Saturday, September 24, 2011



Nhà Soạn Nhạc và Con Két

Tác giả Cáp Kim

Người dịch Nguyễn thị Hải Hà



    Trước khi cùng với đoàn quay phim đi Thái Lan, Supriya gửi Fanlin con két, quà người ta tặng cho nàng, nhờ trông nom dùm. Fanlin không hỏi người yêu con két này là của ai tặng, nhưng chàng tin là chủ trước của Bori, tên con két, là một người đàn ông. Supriya chắc chắn đã có hàng tá bạn trai trước khi yêu chàng. Là một nữ diễn viên Ấn Độ xinh đẹp, đi đến đâu nàng cũng được người ta quay đầu ngắm nhìn. Cứ mỗi lần nàng rời New York, Fanlin không khỏi lo lắng là nàng sẽ rơi vào vòng tay của người khác.
   Chàng ngụ ý nhiều lần là chàng muốn hỏi cưới nàng, nhưng nếu nàng không lảng tránh vấn đề thì cũng nói rằng sự nghiệp điện ảnh của nàng sẽ chấm dứt trước khi nàng ba mươi bốn tuổi, vì thế nàng cần phải tận dụng năm năm còn lại để đóng thêm nhiều phim. Nói cho đúng, nàng chưa bao giờ được đóng vai chính, luôn luôn đóng vai phụ. Nếu như nàng chẳng nhận được vai đóng phim nào cả, thì may ra nàng sẽ chấp nhận vai trò làm vợ và sau đó là làm mẹ.
   Fanlin không mấy quen thuộc với Bori, con két nhỏ màu hồng có cái đuôi trắng, và chàng chưa bao giờ cho phép nó vào phòng soạn nhạc của chàng. Supriya thường gửi Bori ở trại nuôi chim khi nàng phải đi xa; và nếu chuyến đi chừng hai hay ba ngày, nàng chỉ cần nhốt nó vào trong lồng cho đầy đủ thức ăn và nước uống. Nhưng lần này nàng phải ở ngoại quốc đến ba tháng, vì thế nàng nhờ Fanlin săn sóc con két.
   Không giống những con két khác, Bori không biết nói; nó thầm lặng đến độ Fanlin tự hỏi không biết con két này có thuộc loại ngu không. Suốt đêm con két ngủ gần cửa sổ, trong lồng để trên một cái trụ như một cái chân đèn to tướng cắm trên nền nhà. Ban ngày nó đậu ở khung cửa sổ hay trên chóp của cái lồng, phơi mình trong nắng đến độ có vẻ như phai màu bộ lông màu hồng của nó.
   Fanlin biết Bori thích hạt kê. Vì không biết nơi nào trong Flushing có tiệm bán thú vật, chàng đến siêu thị Hồng Kông ở cuối góc đường và mua một bao. Đôi khi chàng cho con két những món chàng đang ăn như cơm, bánh mì, táo, dưa hấu, và nho. Chàng thấy Bori ăn một cách thích thú. Bất cứ lúc nào, hễ thấy chàng đặt thức ăn lên bàn ăn là con két lại bay chập chờn bên cạnh chàng, chờ được thưởng cho một miếng.  Vì Supriya không có ở nhà, Fanlin có thể ăn thức ăn Tàu tự do – điều thuận lợi duy nhất khi nàng vắng mặt.
    “Mày cũng muốn ăn Cheerios nữa sao?” Fanlin hỏi Bori vào một buổi sáng lúc chàng đang ăn điểm tâm.
   Con chim ngắm nghía chàng với đôi mắt có viền trắng. Fanlin chọn một cái đĩa con cho một nhúm cereal vào, và đặt trước mặt Bori. Chàng nói tiếp “Mẹ của mày đã bỏ rơi mày và mày phải ở với bố.” Bori mổ vài hạt Cheerios, đôi mắt nhấp nháy. Fanlin đâm ra “phải lòng” con két từ ngày hôm ấy vì thế chàng tìm một cái ly uống rượu vang nhỏ xíu và rót vào ít sữa cho Bori.
   Ăn sáng xong, chàng để Bori ở lại phòng soạn nhạc lần đầu tiên. Fanlin sáng tác nhạc trên một cái đàn piano điện bởi vì chàng không có chỗ để đặt cái dương cầm. Con chim đậu yên lặng ở cạnh bàn làm việc, ngắm nhìn chàng, như thể nó có khả năng hiểu được những nốt nhạc chàng đang viết ra. Sau đó Fanlin thử một khúc nhạc trên phím đàn điện, Bori bắt đầu vỗ cánh và đầu gục gặc ngó nghiêng.    “Con có thích nhạc của bố không?”   Fanlin hỏi Bori.
   Con két không trả lời.
   Khi Fanlin sửa chữa lại các nốt nhạc chàng đã viết. Bori đáp nhẹ nhàng lên phím đàn và nhấn phím tạo lên những nốt nhạc yếu ớt làm cho nó hứng chí chơi thêm vài nốt nữa. “Đi chỗ khác chơi đi!” Fanlin nói. “Đừng làm choán chỗ của bố.”
   Con két bay trở lại bàn, ngồi bất động nhìn nhà soạn nhạc viết nguệch ngoạc những nốt màu đen trên giấy.
   Vào khoảng mười một giờ, khi Fanlin duỗi tay và dựa lưng vào ghế chàng thấy có hai đốm trắng bên cạnh Bori, một đốm to hơn đốm kia. “Đồ quỷ, đừng có ị lên bàn của tao!” chàng quát mắng.
   Nghe tiếng quát, con chim bay vụt ra khỏi phòng. Sự vắng mặt của con két làm Fanlin nguôi cơn giận. Chàng tự nhủ mình phải kiên nhẫn với Bori, nó cũng như đứa bé chưa biết tự kềm chế chuyện bài tiết. Chàng đứng dậy dùng giấy lau chùi chỗ bẩn.
   Một tuần ba ngày chàng dạy nhạc cho năm học sinh. Học phí là nguồn thu nhập thường xuyên của chàng. Những học sinh này đến căn hộ của chàng trên đường thứ Ba Mươi Bảy vào buổi tối học hai giờ. Một trong năm người học sinh này là một cô gái xương xẩu chừng hai mươi hai tuổi, rất quyến luyến Bori và thường xuyên chìa ngón tay trỏ ra, nói rằng, “Đến đây nào, cưng ơi.” Con két chẳng bao giờ hưởng ứng lời dụ dỗ của cô gái, trái lại nó ngồi chễm chệ trong lòng của Fanlin như thể nó cũng đang ngồi học. Wona có lần nhấc con két kên và để nó lên đầu của mình, nhưng Bori quay trở lại với Fanlin ngay lập tức. Cô gái lẩm bẩm, “đồ két ngu, chỉ giỏi tài nịnh chủ của mày thôi.”

