Wednesday, May 8, 2019

CHƯƠNG TRÌNH NHẠC ‘TÌNH HOÀI HƯƠNG’


Bạch Mã

Nhạc sĩ Võ Tá Hân & ca sĩ Thu V àng

Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học hân hạnh giới thiệu chương-trình Nhạc thính-phòng tháng 5: “Tình Hoài Hương” tổ chức tại Hội Trường Việt Báo vào ngày 11/5/2019 từ 7:30 pm – 10:30 pm.
Đêm nhạc với tiếng hát Thu Vàng và sự góp mặt của:
Diệu Trang – Khắc Hiền – Phạm Gia Nghị – Vương Đức Hậu – Nhóm ca Hoài Hương – Lan Hương – Vũ Hùng – Xuân Thanh – Tứ ca Hương Xưa: Hồng Tước – Mai Phương – Vũ Khiêm – Vương Lan. Piano: Trương Vũ – Nghiêm Phú Phát. Guitar: Võ Tá Hân – Phạm Ngọc Tú. Âm thanh: Nguyễn Thái.
Vé vào cửa: US$10
Đặt vé: CLBVN VVH (714) 270-8110; Phan Tấn Hải (714) 797-9555. Có thể lấy vé tại Viện Việt-Học 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683 từ Thứ Hai tới Thứ Sáu 3:00 pm – 5:00 pm.


Quê hương tôi có có con sông đào xinh xắn”, lời mở đầu của bản nhạc Tình hoài hương của Phạm Duy đã dẫn chúng ta về hành trình của những dòng sông trên quê hương. Từ những Dòng Suối Trăm Năm xuất phát từ núi cao hiểm trở, những dòng sông đã vượt qua những ghềnh thác để đem phù sa từ miền thượng lưu, núi non trùng điệp xuống châu thổ để nuôi nấng dân tộc Việt từ bốn nghìn năm qua.

Sông không chỉ là nguồn sống cho nền văn minh nông nghiệp, sông còn là cái nôi của nếp sống văn hóa dân tộc. Con dân Việt đã gắn bó thiết thân với những dòng sông đến tuổi xế chiều chỉ thầm ước được Trở Về Dòng Sông Tuổi Thơ để được sống lại tuổi thanh xuân, nghe lại những điệu hò, những câu hát đối trong lễ hội ven sông, để sống lại những mối tình mộc mạc, chơn chất nhưng bền vững suốt một đời người.

Không chỉ cung cấp nhựa sống cho những miền đồng bằng của đất nước, sông còn là môi trường để con dân nước Việt mở rộng đời sống tâm linh, hướng thượng.Thao thiết sông dài diễn tả cảm nhận của con người trước sự bao la của trời đất và những Chiều Về Trên Sông đưa con người hòa nhập vào cái vô cùng của vũ trụ để thấy sự nhỏ bé của cá nhân và cảm nhận sự bao dung, từ đó nhận ra những thù oán, ganh đua dường như là vô nghĩa, cuối cùng chỉ còn lại tình yêu rộng lớn -yêu người, yêu đời, yêu quê hương xứ sở- là những gì còn lại cuối mỗi đời người.

Rất nhiều ca khúc của Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn lấy cảm hứng từ những dòng sông đất nước, những ca khúc gắn kết những dòng sông tuôn chảy về biển rộng như một hội trùng dương, nơi gặp gỡ của những đứa con khác biệt của từng địa phương trùng phùng trong lòng biển mẹ, nói lên sự duy nhất bất khả phân ly của nòi giống Việt và là một minh chứng cho sự trường tồn của đất nước trước mọi thử thách gian nguy bởi vùng biển Đông vẫn không bao giờ ngưng nghỉ gởi những cơn mưa vào đất liền để tiêu tưới cho những cánh đồng nắng hạn và làm hồi sinh tâm hồn Việt qua những khắc nghiệt của cuộc đời.

Vì tính chất sinh động của dòng sông, các con sông đã gắn bó với đời thường của người dân Việt qua những cơn lũ lụt phá vỡ đê điều, cũng như lúc bình an nước chảy xuôi dòng để vun xới hoa màu trên những cánh đồng xanh ngát dọc bờ đê. Hình ảnh những dòng sông tràn ngập trong những bản nhạc của nhiều thế hệ Nhạc sĩ Việt Nam: Tiếng Sông Hồng, Tiếng Sông Hương, Tiếng Cửu Long đã khơi nguồn cho tình yêu nước của thế hệ trẻ. Dòng An Giang đã vượt qua ranh giới của một địa phương xa xôi, đã được người dân cả ba miền đất nước đón nhận như biểu tượng cho sự hài hòa, lòng nhân hậu vì sự thanh thản, an bình của quê hương.

