Tản mạn
bên tách cà phê
Nguyễn Xuân Thiệp
Buổi sáng,
với những bông hướng dương…
Sáng nay, một buổi sáng Chủ Nhật đầy nắng, trong lúc ngồi uống cà phê , Nguyễn đọc được trên lưới hai đoạn văn ý nghĩa. Một, về những bông hướng dương. Một, về Boris Pasternak với tác phẩm Doctor Zhivago, ngôi nhà dacha và ảnh hưởng tư tưởng của ông trên một lớp người một thời kỳ. Cả hai bài văn tưởng chừng không dính dáng gì tới nhau mà vẫn có những mạch ngầm nối kết, nhìn theo góc nào đó.
Trước hết xin nói về
những bông hoa hướng dương. Nguyễn vốn là người yêu hoa hướng dương, tức hoa quỳ
vàng. Loài hoa này đã có mặt trong nhiều
bài thơ, bài văn của Nguyễn. Thậm chí, nó đã đi vào một truyện ngấn có tên Dã
Quỳ. Nhìn lại thấy quả hơi nhiều. Thậm chí, một bạn văn thân thiết còn nói màu
vàng của dã quỳ khiến cô thấy chói mắt quá và phát ớn luôn. Riêng Nguyễn thì chưa
bao giờ thấy chói mắt vì hoa hướng dương cả. Chẳng những thế, Nguyễn còn yêu màu
vàng cháy đầy mê sảng của những bức
tranh sunflowers Van Gogh vẽ ở miền Provence nước Pháp. Cho nên nhìn lại những trang văn trang thơ có bông dã
quỳ mình đã viết thì thấy cũng ổn thôi vì nó là tính cách, là màu sắc của riêng
mình. Thậm chí còn nghĩ mai sau khi chết nếu có một nấm mồ thì xin ai đó trồng
bên cạnh một cây hoa quỳ để nó làm bạn với mình.
Bây giờ xin trở lại
với cái tin về những bông hướng dương. Tin này do anh bạn thân từ hồi còn ở Đà
Lạt là anh Nguyễn Đình Cường gởi tới sáng nay. Bản tin này là của An Bình viết
theo Reuter, Nguyễn có tra cứu bổ sung thêm vài ý:
Những tàn lửa từ giấy
bản và vàng mã bốc lên trong bầu không khí nóng bức của mùa hè, mang theo tên của
những người chết cuộn bay trên nóc ngôi chùa ở Fukushima nơi hàng ngàn hàng ngàn
bông hướng đã được trồng để giúp hút hết bụi phóng xạ nguyên tử. Được biết, nhà
máy nguyên tử chỉ cách đó 30 miles đã bị rò rỉ và phát nổ sau cơn động đất và sóng
thần ngày 11 tháng ba đã làm cho toàn vùng trở thành hoang phế, đổ nát. “Nó (bụi
phóng xạ) giống như là tuyết rơi một lớp mỏng vô hình xuống cảnh vật Fukushima và tiếp tục rơi bao
phủ toàn vùng.” Nhà sư Koyu Abe sư trưởng chùa Joenji nói. “Lớp tuyết này không
tan, tạo cho Fukushima một mùa đông dài thật là dài.” Đã có vào khoảng 80,000
người rời bỏ vùng đất cư ngụ bị nhiễm phóng
xạ không biết tới bao giờ mới về lại nơi chôn nhau cắt rốn.
Nhà sư Abe đã thành
lập một nhóm tình nguyện nhằm trồng hàng ngàn cây hoa hướng dương cùng những cây
khác để hấp thụ chất phóng xạ, vốn bị rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima
sau thảm họa kép vừa kể. Nhà sư cũng đã tổ chức một nhóm tình nguyện để phân
phát các hạt hướng dương cho người dân địa phương cùng trồng. Ngay tại ngôi đền
Joenji, có khoảng 200,000 cây hướng dương đã được trồng. Rồi đây sẽ có ít nhất
8 triệu bông hướng dương nở rộ ở Fukishima phát xuất từ ngôi chùa Joenji. Những
cánh đồng hướng dương vàng rực khắp nơi không chỉ giúp khử chất phóng xạ mà còn
mang lại cảnh quan tươi đẹp cho Fukushima. Và người ta nhớ lại: Trước đó, trong
thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, người dân Ukraine cũng trồng hướng dương
để hấp thụ chất phóng xạ.
Nhìn những tấm ảnh
chụp hoa hướng dương trong vườn chùa Joenji của nhà sư Abe Nguyễn thấy đẹp quá,
rực rỡ quá. Đây quả là một ý tưởng độc đáo biến thành hiện thực, biến thành hàng trăm ngàn bông hoa
vàng rực cả một chân trời. Rừng hướng dương này rồi sẽ hút hết chất độc phóng
xạ, đem lại không khí trong lành cho người. Chủ nghĩa Cộng Sản, hiểu theo cách
nào đó, cũng giống như bụi phóng xạ nguyên tử vô cùng độc hại. Nhìn bóng nhà sư
nổi bật giữa biển màu vàng của hoa hướng dương, Nguyễn chợt nghĩ làm sao đất
nước Việt Nam có những rừng hướng dương như thế để hút hết chất độc của chủ
nghĩa Cộng Sản, làm cho con người và bầu không khí chung quanh trở nên trong
sạch, thuần khiết.
Bây giờ xin nói về
bài văn của nhà thơ Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng) viết về Boris Pasternak và
Doctor Zhivago. Một bài viết rất hay. Tất nhiên nơi đây không có rừng hoa hướng
dương mà chỉ có những cánh đồng tuyết phủ trắng mênh mông. Mở đầu, Đỗ Quý Toàn
nói về cuộc viếng thăm ngôi nhà cũ của Pasternak vào một buổi trưa. Nhà thơ kể
lại: “Để được nhìn những hàng cây, khu vườn, quanh ngôi nhà nơi ông đã sống,
đặt chân lên mặt đất, bước trên những con đường mà ông thường đi bộ. Tôi đã xúc
động và suy nghĩ về những bài thơ, về cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago trước đây
nửa thế kỷ; và cảm thấy mang nợ ông từ thời đó. Sau khi Pasternak được trao
giải Nobel năm 1958, hai dịch giả Văn Tự và Mậu Hải đã cho in bản tiếng Việt ở
Sài Gòn. Bản dịch vẽ ngoài bìa hình ảnh một cánh đồng tuyết mênh mang dưới bầu
trời xám nhạt và chân trời mầu tím, cũng là hình vẽ bìa cuốn sách in tiếng Ý,
ấn bản đầu tiên được công bố trong thời gian đó.”
Cái gây ấn tượng nhất cho Nguyễn chính là cánh đồng tuyết mênh mang dưới bầu trời xanh nhạt và chân trời màu tím này. Thật vậy, đọc sách cũng như xem phim Dr. Zhivago, người ta luôn luôn gặp cảnh tuyết phủ trắng cả đất trời ấy. Bạn bè ơi, hãy nhớ lại xem những đoạn cuối phim khi Yuri lang thang trong rừng tuyết ủng băng qua thảo nguyên gió tuyết, cảnh ngôi nhà chìm trong băng giá đêm đêm tiếng sói tru trăng, cảnh những bông hoa vàng (yellow daffodils?) nở trên tuyết khi mùa xuân đến, cảnh Yuri và Lara chia tay nhau và rồi xa nhau mãi mãi. Màu tuyết trắng ấy là màu định mệnh của nước Nga khi chủ nghĩa Cộng Sản đè lên số phận con người. Và Nguyễn, với óc tưởng tượng hơi cà chớn của mình, hình dung ra nhữn g cánh đồng hoa hướng dương vàng rộ nở ra trên đất ấy như một sự cứu rỗi. Ôi, đẹp biết bao.
Và sự thật đẹp đẽ ấy được báo hiệu từ Dr.
Zhivago. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn viết tiếp:
“Trên con đường đi
bộ từ nhà ga xe lửa Peredelkino tới dacha (biệt thự miền quê) của nhà văn,
trong đầu tôi chợt nhớ câu nói của một nhân vật trong Bác Sĩ Zhivago “Con người
ta sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống.” Ý tưởng này đã len vào
đầu tôi từ nửa thế kỷ nay; càng sống và ngẫm nghĩ càng thấm thía. Hồi 20 tuổi,
khi đọc tới câu đó tôi nghĩ đến những khẩu hiệu kêu gọi “xây dựng một thế giới
mới,” những bài thơ ca ngợi một “ngày mai tươi sáng,” mà thế hệ cha anh cho đến
thế hệ tôi đã được nghe. Chính Pasternak chắc đã cảm thấy chán ngán với những
khẩu hiệu “chuẩn bị sống” như vậy trong nhiều năm, trước khi đặt bút viết.
“Nhân vật Bác Sĩ Zhivago đã cảm thấy “Cuộc Cách Mạng không mang lại ánh sáng mà họ mong đợi.” Họ thấy loài người không thể cứ tiếp tục “chuẩn bị sống” suốt thế hệ này sang thế hệ khác. Nhất là suốt ngày cứ phải nghe máy phóng thanh đầu phố thúc giục “chuẩn bị sống,” hy sinh hôm nay cho một ngày mai càng ngày càng xa vời! Chính tâm trạng chán ngán lan trong toàn thể xã hội đã khiến người dân thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống thật, đưa tới cảnh trì trệ kinh tế trong chế độ Xô viết sau này.”
“Nhân vật Bác Sĩ Zhivago đã cảm thấy “Cuộc Cách Mạng không mang lại ánh sáng mà họ mong đợi.” Họ thấy loài người không thể cứ tiếp tục “chuẩn bị sống” suốt thế hệ này sang thế hệ khác. Nhất là suốt ngày cứ phải nghe máy phóng thanh đầu phố thúc giục “chuẩn bị sống,” hy sinh hôm nay cho một ngày mai càng ngày càng xa vời! Chính tâm trạng chán ngán lan trong toàn thể xã hội đã khiến người dân thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống thật, đưa tới cảnh trì trệ kinh tế trong chế độ Xô viết sau này.”
Tác phẩm Dr.
Zhivago cho thấy cuộc cách mạng vô sản ở nước Nga là một ảo vọng, nó không đem
lại hạnh phúc đích thực cho con người, và cho dù nó sụp đỏ vẫn để lại những chất
độc như bụi phóng xạ. Pasternak viết: “Người ta không trông thấy lịch sử, cũng
như không ai nhìn thấy cỏ mọc, không ai thấy rừng lá đang đổi mầu!” Vậy mà những
rừng hướng dương rồi đây sẽ mọc lên trên những đất nước đã lầm than khốn khổ vì
chủ nghĩa Cộng Sản, để cho bầu không khí này hết ô nhiễm và mọi người vui sống
dưới ánh mặt trời.
No comments:
Post a Comment