Tuesday, May 7, 2019

BIỆT MINH KỲ


Huyền Chiêu

Nhạc sĩ Minh Kỳ và tác phẩm

“Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! hãy nói…”

Nhạc sĩ Minh Kỳ có lẽ là người tù cải tạo chết sớm nhất, một cách đau đớn, khi chỉ mới bị tập trung chứ chưa được chở ra Bắc.

Ông mất ngày 31 tháng 8 năm 1975 tại trại An Dưỡng Biên Hòa cùng những sĩ quan VNCH khác vì một trái lựu đạn ai đó quăng vào trại.

Ôi! Bảo rằng hòa bình đã đến mà mạng người rẻ đến thế sao?

Nhưng sao gọi là Trại An Dưỡng?
“Trại An Dưỡng này, trước là một khu quân sự, về sau đuợc chỉnh trang lại để tiếp nhận những quân nhân tù binh của ta được miền Bắc trao trả theo hiệp định Paris. Họ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng cả sức khỏe lẫn tinh thần ở trại An Dưỡng này trước khi trở về đơn vị cũ và gia đình.” (*)

Năm đó ông 45 tuổi.

Thật bàng hoàng thương xót cho người nhạc sĩ rất thân quen với người dân Nha Trang.
“Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa”
Nghe bài hát, cứ tưởng tác giả là người Nha Trang, nhưng Minh Kỳ gốc Huế, một hoàng thân ngang vai với vua Bảo Đại Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Tên ông là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, cháu năm đời của vua Minh Mạng.

Ca khúc Nha Trang được viết từ thập niên 50, cho đến nay người Nha Trang lưu lạc khắp bốn phương trời vẫn thấy lòng bồi hồi khi nghe câu hát:

“Còn đâu những chiều vui xưa
Còn đâu những chiều say sưa
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
Còn đâu Tháp Bà êm mơ
Còn đâu đá Chồng bơ vơ
Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ.”
(Nha Trang – Minh Kỳ- Hồ Đình Phương)

Miền Nam chỉ được yên bình một thời gian ngắn, rồi tất cả đều bị lôi cuốn vào cuộc chiến mới tàn khốc hơn, phi lý hơn.

Tội nghiệp cho chàng học trò chân yếu tay mềm của Minh Kỳ lần đầu đi cầm súng.
“Bạn ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi.
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong hồn tôi.”
(Biệt Kinh Kỳ – Minh Kỳ)

Khác với tâm trạng người lính bi quan, đau khổ của Trúc Phương, người lính của Minh Kỳ luôn lạc quan yêu đời và tin vào một ngày mai tươi đẹp.

Tâm hồn chàng thư sinh ấy còn chưa phai hình ảnh lãng mạn của người chinh phu trong giờ Việt văn ở trường:

“Chàng từ đi vào nơi gió cát
Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao”
(Chinh Phụ Ngâm)

Và chàng mơ mộng một ngày về hát khúc hoan ca.

“Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên.”
(Biệt Kinh Kỳ)

Chàng lính thư sinh ấy tất nhiên cũng vương vấn trong hồn hình ảnh một nàng áo xanh, áo trắng nào đó:

“Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ
Tà áo em xanh màu mắt ngây thơ
Nụ cười hồn nhiên không vương sầu nhớ
Lời ca vang bên gác nhỏ
Tiếng tơ êm đềm trong ngõ”
(Tiếng hát học trò – Minh Kỳ – Nguyễn Hiền)

Các nhân vật trong nhạc Minh Kỳ sao quá đáng yêu.
Cảnh sắc chung quanh Minh Kỳ sao quá rộn ràng, bừng bừng sức sống.

Minh Kỳ viết rất nhiều ca khúc về mùa xuân.
Không thể quên “Cánh Thiệp Đầu Xuân”, “Đón Xuân Hòa Bình”, “Xuân Đã Về”, “Hạnh Phúc Đầu Xuân”… Nhạc xuân của Minh Kỳ là tiếng reo ca của một đất nước thanh bình, tươi đẹp…

Mùa thu của Minh Kỳ không u buồn như những “Mùa Thu Chết”.
Khác với “Giọt Mưa Thu” não nề của Đặng Thế Phong, “Mấy Độ Thu Về“ của Minh Kỳ tươi thắm, xinh đẹp, ngập tràn hy vọng:

“Chiến tuyến người trai ôm súng ước mơ
Rũ chinh y trọn ước với câu thề
Theo lối về thôn cũ đường thắm hoa
Gió trăng lạnh tình không phai niềm nhớ

Quê cũ mùa trăng thu ngát ý thơ
Bên sông xưa rộn rã tiếng khoan hò
Cô lái đò đôi má hồng ước mơ
Đón Anh về ghi chép nốt vần thơ.”

Trời hỡi! Vì sao một tâm hồn tràn ngập niềm yêu đời, yêu người đã phải chết một cách đau đớn, oan nghiệt?
Tưởng nhớ nhạc sĩ Minh Kỳ
Vĩnh Biệt hoàng thân Vĩnh Mỹ, người bạn thân thiết của Nha Trang.
Tháng tư buồn thảm, xin thắp cho ông nén hương và xin ông hãy tin rằng những ca khúc của Minh Kỳ sẽ luôn được yêu mến, sẽ vĩnh cửu cùng năm tháng.

Tháng tư 2019
HUYỀN CHIÊU

(*) trích trong “Cái Chết Oan Khuất Của Nhạc Sĩ Minh Kỳ” của Phạm Tín An Ninh.




No comments:

Post a Comment