Monday, May 6, 2019

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN. TỪ CHỮ NGHĨA TỚI ÂM NHẠC


Phan Tấn Hải

Vừa qua, đêm 13 tháng 4,  ĐÊM NHẠC NGUYỄN ĐÌNH TOÀN: MỘT NGÀY SAU CHIẾN TRANH do CLB Văn-Nghệ Viện Việt-Học tổ chức, tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt, đã thu hút một số đông người chưa từng thấy. Hội trường không đủ chỗ, cả trăm người phải đứng bên ngoài nghe. Ri êng m ình lúc đó đang nằm trong bệnh viện mà cũng thưởng thức được qua youtube. Yêu biết bao giọng hát của Anh Dũng, Thu Vàng, Hồng Hạnh, Tạ Chương… trong các ca khúc Mai Tôi Đi, Căn Nhà Xưa, Một Cánh Hoa Rơi... Và đặc biệt mê giọng nói Huế của Diệu Trang.
Thật là một niềm vui lớn cho Nguyễn Đình Toàn ở những năm tháng này. Để tìm hiểu thêm về nghệ thuật của tác giả Em Có Nhớ Căn Nhà Xưa, mời các bạn đọc thêm bài viết của Phan Tấn Hải. NXT


Chữ nghĩa của Nguyễn Đình Toàn là một phần rất lớn trong thời đi học của tôi. Cũng như sương buổi sớm, không mấy ai thấy rõ, nhưng sương vẫn bay phả khắp trời – chữ của Nguyễn Đình Toàn là như thế trong trí nhớ tôi thời còn mang sách tới trường. Bàng bạc, nhưng làm ướt tóc, ướt vai.

Trong cái nhìn thời mới lớn của tôi, Nguyễn Đình Toàn là hiện thân của Hà Nội, là những gì rất mực tinh tế, nhạy cảm. Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, bạn trong xóm toàn Nam Kỳ rặt, bước ra đầu hẻm là một tiệm hớt tóc lúc nào cũng có bàn cờ tướng cho mấy bác trong xóm tụ họp khề khà, hễ đi xe đạp ngang qua tiệm thường là nghe từ la-dô (máy radio) để nơi một kệ trong tiệm vang lên mấy câu ca từ những tuồng cải lương, thí dụ “ngày mai đám cưới người ta, vì sao sơn nữ Phà Ca lại buồn”… Thế cho nên, khi vào trung học Chu Văn An là một chân trời khác hẳn, hầu hết là Bắc Kỳ -- chữ này gọi không đúng, nhưng là để đối lại hình ảnh trên, vì cậu học trò trong tôi lúc đó đồng nhất tất cả nơi đây là Hà Nội. Vâng, trung học Chu Văn An là hiện thân Hà Nội, nơi nhà thơ Vũ Hoàng Chương dạy văn, nơi thầy Nguyễn Đình Quỹ dạy toán. Cũng là Hà Nội dưới mắt tôi, kể cả khi tôi học Pháp văn từ thầy Nguyễn Đăng Thường, một người Nam Kỳ thuần. Nghĩa là, Hà Nội là một phẩm chất của văn hóa khó tìm. Và rồi, cùng bạn hữu la cà các tiệm cà phê, tôi gặp một Hà Nội được hiện thân qua Nguyễn Đình Toàn.

Dòng chữ đầu tiên trong “Áo Mơ Phai” của Nguyễn Đình Toàn là: Hà Nội 1954.

Rồi chấm xuống hàng.

Câu kế tiếp là nói về hơi lạnh mùa thu, rồi câu kế tiếp là nói về sương mù Hồ Gươm. Tới đoạn thứ tư là hình ảnh Tháp Rùa như lún sâu xuống  đáy hồ. Đó là những chữ rất mực đơn giản, viết rất lặng lẽ, không có chữ Hán Việt uyên bác nào, nhưng chở theo trong đó là khói sương Hà Nội.

Sau này, trong những cơ duyên được gặp nhà văn Nguyễn Đình Toàn tại Quận Cam, tôi nhận ra chữ đúng là người: lặng lẽ và đơn giản, đồng thời là sâu sắc và thơ mộng.

Tôi không nhớ chính xác được nghe thơ Nguyễn Đình Toàn qua nhạc Vũ Thành An là lúc nào. Có lẽ, từ một cơ duyên nghe nơi sân Chùa Xá Lợi, lúc đó là khi học thi Tú Tài 2. Người bạn thân, tên Cung Nhật Thành, vào một buổi chiều, mang theo cây đàn guitar, hát nhiều bài trong đó có hai ca khúc “Em Đến Thăm Anh Đêm 30” và “Tình Khúc Thứ Nhất” – nói là thơ Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An.

Nhiều thập niên sau, nhìn trên một vài mạng, tôi thấy ghi tác giả là Nguyễn Đình Toàn và Vũ Thành An, có vẻ như sáng tác chung. Thế nào thì không biết, và sau này tôi cũng không hỏi trực tiếp khi gặp nhà văn họ Nguyễn (lúc đó, tôi tự nhủ: có ai lại đi hỏi xem sương buổi sáng từ đâu tới?), nhưng chữ nghĩa đúng là phong cách Nguyễn Đình Toàn, không thể nào của bất kỳ ai khác.

