Sunday, August 4, 2019

NHỮNG LỜI GHI TRONG BUỔI SÁNG


nguyễnxuânthiệp



Sáng nay nhận được email của Nguyễn Trường Trung Huy (Huyvespa) với hình chụp bìa tập nhạc của Phạm Duy ‘Tôi Còn Yêu Tôi Cứ Yêu’ rồi đọc lại Phố Văn báo in số 55 tháng 9. 2005, lòng mình chọt rộn lên một niềm vui và chút tin yêu sống lại.

Trước hết, Phạm Duy mở đầu khúc ca

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người, tôi còn yêu tôi…

Và kết thúc

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tới ngày mai rồi, xa lìa cõi đời
Tôi còn yêu ai
Ơi người ơi! Hãy lắng tai
Nghe hồn tôi trong nắng mai
Trong làn gió mới, trong đêm tối
Trong giọt mưa dài, suốt năm tháng ngày
Yêu người, yêu hoài.
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ ... yêu!

Ở mục Viết Ở Phố Văn do Châu Liêm phụ trách mình đọc thấy mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền:

Tôi chờ đợi
một người
không. nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đọa đày
tôi là tiếng nói, tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người nín hơi thừa chịu đựng
tôi đợi chờ
tôi là tiếng thơ, tiếng cười
mai Việt Nam, hỡi mai Việt Nam…

Tiếp đó là thơ Pablo Neruda, NXT chuyển dịch.

“ở nơi này. tôi nghĩ đến em
này yêu dấu em. giữa những hàng thông đen
                    thẫm. gió cũng vùng vẫy thoát bay lên
mặt trăng tỏa ánh ngần trên dòng nước phiêu bạt
những ngày. như mọi ngày. nối tiếp nhau đi…”

Tình yêu và hy vọng cất cánh bay trong những đoạn trên.

Và… Cũng trong số báo này ta còn gặp hình chụp bức tượng Nụ Hôn ở Quảng Trường Times Square. Đã ngoài 70 năm rồi đó bạn. Được coi là một trong những nụ hôn lãng mạn nhất của lịch sử nhân loại, “Nụ hôn trên Quảng trường Thời đại” diễn ra vào ngày 14-8-1945 giữa cô y tá Greta Friedman và chàng thủy thủ Glenn McDuffie, đúng vào lúc đám đông đang tưng bừng mừng vui trước chiến thắng của Đồng minh trước phát-xít Nhật tại Times Square (New York). Bức ảnh chụp "Nụ hôn ở Quảng Trường Thời Đại" này là của nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Đức Alfred Eisenstaedt. Tác phẩm sau đó được phát hành trên tạp chí Life để chào mừng và kỷ niệm chiến thắng của toàn nước Mỹ.

Greta Friedman, người phụ nữ được xác định là nữ y tá trong bức ảnh có tên "Ngày VJ ở Quảng trường Thời đại" nổi tiếng, qua đời ở tuổi 92. Greta Friedman không biết đến bức ảnh cho đến thập niên 1960. Mặc dù gương mặt của bà bị cánh tay trái của thủy thủ che khuất, Friedman vẫn nhận ra mái tóc và trang phục của cô ngay lập tức. Nhiếp ảnh gia Eisenstaedt không ghi chú tên, vì vậy, nhiều người khác đã tự nhận mình là người trong ảnh, đáng chú ý là một giáo viên mầm non tên là Edith Shain, qua đời năm 2010.
Nói về sự nổi tiếng của mình, Greta Friedman cho biết: "Danh tiếng thuộc về nhiếp ảnh gia. Ông ấy đã cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật. Tôi chỉ tình cờ có mặt ở đó".

Bức ảnh quá sức nổi tiếng và quyến rũ đã được dựng thành tượng. Hiện đang được trưng bày ngay tai Quảng trường Thời Đại, nơi bức ảnh ra đời, tác phẩm điêu khắc bằng nhôm này có kích thước to hơn đời thực đôi chút. Đây là công trình của nghệ sĩ J. Seward Johnson.

Chỉ trong một buổi sáng được đọc những lời thơ đầy vẻ đẹp và ý nghĩa nhân sinh, ngoài ra còn được thấy lại bức ảnh và pho tượng nụ hôn tình tứ lãng mạn nói lên khát vọng sống của con người. Xin cảm ơn. Cảm ơn.
NXT



No comments:

Post a Comment