Ngộ Không
Bản lai diện mục ký
Đọc xong đoản văn Ghi Chép Trên Bàn Viết- Chàng Phí , bụng
dạ người viết cứ chộn rộn không đâu với thứ nhất: xin chân thành cảm tạ tác giả
Lưu Na đã lao tâm khổ tứ moi móc trong bị cói cái kim rỉ sét lâu ngày cũng…bị
lòi ra. Thứ hai: người viết ngọ nguậy gì đây với hồi âm, hồi báo mươi hàng cho
phải đạo với thư bất tận ngôn ngôn bất tận ý…
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tác giả cho đi một
bài dài, nếu chỉ lẵng nhẵng một khúc, một đoạn như vậy là thất lễ với tác giả
Lưu Na. Thế nên hay là…
Hay là nhất cử
lưỡng tiện gửi đến T.Vấn & Bạn Hữu nguyên bài viết đã có sẵn có tên “Bản Lai Diện Mục Ký”. Và tự thầm nhủ
rằng bài viết ấy không ít thì nhiều cũng bộc bạch được đôi điều. Tuy nhiên, nếu
viễn kiến thấy có những vạn sự bất như ý, ngọai vật bất động kỳ tâm, xin bạn
đọc hỉ xả, niệm tình tha thứ cho người viết – Nay cẩn thư.
***
Tôi bắt đầu chuyện
viết lách như cái nghiệp dư vào cái tuổi có hơi trễ nải. Vào cái lúc những
người khác đã bẻ bút cáo lão về hưu, thong dong với ngày trời tháng Bụt thì tôi
lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc như…mõ sớm chuông chiều. Chẳng phải là nhà
văn, không dây dưa với những câu hỏi cùm nụm cùm nựu là viết cho ai? Viết để
làm gì?. Thú thực một điều, tôi viết để dối già và tự cảm thấy thích viết vậy
thôi. Vậy mà bạn bè vẫn hay nắc nỏm hỏi là chuyện có thật không? Nói cho ngay,
tôi lấy cái thật của mình để làm cái giả và lộng giả thành chân là thế. Hoặc
như gặp bằng hữu trong lúc tửu lạc vong bần, rồi góp nhặt sỏi đá qua những
chuyện họ kể lể, hiểu theo nghĩa chẳng là như thị ngã văn. Lại nữa, có một dạo
tôi giống cái đèn cù xoay quanh những nhớ thương, tiếc nuối không đâu. Tôi cứ
để hồn vía đi tận đẩu tận đâu qua Một hình bóng cũ. Một bản nhạc xưa. Những mất
mát đau thương. Những đất khách bơ vơ. Bây giờ thì tôi chán…hoang tưởng lắm
rồi. Thế nên gần đây, tôi thai nghén…một truyện ngắn có thật.
Một nhẽ khác nữa
là trào lưu văn học hôm nay, có hội chứng cho rằng người viết ngòai nước như
bật ra khỏi cái gốc, cái rễ của cây đa bến cũ, con đò xưa, nên đánh mất bản sắc,
chữ nghĩa đầy rẫy những tha hóa vong thân. Vì vậy tôi đành khăn gói gió đưa về
tận quê nhà, nghe tận tai, nhìn tận mắt, hiểu theo nghĩa là tận mục sở thị chứ
chẳng phải là dệt chuyện. Thế nên mới có bài viết này, thưa bạn đọc…
***
Suối Mơ, mùng 5 tháng
5 năm 2004.
Cũng là ngày giết
sâu bọ, cũng là ngày, tháng tôi sinh ra đời để có mặt trong cõi nhân gian phù
thế này. Bây giờ ngồi trong phòng máy lạnh bên bờ biển Đại Lãnh với cái máy vi
tính xách tay, tôi đang thừ người ra đi tìm một cốt truyện cho một chuyến đi.
Chợt nhớ ra một nhà văn thành danh đã dặn dò: “Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Bạn hãy nhìn vào bức tường này. Ai
cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng bạn hãy nhìn kỹ vào đó. Hãy tìm ở đấy một
cái gì của riêng mình. Một cái gì đó không ai thấy được. Bạn hãy viết ra. Xin
cứ tin điều tôi nói: Bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn…”.
Như một thiền sư
đang thiền quán, thiền định vào một cái vòng tròn to bằng hạt cát. Và đợi vòng
tròn mổi lúc một bự sự bằng hòn sỏi, hòn đá, rồi to đùng bằng núi Tu Di. Ấy là
thiền sư đã đạt, đã ngộ. Riêng tôi, tôi cũng đang chòm hõm nhòm vào cái vòng
tròn không tưởng trên vách của khách sạn để đi tìm cái của riêng mình. Thế
nhưng một cái gì đó không ai thấy được càng ngày càng nhỏ lại như cái vòng kim cô
bó chặt cái đầu. Nói cho ngay là tôi đang bí đặc bí lù, vẫn chưa có một cốt
truyện nào ra hồn để vắt vai…Nhòm ra ngòai cửa sổ, tự xa xa tôi bắt gặp con suối, vắt ngang là một cái cầu khỉ và bên kia có một mái chùa chơ vơ cạnh vách núi…Đang rách chuyện, nghe láo quáo nơi ấy có cái chùa nhỏ của một ông sư mới xuống tóc, khóac áo già lam, tập đời chay tịnh để tìm về bến giác. Thấy tận mắt khung cảnh thanh tịnh và hoang vu ít…thấy. Tôi trộm nghĩ, cái người hợp với cảnh chùa đó, ắt phải là tôi, chứ còn ai trồng khoai đất này. Nên bật ra cái ý đồ là xin ông sư trụ trì dưới kia, cho tôi một nơi chốn để ngồi thiền định và tiện cho việc viết lách. Thế là tôi vớ dăm quyển sách làm tư liệu, dấm dúi vào cái ba lô con cóc, hướng về bến bãi và bước qua cầu…nhập thế tục.
