Nguyễn
Đình Toàn
và
một chiều nhạc thính phòng
Phan Quốc Sơn
Photo: Phan Quoc Son
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn bắt
đầu sự nghiệp văn chương vào năm 1962 bằng cuốn truyện dài “Chị Em Hải” do NXB
Tự Do ấn hành.
Suốt mười năm sau đó, ông cho
ra đời thêm 10 tác phẩm, gồm truyện ngắn, truyện dài, trong đó có cuốn “Áo Mơ
Phai” được trao tặng Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1972, chính nó đã
làm ông khốn đốn không ít trong tù cải tạo sau năm 1975. Ngoài ra ông còn là
một nhà thơ với tập thơ Mật Đắng.
Sau thời Đệ Nhị Cộng Hòa
1963, ông là người khai sinh chương trình Nhạc Chủ Đề, phát thanh hàng tuần
trên đài Sài Gòn, đặc biệt với lời dẫn nhập do chính ông đọc và viết cho mỗi
bài hát. Theo Quỳnh Giao: “Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn
phong ông cổ điển, khác với lời viết của Mai Thảo, hay lời nhạc của Trịnh Công
Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc. Chương trình ăn khách và tạo ra một
trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ của Nguyễn Đình
Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu ‘Hỡi em yêu dấu’ như chỉ nói với một
người. Qua làn sóng điện người nghe thấy lời thì thầm với riêng mình những cảm
xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng, điệu nghệ,
để người nghe chuẩn bị đón nhận. Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn đã là nơi báo
hiệu hào quang lên các ca sĩ sau này là những tên tuổi lẫy lừng như Sĩ Phú,
Khánh Ly, Lệ Thu.” Kéo dài trong nhiều năm chương trình Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn trên đài phát thanh Sài Gòn dạo ấy đã nói lên mức độ thành công, ưa thích của thính giả. Ngày nay ở nước ngoài, chúng ta còn thấy CD Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn 1970, Tình Ca Việt Nam, đánh dấu cho giai đoạn ấy.
Ngoài biệt tài văn chương và
làm phát thanh (Nhạc Chủ Đề) Nguyễn Đình Toàn còn được biết là người đã viết
lời cho hai ca khúc “Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi” nhạc
của Vũ Thành An trước năm 1975, và về sau này bản “Còn Tiếng Hát Gửi Người”
nhạc của Trần Quang Lộc.
Ông còn là nhạc sĩ sáng tác
khá nhiều ca khúc trong những năm về sau, nhưng biến cố 1975 đã làm chìm khuất
đi. Đặc biệt có một bài hát về thành phố Sài Gòn được người trong nước lẫn
ngoài nước biết đến nhiều nhất. Hãy nghe lời kể của Khánh Ly: “Tôi nhận được
nhiều bài hát từ người vượt biển. Cùng thời gian đó, từ Pháp gửi qua cho tôi
một số bài hát ký tên Hồng Ngọc, trong số có bài ‘Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên.’
Thực tế bài hát đó có tựa nguyên thủy là ‘Nước Mắt Cho Sài Gòn.’ Ông Võ Văn Ái
đã đổi tựa và viết thêm lời. Hồng Ngọc là bút hiệu của Nguyễn Đình Toàn.” (Hồi
ký Khánh Ly) Sau khi định cư tại Mỹ, ca khúc Nguyễn Đình Toàn được trình bày bởi giọng hát Khánh Ly qua 2 CD “Hiên Cúc Vàng” và “Mưa Trên Cây Hoàng Lan”; và CD “Tôi Muốn Nói Với Em” gồm nhiều giọng hát như Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Anh Dũng, Mai Hương...
Khanh Ly & Hien Cuc Vang của Nguyễn Đình Toàn
Nhận thấy đây là vóc dáng lớn
trong giới làm nghệ thuật của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, các bạn trẻ
trong nhóm thân hữu Viện Việt Học miền Nam California có nhã ý tổ chức một
chiều nhạc thính phòng Nguyễn Đình Toàn, vừa để vinh danh nhạc sĩ, vừa để giới
thiệu lần đầu thông điệp nghệ thuật phản ảnh nhiều cảm xúc thời đại của một
người đã từng trải cuộc đời qua những giai đoạn đầy biến động đau thương của
đất nước.
Với sự đồng ý của tác giả,
lần đầu tiên gần 20 ca khúc sẽ được gửi tới khán giả quận Cam, sẽ được diễn tả
bằng các giọng hát mới đã được chọn lọc từ các buổi trình diễn nhạc thính phòng
tại Viện Việt Học, hay được mời từ ban nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, ban Ngàn
Khơi các giọng hát Mộng Thủy, Anh Dũng, Vương Lan, Mai Dung, Bích Huyền, Tạ
Chương, Hàn Phúc, Thanh Thúy, Khang Huy, Quang Thái, Ái Phương, Khắc Hiền, Ngọc
Thủy. Phần guitar sẽ do Lê Từ Phong và phần Piano sẽ do Quốc Vũ phụ trách. Phần
điều hợp chương trình gồm có Mai Dung, Bùi Đường và Ngọc Thủy.
Một giọng hát tiêu biểu trong
chiều nhạc Nguyễn Đình Toàn là của ca sĩ Anh Dũng. Anh được các bạn trẻ trong
nhóm thân hữu Viện Việt Học mời, vì đây là giọng ca nam đóng góp nhiều ca khúc
trong CD nhạc Nguyễn Đình Toàn, qua đó Anh Dũng đã thành công xuất sắc trong
Tình Khúc Thứ Nhất là một ca khúc rất kén giọng nam; và bài “Trăng Mòn” bằng
thể điệu Blues rất đặc sắc. Lần đầu tiên trên sân khấu quận Cam Anh Dũng sẽ
cống hiến người nghe 2 nhạc phẩm này.
