Nguyễn
Anh Khiêm
Bà con ở Hội An báo tin đang dời phần mộ ông bà ngoại tôi từ nghĩa địa
Tin Lành về làng Non Tiên vì chính quyền ra lệnh “giải tỏa” để phân lô bán đất,
kiểu “nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý” thường thấy như cơm bữa trên đất nước
dân chủ tự do mấy chục năm nạy.
Tôi được biết mộ sẽ được cải táng
ở Hóc Làm, địa danh nghe từ nhỏ, mọi người nói Hóc Lòm nhưng tôi ngờ từ này vô
nghĩa do phát âm sai, chắc phải là Hóc Làm, nghe đỡ hơn, mặc dù vẫn kỳ kỳ. Làng
tôi là một cô thôn ven rừng, giữa làng và chân núi uốn khúc một cánh
đồng, chỗ hẹp chỗ rộng; men theo chân núi, chạy bao bọc một dải đất hoang mọc
đầy sim, dủ dẻ, rau sưng và đủ thứ cây dại phần lớn có tên gọi, kể ra thì dài
dòng. Những cánh rừng thấp đó cứ nhô ra thụt vào tạo thành năm bảy cái hóc, có
tên gọi hẳn hoi: Hóc Làm, Hóc Cát, Hóc Ngay, Hóc Xiểm, Hóc Chiêu…Chẳng ai giải
thích nổi vì sao chúng có tên như vậy. Suốt tuổi thơ, tôi theo ông đi săn bắn
thú hoang, công, gà rừng…trên mấy cánh rừng thưa lúp xúp đó, không có ông thì
đi thơ thẩn một mình hoặc với bọn trẻ nít trong làng, gài bẫy chụp, bắn dàn
thun, hái sim, tắm khe…đủ trò hào hứng những ngày hoang dại. Ông tôi vẫn kể
trước năm 45 không lâu, buổi chiều còn nắng trên núi, bầy cọp năm bảy con kéo
nhau ra đùa nghịch, chờ tối khuya lén ra làng bắt heo bò.
Tất cả chuyện này đã lờ mờ lùi xa,
sâu đậm nhất còn lại trong tôi là những tiếng chim kêu trong buổi chiều buồn bã
trên những khoảnh rừng hoang nọ. Tôi đã đọc đâu đó, mấy nhà văn, thơ hậu hiện
đại dè bĩu thứ văn chương nhà quê chỉ nặng chất ruộng đồng. Tôi không đủ trình
độ thưởng thức văn chương, thi ca… hậu hiện đại văn minh chỗ đô hội, chỉ nhớ
năm xưa vài câu thơ thành phố, đã quên tên tác giả:
“…Thùng rác, cột đèn,
chó đói và anh
Người bơ vơ làm một
chuyến viễn hành
Trong cuộc sống toàn
chuyện buồn ga nhỏ
Ông này còn thói gieo vần, tả
thành phố (hơi thảm), có khi là nhà thơ tiền hậu hiện đại chăng? Tôi thì muôn
đời nhận mình chỉ là người chốn quê, một tên quê mùa chính gốc và đọc thơ một
phần cũng chỉ để nhớ tưởng quê xứ, thực tế chỉ còn trong chiêm bao.
Dưới lũng, trên triền nắng xếp
nhỏ.
Nước ròng sâu, sông lảng lảng
xa.
Đây là hai câu làm đoạn mở đầu
bài thơ “Chim Kêu Bãi Quạnh” của Tô Thùy Yên. Ông viết bài này từ đất trích xứ
Hoa Kỳ mà có lần, trong thư riêng, lúc còn ở Minnesota, ông bảo “nhiều hồi
tưởng chiêm bao phiêu bồng kiếp lạ”. Thiên nhiên xứ Mỹ, cũng nắng chiều, cũng
nước ròng sông cạn, núi xa và tiếng chim kêu chiều trong đoạn chính kế tiếp;
chiều chiều chim vịt kêu chiều… như cố xứ?
