chìm vào lồng ngực.
          Tôi cứ ngỡ trong một lần nào đó, Ý Nhi đã lỡ tay đánh rơi mất sự yên bình vô giá của mình. Mất đi vĩnh viễn. Nó rơi hút vào tuổi thơ xa tít tắp Hải Phòng hoặc rớt xuống cái mặt đất đầy việc dữ, rồi cát bỏng đã lập tức làm cho hoàn toàn tiêu tan. Tuổi thơ đã mang đi hay cái thời khắc nghiệt kia đã cướp mất, nó là tâm bệnh hay là thời bệnh? Chỉ biết rằng, tự bấy trở đi, nhìn vào lòng, chỉ còn thấy có nỗi bồn chồn, xao xác. Và từ đó, cái Tôi Ý Nhi có diện mạo riêng là kẻ khát Yên bình. Sống, với Cái Tôi ấy là lên đường tìm kiếm sự Yên bình. Càng bồn chồn càng khát Bình yên. Chị hy vọng yên bình vẫn chờ đâu đó ở cuối con đường. Chị gắng nâng niu mọi che chở, gom góp mọi bao dung, chắt chiu mọi dịu dàng. Với chị, đó là khoảnh khắc hạnh phúc có thực, dù nó vô cùng hiếm hoi. Mà thật oái oăm là dường như khi đã đánh mất sự bình yên, Cái Tôi ấy đã đánh mất luôn cả một thứ sâu xa nữa: khả năng cầm giữ sự bình yên. Nói tâm bệnh là thế. Giáp mặt với bình yên, chị vừa không dám tin vừa không dám hưởng. Bồn chồn mong mỏi yên bình, đến giữa yên bình lại thấy lòng xao xác. Hạnh phúc và tủi sầu giao tranh nhau trong cõi lòng không yên định, mà chị thường gọi là nỗi niềm không xác thực:” Đôi lần/ Em nhìn tán cây mà ứa nước mắt/ Vì màu xanh…Đôi lần/ Em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt/ Vì sự trong trẻo”. Thật là :” Một hạnh phúc thương đau/ một hân hoan buồn bã”. Thế nên, đi giữa một thủ đô thanh bình như giấc mơ cổ tích, Cái Tôi ấy chỉ thấy Lòng bồn chồn giữa Praha bình yên. Và xao xác giữa ngày yên, một nỗi niềm oái oăm, đã thành nỗi niềm thường trực. Một cơ chế tinh thần éo le, nghịch lý như vậy phải chăng là bi kịch? Mà suy cho cùng, nó đâu phải của riêng người đàn bà nào, riêng thời nào. Nó là cơn khát muôn thưở. Dù thế nào, với cái Tôi ấy, bình yên đã thành thoáng chốc xa vời, bồn chồn mới là thường hằng vĩnh viễn. Trải qua năm tháng chính nó đã kết tinh thành một quan niệm thơ rất riêng của thi sĩ. Phải, với Ý Nhi, thơ chính là lời nguyện cho nỗi yên hàn.

                                         ***
          Nỗi khát nằm sâu trong tâm thức đã thành kẻ kiến tạo toàn bộ cõi thơ Ý Nhi. Nó phân lập không gian thành hai đối cực: Miền yên bình nơi sinh ra để bao dung và thanh lọc, nơi chung sống của những gì trong trẻo, dịu lành. ở đó có tiếng chim khuyên trong như giọt ban mai, có bông tuyết nhẹ nhàng tinh trong buốt giá và sắc hoa quỳ luôn vàng thắm nơi lưng dậu vườn êm hay những triền xa…Miền khắc nghiệt với cát bỏng, bùn lầy, nắng xối, gió quất, mưa chan, ồn ào, phồn tạp, đầy bất ổn, bất an, nơi ngự trị của hiềm khích, hận thù, đố kỵ, giả trá, chúng vây bủa những cây dương đơn độc mà kiêu hãnh, chúng muốn làm tiêu tan sắc xuân dịu dàng của chùm rau me đất…Hành trình của cái Tôi là gắng từ bỏ miền khắc nghiệt để đến với chốn yên bình. Thế là, thi sĩ thành kẻ lữ hành đơn độc giữa phố đông, người bước vội trong đêm qua miền cát. Nó cũng phân lập thời gian: Quá khứ là thời yên bình đã mất, ở đó tuổi trẻ và tuổi thơ lúc nào cũng mỉm cười tha thứ chở che. Hiện tại là quãng thời gian phi yên bình, ở đó trạng thái bồn chồn đã làm thời gian vụn nát thành muôn mảnh, thi sĩ đi xâu những mảnh vỡ sắc nhọn thành nỗi xao xác lê thê. Còn tương lai thì đâu đó mãi cuối tầm nhìn, nó là cõi yên bình tuyệt đối luôn vẫy gọi, cũng luôn lùi xa như rừng mơ chập chờn trong cơn khát. Thế giới thơ Ý Nhi là sự tương sinh tương khắc của các đối cực ấy.
