Monday, May 13, 2019

NHỮNG NGÀY NẮNG VỠ


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Phưng tháng năm (hình internet)

Phần 2
      Lũ trẻ kéo nhau chạy theo Đoan. Chúng tưởng chị Đoan của chúng đang bày một trò chơi. Mà thật giống như một trò chơi. “Rồng rắn lên mây”! Mười đứa nhỏ níu áo nhau. Đoan dẫn chúng vào phòng ngủ của bà ngoại. Đây là căn phòng kín đáo nhất nhà.
      Thêm một tiếng nổ ầm vang. Lũ trẻ dáo dác. Như một phản ứng không thể nào khác hơn, Đoan bảo lũ trẻ ngồi hết xuống đất, rồi kéo nhanh tấm nệm giường, dùng tấm nệm ấy che chúng lại. Lũ trẻ hồn nhiên lại thấy như trò chơi tiếp tục. Chúng khoái chí với cái mái  nhà dầy cộp trên đầu. Nhưng rồi những tiếng nổ tiếp theo nhau dồn dập làm cho mấy đứa nhỏ bắt đầu sợ hãi. Chúng biết không phải là trò chơi rồi. Giờ đây, tiếng trái đạn như đang bay vút qua đầu. Một đứa ré lên khóc. Vài đứa khóc theo.
      Và tới lượt Đoan muốn khóc. Bởi Đoan không biết mình đang làm cái gì đây. Không phải là phương tiện che chở an toàn nhưng tấm nệm giường lại được Đoan dùng như một cái mái che. Nhà ở thành phố làm gì có hầm trú! Mà đạn pháo kích thì réo ầm bên tai. Nghe người lớn ở nhà ngoài bảo nhau đang có pháo kích ở Tân Sơn Nhất. Đoan không biết rồi cuộc pháo kích này sẽ kéo dài bao lâu. Và nếu lỡ như có một trái rớt ngay căn nhà này thì sẽ ra sao? Cái “mái che” này có đủ bảo vệ mấy đứa trẻ yếu ớt không? Nhưng thôi kệ, Đoan nghĩ cách làm cho bọn nhỏ yên tâm. Đoan bắt đầu kể một chuyện vui. Bầy trẻ dễ dụ, nghe chuyện rồi rủ nhau cười.
      Rồi thì “Ngày xửa ngày xưa”… Ồ, không được, chuyện cổ tích không hợp trong lúc này. Đoan chuyển sang câu chuyện của bé Tuyên. Chuyện của đầu tháng tư mà cũng như một chuyện đời xưa.
     “Có một chú bé ngoan thật là ngoan, đi theo bố vào Sài Gòn chơi. Bố đi làm ở trong trại lính, chú bé ở nhà người cô ruột. Bố lại bay ra thăm nhà ở Đà Nẵng. Chú bé được gửi lại nhà người cô ruột, chờ bố vào đi làm tiếp. Đùng một cái, không được tin gì của bố, của mẹ và cả nhà. Chú bé không biết sự gì xảy ra, vì không có ai nói cho chú bé biết cả. Nhưng chú bé tinh ý lắm, chú nhìn nét mặt kỳ lạ của mọi người là chú đoán được có một cái gì ghê gớm lắm đã xảy ra. Mọi người có vẻ nâng niu chiều chuộng chú bé hơn, lo lắng cho chú hơn, và có lúc, cô và các anh chị nhìn chú và chảy nước mắt. Chú bé không dám hỏi họ, không dám thắc mắc. Chú mới bốn tuổi thôi, là con út của bố mẹ. Chú lặng lẽ ngồi vào một góc. Chú cũng muốn khóc lắm, mà chú không hiểu tại sao. Mọi người xem ti-vi, đọc báo. Chú bé chưa đi học, nên chỉ xem hình ảnh trên ti-vi và nghe người ta giải thích trên đó. Chú bé hiểu. Chú biết nơi bố mẹ và các anh chị mình ở đã “mất”. Chữ “mất” nghe kỳ quặc quá, chú không muốn nghe, bởi vì đó mà chú không biết gì về bố mẹ và các anh chị mình nữa.”