Ngôi chùa nằm bên ven rừng, nhìn xuống biển xanh ngát. Bất giác tôi cười vu vơ vì rõ ra chùa không ra chùa, nhà không phải nhà. Vậy mà ngòai hành lang có treo một cái chuông và cái chày kình đã lạc tinh như một món đồ cổ. Trên sườn núi, bên tảng đá thô, dưới cây cổ thụ cành lá xum xuê, cũng có một vài cái cốc, cái am mái lợp lá dừa. Nhìn vào, trên sàn đất trải chiếu, một bàn thờ nhỏ với tượng một ông Phật cũ kỹ mốc meo. Lúc ấy, tôi xa vắng: Tượng gỗ chơ vơ ngồi đây mà Phật ở đâu…xa muôn trùng.
***
Riêng sư ông: Cắm trên cái cần cổ dài ngoẵng là cái đầu tròn quay, ít tóc ngắn đang loay hoay nhú lên muốn góp mặt với đời. Tôi ngáo ra nhòm bộ áo chòang rộng thùng thình, nhưng chẳng che dấu được cái hình hài củ rũ như con cò ốm của ông. Được cái ông có cái trán nhẵn bóng đầy ắp những thông tuệ, thông suốt, đôi mắt nhân hậu, như thể không thể nhân hậu hơn. Và cái miệng lúc nào cũng cười cười, ắt hẳn bụng dạ ông có gì vui lắm nên miệng cứ nở hoa. Chẳng dám gần chùa gọi Bụt bằng anh, rất Bắc kỳ, tôi gọi ông lúc là sư bác, khi là sư ông. Ông cũng vậy, rất văn minh miệt vườn, ông kêu tôi bằng…thầy, như…thầy bùa,…thầy chú.
Bạn đọc nháy nhó nhau: Quái? Chùa không ra chùa, sư chẳng ra sư. Bịa tạc chăng? Ấy đấy, tôi cũng chẳng hơn gì bạn, ban đầu tôi cũng nghĩ như vậy. Chuyện là khi tôi hỏi sư bác cho tôi một chỗ thanh tịnh để thiền quán. Sư hâm hâm rất ư thiền tính: “Nếu tôi chỉ cho thầy nơi đó, thì chỗ ấy đâu còn…thanh tịnh nữa!”. Nghe chối tai làm sao đó! Nên tôi chưng hửng trông thấy. Cùng lúc…trông thấy sư đang sửa soạn thọ trai. Chả nhẽ ít nữa ở đây nhăn răng cạp đất, tôi ngứa mồm ngỏ lời xin được ăn đọt cây, uống nước suối của nhà chùa…như sư. Chẳng khác gì vừa rồi tôi thuỗn mặt ngắm sư, ngắm chùa. Sư nhìn tôi từ chân lên đầu, sư…ráo đầu tôi: “Đạo tại tâm chứ không phải cảnh giới, hình hài hay nghi thức”. Xong, sư vô biên, vô lượng giảng hoằng pháp cho tôi nghe như thế này đây, thưa bạn đọc, tin hay không tùy: “Xuất thế gian mà không rời thế gian pháp. Chay mặn là ở thầy. Ngủ thầy nghĩ đến Phật. Ăn thầy nghĩ đến Phật. Uống thầy nghĩ đến Phật. Ngay cả đi tiểu, đi tiện thầy cũng nghĩ đến Phật. Tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận, nếu thầy không chấp ngộ được điều ấy thì thầy chẳng gần…Phật được đâu”.
Nhòm nụ cười nở hoa
của…Phật. Tôi im thin thít như thịt nấu đông!
Cút phắt về tịnh
cốc, tôi biết sư không dở người…thì ra sư mượn đỡ câu ấy, thảng như tôi đã từng
trong một công án của một cổ lão thiền sư nào đấy. Nhớ lại, tôi chẳng nhớ mình
cật lực nhập thiền từ bao giờ qua sách báo, nhất là báo…chùa. Gặp là ngốn, là
tụng, dễ hiểu thì nhớ. Còn cái gì u u minh minh thì rơi rớt hồi nào chả hay…Ấy
vậy mà cái đầu đất sét của tôi nhuốm mùi thiền, nhật tích nguyệt, thấm dần như
những giọt nước mưa rơi lõm bõm liên tục, tạo thành những lỗ, những hốc như trên
phiến đá ngoài cửa am kia. Ngồi mé tảng đá, dưới lùm cây xanh phủ lá…Nhìn vào
rừng thẳm hun hút…Ngắm ra đại dương bao la…Tôi thấy mọi chuyện nhỏ lại, và mọi
thứ trên thế gian này chỉ còn là tiếng gió xào xạc qua mái lá, cụm cỏ, thóang
đãng và…vô ưu.
***
Một ngày như mọi
ngày, đến bữa ăn có chú tiểu đem một phần cơm rau tập tàng bỏ trước cửa cốc,
lấy đũa gõ nhẹ lách cách rồi lặng lẽ bỏ đi. Cơm chay đạm bạc nhưng cũng chẳng
đến nỗi nào như ăn cá bị chứng hóc xương. Tôi cố gắng nuốt một ngày một bữa như
sư, nếu ăn cơm không hết thì để ở cửa. Ở đấy có cả một bầy khỉ, nào ông nội, bà
ngọai, chú dì cô bác, họ hàng hang hốc nhà khỉ dành ăn kêu chí choé. Trừ một
con khỉ đã già, đã khọm, lần mò tới ngồi bên cửa chăm chú dòm tôi đang đọc
sách. Nó là giống khỉ đít đỏ mầu nâu sẫm, chứ không phải là…mầu xám u ám của
cảnh chùa.
Tả chân về nó cũng dễ thôi: Nó có cái mặt ốc
tiêu thu lu trong đám lông lưa thưa, khiến ai cũng thấy thấy đôi mắt tinh anh
của nó với cái mũi chun chun rất…khỉ. Cái đuôi ngắn ngủn như cái chổi cùn, lúc
nào cũng khoe khuẩy một cách tháo động. Nói chung thì với bộ lông thưa thớt,
không che dấu nổi lớp da mốc bạc vì mưa nắng cùng cái tuổi…lá vàng với rừng lá
thay chưa. Cũng có thể vì vậy, nó lười biếng không dành ăn với đám trẻ, thản
nhiên dòm…tôi, rồi từ từ tới sát và đưa tay ra khều tôi làm quen. Quen rồi nó
đưa tay khỉ của nó lên tóc tôi, mầy mò tìm chấy, rận và bỏ vào miệng nhóp nhép.