Rất nhiều tiếng chim kêu trong
thơ Tô quân. Gào thét trong cô đơn: con chim động giấc gào cô đơn;
Và buồn thảm: nửa khuya có tiếng chim ai oán; Và nòi tình: con chim
lạc bạn kêu trời rộng…Tôi còn nhớ nằm lòng khổ thơ về con chim khách:
Đêm ta để cửa chong đèn đợi
Người khách xa nào sẽ đến đây
Ta đợi vì nghe ngoài ngõ trúc
Có con chim khách kêu chiều nay
(Mùa Hạn)
Ai ở quê cũng đều có kinh nghiệm về con chim khách. Kỳ diệu lắm. Nó hiếm
khi báo có khách lầm lẫn, thậm chí ‘ qui định’ chỉ kêu xa xa ngoài vườn là
khách lạ, đậu trước sân kêu như gọi dồn dập là khách thân, xa lâu mới trở về.
Ôi, hai chữ ‘chiều nay’ buông lơi khiến câu thơ hay cách xuất thần, Tại
sao?
Ở đây, tiếng chim lạ gieo niềm khắc khoải vào tâm hồn thi sĩ trong
chiều muộn. Chiều trong thơ Tô Thùy Yên và đêm trong thơ Thanh Tâm Tuyền
dường như lắng đọng hết nỗi buồn của cõi nhân sinh. Nắng xếp nhỏ là cách
nói mới lần đầu trong thơ Việt, sông lảng lảng xa cũng vậy, người ta bảo
đừng nói lảng qua chuyện khác, có ai nói sông lảng lảng xa. Lạ. Và tất cả cái
hay cô đọng ở câu cuối. Ai là một phiếm chỉ đại từ nhưng ở đây còn ai
khác ngoài tác giả? Ta bỗng nghĩ tới một hành nhân thất thểu, một kiếp lưu lạc,
nổi trôi, vô định trong phong ba của lịch sử. Dường như đọc thơ, ta đọc với tất
cả kinh nghiệm, với hình ảnh, sự việc đã trải qua. Tuổi thơ tôi đã từng thơ
thẩn trên khoảnh rừng quê cũ nghe tiếng chim gọi chiều buồn bã, nghe con gà
nước xổ hồi trống thong thả cuối ngày trên đồng vắng gió hiu hiu. Cũng không
khỏi không liên tưởng tới chuyện sau biến cố ‘sông dâng núi đổ’, mẹ tôi trở về
quê làm ruộng nhưng đất đai bị trưng thu, cụ một mình đi mót củi ven rừng, cũng
là một kiếp trầm luân về qua chốn cũ. Không hiểu vì sao ngữ động từ “về qua”
cuối câu thơ giản dị mà đủ chuyên chở hết nỗi buồn một cõi người lưu lạc. Chữ
đơn sơ mà gợi cảm không cùng.
Buổi chiều ở đây khiến nhớ tới mấy câu do Bùi Giáng trích, nói của Đỗ Hữu,
từ dạo đó đến nay không thấy ai nhắc tới thơ ông:
Con đường đất đỏ mờ sau bản
Thung lũng vàng lơ, nắng trở chiều
Núi biếc chập chùng vây ải lạnh
Dặm về lá đổ, phấn tàn xiêu
Không hiểu vì đâu ‘con cò lặng ngẩng lắng hơi thu’của Tô Thùy
Yên khiến tôi nhớ tới một con cò khác của Đinh Gia Trinh, vô tư, thanh bình,
thanh thoát : Đồng phẳng lặng, lạch nước trong veo quanh co uốn khúc
sau một nấm gò. Màu thanh thiên dịu bát ngát, buổi chiều lâng lâng, chim khách
nhảy nhót ở đầu bờ… Một con cò trắng dẻo dang bay êm như nhung trong không khí
tế nhị như nước suối trong. Nó là hiện thân của sự nhẹ nhàng, của phiếu diểu và
tự do. Đầu duỗi thẳng ngang bằng với mình, hai chân duỗi xuôi về nẽo sau, nó bay
chậm, bay nhanh, nó vỗ cánh mềm dẻo rồi vào đường chân trời. (Cảm giác quê).Quả
thật nhà nghệ sĩ tả con cò nhưng không chỉ để nói chuyện cò.