          Mà sâu xa hơn, cơn khát kia quyết định chuẩn mực hạnh phúc của người phụ nữ Ý Nhi lẫn chuẩn mực cái đẹp của thi sĩ Ý Nhi. Tìm kiếm hạnh phúc cũng là tìm kiếm cái đẹp. Cả hai có cùng một gương mặt. Chị yêu những phút giây yên ắng, trong lành, dị ứng với những ồn ào, giả trá. Gắng chịu đựng và vượt qua những nắng nôi, bỏng sôi, giông gió để đến với những cảnh giới u tĩnh, thanh thản. Tìm kiếm vườn trong phố, chùa trong phố, hồ trong phố. Hành hương đến những dòng sông và biển lớn. Đến với những Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, những Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu, những Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Akhmatova, Xvetaeva…chị đã tìm thấy được cái đẹp của mình. Bởi họ đều là những nhân cách lớn, đều đã đắc đạo. Đắc đạo dường như là lý tưởng nhân văn của chị. Theo thi sĩ, đắc đạo là đã đạt đến độ tự biết, đã vượt lên mọi vướng bận đời thường. Biểu hiện hằng ngày của nó là lặng lẽ sáng trong. Sáng trong của dòng sông đã qua nhiều bão tố. Và lặng lẽ của chưng cất:” Những tiếng kêu bi thương cuồng nộ/Đã tan trong lặng thinh kỳ bí”. Ấy là nỗi lặng yên minh triết, vẻ khiêm nhường kiêu sang. Họ cứ mãi thế cho đến giờ phút chót:” Rồi ra đi/ Như một vì sao/ Chợt tắt/ Giữa bao la”. Có thể đắc đạo thế này dễ ra cao đạo. Dù sao, chỉ đến với họ, chị mới tìm được cho mình sự thanh thỏa. Mà, họ hiện diện giữa cõi đời cũng giống như vì sao ở giữa bao la. Cho nên, trong thơ chị, người ta luôn thấy một người đàn bà mải miết đi lên phía trước và thường ngoái lại phía sau. Đời đã thành một hành trình. Tôi cứ nghĩ người đàn bà này là chị em song sinh với người đàn bà trong thơ Xuân Quỳnh. Họ đã cùng lên đường, rồi mỗi người mỗi ngả, mỗi người một cách cùng nhằm về cái đích phía chân trời. Xuân Quỳnh đi tìm kiếm sự yên lành trong đời, Ý Nhi đi tìm kiếm sự yên tĩnh trong mình. Điều họ tìm cứ luôn ở phía trước vừa mời mọc vừa trêu ngươi. Mà người luôn thấy đích ở phía trước là người không bao giờ chạm đích. Hôm chiêm bao gặp Xuân Quỳnh, Ý Nhi- giờ là kẻ đồng hành đơn độc- đã chua xót nhìn suốt cả hành trình mà nói vọng sang thế giới bên kia với người đồng bệnh tương liên:” Cơn mưa ta ngóng đợi/ Còn ở tận cuối trời/ Đường dài ngày nắng xối/ Bước chân trần Quỳnh ơi//Nào thấy đâu bến bờ/ Sau gió Lào, cát trắng/ Thấy đâu mảnh vườn êm/ Thấy đâu miền biển lặng//Ánh mắt nhìn đăm đắm/ Lệ trôi qua môi cười/ Suốt một đời vội vã/ Suốt đời không tới nơi//Kìa mây mùa thu trôi/ Cúc đã vàng thắm lại/ Thơ buồn trên mặt giấy/ Bóng người về đơn côi. Lúc nào cũng nghĩ: Sau tất cả những khắc nghiệt, gian truân, thế nào rồi cũng đến thôi. Nhưng đã “sau’ nhiều lắm rồi, đến cát, đến dòng sông, đến biển, đến mùa thu, đến mảnh vườn, đến cơn mưa…rồi . mà vẫn chưa tới, vẫn cứ còn phía trước, vẫn khắc khoải chờ đợi điều chi, mong mỏi điều chi. Tính chất giời đày chính là ở chỗ: lòng không chịu nguôi yên. Đi tìm sự yên tĩnh, ngỡ nó là một bến bờ, một xứ sở, một cõi nào đó ngoài mình, hóa ra nó ở trong mình. Lòng mình có tĩnh thì mới nhập vào đời tĩnh. Hóa giải được nỗi bồn chồn mới đến được cõi bằng an. Chìa khóa của hạnh phúc là đó. Nhưng chìa khóa đó đã lỡ làm rơi hoặc bị đời khắc nghiệt đoạt mất rồi. Mà còn chưa an bằng, thì còn mải miết đi. Bấy giờ mới thấy ra rằng đi ấy là số phận mình. Đi là cái hành trình của phận người. Đi như một nhu cầu, một chứng bệnh, một lưu đày. Không ngừng nghỉ, không nguôi ngoai. Đó là hành trình của phận người hay huyền thoại Xidiph vẫn nằm sâu trong định mệnh những thi sĩ chăng? Và chị đã chấp nhận nó như chấp nhận khuôn mặt vốn có của  mình.