      Đoan ngừng kể, thở một chút. Lũ trẻ quá biết đoạn tiếp theo của câu chuyện, nhất là chú bé Tuyên ngồi trong đám “khán giả” đây. Nhưng chúng vẫn thấy vô cùng hấp dẫn. Hầu như tiếng đạn thỉnh thoảng xéo ngang không còn làm chúng để tâm. Đoan nhớ lại khoảng thời gian đó, mỗi khi bé Tuyên giương đôi mắt to đen nhánh nhìn mình, Đoan đã không chịu nổi. Cái viễn cảnh một đứa bé con không bao giờ còn gặp lại cha mẹ và anh chị của nó làm mọi người nát lòng. Cả một gia đình bặt tăm. Và số phận của Đà Nẵng như đã khép lại.
      Chừng như tiếng đạn pháo đã ngưng. Tụi con nít bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Đoan giở tấm nệm, bảo chúng ra ngoài. Từng đứa, từng đứa đứng dậy. Mồ hôi lấm tấm trên trán chúng. Đoan thở ra. Chưa thấy cảnh trốn đạn nào kỳ quặc thế này. Chẳng biết nơi nào là an toàn cả. Khi bọn trẻ ra hết ở nhà ngoài, Đoan thu xếp lại căn phòng. Sẵn đó, Đoan quét dọn cả nhà. Đống giày dép để ngoài cửa ai nhìn thấy cũng thất kinh. Khoảng năm mươi đôi. Vâng, năm mươi đôi! Và cũng con số chừng đó người hiện giờ đang trú ngụ trong căn nhà nhỏ chỉ vừa cho một gia đình. Một cái trại tị nạn thu nhỏ! Và căn nhà, nhà của dì, từ gần một tháng nay hầu như ngày nào cũng có người vào thêm. Thoạt đầu là bà con từ Đà Lạt, sau đến Nha Trang, rồi Phan Thiết kéo vào. Và, cái gia đình ở Đà Nẵng tưởng như đã tuyệt vọng, gia đình của cậu, đã theo được chuyến tàu cuối cùng, lênh đênh nhiều ngày rồi vào đến Sài Gòn - gia đình của bé Tuyên. Mọi người sống xúm xít, mỗi gia đình một mảnh nhỏ trong căn nhà. Họ cố gắng tiết giảm tối đa những sinh hoạt, sao cho những ngày tạm trú được an vui. Mà họ không biết sau những ngày tạm trú này sẽ là cái gì. Bởi họ không dám chắc họ sẽ còn dịp trở về nơi chốn cũ của họ hay không. Họ thấy tương lai mờ mịt. Mỗi ngày lại có tin mất một thành phố, một thị xã, thậm chí một tỉnh. Họ bó gối ngồi nhà theo dõi tin tức hoặc rủ nhau đi lang thang nơi này nơi khác vì căn nhà chật quá. Không làm lụng, không học hành. Chỉ có gia đình của chủ nhà là còn duy trì được các sinh hoạt tối thiểu, bên cạnh đó là lo cho sinh hoạt của “trại tạm cư” này. Đoan mấy năm nay ở trọ nhà dì để đi học, nên cũng làm việc y như các con của dì, đi học về là xắn tay áo lên để giúp mọi người nấu nướng, giặt giũ. Công việc cũng như các vật dụng đều “phình” lên gấp bội. Và những ngày này, cuối tháng, Đoan không đến trường, bởi sinh hoạt nhà trường cũng đã ngừng lại. Không ai bảo ai, mọi người rút về lo cho công việc của nhà mình. Một số bạn bè đã đột nhiên biến mất trước đó. Những sinh viên cần mẫn nhất khi đến trường cũng thất vọng vì không thấy thầy cô.