   Fanlin đang hợp tác với một nhóm nhạc kịch địa phương dựa vào huyền thoại dân gian của Trung quốc để viết một vở nhạc kịch, nhân vật chính là nhạc sĩ Ah Bing. Lúc còn trẻ, cũng như bố, Bing là một vị sư. Về sau Bing bị mù và đuổi ra khỏi chùa. Ông bắt đầu sáng tác nhạc, trình diễn trên đường phố, để kiếm sống.
   Fanlin không thích phần libretto, lời trong vở nhạc kịch có chỉ cách diễn xuất, vì nó nhấn mạnh đến cách diễn tùy hứng. Nhân vật chính của vở nhạc kịch, Ah Bing, bảo rằng,    “Nghệ thuật đạt đến mức tuyệt hảo, thật ra, chỉ là sự tình cờ.” Đối với Fanlin, cái lý luận ấy đã không giải thích được lý do thành công của những bản giao hưởng vĩ đại của Beethoven hay là Tchaikovsky. Những bản giao hưởng này không thể hiện diện nếu không có lý thuyết về thẩm mỹ, quan điểm hay mục đích. Không có nghệ thuật nào hoàn toàn dựa vào sự ngẫu nhiên.
   Tuy thế, Fanlin rất chăm chỉ soạn thảo phần nhạc của vở nhạc kịch Nhạc Sĩ Mù. Thể theo bản hợp đồng đã ký, chàng sẽ được trả công sáu ngàn Mỹ kim, trả thành hai lần cộng thêm 12 phần trăm tiền hoa hồng trên thu nhập của vở nhạc kịch. Lúc này chàng quá bận rộn với vở nhạc nên ít khi nấu ăn. Chàng soạn nhạc từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, rồi đi ăn trưa, thường khi mang Bori theo. Con chim đậu trên vai chàng, và Fanlin cảm thấy móng của nó bấu lên da chàng trên mỗi bước đi.
   Một buổi chiều ở quán cà phê Đài Loan trên đường Roosevelt, sau khi trả tiền thức ăn ở quầy, Fanlin trở lại chỗ ngồi uống nốt ly trà. Chàng đặt một đồng đô la lên bàn thì Bori nhặt nó lên và đặt vào tay của Fanlin.
   “Úi chà, hắn biết giá trị của tiền đấy!” cô hầu bàn có đôi mắt ốc nhồi kêu lên. “Đừng có lấy trộm tiền của tao, tên trộm nhóc tì!”
   Đêm ấy nói chuyện điện thoại với Supriya, Fanlin kể nàng nghe chiến công của Bori. Nàng trả lời. “Em không dè anh yêu mến nó đến thế. Nó chẳng bao giờ nhặt tiền cho em, chắc chắn thế.”
   “Anh chỉ là người trông chừng nó.” Fanlin nói. “Nó là của em.” Chàng cứ ngỡ là nàng sẽ thích thú lắm, nhưng giọng nàng vẫn giữ vẻ bình thường – giọng nữ cao trung với một chút ngái ngủ. Chàng tự kềm chế, không nói là chàng nhớ nàng, rất thường xuyên chàng vân vê quần áo của nàng trong tủ.




   Buổi sáng hôm ấy trời mưa. Ngoài trời, những sợi mưa uốn éo trong gió như hằng hà vô số sợi chỉ đan rối vào nhau; ở hướng Tây có tiếng xe chuyển động nhẹ nhàng. Nằm trên giường với một tờ giấy soạn nhạc vo tròn nhăn nhúm trên bụng, Fanlin nghĩ về Supriya. Nàng luôn mơ ước có con và bố mẹ nàng ở Calcutta đã thúc giục nàng kết hôn.    Tuy nhiên, Fanlin có cảm giác chàng chỉ là cái lưới an toàn của nàng – một người dự trữ phòng khi nàng không thể tìm được ý trung nhân. Chàng cố gắng để không bị ám ảnh bởi những điều đen tối và hồi tưởng những đêm hai người đã ái ân đến tuyệt đỉnh của đam mê và kiệt sức ngất ngư. Chàng nhớ nàng, nhớ ghê lắm, nhưng chàng hiểu rằng tình yêu cũng như một ân huệ của người khác ban cho mình, nó có thể bị chấm dứt bất cứ lúc nào.
   Bất thình lình, một nốt nhạc chói lói vang lên từ phòng soạn nhạc – Bori đang dậm chân trên cái đàn điện. “Ngừng lại!” Fanlin quát con két. Nhưng tiếng nốt nhạc cứ tiếp tục vang lên inh ỏi. Chàng bước vội ra khỏi giường và tiến về phòng soạn nhạc.
   Đi ngang qua phòng khách, chàng thấy cửa sổ không hiểu tại sao lại mở toang hoác và nền nhà vương vãi những tờ giấy có dòng kẻ nhạc bay phất phơ theo gió lùa qua cửa. Chàng lại nghe có tiếng động khác lạ, và nhìn thấy một thằng nhóc đang bò ra khỏi cửa sổ. Fanlin, không đủ nhanh nhẹn để bắt hắn, tựa người vào cửa sổ và hét vói theo tên trộm đang bỏ chạy trên cầu thang dùng để thoát khi hỏa hoạn, “Nếu mà mày còn đến đây nữa, tao sẽ gọi cảnh sát bắt mày. Đồ chó chết!”
   Thằng bé nhảy xuống lề đường bên dưới, chân nó quỵ xuống, nhưng nó gượng dậy. Đũng quần jean của nó đẫm ướt. Nhoáng một cái nó đã chạy thoát ra đường phố và mất hút.
   Khi Fanlin trở lại phòng khách, Bori bay vèo đến thở hổn hển đậu trên ngực chàng. Con chim có vẻ sợ hãi, cánh nó run rẩy. Hai tay Fanlin ôm lấy con két, bế nó lên rồi hôn nó. “Cám ơn con,” chàng thì thầm. “Con có sợ không?”
   Bori thường khi bài tiết ngay ở trong lồng, cánh cửa lồng để mở cả ngày lẫn đêm. Cứ hai ba ngày Fanlin lại thay tờ giấy báo lót dưới đáy lồng để giữ cho nó được sạch sẽ. Nói cho đúng, cả căn hộ đã biến thành cái lồng chim bởi vì Bori được phép đậu khắp nơi, kể cả phòng soạn nhạc. Khi không ngủ, con két ít khi ở trong lồng, bên trong lồng có một thanh ngang bằng nhựa cho nó đậu. Ngay cả ban đêm, nó cũng lảng tránh thanh ngang này, mà đeo bấu vào cạnh của lồng, thân hình nó treo lủng lẳng. Không lẽ nó ngủ như thế mà không biết mệt sao? Fanlin nghĩ. Chẳng trách sao mà nó có vẻ mệt mỏi cả ngày.
    Có một buổi chiều, khi con két dúi đầu vào khuỷu tay anh tìm hơi ấm, Fanlin thấy một bên bàn chân của Fanlin dày hơn bên kia. Chàng lật ngửa con két lên và ngạc nhiên thấy bàn chân trái của nó có một chỗ bị phồng to cỡ chừng nửa hạt đậu nành. Chàng tự hỏi có phải vì cái thanh ngang dùng làm chỗ cho chim đậu bằng nhựa nhẵn quá con két không bám vào được nên nó phải bám lủng lẳng trên những thanh que của cái lồng chim lúc ngủ và vì thế sinh ra bị phồng chân. Có lẽ chàng nên mua một cái lồng mới cho Bori. Chàng mở cuốn điện thoại niên giám để tìm một cửa tiệm bán chim và đồ dùng để nuôi chim.

Buổi tối ấy chàng thong thả đi dạo các cửa tiệm ở khu Vườn Bách Thảo ở Queen và tình cờ gặp Elbert Chang, Giám đốc dự án vở nhạc kịch Fanlin đang sáng tác. Elbert đang chạy thể dục và khi ông ngừng lại để trò chuyện với Fanlin, Bori bay vụt lên ngọn của một cây bách rất to, chui ra chui vào những chùm lá lòe xòe mãi rồi mới đậu yên lên một   nhánh.
   “Xuống đây,” Fanlin gọi, nhưng con két chẳng buồn nhúc nhích, chỉ đeo lấy cành cây đang sà nhẹ xuống và nhìn hai gã đàn ông.
   “Con két nhỏ ấy trông xoàng xĩnh quá,” Elbert nhận xét. Ông ta hỉ mũi, chùi ngón tay vào cái quần thể thao bằng vải dầy và mềm, rồi chạy đi, miếng mỡ thừa phía sau cổ của ông ta núng nính. Xa hơn nữa, phía trước mặt ông ta là một cặp trai gái trẻ tuổi đang dẫn một con chó dachshund được xích bằng một sợi dây rất dài.
   Fanlin quay người bỏ đi, và Bori bay sà xuống đáp nhẹ nhàng lên đầu chàng, Fanlin đặt con két lên cánh tay. “Sợ bố bỏ con lại hả?” chàng hỏi. “Nếu con không nghe lời, bố sẽ không cho con đi ra ngoài với bố nữa, hiểu chưa?” Chàng vỗ nhè nhẹ lên đầu của Bori.
   Con két nhấp nháy mắt nhìn chàng.
   Fanlin nhận ra rằng Bori thích đậu trên nhánh cây thật. Chàng nhìn quanh thấy một nhánh cây nhỏ rơi dưới gốc cây sồi rất cao và mang nó về nhà. Chàng tháo rời thanh chắn ngang lồng cho chim, và lắp cái nhánh cây thật vào, sau khi chuốt cho nhẵn và cắt rãnh ở hai đầu của thanh cây. Sau đó Bori đậu trên cành cây thật ngủ hằng đêm.
    Rất tự hào, Fanlin khoe với Supriya về cành cây chàng mới làm cho chim đậu, nhưng nàng suy nghĩ đâu đâu nên không chú ý. Nàng có vẻ mệt mỏi chỉ nói, “Em rất mừng là đã để nó ở lại với anh.” Nàng chẳng buồn cám ơn. Chàng đã định hỏi thăm về chuyện phim ảnh tiến triển đến đâu, nhưng kềm lại.

   Công việc sáng tác vở nhạc kịch tiến triển tốt đẹp. Khi Fanlin đưa phân nửa đầu của vở nhạc – tất cả là 132 trang – Elbert Chang có vẻ vui mừng, nói rằng ông lo ngại không biết Fanlin đã bắt tay vào việc chưa. Bây giờ Elbert có thể bớt lo lắng – mọi chuyện tiến triển trôi chảy. Một vài ca sĩ đã tham gia. Xem chừng vở kịch có thể được mang lên sân khấu vào mùa hè sang năm.
   Phì phà điếu xì gà trong văn phòng, Elbert nở một nụ cười đầy vẻ gượng gạo và nói với Fanlin, “Tôi e rằng tôi không thể trả trước cho cậu phân nửa số tiền công soạn nhạc lúc này.”
  “Tại sao thế? Hợp đồng nói ông phải trả bây giờ.”
   “Tôi biết thế, nhưng tôi không có sẵn tiền mặt. Tôi sẽ trả cho cậu vào đầu tháng tới khi tôi nhận được tiền.”
   Fanlin xụ mặt, đôi chân mày hình cánh bướm của chàng nhướng lên. Chàng đã dính líu quá sâu đậm với dự án này nên không thể rút lui; tuy thế chàng lo ngại về sau chuyện lương hướng không được thuận tiện. Đây là lần đầu tiên chàng làm việc với Elbert Chang.
   “Con két này hôm nay trông càng xấu xí hơn,” Elbert nói, tay cầm điếu xì gà trỏ về hướng Bori đang đậu trên bàn, giữa hai bàn tay của Fanlin.
   Nghe câu nói của ông ta xong, con két vụt cánh bay đảo một vòng và đậu lên vai của Elbert. “Hay lắm, hay lắm, thế là nó thích tôi đấy!” ông Giám đốc kêu lên. Ông ta hất tay đuổi và Bori hoảng sợ bay đi.
   Fanlin thấy một vệt xanh xanh dính lên áo khoác của Elbert, ở trên vai. Chàng cố trấn áp cơn cười đang dâng lên trong cổ.
   “Đừng lo lắng về chuyện trả lương,” Elbert trấn an chàng, ngón tay ông ta nhịp như đánh trống trên bàn. “Cậu có hợp đồng và có thể kiện tôi nếu tôi không trả tiền sòng phẳng. Trường hợp này là ngoại lệ. Tiền đã được các vị Mạnh Thường Quân dành riêng cho vở nhạc kịch này rồi. Tôi hứa với cậu là chuyện này sẽ không xảy ra như thế nữa.
    Thấy an tâm hơn, Fanlin bắt tay ông Giám đốc và bước ra khỏi văn phòng.
   Lúc ký hợp đồng soạn nhạc cho vở nhạc kịch Nhạc Sĩ Mù ba tháng trước, người viết vở kịch, một nhà thơ lưu vong hiện đang sống ở Staten Island, đã cương quyết không cho ai thay đổi một lời một chữ nào trong vở nhạc kịch. Nhà thơ, Benyong, chẳng hiểu rằng, nhạc kịch, không giống như thơ, là một nghệ thuật trình diễn cho công chúng thưởng thức, đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác của nhiều người. Elbert Chang thích vở kịch này quá nên chấp thuận những điều kiện tác giả đòi hỏi và đưa vào hợp đồng. Chuyện này gây khó khăn cho Fanlin, chàng đã hình thành trong tư tưởng một cấu trúc âm nhạc nhưng không thể hoàn toàn thích hợp với từng lời từng chữ trong thơ. Thêm vào đó, có những chữ không thể hát được vì cách phát âm của nó. Chàng cần phải thay bằng những chữ kết thúc là nguyên âm mở vành môi.

   Một buổi sáng, Fanlin đi đến Staten Island để gặp Benyong, với dụng ý xin phép được thay đổi vài chữ trong vở kịch. Chàng không định mang Bori theo, nhưng ngay lúc chàng bước ra khỏi căn hộ, chàng nghe con két cứ bay va vào cửa nhiều lần liên tiếp. Móng chân của nó cào lên cửa. Chàng mở cửa và hỏi, “Có muốn đi với bố không nào?” Con két lao ngay vào trong ngực chàng bấu lấy cái áo thun của chàng và kêu chiêm chiếp. Chàng vuốt ve Bori và hai bố con cùng đi đến trạm xe điện ngầm.
   Hôm ấy là một ngày mùa hè rất đẹp, bầu trời được rửa sạch nhờ trận mưa đêm trước.  Trên phà, Fanlin ngồi tầng trên, nhìn những con chim biển bay chung quanh. Một vài con chim biển đi đủng đỉnh hay chạy lăng quăng ở mũi tàu, nơi có hai cô bé đang ném ra những mẩu bánh mì cho chim ăn. Bori cũng tham gia những con chim khác, nhặt thức ăn nhưng chẳng ăn miếng nào. Fanlin biết con két chỉ làm thế cho vui, tuy thế cho dù chàng gọi cách nào đi nữa, con chim này vẫn không trở về chỗ của chàng. Chàng đứng gần đấy, nhìn Bori đi một cách sung sướng giữa những con hải âu, ó biển, và nhạn biển. Chàng rất ngạc nhiên vì thấy Bori chẳng sợ hãi những con chim to hơn và tự nhủ có lẽ con két cảm thấy buồn vì cô độc ở nhà.
   Benyong đón tiếp Fanlin một cách thân mật, như thể hai người là bạn của nhau. Thật ra hai người chỉ gặp nhau một đôi lần, mà lần nào cũng chỉ vì công việc. Fanlin thích người đàn ông này, đã bốn mươi ba tuổi, mà tính tình vẫn còn rất trẻ thơ thường ngửa đầu ra phía sau cười khanh khách.
   Ngồi trong phòng khách, Fanlin hát vài câu để chứng tỏ sự khó khăn trong việc phát âm của những chữ nhà thơ đã dùng. Chàng chỉ có giọng hát bình thường, hơi khản; tuy nhiên khi chàng hát những bài hát do chính tay chàng biên soạn chàng rất tự tin và biết cách biểu diễn, với khuôn mặt sống động và cử chỉ diễn tả thích hợp, dường như chàng không còn biết đến sự hiện diện những người chung quanh.
    Khi Fanlin đang hát, Bori chơi đùa chung quanh cái bàn ở bộ ghế sa lông, vỗ cánh và gật gù đầu, cái mỏ quặm của nó mở ra và khép lại kêu lên những tiếng chẳng có nghĩa gì nhưng lại rất vui vẻ. Rồi con chim ngừng lại nhịp nhịp bàn chân như đánh nhịp, làm nhà thơ vô cùng thích thú.
   “Nó có biết nói không?” Benyong hỏi Fanlin
   “Không, nó không nói được, nhưng nó rất khôn và biết nhận ra tiền.”
   “Cậu nên dạy nó nói. Đến đây nào, chú bạn nhỏ.” Benyong ra dấu gọi con két, nhưng nó chẳng thèm dể ý đến bàn tay mời gọi của nhà thơ.
   Không khó khăn chút nào, Fanlin thuyết phục nhà thơ đồng ý cho anh sửa chữa những chữ không hát được, với điều kiện là hai người sẽ thảo luận trước khi Fanlin muốn thay đổi bằng chữ khác. Đến giờ ăn trưa cả hai cùng đến một nhà hàng nhỏ ở gần đấy và mỗi người gọi một miếng pizza loại cá nhân chứa trong cái chảo con. Dùng khăn giấy màu đỏ, thấm chung quanh khóe môi, Benyong nói. “Tôi thích chỗ này và ăn trưa ở đây một tuần năm ngày. Đôi khi tôi cũng sáng tác hay sửa chữa các bài thơ của tôi ở đây. Xin chúc mừng.” Nhà thơ nâng ly bia và cụng với ly nước của Fanlin.
   Fanlin rất ngạc nhiên vì lời nói của nhà thơ. Benyong không đi làm lãnh lương bình thường như mọi người và chuyện sáng tác thơ của ông chẳng kiếm được nhiều tiền; không có mấy người ở trong trường hợp của ông ta có thể đi ăn tiệm năm ngày một tuần. Thêm vào đó nhà thơ lại yêu thích phim ảnh và âm nhạc. Hai cái kệ cao ngất trong căn hộ của ông ta chứa đầy những CD và càng nhiều DVD hơn. Rõ ràng là nhà thơ được bà vợ, làm nghề y tá, săn sóc chu đáo. Fanlin thấy cảm động trước sự rộng lượng của một người phụ nữ.

   Ăn trưa xong hai người thả bộ dọc theo bờ biển cát trắng, cả hai cùng tháo giày đi chân không. Không khí đầy mùi cá, và điểm một chút mùi khắm thối của rong biển bị vướng cạn trên bờ. Bori thích biển và cứ tiếp tục bay xa, nhảy dọc theo những ngọn sóng liếm bờ hay mổ trên mặt cát.
   “Aaa, ngọn gió biển này làm tôi khỏe hẳn ra,” Benyong nói lúc ông ngắm Bori. “Khi nào tôi đi bộ ở đây, cảnh trí của biển làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Trước sự hùng vĩ bao la của biển, ngay cả những chuyện sinh và tử cũng trở nên nhỏ bé, không quan trọng.”
    “Thế đối với ông điều gì thật sự quan trọng?”
   “Nghệ thuật, chỉ có nghệ thuật mới bất tử.”
   “Đó là lý do ông dâng hiến tất cả thì giờ vào công việc viết?”
   “Vâng, tôi chỉ thích làm nghệ sĩ tự do.”
   Fanlin không nói gì thêm, không thể nào che lấp hình ảnh người vợ đầy lòng hy sinh của Benyong. Bức hình trong phòng làm việc cho thấy bà là một người khá xinh, gương mặt hơi rộng nhưng có nét. Gió thổi mạnh hơn và mây đen đang kéo về từ ngoài biển xa.
   Khi chuyến phà nhổ neo, mây đen đang bao trùm Brooklyn, những sợi chớp im lặng chạy ngoằn ngoèo trên nền trời. Trên boong phà, có một người đàn ông gầy gò râu bạc, đang nói ra rả về những hành động tội lỗi của các công ty lớn. Mắt nhắm tít, lão kêu gào,   “Anh chị em, hãy nghĩ đến những kẻ đã cướp đoạt tất cả tiền bạc đáng lẽ thuộc về anh chị em, hãy nghĩ đến những kẻ đã mang các thứ ma túy ra đường phố để giết chết con em của chúng ta. Tôi biết bọn người này. Tôi thấy bọn chúng làm những điều tội lỗi chống lại Chúa hằng ngày. Cái mà quốc gia này đang cần là một cuộc cách mạng để chúng ta có thể nhốt chúng vào tù hay chở chúng qua Cuba. . .”  Fanlin bị hấp dẫn bởi những con chữ tuôn trào ra khỏi mồm của lão, như thể lão bị quỷ ám, mắt lão lấp lánh ánh sáng lạnh như thép. Những người hành khách khác chẳng ai lý gì đến lão.
   Trong khi Fanlin tập trung chú ý vào lão già, Bori rời khỏi vai của Fanlin và chập chờn bay về các lượn sóng. “Quay lại đây, quay lại đây,” Fanlin gọi, nhưng con két bay dọc theo chiếc phà.
   Bất thình lình một cơn gió mạnh tóm được Bori và cuốn nó vào trong những lọn sóng đang nhào lộn. “Bori! Bori!” Fanlin kêu lên, chạy vội về cuối phà, đôi mắt chàng dán chặt vào con chim đang hụp lặn trong cơn hỗn loạn.
   Chàng đá tung đôi săng đan, nhảy vào trong nước và bơi về phía Bori, vẫn còn gọi tên con két. Một lọn sóng tạt vào mặt của Fanlin và mồm anh ngập tràn nước biển. Anh ho sặc sụa và mất dấu của con két. “Bori, Bori, con đâu rồi?” chàng gọi, nhìn chung quanh cuống cuồng. Rồi chàng nhìn thấy con két đang nằm trên một lọn sóng cách chàng chừng mười mét. Với tất cả sức lực, Fanlin nhào về hướng con két.
   Phía sau chàng, chiếc phà chạy chậm dần và một đám người tụ họp lại trên boong phà. Một người đàn ông xuất hiện với một ống loa. “Đừng lo sợ! Chúng tôi sẽ giúp ông!”
   Cuối cùng Fanlin nắm được Bori, nhưng nó đã trở nên bất động, mỏ há hốc. Nước mắt tràn lên mi của Fanlin đang cay xè vì nước biển lúc chàng đang cầm con két lên nhìn vào mặt nó, dốc ngược nó xuống để giũ cho ráo nước ra khỏi bầu diều của nó. Lúc ấy thì chiếc phà đang quay đầu lại đón Fanlin.
   Người ta thả một chiếc thang xuống. Ngậm Bori trong mồm, Fanlin trèo lên khỏi mặt nước. Khi anh lên sàn tàu, lão râu bạc bước đến chìa cho anh đôi săng đan mà không nói một lời. Người ta tụ tập chung quanh khi Fanlin đặt con chim lên sàn phà làm bằng thép và nhẹ nhàng dùng hai ngón tay nhấn vào bầu diều của con két để đẩy nước ra khỏi thân hình đã mất sinh khí của con két.
   Sấm vang dội từ xa xa và chớp như bẻ đôi vòm trời, tuy nhiên vẫn còn một vạt nắng ở chân trời nơi giáp biển. Khi chiếc tàu lấy lại tốc độ chạy về hướng Bắc, hai bàn chân co quắm của con chim mở ra, và bơi quào trong không khí. “Nó đã tỉnh lại rồi,” có một người đàn ông nào đó kêu lên.
    Đầy vẻ mệt mỏi, Bori mở mắt. Chung quanh mọi người kêu lên những tiếng kêu mừng rỡ trong khi Fanlin khóc nức lên vì mừng và tri ân. Một người đàn bà đứng tuổi chụp hai tấm ành của Fanlin và con két, nói rằng, “Đây là một chuyện phi thường.”