Nước Non là từ giản dị nhưng súc tích được người Việt dùng để chỉ quê hương xứ sở. Nước là sông, là biển. Non là núi, là rừng. Sông biển gần gũi với đời thường, đã trở thành một chủ đề quen thuộc trong dân ca và nhiều ca khúc của nền Tân nhạc Việt. Núi rừng ít được nhắc nhở hơn sông nước nhưng đã là một biểu tượng đặc thù thể hiện được tâm hồn Việt đối với những cuộc chiến tranh không ngưng nghỉ của dòng lịch sử. Người dân Việt ở cận sơn đã nhân cách hóa những khối đá vô tri thành hình tượng người thiếu phụ ôm con chờ chồng. Từ hình ảnh nàng Tô Thị trên đỉnh cao của dãy Bắc Sơn sát biên giới phương Bắc mỏi mòn đợi người chinh phu hiến mình cho cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước cho đến hình ảnh người chinh phụ trên đỉnh Trường Sơn của miền Trung nhỏ lệ ôm con chờ chồng gian nguy ngoài chiến trường trong cuộc nội chiến Nam Bắc, Trịnh Nguyễn cho đến một hòn núi trơ trọi nổi lên giữa biển khơi thuộc quần đảo Phú Quốc được người dân tin tưởng như hình ảnh hiền phụ của một người con Nguyễn Ánh đã tử trận trong cuộc chiến Nguyễn- Tây Sơn. Câu chuyện bi thương này đã thể hiện qua vần ca dao:

“Gió đưa cây cải về Trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.”

Tất cả những hình ảnh nhẫn nhục, chịu đựng, tấm tình thủy chung bền lòng chờ đợi của người phụ nữ Việt đã được nhạc sĩ Lê Thương thể hiện trong tuyệt phẩm Hòn Vọng Phu sẽ được Thu Vàng và các thân hữu trình bày trong đêm nhạc thính phòng Tình Hoài Hương do Viện Việt Học tổ chức tại thính phòng tòa soạn Việt Báo.

Ca sĩ Thu Vàng thuộc thế hệ những người trẻ rời mái trường vào thời điểm nghiệt ngã 1975. Cha cô và nhiều thân nhân đã bị tập trung vào trại cải tạo. Sống trong không khí ngột ngạt và nghèo đói của một tỉnh lẻ miền Trung, cộng với sự bắt buộc hát nhạc một chiều, khiến cho một người say mê âm nhạc và đã được giáo dục trong học đường, trong gia đình theo phong cách âm nhạc cổ điển như cô, càng thấy tinh thần bức bối hơn. Đó là lý do giải thích tại sao cô nỗ lực tìm kiếm các bản nhạc cũ đang bị cấm đoán. Cô đã lén lút nghe đài ngoại quốc để được sống lại với những ca khúc nhân bản của miền Nam và thưởng thức được những sáng tác mới của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Thanh Trang, Ngô Thuỵ Miên… tại hải ngoại. Và đó là quá trình hình thành phong cách và tiếng hát Thu Vàng. Cô không được phép vào các trường âm nhạc chính quy, chỉ tự học từ sách vở lượm lặt được. Cô đã luyện thanh trong đêm khuya, sáng sớm, phải nén giọng mình xuống để âm thanh không được lọt ra ngoài. Có lẽ từ những đè nén thường xuyên đó, tiếng hát Thu Vàng đã ẩn chứa niềm khao khát, đau phận quê hương. Thu Vàng hát như cầu kinh, cô đã vịn cây đàn mà đứng dậy và ca hát một mình hoặc một vài nhóm bạn nhỏ để mỗi người tự cứu lấy tâm hồn mình. Cô đã nhìn thấy ở Âm nhạc miền Nam xưa như một niềm cứu rỗi. Điều đó đã giải thích sự thiết tha của giọng hát khi trình bày những ca khúc ngợi ca quê hương, sự sâu lắng tìm về nội tâm trong các nhạc phẩm của Vũ Thành, Lâm Tuyền, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến, Phạm Duy… trong các CD cô đã thực hiện. Cô đã chấp nhận những CD của cô không được phép phát hành trong nước để được hát những nhạc bản của những tác giả cô trân quý.

