Friday, October 11, 2019

HAI TUYỂN TẬP, HAI TÀI NĂNG: NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH, TRỊNH Y THƯ


Phan Tấn Hải

Hai ấn phẩm của Nguyễn Thị Khánh Minh
và Trịnh Y Thư trong buổi ra mắt sách.

Từ trái: Lê Lạc Giao, Nguyễn Lương Vỵ, Hải Hồ, Tô Đăng Khoa,
Trịnh Y Thư (đứng), Nguyễn Thị Khánh Minh, Thu Vàng.

Hai tuyển tập nói nơi đây là tuyển tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh và tuyển tập tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” (ấn bản 2019) của Trịnh Y Thư. Cả hai người viết đều là những tài năng dị thường, nổi tiếng từ nhiều thập niên với các bút pháp độc đáo, uyên áo – và là hai chân trời cách biệt nhưng đều rất mực thơ mộng.
Hai tuyển tập trên cùng được Văn Học Press tổ chức ra mắt sách hôm Thứ Bảy 5/10/2019 tại quán cà phê Hạt Ngò ở Garden Grove, Quận Cam.

Thi tập “Ngôn Ngữ Xanh” của Nguyễn Thị Khánh Minh dày 210 trang, mở đầu là bài “Thơ về Thơ: Ở Đâu Một Ánh Mắt Để Có Ngôn Ngữ Xanh?” của Tô Đăng Khoa được dùng làm Tựa, với Phụ Lục của sách là các bài viết hay thơ của Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Xuân Thiệp, Đinh Cường, Vũ Hoàng Thư, Đỗ Hồng Ngọc, Hoàng Xuân Sơn, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ, Đỗ Xuân Tê, Phan Tấn Hải, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Thanh Lương. Một tranh của Du Tử Lê được dùng làm phụ bản đầu sách. Và phần chính tuyển tập là thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, gồm ba phần: “Phần 1: Phút Mong Manh Giữa Những Từ” với 33 bài thơ; “Phần 2: Ký Ức Xanh” với 20 bài thơ; “Phần 3: Ngôn Ngữ Xanh” với 32 bài thơ.
Trong phần Tựa, bài viết “Thơ về Thơ: Ở Đâu Một Ánh Mắt Để Có Ngôn Ngữ Xanh?” của Tô Đăng Khoa có một nhận xét, trích:
“...Gói ghém trong tập Ngôn Ngữ Xanh này là cái nhìn và quan niệm (rất riêng tư) của Nguyễn Thị Khánh Minh về Thi Ca.  Chính cái nhìn và quan niệm thi ca này là nguồn sáng tạo cho các tác phẩm trước đây của Nguyễn Thị Khánh Minh, lần đầu tiên sẽ được Nguyễn Thị Khánh Minh bày tỏ cùng độc giả qua tác phẩm Ngôn Ngữ Xanh. Chính vì thế tập Ngôn Ngữ Xanh, mà thực chất là “Thơ về Thơ” không phải là một lối chơi chữ, vì suy cho cùng chủ đề cao tột nhất của Thi Ca chính là Thi Ca.” (Ngôn Ngữ Xanh, trang 13-14)
Trong khi đó, nhà thơ Lê Giang Trần qua bài viết “Ngôn Ngữ Xanh Thơ Mộng Nguyễn Thị Khánh Minh” ghi nhận về thi tập này, trích:
 “…Nguyễn Thị Khánh Minh có biệt tài chuyển những ý tưởng thay vì phát biểu bình dị về một biểu cảm, thành ra một câu chữ văn chương mượt mà tươi đẹp đầy thơ mộng, chan chứa nét lãng mạn trong sáng, không riêng về tản văn mà cả thi phú; nhưng tôi không đặt thơ Nguyễn Thị Khánh Minh vào trường phái Lãng Mạn, mà, tôi thích gọi là trường phái Thơ Mộng, mặc dù xuyên qua lịch sử thi ca chưa có trường phái nào gọi là Chủ Nghĩa Thơ Mộng cả.” (NNX, trang 162)
Từ một góc nhìn khác, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Lương qua bài viết “Là Thi Sĩ, Bạn Tôi” ghi nhận về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, trích:
 “…Vâng, tôi rất chủ quan mà nói rằng Khánh Minh không phải là một nhà thơ bình thường mà là một nữ thi, văn sĩ tài năng. Như thể chị được phó thác một khả năng kỳ diệu, biến hóa tâm tình của mình qua ngôn từ thật chân mỹ, kỳ hoặc… nhưng ăm ắp chất thơ mà hẳn chúng ta ít nhiều ai cũng cảm nhận như thế? Tôi cảm thấy như tìm được mình qua những bài thơ có tính cách tự sự của chị, và như vậy cả tác giả và người đọc như có một giao cảm, không còn cảm thấy là kẻ độc hành trong bãi sa mạc tâm linh hun hút đó.” (NNX, trang 196)
Tập thơ Ngôn Ngữ Xanh có thể xem như tuyển tập gồm ba thi tập của Nguyễn Thị Khánh Minh. Không chỉ rằng ba phần, xem như ba thi tập, mang những không khí thơ mộng riêng, nhưng từng bài thơ một, và thực tế, từng mỗi hai câu hay mỗi bốn câu thơ của chị cũng có sức mạnh riêng. Có những khi, tôi đọc thấy chữ trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đầy ẩn mật sâu kín, như chạm được những nỗi đau của cõi người. Vâng, đôi khi như thế. Chữ của chị đẹp rực rỡ, rất mực tráng lệ, nhưng cũng đầy đau đớn, của những gần nhau và xa nhau. Vâng, đôi khi. Đọc xong một bài thơ của chị, đôi khi tôi ngẩng đầu lên và nhìn thấy những nỗi buồn bay lơ lửng trên giấy – những nỗi buồn ẩn hình như sương, như khói.
Sau đây là trích một bài trong Ngôn Ngữ Xanh của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.