                                           ***
          Lưu Trọng Lư có lý khi cho rằng nếu không có một lý tưởng nhân văn ,thi sĩ chỉ là anh thợ vần. Quả thật, tư tưởng nhân văn mới là yếu tố quyết định nên khuôn mặt tinh thần của người nghệ sĩ. Mỗi thi sĩ chân chính đăng đàn là một tinh thần nhân văn nào đó cất tiếng. Nó dị ứng với mọi thứ phi nhân văn và đấu tranh cho khát vọng nhân văn của mình. Nhưng một tư tưởng nhân văn không hóa thân được vào vần, nghĩa là không hình thức hóa được, thì cũng không thể có thi sĩ thực sự. Từ những bài thơ đầu tay đến Vườn, Lời nguyện cho nỗi yên hàn của Ý Nhi càng lúc càng đượm một chất giọng riêng.
          Như một nhà thơ biết tiết chế, hành trình thơ Ý Nhi cứ đi dần từ những lối mòn màu đỏ/ mưa êm trên mặt đường, với nỗi hân hoan đến những miền ta chưa tới với bao niềm se thắt. Trên hành trình ấy, giọt mưa dạo tháng Mười long lanh ngọc trai đã biến thành bông tuyết nhẹ nhàng tinh trong buốt giá. Giọt nước mắt cuồng nộ của thiếu nữ cầm trong tay quả bóng màu đã thành giọt lệ ráo khô của Người đàn bà ngồi đan. Thơ Ý Nhi là sự lên tiếng của giọt nước mắt ấy: Tôi tìm đến những đền đài tưởng niệm/ Nào hay đâu chỉ là cát đấy thôi/ Hạt cát nào trong đáy mắt bỏng sôi/ Đang lặng lẽ lăn đi trên gò má. Thơ cứ như một tiếng thở dài được nén trong lồng ngực. Ý khổ mà lời cam. Chính giọt lệ im lìm kia là bè trầm của mỗi lời thơ rắn đanh chất nghĩ.
          Gia tăng chất nghĩ cho thơ là một hướng lớn của thơ ta kể từ sau cách mạng. Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Chính Hữu, Việt Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hoàng Hưng…là những tiếng thơ đã đem được nhiều chất nghĩ vào phong cách của mình. Ở một đất nước mà duy cảm là căn cốt trong cấu trúc tinh thần của dân tộc, việc đem chất nghĩ vào thơ, dù thế nào cũng ít nhiều là sự gây hấn về thị hiếu. Nhưng không thế, làm sao có thể làm giàu cho tiếng nói thi ca. Có thể gặp những dị ứng ban đầu nhưng về sau sẽ được sàng lọc và tiếp nhận.
          Không thuộc vào số người tiên phong nhưng trong hàng những nữ thi sĩ, Ý Nhi là cây bút mạnh dạn dấn thân vào hướng đi chông gai đó. Và chị có không ít ưu thế. Được đào tạo bài bản từ giảng đường đại học, từng làm nghiên cứu viên của Viện văn học, làm biên tập thơ ở nhà xuất bản Hội nhà văn, lại giao lưu với nhiều cây bút giàu tâm huyết cách tân, Ý Nhi đã tích cóp được một vốn liếng văn hóa thơ khá dày, nên chị luôn vững tâm trên con đường mình đã chọn. Từ bỏ sự giãi bày nặng chất duy cảm buổi đầu, chị bước nhanh tới những lời thơ tiết chế nặng chất suy tư. Thế là, chất nhạc tràn ra khiến cho thơ muốn cất thành lời hát giờ đã dần dần chìm vào để biến thơ thành lời nguyện. Dòng tâm tình nghiêng về cảm xúc trực quan, giàu tính mô tả vốn là chủ lưu trong Nỗi nhớ con đường, Đến với dòng sông cứ chuyển dần thành dòng tâm tư, mà trong đó lối phân tích của một lý trí sắc sảo dần chiếm ưu thế. Hình tượng sinh động tươi rói chất sống thưở Mưa dạo tháng Mười càng về sau càng được gia tăng những hàm ý tượng trưng để trở thành biểu tượng. Cát, Bùn, Nắng, Gió, Biển, Cơn mưa, Mùa thu, Dòng sông, Mảnh vườn…thậm chí, những địa danh quen thuộc như Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Bình, Huế, sông Trà…tất tật đều trở thành những biểu tượng trữ tình của riêng cái Tôi kia. Khuynh hướng tượng trưng