Sunday, September 11, 2011


Ngôi trường trong ký ức

Nguyễn Ước



            Năm 1961, từ một làng quê bên cạnh sông Bồ, tôi rời trường trung học Tương Lai vào Huế theo học trường Thiên Hựu. Thuở đó, khoảng cách hai chục cây số là một con đường dài. Xe đò Huế-An Lỗ-Sịa hai giờ mới có một chuyến, lết khục khặc với tốc độ chỉ nhanh gần gấp rưỡi xe đạp, mất tới khoảng một tiếng đồng hồ. Xe chạy ngúc ngắc một quãng lại dừng, thường ở Đốc Sơ, Hương Trà, Văn Xá, hay PK. 17 để đón khách. Lâu lâu có một bà bán cá nục hấp nồi đất ngồi trong quán bên đường, tay ngoắt xe, tay têm cho xong miếng trầu, chờ chú "ét" đưa quang gánh lên mui, rồi mới cho trầu vào miệng nhai, đủng đỉnh bước ra xe về Sịa.
            Tôi ở nội trú hai lần, đời Linh mục Trần Hữu Tôn làm hiệu trưởng. Lần thứ nhất năm Đệ tứ (1961-1962), sắp hết niên học thì bị đuổi vì "đánh pạc-co" với một học sinh ngoại trú, ở góc cuối sân banh, gần cửa sau đi sang Tiểu chủng viện Hoan Thiện đang xây. Năm đệ tam sang ở nội trú trường Bình Linh. Tới năm Đệ nhị (1963-1964), được cha Tôn xá tội, lại quay về nội trú Thiên Hựu. Câu chuyện cuộc đời 50 năm trước trong ngôi trường cũ đó tưởng đã lắng nay đột nhiên sôi nổi trở lại vì cơ duyên nhận được lời gọi viết cho đặc san Thiên Hựu. Xin cám ơn đại huynh Trương Hữu Lượng với người bạn cùng thời Võ Văn Lượng ở Montréal.
            Năm đó, cảm giác đầu tiên của tôi khi tay xách chiếc valise nhôm, mặc quần soóc, chân mang giày bata vải, đầu đội mũ cối đánh xi trắng như vôi, đi theo mẹ vào trường Thiên Hựu là xúc động và lo sợ. Tâm trạng của một thiếu niên ở nhà quê thì trạng mạo nhưng khi ra tỉnh lại rụt rè, thấy cái gì cũng lạ, làm gì nói gì cũng sợ bị người ta cười.
   Xúc động vì ba tôi, tuy chỉ là một quân nhân hạ sĩ quan nhưng cố hết sức cho con vào học nội trú mà phí tổn hàng tháng lúc ấy bằng tiền lương của một công chức hạng thấp. Cha mẹ tôi là người chưa bao giờ được cắp sách tới trường, thuộc loại tự học để biết đọc biết viết, từ một thôn làng gần như vô danh cạnh chân cầu Quán Hàu, bên sông Nhật Lệ, di cư vào nam năm 1954. Theo lời khuyên của cha sở Bồ Điền, ông bà phó thác đứa con trai đầu lòng cho trường Thiên Hựu, chắt chiu đóng tiền ăn học bằng một nửa tiền lương của mình.
   Lo sợ vì vẻ đồ sộ của ngôi trường mới. Trường Tương Lai cũ của tôi nằm bên đường quốc lộ 1, quẹo tay mặt là tỉnh lộ về Sịa. Trường vỏn vẹn bốn phòng học với chiếc sân rộng, lưa thưa mấy cây soan mùa nắng nở đầy hoa tím đưa hương dìu dịu, mùa lạnh trơ cành xương xẩu, ngó thấy mà "sầu đông". Cũng như những dãy nhà đồng loại, nó được người Việt mình gọi "trường học" vì là nơi có thầy có trò, còn ngoài ra, không có một phương tiện giải trí, phòng thí nghiệm, thư viện hay thể dục thể thao nào. Bây giờ, sang phương Tây, thấy trường học của người ta, nhớ lại các trường trung tiểu học ở xứ mình mà vừa tủi vừa thương.