Con cò trong thơ Tô quân là một ảnh tượng của trầm tư, cô lẻ:
Con đừơng đáo nhậm xa như nhớ,
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
(Qua sông).
Ngày nhận nhiệm sở đầu tiên ở Rạch Giá, ngồi xe đò mỏi lưng chạy miết miết
trên quốc lộ, giữa ruộng đồng mênh mông mút chân trời man mác, một chiều mưa
nhẹ mờ mờ châu thổ, tôi quả thật đã thấy quãng đường đáo nhậm‘ xa như nhớ’
và chẳng thể quên hình ảnh cánh cò lẻ loi lạc xiêu trong gió.
Con cò lặng ngẩng lắng hơi thu, lắng nghe hơi thu trong gió hay hơi thu
lắng đọng trong tâm hồn ? Phải chăng sức miêu tả của câu thơ
dồn lại trong chữ lắng vô cùng tinh tế và đầy tâm
trạng.
Con cò lặng ngẩng lắng hơi thu.
Xác cây gục hỗn mang cành rễ
Hai câu này ngữ pháp cân đối hệt nhau, cấu trúc không giống bất cứ câu thơ
nào trong cả bài : Danh từ đầu câu và cuối câu là chủ ngữ và bổ ngữ, giữa
là tính từ và động từ vị ngữ. (Chuyện phân biệt tính từ và động từ trong tiếng
Việt khá phức tạp, tôi thích cách gọi chung chúng là trạng từ của học giả
Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê, tránh được những tranh cãi bất phân thắng
bại). Tôi không có ý dẫn vào chuyện ngữ pháp lôi thôi, chỉ nghĩ rằng cách biến
hóa kiểu câu cùng với thanh điệu khéo chọn góp phần tạo nhịp tiết riêng đưa tới
nhạc điệu đa dạng khiến phong cách thơ ông lúc nào cũng hiển hiện nét riêng độc
đáo.
Những khổ thơ còn lại trong bài cưu mang tư tưởng Phật, Lão, một chút
Cơ Đốc giáo nhưng đậm nét nhất là chuyện biển dâu trên quê hương, đã lâu nhưng
tác giả vẫn mãi còn ‘rêm nhức’.
Thi sĩ xuất sắc tới đâu cũng chẳng bước ra khỏi được những dòng tư tưởng
lớn của nhân loại. Người xưa đã nói cả rồi nhưng nay ta cũng còn phải nói, khác
chăng chỉ là cách diễn đạt mà thôi. Quả thật không tránh được nhớ tới Nguyễn
Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ: ai bày trò bãi biển nương dâu.
Cảnh nổi trôi giờ đã lặng chưa,…
và rõ ra:
Nhớ xưa thiên địa rộn dâu biển,(Lão Trượng); cuộc đời như mây
nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
Đêm nay mây đậu nghỉ phương nào…
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi.
Mây ở đây cũng chỉ ẩn dụ, vì có lần ông nói rõ:
Đêm nay ngươi ngủ đậu nhà ai,
Liệu có giấc mơ nào khác trước ?
Việc đời, cũ ê chề. (Đại Bình Nguyên)
Như gió thổi thì cũng khác chi gió thấp thoáng xa xôi hiện ẩn
cùng cả trăm thứ gió trong thơ ông.
Mai nữa, lại đi cùng gió quẩn,
Mịt mờ theo đuổi tiếp mông mênh.