Bá ngọ nó chứ…Chẳng lẽ có chấy rận thật. Tôi cũng thò tay lên đầu…như nó.Xế trưa hôm sau, chú tiểu lên cốc nhắn sư bác thỉnh tôi xuống thọ trai và tụng kinh chiều. Tôi dựa theo dốc đá, bám theo các thân cây lò dò xuống. Nó nhảy qua nhăm nhánh cây để dẫn đường, đến một mõm đá, ngồi gãi đầu, gãi cằm, chờ tôi. Khi đến cửa chùa, sư đã chờ sẵn, nó chạy tới nắm tay sư trụ trì lắc lắc ra cái điều xập xoài chào hỏi. Sư gọi nó là…“Ngộ Không”. Bản lai diện mục, thấy mặt đặt tên, tôi gọi nó là…Lão khọm.
Tôi hỏi cớ sự gì nó có cái tên nghe ngộ, sư cho biết trước nó ma lắm. Từ ngày thửa được cái tên đầy…thiền tính, nó như…thuần tính hẳn ra, ai nó cũng kết thân, lại thích làm quen với…”ngộ nhân” mới đến chùa…như tôi. Ngộ tiếng Bắc kỳ cũ còn có nghĩa là dở người, chẳng giống ai. Thế nên mặt tôi bẹt ra như bánh đa nhúng nước, hay tôi cùng giuộc với giống…khỉ. Sư làm như không hay, vì còn đang bận bịu với tích xưa.
Chuyện Tu Bồ Đề tổ sư hỏi con khỉ dẫn đường cho thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh, lúc ấy còn là hầu vương, rằng: “Ngươi ở đâu mà ra”. Hầu vương thưa: “Nguyên nơi núi Hoa Quả có hòn đá lớn, kết tinh nhật nguyệt lâu ngày, rồi một đêm mưa vang lên tiếng nổ, đá nứt hai và sinh ra tôi”. Nghe nói sư tổ tiếp “Vậy là thiên địa sinh ra ngươi, thôi để ta đặt tên cho”. Sư tổ gật gù “Ta đặt cho ngươi họ là Tôn, bỏ bộ khuyển, còn chữ tử, chữ hệ, tức còn trẻ, còn khôn”. Sư tổ chép miệng: “Phật pháp có trí, tuệ, chơn, như, hải, đĩnh, “ngộ”, v..v..Trong 12 chữ đó, tính tới tính lui thì ngươi nằm vào chữ Ngộ, thôi thì ta đặt tên ngươi là…Ngộ Không”.
Chả hiểu ăn mắm ăn muối gì, cái lưỡi tôi đá cái miệng với sư rằng ắt hắn Ngộ Không là…không ngộ chăng. Vừa cãi chày cãi cối xong thì có tiếng chày…
***
Đến buổi lễ, lão
khọm ra ngòai hiên, điểm nhẹ vào tang chuông ba chày khai kinh. Trở vào ngồi
bên sư, hai tay chống thẳng, lúc ngẩng lên nhìn Phật rất nghiêm túc, khi mắt láo
liên dòm tôi đang kiết già gần đấy. Được đâu gần nửa cây nhang, lão chạy vung
tán tàn khắp chính điện, lạ một điều là lão không mó tới đĩa hoa quả, hay kêu
“khẹc, khẹc” ầm ĩ. Sư vừa hết kệ, lão khọm lại bò ra ngòai gõ chuông để báo
hiệu hết một tuần kinh. Xong lễ, chúng tôi dùng cơm chay, vừa ăn vừa nói chuyện
đời…cho phải đạo.
Lão lại mò đến
ngồi cạnh, kéo đầu tôi xuống lần mò tìm chấy rận. Khỉ thật. Một lần khác, sau một cơn mưa…Gớm chửa! Giời vừa mưa xong là ếch nhái đã nhẩy ra đường rồi: tôi bắt gặp lão đang ngồi ngòai sân kiểu nước lụt. Lão ngồi đấy thuỗn mặt ra như rặn ỉa và bỏ mấy trái hột điều khô xuống vũng nước. Lát sau, tay cầm khúc cây, để trái hột điều lên hòn đá đập đập, bỏ nhân vào miệng cắn thử, ăn không được nhăn mặt nhổ cái toẹt. Rồi ngửa mặt lên trời nhìn chim rừng bay vu vơ. Mới đầu tôi đồ là lão bỏ xuống nước cho mềm. Sau mới hay lão khôn như rận là vốc cả nhúm, trái nào nổi không mó tới, trái nào chìm vớt lên, lại biết kê trên đá cứng mà gõ như…gõ mõ. Từ đấy tôi hiểu thế nào là sinh tồn của chúng sinh trong chốn ta bà này.
Về am, tôi ngồi xuống bắt đầu viết truyện con khỉ già…”gõ mõ” và ăn hạt điều. Tôi chồng chéo hai ba đoạn văn của ai đó nhạt hoen hoét như nước lã ao bèo để có một tác phẩm mới đầy…”sáng tạo” mà tôi tạm cho là…”phóng tác”, chứ chẳng phải đạo văn gì. Cũng giống như nhạc sĩ mang thơ của tha nhân ra chặt từng khúc hay băm vằm như băm bèo nấu cám cho lợn ăn, và gọi là “phổ thơ”. Nhắc đến thơ văn, tôi u uẩn đến một nhà phê bình văn học đã luận rằng, những nhà thơ, nhà văn nào có…sáng tạo!.
Thực ra những gì
họ đã học, đã đọc, đã ghi nhận theo thời gian ẩn nấp trong ngõ ngách tâm khảm
của họ mà họ không hay. Rồi có một lúc bất chợt nào đấy, họ vỡ bọng cứt chữ
nghĩa vay mượn của những người đi trước. Họ chỉ lập lại những ý tưởng thẩm thấu
đã có sẵn và họ nghĩ rằng đó là…của riêng họ. Như tôi đã từng…, thưa bạn đọc.
***
Hôm sau ghé chùa
đưa bản thảo cho sư, sư im như thóc ngâm. Bèn đánh bạo hỏi mắc chứng gì mà sư
chỉ cưỡi ngựa xem hoa?. Sư thanh thản: “Như miếng thịt trâu thiu, miếng cá ươn,
đâu phải ngốn hết bữa mới thấy…thối hoăng”. Xong, sư hừ một cái: “Thầy tả con
khỉ…Tức vay mượn hình ảnh để có sáng tạo. Chứ không phải thầy sáng tạo ra…hình
ảnh”. Ủa, “sáng tạo” gì nữa đây? Chưa kịp u ơ, sư đã ậm ừ: “Vượn không ăn…hạt
điều!”. Ngừng lại một chút như có gì suy nghĩ lung lắm, sư âm ỉ: “Thầy hoang
tưởng quá lắm, vì Tu Bồ Đề tổ sư có dậy Ngộ Không là…không ngộ hồi nào đâu? ”.
Sư trầm ngâm trong một cõi đi về: “Con khỉ
này về đây sau năm 75, suốt ngày ngồi một mình ở cửa am. Nó bỏ cõi rừng nơi mà
một thời có súng nổ đạn bay, nơi mà bạn bè của nó có thể đã nằm xuống. Sau
những mất mát ấy, nó về gần chùa, gần tăng, gần Phật, nên hẳn là nó tiếp nhận
huyền nhiệm chăng”. Sư đàm hoa lạc khứ: “Ngay trong văn học Việt Nam cổ điển,
vượn đã xuất hiện rất sớm, từ thuở bình minh của chữ Nôm đời Trần. Trong bài
phú Thiền Tông Bản Hạnh tả cảnh chùa Yên Tử, thiền sư Huyền Quang đã có hai câu: “Chim óc (gọi) bạn, cắn hoa nâng cúng –
Vượn bồng con, cời (dựa) cửa nghe kinh”. Vì vậy theo thiển ý nhà chùa thì
vượn, khỉ đều có căn tu cả đấy.
Nghe thủng chuyện
chết chóc cùng một kiếp lai sinh, nhìn cái đầu mồ côi tóc của sư, tôi bèn gãi
ngứa: ”Sau khi chết thì khỉ sẽ đi về đâu”. Sư chỉ ra ngòai cửa sổ, lắc đầu:
“Những khúc mắc thầy vừa hỏi nhiều như cây trong rừng kia. Trong khi những thắc
mắc liên quan trực tiếp đến đời sống chỉ bằng đám cỏ dại quanh đây mà thầy chưa
hanh thông. Thế mà thầy cứ đòi biết thêm những cái quá xa vời kia làm chi”.Vẫn còn ngứa ngáy, chợt nhớ đến lão khọm với căn tu, tôi gặng hỏi cho chắc ăn: “Vậy khỉ có giác ngộ được chăng”. Sư nhìn tôi ngán ngẩm, như nhìn một…con tiều, và lại lắc đầu nữa: “Có ích gì khi bàn luận đến một con khỉ trở nên giác ngộ hay không. Vấn đề là làm thế nào để thầy giác ngộ, có khi nào thầy kiến ngã đến điều đó chăng?”.
Tôi hóa mê hóa ngộ, ngồi trơ thổ địa, ngơ ngác như quạ vào chuồng lợn.
***
Trên đường về, ngồi
bên triền núi, đằng cuối chân trời, đèn đuốc của ngư dân trên các thuyền đánh
cá ngoài khơi kết thành một chuỗi ánh sáng dài thật dài. Ngồi thu lu bên cạnh
tôi như người bạn vong niên là lão khọm, cũng lom lom dòm. Dường như lão cũng
muốn nhập vào khỏang trời khác lung linh đằng xa kia. Bỗng dưng, tôi có ý nghĩ
như sư bác, lão khọm chưa nhập thế đã…ăn chay, tức có căn tu, nên đang muốn hóa
thân về một pháp thân khác. Bằng vào hứng khởi bất chợt ấy, vừa về đến am cốc,
mò mẫm cái ba lô con cóc, lục lọi tư liệu. Tôi đặt bút xuống gửi gió cho mây
ngàn bay những giao động về một con khỉ già giữa mây trời sóng nước, trong hư
không.
Xong, đọc lại văn
bài thấy chung chiêng chống chếnh cấm có hay cho mấy. Tôi bèn mò xuống nhà
trai, nhờ sư khai mê phá ngộ cho bài viết của mình.
Sư bảo tôi bị…ngộ
chữ, lúc lên trời lãng đãng với phù vân phù thế, khi xuống đất, lềnh bềnh với
bèo dạt nổi trôi. Trong khi người ta “canh tân” với chữ mới, tôi lại rị mọ ba
mớ ví von dân gian như những món đồ cổ meo mốc. Với tay chiếc điếu cầy và cái
đèn hột vịt lộn, sư chậm rãi phe phẩy cái quạt nan: “Qua truyện, thầy vặn vẹo
chữ nghĩa trải dài trên giấy thường là ý tưởng, văn tự vay mượn của những người
viết trước. Rồi lóng ngóng như cầm cái cầy nhìn đít con trâu to chành bành đo
dài ngắn và viết…bừa. Thầy viết không hiện thực, nên tóat ra một vẻ giả tạo.
Chuyện ngòai đời mang vào truyện viết, tất cả lẫn lộn với nhau: Cái to đi với
cái nhỏ, cái sâu sắc lẫn với cái tầm thường”.
Quơ tay lấy cái hộp
thiếc, sư nhàn nhã: “Như thầy biết đấy, thì giờ càng hẹp, càng gấp, càng nhanh.
Công việc càng ngày càng nhiều, lo âu càng ngày càng…âm u làm cho người thưởng
ngọan…sốt ruột. Truyện ngắn không nên gây rối trí, ngán ngẩm cho bạn đọc, vì
không ai kham nổi một mảng văn chương nhẩn nha, chậm chạp…Nhưng vì truyện ngắn
không phải là truyện dài, nên thầy ngại không diễn tả rốt ráo những gửi gấm này
kia. Nên cứ kéo…dài nó ra. Có quá nhiều chi tiết vô bổ, tới mức cái nọ chồng
chất lên cái kia. Như phóng ngựa chạy, chẳng ai thấy mặt mũi…con ngựa đâu đâu
cả”.
Sư thong thả mở cái
hộp thiếc để đấy và nhíu mày: “Thấy chớ khi nào coi thường bạn đọc với cái kiến
thức đóng hộp của mình. Vì họ là những thức giả thầm lặng và họ không tiện nói
ra đấy thôi. Người viết là người kể chuyện, hé lộ những điểm thắt nút, những
chi tiết tinh tế, gợi mở cho những gì sắp xảy ra. Người kể chuyện không nên có
giọng điệu giảng giải, phải biết tôn trọng sự thông tuệ của độc giả. Họ luôn
biết lý giải câu chuyện theo cách riêng của mình. Trong quá trình kể, có rất
nhiều tình huống, nhiều chi tiết vụn vặt. Nhưng nếu không cần thiết đối với câu
chuyện, thầy nên loại bỏ chúng”.
Với tay nhấc cái bình tích, và tiếp: “Thầy
không hay đấy thôi, kiểu cách của thầy viết là tự sự, là kể chuyện. Có thể nói
tự sự có tính chất phi – chuyện: Đó là truyện không cần cốt truyện, phi thời
gian. Hãy để ý từng chi tiết nhỏ nhặt, nhưng không theo thứ tự nào, tức là hiện
tượng “truyện – trong – truyện”.
Từ đó nảy sinh việc
trích dẫn; việc sử dụng nhiều loại văn bản phi văn chương, từ những tin cắt từ
báo chí, viết lại các văn bản cũ. Các truyện sáng tác theo phong cách có vẻ gì
như vô lý và phi thực. Bất chấp lối viết truyện truyền thống như sự mạch lạc chi
tiết trong cốt truyện và sự hợp lý trong tình tiết . Cả hai tính chất ấy tạo
thành một loại " văn chương của sự phong dật ", hay một loại "
văn chương du / đạo văn ".
Chiêu một ngụm
vối, sư đằng hắng: Trong nền văn chương của sự phong dật hay văn chương du /
đạo văn trên. Thủ pháp viết trở thành một bức tranh được cấu tạo bằng nhiều
phần mảnh rút ra hoặc được bắt chước từ nhiều tác phẩm khác nhau. Người viết
sáng tạo bằng cách nhặt nhạnh những mảnh văn bản có sẵn và lắp ghép lại theo
kiểu người ta làm tranh…khảm xà cừ.
Duy chỉ có điều
bức tranh khảm xà cừ bằng ngôn ngữ ấy không có khuôn sẵn. Cái khuôn ấy mỗi
người viết, khi sáng tác, phải tự tạo ra. Chính đặc điểm này, phân biệt truyện
hậu hiện đại và truyện truyền thống: Truyện truyền thống kéo dài đến tận ngày
nay, mọi người cầm bút dường như có một cái khuôn chung đúc sẵn. Ở đó, người ta
chỉ làm mỗi một công việc đơn giản là "rót" câu chuyện của mình vào. Tôi đực ra như ngỗng đực, cứ theo sư bác là hoa rơi cửa Phật. Bỗng khi không tôi được sư nhồi nhét vào trường phái hậu hiện đại, tân hình thức lúc nào cũng chẳng hay. Ngẫm cho cùng, dẫu gì sư bác cũng…”bác vật” lắm chứ đâu có bỡn. Mà truyện của tôi dường như không “hiện thực”…thực hay sao ấy? Bóc ngắn cắn dài thì nặng phần hư cấu và hoang tưởng. Tôi bèn đổ vấy ngay rằng mấy lúc gần đây gần với thiền môn, thiền quán cho lắm, tôi cứ ngỡ mình là…là…thiền giả. Bất bình tắc minh, tôi đánh bấm bụng hỏi sư về cái bệnh hoang tưởng của riêng tôi. Sư ngần ngừ, xuống giọng:
“Xưa có một gã
cuồng nho vì nhiều chữ quá nên mắc bệnh tưởng, cứ tưởng mình là…hạt thóc, nhìn
thấy gà nào là chạy trốn. Bèn tìm đến thiền môn xin một công án, nghĩ rằng mình
sẽ ngộ và hết bệnh. Từ giã thiền sư, gã nói với giọng chăc nịch rằng thiền sư
cứ yên tâm, gã đã khỏi bệnh rồi, gã là người, gã không phải là hạt thóc.
Một lát sau, gã cuống cuồng chạy về thiền
viện, mặt cắt không còn hột máu, hổn hển thưa: “Thưa…thưa con gà…”. Gã lắp bắp:
“Con gà nó đang đuổi tôi”. “Sao vậy”, thiền sư hỏi: “Anh đã hết bệnh rồi mà”.
Gã buồn bã trả lời “Vâng” và ấp úng: “Vẫn biết tôi không phải là hạt thóc.
Nhưng khốn nỗi cái con gà nó…không chịu hiểu như vậy”.
Véo một viên thuốc lào đúng bằng con nhặng
xanh, nhét vào cái nõ điếu, nhấn cho chặt…Xong, sư bác chiêu niệm:
“Xưa kia, Lục tổ
nghe kinh Kim Cương, chỉ nghe câu ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là Ngài liền
khai ngộ, câu ấy có nghĩa là đừng bó vào lòng cái gì vấn vương. Nay thầy đây
cũng chẳng khác gì, tòng tâm kỳ dục bất du củ, thầy cứ quen gây cho mình vướng
mắc nhiều điều huyễn hoặc, nghi hoặc cái thực sau cái giả, cái chân sau cái
huyễn. Thế rồi nằm vào cái tuổi bất chi lão tương chi, thầy cứ mập mờ nhân ảnh
với hòai niệm, u hòai với thật giả tít mù nên không liễu đạt được, không chánh
niệm được ”.
Từ tốn rút một que
phên ở vách tranh, cho vào ngọn đèn hột vịt châm lửa. Tay trái sư bác nâng cái
điếu cầy lên miệng, tay phải châm que đóm bập bập mấy cái, rít một hơi dài, hai
mó lõm vào sâu hoắm. Tiếng điếu cầy long lên eng éc như lợn kêu rồi ngửa cổ đùn
khói mù mịt, trùm kín trai phòng, chắc đến ba ngày mới tan.