     Tháng tư, nóng bức, ngột ngạt. Dù trời đã tối nhưng cái nóng như vẫn quyện lấy từng con người. Bữa cơm cũng đã xong. Không có dọn bàn, mà chỉ là thay nhau lấy cơm ăn vì không có đủ chỗ cho mọi người cùng ngồi ăn. Bé Tuyên, chú bé bốn tuổi, giờ không còn buồn rầu theo người lớn nữa, vì đã được đoàn tụ với gia đình. Chú bé còn được gặp chị giúp việc của nhà mình, là chị Son, cũng từ Đà Nẵng chạy theo vào. Chị này là một cô gái đôi mươi, vạm vỡ như nam giới. Đoan thường hay hỏi thăm chị về gia đình, biết chị ở thôn quê, nghèo nên không được đi học, từ mười ba tuổi đã đi làm thuê giúp việc để phụ nuôi gia đình. Trông vẻ mặt chị rất hiền lành. Bỗng tối nay, khi nghe tin tức dồn dập về những cuộc chạy loạn, chị nói lẩm bẩm mà như nói với Đoan:
     - V.C. mà vô thì tui sướng.
     Đoan giật mình, hỏi ngay:
     - Ai bảo với chị như vậy?
     - Người anh bà con của tui nói.
     Đoan lặng người. Cảm giác y như cảm giác lúc nghe thầy Tính, người thầy dạy môn Thực tập Ký Sinh Trùng trong trường, thản nhiên nói “Tôi là V.C. đây! Chị có sợ không?”

2

      Đêm qua dường như không ai ngủ được. Không nói ra, nhưng ai cũng thấy mình mong chấm dứt cảnh chen chúc này. Trở về! Ai cũng đang mong được về lại những thành phố đã mất. Nhưng không đơn giản chỉ thế, đã có vài thanh niên trong họ hàng nhà Đoan tìm đường ra đi. “Ra đi”, từ ngữ lạ tai. Có người ra phi trường, có người ra bến tàu.
      Một người bà con chạy ra Tân Sơn Nhất chờ chực cả đêm, rồi trở lại với gương mặt hốc hác. Anh đi không lọt. Anh bảo ngoài đường đang náo loạn cả lên. Nhiều cảnh cướp bóc đã xảy ra.
      Má và dì đang bưng khệ nệ một giỏ thức ăn mua ở chợ đầu xóm để lo cho “trại tạm trú” qua ngày. Đoan chạy tới phụ khiêng vào nhà bếp. Chợt có tiếng của cậu:
      - Mọi người lại đây, nghe này!
      Tiếng nói từ trong radio vang ra, mọi người lắng nghe.
      “Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây đang chờ gặp chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào.”
       Mọi người nhìn nhau, như tê cứng lại một phút. Cậu nhắm nghiền mắt lại. Người sĩ quan dành cả thời trai trẻ cho binh nghiệp, từng nếm mùi gian nguy trên chiến trường, từng chia sẻ niềm vui nỗi buồn của người dân suốt hai mươi năm, trong phút giây này đầu óc hồ như trống rỗng. Mọi người cùng im lặng theo với cậu. Trong những ngày cuối cùng của Đà Nẵng, gia đình bị kẹt lại, cậu đã thấy trước được làn sóng dữ đang cuồn cuộn chảy vào Nam. Cậu tưởng không bao giờ thấy lại người thân, nhất là đứa con trai út còn ở trong Sài Gòn. Như có một phép lạ, vào lúc nguy nan nhất gia đình cậu đã hòa cùng dòng người tất tả lên được một chiếc tàu tư nhân và xuôi vào Sài Gòn. Những ngày cuối, khi vào công tác trong Sài Gòn, cậu đã có nhiều cơ hội ra đi để tránh cho mình những nguy hiểm sau này. Cậu bị giằng xé trong tư tưởng. Cậu thương anh thương chị, thương đại gia đình của cậu. Cha mẹ mất sớm, cậu gắn bó với anh chị, với cái đại gia đình này biết bao! Cậu biết cái cơ hội cuối cùng sẽ dễ vuột mất. Trong đầu của cậu, hai chữ “không đi” hiện ra thật lớn. Nhiều người sẽ cho là cậu dại, nhưng họ không thể nào hiểu cậu đâu! Nhiều lần cậu đã quay đi để tránh ánh mắt trách móc của mợ. Và đến giây phút này, cậu tự hỏi phải chăng cậu đã sai.