(Đêm
Quan Ngoại)
Như chiêm bao thì Tô quân nói thẳng ra : chiêm bao, âu cũng chiêm
bao cả. Cái khác là khác ở thi tính : ảnh tượng phong phú, lời
đẹp đẽ và tình cảm cưu mang rất thời đại.
Như đã nói, chủ đề chính của bài thơ nhằm diễn tả cảnh nổi trôi, vô định
của kiếp người trong lịch sử hỗn mang. Ai đó đã nói lịch sử đi qua để lại vết
thương trên mình thi sĩ. Tô Thùy Yên là chứng nhân, là người viết sử như đã có
lần hẹn ước từ thời trai trẻ : Tôi là Tô Thùy Yên, là thi sĩ,
là người chép sử tương lai. Ông giữ lời. Hai tập thơ đã xuất bản đầy
tràn chất sử thi, ông đã viết một thứ sử tận cùng điển hình và chân thật qua
những dòng thi ca trác tuyệt, đẹp như châu ngọc để lại cho đời.
Như tên phù thủy già điên loạn,
Lịch sử lên cơn dữ bất thường.
Treo ngược con đen trên lửa đỏ ;
Quật mồ thánh đế phi tang xương.
Thảm kịch cuộc nội chiến cùng những năm hậu chiến ‘điên loạn’ bàng bạc khắp
những trang thơ và đây có lẽ là khổ thơ đúc kết điển hình nhất.
Chim Kêu Bãi Quạnh là bài duy nhất có lối phân đoạn khác hẳn tất cả các bài
thơ khác của Tô Thùy Yên. Đoạn mở chỉ hai câu với tầm nhìn bao quát, thân của
bài gồm bốn khổ, mỗi khổ tám câu đều bắt đầu bằng tiếng chim kêu khắc khoải
gieo vào tâm hồn thi sĩ những liên tưởng, trạng huống khác nhau mà người đọc
bình thường ai cũng thấy. Kết bài cũng chỉ hai câu về thiên nhiên giữ cho bố
cục bài cân đối, hai câu kết tận cùng gợi tả với dụng ngữ rặt chất Tô Thùy Yên:
Chiều bóc, bóc dần những rớt nắng
Loi ngoi nắm níu lũng triền xa.
Câu thơ khiến nhớ Nguyễn Du và Huy Cận : loi thoi bờ liễu…nắng chia
nửa bãi…nhưng rõ ràng gợi tả hơn và mới hơn. Lần đầu ta thấy những rớt
nắng. Tô Thùy Yên khai thác tận cùng các từ láy âm đầy ắp hình tượng. Không
quên được một câu thơ khác của ông: Ta xé rứt cái hôn còn nắm nuối. (Hạ
Tàn). Lạ một nỗi, các từ láy đó chỉ là bình thường dân dã nhưng
chúng len vào thơ ông bỗng trở thành sang cả, gây ấn tượng đậm sâu. Loi
ngoi, nắm níu, nắm nuối cho tới nay hình như chỉ có trong thơ ông.
Bài thơ này viết năm 1998, lúc đã trọng tuổi, lòng ông đã lắng lại,
không còn oán giận nhiều như ngày trước lúc nước mất nhà tan, tù đày đằng đẵng
rồi biệt xứ:
Không muốn vậy nhưng việc đời phải vậy.
Vòng ngừng quay. Kẻng khựng một mùa chơi.
Ta xé rứt cái hôn còn nắm nuối,
Rồi rời tay như thể gửi mình theo,
Hồn ráo hoảnh muôn nghìn con mắt tượng.(Hạ Tàn).