   Tuy thế, cơ ngơi của trường Thiên Hựu khác hẳn trường Tương Lai. Nó là một quần thể gồm ba dãy nhà lầu, được bố trí nối liền nhau theo hình chữ U, ở sân có nhà chơi như một hạt nhân. Dãy chính giữa tầng dưới làm phòng étude nhỏ, văn phòng, vài phòng học, phòng giáo sư, hội đường; tầng hai phòng riêng của các linh mục và nhà nguyện; tầng ba làm phòng ngủ của học sinh nội trú, hai đầu là phòng nhỏ của hai thầy đại chủng sinh về làm giám thị theo nhiệm kỳ giúp xứ. Dãy bên phải hai tầng làm các lớp học chung cả ngoại trú lẫn nội trú, phòng étude lớn, phòng chiếu phim Charlot quanh năm của nhà khoa học Oxarango. Dãy bên trái tầng dưới làm phòng ăn nội trú, nhà bếp, tầng trên làm phòng ăn các cha và phòng bệnh cho học sinh nội trú. Kế bên dãy này là khu vực của các nữ tu Mến Thánh giá giúp việc nội trợ, y tế của nhà trường. Trường có một sân bóng rổ, sân đá banh, và một bàn ping pong đặt ở nhà chơi, về sau có "khoét vách" bán thức giải khát cho học sinh vào giờ ra chơi.
   Trước vẻ đồ sộ đó, lòng tôi thêm phập phồng khi nhập học với mấy trăm bạn nội trú từ nhiều ngả đường đất nước tụ về. Sàigòn. Quảng Trị. Nha Trang. Pleiku. Kontum, Đà Nẵng, v.v. mà cha mẹ thuộc các thành phần xã hội có tiếng tăm, trí thức hay khá giả: bộ trưởng, tỉnh trưởng, tướng tá, bác sĩ, luật sư, nha dược sĩ, thương gia, v.v. Đối với một số bạn bên kia đèo Hải Vân và miền nam, phải nói chuyện gần cả tháng trời mới nghe ra "hắn nói cái chi". Ngồi sát tôi trong phòng étude lớn là thầy Nguyễn Văn Hoàng, người Quảng Trị, tục gọi là Hoàng mệ vì hơi móm, về sau có lúc làm cha sở giáo xứ Đại Phong ở Bãi Dâu. Lúc mới gặp các "công tử" và các "nhà tu hành" đó, tôi rất ái ngại vì bản thân mình là một cậu bé nhà quê, xuất thân quá khiêm tốn, lại quen sống nhảy sông tắm giếng, leo cây hái quả, bẫy chim bắt dế, thả diều đánh căng tập võ nơi đồng ruộng.
   Nhưng rồi cuộc đời cũng tự nó giải quyết. May nhờ lối sinh hoạt hội đoàn thiếu nhi Công giáo từ lúc năm sáu tuổi khiến tôi quen sống tập thể. Mới sáu giờ sáng đã thức dậy. Làm vệ sinh thật lẹ. Ai đi lễ thì vào nhà nguyện. Ai không Công giáo xuống phòng học trước, được các cha luân phiên ngồi đầu phòng làm giám thị. Tới bảy giờ rưỡi: ăn sáng. Tám giờ: vào lớp học ba giờ, có 15 phút ra chơi. Cơm trưa. Ngủ trưa 45 phút. Học bài trưa. Vào lớp học 2 giờ. Ăn bữa lỡ. Chơi thể thao khoảng 1 giờ. Tắm. Học bài tối. Ăn tối. 9 giờ đi ngủ. Ai muốn học bài nữa thì có thêm 1 giờ xuống phòng học. Bệnh thì khai báo rồi ra mấy phòng bệnh nằm riêng, uống thuốc, ăn cháo với thịt bằm nhuyển của các dì phước. Gouter bữa nào cũng chuối với bánh mì. Thức ăn quanh năm chủ yếu thịt trâu, sữa bột, cá kho, trứng tráng, cơm hấp hơi trong thau nhỏ, v.v. Mỗi mâm bốn người, bốn món ăn chơi; cậu nào hay mút nĩa mà không nghe lời anh em thì được xin cha cho qua mâm khác.
