Thursday, October 3, 2019

PHIM IL POSTINO. LE FACTEUR. THE POSTMAN


Tố Nghi
 
                                                             Pablo Neruda.watercolor portrait.
fabrizio-cassetta

Il Postino film

Pablo Nureda người Chí lợi, vừa gia vừa sĩ tùm lum - tư tưởng, chánh trị, triết học, văn thơ... danh sách  dài thoòng đọc mệt xỉu, chưa kể có dạo còn hành thêm nghề ngoại giao, đại sứ lãnh sự chi đó  - Nhưng làm thơ mới là nghề ruột, là cái thang cuốn đưa thẳng ông vào thi đàn.

Chữ tài liền với chữ tai một vần...
Tai thứ nhứt của Pablo là ưng mần thơ vì phụ nữ, cho phụ nữ. Ông khen chúng tới độ hổng còn chỗ cho đứa khác nhảy vào, tá lả khen từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Đờn bà con gái đọc thơ ông sướng mê tơi  Đám đực rựa đọc thơ ông thường nhảy nhỏm la làng. Đứa dùi đục chấm xì dầu thất kinh, kêu ầm chuyện dục tình nhầy nhụa (3-4 X là ít). Đứa cởi mở phóng khoáng cũng kêu ầm, rằng ông thi sĩ kiêm triết nhơn biết chiêm ngắm và thưởng thức cái đẹp thương đế tạo ra rồi ban cho nhơn loại. Đại khái tùy góc đứng ngó vào mà độ cảm nhận độc giả đã khác nhau.

Sự việc Nureda bợ giải Nobel văn chương 1972 phải được hiểu như là... thơ ông có tầm vóc thứ thiệt thứ dữ, là thơ phải được đọc và hiểu trong ý tưởng văn chương nghệ thuật, chớ hổng chơn cẳng nông cạn tầm thường theo kiểu đạo đức giả của đám khí tồn tại não ! Nói nào ngay, cái tai này giúp Pablo đắt đào, ông thi sĩ bị đờn bà con gái túm lấy giựt lông tóc, xé áo quần giữ làm kỷ niệm, chen lấn xô đẩy ồn ào thiếu điều cản trở lưu thông công cộng đường phố luôn !

Tai thứ nhì của Pablo là khuynh hướng xã hội maxism thiên tả, làm ông một thời gian phải xa xứ lưu vong. Pablo chết năm 1973 vì bịnh tật, nhưng có tiếng đồn rằng ông bị chánh quyền Pinochet thanh toán vì chánh kiến. Vài ba năm trước đây, nghe nói toà án đã cho quật mộ để giảo nghiệm tử thi theo lời yêu cầu của gia đình thi sĩ, nhưng rồi kết quả cũng chẳng tới đâu.

Trong thời gian lưu vong, có dạo Pablo Neruda sang sống tại đảo Capri đất ý.
Phim Il Postino lấy bối cảnh giai đoạn này, nhưng khung cảnh không ở Capri mà một hòn đảo hoang vắng, dân tình thưa thớt, nghèo và ít học, phần lớn sanh sống bằng nghề chài lưới.
Phim khởi đầu với hai cha con nhà Mario. Cả Đẫn sống với ông bố góa mỗi bữa mỗi làu bàu chuyện phải kiếm việc làm. Ở rẻo đất ngư phủ nọ mà cơ thể kị ẩm ướt, hắt hơi sổ mũi, khật khờ say sóng thì khỏi có vụ ra khơi, nên dzồi Đẫn kinh niên thất nghiệp, và dĩ nhiên là... ế vợ ! Rồi ở không cũng buồn, Đẫn xách xe máy đạp lòng vòng cà rông lối xóm.

Thi sĩ Neruda dọn tới làng, mang theo nàng thơ Maltide - số thứ tự của nàng trong cuộc đời thi sĩ hổng nghe khai báo ra -  ẩn cư trong một ngôi nhà hẻo lánh tuốt trên sườn đồi hướng ra bờ biển vắng. Đây là biến cố có tầm vóc trọng đại, đáng để toàn dân làng hãnh diện lây. Rồi hệ thống bưu điện làng, xưa nay vốn im lìm ế ẩm, thinh không bận rộn khởi sắc. Trạm bưu điện trước giờ chỉ có mỗi trạm trưởng đứng tại chỗ phát thư, chừ phải mướn thêm người đạp xe giao thư trên triền núi. Thư từ tới tấp về làng từ khắp cùng thế giới. nhiều tới độ mỗi bữa mỗi phát mới kịp ! Lương bưu tá tài tử thiệt hổng bao nhiêu, chỉ đủ uống cà phê và coi chớp bóng, nhưng sẽ có “lì xì”. Đẫn vui vẻ ký giao kèo (... miệng) rồi nghe ngài trạm trưởng, thiên tả từ máu thiên ra, ân cần dặn dò lên lớp, rằng... qua sao cũng đặng, nhưng từ đây em phải nhớ hô qua bằng sir theo đúng phẩm trật cho có trên có dưới heng em !