VÂNG. TÔI ĐÃ RẤT ĐẦY...
   
Ơn đời nhau. Hạnh Phúc
Vâng, tôi đã rất đầy
Chỉ thiếu một hạt lệ
Dỗ dành nhau. Phút giây
   
Cạn ly này. Niềm Vui
Đã mềm môi vị ngọt
Gai đời kia có xót
Âu chút trần gian thôi...
  
Xin cảm ơn bóng đôi
Vâng, tôi đã rất gần
Chỉ thiếu một khoảng cách
Để chia cùng xa xôi
  
Này một chấm. Huyễn hư
Vẽ cho tôi. Cùng trời
Mai kia một vòng ôm
Tạ lòng nhau. Cuối đất
2019
(NNX, trang 126)

Trong khi đó, Tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” của Trịnh Y Thư là một chân trời thơ mộng khác. Sách ra mắt hôm Thứ Bảy 5/10/2019 là ấn bản mới của năm 2019, có nhiều thay đổi so với ấn bản 2012, trong đó Trịnh Y Thư có nhiều bài đã khai triển thêm ý, viết thêm lời, đưa thêm vào sách một số bài viết mới và lấy ra một số bài viết không hợp thời gian tính.
 Tạp bút “Chỉ Là Đồ Chơi” dày 280 trang, nhiều hình ảnh màu trong sách, bên cạnh hơn hai mươi bài tạp bút của Trịnh Y Thư còn có phần Đối Thoại, trong đó có nhà văn Lê Quỳnh Mai với “Mạn Đàm Cùng Nhà Văn Trịnh Y Thư”; có nhà văn Trangđài Glassey-Trầnguyễn với “Lại chuyện ‘đồ chơi’ với Trịnh Y Thư”; có nhà văn Hồ Đình Nghiêm với “Y Thư và thơ văn”… Và Phần Cảm Nhận với nhận xét về văn chương Trịnh Y Thư nhìn từ Cung Tích Biền, Du Tử Lê, Trùng Dương, Trịnh Cung, Phan Tấn Hải, Nguyễn Thị Khánh Minh, Bùi Vĩnh Phúc, Trần Mộng Tú, Phạm Xuân Đài, Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Hưng, Trương Vũ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Lương Vỵ, Thu Vàng, Vũ Hoàng Thư, Đặng Mai Lan, Nina Hòa Bình Lê, Phan Thị Trọng Tuyến, Thận Nhiên, Đặng Thơ Thơ, Trần Thị Nguyệt Mai, Liên Hải, Đỗ Anh Hoa, Tiểu Bích, Tử Khâm, Nguyễn Thị Thanh Lương.
Nhà bình luận Bùi Vĩnh Phúc đã ghi cảm nhận về Trịnh Y Thư, như sau:
Dù viết về vấn đề gì, từ văn chương đến nghệ thuật nói chung, từ hội họa đến âm nhạc, từ chuyện ngồi quán cà-phê ở Mỹ đến chuyện đứng trước cổng Bắc thành Hà Nội, từ vấn đề cụ thể như chuyện ngồi ăn lại mấy cái bánh tẻ/bánh răng bừa ở làng Phụng Công, chuyện những mái chùa ở Việt Nam, cho đến những vấn đề mang tính trừu tượng như đưa ra một giả định về cụ Nguyễn Du, hay nói chuyện “văn chương thời quỷ ám,” chuyện dịch văn học, v.v… Trịnh Y Thư đều có những phát hiện tinh tế, những suy nghĩ giàu “chất xám.” Chỉ là đồ chơi tập hợp những bài viết tương đối ngắn gọn, nhưng có hàm lượng tri thức, trình bày được những cái nhìn riêng và khuôn mặt tinh thần của tác giả.” (Chỉ Là Đồ Chơi, trang 258)
