Thursday, August 15, 2019

LÊ UYÊN PHƯƠNG & THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT


nguyễnxuânthiệp

Tác phẩm ‘Không Có Mây…’

Với người viết, Lê Uyên Phương là một thân tình đặc biệt. Anh và Đà Lạt nữa, đã ở trong ký ức của mình. Lê Uyên Phương hầu như là người đầu tiên phổ nhạc thơ NXT. Bài Tôi Muốn Yêu Tôi Muốn Tin Cuộc Đời và chín bài trong tập Sử Ca. Ban nhạc Mây Cao Nguyên của anh với Lê Uyên (lúc bấy giờ lấy tên Cẩm Thúy) đã hát trong chương trình Tiếng Nói QĐIIQKII do mình phụ trách phát trên Đài Đà Lạt. Người thường uống trà tường vi với Lê Uyên Phương ở quán Lục Huyền Cầm là NXT. Và cũng chính NXT cùng các bạn Hoàng Khởi Phong, Lê Văn Ngăn, Thái Tú Hạp (có cả Huy Tưởng, tác giả bài thơ Máu Biếc Xanh và Ngực Tối, nhưng cuối cùng không đến được) đã tổ chức Đêm Đọc Thơ và Hát Thơ tại Lục Huyền Cầm. Và LUP cùng Lê Uyên cũng đã có lần hát ở quán sách Nhân Văn 72 Duy Tân của minh và bạn bè trước khi về Sài Gòn hát (đêm đó có cả Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và Thế Uyên tới dự). Nhớ ngày anh ra đi (29 tháng 6. 1999), mình đã viết bài thơ Chiều Hải Đào Đỏ và Lê Uyên Phương tiễn biệt anh. Bây giờ là đã 20 năm chúng ta không có anh, nhưng anh và Đà Lạt đã ở trong tim mọi người.
Vừa qua, đọc bài của Nguyễn Mạnh Trinh viết về cuốn Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles của Lê Uyên Phương, mình chợt nhớ lại mọi thứ và ghi lại để bạn bè xem. Kẻo mai kia…


Lê Uyên Phương sinh năm 1941 tại  Đà Lạt. Anh gặp Lâm Phúc Anh cũng ở thành phố này, (hai người ở sát nhà nhau trên đường Võ Tánh). Năm 1968 họ thành hôn và trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Lê Uyên là nghệ danh do Lê Uyên Phương đặt cho Lâm Phúc Anh.
LUP khởi sự viết nhạc từ 1960 với "Buồn đến bao giờ" viết tại Pleiku. Những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với tân nhạc. Trong những năm khốc liệt nhất của cuộc Chiến tranh Việt Nam, Lê Uyên và Phương, với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc, triết lý đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Lê Uyên Phương đã viết nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: "Bài ca hạnh ngộ", "Còn nắng trên đồi", "Dạ khúc cho tình nhân", "Lời gọi chân mây", "Vũng lầy của chúng ta"...

‘Không Có Mây trên Thành Phố Los Angeles’ (KCMTTPLA) là tập tùy bút và truyện ngắn của Lê Uyên Phương bên cạnh các tuyển tập ca khúc nổi danh như Yêu Nhau Khi Còn Thơ, Khi loài Thú Xa Nhau, Uyên Ương Trong Lồng, Bầu Trời Vẫn Còn Xanh… Sách do Tân Thư ở Cali xuất bản năm 1990, Khánh Trường vẽ bìa và Cao Xuân Huy trình bày.

“Lê Uyên Phương mất ngày 29 tháng 6, năm 1999, đến nay năm 2019 là đã 20 năm. Nhạc của ông vẫn như là của ngày sinh nhật, vẫn được hát và được nghe với một sức sống tích cực đến lạ kỳ. Nhạc như lời tâm sự của những người sống trong một thời đại chiến tranh với những bản tình ca vút lên từ thân phận con người…”

Nguyễn Mạnh Trinh đã viết như trên. Và tiếp: “Tự nhiên, khi nghe nhạc Lê Uyên Phương, tôi lại nhớ về Đà lạt. Thành phố ấy, những giấc mơ thanh xuân, những ước vọng tuổi trẻ. Tôi tưởng tượng như khi mình đang sống giữa thành phố sương mù. Con đường rào rạt tiếng thông reo của những bình minh vừa ửng hồng. Giữa cái trong veo của thiên nhiên, thấy lòng trải ra những kỷ niệm. Xuống con dốc, qua chợ Hòa Bình, đến thung lũng thấp hơn, khu Hồ Xuân Hương, bến xe. Leo lên con dốc nữa, Nhà thờ Con gà. Những cảnh gợi nhớ đến người, có lẽ hoài hoài trong trí nhớ…
Thành phố ấy, là nơi Lê Uyên Phương viết những bản nhạc đầu tiên “Khi loài thú xa nhau”. Lúc tuổi trẻ, nhạc có nét hoang sơ của những lũng vắng, của mùi mật cỏ, của vị da thịt người tình. Bằng âm nhạc, bằng ngôn ngữ, là những bước chân khám phá giây phút linh thiêng lạ lùng của bà Eva cắn miếng táo cấm đầu tiên. Nhiều người phê phán sự ví von. Tại sao lại hạ thấp vị trí của con người như vậy. Nhưng phần đông, nhất là giới trẻ, lại ưa thích nồng nhiệt những bài hát mang cái tâm tư khắc khoải cùng những ước vọng, những đam mê rất thường, rất người. Những bài hát có một lúc đã thành một hiện tượng âm nhạc…”
Trong bài viết “Hát trong quán cà phê” in ở tập KCMTTPLA, Lê Uyên Phương đã ghi lại một thời mà anh đã viết thành ca khúc những nỗi niềm tâm sự của cả một thế hệ lớn lên và sống cùng chiến tranh.

“… Bấy giờ là thời kỳ mà cuộc chiến đang vô cùng sơi sục quanh những ly cà phê đen, người ta nói nhiều về những bạn bè đang ở trên các mặt trận, người ta nói nhiều về cuộc sống và cái chết, về cái phải và cái không phải trong cuộc chiến đang xảy ra, người ta nói nhiều về những sự việc trong một quân trường hay trong một trại nhập ngũ nào đó và đôi lúc cả những nhà văn được giải Nobel lúc bấy giờ, xen lẫn với những mẫu chuyện về một cô gái xinh đẹp nào trong thành phố. Sự lo lắng về một tương lai bất định của thời chiến quả đã là một ám ảnh lớn cho tất cả chúng tôi lúc bấy giờ. Những giọt cà phê nhiều khi đã không được uống vì cái vị đắng của nó mà vì cái vị đắng của cuộc chiến kéo dài tưởng như vô tận so với cuộc đời hết sức ngắn ngủi của chúng ta- một người bạn vừa hy sinh ở góc rừng nào đó, không những để lại cho người thân của anh ta những nỗi buồn phiền bất tận mà còn thêm vào trong cái khói thuốc của căn phòng bé nhỏ vuơng vức của những quán cà phê một sự y ám lạnh lẽo không cùng. Chúng tôi đã nhiều lần ngồi thở dài để đưa tiễn một người bạn lên đường và trong những câu chuyện chúng tôi đã luôn luôn cố gắng để giải thích cho chính mình mọi sự dấn thân của chúng tôi lúc đó. H. là một sinh viên ghiền ma túy. Một hôm trời đã khuya, chúng tôi đang lúc vui đùa ồn ào với nhau trong quán, H. bỗng ra dấu cho mọi người yên lặng anh cầm cái thẻ sinh viên của anh đưa lên cao cho chúng tôi nhìn thấy rõ rồi xé làm đôi, anh tuyên bố từ hôm nay anh chặt đứt mọi hệ lụy trong quá khứ của mình, ngày mai anh lên đường đi trình diện tình nguyện nhập ngũ- Chiến tranh đôi lúc đã giải quyết cho chúng tôi một cách hữu hiệu những vấn đề cá nhân như thế. Biết bao chuyện đã xảy ra trong quán cà phê, ở đó đôi lúc đã là nơi mà những khúc quanh của một đời người bỗng mở ra trước mắt…”

Viết về Đà Lạt, Nguyễn Mạnh Trinh tiếp tục, nhạc sĩ như người trở về thánh địa xưa của mình, của hồi ức mang mang, của những phút giây chẳng thể nào quên được:

“… Không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời của Đà Lạt vào những năm của thập niên 60. Chúng tôi, như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà khắp các quán cà phê ở Đà Lạt, nhất là cà phê Tùng gần chợ Hòa Bình. Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể, nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi…

“… Một bài hát mà lúc bấy giờ chúng tôi ai cũng ưa thích, bài “J’Entend Siffler le Train”, tôi không nhớ ai đã hát bài hát đó, nhưng cái âm hưởng vừa gần gũi vừa xa vắng của bài hát – như một tiếng còi tàu- đã thể hiện đúng tâm trạng của chúng tôi lúc bấy giờ. Phải chăng trong sự thôi thúc của đời sống, trái tim ta đôi lúc cũng bắt gặp được cái nhịp đập bất thường rất kỳ diệu của cuộc đời và trong mỗi khối óc của chúng ta, một số những tế bào não bộ đã hiểu biết được đôi điều về cái đẹp vô cùng của sự não nề trong kiếp sống.

    “Trong cái bấp bênh của cuộc sống lúc bấy giờ và trong cái xao xuyến không cùng của trí óc, âm nhạc đã tự nhiên có sức quyến rũ đặc biệt đối với chúng tôi. Không có thời kỳ nào mà âm nhạc lại đóng vai trò tuyệt vời đến như thế, nó thâm nhập vào con tim chúng ta và biến mọi lo âu của cuộc đời thành một niềm hoan lạc mới

 “… hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai
 cho da thịt này đốt cháy thương đau
 cho cơn buồn này rót nóng truy hoan
 cho thiên đường này
 đốt cháy trong cơn chia phôi
 chia phôi tràn trề

 hãy ngồi xuống đây bên con vực này
 ngó xuống thương đau.”

“…Những quán cà phê lúc bấy giờ đã thực sự trở thành cái nhà của chúng tôi, ngoài giờ đi làm, đi học ra, quán cà phê là nơi chúng tôi thường xuyên có mặt, bất kể ngày đêm, ở đó chúng tôi có thể tìm gặp những người hiểu được mình và có thể thổ lộ mọi điều riêng tư mà không ai phàn nàn gì cả.

    “Hồi đó, nhiều người bạn của tôi đã dùng quán cà phê làm nơi viết lách của họ, anh Lê Trung Trang đọc cho chúng tôi nghe những mẫu truyện dài, truyên ngắn của anh trong cái không gian đầy khói thuốc đó, nhiều bài thơ của HKP, của LK, của PV cũng đã được viết nơi đây, và chính tôi, tôi đã dựng lên Lục Huyền Cầm cũng vì cái mục tiêu để viết lách đó. Mỗi buổi sáng khi sương mù vẫn còn dày đặc trong các lùm cây và làm mờ các cửa kính trong quán, mẹ tôi thường thức dậy từ rất sớm cụ luôn luôn pha sẵn cho tôi một bình nước trà thật đậm; ở một góc quán nhìn ra trước sân, những khóm tường vi bám đầy hàng rào, tỏa mùi hương ngào ngạt, tôi bắt đầu soạn những tập bản thảo của tôi và để hàng giờ trôi qua trong cái không gian yên lặng đó. Đến gần trưa, thường có một người bạn ghé lại quán và chúng tôi cứ thế để cho thời gian trôi qua với những mẫu chuyện không đâu. Đó là không khí của những quán cà phê Đà Lạt và đó là những gì mà cuộc sống đã tiếp đãi chúng ta như những người khách quí và đã tặng cho chúng ta cái tặng vật vô giá của nó sau khi đã thử thách chúng ta bằng những dằn vặt khôn nguôi…”

    Thời gian lớp lớp trôi qua. Kể từ cuối thập niên 1960 đến nay, dù ở đâu và bất cứ lúc nào, nghe ca khúc của Lê Uyên Phương chúng ta đều sống lại tuổi trẻ của mình và thấy lại thành phố Đà Lạt với những hàng thông cao vút và rừng dã quỳ vàng cháy. Đâu đó ta bắt gặp mùi hương nồng nàn của mái tóc và thịt da.
NXT

No comments:

Post a Comment