Và phim bắt đầu với màn Cả Đẫn mỗi bữa mỗi gò lưng đạp xe lên đồi giao thư cho thi sĩ (đang chờ giải Nobel văn chương). Hoàn cảnh sống của thi sĩ và bưu tá hoàn toàn khác biệt,  một trời một vực lắc lơ xa, nhưng rồi hạnh duyên dun rủi và tình bạn đâm chồi. Cuộc đời Cã Đẫn thinh không quẹo cua rất gắt, được thi sĩ nắm tay dẫn vào vườn hoa văn học, được gà thơ cho tán gái, và teng teng teng tèng...giữa phim có màn Đẫn theo em Beatrice dzìa dinh - cái quán nhậu nhỏ của cô nàng, một bà sồn sồn dốc lòng trông cậy chúa -

Nếu coi phim chỉ để theo dõi diễn tiến một chuyện tình - tình có hậu của Cả Đẫn Mario và kiều nữ vừa đẹp vừa sexy Beatrice - thì Il Postino có lẽ chỉ vậy vậy. Nhưng cái triết lý của Il Postino đậm nét khôi hài đen, dở khóc dở cười, của đám dân quê chất phác khi phải đối đầu với những vấn đề oái ăm xã hội. Trạm trưởng giảng cho Đẫn về quyền làm chủ tập thể "nhơn dân phải ý thức quyền lợi của mình mà vùng dậy, tháo gông cùm áp bức dành lấy tự do... bla bla bla...". Chuyện lấp biển vá trời này dĩ nhiên Đẫn ấm ớ nên thắc mắc : Xếp cho em hỏi thiệt, chỗ khác hổng biết chớ chỗ mình nè, sau khi nhơn dân giành được quyền làm chủ rồi thì sao nữa, cái chi sẽ xảy ra. Dĩ nhiên ở hóc bà tó, chó ăn đá gà ăn muối nớ thì... tập thể chẳng có chi để phải giành dực ráo nạo, nên rồi trạm trưởng đực ra vì ngoài tầm hiểu biết ! Đối thoại trong phim làm khán giả bật cười, nhưng cười xong thấy cổ họng khô chát !

Rồi thi sĩ về xứ, để Đẫn mình ên với nàng thơ Beatrice. Đẫn biên thư báo cáo tường trình " Khi bác đi cháu tưởng như tất cả sẽ đi theo bác, nhưng ngẫm nghĩ rồi, cháu biết bác còn để lợi một điều..." Và một điều ấy chính là nàng thơ nghệ thuật. Đẫn báo cho thi sĩ biết mình sẽ về thủ đô tham dự ngày biểu dương lực lượng của đảng cộng sản, "cháu sẽ đọc một bài thơ, và bác sẽ nghe nó trong truyền thông báo chí" Nhưng... bài thơ chưa kịp đọc lên thì tác giả của nó đã sang thế giới bên kia.
Phim kết thúc với một nốt nhạc trầm, thi sĩ trở về chốn cũ... bới trong tro tàn tìm ánh sao xưa... rồi ngơ ngẩn ngậm ngùi, Nàng Thơ vẫn còn đó mà sao đã tắt ánh mịt mờ !


*

Nói tới nhạc viết cho phim ý người ta nghĩ tắp lự tới Enrico Moricone. Ông nổi tiếng vì nhạc hay đã đành, nhưng còn vì dòng nhạc của ông đều và vững, hổng trồi sụt theo thuở theo mùa (như đám ngồi xổm, tính khí bất thường vì chu kỳ kinh nguyệt)
Một nhà soạn nhạc ý có thể bạn hổng biết, chưa biềt vì hổng để ý : Nhạc sĩ Luis Baclov. Ông người ý nhưng gốc gác Á căn đình, nơi phát xuất điệu tango nóng bỏng ướt át.
Luis Bacalov viết nhạc cho phim Il Postino. Bản nhạc đề của Bacalov đã giành về cho Il Postino một oscar âm nhạc. Nhạc phim sau đó còn được Bacalov thay đổi thêm bớt rồi ra dĩa, và dĩa này cũng đoạt giải âm nhạc luôn.
Bản nhạc dậy đình dậy đám với nhạc cụ Bandoneon, nôm na là tiểu phong cầm hay đờn ôm, hay piano kéo - để phân biệt với piano gõ tức dương cầm -
Bandoneon từa tựa như accordeon (phong cầm) nhưng vóc dáng nhỏ hơn và cách chơi có khác. Tuy chào đời tại Đức - bandoneon là gọi theo tên người khai sanh ra nó : Heinrich Band - nhưng trưởng thành tại Argentina, là nhạc cụ thích hạp cho dòng nhạc tango trữ tình (theo như ý kiến chung từ nét).

