Thursday, November 10, 2011


trầnphùthế


Tấm lòng
người lính miền nam cầm bút,
đối với văn học miền nam




     Cuối thập niên 60. Tôi đã đọc văn, thơ Trần Hoài Thư trên các tạp chí: Bách Khoa, Khởi Hành, Văn..., Tôi thực sự biết anh khoảng đầu thập niên 70. Tôi từ Gia Định về Cần Thơ thăm nhà đã gặp gỡ anh tại BTL/QĐ4. Thời gian đó anh là phóng viên mặt trận cho Quân Khu 4. Tuy mới quen nhau lần đầu nhưng tình chiến hữu, tình văn nghệ coi như đã thân nhau từ lâu. Tôi còn nhớ lúc đó dù đang bận công việc nhưng khi tôi ngõ ý cùng nhau ra quán, anh vui vẽ nhận lời. Sau đó, mỗi lần về phép tôi đều ghé thăm anh, kêu thêm Trần Kiêu Bạt, Phù Sa Lộc cà phê, cà pháo hoặc tạt ngang quán nhậu bình dân nào đó cho tới khuya tan hàng.
      Sau tháng tư bảy lăm. Trần Hoài Thư và tôi đều đi tù cải tạo. Tháng sáu bảy sáu, tôi bị chuyển trại đưa xuống U Minh phá rừng làm ruộng. Tháng mười chuyễn trại về kinh Tám Ngàn, nơi đây gặp lại Trần Hoài Thư. Hai đứa nhìn nhau như hai con khô cá hố, tên nào cũng xơ xác, ốm nhom ốm nhách. Chỉ hỏi thăm nhau mấy câu, rồi chia tay mỗi đứa một nơi. Mãi hai mươi bảy năm sau tôi mới có cơ hội gặp lại Trần Hoài Thư trong tiệc cưới của cháu Thoại (con trai của anh chị Trần Hoài Thư). Và cũng dịp nầy tôi nhận hai trăm tập thơ " Giỡn Bóng Chiêm Bao " do Thư Ấn Quán vừa in xong còn thơm mùi mực mới. Trong bài " Gặp Bạn Ở Xứ Người " in phần phụ lục tập thơ " GBCB", Trần Hoài Thư viết "Bây giờ chúng tôi là hai kẻ may mắn hay là hai kẻ lạc bầy. Những khổ nạn của bạn bè chúng tôi không gánh hết, đất đai sông rạch phù sa phì nhiêu như vậy, bao dung như vậy, chúng tôi cũng đành bỏ xa...Ngay cả những bài thơ cũ của một thời yêu dấu lắm nhưng gian nan cũng lắm cũng đành đốt hủy... Nhớ bạn, biết bạn một thời làm thơ rất hay, đọc đến thuộc lòng, mà giờ cũng đành tạ tình. Quên hết. Hay nếu có nhớ chăng thì một vài câu....Cùng lứa, cùng thế hệ, cùng giòng máu văn nghệ mà như vậy, huống hồ là thế hệ con cháu mình. Có phải?" Và anh viết tiếp:
    "Không ngờ một ngày tôi bắt được liên lạc lại với anh. Và biết anh tiếp tục làm thơ, tiếp tục giỡn bóng chiêm bao nơi đất khách.. Mừng lắm."
      Và hôm nay, tôi còn mừng hơn nữa khi tạp chí văn học nghệ thuật "Thư Quán Bản Thảo" do anh chủ trương sẽ sinh nhật vào tháng 10/2011 vừa tròn mười một tuổi. Mười một năm, nếu nhiều người cùng làm việc thì thành quả cũng không có gì to lớn . Trường hợp Trần Hoài Thư thì khác. Mấy năm gần đây, vì lý do sức khỏe nhà văn Phạm Văn Nhàn đã bàn giao công việc chọn bài vở lại cho anh. Thử nghĩ, một mình một xe ( nhiều lúc có bà xã giúp sức), cầm bút thay súng ngày xưa, giang hồ ngang dọc tung hoành các thư viện lớn của nước Mỹ. Tất cả cho Thư Quán Bản Thảo thì tôi nghĩ đời nầy chỉ có mình anh là một. Thật vậy, một mình Trần Hoài Thư tả xung hữu đột, ngày ngày vật lộn với tạp chí Thư Quán Bản Thảo, từ khâu liên lạc các tác giả, khâu chọn bài vở layout. Hơn thế nữa,anh phải đìều khiển cả nhà in mà máy móc cũ phần lớn là mua những nơi đấu giá hoặc chợ trời. Anh tâm sự, hàng ngày lên internet rà tới rà lui. Coi chỗ nào sale rẽ thì mua liền. Có khi mang về không sử dụng được thì mày mò sửa cho đến khi nào tốt thì thôi. Còn nữa, anh kể tiềp, nhiều lần, rất nhiều hôm vợ chồng anh bất kể mưa gió hay tuyết đầy trời. Anh chị vượt đường dài năm trăm mile đến thư viện Cornell để sưu tìm bài vở cho  những số chủ đề đặc biệt. Có lần anh đi một mình vào mùa đông. Sau khi xong việc, từ Nữu Ước về, vừa mệt vừa buồn ngủ, mắt lại nhìn không rõ , nên xe đã ủi vào đụn tuyết bên lề. Tuyết ngập cả nửa xe không sao lùi lại được đành gọi Police cứu giúp. Tôi nghĩ, nếu Trần Hoài Thư không có tấm lòng rộng lớn đối với văn học nhân bản, khai phóng miền Nam thì không thể nào anh làm nổi công việc to tát mà anh đang làm. Tôi rất đồng ý với các nhà thơ, nhà văn:
   - Nguyễn Xuân Thiệp viết:  Khâm phục tấm lòng và việc làm của Trần Hoài Thư. Bạn đã đóng góp rất lớn vào việc giữ gìn và quảng bá Văn Học Miền Nam.
   - Nam Dao viết:  Cám ơn anh Trần Hoài Thư: công việc anh làm rất quí, " Nước chảy dễ gì trôi bóng chữ ", thưa anh .
   - Mặc Lâm viết: Nhà văn Trần Hoài Thư cũng như nhiều người yêu văn chương khác đang âm thầm cống hiến công sức của mình để trả lại cho nền văn học tuy ngắn ngủi nhưng không kém sinh động vì thực chứng một giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử cận đại. Nền văn chương này nói như Trần Hoài Thư là cải tử cho nó sau khi bị truy diệt tận tình trong những năm sau 30 tháng tư.
    Tạp chí văn học nghệ thuật Thư Quán Bản Thảo số đấu tiên phát hành vào tháng 11/2000. Thực hiện gồm bốn người: Trần Hoài Thư ( USA ) phụ trách kỹ thuật, in ấn, sưu tập. Phạm Văn Nhàn ( USA ) phụ trách bài vỡ. Cao Vị Khanh (Canada ). Trần Bang Thạch ( USA ). Lúc đầu chỉ phổ biến trong vòng anh em văn nghệ và thân hữu.
    Thời gian sau vì nhu cầu đọc giả nên phổ biến tương đối rộng rãi từ Hải Ngoại cho đến trong nước (VN). Theo Trần Hoài Thư cho biết "Từ 100 trang cho số 1, 2, tăng lên 200 trang cho số 3 và có số (41): 255 trang. Và cho đến tháng 10/2011, trải qua 11 năm đã phát hành đến số (49) với chủ đề GIÁNG SINH. Và tính sơ sơ Thư Ấn Quán đã in cho riêng phần Thư Quán Bản Thảo và các phụ bản hơn mười lăm ngàn trang . Một thành quả làm ấm lòng những người yêu văn học miền Nam. Để cho đọc giả có một cái nhìn trung thực hơn. Xin mời đọc giả cùng nghe một đoạn trò chuyện giữa nhà văn Trần Doãn Nho và nhà văn trần Hoài Thư về Thư Quán Bản Thảo:

     Trần Doãn Nho (TDN): Tại sao là Thư Quán Bản Thảo ?
     Trần Hoài Thư ( THT ): Bây giờ không giấu gì anh. "Bản Thảo" tôi lấy từ Ý Thức Bản Thảo, tên một tạp chí bất định kỳ trong nước ra một năm một số, mục đích là phổ biến văn chương nghệ thuật rất hạn chế trong vòng anh em thân hữu từng cộng tác với tạp chí Ý Thức trước năm 1975. Nó nói lên một điều: những người cầm bút trẻ thời trước năm 1975 vẫn tiếp tục viết, vẫn còn say mê với chữ nghĩa. Tôi đã tìm qua hai chữ Bản Thảo một ý nghĩa bi tráng hơn: văn chương bộ lạc*. Và tôi đã từng dùng tiếng “bản thảo” này như một sự cảm thông, chia xẻ với anh em cầm bút trong nước. Còn Thư Quán thì chắc anh hiểu rồi. Thư là tên tôi. Vậy thôi.
    Và theo lời Trần Hoài Thư, Tạp chí Thư Quán Bản Thảo không nhất thiết chủ trương sưu tập để đăng lại những tác phẩm của các tác giả cũ. Với khoảng 230 trang, chúng tôi thường dành 100 trang cho một chủ đề nào đó. Ví dụ chủ đề Nguyễn Bắc Sơn (số 20). Nguyễn Nho Sa Mạc ( số 26 ). Hoài Khanh ( số 24 )...Hay " thơ văn khói lửa ". Phần còn lại dành cho những bài vở sáng tác do thân hữu gởi về đóng góp.
   Đến đây, tôi trực nhớ có lần trong bữa gặp gỡ bạn bè văn nghệ, có người nói với tôi nhân bàn về các tạp chí văn học nghệ thuật tại Hải Ngoại rằng là: "Thư Quán Bản Thảo chủ trương đăng lại những tác phẩm cũ của những cây viết trước năm bảy lăm. Bài vở không có gì mới lạ, đọc nhàm chán ".