      Hai ngày sau, một bản tin ngắn xuất hiện trong phần Metro của tờ The New York Times, kể lại chuyện cứu con két. Bài báo miêu tả Fanlin đã lao vào trong biển không chút ngại ngần và kiên nhẫn cứu sống Bori. Bài viết rất ngắn không đầy hai trăm chữ nhưng gây tiếng vang trong cộng đồng địa phương. Chỉ trong vòng một tuần một tờ báo Trung hoa, The North American Tribune, in một bài dài về Fanlin và con két có cả hình của cả hai kèm theo.
   Elbert Chang đến vào một buổi chiều đưa nốt phần còn lại số tiền của tác phẩm như đã hứa. Ông ta đã đọc bài báo về việc cứu con két và nói với Fanlin, “chú két nhỏ này thật là không vừa. Trông nó không mấy khôn ngoan tuy thế lại rất nhiều trò quỷ quyệt.” Ông ta đưa tay ra cho Bori, ngón tay ông ta vẫy mời, “Đến đây,” ông dụ dỗ, “Chú mày đã quên việc chú mày ị lên áo tao sao?”
   Fanlin cười to. Bori chẳng muồn nhúc nhích, đôi mắt khép hờ như thể đang buồn ngủ.
   Elbert lại hỏi về tiến triển của vở nhạc kịch, Fanlin chẳng có dịp viết lách gì thêm kể từ khi có tai nạn của con két. Vị Giám đốc trấn an Fanlin là vở nhạc kịch sẽ được trình diễn theo đúng thời điểm ấn định. Fanlin hứa sẽ trở lại với công việc và nỗ lực gấp đôi.
   Mặc dù được mọi người chú ý, sức khỏe của Bori giảm dần đi. Nó không ăn nhiều hay di chuyển chung quanh như trước. Ban ngày nó ngồi ở bậc cửa sổ, thường xuyên nấc. Fanlin cho là có lẽ nó bị cảm hay chỉ bởi vì tuổi già. Chàng hỏi Supriya về tuổi của con két. Nàng không biết nhưng trả lời, “Có thể nó đã bị lẫn đấy.”
   “Em nói thế có nghĩa là thế nào? Bộ nó tương đương với người bảy mươi hay tám mươi tuổi?”
    “Em không biết rõ lắm.”
   “Em có thể hỏi chủ của nó không?”
   “Làm sao em làm được chuyện này khi em đang ở Thái lan?”
   Chàng không hạch hỏi thêm nhưng không vui bởi vì nàng chẳng quan tâm đến Bori. Có lẽ nàng thật sự không còn liên lạc với chủ cũ của con két tuy nhiên Fanlin nghi ngờ chuyện không phải thế.
   Một buổi sáng, Fanlin nhìn vào lồng của Bori, và chàng hoảng hốt, nhìn thấy con két đang nằm bất động. Chàng nhặt Bori lên, cái thân hình gầy gò, không còn sinh khí nhưng vẫn còn hơi ấm. Fanlin không thể ngăn nước mắt khi chàng vuốt lông con két, chàng không thể cứu người bạn của chàng.
   Chàng để cái thi hài nhỏ bé của con két trên bàn ăn và quan sát nó một thời gian rất lâu. Con két nhìn có vẻ yên tĩnh và có lẽ chết trong lúc ngủ. Fanlin tự an ủi là Bori đã không phải hứng chịu tuổi già khốn khổ.
   Chàng chôn con chim dưới gốc cây hạnh nhân sau vườn. Cả ngày chàng chẳng thể làm việc gì nhưng ngồi như người mất hồn trong phòng làm việc. Học trò đến buổi tối ấy nhưng chàng không thể dạy được gì. Sau khi họ ra về chàng gọi điện thoại cho Supriya, nàng có vẻ mơ màng ngáy ngủ. Với tiếng nấc nghẹn trong cổ chàng bảo với nàng, “Bori đã chết sáng nay.”
   “Trời ơi, anh làm như thể anh em của anh qua đời vậy.”
   “Anh buồn quá!”
   “Em xin chia buồn, nhưng mà đừng có làm trò kỳ cục như thế, anh không nên khó khăn với mình.     Nếu anh nhớ con két nhỏ ấy quá anh có thể mua một con khác ở tiệm bán chim.”
   “Nó là con két của em.”
   “Em biết. Em đâu có trách anh. Em không nói chuyện được nữa, cưng ạ. Em cần phải đi.”
   Fanlin không ngủ được mãi cho đến gần sáng đêm ấy. Chàng ôn lại cuộc đàm thoại với Supriya, cảm thấy giận ghét nàng như thể nàng chịu trách nhiệm cho cái chết của Bori. Điều làm chàng tức giận là thái độ thản nhiên của nàng. Có lẽ nàng đã gạt con chim ra khỏi tư tưởng của nàng từ lâu lắm rồi. Chàng tự hỏi không biết mình có nên tình nguyện dứt tình yêu với nàng khi tháng sau nàng về, bởi vì chuyện chia tay chàng biết trước sau gì cũng sẽ xảy ra.