Từ sau 1975, người ta tưởng nền âm nhạc tiền chiến phát triển phong phú ở miền Nam đã chết, thế nhưng sau những dao động ban đầu, sự trở lại sáng tác của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Lê văn Khoa, Trịnh Công Sơn… đã làm hồi sinh nền âm nhạc nhân bản, khai phóng của miền Nam. Từ hải ngoại, các sáng tác của Tuấn Khanh, Đức Huy, Nguyễn Hiền, Lam Phương, Nhật Bằng, Hoàng Quốc Bảo… qua hệ thống truyền thanh đã được người dân trong nước đón nhận. Một số sáng tác của một thế hệ nhạc sĩ mới: Trần Duy Đức, Đăng Khánh, Phạm Anh Dũng, Lê Tín Hương, Diệu Hương… dần dần trở thành món ăn tinh thần cho thính giả hải ngoại và còn phổ biến được trong nước.

Một hiện tượng khá đặc biệt xuất hiện sau 1975 là sự góp mặt của một số văn nghệ sĩ đã thành danh trên lĩnh vực văn chương đã đến với Âm nhạc. Nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã dành những năng lực nghệ thuật cuối đời của mình để sáng tác nhiều ca khúc. Và trong đêm nhạc ngày 11/5/2019, ngoài một số tác phẩm của các tác giả đã có một chỗ đứng đặc biệt trong nền Âm nhạc Việt Nam như Lê Thương, Phạm Duy, Thu Vàng và Câu lạc bộ Văn nghệ Viện Việt Học còn trình bày một số nhạc phẩm đầu tay của Văn nghệ sĩ đã có những thành tựu trong lãnh vực văn chương như nhà văn, nhà nghiên cứu  Văn học thâm thúy Trần Doãn Nho với nhạc phẩm Một Chút Việt Nam. Nhà thơ, dịch giả uy tín Trịnh Y Thư với nhạc phẩm Thao Thiết Sông Dài. Con chim đầu đàn của ca đoàn “Nguồn sống” của sinh viên Sài Gòn Nghiêm Phú Phát trở về nguồn suối tâm linh trong tác phẩm Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp. Thi sĩ Trần Dạ Từ xuất hiện như một nhạc sĩ “trẻ” sâu lắng trong tác phẩm Trăng Ban Chiều. Và đặc biệt, trong đêm nhạc thính phòng này, chúng ta sẽ được nghe rất nhiều bài thơ phổ nhạc của các văn nghệ sĩ tự do: Ý thơ thâm trầm của Du Tử Lê đã được nhạc sĩ Trần Duy Đức chuyển tải rất tài hoa trong nhạc phẩm Dòng Suối Trăm Năm. Lời thơ súc tích, ngắn gọn của bài thơ Bông Hồng Cho Mẹ của nhà thơ, nhà nghiên cứu Phật học Đỗ Hồng Ngọc đã được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc đã đánh động con tim của rất nhiều thính giả trong và ngoài nước. Nhà thơ Phan Tấn Hải, một hành giả Thiền Tông cho ta thấy một khía cạnh khác của tâm hồn anh qua bài thơ ngợi ca tình yêu Chở Thêm Lời Tôi Yêu Em được nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc. Nhà thơ Thành Tôn của thời các tạp chí: Giữ Thơm Quê Mẹ, Văn, Bách Khoa với tác phẩm Hồi Âm đã được cố nhạc sĩ Nhật Ngân phổ nhạc.

Đêm nhạc thính phòng Tình Hoài Hương không chỉ gợi lại cho chúng ta một quê hương trong trí nhớ mà còn là một cơ hội cho chúng ta lắng nghe tiếng kêu cứu của những dòng sông đang dần cạn nguồn vì hệ thống đê điều của Trung Quốc từ Thượng nguồn sông Cửu Long, và lắng nghe lời kêu cứu của núi rừng đang bị chính sách khai thác thiếu trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam hủy hoại qua các dự án Bauxite, các đặc khu kinh tế, thực chất là sự bán đứng tài nguyên thiên nhiên gây ô nhiễm môi trường trong cả nước.

BẠCH MÃ

*Tên các nhạc phẩm in nghiêng trong bài là những bài hát được trình bày trong chương trình Tình Hoài Hương.


No comments:

Post a Comment