        Không khí ngột ngạt. Đoan lấy cớ đi mua thêm mấy thứ cần dùng, nổ máy xe Cady chạy ra đường. Bỗng nhiên Đoan muốn chạy vào đó, con đường cây còng. Nhưng đã không được, vì mấy ngày nay người ta cấm không cho ra vào khu vực ấy. Họ giờ đang ra sao, những người thương binh đang nằm trong bệnh viện? Nếu có một sự thay đổi lớn xảy ra, họ sẽ bị đối xử thế nào? Và Thắng nữa, vết thương của Thắng ra sao rồi? Thắng có được bình an không? Đoan thấy mình lênh đênh trong một thứ không khí nhờn nhợn.
      Người ta xô đẩy nhau chạy náo loạn, chạy cả xuống đường. Có ai đó nói “Hôi của! Hôi của!” Đoan hoảng sợ chạy nép vào sát lề đường. Mấy hôm trước đã có một “phong trào” xông vào những nhà mà chủ đã bỏ chạy, lấy bàn ghế đồ đạc - bất cứ cái gì khiêng vác và chở được là họ lấy, và tha về nhà mình. Hôm nay cảnh này còn hỗn loạn hơn nữa. Đoan không chịu nổi. Đầu óc váng vất, Đoan quay xe trở về.
Vừa đến cửa, Đoan nghe tiếng của dượng:
      - Mọi người nghe đi, thôi rồi!
      Và đây!
     “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn, từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.”
       Có tiếng phụ nữ bật khóc. Nhưng tiếng khóc sớm ngưng vì sự im lặng của phía nam giới. Còn bầy trẻ nhỏ thì kéo nhau lên gác. Chúng không biết cái gì đã xảy ra, nhưng con nít tinh ý lắm, chúng bảo nhau chơi một trò chơi không có tiếng ồn.
      Đoan dự vào trò chơi im lặng đó. Đoan cắm đầu nhìn xuống một trang giấy. Trang giấy trắng bóc. Có đột ngột quá không? Rõ ràng đã có những điều như báo trước. Từ những địa danh nóng bỏng - Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Khánh Dương, Xuân Lộc… là những nơi mất dần theo luồng sóng dữ, từ sự hiện diện của năm mươi người từ khắp nơi về chen chúc trong một căn nhà nhỏ, từ câu tuyên bố thẳng thừng của một ông thầy “Tôi là VC đây!”, đến lúc Đoan bị từ chối không cho vào thăm bệnh trong quân y viện. Tất cả là những dấu hiệu thấy được trong cuộc sống của một người thường dân. Dấu hiệu của một sự tan vỡ. Nó không để người ta chờ đợi thấy lại sự chiến thắng, như trong Tết Mậu Thân, như trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Người ta không có đường để hy vọng.
      Nghe bên hàng xóm thoáng có tiếng người nói với nhau đi xem xe tăng vào Dinh Độc Lập. Thế nữa ư? Mấy hôm trước đây cũng những người đó bù lu bù loa nói với dì Đoan rằng rồi đây sẽ bị họ rút móng tay. Bỗng như một phản xạ, Đoan mở hộc bàn, lấy ra một tấm bằng đã được bao bọc rất cẩn thận. Hàng chữ “Giải Nhất Cuộc Thi Văn chương Nữ sinh Toàn quốc, năm…” trông hoa mỹ quá! Đoan nghe đau nhói nơi ngực. Có là cái gì quý giá lắm không? Có quý như những sinh mạng đã mất đi trong cuộc chiến? Có quý như những gì mà mảnh đất này đã có và nay mất đi vào tay những người xa lạ? Có quý như những thầy, bạn, anh em đã ngã xuống trên chiến trường? Có quý như những gì mình đã học được trong bao năm ngồi ở ghế nhà trường? Đã có ai nói gì chưa? Vẫn đang ở những phút giây giữa thắng và bại. Nhưng có lẽ sẽ thay đổi hết, cả một nền văn hóa và giáo dục.