Tên bạn không phải ca sĩ  chuyên nghiệp, giọng cũng khá, nhưng cảm xúc của tôi khi nghe buổi chiều đó thật khó quên. Cả hai ca khúc đều lãng đãng sương mù Hà Nội.
Lúc đó, Nguyễn Đình Toàn nổi tiếng nhất là qua chương trình Nhạc Chủ Đề. Giọng Hà Nội của ông nói trên đài  phát thanh là tuyệt vời, nhưng tôi không có thì giờ theo dõi, vì tuổi trẻ thời trước 1975 chỉ lo học cũng đủ hết ngày giờ. Chỉ nhớ nhất là thỉnh thoảng nghe, nhận thấy lời giới thiệu rất mực thơ mộng, không phải nhà thơ sẽ không có những lời như thế.

Cũng nhớ nhất về chương trình Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn là cách ngưng giữa một số chữ, khi đọc những chữ khởi đầu  chương trình: “Đây -- là chương trình - Nhạc Chủ Đề…”

Trong trí nhớ thời mới lớn của tôi là như thế. Sau này tôi nghiệm ra cũng có nhiều bạn y hệt như mình: một thời ký ức thời mới lớn là không gian Nguyễn Đình Toàn, mơ hồ như sương khói nhưng không nhầm lẫn được. Kể cả các bạn nữ, như cô Hà ở Úc châu, hay như nhà văn Lưu Na ở Hoa Kỳ. Nguyễn Đình Toàn với tôi là một tượng đài Hà Nội, lung linh như sương khói, đẹp lặng lẽ -- cả trong ký ức và cả tới bây giờ.

Sau này, nhà văn Nguyễn Đình Toàn sáng tác nhạc, in CD. Chỗ này xin nói rõ, tôi là một người không uyên bác về nhạc, cho nên dựa vào cảm xúc là chính, không biết gì để nói về những phức tạp như hợp âm hay giai điệu.

Chữ của Nguyễn Đình Toàn đơn giản, nhưng sang trọng, hình ảnh nhiều chất thơ. Nhiều khi nghe qua câu nhạc, chúng ta không nhớ chính xác từng chữ, nhưng hình ảnh trong chữ dễ dàng in sâu trong trí nhớ chúng ta, vì trong các chữ rất mực đời thường của ông là một chất thơ rất mực nồng nàn với cuộc đời và với con người.

Như trong ca khúc “Riêng tôi nhớ người,” Nguyễn Đình Toàn viết:

Ôi son trên môi còn in dấu người
Và tóc như dao chia tình đôi
Đêm hay gương soi nỗi buồn xa ấy
Yêu người đã bỏ đời vui…

Chỗ này cũng nên ghi thêm: chính tả của tôi có thể sai, vì có khi nghe không chính xác giữa các chữ có phụ âm như d và gi...

Dù vậy, một trong những ca khúc của Nguyễn Đình Toàn tôi nghe hoài vẫn thấy hay là bản “Căn nhà xưa” – nơi đây là những chữ đơn giản nhưng các hình ảnh rất buồn khắc sâu vào lòng, dòng nhạc dịu dàng y hệt như điệu ru  ca dao:

Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe nắng rộn trên mái
Ở đó có những lũ sên bò quanh
Những vết nứt rêu tường xanh
Có giếng nước soi trời trong…

Đó cũng chính là một quê hương đầy nước mắt của tôi, nơi hơn nửa đời người tôi vẫn chưa về thăm. Nơi đây, nơi miền Nam California này,  Nguyễn Đình Toàn bây giờ đã trở thành khung trời Sài Gòn trong ký ức tôi.

Làm thế nào âm nhạc Nguyễn Đình Toàn đã có sức mạnh như thế? Đó là một ẩn mật của cõi này, và tôi sẽ không bao giờ có thể hiểu được.
Nguyễn Đình Toàn: một nhà văn lặng lẽ, sống giữa một Quận Cam ồn ào vô cùng tận, nhưng vẫn thu hẹp về một thế giới riêng. Nơi đó lẽ ra không phải là không gian của Nguyễn Đình Toàn, một người bay bổng trong chữ nghĩa và âm thanh, cao thật cao và xa thật xa – cách biệt những chung cư  và đường phố thị trấn Westminster.

Nguyễn Đình Toàn trong tôi là một khung trời Hà Nội, nơi tôi chưa từng tới, và rồi cũng là một ký ức Sài Gòn, nơi nuôi dưỡng từng tế bào và máu thịt tôi. Tôi đã từng thầm lặng mang ơn ông, nhưng chưa bao giờ nói lên, vì sợ là chữ mình nói lên sẽ có gì như bất toàn. Bây giờ, tôi viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn chữ nghĩa và âm nhạc của ông: một tầng trời thơ mộng cao thật cao, nhưng đã trở thành một phần hơi thở của tôi..

Dưới đây là sơ lược tiểu sử nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, dựa theo Wikipedia.
Sinh ngày 6 tháng 9/1936, tại huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (về sau đổi thành quận Gia Lâm thuộc tỉnh Gia Lâm) và di cư vào Nam năm 1954.
Còn có bút hiệu là Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.
Có nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.

Thực hiện chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên đài phát thanh quốc gia VTVN mỗi tối Thứ Năm.
Sau năm 1975, ông bị chính quyền Cộng sản bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California.
Một số bản nhạc của ông được nhiều người biết đến, trong đó có "Em Đến Thăm Anh Đêm 30” và "Tình khúc thứ nhất" do Vũ Thành An phổ nhạc. Ca sĩ Khánh Ly đã thâu âm và phát hành 2 đĩa nhạc với nhiều sáng tác mới của ông.
PTH

No comments:

Post a Comment