Sunday, September 17, 2017

BÓNG ƠI, GIÓ ƠI


Hồ Đình Nghiêm

Nguyễn Thị Khánh Minh 2016

Tiếng ai vừa gọi?
Mình thích chữ ơi vô cùng. Mình ơi!
Hey honey làm sao sánh được? Gọi gió, gọi bóng, hình như là chữ của nhà thơ nữ Nguyễn Thị Khánh Minh? Gió thổi bóng bay? Hay chiếc bóng tách biệt thân người mãi đọng chiếu, in vào vách? (Nói theo kiểu nhà văn nữ Tuý Hồng: Tôi nhìn tôi trên vách). Có một lúc nào đó, tên của một người sẽ in vào trí nhớ bạn, thời gian gần đây “chất xám” mình lưu trữ tên người ở chốn xa: Nguyễn Thị Khánh Minh.

Khi đọc thấy loạt bài mình cả gan đi phỏng vấn “thân bằng quyến thuộc” trong văn giới, chủ nhân “xin những tình thân ái còn hoài như hôm nay”, chị Trần Thị Nguyệt Mai đã viết thư bày tỏ: “Tôi mong muốn được đọc bài anh thưa chuyện cùng chị Khánh Minh”. Cuối thư, chị ấy nhắc khéo: “Mà anh nhớ cho một điều, dạo này chị Khánh Minh không được khoẻ lắm…”

Cái tái bút nầy làm mình đăm chiêu, lần khân. Đường đột xông vào nhà hỏi chuyện người ta đã là “vô phép”, phương chi biết người ta đang ấm người, nhác chơi thì rõ là cố tình gây nhiễu sự, tội khó thứ tha.

Mình đọc ở Gió-O của chị Lê Thị Huệ, từng phỏng vấn chị Nguyễn Thị Khánh Minh, trong ấy có chút trải lòng: “…một phần vì bệnh tật tôi không giao thiệp nhiều”. Một câu ngắn nhưng chở theo hai vấn nạn: Không khoẻ và sống khép kín. Mình nghĩ thầm, cái vụ này đúng là đồng bệnh tương lân. Mình cũng rứa, mình xêm xêm, mình chín lạng nửa cân, mình nhác ăn nhác chơi và mình luôn “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Hai người như thế khi được dịp cà kê dê ngỗng chẳng biết lời qua tiếng lại có nhạt như nước ốc, đục như nước vo gạo và mong chi tìm vị ngọt nơi trái bồ hòn. Khoan khoan chớ vội luận bàn, biết đâu khi ấy lâm sàng nỗi vui. Người Nam gọi là “nói vậy mà hổng phải dậy!”. Hãy đè nén sự bất ngờ kia lại, đợi sách chị ấy sắp chào đời rồi hẳn hay.

Nguyễn Thị Khánh Minh là ai? Dạ thưa, chị ấy tốt nghiệp cử nhân Luật, khoá cuối, vào tháng 12 năm 1974 ở Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Năm tháng ấy mình chỉ mới học năm thứ nhất ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Những con số kia, những cột mốc nọ nhằm so sánh, đối chiếu để làm rõ một khoảng cách giữa chân đi trước sau của chị Nguyễn Thị Khánh Minh và mình. Có nghĩa là đầu tháng 3 năm 1975 khi mình từ Huế chạy vào được Sài Gòn, tơi tả vác mạng ù đến trường Luật, chìa thẻ sinh viên từ miền Trung di tản vào và nhận được một số tiền uỷ lạo do tổng hội sinh viên Sài Gòn hảo tâm “lá lành đùm lá rách”. Cũng có nghĩa là những anh chị làm việc thiện nguyện trong nắng xuân kia, họ là khoá đàn em của đàn chị Nguyễn Thị Khánh Minh. Giờ này họ ở đâu? Những khuôn mặt tươi đẹp ửng hồng, những giọt mồ hôi tươm đầy trán rịn ướt tóc mai, những phong bao đựng tiền. Tóc ơi. Gió ơi. Tình ơi. Bầu ơi. Bí ơi. Mây ơi. Xa ơi. Lạc ơi…

Tốt nghiệp xong, rời trường Luật rồi chẳng nghe chị tâm sự thêm. Ở mãi với Sài Gòn hay về miền cát trắng Nha Trang? Chị viết tản văn, chị làm thơ và dần dà chị đã in ra nhiều tác phẩm. Kể từ năm 1991 đầu sách lần lượt góp mặt, nhiều hơn con số 7 (Thất Tuyệt chứ không phải Bảy ngày đợi mong). Bất ngờ là không chỉ riêng thi phẩm, sách của chị còn lan man qua địa hạt khác, như “Tự Điển Việt-Anh-Hoa” xuất bản năm 1997. Như “Danh Ngôn Đông Tây” (song ngữ Anh-Việt, Pháp-Việt) xuất bản năm 1999.

Võ hiệp kỳ tình giả tưởng có môn võ “Song Thủ Hổ Bát”. Kim Dung có bàn tới món kung fu “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” và mình thì bị vây khổn giữa trận đồ thực hư: Giả như mình vung đao đả thương kẻ bàng đạo, bị điệu ra toà, luật sư biện hộ Nguyễn Thị Khánh Minh có giúp mình trắng án không? Thưa quý toà, hắn là đứa không biết cách trói gà, tâm tính lại quàng xiên mơ tưởng những chuyện xa vời, cứ đêm thức ngày ngủ, hắn nào có vũ khí, bất quá chỉ là ngòi viết lá tre đã mòn lưỡi, áo lấm lem mực, hắn thực chẳng đáng bị nhập kho.

Dẫu sao Nguyễn Thị Khánh Minh là người “hùng biện” làm xiêu đổ lập trường vô căn cớ của mình: Trong thiên hạ dễ có mấy luật sư giỏi luận cứ lại đâm ghiền làm thơ, mà thơ ấy rất mực dịu dàng, thơ mộng, đầy hình ảnh mông lung tới mượt mà. Chị từng phát biểu: “… mà đúng là thơ thì phải đáp ứng được cái, tôi cho là tối thiểu, là thẩm mỹ từ của Thơ…”

Lê Thị Huệ khi nhắc tên Nguyễn Thị Khánh Minh đã dùng từ cô đọng: “Đương Đại & Vượt Trội”. Cõi thơ riêng lạ của chị đã có lắm người tài hoa ca ngợi, như nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, như nhà thơ Du Tử Lê, như người chuyên sâu tu tập thiền Phan Tấn Hải, như nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ… Toàn cả những tiếng vọng đầy uy tín, đầy nội lực. Mình từng ném đồng xu xuống giếng ước, mất tăm mất tích tuyệt không một âm hao. Tạt một gáo nước lạnh vào mặt chẳng biết có lại thần hồn. Tài hèn sức mọn nhưng còn hay biết ngoài cõi thơ văn kia có lắm chưởng môn Tài ơi, Giỏi ơi, Hay ơi.. thi triển hộ những đường quyền huê dạng mà kẻ khác chẳng sở hữu được.

Vắng mợ chợ vẫn đông, thì biết vậy, nhưng có thêm mợ… nào có ai ngăn sông cấm chợ đâu nào! Một ngày trời quang mây tạnh mợ sẽ xách giỏ lân la góp mặt. Dạ thưa chị, chị có khoẻ không? Trước tiên, xin hãy chúc chị khoẻ lại cái đã, mọi cái khác từ từ tính sau. Nói theo cổ thư: Xem sang hồi sau sẽ rõ. Nhất định là báo Cali không qua chậm một kỳ.

H ĐÌNH NGHIÊM

No comments:

Post a Comment