Tất cả thảm kịch chẳng qua cũng chỉ chấm hết một mùa chơi ! Nói vậy
cho nó nhẹ đi, thật sự không hẳn không còn đau đớn trên những nẽo đường
lưu lạc, cảnh trôi giạt vẫn đeo đẳng nơi hồn thơ, trên thân phận bọt bèo. Biến
cố cũ long trời lở đất dù nay có xem như chuyện ‘ trở trời xưa’ và nơi cố
cựu, gốc gác bản thân ta cũng chỉ là những ‘chỉ dấu phù hư’ nhưng vì xương cốt
vẫn là xương cốt cũ, cốt cách ta, văn hóa ta mang…chẳng thể dứt được nỗi canh
cánh bên lòng nên cứ mãi trở trời rêm nhức.
Tứ thơ đoạn này hình thành, ngoài mấy luồng tư tưởng Phật Lão như một niềm
an ủi, chuyện đời không có cái có, cũng chẳng có cái không, không còn, cũng
không mất, ta còn thấy vây bủa khắp nơi nỗi hư vô của cõi sống:
Chim vút lên như hòn đá ném,
Rồi thôi, cái có chỉ là qua.
Trên bước đường dun rủi, ta còn lại gì chăng, cũng chỉ mường tượng được ‘dòng
sông trôi tro ta’ và ta là ai, còn vết tích gì trên trái đất?
Một mai, ngoài cõi gió hao đuối
Ai hỏi ai về ai trước kia?
Cõi gió hao đuối là cõi nào? Ba đại từ ai phiếm chỉ nên chẳng chỉ ai, hoàn
toàn vu vơ, có cũng như không. Ở đây là hư không tuyệt đối, hỏi để mà hỏi,
chẳng ai biết ai hỏi ai về ai, tất cả không còn danh, không còn tính, sự
nghiệp, thi ca… cũng như ‘tro tiền thả gió đưa’. Và thi sĩ, ‘một thuở
trần gian bay lướt qua’ (Ta Về), lướt qua thì chỉ thoáng chốc trong
thời gian rồi mất biệt. Vì vậy có lần ông đòi ‘ta đào hư địa mà chôn danh’.
(Nỗi Đợi).
Tiểu đoạn năm của bài thơ bước ra khỏi không khí buồn khổ, dấy lên lòng tha
thứ, lóe lên một chút vui vầy, mặc dù chỉ là mộng ước. Cơn mưa cuối như rửa
trôi tất cả thổn thức, đau thương tưởng chẳng bao giờ nguôi trong hồn người lưu
xứ. Những câu thơ thật đẹp, đầy hẹn ước về một quê hương mãi còn trong tâm
tưởng:
Khắc khỏi chim kêu mùa xóa giải.
Hành nhân về bên giếng quê nhà.
Ngõ trúc chiều ngát cơm gạo mới.
Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa.
Những câu thơ thiết tha, tràn cảm xúc ; hình ảnh tiêu biểu của làng
quê nông nghiệp trong ký ức của dân tộc, trong hoài niệm của thi nhân: giếng
quê nhà, ngõ trúc chiều, cơm gạo mới, ngọn đèn thắp đợi, rền hoa. Thế hệ thanh
niên nay có thể chằng hiểu rền hoa là gì, biết nói sao, nỗi đời dâu biển. Ngôn
ngữ đẹp đẽ của tổ tiên ta còn không giữ được, làm sao hiểu chuyện đợi người mà
đèn thắp đã rền hoa!
Chỉ một câu đầu đoạn nói chuyện xí xóa, bỏ qua. Tôi muốn nhắc lại bài Mùa
Hạn, bài thất ngôn trường thiên vĩ đại dài 47 khổ - 188 câu vẽ lại một thời
điên dại, bên thắng cuộc choáng váng vì cái men vinh quang hư ảo, hành xử nông
nổi khiến bao oan nghiệt ập xuống trên đầu dân chúng một nửa nước, tàn khốc
ngút trời với những kẻ vốn chỉ là tù binh chiến tranh. Trong 188 câu đó, tác
giả dành tới 132 câu tức 33 khổ thơ nói tới quê hương đất nước, tình yêu hoa
mộng và ngập đầy sự xóa giải cùng với tâm tình giũ bỏ, quên lãng những nỗi oan
khiên. Khổ thơ nào cũng là nỗi đợi, hy vọng, chờ mong.
Cát bụi, sao quên mình cát bụi,
Đành hanh nhau tàn khốc máu xương.
Mấy mươi năm chiến tranh, tù rạc,
Cười rộ vô thường một tiếng suông.
Đi nào chú bé của ta ơi,
Đem tấm lòng trang trải với đời,
Yêu cả con sâu cùng cái kiến,
Thả hồn vào cỏ lá bung phơi.
Sẽ lo chẳng những cho người sống,
Lo cả cho người khuất mặt kia,
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ,
Chung lời thương tiếc khóc trên bia.
Tôi ham trích dẫn từ một bài thơ khác để mong chấm dứt bài này, thiệt tình,
coi không được, đành viết thêm đôi dòng về hai câu kết trong bài. Cũng xin nói
thêm, bài này, trường quy không ra trường quy, biên khảo chẳng ra biên khảo,
vậy xin độc giả đọc với lòng quãng đại, chỉ xem như những ý nghĩ rời của một
người đọc thơ, sở học vốn còn nông cạn.
Tôi nghĩ lan man, không chừng hai câu tả cảnh buồn cuối bài phủ nhận những
mê tưởng của tác giả chăng ? Hào quang của ngày đã hết, thi sĩ cố níu kéo
chút nắng tàn loi ngoi bên triền lũng. Bởi vì đêm sẽ xuống. Đêm không cùng trên
quê hương đã hoàn toàn vô vọng.
CHIM KÊU BÃI QUẠNH*
Dưới lũng, trên triền, nắng xếp nhỏ.
Nước ròng sâu, sông lảng lảng xa.
Khắc khoải chim kêu ngày tận tuyệt.
Ai trầm luân đó có về qua ?
Mông quạnh bãi phơi vũng vướng mắc,
Con cò lặng ngẩng lắng hơi thu.
Xác cây gục hỗn mang cành rễ.
Rừng đứng quanh đây, rừng tận đâu ?
Gió thấp thoáng, xa xôi hiên ẩn.
Đêm nay, mây đậu nghỉ phương nào ?
Khắc khoải chim kêu hồn khuất giạt.
Cảnh nổi trôi giờ đã lặng chưa ?
Ngấn nước đục khoen lem cỏ sậy,
Lưu mà chi chỉ dấu phù hư ?
Xương cốt vẫn là xương cốt cũ,
Đành rêm nhức mãi trở trời xưa.
Linh chăng những vàng tiền mẹ đốt ?
Cửa để, con đi chơi về khuya.
Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn
.Còn ai ngồi rạng cội cây già ?
Chim vút lên như hòn đá ném,
Rồi thôi, cái có chỉ là qua.
Chiều nay, trên bãi sông dun rủi,
Mường tượng dòng sông trôi tro ta.
Một mai, ngoài cõi gió hao đuối,
Ai hỏi ai về ai trước kia ?
Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải.
Hành nhân về bên giếng quê nhà.
Ngõ trúc chiều ngát cơm gạo mới.
Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa.
Cởi đôi giày vẹt, tấm áo tả,
Xót xa như lột một lần da.
Chiêm bao, âu cũng chiêm bao cả.
Mưa lớn, chừng mưa rợp hải hà.
Chiều bóc, bóc dần những rớt nắng
Loi ngoi nắm níu lũng triền xa.
---------------------------------------------------
*Tôi ghi lại toàn bài theo
bản in do An Tiêm xuất bản tại Hoa Kỳ, Xuân 2002.
Bản do Talawas công bố và
hầu hết các bản trên mạng đều khác mấy chỗ có thể hiểu sai văn bản :
-câu 20, Talawas ghi cò
thay vì còn.
-câu 22 ghi rồi tôi thay
vì rồi thôi.
No comments:
Post a Comment