Wednesday, August 21, 2019

BÁO GIẤY


Hồ Đình Nghiêm

Báo chí Miền Nam

Thưa ông Chủ bút,

Đây là lá thư thứ hai tôi gửi tới ông. Tôi có xem qua mục trả lời thư tín đăng trong số báo vừa rồi, có một người tên viết tắt là N.B được ông nhắn cho vài dòng: “Truyện khá lắm, có điều hơi ngắn. Cố viết dài hơn, may ra thành công”. Chắc những dòng chữ này không dành riêng cho tôi? Một lá thư khó mà được xem như một cái truyện ngắn dù được nhìn đọc dưới mắt một người dễ tính. Và tôi tin, người bận lo trăm công nghìn chuyện như ông, một chủ bút thì khó lòng làm chu toàn hết mọi việc. Bức thư kia ông không đọc tới? Hoặc ông thấy chẳng có gì quan trọng để đáng phải hồi âm, làm mất thời giờ và tốn một khoảnh “đất” trên trang báo? Tôi còn nhiều dấu hỏi khác, nhưng không hiểu sao tôi đã dẹp bỏ hết mọi hoài nghi để viết thêm một lá thư nữa cho ông.

Tôi xin nhắc lại chút ý của thư đầu, đó là những cảm tình chân thành mà gia đình tôi dành cho quý báo. Ba tôi nói: Tao chịu nhất cái ông ở bên Mỹ chuyên viết về những loại rau quả cây trái, đề tài ngó vô thưởng vô phạt là thế mà chuyên chở lắm hậu ý kiểu như quýt ngọt đất này mà chua loét chua le nếu trồng ở đất kia. Mẹ tôi bảo: Cái ông ở bên Tây viết chuyện lặt vặt thường xẩy ra trong những gia đình lưu vong, đọc luống những ngậm ngùi cho tình đời và lòng dạ con người. Bà luôn mượn trang báo đó để suy nghiệm về hoàn cảnh gia đình mình và đồng thời biểu đứa em tôi đọc chậm rãi cho bà nghe để… nó khỏi quên tiếng mẹ đẻ. Anh chị tôi thì “mê” truyện dài đăng từng kỳ của ông, cá nhân tôi cũng vậy. Nhưng buồn thay, chính ông vừa đánh thức tôi, buộc tôi phải tỉnh táo, hết mê. Chương thứ sáu trong truyện dài, ông cho nhân vật nữ Nhược Băng bị bạo bệnh phải vào nằm nhà thương, thân thể suy yếu, tâm thần không ổn định mất thăng bằng khi một mực cự tuyệt từ chối sự viếng thăm uỷ lạo của những người thân yêu… rõ là điều không mấy tự nhiên, hơi cường điệu. Đã vậy ông xoá tên Nhược Băng trong chương bảy bằng vào một cái chết quá sắp đặt đầy ác ý.

Một người đọc tầm thường như tôi cũng cảm nhận được sự khiên cưỡng ở đoạn đó, chông chênh. Mạch văn bị khựng lại và cái chết của “cô nàng” không nhằm giải quyết được chuyện gì trong những trang viết công phu của ông. Ông biết không? Tôi có người bạn thân học chung ở những năm trung học. Đẹp, thùy mị, vượt biển sang đây bạn hứng chịu biết bao thảm cảnh, đau khổ tột cùng nhưng bạn tôi chẳng hề nảy ra thứ tâm lý kỳ cục như nhân vật Nhược Băng của ông dàn dựng. Và cuối cùng là gì? Cuối cùng trời có mắt, bạn tôi vừa lập gia đình, sinh con đầu lòng kháu khỉnh, nhà tràn đầy tiếng cười, bạn ấy hạnh phúc với hiện tại và… bạn cũng ghiền đọc tiểu thuyết của ông. Bạn điện thoại cho tôi, nhận xét ông có vẻ bất công đối với hạng phụ nữ xinh đẹp và hồ nghi rằng tình cảnh diễn tiến trong một vài chương sao lại giống như những gì mà bạn từng chứng kiến ở ngoài cuộc đời.

Tôi không dám nhiều lời ở đây, chỉ xin đóng góp chút ý kiến của một đọc giả trung thành với quý báo. Nếu như thư này vẫn còn “hơi ngắn, khó thành công” thì mộng viết văn của tôi chắc chẳng đi tới đâu cả. Sở dĩ viết thế là do bởi ở lá thư trước tôi có mạo muội hỏi ý ông, nếu ông hứng thú chỉ bảo cho đàn em thì tôi sẽ gửi xấp bản thảo chưa hề đăng báo để nhờ ông bỏ công đọc thử và phê bình, góp ý giúp.

Được hay không thì dù sao tôi cũng cảm ơn ông đã nhín chút thời gian quý báu để xem hết lá thư này. Xin chúc ông nhiều sức khoẻ để chăm sóc tờ báo cũng như sáng tác chẳng ngưng nghỉ những truyện đắc ý hầu khỏi phụ lòng những người đọc lỡ mang kiếp hồng nhan (bạc mệnh?).

Kính thư,

Ngân Bảo.

o0o

Nhắn tin đặc biệt:

Cô Ngân Bảo,

Rất hoan hỉ đón nhận những góp ý từ phía cô. Cũng rất vui thú nếu được đọc xấp bản thảo mà cô có nhã ý dành cho tôi xem trước. Nóng lòng được gặp cô. Toà soạn hay một chỗ nào? Tuỳ cô định liệu và sắp xếp cho vậy. Tình thân.

o0o

Người đàn ông tuổi trên bốn mươi ngồi đó mang một chân dung không nằm trong dự tưởng của tôi. Ông trầm lặng, khuôn mặt vướng chút mệt mỏi với một vầng trán chất chứa những nếp nhăn. Ông uống cà phê đen, nhỏ như tách trà ở nhà mà Ba tôi thường dùng mỗi sáng. Ông hút thuốc lá, có thể những luồng khói xanh ấy giúp ông gạn đục khơi trong, nhìn thấu ra bao hình ảnh, màu sắc, nhiều vấn đề chôn trong mộng tưởng. Một người biết học qua thuật phân thân? Phút đầu, ông không “dễ ghét” như tôi nghĩ.

Chúng tôi nói chuyện khó khăn. Vì ông trẻ hơn những gì tôi dự đoán? Vì ông là một nhà văn? Vì ông nào phải là hạng người hoạt bát mồm năm miệng mười? Hay vì tôi lỡ “làm tình làm tội” ông bằng hai ba bức thư trước? Hình như câu hỏi đầu tiên tôi dành cho ông là sự tò mò về một danh xưng. Ông trả lời: Không phải tên thật, đó chỉ là bút hiệu. Ông ngó xuống tách cà phê, nhặt một chiếc lá khô rơi xuống mặt bàn mà chẳng dài lời thêm. Nếu tôi là nhà văn, có lẽ tôi ngắt câu bằng một dấu phẩy, sau đó “viết” thêm: Còn tên cha sinh mẹ đặt cho là Nguyễn Văn Y, Trần Văn X… chẳng hạn. Văn ông ấy, đồng ý là cô đọng, chẳng rườm rà tỉ mỉ khi thuật tả nhưng ít ra…

“Tại sao Ngân Bảo không gửi cho tôi một vài truyện ngắn dùng đăng lên báo, thay vì viết thư góp ý?”

“Tại không thích. Tại chưa đến thời điểm. Có lẽ tập làm nháp bằng vài lá thư”.

“Có một cái lợi, đó là mình biết được câu trả lời sớm nhất, đăng hoặc không. Chưa kể tới phía người đọc, họ là những nhà phê bình đáng cho mình lưu tâm”.

Tôi không biết nói sao, tôi làm thinh. Tôi ngó lên bầu trời, chẳng thấy gì cả ngoài những chùm lá cây đan kín luôn ve vuốt nhau, ngăn giữ và tạo được một vòm im nắng. Radio sáng nay dự báo sẽ có mưa rơi sau buổi trưa. Tôi nửa thích mưa rơi, nửa mong tin khí tượng ấy đoán nhầm. Lòng tôi chia hai như vậy do bởi sự phân tâm, ái ngại cho một lần gặp gỡ. Mưa, cần có để giải nhiệt, để xoá đi cái màu ui ui nhập nhằng chẳng tỏ này; nhưng một khi nó rơi xuống, liệu nó giúp mình tìm nhặt niềm dễ chịu nào không ngoài cái ướt át ẩm thấp? Dù gì thì tôi chẳng hối hận khi chọn lựa cái quán lộ thiên này, lò dò tới toà soạn tờ báo để gặp mặt thì e sẽ bức bối ngộp thở.

Thấy tôi ngồi yên trong lòng ghế, trông ít ăn ít nói, ông nhà văn chẳng biết cách gợi chuyện đã vừa nói xin lỗi, ông đứng lên, đi tới buồng điện thoại công cộng đặt gần cửa quán cà phê. Ông phục sức cũng bình thường, quần jeans xanh đã bạc màu, áo hàng vải linen màu cát ẩm. Moi bạc lẻ từ túi quần, lấy cuốn sổ nhỏ từ túi áo. Ông bấm số, áp ống nghe một bên tai và nghiêng đầu nhìn tới tôi với nụ cười khó hiểu. Nụ cười duy nhất từ khi tôi gặp ông. Tôi tưởng tượng là ông gọi về toà soạn han hỏi điều gì đó mà cũng có thể thưa gửi cho một quý bà, nhắn gửi rằng sẽ không lâu anh tìm cách lại gần em. Ông ta trở về, ngừng nói chuyện với ai đó trùng khít với sự suy diễn có trong đầu tôi.

“Ngân Bảo uống thêm gì không? Để tôi gọi”.
“Dạ thôi, đủ rồi”.
“Ngân Bảo viết lâu chưa?”
“Cũng mới đây thôi. Chỉ là phương cách tự mình tìm kiếm niềm vui nhỏ bé”.