      Đoan đi vào bếp. Bếp có nồi cơm thật lớn, đủ cho năm mươi người - chưa ai ăn nổi trưa nay. Nồi canh, chảo cá cũng rất lớn. Lò than đỏ hồng. Đoan lột bỏ bao plastic, cuộn tròn tấm bằng lại như một thanh củi, cho vào lò. Giấy bắt lửa, loại giấy dày chậm cháy. Ngọn lửa yếu ớt từ từ liếm vào giấy, ăn dần theo hình cong chữ S. Đến cuối cùng, ngọn lửa bùng lên, sáng chói, rồi lịm đi. Không còn gì.

3

      Đêm qua dường như không ai ngủ được. Không nói ra, nhưng ai cũng thấy mình sắp chấm dứt cảnh chen chúc này. Trở về! Họ phải trở về thôi! Về lại những thành phố đã mất. Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng… Nhưng đâu còn ý nghĩa đó nữa! Tất cả đều đã như nhau. Một mối!
Sáng sớm đã có mấy người ra bến xe xem thử có xe chạy chưa. Mợ ra mua thức ăn sáng, trở về nói khắp đường phố đã ngập cả cờ. Cờ đỏ và cờ xanh đỏ.
      Mợ vào bếp, đưa cho chị Son mấy tờ giấy bạc, nói khẽ:
     - Son, đi về quê đi nhé! Sắp tới chắc khó khăn lắm, không mướn em nổi đâu!
     Son cầm tiền, chưa kịp nói gì thì mợ đã tiếp:
     - Nhà này ai cũng quý Son, nhất là bé Tuyên, nó sẽ buồn lắm nếu không có em, nhưng đành vậy…
      Đôi mắt Son chợt rưng rưng. Chị thấy Đoan cũng có mặt ở đó. Chị cúi đầu ấp úng những gì nghe không rõ. Đoan quay đi, rùng mình khi nghĩ đến những gì có trong đầu của cô gái này. Liệu chúng có xâu xé chị ta hay không, ai mà biết được!
      Ở nhà ngoài có tiếng xôn xao. Đoan và mợ chạy ra. Anh Đan, người anh họ đi lính ở Gò Công, đang có mặt. Anh đã về. Mọi người mừng rỡ xúm lại hỏi han. Hôm qua ai cũng lo rằng anh bị kẹt dưới đó không biết ra sao. Nhà biết tính anh không bao giờ chịu nhịn nhục, nên nghĩ dại nhiều chuyện có thể xảy ra. Nét mặt anh thất thần. Chị Đan rót nước, lấy khăn cho anh. Thằng con chập chững đi đến bên cha. Anh bế con lên, hôn nó, và siết chặt, chặt quá đến nỗi nó khóc ré lên. Chị Đan hoảng hốt bảo anh trao con cho chị. Anh chạy nhanh ra cửa sau. Mọi người nghe anh khóc to, tiếng khóc đau lòng. Anh đấm tay vào cột gỗ nghe rầm rầm. Khi chị can anh được rồi, hai nắm tay anh đã rỉ máu.
      Đoan nghĩ mình phải ra đường, và phải đến trường. Hôm nay không còn tiếng súng, có lẽ trường mở cửa lại. Đầu óc hoang mang, Đoan chạy trên những con đường quen thuộc sao bỗng thấy lạ hoắc. Đường phố còn vương vãi quần áo giày mũ của lính. Và những cờ là cờ, đầy đường. Cờ đã thay màu. Mai đây những con đường này chắc cũng sẽ thay tên.
      Chạy qua cổng trường ở đường Cường Để, lòng nghe một chút bình an. Dù sao đây cũng là nơi thân ái của mình. Quả thật trường đã đông đúc trở lại. Có lẽ qua những ngày sóng gió, thầy trò sẽ cố gắng tạo được sinh hoạt bình thường.
      Đoan gặp trước tiên là thầy Tính. Ông đứng dưới sân trường, không phải ở trong labo nơi cố hữu của ông. Tất cả sinh viên được thông báo vào họp trong Giảng đường lớn. Thầy Tính nán lại chờ Đoan. Ông cười, nụ cười lạ lùng không lộ tình cảm:
      - Mừng gặp lại chị Đoan.