này đã khiến cho thơ chị có độ nén hơn, nhiều dư vang hơn. Với sự xâm thực ngày một lấn lướt của ngôn ngữ phân tích, diện mạo thơ Ý Nhi đã biến đổi khá nhiều. Trước, ta thường thấy những tâm trạng hóa thân vào đối tượng khách thể- Đi suốt triền núi xa/Hái đôi nhành Mảnh bát/ Mưa đọng đầy nhị hoa/ Cho ong ngờ là mật. Sau này, khách thể bị tan ra thành từng phần tử của tâm trạng. Đây là biển đã tan mình vào từng phần của lời độc thoại nội tâm: Có thể nào nói đến nỗi đắng cay/ Được dấu kín sau màu xanh trầm mặc/ Và tất cả nỗi niềm hạnh phúc/ Nơi những triền sóng mặn dẫn về xa/ Có điều gì đã vỡ nát trong ta/ Đang kết lại dưới mặt trời như muối trắng/ Bài ca đã lãng quên bỗng thốt lời thương mến/ Như thể là gió biển hát qua môi...Nhưng nhờ thao tác tượng trưng hóa mà người ta vẫn hình dung được diện mạo toàn thể của đối tượng (biển) trong đường nét có tính đứt đoạn, mờ nhòe. Qua Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt, đến tập Vườn, sẽ chỉ còn thấy cái bóng của hình tượng soi vào dòng tâm trạng hơn là bản thân những hình tượng toàn vẹn. Ấy là khi sự cân bằng- mà chị vốn rất coi trọng- đã bị ít nhiều chao đảo. Nét trực quan cảm tính và lời phân tích lý tính có lẽ đã đạt tới sự hài hòa của nó trong tập Người đàn bà ngồi đan: Giữa chiều lạnh/ một người đàn bà ngồi đan/ bên cửa sổ/ vẻ vừa nhẫn nại/ vừa vội vã/ nhẫn nại/như thể đó là việc phải làm suốt đời/ vội vã/ như thể đó là lần sau chót…Trong mũi đan kia/ ẩn giấu niềm hân hoan/ hay nỗi âu lo/ trong đôi mắt kia/ là chán chường hay hy vọng…Giữa chiều lạnh/một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/ dưới chân chị/ cuộn len/ như quả cầu xanh/ đang lăn/ những vòng chậm rãi. Nếu coi tổ chức lời thơ của thi sĩ cũng từa tựa việc đan len, thì Ý Nhi đã gắng đan xen cả hai làn ngôn ngữ ấy trong mỗi thi phẩm của mình.
          Cả lời thơ kia, cả thế giới hình tượng kia đã hòa điệu với nhau trong một chất giọng riêng đặc thù của Ý Nhi: điềm tĩnh mà chua xót. Ý khổ mà lời cam là thế. Nhẹ nhàng, tinh trong mà buốt giá cũng là thế. Người ta chính thức nhận ra giọng này kể từ Người đàn bà ngồi đan. Dù chị viết về mẹ với nỗi ân hận chân thành, viết về biển với khao khát khôn nguôi, viết về cát với dày vò day trở, viết về những nhân cách mà chị ngưỡng mộ, xa xót, tri âm hay viết về tình yêu với những nguyện cầu day dứt…Ở đâu cũng là cái tiếng lòng đã nên nhẫn nại/ sau nghìn muôn đổi thay/ như chùm rau me đất/ giữa độ đường không cây. Bình thản đến đắng lòng. Nó chính là chất giọng cố hữu của giọt lệ đã ráo khô.
          Trong một lần nào đó, viết về Ý Nhi, tôi đã hình dung thơ chị là một thứ trái cây lúc chín nhất lại mang vị chua xót. Nó là thứ trái đơm từ một loài cây lạ. Ấy là…cây trước thềm xao xác giữa ngày yên. Lạ, hẳn vì cây vốn nảy mầm từ một hạt lệ mưa: “Em thấy cơn mưa rắc hạt xuống khoảng sân/ Nếu hạt nảy mầm/ sẽ có lá trong suốt/ nếu mầm thành cây/ sẽ có nhánh cành trong suốt/ nếu cây đơm hoa/ sẽ có cánh mềm trong suốt/ nếu hoa tụ quả/ ta sẽ có/ những hạt trong ngần nước mắt”.
          Đến nay nó vẫn là thứ cây trái ấy.
          Bởi nguồn nước còn xa, cơn khát còn khắc khoải.
          Cứ xa. Phải. Cứ xa, để thơ mãi là lời nguyện cho nỗi yên hàn.

                                                       Văn chỉ, mùa hè Tân Tỵ (2001)


*Những chữ in nghiêng là thơ Ý Nhi.

1 comment: