Đỗ Hồng Ngọc
Nguyễn Hiến Lê
Tháp mộ Nguyễn Hiến Lê
Bài
viết “Đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê” của Trần Thị Trung Thu in từ năm 2009
trên báo Pháp luật gần đây được các cư dân mạng dẫn lại và nhận được nhiều sự
quan tâm của giới trí thức cũng như cộng đồng mạng yêu kính Nguyễn Hiến Lê.
Tôi nhận được email cùng lúc của Bùi Văn Nam
Sơn, Huỳnh Như Phương, Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Duy Chính (Mỹ)… và nhiều bạn bè
khác hỏi thăm thêm một số chi tiết, và nhất là về chuyện tôi kể trên một trang
mạng gần đây rằng có một số bạn trẻ ở miền Bắc đi xe máy 2200 km vào tận Lấp
Vò, Đồng Tháp thăm mộ Nguyễn Hiến Lê.
Năm 1984 khi cụ Lê mất thì tro cốt được cụ
bà Nguyễn Thị Liệp đưa về Long Xuyên, để trong một ngôi tháp mộ nhỏ, khiêm
cung, đặt ngay trong sân nhà ở 92 đường Tôn Đức Thắng. Sau đó, bà dời tháp mộ về
chùa Phước Ân ở ngã tư Cái Bường, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Nếu đi từ
Long Xuyên về Saigon, qua bắc Vàm Cống một quãng thì tới ngả tư Cái Bường, quẹo
phải chừng cây số sẽ đến chùa. Lâu nay cũng có nhiều đoàn ghé thăm thắp nén
nhang cho cụ Lê.
Năm 2003, trong cuốn NGUYỄN HIẾN LÊ,
Con người & Tác phẩm (NXB TRẺ) của nhiều tác giả: Trần Huiền
Ân, Trần Văn Chánh, Lê Phương Chi, Nguyễn Duy Chính, Lê Anh Dũng, Nguyễn Hướng
Dương, Nguyễn Ngọc Điệp, Lê Minh Đức, Dương Hội, Xuân Huy, Nguiễn Ngu Í, Trần
Khuyết Nghi, Đỗ Hồng Ngọc, Văn Phố, Minh Quân, Quách Tấn, Lê Ký Thương, Nguyễn
Hoàng Xanh cũng đã cung cấp nhiều hình ảnh về ngôi nhà, căn phòng, nơi làm việc…
rất giản dị của Nguyễn Hiến Lê ở Long Xuyên và cả hình ảnh địa chỉ ngôi tháp mộ
của Nguyễn Hiến Lê ở chùa Phước Ân (ảnh của Nghê Dũ Lan). Nếu tác giả Trần
Thị Trung Thu được đọc cuốn này sớm thì không phải vất vả đến thế.
Ở Úc, có một cuốn sách viết về Nguyễn Hiến
Lê do những học trò của ông biên soạn, đặc biệt kể về những ngày ông nằm bệnh
và qua đời tại Bệnh viện An Bình.
Cũng đã có những nghiên cứu về sự nghiệp của
Nguyễn Hiến Lê như luận văn thạc sĩ về “Vấn đề lao động nhà văn trong các trước
tác của Nguyễn Hiến Lê” của Nguyễn Ngọc Điệp, bảo vệ tại trường Đại học Sư phạm
TP.HCM 12 năm trước đây do TS Huỳnh Như Phương hướng dẫn và gần đây Huỳnh Như
Phương cũng đang hướng dẫn một luận văn khác “Sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, văn
học của Nguyễn Hiến Lê” cho một nhà báo ở Cần Thơ.
Và thật thú vị, ảnh hưởng Nguyễn Hiến Lê
ngày càng thấm sâu trên đất Bắc. Ngày 10.7. 2012, tôi nhận được email của một bạn
trẻ không quen biết từ Hà Nội, Trần Văn Thuấn, 28 tuổi, cho biết về chuyến “Hành
trình Xuyên Việt vượt 2200km bằng xe máy tri ân thầy Nguyễn Hiến Lê”. Trong
thư Thuấn cho biết nhóm của em hiện có Nguyễn Trung và Nguyễn Tiến đang đi
xuyên Việt bằng xe máy, vượt hành trình dài 2200km từ Hà Nội vào thẳng chùa Phước
Ân tại Lấp Vò, Đồng Tháp “để thắp hương tri ân tới thầy Nguyễn Hiến Lê”. Em viết:
“sách của thầy viết giản dị, chân thành, là thầy mà cũng như là bạn, chúng con
rất vui là đã lan tỏa được sách của thầy tới anh em thanh niên, vì trước đây
sách của thầy ngoài Bắc cũng hiếm ạ”. Em cho biết các em Trung và Tiến rất
mong gặp tôi để được “ hiểu thêm về cuộc sống của thầy Lê qua những trải
nghiệm thực tế của bác với thầy, bác thật may mắn!” Trong thư, em gởi kèm một
số hình ảnh của nhóm vừa đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình….”
Chuyến đi sẽ vất vả lắm, nhưng anh em chúng con rất vui vì luôn tâm nguyện rằng
thầy Lê sẽ che chở cho chúng con [...]
Tôi vừa cảm kích, vừa băn khoăn. Cảm
kích vì tấm lòng của các bạn trẻ từ phương Bắc như đã vừa phát hiện ra một Nguyễn
Hiến Lê tận phương Nam xa xôi, còn ngại ngần vì thấy hình ảnh các em mặc áo
phông in hình cụ Lê, mang cờ có ảnh NHL và câu chữ “Cùng học làm người với Nguyễn
Hiến Lê”… Vì thế, tôi đã trả lời: rất cảm kích, nhưng các cháu
nên nhớ cụ Lê là một người rất khiêm cung, không thích sự ồn ào, vì thế các
cháu nên học với cụ tinh thần tự học và giữ sự tĩnh lặng, không khoa trương.
Bác thấy(…) đó không phải là tính cách của Cụ Lê (…)
Rồi
tôi giới thiệu các em liên hệ với Phùng Hoàng Anh, giáo viên, cháu gọi em ruột
cụ Lê bằng Bà nội, đã từng vào Nam nhiều lần thăm nhà và tháp mộ cụ Lê ở Đồng
Tháp để biết đường đi nước bước. Phùng Hoàng Anh hiện đang sống ở Phương Khê,
xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội, nơi có nhà thờ họ và đã lập được một thư viện
với hàng ngàn cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê.
Thuấn có vẻ không vui. Em trả lời: “…thực
ra đối với thanh niên ở ngoài Bắc có thiệt thòi hơn trong Nam nhiều, là ít được
tiếp xúc với sách của cụ Lê(…), chúng con cũng phải dằn vặt mãi, mới quyết định
làm, cũng xuất phát từ sự chân thành mong muốn tri thức Nguyễn Hiến Lê đến gần
hơn, giúp đỡ cho thanh niên được nhiều hơn (…); nếu vì tri thức của cụ mà được
mang lên tận các tỉnh miền núi như Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Thái
Nguyên….giúp ích cho thanh niên ở đó, thì chúng con xin phép vẫn tiếp tục ạ.
[...]
Phùng Hoàng Anh cho tôi biết sau chuyến đi từ
Bắc vào Nam thăm mộ cụ Lê, các em Tiến và Trung đã có đến gặp, cà phê cà pháo với
nhau một buổi, kể về chuyến đi rất thành công của các em. Tôi cũng vui vì đã
“ráp” được các bạn trẻ đó với nhau. Sau này, Tiến gởi tôi email nói em rất hiểu
tôi, và sẽ nhớ lời tôi dặn về tính cách Nguyễn Hiến Lê.
Hiện cụ Lê còn có cô cháu gọi bằng bác ruột
là Nguyễn Thị Hạnh đang sống ở Cần Thơ. Ngôi nhà 92 Tôn Đức Thắng, Long Xuyên
phía trong vẫn là trường Mẫu giáo, bên ngoài rào cho thuê làm một quán cà phê.
Trọn đời Nguyễn Hiến Lê đã chọn con đường
“văn hóa”, và nay những “hạt mầm” đã vươn lên.
(ĐHN)
No comments:
Post a Comment