Đột nhiên, sư chỉ tay ra ngòai sân: “Ấy đấy,
thầy có nhìn thấy con gà không”.
Tôi nhìn theo ngón tay của sư…Ủa, nào tôi có
thấy con gà, con qué nào đâu. Mà chỉ bắt gặp lão khọm, cũng vừa lúc lão cầm cái
chầy kình điểm vào tang chuông một tiếng “coong” như…tiếng chuông tỉnh thức!
***
Đợi sư bác hút
thuốc lào tanh tách, nhả khói um lên xong, tôi đứng dậy xin kiếu. Chiều đến im
tăm tắp, gió từ hướng tây thổi về, ùa cơn nóng đến chó ngậm hơi không sủa, trâu
bò dưới núi uể ỏai nằm dài, rãi chẩy trắng mép. Tôi sửa sang lại văn bài đến
nửa đêm. Lửa đóm lóe lên ở chùa, hắt qua khe liếp những vệt sáng đỏ đục, lại
nghe tiếng rít thuốc lào sằng sặc của sư bác…Bỗng có tiếng chuông điểm canh
vang vang:
Boong…boong…?
Om..om…?
Kh..ô..ông…Kh..ô..ông… ?
Rồi im ắng…Vô ngôn
hảo diệu, hết “boong…” đến “om…” tới “kh..ô..ông…” nghe như con cồ cộ cái gọi
con cồ cộ đực. Tôi đánh rơi cái bút xuống và thiếp đi…Trong nửa tỉnh nửa mê,
qua khung cửa trống toác, tôi thấy lão khọm đang đi về phía am cốc, tay quơ quơ
cái chày kình. Nhòm cái chày kình quơ quơ như cây thiết bảng như dọa dẫm, tôi
sợ vãi đái ra quần, chợt có tiếng lịch kịch ngòai bệ cửa. Tôi ngồi dậy và ớ ra:
Lão khọm tay chống gậy trúc khua cua, đầu đội nón u lờ. Lão chùm hụp bộ cà sa
vàng vá chằng chịt, trông nhếch nhác như một ông sư Tầu. Thấy tôi ngồi dậy, lão
nún xút ướm lời: “Tôi muốn nhờ vả tiên sinh một chuyện…”. Bá ngọ lão chứ, mắc
chứng gì lão hú họa tôi sợ thọt dái lên đến tận cổ, lại còn gọi tôi…tiên sư với
tiên sinh. Mặc dù là trong giấc mơ, tôi nhìn rõ mồn một cái miệng chun chun của
lão lập bập và nghe vất vưởng ra là:
“Mấy hôm nay được
diện kiến với tiên sinh. Tôi thấy tiên sinh mực một túi, nghiên một túi, bút
một túi, ắt hẳn là tiên sinh…viết kinh, thảo sớ hay văn vẻ chi đây. Nên trộm
vía nhờ tiên sinh nhồi nhét vào bài viết dăm hàng hiệu đính dùm thân thế cụ cố
tôi.
Rằng ai ai cũng cho
rằng truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là truyện hoang đường vì cụ cố tôi là Tôn
Ngộ Không, bứt nắm lông thổi phù một cái, biến thành hàng nghìn Tôn Ngộ
Không…giả khác. Nhưng ấy là giả tướng, vì theo gia phả của dòng họ thì cụ Ngộ
Không tôi là người thâm nhập kinh tạng, gần như đạt đạo với ngọai vật bất động
kỳ tâm mà sách Kim Cương Bát Nhã gọi là…vô ngã tướng.
Gì cũng có cái nhân quả của nó, trong sách
nhà Phật, con khỉ tượng trưng cho trí tuệ. Trí tuệ, tự thân nó là động. Vì thế
cụ cố tôi mang thân tướng tháo động, thấy rõ cái hư, cái rởm của thói đời,
không chịu được nên đại náo, đập phá. Sau khi thấy rõ hậu quả của cái tâm tháo
động, cụ Ngộ Không tôi hướng về bi tâm. Bi tâm cần được trí tuệ vô ngã dẫn
đường, nếu không thì dễ lạc đạo. Nên cụ cố tôi tự thực hành gỉải thóat với cái
tâm bằng cách sợ Đường tăng…lạc đường nên…dẫn đường Đường tăng đi thỉnh kinh để
nhập thế. Bấy giờ cụ Ngộ Không tôi có thêm một pháp hiệu nữa là Hành Giả.
Trên đường thỉnh kinh, cụ Hành Giả tôi hay
kiến giải cái cốt lõi huyền diệu của Phật pháp cho thầy Đường tăng nghe. Chẳng
là thầy tăng là người phàm nên lòng còn trần tục, bị chi phối bởi ngũ hành, lục
dục, nên mắc vào cảnh nhớ nhung, phiền não. Như một lần bốn thầy trò qua một
bãi biển, nghe tiếng sóng bủa rì rầm, thầy Đường tăng hồn vía lên mây hỏi dồn:
“Các đồ đệ ôi! Tiếng sóng ở đâu dữ thần vậy”. Cụ cố tôi cười ruồi: “Ba đứa tôi không
nghe tiếng sóng, sao có mình thầy nghe. Chẳng qua thầy thấy gì cũng thật, nên
quên hết Tâm Kinh”. Và tiếp: “Chẳng há thầy quên rằng vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân
ý, nghĩa là tu nhắm mắt nhắm mũi như thầy: Con mắt chẳng thấy cái đẹp. Lỗ tai
chẳng nghe tiếng tục tĩu. Lỗ mũi chẳng ngửi thấy mùi thơm. Cái lưỡi chẳng nếm
mùi thịt thà. Cái mình chẳng thèm cái sướng…Cái lòng chẳng ham nhục dục. Trong
cái hay lại có ý hòai nghi, nghe tiếng sóng cũng sợ. E thầy đi Tây phương chẳng
đặng đâu”.
Vì cái miệng lưỡi của
cụ cố tôi như vậy, nên thầy Đường tăng mới gọi là Tôn Hành Giả…Mà…giả có nghĩa
là không thật. Tôn đây lấy từ tên vua Cao Tôn đời Đường mà có. Theo như Tống
Tăng truyện, hoặc Ngộ Không tự truyện thì cụ cố tôi là một tăng lữ có thật vào
đời Tống, thời vua Huyền Tông và tục danh cụ là Xí Phụng Triều, dòng dõi hòang
tộc Học Thác Bạch nhà Bắc Ngụy (386-534). Cụ qua nước Đô Quá La mang kinh điển
về Tràng An năm Trinh Nguyên nên được sắc phong là Ngộ Không.
Chữ “Không” của tên
cụ cố tôi, lấy từ trong Bát Nhã Tâm Kinh qua câu “sắc bất thị không, không tức
thị sắc”, như tiên sinh đã hanh thông”.
***
Hóa ra lão khọm
chui vào giấc Nam Kha của tôi cũng vì chuyện gia phả, gia phong này kia, kia
nọ. Sau khi xăn xắn gửi gấm mọi việc hòm hõm với tôi rồi. Lão khọm đăm đăm nhìn
tôi. Tôi hiểu ra và gật đầu. Lão chậm chạp và nặng nề đi về phía bìa rừng…
Quên cả cây gậy trúc khua cua và cái chày
kình. Thế mới lạ!
Trời sáng tỏ, tôi qua chùa xin tách trà vối
để qua đêm nên đã thiu thì phải. Dưới mái hiên, sư bác tần ngần nhìn theo bóng
lão khọm khuất trong lùm cây và lắc đầu:
“Thực tình tôi
chẳng biết con khỉ này có nghe được kinh kệ hay không? Nhưng hôm qua nghe tôi
tụng “Muôn sự tại tâm, vạn pháp tại thức” nên nó tỉnh thức chăng, để có cái tâm
ý muốn làm người. Sống trong cảnh giới con nguời, nó chỉ thấy phiền não cùng
cái vòng trầm luân với nhân quả. “Hành tương tựu mộc tác nhân nan” vì quả tình
làm người khó thật. Vì nếu cứ tiếp tục sống trong cái vòng duyên nghiệp, một
ngày nào đó nó sẽ lẩn quẩn trong tứ diệu đế của sinh, lão, tử, bệnh. “Hạ học
nhi thượng đạt”, mặc dù nó muốn giải nghiệp của nó qua kinh nhà Phật với diệt
khổ bằng con đường giác ngộ.
Như thiền sư Huệ
Hải dậy rằng: “Khi đói thì ăn. Khi mệt thì ngủ. Tức khi ăn chỉ nghĩ đến ăn. Khi
ngủ chỉ nghĩ đến ngủ. Vậy mà con người mà con khỉ đang bắt chước thì lại khác:
Lại diệt khổ bằng cách khi ăn lại…sợ chết, nên ăn rau cỏ như nó. Khi ngủ chẳng
chịu ngủ, đầu tính tóan chuyện…điên đầu khác, nên nó chẳng thể giác ngộ được”.
Sư bác húng hắng ho
khan: “Như hồi hôm thầy hỏi khi con khỉ chết nó sẽ đi về đâu thì trong bài kệ
vào đời Trần của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ đã dậy “Kiến giải trình kiến giải
– Minh minh thường tự tại”, mong thấy tự khai thông khai ngộ lấy. Tôi hiểu thầy
đang đi tìm cái chân như trong thế tục, nay thấy ghé cửa thiền và nghe Phật đã
dậy “Kiếp trần tục chỉ là tạm bợ, là giả”, nên mong thầy hiểu cho”.
Chuyện khỉ ho cò gáy gì đâu, cái đèn hột vịt
của sư nhẩy bổ vào đầu tôi và lóe lên một cái: Vì rằng tôi tầm sư học…cái thật.
Sư bác này mang trứng để đầu gậy, lại đi dậy tôi…cái giả, bến ngộ đâu chẳng
thấy chỉ thấy bờ mê. Tôi líu ríu với sư bác rằng nay mai tôi sẽ rời đây vì tôi
không thể nhập cốc, nhập thiền được. Tôi như bị dị ứng với hương đèn nhang
khói, ngửi qua là sổ mũi, hắt hơi. Tôi cảm thấy bị rối trí nhức đầu với…”có”
tức là…”không”, nên cứ rối như canh hẹ như con khỉ già. Thêm nữa, áy náy sư
chẳng mấy vui vì sư tầm đệ tử nan, mà đủng đỏang nhè thằng tôi chẳng được hạp
nhãn cho mấy. Nên tôi vén mồm sáo cuội ca tụng cảnh chùa u tịch, lại được ăn
uống chay tịnh ngon đến…bối rối nên rất dễ…giải thóat. Tôi thì đang ham sống,
ham vui và cũng đang tu tại gia, chiều nào chả…tu một, hai chai là thấy…đạt,
thấy…ngộ rồi. Tôi đành giã từ sư bác, bước xuống bậc thềm, một làn gió lạnh ập
tới. Tôi rùng mình…như bật văng ra ngòai giấc mơ trần thế là kiếm cái vé đi
đường tắt lên niết bàn. Mà cứ theo thiển nghĩ tôi thì nơi chốn đó chỉ có mây
bay gió thổi với…có là…không. Cũng…có đấy, mà cũng…không có đấy. Thế nên tôi
vội vã đi tít mít, đi văng ra khỏi cửa…thiền môn.
***
Tạm biệt núi non
biển cả trở về lại vòng nước xoáy nhân sinh, để lại tung hê vào dòng sinh mệnh
quen thuộc. Trên đường rong ruổi, cái ba lô trên vai như vướng víu. Hay lòng dạ
tôi đang vấn vương vì đệ tử tầm sư dị, được đàm trường viễn kiến với sư bác.
Chẳng hiểu chuyến đi này, con lộ viết lách của tôi có được thong thả hay chăng.
Mà thấy sao mà con đường cứ càng lúc càng dài ra, trời đất lại lấm tấm mưa bụi
bay bay. Đi được một quãng ngắn, cái ba lô con cóc đè lưng tôi muốn oằn xuống.