      Đoan hơi ngơ ngác, chợt hiểu ra rằng sau một biến cố lớn như vậy, sẽ có cảnh người đi kẻ ở. Ông mừng là phải. Đoan chỉ biết nói “dạ”. Thầy Tính nói tiếp:
      - Mọi việc rồi sẽ bình thường thôi chị Đoan nhé!
      - Dạ, thưa thầy.
      - Tôi biết những người như chị rất giàu tình cảm. Nhưng chị hãy nhớ một điều: sống trong chế độ này, chỉ cần mình yêu nước, yêu dân tộc là đủ.
      - Dạ, thưa thầy. Con nghĩ điều đó… là có thể ạ.
      - Vậy tôi chúc mừng chị.
      Trên bục giảng, “ban giám hiệu mới” đang ra mắt. Người mới được gọi là Hiệu trưởng, không gọi là Khoa trưởng. Vị Khoa trưởng của “những ngày trước ngày hôm qua” được mời lui về làm giáo sư giảng dạy. Đoan nghe được thêm một chữ mới: “tiếp quản”. Trường được những người mới “tiếp quản”. Nhìn quanh, thấy thiếu một số bạn quen. Đoan nghĩ mình đã thành “người ở lại”, rõ ràng như thế thôi.
Sau buổi họp, nhà trường cho sinh viên về lớp “họp tổ”- lại một chữ mới. Không thấy người trưởng lớp - chắc đã đi rồi. Một ban phụ trách lớp đã được chỉ định sẵn ra mắt, sau đó giới thiệu các “tổ trưởng phụ trách thảo luận”. Nhiều bạn ngơ ngác nhìn nhau, như ngầm hỏi: “Thảo luận cái gì? Trước đây cũng có nhóm mà là nhóm thực tập, không phải để thảo luận ”. Nhưng rồi những ánh mắt cũng dịu lại - tuổi trẻ dễ đón nhận cái mới.
      Những gương mặt tổ trưởng thảo luận đây rồi, không lạ, cũng là các bạn trong lớp mình thôi. Một người chuyên vắng mặt giờ “học cours” trong giảng đường, chỉ đi thực tập vì thực tập là bắt buộc. Một người có thành tích học không mấy khá. Một người có vẻ bề ngoài rất nhút nhát, hầu như chưa ai được nghe bạn ấy nói trọn vẹn một câu. Một người có cách nói cộc lốc. Một người có giọng nhỏ nhẹ. Muôn màu muôn vẻ! Họ cho biết sắp tới sẽ chia nhóm để thảo luận chính trị.
      Chỉ là những bước mở đầu cho giai đoạn mới. Không có giờ học. Đoan lấy xe ra về. Trên đường, Đoan cứ nghe như văng vẳng câu nói của thầy Tính: “sống trong chế độ này, chỉ cần mình yêu nước, yêu dân tộc là đủ”. Có phải thế không??? Đoan giật mình khi có một tiếng còi xe nghe lạ đàng sau lưng. Đoan chạy xe sát vào gần lề, ngước nhìn những chiếc xe mà mình đã từng xem thấy trên báo. Xe Molotova. Những người lính trên xe lướt mắt nhìn người dân đi dưới đường, nhìn phố xá lạ lùng đối với họ. Có nhiều gương mặt còn quá trẻ. Súng trên tay. Áo màu xanh lá rừng. Nón cối. Giày hình dạng như dép có quai chéo nhau, làm bằng cao su màu đen, Đoan đoán là cao su của vỏ bánh xe hơi.
      Đoan lại đi ngang những con đường vương vãi quần áo giày mũ của lính. Đoan ngậm ngùi. Thấy trước mắt gương mặt tuyệt vọng của cậu, nắm tay rỉ máu của anh Đan, vết thương của Thắng. Tôi khóc đây!
Tháng Tư 2013
CAM LI NGUYN THị Mỹ THANH
Thư Quán Bản Thảo số 51, tháng 4/2012

No comments:

Post a Comment