   Thuở đó, chúng tôi may mắn chỉ học ở lớp một ngày năm giờ, chia làm hai buổi. Nghỉ chiều thứ năm xem phim cha Oxarango chiếu, và thứ bảy. Ngày chủ nhật xem lễ, học bài, ăn sáng xong, tới 9 giờ, ai không bị phạt consigne thì được tự do ra ngoài đi chơi cho tới 12 giờ. Sau đó về ăn trưa, ngủ trưa, rồi "xếp hàng dọc đi du ngoạn", thường là lên núi Ngự Bình "chơi" một chồng dĩa bánh bèo, húp nước mắm ngon hơn ăn bánh. Hằng bữa, đầu phòng ăn có một linh mục vừa ăn vừa trông coi. Đi ngủ cũng có linh mục, thường là cha Petijean, "đi tuần" trước khi tắt đèn. Thỉnh thoảng cha kiểm tra xem có giường nào nằm hai đứa không, hay có đứa nào dùng mền gối giả như làm hình nhân đang ngủ, để trốn ra ngoài đi chơi không.
   Năm học lớp Đệ nhị, tôi cũng có mấy lần ban đêm trốn ra ngoài đi chơi. Lợi dụng giờ học bài thêm, rủ nhau len lén tới một cửa sổ nào đó, vặn "trái xoài" mở cửa nhảy ra rồi đè chặt lại. Đi lòng vòng khu vực Dòng Chúa Cứu thế hay An Cựu, hút thuốc, đánh bi-da, uống cà-phê, chọc ghẹo tào lao, hay ghé quán chị Đầm trước mặt trường ngồi tán dóc, khoảng một hai giờ. Khi quay về, kéo ngay cánh cửa sổ đó ra, nhảy vào, vặn "trái xoài" lại. Có lần đang "đi hổng chân như ma" lên cầu thang bị cha Nguyễn Phương bắt được, vặn muốn đứt tai, mách cha Tôn, phạt consigne viết ba trăm lần "Tôi không trốn đi chơi ban đêm nữa". Từ đó hết dám.
Cứ đến dịp lễ lớn, ngày tết hay tuần nghỉ lễ bắc cầu mới được về thăm nhà. Trên nguyên tắc, tiền bạc cha mẹ phải gởi cha Hiệu trưởng giữ. Chủ nhật, ra ngoài chơi phải xếp hàng, kiếm cách xin cha phát cho một hai chục để đi ciné Tân Tân hay Châu Tinh, vé hạng nhì, uống cà phê đá Lạc Sơn hay Thành Lập, ngồi "nghễ", và hút bốn điếu Ruby ba đồng. Sách vở giấy bút cần mua thêm thì thưa với cha Tôn để văn phòng đặt hàng nhà sách Ưng Hạ. Hàng về, bác Nhạc, trưởng văn phòng, kêu lên phát cho.
   Cuộc sống nội trú xa nhà riết rồi đâu vào đấy và ấm dần lên với tình bè bạn cùng trang lứa. Ngày tháng đều đặn trôi, dần dà tập cho mình thành nền nếp kỷ luật; việc ăn và học, chơi và ngủ, ngăn nắp điều độ như trong trại lính. Từ chuyện tiêu pha tới giao tế cái gì cũng vào khuôn phép và hòa nhã. Bạn bè tuy hay trêu chọc nhau nhưng gần như không ai lừa gạt hay thô bạo với ai. Cứ thế ăn sâu vào tâm thức, tới độ khoảng năm bảy năm sau ngày 30.4.1975, tại Sàigòn, tôi gặp lại Vinh, một bạn thân nội trú cũ, con của một nha sĩ ở Gia Hội. Hắn than vãn với tôi là rất oán trách các cha các thầy ở Thiên Hựu, nhất là cha Tôn: các vị dạy dỗ hắn đàng hoàng quá khiến cho lúc này, hắn không thể nào ra đứng chợ trời mánh mung để kiếm sống qua ngày!
    Tôi chỉ biết mỉm cười khi nghe lời than trách đó vì bản thân lúc ấy cũng "đứng chợ trời" suốt buổi luôn miệng hỏi người qua kẻ lại "có gì bán không, có mua gì không". Tôi cũng chỉ tạm đủ sống qua ngày nhờ "cần cù, có kỷ luật, cố gắng giữ lời hứa", nhưng không phất lên được vì dù lỡ buột miệng "có nói không, không nói có" cũng cảm thấy hổ thẹn, nổi da gà. Và như tôi vừa trình bày, ảnh hưởng thứ nhất mà tôi tin rằng trường Thiên Hựu tạo ra trong rất đông học sinh, cả nội trú lẫn ngoại trú của nó, là dù bạn có cố ý làm lem luốc tâm hồn mình hoặc muốn để mặc bản thân trôi theo một khúc sông vẩn đục nào đó của dòng đời cũng không là chuyện dễ dàng.