Nhà văn Phạm Xuân Đài ghi cảm nhận về văn chương Trịnh Y Thư:
Thể thơ Lục Bát đã kết tinh như thế nào vào tâm hồn người Việt Nam để có những tác phẩm vĩ đại nhất, và nó đã phai nhạt đi ra sao trong hứng thú của người làm thơ hôm nay? Đó là một câu hỏi lớn và khó trả lời.
Tác giả Chỉ là đồ chơi đã phải đi một vòng quanh thế giới sáng tạo nghệ thuật, từ thơ hài-cú của Nhật Bản, sang Dante, Shakespeare… với thể thơ Sonnet cổ của châu Âu, thậm chí ghé mắt vào quá trình sáng tác nhạc cổ điển Tây phương trong mấy thế kỷ qua, để tìm lời giải đáp.
Kết quả, Lục Bát vẫn là vốn quý của Việt Nam, nó không bao giờ là món đồ cổ chỉ đáng xếp vào viện bảo tàng, sức sống của nó vẫn tiềm ẩn dồi dào. Nhưng bằng chứng thú vị và thuyết phục nhất lại nằm ngay trong bút danh Trịnh Y Thư, một bí mật mà nếu chính tác giả không tiết lộ thì ai biết được tên đó lại do từ lòng yêu thương Lục Bát mà ra!” (CLĐC, trang 259)
Những độc giả ở xa Quận Cam có thể chưa biết rằng Trịnh Y Thư cũng là một nhà soạn nhạc tài năng. Ca sĩ Thu Vàng ghi cảm nhận về anh như sau:
Được đọc một số tác phẩm của Trịnh Y Thư, tôi nghĩ anh hẳn là người yêu chuộng cái đẹp trong mọi ngõ ngách của cuộc đời. Đó là lý do mà anh đã phiêu du khắp các lĩnh vực: văn chương, thơ ca, âm nhạc, dịch thuật, hội họa… mà lĩnh vực nào cũng thấu đáo, ngọn ngành. Anh là một tác giả rất cẩn trọng, cầu toàn.
Được hân hạnh hát ca khúc Thao thiết sông dài của anh lúc còn chưa ráo mực, tôi đã cảm nhận, đây là một “Dạ khúc” với lời nhạc thi vị, giai điệu êm đềm, tiết tấu không đều, hơi cầu kỳ. Càng hát nhiều, càng đi sâu, tôi càng thấy sự thâm thúy, tân kỳ của khúc nhạc. Tôi bỗng nhớ đến những bài viết về âm nhạc đầy trân trọng và cảm mến trong cuốn tạp bút Chỉ là đồ chơi. Phải chăng anh đang âm thầm hướng đến con đường các bậc đàn anh như Vũ Thành, Cung Tiến, Lê Văn Khoa… đã cố gắng để âm nhạc Việt Nam không dừng lại chỉ với những cung điệu quen thuộc mà sẽ dần được đưa vào tầm mức của nền đại nhạc thế giới.” (CLĐC, trang 261)
Độc giả có thể không nhớ một sự kiện trong văn học hải ngoại nhiều năm trước: nhà văn Nguyễn Mộng Giác truyền ngôi điều hành tạp chí Văn Học cho Trịnh Y Thư. Có thể hình dung, y hệt như Vua Hùng Vương đời 17 truyền ngôi cho Hùng Vương đời 18. Nghĩa là, không thể có Hùng Vương đời 19, vì Internet đã và đang khai tử các tạp chí văn học in trên giấy.
Nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến trong phần cảm nhận đã nhắc:
Từ khi Trịnh Y Thư nhận trách nhiệm tiếp tục công trình của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, phục hồi Văn Học, nhiều người đã nghe tiếng vọng, thấy bóng phượng hoàng vỗ cánh bay lên từ tro tàn.
Vâng, hình như tôi cũng nhìn ra một chút xíu tôi trong lời trần tình. Chỉ là đồ chơi. Như một thứ tuyên ngôn sẽ lôi cuốn được người đồng điệu. Sẵn sàng ký vào tuyên ngôn ấy, dù tôi cũng thích tạo đồ chơi như anh, nhưng thiếu hy vọng cùng đam mê và tài năng, lại không đủ lạc quan, nên chỉ mong đứng xa xa thưởng thức mọi thứ đồ chơi không ngừng được sáng tạo trên cõi đời này.
Mong rằng anh sẽ càng lúc càng thành công, mùa xuân rồi sẽ trở lại trên bầu trời văn chương.” (CLĐC, trang 263-264)
Nhà thơ Vũ Hoàng Thư ghi cảm nhận rằng không chỉ là đồ chơi đâu, anh Trịnh Y Thư ơi, vì:
Qua hai mươi bài tạp bút thâm trầm sâu sắc, và ba cuộc phỏng vấn sinh động, Trịnh Y Thư khi nghiêm trang, khi dí dỏm, dẫn người đọc vào trăm ngàn thế giới kỳ biệt của văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc… Sao gọi Chỉ là đồ chơi? Những đề tài lớn của văn học, những âm ỉ lưu hoàng của khúc mắc cuộc đời được Trịnh điểm vào chánh huyệt bằng một bút pháp tài ba đa dạng, linh hoạt tới ngạch nguồn. Dấu ấn để lại trong lòng người đọc: Lưu vong nhưng không vong tính. Hồn Việt bàng bạc trong hơn 260 trang giấy như nguyệt rằm trên cao. Bóng nguyệt đôi khi tan vỡ trên mặt duềnh vì biến động ngoại cảnh, vầng trăng kia vẫn muôn đời sáng dáng nơi đáy nước, Mizu no tsuki (Choshu). Như Tính Việt. Như chữ Việt.”(CLĐC, trang 261)
Và sau đây là cảm nhận của Phan Tấn Hải:
Chữ nghĩa của Trịnh Y Thư như khắc chìm vào giấy, đầy ẩn mật, và tôi phải đọc sách họ Trịnh rất chậm, lật từng trang giấy rất khẽ, đôi khi áp sát tai vào giấy để nghe cho kỹ âm vang chữ của anh. Đọc Trịnh Y Thư, chúng ta có thể vấp trên chữ. Như tôi đã từng khựng lại, đọc nhiều lần để ngấm từng hồn chữ, và rồi nghiêng xuống trang giấy để nghe âm vang chữ… Và do vậy, với từng tác phẩm, dù là thơ, tùy bút, truyện hay dịch, Trịnh Y Thư đầy tinh tế và ẩn mật, với những hình ảnh và âm vang rất lạ, luôn luôn mới, luôn luôn làm chúng ta kinh ngạc.”(CLĐC, trang 256-257)
Độc giả muốn tìm mua hai tác phẩm trên, có thể liên lạc về nhà xuất bản Văn Học Press qua email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press.

PHAN TẤN HẢI

No comments:

Post a Comment