Hồi đó giờ tui yên trí hai cái ÈON nớ (bandonéon và accordéon) là anh em ruột thịt, nay té dza tuy chúng cùng họ, họ sáo woodwind, nhưng là anh em rất xa.
Về kỹ thuật, cả hai tương tợ như nhau. Thùng đờn của chúng là một hộp kín với thành hộp xếp lớp như nan quạt. Chơi đờn là kéo ra kéo vào cái thùng đờn nớ cho nó co dãn, không khí bên trong bị ép lợi thành gió, rồi thổi lùa qua các phiến kim loại thiếc bên trong để chúng rung lên và phát tiếng. Tiếng động phát ra có thanh âm trầm bổng tùy độ rung, tức tần số âm thanh.
Kéo hai cái Éon nớ, hai tay phải cần nhiều thể lực, hổng chỉ dẻo dai khéo léo của ngón tay (kêu bằng chạy ngón) để bấm nút tức phím đờn, mà còn cần cả sức mạnh của cẳng tay và bắp tay đậng mần màn "nổi gió"

Vậy chúng khác ra sao ?
Thưa khác ở 3 điểm chánh sau đây:

1.
-Chơi accordeon có thể ngồi hay đứng. Cây đờn được đeo thẳng trên vai. Thùng đờn accordeon ngắn, sức lao động hổng cần nhiều.
-Dây đeo bandoneon ngắn, móc vào và kềm bằng tay. Thùng đờn lại dài quá khổ. Vì hổng đeo được trên vai nên bandoneon bắt buộc phải kê trên đùi trong tư thế ngồi, còn không thì đứng gác một chơn lên băng ghế rồi đật đờn lên. Kéo bandoneon do đó tốn nhiều sức hơn.

2.
-Tiếng accordeon là tiếng rung của 5 phiến kim loại. Mội phiến có tần số giao động xê xích nhau chút nẹo. Vì khác vậy nên tiếng accordeon là tiếng "vibrato", nên rồi tiếng accordeon dzéo dzắt. lắm khi lả lơi tới... nhầy nhụa.
-Trong bandoneon, chỉ có hai phiến thiếc rung để tạo âm, âm này chứa hai nốt cách nhau đúng một octave - nghĩa là cùng tên nốt theo kiểu... mình với ta tuy hai nhưng chỉ là một  - Tiếng bandoneon không phải vibrato, âm sắc của nó trong trẻo, tròn trịa, mượt mà.

3.
Cà accordeon lẫn bandoneon, tay phải chơi leading music tức tune nhạc, tay trái giữ phần đệm tức chơi hợp âm accompagnimant. Nhưng...
-Ở accordeon, các hợp âm đã được tính sắn và xếp chung vào một nút đờn, chỉ cần bấm nút này là nguyên hợp âm trổi lên. Đệm của accordeon là đệm giới hạn trong khuôn khổ. Trên bàn phím trái các nốt hợp âm được xếp thành ba nhóm và chỉ 3 nhóm mà thôi. Thí dụ hợp âm sol sẽ có sol major, sol minor và sol 7, nên rồi có muốn cũng không cách chi phăng te di đặng.
-Trong bandoneon, các nốt bấm riêng cho cả hai tay, vì thế bandoneon được ví như piano cầm tay có tổng cộng 72 nốt riêng biệt, trải dài trên 5 octaves - 35 nốt thấp bên trái và 37 nốt cao bên phải (72 phím ấy thực ra là 144 nốt lận, vì như đã nói mỗi phím có hai nốt cách nhau 1 octave)

Nhưng nhạc đệm viết cho piano có thể tinh tế tới phức tạp, mà ở bandoneon thì trái lại, rời rạc thô thiển. Nên rồi hầu như đã không thấy bandoneon trình tấu solo bao giờ. Cái khó nữa là... piano chỉ xài hai keys nhạc (khóa sol và khóa fa), còn bandoneon xài tới 4 keys lận. Đọc nhạc viết cho bandoneon hẳn hộc bơ. một cuộc chiến đấu mịt mờ tốn hao năng lượng rất mực.
Có lẽ vậy nên số lượng nhạc sĩ chơi bandoneon mới quá là khiêm tốn... Mãi cho tới khi nó được Astor Piazzola thổi vào luồng sanh khí mới bằng các tác phẩm viết riêng cho nhạc cụ này, làm bùng dậy dòng nhạc tango argentina hay tango nuevo, biến thể và cách tân từ dòng tango cổ điển. Bandoneon hẳn phải là niềm tự hào của dân nhạc Argentina.
Nói gần nói xa, tui hổng mặn mà chi lắm với đám Eon, nghe accordeon hay bandoneon một bản còn OK, sang tới bản thứ hai y phép nhảy nhỏm !

Sau đây là hai clip nhạc của Il Postino, một với toàn giàn nhạc và một với bandoneon solo.
Mới bạn đọc thong thả thưởng thức.



Một chi tiết đậc biệt khác về phim Il Postino :
Ánh sao của Massimo Troisy vụt sáng trên vòm trời nghệ thuật. Trong Il Postino, Troisi hổng phải chỉ là tài tử chánh (vai Mario) nhưng còn là thi sĩ (viết lời cho nhạc của Bacalov) đạo diễn và viết truyện phim. Troisi chết rất trẻ, mới 41 xuân xanh, vì heart attack, vỏn vẹn chỉ 12 tiếng sau khi phim hoàn tất, ông được đề cử oscar diễn xuất... posthumous.
TN





No comments:

Post a Comment