   Tôi còn nhớ năm lớp Đệ tứ, học Việt văn với thầy Phạm Đình Bách. Bài luận dù hay dù dở, hể xuống hàng mà đầu dòng không thụt vào đều đặn hai ô là bị zéro ngay. Năm Đệ nhị, con của thầy là Vinh học chung lớp với tôi rồi sau theo ngành bác sĩ. Thầy là một thi sĩ nổi tiếng và là chiến sĩ Việt Quốc, tử nạn vụ Mậu Thân, nhưng hình ảnh đầu húi cua và sự cẩn trọng ngay hàng thẳng lối trong chữ nghĩa cùng tác phong khắc khổ của thầy vẫn sống mãi trong tôi. Bên cạnh đó, là cung cách làm việc tận tụy theo lối nhà binh, chiếc áo chùng thâm bạc từng vệt phấn của các cha Lefas, Duval, Petitjean, v.v. sau mỗi giờ giảng dạy, như một tấm gương lao động hết mình.
    Sống chung với các bạn đủ mọi tầng lớp xã hội và thuộc các tôn giáo khác nhau dần dà tạo cho tôi thái độ không biết sợ hãi trước những gì gọi là chức vụ, vị vọng hay giàu sang, cũng như không có tinh thần phân biệt tín ngưỡng. Thiên Hựu, cũng như các trường Công giáo khác, là cơ sở giáo dục tự trị, được tổ chức và điều hành theo tinh thần Kitô giáo chứ không phải là cơ sở truyền giáo, vì thế không có giờ dạy giáo lý và tạo được không khí thoải mái cho cuộc sống chung của các học sinh lương giáo. Nhờ đa số học sinh không là người Công giáo, cả ngoại trú lẫn nội trú, và nhờ các bạn từ nhiều miền đất nước về sống chung dưới một mái trường nên tạo được tinh thần "hòa hợp dân tộc và tôn giáo" cho chúng tôi trong tuổi thiếu niên.
   Lối xử sự của các linh mục, nhất là của cha Tôn, không phân biệt học sinh giàu nghèo, con quan chức hay con thường dân, gây cho chúng tôi ấn tượng về sự bình đẳng xã hội. Tôi nhớ có lần bọn nội trú chúng tôi quậy phá tập thể vào một sáng chủ nhật trên phòng ngủ: đua nhau thả bi rồi đồng loạt thét lớn nhiều lần "Monsieur Vincent", làm các cha ở tầng dưới điếc óc! Cha Tôn bắt bỏ phiếu kín, ghi tên ba đứa "đầu đảng". Sau khi kiểm phiếu, có được tên ba kẻ trúng thăm nhiều nhất, ngài kêu lên từng đứa, bắt nằm sấp xuống. Rồi quấn xong điếu thuốc cẩm lệ, ngài vung roi mây quất sàn sạt xuống bắp chân mỗi đứa, vừa đánh vừa hài ra địa vị của cha hắn: "Con bộ trưởng mà rứa hả, con bác sĩ con ty trưởng cảnh sát mà ri hả, tau đập cho mà nhớ, tau đập cho mà chừa, v.v."