   Rất nhiều ngày Fanlin bỏ dạy học và dồn hết tâm trí vào việc soạn vở nhạc kịch. Dòng nhạc chảy ra từ ngòi bút của chàng khá dễ dàng, giai điệu rất uyển chuyển và tươi mát đến độ chàng phải ngưng lại để tự hỏi mình có vô ý thức sao chép lại nhạc của các nhà soạn nhạc vĩ đại tiền bối hay không. Không, tất cả mọi nốt nhạc chàng chép xuống đều là của chàng.
   Chàng bỏ bê việc dạy nhạc đến độ các học sinh lo ngại. Một buổi chiều họ đến mang theo một cái lồng trong đó có một con két màu vàng tươi. “Chúng tôi mang cái này đến tặng cho thầy,” Wona bảo Fanlin.
   Tuy không có con két nào có thể thay thế Bori, Fanlin rất quí cử chỉ này vì thế chàng đồng ý để con két mới được ở trong lồng của Bori. Chàng bảo họ trở lại học tối hôm ấy.
   Con két đã có tên: Devin. Mỗi ngày Fanlin bỏ mặc nó, không nói lời nào với con két mặc dù nó nói được nhiều chữ, kể cả những tiếng chửi thề nói tục. Đến giờ ăn Fanlin cũng cho một ít thức ăn chàng đang ăn lên đĩa của Bori đưa cho Devin, tuy thế chàng thường để cửa lồng mở toang, hy vọng là con chim sẽ bay đi.
   Phần hai của vở nhạc kịch hoàn tất. Khi Elbert Chang đọc vở nhạc kịch, ông ta gọi Fanlin muốn được gặp chàng. Sáng hôm sau Fanlin đến văn phòng của Elbert, không biết ông ta muốn thảo luận việc gì.
   Ngay sau khi Fanlin ngồi xuống, Elbert lắc đầu và mỉm cười. “Tôi hơi thắc mắc, tại sao phân nửa này rất khác phân nửa trước.”
   “ Ông muốn nói là hay hơn hay dở hơn?”
   “Tôi không thể nói điều ấy, nhưng phần hai có vẻ có nhiều cảm xúc hơn. Cậu thử hát một hai đoạn xem sao.”
   Fanlin hát hết đoạn này đến đoạn kia với một niềm thương tiếc, như thể nhạc đang tuôn trào ra từ đáy lòng chàng. Chàng cảm thương cho người nhạc sĩ mù, nhân vật chính trong vở nhạc kịch, cảm thán qua tấm lòng của nhân vật, nỗi mất mát người ông yêu, một cô gái rất đẹp trong làng bị cưỡng ép kết hôn với vị đại tướng để làm vợ lẽ của ông ta. Giọng của Fanlin  run rẩy, điều này chưa bao giờ xảy ra khi chàng biểu diễn trước đây.
   “A, bài hát buồn quá,” người phụ tá của Elbert kêu lên. “Nó làm tôi muốn khóc.”
    Lời nói của cô gái xoa dịu tâm hồn của Fanlin. Rồi chàng hát thêm vài đoạn từ phân nửa đầu tiên, nó có vẻ thanh lịch và nhẹ nhàng, đặc biệt là những điệp khúc xảy ra suốt vở nhạc kịch.
   Elbẻt nói, “Tôi biết chắc là phân nửa sau diễn tả tình cảm rất đạt. Nó có tâm hồn hơn – một nỗi tưởng tiếc mà không oán hận, âu yếm mà không ủy mị. Tôi phục lắm.”
    “Rất đúng,” cô gái phụ tá nói góp vào.
    “Tôi phải làm gì đây?” Fanlin thở dài.
   “Làm cho cả vở kịch phù hợp với nhau,” Elbert đề nghị.
   “Chuyện này phải vài tuần mới xong.”
   “Chúng ta có đủ thì giờ.”
   Fanlin chuẩn bị sửa lại phần nhạc của vở kịch, đặc biệt là phần đầu. Chàng làm việc chăm chỉ quá nên sau một tuần chàng ngã bệnh và phải nằm tịnh dưỡng trên giường. Ngay cả khi nhắm mắt chàng cũng không thể trấn áp được tiếng nhạc vang vọng trong đầu. Ngày hôm sau chàng trở lại công việc soạn nhạc. Mặc dù mệt mỏi, chàng cảm thấy sung sướng, có thể nói ngây ngất đến xuất thần, trong công việc sáng tác này. Chàng bỏ lơ Devin hoàn toàn, ngoại trừ việc cho nó ăn. Con két thỉnh thoảng mon men đến cạnh chàng nhưng chàng quá bận nên không để ý đến nó.

   Một chiều, sau khi làm việc nhiều giờ, chàng nằm nghỉ ngơi trên giường. Devin đậu xuống bên cạnh chàng. Con két ngúng nguẩy cái đuôi chim dài màu xanh ở ngọn, rồi nhảy lên ngực của Fanlin, nghiêng đôi mắt hạt cườm nhìn chàng. “An khẻ khan?” con két kêu quang quác. Đầu tiên, Fanlin không hiểu những chữ phát âm không rõ này, nó nói như một người đứt hơi. “An khẻ khan?” Con chim lập lại.
   “Khỏe, tôi khỏe lắm.” Fanlin mỉm cười, nước mắt dâng lên.
   Devin bay đi và đậu lên cánh cửa sổ mở hé. Cái màn trắng bay phất phơ trong gió nhẹ như thể bắt đầu khiêu vũ; bên ngoài lá cây tiêu huyền rì rào. “Quay lại đây,” Fanlin gọi. 

NTHH



Ha Jin, tên thật là Xuefei Jin sinh ngày 15 tháng Hai năm 1956. Chữ Ha lấy từ tên thành phố Harbin Ha Jin rất yêu mến. Ông sinh ra ở Liaoning Trung Hoa đến Hoa Kỳ năm 1984 bắt đầu viết về Trung Hoa bằng Anh Ngữ. Ông được giải thưởng National Book Award, PEN/Faulkner Award cho quyển Waiting (Đợi Chờ) năm 1999. Ông ba lần được giải thưởng Pushcart. Nhiều truyện ngắn của ông được xuất bản trong tuyển tập The Best American Short Stories (Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Hoa Kỳ). Tác phẩm War Trash (Rác Rến của Chiến Tranh) năm 2004 được giải thưởng PEN/Faulkner lần thứ nhì đưa ông lên cùng vị trí với John Updike và John Edgar Wideman. Tác phẩm này cũng vào vòng chung kết giải Pulitzer. Ông hiện đang dạy ở Đại học Boston.

No comments:

Post a Comment