Ông đốt thắp một điếu thuốc khác. Tôi nghiệm ra ông ta có nhiều lợi khí, tay khỏi dư thừa trống vắng và khói thuốc có thể dìu người hút đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, kể cả tỉnh trí hoặc một mưu toan. Còn tôi? Tôi chỉ biết ôm vào lòng cái bao thư màu vàng khổ lớn, ghì siết giữa hai cánh tay. Bao thư nhốt năm cái truyện ngắn từng hoàn thành trong dằn vặt canh khuya hoặc hồn luôn tỉnh thức về một nỗi mất mát quá lớn, đôi khi nghe nặng tim mang, lại có lúc ý thức đó chỉ là niềm hụt hẫng, nhẹ như khói thuốc ông ấy thở ra, tan biến.

“Theo Ngân Bảo điều gì là quan trọng nằm ở thể loại truyện ngắn? Tôi không có ý hỏi tới những thứ nặng nề mà người ta buộc nó phải chuyên chở, gánh vác như một nhiệm vụ”.

“Tôi không biết. Nó là một chuỗi sự kiện bị thâu tóm, giản lược. Có thể là cái đoạn kết? Một khép kín bất ngờ, hoặc muốn mở ra lưng chừng một dấu hỏi? Sự thú vị thường nằm ở những dòng chữ cuối?”.

Người đàn ông tóc lắm sợi bạc ngồi nghe, có vẻ chú tâm. Đầu cúi thấp, gật gù như đôi chim bồ câu thơ thẩn đi kiếm ăn quanh chỗ tôi ngồi.

“Đoạn kết…”
“Còn ông thì sao?”
“Tôi? Tôi chỉ biết viết thôi. Viết được là một chuyện, đem nó ra phân tích lý giải lại là một chuyện khác. Không nên sáng suốt quá trong những ý đồ mình muốn nhồi nhét vào? Cô hiểu không? Một sự mê muội, chút hồn nhiên. Tôi yêu cách giải thích ấy nhất. Dẫu sao khi viết văn, thường thì nó mang tới bất ngờ những niềm vui chẳng trông đợi”.
“Chẳng hạn?”
“Chẳng hạn như trong truyện tôi, nhân vật nam có tên Trần khiến cho cô Nhược Băng luôn tưởng nhớ là một nhân vật có thật, hư cấu chỉ chút đỉnh. Nó từng trải qua nhiều sóng gió, nó sống thở trần trụi ở ngoài đời và hiện tại, cô có muốn gặp mặt nó cho biết không?”

o0o

Ông nhà văn chủ bút tờ báo có lắm độc giả, có ai ngờ được ổng chính là người anh rể của Trọng. Vì thế, năm truyện ngắn tôi mãi ôm giữ vào lòng đã không trao cho ông ấy đọc mà làm gì. Đó là năm lá thư kéo dài (may ra thành công) tôi chuyên chở biết bao trông ngóng tới Trọng. Tôi ngỡ Trọng còn ở bên nhà lắm tai ương, mãi thất lạc và Trọng nhốt kín, giam hãm mối tình đầu của tôi theo. Nhưng không, tôi ngồi ở quán cà phê lộ thiên, tôi quay đầu lui và trời trồng ra Trọng đứng cười rộng miệng sau lưng tôi từ hồi nào. Hoang đường hơn cả truyện cổ tích. Một nghìn lẻ hai đêm?

Hình như Trọng có tâm sự nỗi lòng cho người anh rể nghe. Ông mang giùm cái tâm trạng đắng lòng kia, khiên đặt đặt hẳn hoi vào truyện dài của ông viết. Tôi đọc, thấy bất bình, thấy khó chịu, chẳng tìm gặp nét thơ mộng như “sự thật” và tôi chỉ còn mỗi cách cảm ơn ông nhà văn khéo lèo lái câu chuyện. Tôi đã khóc hôm gặp lại Trọng, đài dự đoán thời tiết chỉ đúng riêng cho thính giả Trọng đón nghe. Mưa nhỏ, hạt mặn, rơi xuống không đủ thấm ướt một bờ vai thổn thức.

Ông chủ bút, người anh rể Trọng chào hai đứa, nhường lại cái đoạn kết hợp tình hợp cảnh cho tôi và người của một cách biệt khốn khó dài hơn cả con sông Tương bày trò ngăn cách. Ông nhà văn cười như chia sẻ niềm vui mà tôi đang cuống quýt ngập chìm, thở vội:

“Tâm lý nhân vật tôi viết không đúng. Tôi chẳng hề hối tiếc về chuyện đó bởi tôi cũng như Ngân Bảo, chúng ta chỉ chú ý tới một cái hậu tròn đầy mà thôi. Có nước mắt, có nụ cười, chừng đó đủ để an ủi tôi rồi. Tạm biệt Ngân Bảo nhé. Hẹn gặp lại ở toà soạn lần sau, có rượu mừng và có những trang chữ nghĩa đầy hoan lạc”.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM 

No comments:

Post a Comment