Và tôi…qua cầu, cái túi cứ nặng chĩu, ắt hẳn là tại mưa. Tôi mở ra xem thì giời
ạ! Ông giời có mắt xuống đây mà xem, tất cả mớ sách vở, tư liệu đã biến thành:
Một phiến đá!
Với phản ứng thất thần, tôi buột miệng câu
niệm của sư bác “Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát”. Ấy đấy, đến cái câu
thần chú này tôi có hiểu quái gì đâu. Thế nên tôi cũng chẳng rỗi hơi đi tìm
hiểu bản thể của phiến đá thô kệch ấy, nó từ đâu mà đến rồi sẽ đi về đâu. Tôi
đồ rằng chẳng có gì tự sinh, không có gì tự diệt. Quẳng gánh lo đi nhẹ lấy
mình, theo quán tính, tôi quẳng bu phiến đá xuống suối cho yên chuyện.
Trở về khách sạn, tôi nằm vật ra tính đánh
một giấc. Bỗng chập chờn nghe tiếng chuông chùa vọng lên từ dưới bãi, với tiếng
ngắn dài “Boong…boong…”. Có lúc nghe như “Om…om…”. Khi thì nghe như
“Kh..ô..ông…kh..ô..ông…”. Như không có thật. Như đỉa phải vôi, tôi hốt hoảng
bật dậy vì chợt nhớ ra lão khọm để quên cái chày thì đánh chuông kêu
boong…boong ở cái khổ nào. Chưa hết, lão khọm về rừng với dáng…chậm chạp và
nặng nề. Hình dung lại cái hình tượng lão khọm như…ôm một đống gì ấy?
Thế là tôi bổ nháo ra đường chạy vội về
hướng có con suối, lên đến cái cầu gỗ chứ chả phải cái cầu khỉ như trong phần
vào truyện mà tôi đã hư cấu và hoang tưởng. Dưới chân cầu, đập chát vào mắt tôi
là lão khọm đang tay búa, tay đục…đục đẽo phiến đá mà tôi vừa mới quẳng đi.
Thấy tôi, lão nhẩy cà tưng, cong cái đuôi cụt ù té chạy mất đất.
Trời xanh đến nao
lòng và nắng vàng cũng ngớ ngẩn. Lần mò xuống bến bãi, tôi ngẩn ngơ thấy trên
phiến đá có khắc họa một bài thơ, nét chữ thảo:
Ngày xưa đại thánh
tung hòanh
Một đường thiết bảng
vang danh cõi trời
Đến khi đạt pháp cao
vời
Ngộ Không để thấy cuộc
đời vốn…không
***
Chuyện đuợc kể
trong bài tự sự này, nói cho ngay, chẳng có…hư cấu thật, hiện thực giả gì ở đây
sất cả. Vì rằng sau khi buông bút, tôi chẳng bận tâm vương vấn mấy cho lắm. Như
ông sư già bê cô gái trẻ qua vũng nước, xong là quên ngay. Chỉ biết rằng sau
đấy, tôi đã mang được về cái chày kình, như một món đỗ cổ, một dấu tích của một
chuyến đi… Cũng từ lâu lắm rồi, tôi có ý định viết “Một truyện ngắn có thật”
này đây như đã giàn dựng ở trên. Nhưng mãi cho đến hôm nay vẫn chưa xong!
Lý do dễ hiểu là
như sư bác đã bày vẽ ở trên: “Người viết là người kể chuyện, hé lộ những điểm
thắt nút, những chi tiết gợi mở cho những gì sắp xảy ra. Người viết không nên
có giọng điệu giảng giải, phải biết tôn trọng sự thông tuệ của độc giả. Họ luôn
biết dẫn giải câu chuyện theo cách riêng của mình”. Vì bạn đọc ai ai cũng lý
giải ra rằng lão khọm đã…ôm cái máy vi tính, chồng bản thảo vào rừng mất tiêu
rồi còn đâu!
Thế nên đâu còn bản
thảo với lai cảo để trình làng thưởng lãm, thưa bạn đọc.
Trúc gia trang, tiết
thu, Giáp Thân niên
NGỘ KHÔNG PHÍ NGỌC HÙNG
Nguồn từ những tác
giả: Nguyễn Hữu Liêm, Tưởng Năng Tiến, Võ Phiến, Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn
Hưng Quốc, Vũ Phong Lưu, Đồ Khỉ Gió, Taisen Deshimaru, Anton Pavlovitch
Tchkhov, Vương Trí Nhàn, Tô Hoài, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Quốc
Văn, Kinh Dương Vương, Nguyễn Quốc Văn…
Chú thích về bức hình
minh họa cho bài viết: Bức vẽ “ Bản Lai Diện Mục “ chúng tôi lấy từ trang mạng
Tâm Duyên ( http://www.tamduyen.com/) . Kèm theo đây, để giúp bạn đọc hiểu thêm
về ý nghĩa “ Bản Lai Diện Mục”, chúng tôi xin phép trang mạngTâm Duyên được
trích đăng đọan văn giải thích về BLDM của Thiền sư Bankei, bản Việt ngữ của
Thích Nữ Trí Hải. Xin cám ơn BBT trang mạng Tâm Duyên .TV&BH.
“ . . . Cái được gọi
là bản lai diện mục cũng không khác gì Tâm Phật Bất sinh. Cái mà bạn thừa hưởng
của cha mẹ từ lúc mới sinh chỉ là Tâm Phật Bất sinh, không gì khác. Đây là từ
ngữ mà một bậc Thầy ngày xưa đã đặt ra cốt làm cho người học nhận ra rằng Tâm
Phật Bất sinh chính là mặt mũi nguyên ủy của mình, hay bản lai diện mục. Ngay
danh từ cha hay mẹ cũng là những gì đặt cho cái đã sinh ra. Con người thực
chứng được Tâm Phật thì ở tận ngọn nguồn của cha và mẹ, đó là lý do ta nói đến
một cái “hiện hữu trước cả khi cha và mẹ ra đời”. Cái đó không gì khác hơn là
cái Bất sinh; bởi thế Tâm Phật cũng chính là Bản lai diện mục của bạn…”
©T.Vấn 2011
No comments:
Post a Comment