Giọng hát Mộng Thủy là một
khám phá lớn nhất của nhạc sĩ Phạm Duy vào những năm sau cùng ông còn lại trên
đất Mỹ. Mộng Thủy là tiếng hát duy nhất trong CD “Trăm Năm Bến Cũ” nhạc của
Phạm Duy, trong đó ông đặc biệt dành một số bài hát lần đầu tiên cho tiếng hát
này trình bày. Giọng hát Mộng Thủy đẹp và óng chuốt. Cô tốt nghiệp ngành âm
nhạc tại đại học Hoa Kỳ. Là một trong những giọng ca từng cộng tác với Hội Hiếu
Nhạc Việt Mỹ. Hiện cô là giáo sư dương cầm. Cô sẽ là giọng nữ đầu tiên trình
bày trên sân khấu bài “Còn Tiếng Hát Gửi Người” một sáng tác chung của Nguyễn
Đình Toàn và Trần Quang Lộc, là bài hát vốn gắn liền với giọng ca nam trầm ấm
Duy Trác. Và cô sẽ trình bày thêm một bài nữa của Nguyễn Đình Toàn có nhan đề
“Quê Hương Thu Nhỏ” một bài ca thật cảm động, diễn tả tâm trạng buồn nhớ quê
hương của những mảnh đời lưu vong.
Giọng hát Tạ Chương, con trai
của cố họa sĩ Tạ Tỵ, là một giọng nam truyền cảm. Anh hiện cư ngụ tại San
Diego. Tạ Chương sẽ trình bày 2 bài Dạ Khúc và “Một Cánh Hoa Rơi” của Nguyễn Đình
Toàn.
Riêng bài hát một thời đã làm
xúc động tâm hồn biết bao người Việt tỵ nạn ở khắp mọi nơi trên thế giới, bài
“Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” (tên đúng của tác giả đặt là Nước Mắt Cho Sài Gòn)
sẽ được song ca bởi 2 giọng nam Khang Huy và Quang Thái, cả 2 đều thuộc thế hệ
chào đời ngay sau lúc Sài Gòn bị mất tên.
Gần 20 ca khúc được gửi tới
người nghe trong chiều nhạc thính phòng này tiêu biểu cho qua trình sáng tác
của nhạc sĩ.
Bằng ngôn ngữ âm nhạc, ca
khúc của Nguyễn Đình Toàn diễn tả những xúc cảm thời đại mà ông là nhân chứng.
Thời đại trên một nửa quê hương nhiều đau khổ hơn hạnh phúc, người sống bước đi
trên tro cốt của người chết. Giống như Căn Nhà Xưa người đang sống kề bên nghĩa
trang, mà ông thấy “Có những sớm em tìm đến với những đóa hồng khép nép giữa
vòng tay ôm” (Tiếng hát Hàn Phúc).
Và nhạc của ông hát lên những
ước mơ dù cho tan vỡ, về những con đường lạc lối tìm nhau, những chia lìa giữa
người với người “Mai Tôi Đi” (tiếng hát Quang Thái); “Đường Đưa Bước Em Đi”
(tiếng hát Bích Huyền), “Nếu Mai Ngày” (Tiếng hát Khắc Hiền). Như ông đã ước mơ
một ngày hòa bình đến: “Ngày thần tiên đưa nhau đi hết Bắc Nam, ngắm nhìn cỏ
cây thăm viếng núi rừng” (Yêu Em Bỏ Tuổi Thơ Ngây, tiếng hát Mai Dung) nhưng
khi ngày ấy đến, ông chỉ ước: “Cố thắp cho em một ngọn đèn, bằng nhọc nhằn cay
đắng, của hình hài rã trong trại giam” (Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn, tiếng
hát Vương Lan và ban hợp ca). Đó là những tháng năm tổ quốc ta nhục nhằn, người
phơi người trên đau thương, dạy trẻ thơ thù oán, sợ nhau hơn bão trời cướp biển
(“Tôi Muốn Nói Với Em,” tiếng hát Vương Lan và ban hợp ca). Tác giả còn viết
lên lời ca hãy thắp cho nhau một ngọn đèn, theo tác giả, bằng lửa sầu con tim,
để xua tan bóng đêm mờ ám, hay thả đèn trôi trên sông, cầu nguyện cho những ai
trầm luân, để nhủ lòng gắng nuôi niềm tin, một ngọn đèn để dù trong xa vắng, ta
còn được cháy trong lòng nhau.
Với tâm hồn người nghệ sĩ,
tác giả muốn gửi tới mọi người chúng ta một thông điệp, có phải những thứ ấy
rốt ráo lại chính là giấc mộng. “Hãy thắp cho nhau một giấc mộng” để dù trong
tăm tối “Mộng còn biết nơi tìm sang.”
Và giấc mộng là sự cứu rỗi.
Nhóm Thân Hữu Hội Việt Học trân trọng giới thiệu:
CHIỀU NHẠC THÍNH PHÒNG NGUYỄN
ĐÌNH TOÀN
Producers : Jenny, Hàn Phúc
MC: Mai Dung, Bùi Đường
Music: Nguyễn Hùng Vũ
(Pianist), Lê Từ Phong (Guitarist)
Vocals: Mộng Thủy, Mai Dung,
Anh Dũng, Vương Lan, Tạ Chương, Hàn Phúc, Ái Phương, Bích Huyền, Khang Huy,
Quang Thái, Thanh Thúy, Khắc Hiền, Ngọc Thủy. Thời gian: 7:30 PM, Thứ Bảy, 3 Tháng Mười Hai
Địa điểm: Hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.
Vào cửa tự do.
No comments:
Post a Comment