   Bên cạnh việc học thầy còn có học bạn. Như đã viết ở trên, ngồi kế bên tôi năm Đệ tứ trong phòng étude lớn là thầy Hoàng, sau này đi trọn đường tu, làm cha. Thân phụ của thầy lúc đó cũng là hạ sĩ quan như ba tôi, nên chúng tôi rất thân nhau; tôi học hỏi được nơi thầy rất nhiều. Ngồi sau lưng tôi là thầy Lanh, thích viết văn và hướng dẫn tôi làm thơ, về sau xuất. Không hiểu sao lớp của các thầy đang học chương trình Việt lại bị bắt sang học chương trình Pháp nên các thầy phải cố gắng rất nhiều. Lớp này đá banh rất giỏi, làm nồng cốt đội banh của trường, nhất là thầy Nhơn mà nghe nói sau này làm giám mục. Còn các lớp chủng sinh khác như của thầy Huy, thầy Hiệu, (về sau làm cha, có người làm giám mục), vẫn học chương trình Việt. Cùng học một thời với tôi, tuy khác lớp là cha Nguyễn Văn Lý, và các linh mục nhóm Nguyễn Kim Điền trong đó có cha Giản, con của bác Nhạc, chủ lực của Khối 8406 sau này. Tôi tin rằng lối giáo dục của trường Thiên Hựu cũng như tình trạng học chung chơi chung giữa người tu và kẻ tục của chúng tôi suốt ngày đêm dưới một mái trường đã ảnh hưởng ít nhiều lên các vị ấy.
   Thiên Hựu còn để lại trong tôi những bài học căn bản về nghệ thuật. Lớp hội họa của thầy Phi Hùng. Lớp âm nhạc của thầy Lê Quang Nhạc. Hai vị đều là danh sư. Cũng tại đó, tôi viết nên những bài thơ bài văn đầu tiên đầy mơ mộng cuộc đời hoặc nhớ thương vơ vẩn. Những ngày giá rét như lạnh từ trong xuơng lạnh ra, những đêm trăng sáng vằng vặc như trời buông lụa bạc khắp chung quanh. Mùa đông, ở trong phòng ngủ rộng hay phòng học lớn của học sinh nội trú cho cảm giác buồn xa vắng và nhớ mênh mông. Những bữa tối trời, ăn cơm xong đi dạo ở sân banh, đom đóm bay đầy. Trời sắp vào hạ, lang thang trong sân trường trong tai đầy tiếng ve ran mới thấy lòng nôn nao mong cho mau hết năm học để được về với thôn làng, tắm sông dạo đồng, lang thang trên đường quê với các bạn trai gái. Mỗi lần hè tới, cuốn lưu bút đầy những lời trêu ghẹo, nhắc nhở kỷ niệm và hẹn hò chia tay thắm thiết: Mi đi tau nhớ mi đi! Chỉ tiếc những trang giấy ấy đang nằm đâu đó theo mấy chục năm can qua, tị nạn chiến tranh, lưu lạc giang hồ, tù ngục rồi vượt biên. Thiên Hựu cũng dạy cho tôi những bước diễn tập quân sự ắc-ê un deux trois quatre, dưới sự huớng dẫn rất nhà nghề của linh mục cựu quân nhân Etcheren, để chuẩn bị cuộc diễn hành của học sinh các trường theo thông lệ ngày quốc khánh 26.10 hằng năm tại Phu Văn Lâu.
   Tôi gọi là "nằm đâu đó" vì trong cuộc đời mình, chẳng có gì mất hút. Mọi sự không hiện lên trong ý thức thì chúng nằm đâu đó trong cõi tiềm thức. Và đêm nào đó bỗng dưng thảng thốt vì nó chợt tái hiện trong giấc mơ. Hết năm Đệ nhị, thi đỗ Tú Tài I, gia cảnh thay đổi khiến tôi phải sang học một trường bán công. Cũng chỉ ở đó được mấy tháng, vì không chịu nổi cảnh xô bồ, tôi đành bỏ về nhà tự học để thi Tú Tài II theo diện thí sinh tự do.
    Cha Tôn mấy năm sau cũng rời trường, sang làm cha sở họ Phanxicô ở gần đó. Bác Nhạc mà cuộc đời gắn bó với Thiên Hựu, cũng rời trường dưới thời cha Nguyễn Tiến Huynh, trong sự buồn tiếc của nhiều người vì bác là "bộ nhớ" của trường. Thời làm hiệu trưởng, cha Nguyễn Văn Thành cũng đồng thời là tuyên úy cho Liên đoàn Sinh viên Công giáo mà tôi làm chủ tịch. Rồi sau đó, cha rời cuộc sống tu trì, mới qua đời cách đây vài năm ở Thụy Sĩ. Thầy Nam làm linh mục quản xứ Quán Ngang Gio Linh. Thầy Hàm làm tuyên úy Tiểu khu Quảng Trị. Thầy Trọn làm cha sở Quảng Biên ở mé ngoài Hố Nai. Trước 1974, nhờ làm cán bộ của Phong trào Công lý & Hoà bình và Công giáo Tiến hành của Tòa Tổng giám mục Huế, tôi thường có dịp gặp lại các “nhà tu hành” cũ khi đi công tác giáo xứ.