   Nghe xong tôi im lặng nhìn chỗ khác. Tôi không thích tranh cãi về một vấn đề nào mà người phát biểu không biết mình nói cái gì. Sở dĩ bữa nay tôi nhắc lại câu nói trên là nếu người đó may mắn sẽ được đọc câu trả lời của nhà văn Trần Hoài Thư trò chuyện cùng nhà văn Trần Doãn Nho nơi đoạn trích nầy. Nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ thật là hay.

     Phần cuối bài trò chuyện cùng Trần Hoài Thư; nhà văn trần Doãn Nho nói: “ ...anh Thư, tôi còn một câu hỏi cuối cùng, dự tính của anh trong những tháng ngày sắp tới ?”
     Trần Hoài Thư: "Sẽ cố tiếp tục sưu tầm và xuất bản các tác phẩm và tác giả sống và viết ngoài vòng đai. Và dĩ nhiên, vẫn viết văn làm thơ, vẫn in sách của bằng hữu, và của mình, vẫn xúc tiến tạp chí Thư Quán Bản Thảo mặc dù không còn thường xuyên như trước. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe nữa...” Và Trần Hoài Thư kể tiếp: “Đối với tôi, những tác giả trong thời chiến là thiệt thòi nhất. Họ đâu có ở Sàigòn, họ phải ra mặt trận, vừa đánh trận vừa viết, không có cơ hội để xuất bản. Thỉnh thoảng có một bài đăng báo là vui rồi. Rồi họ bị bức tử từ năm 1975, không ai đếm xỉa đến văn chương của họ. Tôi muốn lấy lại danh dự cho họ. "

     Với câu nói đầy tâm huyết phơi bày ruột gan của nhà thơ/văn Trần Hoài Thư nêu trên. Với tấm lòng hiến dâng tất cả những gì anh đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm cho nền văn học hai mươi năm của miền Nam Việt Nam. Tôi nghiêng mình cảm phục.

     Xin cám ơn anh: TRẦN HOÀI THƯ.

                                                                                TPT.



* " .... một nhóm người mất hết buôn bản, dắt dìu nhau giữa một thế giới không thuộc về của họ. Ở Mỹ chúng ta vẫn hằng nghe về bộ lạc da đỏ. Họ tụ tập nhau, nhảy múa và hát những bài hát cổ truyền quanh lửa trại. Ở đây, không phải nhảy múa mà là sáng tác, văn chương... " ( trầnhoàithư ).

No comments:

Post a Comment