   Năm 1999, từ Canada về Huế, một trong những nơi tôi nhất định phải "hành hương" là trường Thiên Hựu. Nhưng rồi khi đi ngang đường Nguyễn Huệ, tôi không dám vào vì thấy trường xưa nay treo bảng Đại học Khoa học. Đứng bên vệ đường, tôi ngậm ngùi tưởng tượng mình sẽ trả lời ra sao nếu lúc này có đứa con trai độc nhất đứng bên cạnh, yêu cầu dẫn vào thăm ngôi trường ba nội trú ngày xưa. Làm sao tôi có thể dẫn con vào đó khi vận mệnh của ngôi trường cũ đã đổi thay theo vận nước và chung chia số phận với những cha những thầy giảng dạy cùng những học trò từng ngồi trong đó.
   “Quốc phá sơn hà tại” nhưng cảnh cũ chỉ còn trong tâm tưởng, người cũ không biết nay về đâu. Tôi chỉ còn lại trong mình bài học được từ trường xưa, đó là không nên chủ quan dựa vào sức mình mà phải biết trông cậy vào thánh ý quan phòng. Lồng trong bài học đó là hình ảnh của ngôi trường khả kính, linh mục và giáo sư đầy ân nghĩa và bạn bè chí tình mà tôi mang theo tâm thức để giữ tinh thần ung dung lạc quan khi phải sống trong tình thế ngặt nghèo ở trong nước, và sau đó, quặn mình đổi đời nơi hải ngoại.
    Cũng may còn có một số hình ảnh của trường Thiên Hựu trên mạng AnhK19.com. Còn ngôi trường Tương Lai Bồ Điền của tôi thì hoàn toàn biến mất dù một trong các học sinh của nó về sau làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Trường đã bị san bằng, mặt bằng của trường bị người ta cắt ra chia nhau; có lẽ vì đất ở địa điểm ấy được giá, nằm sát ngả tư quốc lộ và tỉnh lộ.
Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, tôi tin rằng khoảng mươi lăm năm nữa, khi cháu nội khôn lớn, tôi sẽ không còn chỉ vào lồng ngực mình mà nói ngôi trường Thiên Hựu ông nội học ngày xưa nay đang nằm ở đây, chỗ có trái tim ông. Với những gì hiện xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam, tôi chắc chắn đã tới lúc cái thiện chiếm ưu thế trên cái ác, vì đó là qui luật của cuộc sáng thế ngày càng tốt đẹp hơn và lẽ tuần hoàn vật cùng tắc biến. Và đang đi tới ngày tòa nhà có hình chữ U đó trở về với cái tên La Providence Thiên Hựu thuở trước.
Có ai dám đoan chắc sẽ không thể nào có một ngày như thế? Tôi nói đương nhiên có vì La Providence hay Thiên Hựu có nghĩa Trời lo, Thánh ý quan phòng của Thượng đế. Là Kitô hữu và cựu học sinh Thiên Hựu, tôi được gieo sâu trong lòng niềm tin vào thiên ý. Sẽ tới một ngày tôi dẫn cháu nội vào ngôi trường cũ, bên đường Nguyễn Huệ, trên đường lên An Lăng và qua An Cựu. Tôi sẽ chỉ cho cháu thấy những chỗ ông nội nằm ngủ, ngồi học bài, làm thơ, diễn kịch, đá banh, chơi bóng rổ bóng bàn, v.v. Và đây là nơi cha Tôn thường dựng xe mobylette rồi đứng vấn thuốc cẩm lệ ngó quanh, cha Lefas vừa đi vừa nói càm ràm với bộ râu đầy bụi phấn. Tôi sẽ dẫn cháu nội tới một cửa sổ ở cuối dãy bên phải. Ở đó, tôi sẽ kéo cánh cửa có buộc sợi dây thun xe đạp ra, và hai ông cháu cùng xem một cuốn phim Charlot do cha Oxarango cài đặt sẵn từ hơn sáu chục năm trước. 

N.U

No comments:

Post a Comment